Nhờ sự khởi xướng và dẫn dắt của Pháp sư Bảo Đăng, tôi đã có cơ duyên đi theo các vị cư sĩ Hồng Khoan Đào, Trương Hoàng, Thôi Thường Tường thực hiện các bài diễn giảng phổ thông tại Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc. Trong đó, theo đề nghị của cư sĩ Chu Phi, năm chủ đề của các bài giảng sau khi chỉnh sửa đã được đăng trên Nguyệt san Cội Bồ đề. Tiếp nữa cư sĩ Ngu Triệu Hưng, Trần Chí Vĩ,… lại đề xuất tập hợp các bài đăng này để thuận tiện trong việc xuất bản lưu hành. Với tất cả những nhân duyên kể trên, tập sách này mới có thể ra mắt quý độc giả. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các nhà khởi xướng, các nhà tài trợ và những người đã phát tâm in ấn, phát hành tác phẩm này.
Mục đích của các bài diễn thuyết phổ thông là nhằm xóa bỏ những hiểu lầm của người bình thường về Phật pháp, giúp họ hiểu được ý nghĩa thực sự, khơi dậy chính tín và có được lợi lạc từ Phật pháp. Thực ra tất cả giáo pháp đều không thể tách rời căn cơ và năng lực của người tiếp nhận, tùy vận mà sinh khởi (vận chỉ cho thời đại). Vì vậy, sẽ chẳng có gì để nói nếu tách rời các giáo pháp ấy khỏi “thời” và “cơ”. Cho nên với khái niệm “người bình thường”, diễn giả phải dự liệu giả định ra một lớp người cụ thể nào đó, nếu không sẽ mắc phải sai lầm thuyết pháp không phù hợp với năng lực và căn cơ người nghe pháp. Đối tượng giả tưởng của tôi là những người đã được giáo dục khoa học, học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học, những người quan tâm đến các vấn đề vũ trụ nhân sinh và những người muốn theo đuổi chân lý của vũ trụ nhân sinh dựa vào lý trí nói chung. Từ đó, tôi sử dụng các ngôn ngữ văn tự và phương pháp tư duy mà thính giả quen thuộc để giúp họ hiểu được Phật pháp và khám phá những cách thức, con đường tìm cầu chân lý cũng như lợi ích của nó. Nhờ có tri thức mà chúng ta biết cách vận dụng kiến thức thông thường để nhận thức được chân lý. Tôi cho rằng “kiến thức thông thường” ngày nay cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở kiến thức khoa học. Dùng kiến thức thông thường này để nói rõ về Phật pháp, chính là tư tưởng “Phật pháp thường thức” (Commonsense Buddhism) mà tôi muốn đề xướng.
Tất cả các pháp đều không tách rời Phật pháp, kiến thức khoa học cũng không ngoại lệ. Truy tìm nguồn gốc của kiến thức khoa học thì có khả năng gặp được Phật pháp, ấy là điều có thể giải thích được. Vậy thì việc sử dụng niềm tự hào của thời đại - kiến thức khoa học - để giải thích rõ về Phật pháp, chắc chắn là cách phù hợp nhất với yêu cầu của thời đại. Ngược lại, nếu cố chấp vào các phương pháp cũ kỹ cố định để hoằng dương Phật pháp, thì e rằng tôn giáo này đã không được đại đa số những người có nền tảng giáo dục khoa học đón nhận. Nếu không tìm cách thích ứng với thời đại, Phật giáo sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một số rất ít người tin theo, và theo xu thế sẽ bị thời đại đào thải.
Phật pháp chú trọng thực hành. Nếu chỉ có “tri thức” thôi sẽ không đạt được lợi ích chân thực, tuy nhiên muốn thực hành và đạt được lợi ích, trước hết chúng ta nhất định phải bắt đầu từ “tri thức”, đặc biệt là với những người đã được giáo dục khoa học. Nếu không phân tích rõ ràng từ khía cạnh “tri thức”, họ sẽ không vội vàng tin theo. Nếu có thể nhận thức đúng đắn, ta ắt sẽ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hành. Vậy thì chắc chắn trước hết phải có niềm tin yêu và thấu hiểu rồi sau đó mới bắt đầu thực hành. Các pháp môn của Phật pháp lại càng vô cùng khác biệt (gọi là tám vạn bốn nghìn pháp môn). Bởi vì trong Phật giáo chỉ có các pháp hành trì phù hợp với trình độ và căn cơ của chúng sinh, không có giáo điều cố định bất biến. Cảm xúc của mỗi người đều có sự sai khác, không ai giống ai nên các phương pháp hành trì để đối trị chúng cũng vì đó mà không giống nhau. Tuy kiến thức của thính chúng có chênh lệch, ta vẫn có thể tìm được một đối tượng giả tưởng từ kiến thức khoa học đang thịnh hành của thời đại. Nhưng tâm tư tình cảm lại khác biệt đến từ thói quen sinh hoạt, giáo dục gia đình, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, cho đến cả tính cách bẩm sinh của mỗi người, nên ngoại trừ cách định hướng giáo dục riêng lẻ, hầu như không thể thiết lập một pháp môn thực hành mang tính phổ biến để thích ứng với mọi căn cơ thông thường. Nhưng về mặt nguyên tắc có thể nói thế này:
Thứ nhất, Phật pháp là lối sống hiện thực (Way Of Life). Đức Phật thuyết Bát Chính đạo để chỉ dẫn chúng ta nương theo đó để tu tập, đi thẳng đến diệu quả Niết bàn từ cuộc sống thường ngày, tức là sinh khởi, thọ nhận lợi ích từ con đường ấy. Nhưng hiện nay một số tín đồ Phật giáo chưa hiểu đầy đủ đạo lý này, nghĩ rằng tu hành (thực tế có nghĩa là sửa đổi hành vi) chỉ dành cho đời sau và không liên quan gì đến các hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn nhận như vậy là đã tách rời khỏi thực tế. Đối với mỗi cá nhân, làm như vậy sẽ không đạt được lợi ích chân thực của Phật pháp, còn xét từ góc độ của người khác, Phật pháp lại biến thành một thứ tôn giáo huyền bí, không liên quan đến cuộc sống thực tiễn của con người. Tất nhiên, điều này không phù hợp với nguyên tắc lớn nhất: “Pháp của Phật ở tại thế gian, không lìa thế gian mà được giác ngộ”.
Thứ hai, thời đại ngày nay khó tìm được một vị thầy giác ngộ chân chính, nhưng thiện tri thức thì không phải không có. Vì thế ta nên thường xuyên tiếp cận và khiêm tốn xin thỉnh giáo họ chỉ dẫn phương pháp hành trì đúng đắn. Nhưng cái chính vẫn là sự lựa chọn lý trí của chính mình. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng khuyến khích mọi người: “Cần dựa vào chính mình, nương vào giáo pháp, chớ dựa vào cái khác”. Trong đạo Phật thì “tri thức” và “thực hành” đều quan trọng và không thể tách rời nhau. Có được tri thức và tri kiến đúng đắn, tự mình có thể chọn lựa một phương pháp hành trì phù hợp với bản thân. Tóm lại, về phương diện thực hành, ta không được xa rời hiện thực, đừng mơ mộng viển vông, phải tự biết bệnh mình và tự biết xử lý chúng, có vậy mới phát huy được tác dụng của việc thực hành. Vì vậy, về mặt này tôi chủ trương đề xướng “Phật pháp ứng dụng” (Practical Buddhism).
Ngoài tri thức và thực hành ra, điểm đến cuối cùng của Phật giáo là chú trọng thực chứng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nên ai cũng có thể thành Phật. Không có thực chứng thì tất cả những công đức thù thắng như Niết bàn, Bồ đề,… chẳng phải chỉ là hư danh hay sao? Thực chứng lìa mọi ngôn thuyết văn tự, nếu dùng thuật ngữ khoa học để diễn giải việc này thì đó là không gian bốn chiều xa rời thời gian và không gian. Không cần dài dòng, điều quan trọng phải nói ở đây đó là: Từ tri thức, từ thực hành, ắt có thể thực chứng được thực tướng của vũ trụ nhân sinh.
Nay tôi mượn cơ duyên xuất bản tập sách để trình bày với độc giả về động cơ và mục đích của những bài giảng này. Hy vọng rằng quý bạn đọc không chê cười lời văn thô thiển chưa trau chuốt, hoặc đừng vì tác giả thấp cổ bé họng, lời nói không có trọng lượng mà xem nhẹ nó. Suy cho cùng, chân lý chỉ có thể tự cầu tự đắc, văn tự câu chữ bên ngoài chỉ là trợ duyên cho những người tìm cầu chân lý mà thôi!
Cuốn sách này đã được hai vị Pháp sư Diệu Nhân, Diệu Cảnh và cư sĩ Thạch Thuần Phúc đọc và chỉnh sửa, lại được đại lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đề tựa, khiến cho tác phẩm này càng thêm phần sinh động. Nhân đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng chân thành tới quý vị!
Tháng 2 năm 1966
Vô Hư kính ghi!