Nhiều bà mẹ hay hỏi mình: Chị ơi, em cảm thấy mình dành ít thời gian cho con quá. Em đi làm về phải lo bếp núc, ăn uống. Ăn xong thì con buồn ngủ rồi (kèm theo là vô số icon mặt buồn).
Lời gợi ý của mình luôn là: Đừng lo, thời gian bên con được đo bằng chất lượng. Và nữa, hãy nghĩ đến việc tích hợp các hoạt động. Ví như khi mẹ làm bếp chẳng hạn, kéo con cùng vào luôn. Vừa trò chuyện, vừa dạy con được công việc bếp núc. Chẳng phải “nhất cử lưỡng tiện” là gì.
Nhưng làm thế nào để con có thể hợp tác cùng mẹ trong bếp? Dễ lắm, “mình thích thì mình chơi thôi”. Sau đây là những gợi ý của mình về các trò chơi trong bếp nhé:
1. Chơi với các nguyên liệu: Mình gần như chắc chắn rằng, bé nào cũng thích chơi với bột, với gạo. Bạn kiếm cái khay nhựa lớn, cho bé xúc ra xúc vào những nguyên liệu này. Hoặc có thể cho bé ít nước để nhào bột. Hơi lấm một tí nhưng không sao, bé sẽ rất vui.
2. Chơi với nước: Bạn múc một chậu nước và nhờ bé rửa hộ củ cải, cà chua, dưa chuột... rồi xếp ra rổ. Nhân tiện bạn nói với bé sự khác nhau giữa các loại củ quả về màu sắc, về hình dáng... Hỏi bé xem ăn chúng sẽ có vị thế nào... Hoặc nếu muốn “câu giờ”, bạn cho bé cái thìa, một cái chai và đố bé dùng thìa lấy được đầy nước vào chai. Đảm bảo bạn nấu xong rồi mà bé vẫn còn đang say sưa với trò chơi đó.
3. Chơi với nồi niêu: Đừng nghĩ nồi niêu chỉ để nấu ăn, khi cần bạn có thể làm nhạc cụ được. Bạn xếp ra, cho bé dùng đũa hoặc thìa gõ. Hỏi bé xem âm thanh của chúng có khác nhau không. Hoặc để cho bé nhắm mắt lại, bạn thử gõ rồi cho bé đoán âm thanh đó phát ra từ cái nồi nào. Vui lắm đó.
4. Sân khấu trong bếp: Nghe có vẻ buồn cười nhưng mà mình đã từng áp dụng và thấy rất hiệu quả. Trong học cụ Montessori có cái bàn rửa bát dành cho bé, một bên là chậu rửa, một bên có rèm kéo. Bé rửa bát xong có thể kéo rèm ra và “biểu diễn” luôn, khi thì hát, khi thì vẽ mặt hề (dùng nhọ nồi luôn nhỉ, hihi), khi thì dùng rối tay... Nếu bạn không có cái bàn kiểu vậy, bạn có thể tự tạo một cái rèm nho nhỏ ở một khoảng góc bếp, bé cứ chui vào đó mà làm sân khấu thôi. Khi ấy mẹ vừa nấu vừa làm khán giả nhiệt tình.
5. Hỗ trợ mẹ: Đừng lo bé còn nhỏ chưa thể làm gì. Bạn cho con nạo củ, xúc gia vị, nhặt rau, đập trứng, tìm nồi trong tủ, xếp bát ra bàn... bé làm được tất.
6. Dùng củ quả làm con dấu: Ôi trò này các bạn nhỏ mê lắm. Bạn có thể dùng củ cà rốt, khoai tây, quả táo, đậu bắp, cuống cần tây... xắt ra rồi nhúng vào màu và in lên giấy. Thế là có một tấm thiệp đầy tình yêu thương tặng mẹ rồi.
7. Chơi trò tìm đồ vật tương ứng. Trò chơi này sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ rất tốt. Mẹ dạy bé nhé:
Mẹ: Hỏi nào, hỏi nào.
Bé: Hỏi gì, hỏi gì?
Mẹ: Tôi cần rán cá.
Bé: Chảo đây, chảo đây. (đi tìm chảo)
Mẹ: Thịt đã kho xong.
Bé: Đĩa đây, đĩa đây.
Mẹ: Canh thơm phưng phức.
Bé: Bát đây, bát đây.
Mẹ: Nước cam đã vắt.
Bé: Cốc đây, cốc đây.
Mẹ: Cơm đã chín thơm.
Bé: Bát đây, bát đây...
Cứ thế, mẹ và bé cùng đối đáp. Bé vừa nói vừa đi tìm đồ vật tương ứng. Hoặc đổi vai để bé nói, mẹ đi tìm.
Thế là hai mẹ con đã có những giờ phút chơi mà học hiệu quả rồi.
Mẹ sắm cho bé một cái tạp dề nhé, để bé có cảm giác mình là một đầu bếp thực sự.
Và mẹ “sắm” luôn cho mình một tinh thần thoải mái để đối mặt với những “phiền toái” mà bé có thể gây ra khi quậy tưng bên cạnh bạn. Nhưng đổi lại bạn sẽ được những giây phút cực kì ý nghĩa.
Và như thế, cái góc bếp bé xinh không đơn giản chỉ là bếp. Nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm dịu dàng, êm đềm của cả nhà.
Để khi bé lớn lên, nhớ về góc bếp là nhớ đến những trò chơi mẹ bày thuở nhỏ, là nhớ về mẹ với trái tim đong đầy yêu thương.
Nơi đó, đến cả nồi niêu cũng có tâm hồn...
• Bạn có rủ con chơi cùng khi bạn làm bếp không? Những trò chơi mà bạn thường rủ con chơi cùng khi nấu bếp là gì?
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
• Bạn thử bàn bạc với con xem sẽ nấu món ăn gì con thích và ghi lại công thức ra đây nhé. Khi hoàn thành món ăn, bạn nhớ chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc con và mẹ đã chơi vui trong bếp như thế nào.
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................