Nam ơi,
Trong chuyến bay một mình đêm qua, mẹ đột nhiên úp mặt vào tay và từ đó, những dòng nước mắt cứ chầm chậm lăn ra. Khi ấy mẹ nhớ Nam quá chừng.
Mẹ nhớ những ngày thơ ấu, hai mẹ con rong ruổi cùng nhau qua những nẻo đường. Lúc nào cũng nắm tay nhau. Lúc nào Nam cũng muốn dụi đầu vào má mẹ, vào tóc mẹ. Lúc nào hai mẹ con cũng nghĩ ra những trò chơi bất tận miệt mài.
Mẹ cũng nhớ những khi mẹ đau khổ, mẹ hoang mang rằng không biết mẹ sẽ phải nuôi dạy Nam thế nào cho phải. Nhớ trận đòn mẹ đánh Nam trong lần Nam ngã, lần mẹ tưởng nhầm Nam nói dối…
Cứ thế, kí ức như thước phim lần lượt hiện qua.
Có nuôi Nam rồi mẹ mới thấu hiểu nuôi một đứa con là hành trình dài có cả đớn đau, sự vui mừng, niềm tự hào, nỗi lo lắng và hạnh phúc.
Có nuôi Nam rồi mẹ mới thấy việc học hỏi những điều từ những người đi trước là cần thiết. Đôi khi không phải để áp dụng mà chỉ để hiểu rằng: Có những giai đoạn “khó ở” của đứa trẻ, ai rồi cũng cần phải trải qua.
Có nuôi Nam rồi mới nhận ra thời gian là thứ đáng giá chừng nào. Phụ nữ Việt Nam vẫn còn hay phải mang theo bên mình những gồng gánh của thói lề xưa cũ: phải đảm đang, phải toàn vẹn, phải nuôi dạy con bởi nếu không sẽ là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Thành ra, chỉ có từng ấy thời gian trong một ngày nhưng phải sắp xếp sao cho hợp lý để thời gian bên con được nhiều nhất mà cũng mang lại hiệu quả cao nhất.
Thành ra, khi Nam còn nhỏ, mẹ rất thích đọc những lời khuyên thật ngắn gọn, dễ hiểu và dễ áp dụng. Cũng có lời khuyên trúng phóc, thấy có kết quả ngay. Có những thứ không đúng với Nam. Nhưng mẹ cũng không buồn, bởi mẹ biết, Nam khác, bạn bè Nam khác, những đứa trẻ xung quanh Nam khác.
Mẹ hay lọ mọ ghi lại những khoảnh khắc trong ngày, khi Nam cười lỏn lẻn, khi Nam biết thêm một việc gì mới. Tất cả những điều đó khiến mẹ biết Nam đang lớn lên từng ngày.
Giờ Nam lớn thật rồi, mẹ nhớ lại tất cả những cảm xúc xưa, những trăn trở mong muốn ngày xưa để có cuốn sách này dành cho các bà mẹ. Trong đó là những lời khuyên ngắn, đánh số theo 1, 2, 3… Trong đó là những bài học về “nghề làm cha mẹ”. Trong đó cũng có những phần dành cho các bà mẹ ghi lại nhật kí về con. Vì thế nó giống như một cuốn sổ tay. Tên của cuốn sách mà thực chất giống cuốn sổ này được đặt là: 1, 2, 3... và yêu. Nó như dấu mốc lớn lên từng chút, từng chút theo nhịp điệu 1, 2, 3…và theo suốt những dấu mốc ấy là tình yêu của bố mẹ.
Với riêng Nam, mẹ cũng có 1, 2, 3... và yêu… ngay tại trái tim mẹ.
Mẹ mong muốn rồi sau này khi Nam, bạn bè của Nam, các em nhỏ khác nữa khi trưởng thành, sẽ có giây phút ngồi lật giở lại những cuốn sổ như thế này. Và thấy quanh mình như có con chim sẻ hót, có bông cúc vừa nở, có hoa quỳnh tỏa hương… Dịu dàng như tình yêu của mẹ…
Trong những chuyến đi xa về gần, thật ấm áp biết bao nếu mỗi bà mẹ lại mang theo 1, 2, 3 và yêu… để thấy con mình luôn ở bên.
Mẹ nhớ Nam, “cuốn sổ tay” nặng kí nhất mà mẹ từng có trong đời…
Nam à…
Phan Thị Hồ Điệp