Bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể thành công đến đâu nếu không bắt tay tiến hành ngay lúc này. Nếu không, bạn sẽ tự giới hạn cuộc đời mình và luôn cảm thấy luyến tiếc vì sao mình đã không thử sức. Hãy xem trở ngại như một cái gì đó cần phải vượt qua chứ đừng lấy đó làm nguyên nhân để không làm gì.
Thật sự có rất nhiều người không bao giờ cố gắng làm bất cứ việc gì bởi vì họ luôn sợ – sợ thất bại, sợ người khác chỉ trích, sợ bị chế nhạo, sợ bản thân không có đủ kinh nghiệm cũng như kỹ năng. Tôi muốn nói với họ rằng: “Hãy đề ra mục tiêu và hướng đến mục tiêu đó. Bạn có thể làm được!”.
Có sinh viên đã hỏi tôi trong buổi tiệc ở một trường đại học rằng: “Điều gì quan trọng nhất mà một người trẻ như cháu nên biết?”. Và tôi trả lời là: “Cháu cần thấm nhuần triết lý Tôi có thể làm được. Bất kỳ điều gì cháu muốn làm, cháu đều có thể làm được”. Cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ trước đây chưa ai từng nói với cô như thế, và tôi cảm thấy biết ơn cô đã cho tôi cơ hội tạo ra ảnh hưởng tích cực cho một người trẻ tuổi như cô.
“Bạn có thể làm được” là câu nói, là triết lý sống quan trọng trong đời tôi. Tôi là người may mắn vì ngay từ thời còn trẻ, cha tôi đã dùng triết lý ấy để khích lệ tôi. Phương châm sống này đã giúp tôi thành công khi áp dụng nó để cổ vũ tinh thần cho các nhà phân phối của Amway trên toàn cầu. Tôi vẫn thường nói “Bạn có thể làm được” với những người mà tôi quan tâm để đánh thức năng lực tiềm ẩn trong họ. “Bạn có thể làm được” đã trở thành câu khẩu hiệu trong gia đình tôi, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi thành viên.
Lớn lên trong thời kỳ Đại Suy thoái, niềm tin vào năng lực của bản thân đã thấm nhuần trong tôi. Gia đình tôi phải rời bỏ ngôi nhà mà tôi đã trải qua những năm tháng đẹp nhất thời thơ ấu vì cha tôi lâm vào cảnh thất nghiệp và không còn khả năng giữ lại ngôi nhà. Chúng tôi phải dọn đến sống trên tầng áp mái nhà của ông bà, và tôi còn nhớ là mình phải ngủ ngay bên dưới các thanh xà ngang. Chúng tôi sống ở đó khoảng năm năm trong thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, đó không phải là những ngày tháng “đen tối” đối với một cậu bé như tôi. Tôi có các anh chị họ sống ở gần nhà. Ở đây không có nhiều xe hơi, thế nên chúng tôi có thể chơi bóng trên đường. Quả bóng bị đá nhiều đến nỗi phải vá chằng vá đụp bằng vải vụn và được quấn thêm nhiều vòng dây ở bên ngoài bởi vì bấy giờ chúng tôi không thể có được một quả bóng mới.
Sự eo hẹp tiền bạc đã “cùm kẹp” chúng tôi vào những ngày đó. Tôi bắt đầu nhận giao báo để kiếm thêm chút đỉnh và cố dành dụm tiền mua một chiếc xe đạp cũ. Mười xu khi đó là một số tiền lớn. Tôi nhớ có một người đàn ông đã đến nhà chúng tôi để bán tạp chí và khóc lóc vì ông ta không thể về nhà cho đến khi bán hết cuốn cuối cùng. Cha tôi thật lòng nói với ông ấy rằng hiện trong nhà chúng tôi chẳng còn một xu nào cả. Tuy nhiên, cha vẫn liên tục động viên tôi bằng câu “Con có thể làm được”.
Cha tôi là người rất lạc quan. Ông tin vào sức mạnh của những suy nghĩ tích cực. Ông vẫn ra sức thuyết phục tôi tin điều đó dù cuộc đời ông không thành công như mong đợi. Ông luôn bảo: “Con sẽ làm được những điều to tát. Con sẽ làm tốt hơn cha. Con sẽ đi xa hơn, được đặt chân đến những nơi cha chưa từng đến. Con sẽ thấy những điều mà cha chưa bao giờ thấy”.
Còn mẹ tôi, thú thật là bà không lạc quan lắm. Tuy nhiên, sau khi cha tôi mất, bà đã nói với tôi: “Mẹ quyết định mình sẽ phải lạc quan, tích cực khi con đến thăm, bởi con sẽ không đến để nghe mẹ ca cẩm”. Từ ngày đó trở đi, mẹ tôi bắt đầu suy nghĩ lạc quan hơn. Bà ngưỡng mộ niềm tin của cha tôi và noi theo gương ấy. Tôi cảm thấy thật tự hào về mẹ! Điều đó càng làm vững chắc thêm niềm tin trong tôi rằng sống lạc quan, tích cực cũng là một quyết định. Chúng ta có thể học cách sống lạc quan, tích cực nếu tập trung tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống và ở những người khác. Là người lạc quan, bạn sẽ lan truyền thái độ sống này đến với nhiều người xung quanh, vậy thì làm sao họ có thể cảm thấy bi quan, tiêu cực khi ở bên bạn được chứ?
Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc khi lớn lên trong môi trường tích cực. Tôi đã đề cao giá trị của bầu không khí lạc quan, tích cực trong bài nói chuyện mang tên 3 Quy tắc: Hành động, Thái độ và Bầu không khí (The Three As: Action, Attitude, and Atmosphere). Tất cả mọi người đều hành động, nhưng những hành động ấy nên bắt nguồn từ thái độ tích cực. Và thái độ lạc quan được phát triển tùy thuộc vào bầu không khí hay môi trường ta lựa chọn để sống và làm việc. Bầu không khí đã bảo vệ, nuôi dưỡng tôi chính là tình yêu thương ấm áp của gia đình. Nhờ đó tôi vẫn tìm thấy được niềm hạnh phúc trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Tôi cũng may mắn được học ở trường trung học tư thục Thiên Chúa giáo Grand Rapids. Cha mẹ tôi đã phải làm việc cật lực để có thể trang trải học phí cho tôi. Vậy mà tôi học chỉ vừa đủ điểm đậu. Người thất vọng nhất là cha tôi. Ông quyết định cho tôi học nghề thợ điện tại một trường công. Sau đó tôi sớm nhận ra mình đã vuột mất cơ hội chỉ vì lười nhác. Tôi quyết định quay trở lại trường Grand Rapids và nói với cha mẹ rằng tôi sẽ làm thêm vài công việc lặt vặt để kiếm tiền trang trải học phí. Lần này, tôi học hành nghiêm túc hơn và đạt được điểm số cao hơn. Thậm chí tôi còn được bầu làm lớp trưởng năm sau đó.
Đến tận ngày hôm nay, tôi thật sự biết ơn vì được học tại ngôi trường đã giúp tôi củng cố những bài học về đức tin, tinh thần lạc quan và sự cần mẫn. Khi quyết định trở lại trường Grand Rapids và đề nghị tự trả tiền học phí của mình, đó là lần đầu tiên tôi ra một quyết định quan trọng. Tôi nhận ra tôi không thích nghề thợ điện. Có lẽ tầm nhìn xa của cha tôi đã chỉ lối cho cuộc đời tôi khi gửi tôi vào trường Grand Rapids. Ngôi trường này có người thầy đáng kính mà tôi đã đề cập ở phần đầu quyển sách, người đã viết vào cuốn sổ lưu bút của tôi dòng chữ tuy đơn giản nhưng đến giờ tôi vẫn không quên, dòng chữ đã làm thay đổi cuộc đời tôi: “Gửi đến chàng trai trẻ có tài năng lãnh đạo trong vương quốc của Chúa” – một cách nói khẳng định khác thể hiện triết lý “Bạn có thể làm được”.
Cũng trong ngôi trường này, tôi đã gặp Jay Van Andel và bắt đầu một tình bạn gắn bó suốt đời. Cha của anh Jay làm chủ một đại lý xe ô tô. Vì thế, trong suốt những năm tháng khó khăn của cuộc khủng hoảng, anh là một trong số hai học sinh trong trường đi học bằng xe hơi. Tôi vẫn có thể nhớ cảnh mọi người ùa lên xe của Jay sau khi tan học. Tôi trả anh hai mươi lăm xu mỗi tuần để đi nhờ xe đến trường.
Các cuộc nói chuyện giữa chúng tôi trong những lần đi nhờ xe phản ánh giấc mơ tuổi trẻ về một tương lai tươi sáng, đặt nền tảng cho sự nghiệp kinh doanh của chúng tôi sau này.
Chúng tôi tin rằng mình có thể làm được. Nhìn lại một số sự kiện quan trọng trong cuộc đời tôi như khi bắt đầu tiến hành một số công việc làm ăn, lập gia đình và sống tận hưởng cùng con cháu, tất cả đều dựa trên nền tảng triết lý “Bạn có thể làm được”.
Ngày còn đi học, Jay và tôi đã thỏa thuận sẽ cùng nhau hợp tác kinh doanh. Chúng tôi đã từng mở trường huấn luyện bay, rồi chuyển sang mở quầy hàng bán thức ăn nhanh(5) mà không có chút kinh nghiệm nào. Và cuối cùng, chúng tôi tiến hành thành lập Amway vào năm 1959, tại tầng hầm nhà chúng tôi.
Vậy nên, xuất phát từ bầu không khí lạc quan ấy, tôi trở thành con người lạc quan. Cùng với những lời động viên của cha tôi như vẫn còn văng vẳng bên tai: “Con có thể làm được”, tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể. Helen vợ tôi gọi tôi là người thích phiêu lưu, và dẫn chứng bằng việc tôi đưa gia đình đi khắp thế giới, đến những nơi mà cô ấy chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ đặt chân đến. Tôi chỉ nói: “Hãy đến đó! Hãy thử điều này!”. Theo tôi, thái độ xem cuộc sống giống như một cuộc phiêu lưu là cách mô tả hoàn hảo nhất về tuýp người lạc quan sống theo tinh thần “Bạn có thể làm được”.
(5) Drive-in restaurant: là loại hình phục vụ bán thức ăn nhanh phổ biến ở Mỹ. Thực khách dừng xe ở bên ngoài, nhân viên phục vụ sẽ bước ra để nhận đặt hàng, rồi quay trở ra để đưa thức ăn cho khách; khách phải tìm chỗ đậu xe nếu muốn ăn tại chỗ (trong xe). So với thời phát triển cực thịnh vào những năm 1950 và 1960, ngày nay loại hình kinh doanh này không còn phổ biến nữa.
Thành công đạt được trong công việc kinh doanh vượt xa giấc mơ của tôi. Song, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là cảm giác thỏa mãn khi được sử dụng khả năng thiên phú để đem đến cơ hội kinh doanh cho hàng triệu người, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người phải gánh vác trách nhiệm gia đình, và chia sẻ kết quả từ thành công của tôi thông qua việc làm từ thiện cùng với Helen. Lái xe đi đến vùng quê gần Ada, bang Michigan, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh khu phức hợp nhà máy sản xuất và tòa nhà văn phòng Amway trải dài cả dặm. Ngay lối vào là năm mươi cây cột treo những lá quốc kỳ tượng trưng cho các quốc gia mà Amway đã đặt chi nhánh. Nơi đây là trụ sở chính của Amway. Hình ảnh này cho thấy Amway đã đạt được sự tín nhiệm, Jay và tôi là những doanh nhân có tầm nhìn xa đã lên kế hoạch cho sự thành công đó. Thật vớ vẩn! Thực ra chúng tôi chỉ là hai người đang cố gắng tạo dựng cuộc sống cho riêng mình và giúp đỡ gia đình như bao người khác. Chúng tôi chưa từng mơ tưởng rằng một ngày nào đó mình sẽ sở hữu một công ty với hàng tỷ đô-la doanh số bán hàng mỗi năm, có chi nhánh ở mấy chục quốc gia, cùng hàng ngàn nhân viên và hàng triệu nhà phân phối trên toàn thế giới.
Chúng tôi may mắn khi được lớn lên trong bầu không khí lạc quan và sở hữu tài năng thiên bẩm. Công việc kinh doanh của chúng tôi được gầy dựng bằng cả trái tim và khối óc, với nguồn cổ vũ là triết lý “Bạn có thể làm được”, và bằng sự tự tin được tiếp sức từ tình yêu thương, tinh thần lạc quan, tích cực của cha mẹ, thầy cô.
Vào đầu những năm 1970, tôi có thực hiện bài nói chuyện với chủ đề Thử hành động hay là Ca thán (Try or cry) – một “chiến dịch” hàng thập kỷ nhằm khuyến khích mọi người nhận ra lợi ích của cách nhìn lạc quan. Tôi chia sẻ với khán giả rằng có hai loại người: một là những người sẵn sàng thử sức, hai là những người đứng một bên quan sát và “khóc thương”, ca thán cho số phận mình, đồng thời phê phán những người chấp nhận thử sức. Không may là xu hướng thứ hai đã trở thành hiện tượng phổ biến.
Tôi cũng chia sẻ với khán giả bản danh sách dài thậm thượt các dự án đầu tư mà Jay và tôi đã từng làm, và chúng tôi đã tiếp tục cố gắng như thế nào sau những lần thất bại, chẳng hạn như: kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, nhà hàng bán thức ăn nhanh, dự án nhập khẩu các sản phẩm làm từ gỗ gụ, sản xuất sản phẩm ngựa gỗ bập bênh cho trẻ em, bán các hầm trú bom... Nhu cầu học lái máy bay đã không “bùng nổ” như người ta vẫn tưởng sau Thế chiến thứ II. Chúng tôi đã phải đổ bỏ hàng tá khay bánh hăm- bơ-gơ vì nướng trong lò quá lâu do thiếu những đầu bếp làm thức ăn nhanh chuyên nghiệp. Cả đống bánh xe bằng gỗ và lò xo để sản xuất ngựa đồ chơi phải nằm kho bởi vì một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng đồ chơi ra mắt mẫu sản phẩm bắt mắt hơn làm bằng nhựa.
Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thử sức trong lĩnh vực khác. Chúng tôi chẳng biết gì về hóa học, sản xuất, đóng gói hàng hóa, kỹ thuật, hay quản lý nhân sự khi thành lập Amway. Kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi là chạy thử chiếc máy dán nhãn, nhưng nó dán nhãn lên tường, lên sàn nhà và lên người chúng tôi nhiều hơn là lên các thùng hàng. Nhưng đến ngày hôm nay, công ty đã có hàng ngàn nhân công sản xuất hàng ngàn sản phẩm được bán bởi hàng triệu nhà phân phối – những nhà kinh doanh độc lập.
Hôm nay, câu nói “Bạn có thể làm được” đã trở thành khẩu hiệu trong kinh doanh của Amway trên khắp thế giới. Ở Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác mà Amway đặt chi nhánh, bạn có thể nghe thấy các nhà phân phối hoan hô chúc tụng nhau: “Bạn có thể làm được”. Họ nhờ tôi ký tặng vào sách với dòng chữ “Bạn có thể làm được”. Câu nói lạc quan đó trở thành tiếng hò reo tập hợp ở các chi nhánh châu Á. Nó lan tỏa khắp thế giới, truyền đến những người thường được bảo rằng họ không thể làm được việc gì ra hồn. Khi Amway mở rộng sang thị trường Nga, lần đó trong khi đang ở nhà tại Florida, Mỹ, tôi được yêu cầu gọi điện từ nhà và nói với khoảng sáu trăm người đang tham dự hội nghị kinh doanh bên Nga câu “Bạn có thể làm được”. Người của chúng tôi ở bên đó kể lại rằng đó là cuộc hội nghị sôi nổi nhất họ từng tham dự. Họ rất hứng thú với ý tưởng kinh doanh này. Khán giả đứng cả lên ghế reo hò – bầu không khí giống như trong trận bóng đá hơn là trong một hội nghị kinh doanh. Không ngờ lời khẳng định “Bạn có thể làm được” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ như vậy!
Như đã đề cập, con cái tôi cũng lớn lên cùng với triết lý “Con có thể làm được”. Tôi luôn dạy các con rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng cảm thấy muốn hướng đến hoặc có thể làm. Chúng tôi sẽ ủng hộ, tin tưởng và cổ vũ chúng.
Sau khi tôi về hưu, con trai cả của tôi, Dick, đã thay tôi làm chủ tịch Amway. Dick đã lãnh đạo Amway mở rộng ra thị trường thế giới. Trên thực tế, Dick đã giữ chức vụ lãnh đạo bộ phận kinh doanh quốc tế của Amway vài năm trước đó. Rồi Dick quyết định tranh cử thống đốc bang Michigan vào năm 2006. Khi Dick nói với tôi quyết định tranh cử của mình, tôi bảo con: “Con trai, đây không phải là thời điểm thích hợp để làm chuyện đó, con có nghĩ vậy không?”. Tôi cảnh báo rằng nó sẽ phải cạnh tranh với ứng cử viên của đảng Dân chủ ở một bang mà đảng này đang chiếm ưu thế. Dick hiểu điều đó, nhưng nó không nghi ngờ gì về khả năng của mình và quyết định tranh cử.
Vào đêm công bố kết quả, Dick chỉ nhận được 10% tổng số phiếu bầu. Mọi người đều cố gắng tỏ ra lạc quan khi Dick bước vào phòng. Dick thông báo với mọi người rằng mình vừa mới gọi điện cho thống đốc bang để chúc mừng chiến thắng của bà. Chúng tôi cố tỏ ra hy vọng nhưng Dick đã khảo sát số liệu thực tế ở các khu vực bầu cử và thừa nhận cuộc đua đã chấm dứt.
Ngay sau cuộc bầu cử, tôi ghé thăm Dick một lát. Dick nói thời gian chạy đua cho chiến dịch tranh cử là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Nó đã gặp gỡ nhiều người tuyệt vời ở bang Michigan, và đó thật sự là một trải nghiệm thú vị! Tuy thất bại vào lần đó nhưng Dick không bao giờ nghi ngờ về khả năng mình có thể thắng cử. Thái độ “Bạn có thể làm được” thể hiện rất rõ trong mọi việc nó làm.
Còn con trai thứ hai của tôi, Dan, quyết định tạo dựng sự nghiệp riêng sau khi đảm nhiệm chức vụ quản lý nhiều năm cho Amway. Rời bỏ công ty là một bước đi dũng cảm, với hành trang là thái độ “Bạn có thể làm được”. Hiện tại, Dan là một ông chủ rất thành công – một bằng chứng nữa cho lối suy nghĩ “Bạn có thể làm được”.
Khi đến thời điểm cần có một thành viên trong gia đình điều hành hoạt động của đội bóng Orlando Magic. Con gái Cheri của tôi và con rể Bob đều có hứng thú với thể thao, đồng ý chuyển đến Orlando trong ba năm để tiếp quản công việc. Mặc dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng chúng không hề nghi ngại về khả năng của bản thân. Vì thế, chúng đã tiếp quản đội bóng hơn ba năm tám tháng!
Cậu con trai út, Doug, đã học ở đại học Purdue, ngành kinh doanh và quản lý, với kế hoạch sau này sẽ điều hành Amway – đó là công việc hiện tại Doug đang làm. Doug tham gia đội bóng bầu dục trường Purdue và chơi ở vị trí tiền vệ phụ vì muốn chứng tỏ sự tự tin khi được lớn lên trong môi trường “Bạn có thể làm được”!
Vì thế, bậc làm cha mẹ cần tạo ra bầu không khí lạc quan, tích cực ở nhà để khích lệ con cái thực hiện những gì chúng có ý định làm.
Một trong những trải nghiệm lớn nhất của tôi khi áp dụng triết lý này là vào mười năm trước, khi tôi quyết định xúc tiến việc sáp nhập hai bệnh viện lớn nhất thành phố Grand Rapids. Đã từng có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai bệnh viện – chẳng hạn, nếu bệnh viện này có phòng chăm sóc trẻ sơ sinh thì bệnh viện kia cũng phải có.
Một bệnh viện đang cân nhắc việc xây dựng cơ sở ở địa điểm mới. Với cương vị là chủ tịch hội đồng quản trị của bệnh viện kia, tôi đề xuất: “Thưa quý vị, trước khi họ tiến hành xây dựng, tôi nghĩ mình thật sự nên bàn đến chuyện sáp nhập giữa hai bệnh viện. Cả hai chỉ cách nhau chừng năm cây số, và nếu muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng thì ta nên sáp nhập hai bệnh viện với nhau”. Giám đốc bệnh viện bảo tôi: “Anh biết đấy, trước đây chúng tôi đã cố gắng xúc tiến việc này rồi”. Tôi nói tôi có biết việc đó nhưng thời đại đã thay đổi và giờ tôi muốn thử lần nữa xem sao. Thế là anh ấy đồng ý và trở thành người đầu tiên ủng hộ tôi. Tôi nghĩ: “Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, đây sẽ là một bệnh viện lớn mạnh. Việc sáp nhập này có lẽ sẽ là thành công lớn nhất mà tôi từng đạt được, mãi mãi như vậy!”.
Tôi động viên ban giám đốc của hai bệnh viện đồng ý hợp tác với nhau – không lo lắng về số ghế mà mỗi bên sẽ giữ trong ban giám đốc điều hành sau khi đã sáp nhập, hay ai sẽ là chủ tịch. Chúng tôi tiến hành từng bước đi nhỏ nối tiếp nhau và ngày càng nhận được nhiều sự đồng tình cho đến khi cuối cùng hai bệnh viện được sáp nhập. Khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang(6) đã can thiệp vào kế hoạch này và lên án chúng tôi đang cố tình hạn chế tính cạnh tranh. Họ chỉ đích danh tôi như là một người theo chủ trương khống chế hoạt động kinh doanh tự do và hỏi tôi đã khuyến khích xu hướng này như thế nào! Nhưng tôi đã thuyết phục họ và người phân xử cuối cùng cũng ra quyết định theo hướng có lợi cho chúng tôi.
Đó là một ví dụ khác về thái độ “Bạn có thể làm được” dù thử thách có lớn đến thế nào chăng nữa. Nhờ vào sự ủng hộ của chủ tịch hội đồng quản trị của cả hai bệnh viện và nhiều người khác, hai bệnh viện ấy ngày nay đã lớn mạnh hơn trước, mỗi bên chuyên sâu phục vụ những nhu cầu khác nhau của cộng đồng. Chúng tôi có các thiết bị, tiện nghi và nhân viên đủ để đáp ứng cho dịch vụ y tế chất lượng cao, trở thành “khu trung tâm y tế tổng hợp”, nơi sử dụng lao động nhiều nhất trong vùng.
(6) The Federal Trade Commission
“Bạn có thể làm được” cũng là tinh thần của nước Mỹ và hệ thống doanh nghiệp tự do. Gần đây, Helen và tôi đóng góp cho Phòng triển lãm Tổng thống (People’s President Gallery) ở Mount Vernon với hy vọng phòng trưng bày này sẽ giúp gìn giữ và khơi gợi sự tôn trọng cũng như lòng biết ơn mà đất nước dành cho Tổng thống George Washington và những người đã đấu tranh cho sự tự do. Những vật trưng bày là lời nhắc nhở sống động về vị lãnh tụ vĩ đại này, người đóng vai trò then chốt trong hành trình tìm đến sự tự do và thiết lập nên đất nước. Thời trẻ, Tổng thống Washington là một chàng kỵ sĩ dũng cảm giúp khai phá các vùng đất hoang dã. Ông dần trở thành một nhà lãnh đạo dũng cảm trên chiến trường và trở thành vị tổng thống sáng suốt, tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Và điều gây thú vị với một người làm kinh doanh như tôi là Tổng thống Washington đã cùng lúc điều hành sáu cơ sở kinh doanh tại Mount Vernon.
Có lần tôi được vinh dự làm người dẫn chuyện trong buổi trình diễn bản nhạc giao hưởng Bức chân dung của Lincoln do Aaron Copland chỉ huy dàn nhạc. Nếu bạn chưa có dịp nghe bản nhạc này thì tôi có thể nói với bạn đó là một sự pha trộn giữa thứ âm nhạc truyền cảm hứng cùng với những “lời vàng” của Tổng thống Abraham Lincoln. Ông là một ví dụ hoàn hảo cho triết lý “Bạn có thể làm được”. Từng phải sống trong một căn nhà tồi tàn chỉ với một căn phòng nhỏ trên vùng đồng bằng bang Indiana, mặc dù chỉ học vài năm ở trường làng nhưng ông lại được bầu làm Tổng thống nước Mỹ. Trước khi đảm nhiệm cương vị tổng thống, ông đã từng thất bại khi làm chủ một cửa hiệu và thất bại nhiều lần trong cuộc đua vào Quốc hội Mỹ.
Trong chuyến thăm nông trại của Tổng thống Reagan, tôi nhận thấy điều truyền cảm hứng lớn nhất ở ông là tinh thần của người Mỹ và nét đặc sắc của chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ, chủ nghĩa lý tưởng và thái độ làm việc chăm chỉ. Khi may mắn được mời đến buổi ăn tối tại Nhà Trắng, tôi biết được rằng trong bữa ăn, bất cứ ai hỏi Tổng thống Reagan về chính trị đều nhận được câu trả lời: “Văn phòng đã hết giờ làm việc”. Và ông lại làm dịu bầu không khí với một chuyện đùa. Ở Tổng thống luôn tỏa ra sự tự tin và lạc quan, dường như không bao giờ suy tư hay lo lắng về điều gì. Ông biết ông có thể làm được!
Ngược lại, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng gặp gỡ những người bi quan, hay than phiền. Ngoài việc cần sống lạc quan, ta cũng cần khích lệ mọi người xung quanh nên mang thái độ sống như vậy. Tinh thần lạc quan, tích cực của ta giữ vai trò then chốt trong việc duy trì môi trường đầy những cơ hội triển vọng cho thế hệ sau có thể gặt hái thành công. Tôi là người ủng hộ cho tổ chức Partner Worldwide (Đối tác Toàn cầu). Đây là tổ chức của những nhà kinh doanh, chủ nông trại, và bất cứ ai đang điều hành công việc kinh doanh riêng có quan hệ hợp tác với những người ở đất nước khác – thường là một quốc gia ở thế giới thứ ba. Các cộng sự người Mỹ sẽ cố vấn cho đối tác của họ ở những quốc gia khác và giúp đối tác hoạt động thành công hơn.
Partner Worldwide cũng có một bộ phận chuyên cung cấp các khoản vay nhỏ nhằm giúp những người gặp khó khăn có thể mua được máy may, máy cày, máy kéo hoặc bất kỳ loại máy móc nào giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Hơn phân nửa số người nhận sự giúp đỡ của tổ chức Partner Worldwide đã gia tăng thêm số lượng nhân công làm việc cho mình nhờ hiệu quả công việc được nâng cao. Partner Worldwide hy vọng sẽ tìm được hàng triệu người cố vấn như vậy. Một điều thú vị là bản thân những người cố vấn đó chính là những nhà kinh doanh, họ tin tưởng rằng những người được mình giúp đỡ có thể làm được. Họ là những người mang thái độ “có thể làm được”, đã gặt hái thành công và tuyển dụng những người “có thể làm được” làm việc cho mình.
Khơi gợi tinh thần “Bạn có thể làm được” ở người khác và bản thân là việc làm hết sức quan trọng. Đôi khi nó là yếu tố duy nhất dẫn dắt con người hoàn thành mục tiêu. Lần nọ, cơ quan Thuế vụ(7) phân bổ một số công chức làm việc toàn thời gian tại Amway. Tôi đã từng nói đùa với những anh chàng ở cục thuế rằng thực tế tôi sẽ bố trí họ làm việc ở hành lang thay vì sắp xếp phòng riêng cho họ trong những ngày đầu làm việc tại công ty chúng tôi. Sau cùng, một nhân viên của tôi nói: “Ông phải bố trí cho họ một phòng làm việc đàng hoàng”. Tôi hỏi: “Tại sao? Hãy để họ ngồi ở hành lang. Tôi không muốn làm cho họ thấy thoải mái!”. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng sắp xếp một phòng làm việc riêng cho họ.
Một ngày kia, tôi hỏi nhân viên cục thuế đã làm việc tại công ty chúng tôi nhiều năm liền: “Anh vẫn tiếp tục làm việc ở đây à?”. Anh mỉm cười trả lời: “Tôi là đối tác của anh mà”. Tưởng tượng xem! Nhân viên cục thuế là đối tác của tôi! Với thái độ “Bạn có thể làm được”, anh ta thật kiên định, bất chấp môi trường làm việc. Tôi rất tôn trọng tinh thần làm việc đầy trách nhiệm này của anh.
(7) The Internal Revenue Service
Bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể thành công đến đâu nếu không bắt tay tiến hành ngay lúc này. Nếu không, bạn sẽ tự giới hạn cuộc đời mình và luôn cảm thấy luyến tiếc vì sao mình đã không thử sức. Hãy xem trở ngại như một cái gì đó cần phải vượt qua chứ đừng lấy đó làm nguyên nhân để không làm gì.
Nếu bạn thực hiện và gặp thất bại, bạn sẽ có thêm sức mạnh, lòng dũng cảm để biết mình đã làm được đến đâu, rồi tiếp tục cố gắng lần nữa, hoặc lần sau sẽ lựa chọn hướng đi khác, hoặc nhận một công việc mới với lòng tự tin mạnh mẽ hơn. Hãy nghĩ về điều bạn có thể làm và thử thực hiện. Phải “dám nghĩ, dám làm”!
Thật sự có rất nhiều người không bao giờ cố gắng làm bất cứ việc gì bởi vì họ luôn sợ – sợ thất bại, sợ người khác chỉ trích, sợ bị chế nhạo, sợ bản thân không có đủ kinh nghiệm cũng như kỹ năng. Tôi muốn nói với họ rằng: “Hãy đề ra mục tiêu và hướng đến mục tiêu đó. Bạn có thể làm được!”.