50 năm trước, nhân loại lần đầu tiên xuất hiện ngôi nhà trên vũ trụ. Đó là trạm vũ trụ “Salyut-1” (Chào mừng-1) được Liên Xô phóng lên quỹ đạo năm 1971. Đến nay, vẫn còn những điều ít người biết về trạm vụ trụ đầu tiên trên thế giới này.
1. Trạm “Salyut-1” được xây dựng từ một trạm vũ trụ khác
Ban đầu, trạm vũ trụ đầu tiên cần được phóng lên quỹ đạo là một trạm khác. Trạm này được xây dựng không phải để nghiên cứu khoa học, mà là vì mục đích quân sự với tên gọi là “Almaz” (“Kim cương”). Dự án này là sự đáp trả của Liên Xô đối với trạm quỹ đạo của NASA mang tên “Manned Orbiting Laboratory (MOL)” có nhiệm vụ chính là do thám: Trạm này được trang bị máy chụp ảnh, do thám kỹ thuật vô tuyến điện và các hoạt động tương tự khác.
Hình ảnh tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất vũ trụ Quốc gia mang tên M.V. Khrunichev. Tại đây đang tiến hành xây dựng trạm quỹ đạo tự động “Almaz”. Ảnh: Sputnik
Trạm “Almaz” của Liên Xô được trang bị máy chụp ảnh bằng kính viễn vọng cỡ lớn 2,5 mét (Tại thời điểm đó, đây là thiết bị mạnh nhất trên thế giới dùng để chụp ảnh Trái đất). Khẩu đại bác trang bị trên trạm không gian lẽ ra có thể bắn các vệ tinh nước ngoài, thậm chí là bắn vào Trái đất từ vũ trụ. Tuy nhiên, dự án MOL bị “đắp chiếu” vào năm 1969, còn trạm “Almaz” thì gặp phải hàng loạt vấn đề kỹ thuật. Lúc này, người ta có đề xuất một giải pháp khả thi hơn, đó là trên cơ sở trạm “Almaz” có thể chế tạo một trạm khác với những nhiệm vụ khoa học lớn.
2. Là trạm có người ở đầu tiên trên thế giới
Ảnh tư liệu
Trạm “Salyut-1” được xây dựng dành riêng cho việc ở lại dài ngày của con người trên quỹ đạo. Tất cả chỉ có một mô-đun gồm 3 khoang, trong đó khoang thứ nhất là khoang kỹ thuật với các động cơ và pin mặt trời, khoang thứ hai là để ở và làm việc cho 3 phi hành gia (tại đây có thể ăn uống, ngủ và tiến hành các thí nghiệm), còn khoang thứ 3 là nhỏ nhất – đây là khoang chuyển tiếp dùng để ghép nối với tàu vũ trụ. Toàn bộ kết cấu này có trọng lượng gần 18,5 tấn.
3. Chuyến thám hiểm đầu tiên bị mắc kẹt trong vũ trụ
Ngày 23-4-1971, phi hành đoàn gồm 3 người đã bay lên trạm vũ trụ được Liên Xô phóng vào quỹ đạo trước đó 4 ngày. Việc ghép nối diễn ra thành công, nhưng việc di chuyển khép kín giữa tàu vũ trụ và trạm “Salyut” thì không thực hiện được. Hơn nữa, trục khớp khuyên của tàu được cố định rất chặt và đã bị biến dạng, cho nên không thể tách ra được.
Mô hình ghép nối tàu vũ trụ “Soyuz-11" với trạm khoa học “Salyut-1”. Ảnh: A. Scherbakov
Tình trạng đó kéo dài trong gần 5 giờ đồng hồ, suýt chút nữa là trở nên nguy cấp. Việc tham vấn lâu với trạm điều khiển đã cứu nguy cho phi hành đoàn. Tại đó, người ta đề xuất đặt những chiếc thanh ngang lên ròng rọc điện và chính điều này đã giúp làm mòn các khớp nối, nhờ đó mà tàu vũ trụ được tách ra và toàn bộ 3 phi hành gia trở về Trái đất an toàn. Sự cố này sau đó đã không được thông tin, mà người ta chỉ công bố chuyến bay đầu tiên này là thử nghiệm và không có kế hoạch di chuyển sang bên khoang của trạm “Salyut”.
4. Trước đó, chưa từng có ai ở lại trên quỹ đạo được lâu
Ảnh: Nikolai Akimov/TASS
Chuyến thám hiểm tiếp theo đã lập kỷ lục về thời gian con người ở lại trong vũ trụ - kéo dài 23 ngày. Trước đó, chuyến bay dài nhất được cho là của đoàn thám hiểm Mặt trăng “Apollo 12” của Hoa Kỳ - kéo dài 10 ngày.
5. Chuyến thám hiểm thứ hai kết thúc bằng thảm kịch kinh hoàng
Sau 23 ngày trên quỹ đạo, phi hành đoàn (gồm Trung tá Georgy Dobrovolsky, kỹ sư Vladislav Volkov và nhà nghiên cứu Viktor Patsaev) đã tạm ngừng hoạt động của trạm vũ trụ để thực hiện chuyến thám hiểm tiếp theo. Họ đã tách trạm và trở về Trái đất. Ở độ cao cách Trái đất gần 150km, đang giai đoạn hạ thấp độ cao thì xảy ra hiện tượng hở khoang tàu. Trong khoảng thời gian còn lại tính bằng giây, van thông khí gây ảnh hưởng đến áp suất tại khoang phi hành đoàn: Thiếu ôxy và tụt huyết áp nhanh khiến con người ở trạng thái bình thường không quá vài phút trong điều kiện hết sức đau đớn, gây vỡ màng nhĩ và dần dần mất nhận thức.
Các phi hành gia: Georgy Dobrovolsky, Viktor Patsaev và Vladislav Volkov. Ảnh: Aleksandr Mokletsov/Sputnik
Khoang hạ cánh của tàu tiếp đất bình thường, nhưng đội cứu hộ tìm thấy bên trong các phi hành gia đã chết. Thi thể của họ sau đó được an táng tại nghĩa trang bên bức tường Điện Kremlin.
6. Phi hành đoàn chính còn sống vì vết mờ ở phổi của một phi công
Theo thông lệ, chuẩn bị cho mỗi chuyến bay phải có hai phi hành đoàn: Một đoàn chính và một đoàn dự bị. Các phi hành gia Georgy Dobrovolsky, Viktor Patsaev và Vladislav Volkov bị tử nạn thuộc thành phần dự bị. Vấn đề ở chỗ, chuyến bay của phi hành đoàn chính đã bị hủy ba ngày trước khi phóng, do một thành viên là phi công Valery Kubasov bị phát hiện có vết mờ ở phổi, được các bác sĩ chẩn đoán là giai đoạn đầu của bệnh lao. Sau nhiều cuộc thảo luận, Ủy ban quốc gia đã quyết định hủy chuyến bay của toàn bộ phi hành đoàn này.
Phi hành gia Valery Kubasov. Ảnh: Aleksandr Mokletsov/Sputnik
Về sau sự việc đã được làm sáng tỏ. Theo đó, các bác sĩ đã nhầm lẫn chẩn đoán bệnh lao, trong khi đó chỉ là sự phản ứng của cơ thể. Sau đó, phi hành gia Valery Kubasov đã có hai lần bay vào vũ trụ.
7. Các phi hành gia bay vào vũ trụ không có bộ áo giáp bảo hộ
Có lẽ, thảm kịch đã không xảy ra nếu như các phi hành gia mặc áo bộ giáp bảo hộ phòng trường hợp sự cố. Nhưng họ chỉ sử dụng quần áo tẩm cao su, bởi lẽ tất cả các tàu vũ trụ “Soyuz” khi đó thậm chí còn không dự trù trang phục bảo hộ cho phi hành đoàn.
Ảnh: B. Grachev/Sputnik
Sau tai nạn đó, người ta mới bắt đầu khẩn trương chế tạo những bộ áo giáp bảo hộ như vậy.
8. Trạm “Salyut-1” hoạt động trong vũ trụ 175 ngày đêm
Ảnh tư liệu
Sau thảm kịch, người ta đã dừng hoạt động đối với trạm vũ trụ “Salyut”, chuyến bay tiếp theo của trạm sẽ diễn ra ở chế độ không người lái. Sau 175 ngày hoạt động trong vũ trụ, ngày 11-10-1971, các mảnh vỡ của trạm không cháy hết khi đi qua những lớp dày đặc của khí quyển đã rơi chìm xuống khu vực Thái Bình Dương nằm cách xa các tuyến đường thủy qua lại.
9. Trạm “Salyut-1” bí mật đến nỗi không có tấm ảnh nào
Ảnh tư liệu
Vì tính chất bí mật trong toàn bộ chương trình vũ trụ của Liên Xô, nên không có bất kỳ một tấm ảnh thực nào chụp trạm “Salyut-1”. Trên trạm thậm chí còn ghi một tên gọi khác với tên ban đầu là “Zarya” (“Bình minh”). Người ta không thay đổi tên để không ai nhìn thấy nó. “Bình minh” cũng được đặt tên cho một vệ tinh của Trung Quốc, cho nên trạm quỹ đạo đầu tiên mới được đổi tên thành “Salyut”.
10. Không có trạm “Salyut-1”thì sẽ không có trạm “Hòa bình” và ISS
Trạm quỹ đạo “Hòa bình” của Liên Xô. Ảnh: Sputnik
Sau trạm “Salyut” đầu tiên, chương trình vũ trụ bị gián đoạn 2 năm. Tiếp đó, Liên Xô phóng thêm 10 trạm (!) có cùng tên gọi nữa. Trạm “Salyut” đã trở thành nguyên mẫu cho Trạm quỹ đạo “Mir” (“Hòa bình”) và phần mô-đun của Nga trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)