Mọi thành công mà chúng ta nhận được trong cuộc đời dù ít dù nhiều cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của người khác hay sự hỗ trợ tích cực nào đó từ xung quanh. Thế nhưng, rất ít người nhận thức được điều này.
Người ta thường cho rằng những gì họ đạt được hôm nay là thành quả nỗ lực của riêng họ mà thôi. Họ tự coi mình là “cái rốn vũ trụ” và sống biệt lập với mọi người, kết quả là những thành công họ vừa đạt được sẽ bị bào mòn một cách nhanh chóng, và hơn nữa, sức sáng tạo và khả năng gặt hái thành công của họ cũng mất dần. Hãy luôn nhớ rằng, mỗi chúng ta đều là một thành phần nhỏ trong tổng thể lớn của xã hội, của vũ trụ; nếu sống tách biệt, chúng ta sẽ bị đào thải. Do vậy, hãy trân trọng và biết ơn mọi người, mọi sự kiện, mọi hoàn cảnh giúp bạn đi đến thành công. Gửi những lời tri ân đến cuộc sống, đến những người không ngừng hỗ trợ bạn, sẽ tạo thêm cơ hội cho trí tuệ bạn phát triển và gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn. Cũng từ đó, bạn sẽ có thêm nguồn động lực để tạo ra nhiều giá trị hơn cho những người đã giúp đỡ mình.
Ai cũng có một quan điểm riêng về ý nghĩa của thành công. Một số người đo sự thành công bằng những gì họ có được trong cuộc sống bao gồm tài sản vật chất, không gian sống, kể cả những thứ thuộc về tinh thần như tình yêu, trí tuệ, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ xã hội… Nhưng vấn đề là ở chỗ nhiều người đạt được hết mọi thứ họ muốn nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Thông thường, điều này xảy ra khi người ta tự cho phép mình ngừng phấn đấu sau khi đã đạt được điều gì đó (nghĩa là ngừng phát triển). Cho đến một lúc nào đó, niềm vui và năng lượng được tạo ra từ quá trình phát triển bị lắng xuống; điều này sẽ tạo thành một hố sâu cản trở sự tiếp tục đi lên, đó là chưa kể đến những cạm bẫy của sự thành công mà bạn sẽ gặp phải. Đối với những người quyết tâm không ngừng phát triển trong suốt cuộc đời thì thành công là một hành trình, không phải là đích đến. Hành trình ấy đòi hỏi một sự đi lên liên tục mà mỗi yếu tố tác động đều góp phần hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm.
Trân trọng những nguồn hỗ trợ
Lòng biết ơn là biểu hiện của sự trân trọng mà mỗi chúng ta dành cho mọi người và cả thế giới này khi đón nhận những điều tốt đẹp. Cuộc sống của chúng ta được tạo dựng nên từ sự tương tác của rất nhiều yếu tố và các thành phần.
Hãy nhìn xem, mọi thứ trong môi trường bạn đang sống đều được tạo bởi những người khác: những công cụ bạn đang dùng, thức ăn bạn ăn sáng nay, cái ghế bạn đang ngồi hay ngay cả một tờ giấy, một quyển sách… Có không biết bao nhiêu là sức người, sức của, tài năng và những cống hiến to lớn đã được đầu tư để tạo ra môi trường và hoàn cảnh sống của bạn hôm nay. Và, dù bạn có tin vào may mắn, định mệnh, sự sắp đặt của tạo hóa hay không thì cũng chắc chắn một điều: không có thành công nào đạt được nếu thiếu sự kết hợp đúng lúc của nhiều yếu tố và hoàn cảnh thích hợp.
Jon Singer nhận thức rất rõ vai trò của những người đã tham gia chương trình “Cuộc vận động vì Rebecca”. Mỗi khi nhắc đến những thành quả đạt được, ông luôn hào hứng kể về những người đã góp sức cho thành công đó.
Ông nhận thấy rằng con người, dù là bất kỳ ai chăng nữa, cũng mang trong mình một tấm lòng vì người khác và sẵn sàng cống hiến, mỗi người một cách thức nhưng đều mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.
Rèn luyện lòng biết ơn
Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được dạy phải biết cảm ơn người khác khi được giúp đỡ, hay khi nhận một món quà nào đó. Song thật ra, những gì chúng ta cần biết ơn còn rộng lớn hơn nhiều. Chúng ta có thể chủ động gửi lời cảm ơn đến cuộc sống bằng cách trân trọng hơn thế giới chúng ta đang sống – cả những người chúng ta không quen biết cũng như mọi thứ đã tạo ra môi trường cho chúng ta tồn tại và phát triển hữu ích. Những gì chúng ta thật tâm trân trọng sẽ khiến chúng ta biết cách thể hiện sự tôn trọng mọi lúc mọi nơi. Một khi nhận ra giá trị này, tự khắc chúng ta sẽ đối xử với con người và sự việc quanh mình bằng một thái độ kính trọng hết sức tự nhiên. Con người thường muốn làm việc với những ai tôn trọng họ. Những nguồn lực thường bị hút về nơi chúng được trân trọng và quan tâm nhất. Cuộc sống đáp trả lòng biết ơn của chúng ta bằng cách mang đến thật nhiều nguồn năng lượng sống: khí trời, ánh nắng, cỏ cây, sinh vật...
Phải mất nhiều năm để Tony và Mary Miller tìm ra cách giải quyết nạn đình công hàng loạt của công nhân trong công ty của họ. Đó là gia tăng thời gian nghỉ phép cho họ. Điều này có vẻ khác thường và trái ngược hoàn toàn với những gì các công ty khác trong cùng lĩnh vực đang thực hiện. Tuy nhiên, cuối cùng Tony cũng thử dùng một giải pháp ngoại lệ là cho nhân viên nghỉ phép tới hai tuần. Ngay lập tức, mọi việc bắt đầu thay đổi. Tỷ lệ công nhân nghỉ việc giảm xuống đáng kể. Nhân viên bắt đầu trụ lại công ty lâu hơn, họ làm việc có tổ chức và bước đầu đạt được những kết quả tốt hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn trước đây. Đến lúc này, Tony và Mary mới hiểu được ý nghĩa của việc họ đang làm. Họ nhận ra rằng, bằng thái độ trân trọng và đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân, hầu hết là những người nhập cư, họ có thể khiến công việc kinh doanh ngày càng phát triển, đồng thời tạo được môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên của mình.
Trước đây, những người nhập cư không có được số ngày nghỉ phép bằng với nhân viên bản quốc. Rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa, lối sống cũng đã ngốn hết thời gian của họ trong quá trình lo cho những nhu cầu căn bản đảm bảo cuộc sống. Cho nhân viên thêm ngày nghỉ là một cách cảm thông với sự khó khăn của họ và công nhận những gì họ đóng góp. Động thái này như nhắn gửi một thông điệp: “Chúng tôi hiểu được những thử thách và khó khăn các bạn đang phải đương đầu và chúng tôi thật sự trân trọng lòng can đảm của các bạn khi dám bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ”. Đây là thái độ biết ơn chủ động và sáng tạo. Họ không nói “Cảm ơn vì các bạn đã làm điều gì đó cho chúng tôi” mà gửi gắm một ý nghĩa rộng hơn: “Chúng tôi biết ơn các bạn, những người muốn trở thành nhân viên trong công ty của chúng tôi, và chúng tôi trân trọng giá trị của các bạn. Với chúng tôi, các bạn là những người can đảm, có niềm tin và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tony và Mary bắt đầu tổ chức cho nhân viên học tiếng Anh và đưa ra một chương trình hỗ trợ giúp những công nhân này mua nhà. Những phúc lợi này dành cho nhân viên là chuyện lạ, hiếm thấy đối với các công ty khác trong ngành.
Mặc dù nhà Miller không bảo đảm những gì họ làm có thể tạo ra kết quả tốt nhất nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện. Kết quả đã trả lời, nhân viên của họ đã thật sự ủng hộ, nhiều người giới thiệu người thân vào làm, tỷ lệ nghỉ việc giảm thấy rõ.
Và cộng đồng người nhập cư truyền tai nhau về việc công ty đối xử với nhân viên như những người có ước mơ và tương lai chứ không phải như những lao động tầm thường trong xã hội.
Chẳng bao lâu, bí quyết kinh doanh của Tony và Mary trở thành câu hỏi hóc búa cho các công ty đối thủ. Họ tự hỏi làm cách nào mà công ty ấy luôn thắng trong các hợp đồng lớn trong khi lại bỏ thầu thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Và khách hàng của họ cũng không thể hiểu được tại sao nhân viên của Miller lại làm việc hiệu quả hơn bất kỳ một dịch vụ nào khác trên thị trường. Câu trả lời chỉ gói gọn trong một từ: trân trọng. Chính vì biết trân trọng nhân viên của mình mà họ đã thiết lập được một quy trình làm việc chặt chẽ và nhịp nhàng mà không một công ty nào có thể cạnh tranh lại. Không chỉ làm thay đổi cuộc sống của nhân viên mà chính thái độ trân trọng này còn làm thay đổi cả những hiểu biết về phương cách tiếp cận kinh doanh và mở rộng tầm nhìn chiến lược của Tony và Mary, giúp họ nhìn thấy một tương lai thành công và tươi sáng hơn rất nhiều.
Pablo Neruda có viết một tập thơ mang tên “Odes to Common Things” (Thơ về những điều bình dị). Những bài thơ viết về lọ muối, cái ghế, đồ mở nút chai… đã cho người đọc một cảm nhận hoàn toàn mới về ý nghĩa mà những đồ vật bình thường nhất mang lại cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy được ý nghĩa này nếu chịu tìm kiếm; và trong quá trình phát triển, sợi dây nối kết giữa chúng ta và mọi sự vật nhỏ bé xung quanh sẽ thêm thắt chặt. Điều này cũng đúng cho sự gắn kết giữa người với người.
Ba yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công
Bạn càng thành công thì việc thực hành lòng biết ơn càng quan trọng. Tuy nhiên bên cạnh đó, bạn vẫn phải quan tâm đến ba yếu tố quan trọng khác tác động không nhỏ đến những thành công ấy. Thứ nhất, sự gắn kết, nghĩa là bạn là một phần trong tổng thể lớn hơn. Thứ hai, lòng tận tâm, nghĩa là bạn thật sự muốn đóng góp cho thực tại - nơi mà bạn nhìn thấy được giá trị của những đóng góp do người và sự việc khác đem lại. Cuối cùng là tính nhún nhường, có nghĩa bạn là một phần đặc biệt của thế giới quanh mình, nhưng không phải là phần quan trọng nhất. Khi bạn sống gắn kết, có lòng tận tâm và tính nhún nhường thì thế giới sẽ luôn tạo ra nhiều điều mới mẻ để bạn không ngừng học hỏi, đón nhận những kiến thức từ mọi người, mọi sự vật, hiện tượng quanh mình.
Lòng biết ơn, theo đúng bản chất của nó, cũng sẽ tự phát huy để loại bỏ ba đặc tính tinh thần có tính hủy hoại lớn nhất đối với thành công của cá nhân trong một thế giới mang tính tương tác, đó là: sự cô lập, cái tôi quá lớn và tính ngạo mạn. Những người tự cô lập mình cũng sẽ tự cô lập bản thân với những kiến thức quan trọng, nguồn lực và những khả năng mà người khác có thể mang đến cho họ. Còn những người có cái tôi quá lớn sẽ liên tục phá hỏng những thiện chí và sự hỗ trợ từ người khác. Và đối với những ai quá ngạo mạn, họ sẽ chuốc lấy sự đối kháng và lòng căm ghét của những người xung quanh. Bằng cách tu dưỡng lòng biết ơn, chúng ta có thể tránh được ba mối họa ảnh hưởng đến sự phát triển và thành công vững bền.
Thực hành
Viết ra những điều bạn biết ơn
Một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để tập trung vào lòng biết ơn, đó là viết ra năm hay mười điều bạn cảm thấy phải cảm ơn cuộc sống hay những người xung quanh mang lại cho mình. Một cách chủ động và sáng tạo, hãy viết ra tất cả những gì mà bạn cảm thấy trân trọng những điều tốt đẹp, dù ở phương diện nào chăng nữa.
Bày tỏ lòng biết ơn
Sau đây là một bài thực hành đơn giản để bạn áp dụng và kiểm chứng tác dụng của lòng biết ơn.
Chọn bất kỳ một người bạn biết, và tự hỏi, mình phải trân trọng người này ở những điểm nào? Viết tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra giấy. Cố nghĩ ra ít nhất mười điều. Sáng tạo thêm nếu cần. Và quan sát thái độ của bạn đối với người ấy thay đổi ra sao. Nếu muốn đi xa hơn, hãy nói cho người đó biết bạn biết ơn họ về những gì và xem phản ứng của họ thế nào.
Dù bạn đang đứng ở cương vị nào thì cũng nên luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình đến mọi người. Bạn có thể nói lời cảm ơn mọi người đã tham dự và lắng nghe buổi thuyết trình của bạn, cảm ơn mọi người sau một buổi họp mà bạn là giám đốc, cảm ơn sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả mà bạn là diễn viên, cảm ơn khách hàng nếu bạn là người bán hàng… Lời cảm ơn của bạn sẽ làm mọi người thấy họ được trân trọng và có ích. Không những thế, nó còn có tác động hai chiều, nghĩa là mọi người cũng sẽ trân trọng lại những đóng góp bạn dành cho họ. Điều này có thể thúc đẩy tinh thần bạn làm việc ngày một hăng say và cống hiến nhiều hơn.