Càng lên cao, lực Trái Đất hút các vật càng giảm, vì thế, chúng càng nhẹ đi. Nếu vượt ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất, trọng lượng của vật sẽ bằng 0. Suy ngược ra, bạn có thể cho rằng càng vào sâu trong lòng đất, vật càng nặng hơn. Chú ý nhé, điều này hoàn toàn là ngộ nhận!
Trái Đất hút những vật thể bên ngoài y như toàn bộ khối lượng của nó tập trung ở tâm. Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hút giảm tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách, càng lên cao, lực hút của Trái Đất lên các vật càng yếu đi.
Nếu đưa quả cân 1kg lên độ cao 6.400km, tức là dời nó ra xa tâm Trái Đất gấp hai lần bán kính Trái Đất thì lực hút sẽ giảm đi 2 mũ 2 lần, tức là 4 lần, và quả cân treo vào cân lò xo sẽ chỉ nặng cả thảy 250g chứ không phải 1kg. Nếu đem quả cân đi xa mặt đất 12.800km, tức là xa tâm Trái Đất gấp 3 lần thì lực hút giảm đi 9 lần, quả cân 1kg lúc này chỉ còn nặng 111g…
Từ tính toán trên, bạn sẽ nảy ra suy nghĩ cho rằng khi đưa quả cân vào sâu trong lòng Trái Đất, tức là khi đưa vật tiến về tâm thì ta phải thấy sức hút tăng hơn, hay khi đó quả cân nặng hơn. Song, thực tế, vật thể không tăng trọng lượng khi đưa vào sâu trong lòng Trái Đất mà ngược lại lại nhẹ đi.
Sở dĩ như thế là vì bây giờ vật thể không còn chịu sức hút từ một phía nữa mà là từ nhiều phía trong lòng đất (dưới, trái, phải,…). Rút cục, các lực hút của quả cầu có bán kính bằng khoảng cách từ tâm Trái Đất đến chỗ đặt đồ vật là có giá trị. Vì vậy, càng đi sâu vào lòng Trái Đất thì trọng lượng của vật càng giảm nhanh. Khi tới tâm Trái Đất, vật trở thành không trọng lượng.