Mỗi người trong chúng ta đều là một thiên sứ
Tại thành phố nơi tôi làm việc, du lịch không phải ngành nghề trọng điểm, song các địa điểm tham quan cũng khá phong phú. Thường ngày, có rất đông du khách ghé thăm. Vào kì nghỉ, càng dễ bắt gặp cảnh tượng chen vai thích cánh trên đường phố lớn.
Đồng nghiệp kể với tôi rằng mấy ngày trước, cô em gái đang học đại học năm thứ hai tên là Lý Tử vừa vượt ngàn dặm xa xôi đến đây tìm cô ấy.
Tôi từng gặp Lý Tử vài lần, đó là một cô gái học chuyên ngành Phát thanh, tính tình cởi mở, giỏi ăn nói. Tôi với cô bạn đồng nghiệp khá thân thiết, có lần tôi trêu cô ấy rằng: “Cậu và Lý Tử sao chẳng giống nhau chút nào nhỉ? Em gái cậu thật đáng yêu, ai gặp cũng thích.”
Đồng nghiệp liếc xéo tôi một cái: “Ai nói không giống?
Đầu óc chúng tớ giống nhau lắm.”
Trước kì thi đại học, Lý Tử đăng kí thi năng khiếu tại một trường đại học về nghệ thuật. Nhờ ngoại hình xinh xắn, chất giọng ngọt ngào, khả năng ứng biến nhanh nhạy, Lý Tử xuất sắc vượt qua bài thi này. Đến lúc thi đại học, chỉ cần các môn thi bắt buộc đạt trên điểm chuẩn là cô bé chắc chắn có thể nhận được giấy thông báo nhập học.
Nhưng điều này lại khiến cả nhà Lý Tử âu sầu. Lý Tử là một học sinh rất chăm chỉ, thành tích các môn đều ổn, duy chỉ có môn Toán là không tốt lắm.
Hồi đầu, trong tiết Toán, Lý Tử vẫn cố gắng nghe giảng. Nhưng về sau, vì không hiểu bài, cô bé dứt khoát mặc kệ thành tích ngày càng trượt dốc.
Kết quả hiển nhiên là thảm không nỡ nhìn. Trên tờ bảng điểm của Lý Tử, điểm số các môn học khác đều tốt, chỉ có thành tích môn Toán là bi đát. Lại nhìn sang phiếu thi môn Toán, hoặc là có rất nhiều câu bỏ trống không làm, hoặc là có chi chít dấu gạch đỏ của giáo viên.
Song, Lý Tử có một cơ hội thi vào trường đại học tốt, vì vậy cô bé quyết định gắng sức một phen.
Ở trường, từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn Toán; ở nhà, từ ông bà đến chị gái, ai cũng vừa động viên vừa giúp đỡ Lý Tử cải thiện thành tích môn Toán.
Lý Tử lắng nghe lời khuyên, vùi đầu học ngày học đêm nhưng vẫn không tiến bộ.
Cô bạn đồng nghiệp của tôi kể rằng, lúc đó Lý Tử cũng vô cùng đáng thương. Trong phòng cô bé thường truyền ra tiếng sụt sịt khe khẽ lúc nửa đêm, tuy âm lượng rất nhỏ, nhưng văng vẳng mãi trong lòng.
Một ngày cuối tuần, bố mẹ Lý Tử đón tiếp một người đàn ông trung tuổi, giới thiệu với Lý Tử đó là thầy Nhậm – người sẽ là gia sư môn Toán của cô.
Nhìn cái trán bóng loáng của thầy Nhậm, Lý Tử mặt không biểu cảm gật đầu, cất tiếng chào hỏi: “Em chào thầy.” Sau đó cô bé trở về phòng, tiếp tục gặm nhấm cuốn sách giáo khoa Toán đọc mãi vẫn không hiểu.
Nhìn bóng lưng thầy Nhậm bước vào phòng Lý Tử, cô bạn đồng nghiệp lại nhớ đến tiếng khóc thút thít của em gái, lẳng lặng buông tiếng thở dài.
Tuy nhiên, kì tích đã dần xuất hiện.
Ngoài sức tưởng tượng của mọi người, kể từ khi thầy Nhậm làm gia sư của Lý Tử, thành tích môn Toán của cô bé bắt đầu có sự tiến bộ rõ rệt. Tuy chỉ có thể tăng lên 3 điểm, 5 điểm, nhưng đã tốt hơn nhiều so với việc giậm chân tại chỗ.
Việc học thêm này vốn chỉ mang tính chất chạy nước rút, không thể giúp thành tích môn Toán của Lý Tử tăng vọt, nhưng vượt qua điểm chuẩn lại là chuyện hoàn toàn khả thi.
Tháng Sáu, tiết trời bắt đầu oi bức. Ngày công bố điểm thi, tận mắt nhìn thấy thành tích của Lý Tử, khi chắc chắn cô bé đỗ vào ngôi trường mình hằng mong ước, cả gia đình cô bạn đồng nghiệp ôm chầm lấy nhau. Niềm hạnh phúc như vỡ òa vì những tháng ngày học hành vất vả, những nỗ lực của Lý Tử không phải là công cốc.
Đương nhiên, phải kể đến công lao lớn của thầy Nhậm. Buổi trưa hôm công bố điểm thi, cô bạn đồng nghiệp dẫn theo em gái đội nắng chang chang đến tận nhà cảm ơn thầy Nhậm.
Có lẽ đã được quá nhiều học sinh và phụ huynh đến cảm ơn nên từ đầu đến cuối thầy Nhậm luôn giữ thái độ điềm tĩnh. Nhưng khi nghe thấy cô bạn đồng nghiệp đánh giá Lý Tử rằng: “Cô em gái này của em quả thực không hiểu biết gì, quá ngốc”, thầy Nhậm đã phản bác ngay lập tức.
Thầy nói: “Điều này thì không đúng rồi, em Lý không ngốc. Trước kia, thành tích của em ấy không tốt chủ yếu là do phương thức giảng bài truyền thống không phù hợp với em ấy. Em Lý không giỏi tiếp nhận những cách giải bài có logic chặt chẽ, vì vậy tôi dạy em ấy một số phương pháp giải bài đơn giản và ngắn gọn. Chỉ cần cho em ấy biết đâu là câu dễ, không được bỏ, đâu là câu khó, cố gắng áp dụng công thức là có thể kiếm 1-2 điểm. Làm như vậy, thành tích của em ấy đương nhiên sẽ có tiến bộ.”
Tôi từng đọc một bình luận rằng: Thời trang hàng hiệu đích thực không có “free size”. Ban đầu tôi cảm thấy điều này có chút buồn cười. Nhưng sau đó tôi nghĩ, một chiếc áo được bán với giá đắt đỏ, lại được nhiều người ưa chuộng, chắc hẳn phải có lí do của nó.
Những thiết kế cao cấp đắt tiền ở dịch vụ, ở chất lượng, ở đặc điểm chỉ “thuộc về riêng bạn”. Một chiếc áo cắt may cho riêng bạn nếu mặc lên người một ai khác có thể không còn hợp nữa.
Không phải ai cũng có thể bộc lộ tài năng của mình. Khi bạn phát hiện ra điểm khác biệt của bản thân, đồng thời dốc lòng phát triển, kiên nhẫn bồi đắp cho nó, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội tỏa sáng. Tìm kiếm và tận dụng triệt để khe hở mang tên “cơ hội”, bạn mới có được thành công của riêng mình.
Điều này đòi hỏi bạn phải có khả năng quan sát nhạy bén, nắm bắt chuẩn xác cơ hội và có đủ năng lực tạo ra đột phá. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ phản bác rằng mình vốn chỉ là một người bình thường, làm gì có những kĩ năng nổi trội này, có lẽ cả đời cũng không thể trở thành người đặc biệt.
Việc một người không có gì nổi bật là lựa chọn chủ động của người đó, không phải là kết quả được định trước.
Mỗi người đều có điểm độc đáo của riêng mình, nó đang đợi bạn tìm ra và phát huy
Đây là sứ mệnh, cũng là số mệnh của bạn. Chỉ đáng tiếc rằng nhiều người đã dùng cạn thời gian và tinh lực cả một đời nhưng vẫn không thể khai quật ra.
Tôi tin rằng người không cam chịu sự bình thường là bạn sẽ một lòng tin tưởng vào điểm độc đáo của chính mình, sẽ kiên nhẫn tìm kiếm nó và cuối cùng sẽ phát hiện ra nó.
Hãy nhớ rằng, mỗi người đều là một bông pháo hoa rực rỡ sắc màu.