1.1. Bí Quyết Giáo Dục Bền Vững
Điều 1
Những đứa trẻ kiên nhẫn sẽ trở nên thông minh
Điều đầu tiên cha mẹ cần nhớ khi rèn luyện cho con tính kiên nhẫn chính là không đáp ứng ngay mọi yêu cầu của con khi con quấy khóc bởi như vậy sẽ chỉ biến con thành đứa trẻ ích kỷ, thiếu kiên nhẫn. Khi con khóc, hệ thần kinh tự chủ của con sẽ hoạt động, nhờ vậy con sẽ học được cách kiểm soát bản thân. Không dạy con tính kiên nhẫn và cách kiềm chế bản thân từ những điều nhỏ bé thì khi lớn lên con sẽ rất khó hòa nhập với xã hội. Đặc trưng của những đứa trẻ có hành vi không tốt là ích kỷ và thiếu năng lực kiểm soát bản thân.
Kiên nhẫn là đức tính rất quan trọng đối với sự hình thành nền tảng trí tuệ của trẻ. Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nhất định phải áp dụng phương pháp dạy con biết kiên nhẫn.
Sự nghiêm khắc của mẹ và một chút dịu dàng của cha sẽ là chỗ dựa cho con. Nếu cả cha và mẹ cùng nghiêm khắc với con quá mức sẽ không giúp ích gì cho con. Dù cha có hiểu được con đang đòi hỏi thứ gì cũng không thể ngay lập tức thỏa mãn yêu cầu của con mà hãy rèn luyện cho con biết kiên nhẫn.
Điều 2
Tiêu chuẩn giáo dục tính kiên nhẫn
Nguyên tắc cơ bản của giáo dục là không chê trách từng hành động của con mà để con được tự do trong một giới hạn cho phép. Để thực hiện giáo dục con một cách nghiêm túc thì dù con có khóc cha mẹ cũng phải dạy con tính kiên nhẫn. Khi con quấy khóc vòi vĩnh, cha mẹ cần phải có thái độ nghiêm khắc để rèn cho con biết nhẫn nhịn.
Một tiêu chuẩn khác của việc giáo dục tính kiên nhẫn là cha mẹ không nên tha thứ cho những lỗi lầm có thể khiến cho con trở nên xấu tính hơn. Cha mẹ cũng không nên la mắng con nghiêm khắc chỉ vì những hành động nghịch ngợm đơn thuần (những hành động tự nhiên mà đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua trong quá trình trưởng thành như thích ném đồ, thích mở ngăn kéo để lục tung mọi thứ bên trong,…).
Điều 3
Khi con lên một tuổi, hãy dạy con tính kiên nhẫn từ “những điều nhỏ bé”
Kể từ tháng thứ mười ba trở đi, cha mẹ không nên đáp ứng ngay những đòi hỏi của con mà phải dạy con kiên nhẫn từ những điều nhỏ bé.
Hãy bắt đầu từ việc không đáp ứng ngay lập tức mọi điều con muốn, và trì hoãn bằng cách nói nhẹ nhàng với con: “Đợi mẹ một chút. Để mẹ làm xong việc này đã con nhé!”. Nếu con biết chờ đợi, cha mẹ hãy khen con thật nhiều. Ngược lại, nếu con không muốn đợi mà cứ khóc lóc đòi bằng được, cha mẹ cũng đừng mất bình tĩnh mà hãy ôm con vào lòng và bế con ra khỏi môi trường đó, nhẹ nhàng dỗ dành và giải thích để con hiểu về tính kiên nhẫn, biết chờ đợi.
Điều 4
Dạy con về khái niệm “Không được”
Hình 1. Cha mẹ không nên nuông chiều theo những đòi hỏi vô lý của con
Khi con gần hai tuổi, dù con có khóc hay phản kháng đòi làm những việc chắc chắn không được phép làm thì cha mẹ phải dạy cho con rằng: “Không được làm”. Sau đó ba mẹ hãy ôm con thật chặt và vỗ về con: “Không phải mẹ ghét mà la mắng con đâu, mẹ thương con nên mới nói 'không được' với con. Mẹ yêu con lắm, mẹ biết con là một đứa trẻ ngoan ngoãn và biết nghe lời mẹ mà!”. Bằng cách này, dần dần con sẽ hiểu và trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn.
Hãy ghi nhớ công thức sau: Dạy bảo con thật nghiêm khắc (chỉ trong ba mươi giây), ngay sau đó nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vì sao mẹ lại la mắng con như vậy.
Điều 5
Khi con được hai tuổi, hãy dạy con biết giữ lời hứa
Khi con được hai tuổi, con đã biết vâng lời cha mẹ và cũng có thể biết thực hiện lời hứa với cha mẹ. Hãy bắt đầu bằng những lời hứa đơn giản, như lúc ra ngoài thì thỏa thuận với con mấy giờ sẽ về nhà, và dạy con phải về đúng giờ đã hứa. Cha mẹ không được để con làm theo ý mình mà không giữ lời hứa, vì con sẽ có thể trở nên ích kỷ và không quan tâm đến lời cha mẹ nói.
Trước khi đi ngủ, cha mẹ có thể giao hẹn với con: “Con đọc xong cuốn truyện này rồi đi ngủ nhé” hay “Đồng hồ điểm chín giờ là lúc con sẽ phải đi ngủ nhé”. Cha mẹ có thể bảo con nhắm mắt lại để nghe mình kể chuyện, dần dần con sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Phải tập cho con biết kiên nhẫn từ việc nhỏ, qua đó, dần dần con sẽ biết nhẫn nhịn những việc lớn hơn.
Điều 6
Trẻ ba tuổi phát triển ý thức về “cái tôi”
Khi trẻ được ba tuổi chín tháng hoặc ba tuổi mười tháng, lúc này trẻ đã phát triển ý thức về “cái tôi”, bởi vậy cha mẹ có thể đặt ra những giao hẹn thông qua lời hứa giữa mẹ với con như:“Nếu con thất hứa, mẹ sẽ trách mắng con đấy nhé!”. Vậy thì, khi con có làm sai hay thất hứa và bị mẹ mắng, con cũng sẽ hiểu là vì mình có lỗi nên mẹ mới mắng, chứ hoàn toàn không phải vì mẹ không thương yêu mình. Điều này sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn tốt đẹp.
Điều 7
Răn dạy con từ trước tuổi lên ba
Nếu một đứa trẻ đã lên ba mà chưa từng bị cha mẹ quở trách hay lớn tiếng một lần nào thì sau này trẻ sẽ lớn lên và trở nên ngang bướng, hoàn toàn không biết kiềm chế bản thân.
Khi trẻ đã quá ba tuổi hoặc khi trẻ đã bốn tuổi, dù cha mẹ có trách mắng rất nghiêm khắc rằng “con không được làm như vậy” thì cũng sẽ không còn tác dụng gì nhiều nữa. Tính ích kỷ của trẻ sẽ rất khó được sửa chữa. Ngược lại, trước ba tuổi, nếu con đã biết sợ khi cha mẹ la rầy thì ấn tượng ấy sẽ giống như một chiếc phanh kìm lại để giúp con không phát triển tính bướng bỉnh.
Trong việc nuôi dạy con cái, về cơ bản cha mẹ phải dành cho con sự dịu dàng hết mức, bên cạnh đó cũng cần nghiêm khắc với con. Nếu cha mẹ chỉ có sự dịu dàng đối với con thôi thì cũng không đủ.
Điều 8
Dạy con thông qua biểu cảm và thái độ thay vì nặng lời trách mắng
Răn đe con “Không được làm” những việc nguy hiểm hay sai trái là rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là cha mẹ nên dùng những lời lẽ trách mắng nặng nề với con. Cách tốt nhất là hãy dặn con những việc không được làm trước, nếu con vẫn phạm phải thì hãy thể hiện thái độ và biểu cảm trên gương mặt để con hiểu mình đang sai. Nhưng thái độ đó không nên là biểu hiện bằng sự tức giận mà nên thể hiện sự buồn bã của cha mẹ.
Đòn roi và trách mắng nặng nề sẽ hoàn toàn phản tác dụng và khiến việc dạy dỗ con trở nên khó khăn hơn. Cha mẹ cũng nên tránh không sử dụng những hình phạt về thể xác như nhốt con vào tủ. Người ta vẫn nói con cái là tấm gương phản chiếu của ba mẹ. Vậy nên, thay vì cố gắng thay đổi con cái, cha mẹ nên thay đổi mình trước. Khi tình cảm, cảm xúc của cha mẹ thay đổi thì thái độ của con cũng lập tức thay đổi theo.
Điều 9
Trò chuyện với con khi tắm
Một trong những cách để cha mẹ cải thiện thái độ của con chính là chuyện trò thủ thỉ mỗi khi tắm cho con. Đó không phải là lúc để cha mẹ nói với con những chuyện như: nếu con có thái độ như thế nào sẽ khiến người khác không thoải mái, con nên cư xử như thế nào thì tốt hơn,… mà cha mẹ chỉ nên trò chuyện với con bằng những câu chuyện kể thông thường. Cha mẹ không nên chỉ kể cho con nghe những câu chuyện thiếu nhi có sẵn mà cũng nên tự sáng tạo ra những câu chuyện mà qua đó trẻ có thể dễ dàng nhận ra được đâu là nhân vật đứa trẻ ngoan và đâu là đứa trẻ chưa ngoan.
Điều 10
Khi con khóc ăn vạ
Cha mẹ cư xử không hợp lý với những hành vi nhõng nhẽo, khóc lóc, ăn vạ của con sẽ khiến cho việc dạy con gặp nhiều khó khăn hơn sau này.
Dù con nhõng nhẽo quấy khóc, cha mẹ cũng không nên chiều theo đòi hỏi của con. Cách tốt nhất là cha mẹ hãy giả vờ ngó lơ để cho con tiếp tục khóc, hoặc là đánh lạc hướng sự chú ý của con sang việc khác để dạy cho con biết kiên nhẫn. Quan trọng là, khi cha mẹ giả vờ ngó lơ con và con vừa ngưng khóc, cha mẹ hãy lập tức quay lại và ôm con vào lòng khen rằng:“Con của mẹ giỏi kiên nhẫn quá!”.
Cha mẹ áp dụng phương pháp này dần dần sẽ khiến con không còn khóc lóc hay ăn vạ nữa. Ngược lại, nếu cha mẹ cho rằng cần tôn trọng cảm xúc của con và để con nhõng nhẽo thì con sẽ tiếp diễn những hành động đó như một thói quen.
Điều 11
Chân thành khen ngợi con khi con làm đúng
Khi con đưa ra được những lý do chính đáng đúng đắn cho hành động của mình, cha mẹ nên chân thành nhìn nhận rằng con đã làm đúng chứ không nên đối đầu và bắt con chấp nhận ý kiến của mình. Thay vào đó, thậm chí người mẹ nên đặt mình vào vị thế thấp hơn để lắng nghe nghiêm túc những lời giải thích của con, nhờ vậy, con sẽ phát triển tính cách tốt và biết cách thể hiện rõ ràng, chính xác những suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ cho phép con được ương bướng hoặc cãi ngang với cha mẹ. Việc không được phép làm thì vẫn không thể làm. Nếu lý do con đưa ra đúng đắn, hợp lý thì cha mẹ hãy công nhận con một cách chân thành. Nếu cha mẹ đối xử với con như một người trưởng thành và có năng lực thì con sẽ phát triển trở thành một đứa trẻ đáng tin cậy. Cha mẹ nên nhờ con giúp đỡ việc nhà bằng cách nói với con rằng: “Con hãy giúp mẹ làm việc này nhé!”, sau đó khen ngợi con làm tốt thì con sẽ lớn lên thành một đứa trẻ ngoan ngoãn.
Điều 12
Không can thiệp vào mọi rắc rối mà con gặp phải
Mọi việc con làm đều sẽ là sự trải nghiệm và là bài học quý cho con, vì vậy cha mẹ không nên lúc nào cũng la rầy con. Khi thấy con làm những việc có vẻ quá sức, cha mẹ thường có xu hướng can thiệp và giúp đỡ, thậm chí làm thay. Cha mẹ không nên cấm đoán hay nói “không được” mỗi khi con muốn làm việc gì đó theo ý mình mà hãy để con làm. Những lời trách mắng có lúc trở nên hoàn toàn không cần thiết. Liên tục cấm đoán hoặc trách mắng để bắt con nghe lời có thể khiến con cảm thấy tổn thương trong khi không hiểu vì sao lại bị như vậy. Thay vào đó, trong trường hợp con muốn làm theo ý mình như vậy, cha mẹ có thể ôm con, hướng sự chú ý của con sang thứ khác và dẫn con ra khỏi nơi đó.
Nếu cha mẹ cứ nổi giận rồi trách mắng con thì dần dần con sẽ trở thành đứa trẻ không nghe theo những lời cha mẹ nói, từ đó khiến việc nuôi dạy con trở nên rất khó khăn. Vì vậy, hãy nuôi dạy con bằng cách không trách mắng vô lý và khen con thật nhiều.
Điều 13
Giáo dục con “trong gia đình” và “ngoài gia đình”
Hình 2. Cha mẹ nên thống nhất cách ứng xử với con dù ở trong môi trường nào
Khi đưa con ra ngoài, cha mẹ không nhất thiết phải thay đổi cách dạy dỗ, ở nhà dạy con như thế nào thì khi ra ngoài, cha mẹ hãy tiếp tục duy trì như thế.
Ví dụ, khi cha mẹ cùng con ăn ở nhà hàng, và con bất cẩn đánh rơi lọ đường. Có phải ở nhà khi con đánh rơi lọ đường, cha mẹ cũng chỉ bảo con nhặt lên mà không la mắng không? Hãy làm đúng như vậy ở nhà hàng. Cha mẹ chỉ cần bảo con nhặt lọ đường lên, sau đó cha mẹ xin lỗi nhân viên nhà hàng, và bảo con cùng xin lỗi. Ai cũng có lúc bất cẩn, nên việc quở mắng vì những điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ phải dạy con biết nói lời xin lỗi mỗi khi vô ý mắc lỗi.
Điều 14
Không để tâm quá mức đến những lời phê bình xung quanh
Không dễ dàng gì khi phải nuôi dạy con trong một môi trường đầy những lời phán xét xung quanh. Nhưng sẽ càng tồi tệ hơn nếu cả cha mẹ và con cái vì những lời phê bình ấy mà bất an, khó chịu. Vì vậy, quan trọng hơn hết là cha mẹ hãy luôn nỗ lực để suy nghĩ tích cực và sáng suốt. Hãy thôi lo lắng về những điều nhỏ nhặt và nuôi con trong tâm thế thật thoải mái.
Nếu để tâm đến những bình luận, phê bình từ xung quanh mà cha mẹ nóng vội trong việc dạy dỗ thì con cũng không học được gì, dù có làm gì thì cũng không đem lại kết quả tốt. Đối với những bình luận, phê bình của mọi người, thay vì lo lắng, cha mẹ cứ nên tiếp tục kiên trì với phương pháp dạy con đúng đắn của mình. Tính cách của trẻ sẽ thay đổi nhờ vào giáo dục, dù có thể những thay đổi đó còn chưa bộc lộ ra ngay hết được. Dù bản chất của trẻ là tốt hay chưa tốt thì nhờ vào sự giáo dục mà vẫn cải thiện được. Tôi đã từng tư vấn cho các bậc cha mẹ mà con của họ ban đầu rất ngoan ngoãn nhưng sau đó lại trở nên ương bướng và không chịu nghe lời cha mẹ. Vậy thì chắc chắn vấn đề nằm ở cách mà cha mẹ giáo dục con của mình.
Nhìn chung, giáo dục con trong lúc để tâm đến mọi lời phê bình của người khác sẽ chỉ mang đến những kết quả không như mong muốn. Hãy cứ sống chậm rãi và sáng suốt, đừng bận tâm đến lời người khác quá nhiều, cũng đừng quên khuyến khích động viên con mỗi ngày và rồi cha mẹ sẽ thấy kết quả trong tương lai không xa.
1.2. Giáo Dục Tri Thức Sẽ Giúp Con Phát Triển Tính Cách
Điều 15
Hiểu và phát triển tính cách riêng của con
Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với những tính cách riêng biệt, không ai giống ai. Vì vậy, thay vì ép con phải phát triển theo một khuôn mẫu nào đó, cha mẹ hãy nhìn vào tính cách riêng của con mình, sau đó hỗ trợ để con phát huy tính cách đó một cách tự nhiên.
Việc cha mẹ ép con theo một khuôn mẫu sẽ không những không giúp con phát triển tốt, mà đôi khi còn mang lại những hậu quả tồi tệ. Cách tốt nhất là cha mẹ hãy nhìn nhận và khen ngợi những đức tính tốt của con thay vì để ý nhiều vào những điểm chưa tốt, nhờ vậy, con sẽ ngày một hoàn thiện và trở nên tốt hơn.
Điều 16
Nếu con thích ỷ lại
Tính ỷ lại của trẻ phát triển là do trẻ có thói quen nhờ cha mẹ làm hộ mọi thứ. Nói cách khác, cha mẹ đã quá bao bọc con. Đó là cách dạy dỗ sai lầm. Điều cha mẹ cần làm là khuyến khích, động viên con tự làm những điều con muốn thay vì nghe và làm theo mọi yêu cầu hay nhờ vả của con.
Các bậc phụ huynh có thể tìm đọc cuốn sách Cuộc gặp gỡ giữa bạn và bé (tác giả: Hasegawa Yoshio, NXB Joho phát hành). Thông qua cuốn sách này, cha mẹ có thể học được nhiều cách từ chối khéo léo khi con nhờ vả, đồng thời cũng sẽ tìm được cách khơi gợi hứng thú cho con tự làm mọi việc.
Điều 17
Nếu con lười suy nghĩ
Cách cư xử thường ngày của cha mẹ có thể khiến cho con trở nên lười suy nghĩ. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là cha mẹ đừng cắt ngang khi con đang trình bày, giải thích quan điểm của mình.
Hình 3. Cha mẹ nên tạo cơ hội cho con chơi những trò chơi đòi hỏi sự tập trung
Những đứa trẻ không được tạo cơ hội thể hiện mình mà chỉ hành động theo lời sai bảo của bố mẹ sẽ không chịu động não suy nghĩ. Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho con thật nhiều cơ hội để con buộc phải suy nghĩ, dần dần con sẽ có thói quen tự tư duy trong mọi việc mình làm. Đơn giản nhất là để con tập trung chơi các trò chơi rèn luyện tư duy mà con yêu thích như là chơi xe đạp hoặc chơi với các hình khối, khi đó dần dần con sẽ rèn luyện được khả năng tự suy nghĩ.
Cho con xem tivi không phải là một lựa chọn tốt, vì xem tivi quá nhiều khiến con dễ trở nên lười suy nghĩ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý cho con tham gia và trải nghiệm những điều mới lạ trong thực tế. Những điều mới mẻ sẽ kích thích trí não con trẻ, khiến con vui vẻ và nỗ lực hơn.
Cha mẹ có thể cùng con chơi trò gấp giấy (Origami) hoặc chơi tạo hình bằng dây thun. Trò chơi này không những buộc con phải tư duy mà còn rèn luyện cho con khéo tay hơn. Ngoài ra nên dạy con chơi cờ tướng, hoặc tham gia giải câu đố. Đây đều là những hoạt động đòi hỏi con phải liên tục tư duy. Khi để con tham gia những trò chơi có ích đó, dần dần cha mẹ sẽ thấy con mình tích cực suy nghĩ trong mọi hoạt động và không còn lười biếng nữa.
Điều 18
Nếu trẻ có tính ganh đua, hiếu thắng
Không khuất phục trước thất bại là tính cách tốt, vì nó có thể trở thành đòn bẩy để con không ngừng học hỏi và phát triển. Những đứa trẻ có tính cách này thường rất mạnh mẽ, tự tin, không nóng vội, cũng không nhõng nhẽo với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ lại càng cần chủ động quan tâm, chăm sóc và dõi theo sự phát triển của con mình.
Tuy vậy, nhược điểm của tính hiếu thắng chính là những đứa trẻ này sẽ luôn muốn mình là người dẫn đầu, nên mỗi khi chịu thua thiệt trước bạn bè chúng sẽ trở nên chán nản, mất đi động lực cố gắng. Tuy nhiên, con người chúng ta không thể nào giỏi nhất ở tất cả các lĩnh vực, vì vậy con chỉ cần làm tốt một việc mà con giỏi nhất và cha mẹ sẽ luôn là điểm tựa tinh thần của con.
Cha mẹ có thể cho con đọc cuốn 100 Họa phẩm cổ*, cuốn sách kinh điển đã khơi nguồn cảm hứng cho những đứa trẻ tài giỏi, có động lực mạnh mẽ, năng lực học tập và khả năng tập trung xuất chúng. Khi con đọc xong, cha mẹ hãy nói với con rằng: “Đọc được cuốn sách như vậy là con đã giỏi hơn rất nhiều người rồi”. Hãy giúp con lấy lại sự tự tin, và nếu con có thất bại thì cũng không cần phải quá buồn bã, than khóc.
(*) Cuốn 100 Họa phẩm cổ (Hyakunin Isshu): tuyển tập 100 bài thơ của 100 thi nhân nổi tiếng của Nhật Bản, mỗi bài thơ đều kèm theo bức họa chân dung tác giả. Tập thơ do Fujiwara No Teika (1162 – 1241) tổng hợp và biên soạn trong thời gian ông sống ở quận Ogura, Kyoto, Nhật Bản, nên còn được gọi là Ogura Hyakunin Isshu. Ở Việt Nam, cha mẹ có thể tham khảo những cuốn truyện đọc về tấm gương các danh nhân hay những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.
Điều 19
Khi con biết khóc vì hối hận
Tinh thần tranh đấu, không chịu khuất phục là một nhân tố quan trọng giúp năng lực của trẻ phát triển. Tinh thần tranh đấu càng cao thì trẻ càng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Nếu trẻ có khóc khi thất bại thì cũng là một trải nghiệm đáng quý đối với trẻ. Trẻ sẽ nhớ về việc mình đã từng khóc và trở nên kiên nhẫn bền bỉ hơn, điều đó sẽ trở thành động lực để trẻ luôn cố gắng để không lặp lại thất bại ấy. Vì vậy không thể nói rằng cứ khóc là xấu.
Hình 4. Trẻ khóc khi bị thất bại cần có sự động viên từ cha mẹ
Vì vậy, khi thấy con khóc vì thất bại, cách tốt nhất là cha mẹ dùng sự đồng cảm để an ủi con: “Thua như vậy chắc là con thấy tiếc nuối lắm! Mẹ hiểu mà, không sao đâu con. Lần sau con cố gắng hơn là được rồi”. Sau đó cha mẹ hãy ở bên cạnh hướng dẫn con luyện tập và bắt đầu lại từ đầu, cha mẹ sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc để con phát triển mạnh mẽ hơn trước.
Ví dụ, muốn con luyện tập để chạy nhanh hơn, mỗi sáng sớm cha hãy rủ con cùng ra ngoài chạy bộ. Cha mẹ cần có niềm tin: “Nhất định con sẽ trở thành vận động viên số một”. Cha mẹ hãy động viên con giữ vững niềm tin ấy và kiên trì luyện tập. Nhờ đó cha mẹ sẽ nuôi dưỡng được sự bản lĩnh trong con.
Quá trình rèn luyện tinh thần tranh đấu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nét đẹp của sự trưởng thành. Cha mẹ hãy cố gắng dạy con thành một đứa trẻ có tinh thần phấn đấu không mệt mỏi như vậy nhé.
Điều 20
Khi con hay hờn dỗi
Trẻ hay hờn dỗi là vì chưa cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, bởi vậy, chỉ cần trẻ cảm nhận đủ tình yêu thương từ cha mẹ như mong muốn thì tình trạng hờn dỗi sẽ biến mất.
Cha mẹ hãy thử nghĩ lại xem mình có thường xuyên nặng lời, quát mắng con không, có khi nào có ý nghĩ tiêu cực, thất vọng với con như “có chuyện như vậy mà con cũng làm không xong” không. Suy nghĩ tiêu cực của cha mẹ có thể truyền đến con cái, khiến con trở nên dễ hờn dỗi. Vì thế, trước tiên cha mẹ cần thay đổi cách cư xử của mình với con, con sẽ nhanh chóng trở thành đứa trẻ vui vẻ, ngoan ngoãn và biết vâng lời.
Điều 21
Khi con hay khóc nhè
Khóc nhè là biểu hiện dễ thấy ở những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng. Vì vậy, nếu muốn con mạnh mẽ và ngoan ngoãn hơn, cha mẹ cần khen ngợi con thật nhiều và không nên chuyện gì cũng trách mắng con. Khi con hiểu mình được cha mẹ yêu thương thật nhiều, con sẽ trở nên mạnh mẽ, ít làm nũng hơn.
Trong suốt quá trình nuôi dạy con, cha mẹ cần đối xử tôn trọng với con như người lớn. Cha mẹ có thể nhờ con làm việc, sau khi con làm xong thì cảm ơn và khen ngợi con. Khi cảm thấy mình được đối xử như một người lớn, con sẽ thôi khóc nhè.
Nếu lúc nào cha mẹ cũng nuôi dạy, đối xử với con bằng những mệnh lệnh, bắt con phải làm theo mọi ý muốn của cha mẹ nghĩa là cha mẹ đang không tôn trọng cảm xúc của con, điều đó chỉ càng khiến con nhõng nhẽo nhiều hơn. Hãy giảm những lần ra mệnh lệnh lại và lắng nghe cảm xúc của con nhiều hơn. Cha mẹ nên nhớ rằng khen ngợi và công nhận mới là chìa khóa để nuôi dạy nên những đứa trẻ ngoan.
Điều 22
Khi con dễ nổi cáu
Khi con nổi cáu, gào khóc, cha mẹ không nên hốt hoảng vội vàng cưng nựng dỗ dành con. Khi đó, cha mẹ hãy giả vờ phớt lờ con và để cho con khóc thoải mái. Đến khi con ngừng khóc, cha mẹ hãy khen ngợi con rằng: “Con đã kiềm chế rất tốt”. Lâu dần con sẽ học được cách kiên nhẫn và không còn dễ tức giận nữa.
Ngoài ra, cha mẹ nên thường xuyên khen ngợi, nhìn nhận điểm tốt của con, con sẽ trở thành đứa trẻ có năng lực tư duy tốt và tính dễ nổi cáu sẽ biến mất. Khi trạng thái cảm xúc của con tốt, cha mẹ hãy nhờ con giúp đỡ và khen ngợi con, từ đó tạo ra những trải nghiệm cảm xúc tốt đẹp cho con. Cách này sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều so với việc cứ cố sửa những điểm xấu của con.
Điều 23
Khi con bướng bỉnh
Trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng trải qua thời kỳ phản ứng lại những lời dạy dỗ của cha mẹ. Đây là thời kỳ nổi loạn, nên bất kể cha mẹ nói gì, con cũng không đồng tình và có ý chống đối. Nhưng đó là một giai đoạn bình thường trong quá trình đấu tranh để trưởng thành, vì vậy cha mẹ không nên la mắng con quá nặng lời, hãy cứ vui mừng và kiên nhẫn chờ đón từng bước trưởng thành của con.
Nếu có thể trải qua thời kỳ này một cách tốt đẹp, con sẽ nhanh chóng ngoan ngoãn trở lại. Ngược lại, cha mẹ la mắng quá nhiều, gây sức ép lên con thường xuyên có thể khiến con phát triển không đúng hướng, thậm chí lệch lạc. Cha mẹ nếu biết tôn trọng tâm trạng và cảm xúc của con thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc ra lệnh và bắt ép con phải làm theo.
Điều 24
Khi con quá ngoan
Có trường hợp những bậc cha mẹ lo lắng vì con mình quá ngoan. Lo lắng này là hoàn toàn không cần thiết. Đứa trẻ được nuôi dạy bằng những lời khen ngợi, được nhìn nhận những điểm tốt của bản thân, tự động sẽ ngoan ngoãn. Không có gì bất thường ở những đứa trẻ đặc biệt ngoan ngoãn ấy cả. Vậy nên, thay vì lo lắng, cha mẹ hãy cho con học các môn thể dục rèn luyện thân thể và tinh thần khỏe mạnh, mạnh mẽ như là võ Judo hay Karate thì sẽ tốt hơn.
Điều 25
Khi con không biết phản kháng và luôn nhẫn nhịn
Trẻ biết nhẫn nhịn, biết tự kiềm chế bản thân mình là điều rất tốt. Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng rằng nếu con cứ nhẫn nhịn, chịu đựng quá nhiều thì đến một lúc nào đó con sẽ bùng phát, hoặc tệ hơn là bị stress.
Để tránh tình trạng đáng tiếc đó, cha mẹ nên cho con tham gia các hoạt động thể thao, học tập, giải trí,… Qua những hoạt động bổ ích này, con sẽ giải tỏa được căng thẳng của mình và cha mẹ cũng không cần lo lắng nữa.
Với những trẻ có tính sáng tạo phong phú, cha mẹ hãy giúp con bộc lộ cảm xúc thông qua các hoạt động như: vẽ tranh, học các môn có tính nghệ thuật, làm những món đồ thủ công,... Đó đều là phương pháp rất tốt để giải tỏa căng thẳng cho con.
Điều 26
Khi con suy nghĩ tiêu cực
Những đứa trẻ có suy nghĩ tiêu cực thường có dấu hiệu kìm nén bản thân trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ cần lưu tâm và giúp đỡ con thoát khỏi những kìm nén đó. Giải pháp là hãy khuyến khích con: “Khi con muốn một cái gì đó thì hãy nói rõ với mẹ là con muốn cái gì nhé!”. Tuy nhiên, không nên đồng tình quá mức vì sẽ dẫn đến việc con dễ trở nên ích kỷ, chỉ biết bản thân mình. Tốt nhất, cha mẹ nên biết cân bằng trong việc thông cảm và khuyến khích con.
Điều 27
Khi tính cách của con hướng nội
Những đứa trẻ ở nhà chỉ chơi với mẹ quá nhiều sẽ có tâm lý hướng nội, không còn muốn ra ngoài chơi. Để thay đổi tính cách này, trước tiên hãy cho con chơi mỗi ngày với những đứa trẻ hàng xóm.
Khi thói quen cuộc sống thay đổi thì tính cách cũng thay đổi theo, vì vậy, hãy sớm cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Ngay từ bây giờ, hãy dẫn con ra ngoài nhiều nhất có thể, cho con chơi với những đứa trẻ gần nhà, dần dần tính cách của con sẽ trở nên hướng ngoại hơn.
Điều 28
Khi con thận trọng thái quá
Trong suốt quá trình trưởng thành, con sẽ trải qua nhiều giai đoạn thay đổi khác nhau. Vì thế, nếu hiện tại cha mẹ thấy con không thân thiện với những đứa trẻ khác, điều đó không có nghĩa là con sẽ mãi mãi như vậy. Đó chỉ là một biểu hiện của tính thận trọng thái quá ở trẻ nhỏ, qua thời gian, khi dần lớn lên con sẽ trở nên thân thiện hơn.
Khi con có biểu hiện thận trọng, xa cách như vậy, cha mẹ chỉ cần âm thầm quan sát con mình là đủ, đừng quá vội vàng bắt con phải thay đổi ngay. Điều đó chỉ làm cho mọi việc càng tệ hơn. Hãy cứ nhìn con với một cái nhìn chan chứa yêu thương, bình tĩnh quan sát con và đừng lo lắng. Cha mẹ rồi sẽ nhận ra con dần trở nên thân thiện với mọi người xung quanh.
Điều 29
Khi con nhạy cảm quá mức
Khi con trở nên quá nhạy cảm, cha mẹ hãy giúp con cân bằng cảm xúc lại. Dưới đây là hai cách mà cha mẹ có thể lưu ý để giúp con khi con có biểu hiện nhạy cảm quá mức:
1. Cha mẹ hãy luôn tạo cảm giác an toàn cho con, để con cảm nhận được bản thân luôn được yêu thương. Khi con có biểu hiện muốn được quan tâm, cha mẹ hãy ôm con vào lòng, tuyệt đối không được phớt lờ con đi.
2. Cẩn thận trong chuyện ăn uống. Những thức ăn chứa quá nhiều chất đạm như thịt, sữa bò, đồ ngọt (kem, sô-cô-la, nước trái cây,...) là nguyên nhân khiến đầu óc trẻ nhỏ trở nên mẫn cảm. Cha mẹ nên lưu ý cải thiện bữa ăn cho con bằng cách tăng cường rau củ quả.
Điều 30
Khi con hay sợ hãi
Có những đứa trẻ sẽ có biểu hiện sợ hãi với nhiều thứ, ví dụ như sợ xem một đoạn băng video nào đó. Đó là điều hết sức bình thường. Vì vậy cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đến giai đoạn trẻ tự vượt qua nỗi sợ đó, kiên nhẫn chờ đợi sự trưởng thành của con.
Cha mẹ không nên cố gắng bắt ép con xem những thứ mà con cảm thấy sợ.
Vậy khi nào thì trẻ sẽ vượt qua nỗi sợ của mình? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào trẻ, có thể là sau hai, ba tháng, cũng có thể đến một năm,… rồi sẽ đến lúc trẻ thoát ra được những nỗi sợ hãi đó. Có một cách để trẻ sớm vượt qua nỗi sợ của mình là cha mẹ tự mình xem những hình ảnh hoặc đoạn phim đó, thể hiện cho con thấy là mình đang vui vẻ thích thú khi xem chúng. Dần dần con sẽ không còn cảm thấy sợ hãi nữa, mà còn tham gia xem cùng cha mẹ.
Điều 31
Khi con nhút nhát
Không ít bậc cha mẹ lo lắng khi con mình luôn nhút nhát, sợ hãi khi gặp người lạ mà không biết rằng đây là một giai đoạn bình thường mà hầu hết trẻ nhỏ nào cũng phải trải qua và sau giai đoạn này, trẻ sẽ trở lại bình thường.
Hình 5. Cha mẹ không cần lo lắng khi thấy con nhút nhát chưa dám chào người lạ
Khi con có biểu hiện nhút nhát như vậy, cha mẹ càng phải thật nhẹ nhàng, mềm mỏng với con. Tuyệt đối đừng bắt ép con tiếp xúc với người lạ khi con chưa sẵn sàng, vì làm vậy chỉ khiến khuynh hướng sợ người lạ trong con ngày một lớn hơn. Cha mẹ hãy giới hạn những người có thể tiếp xúc với con là hàng xóm hay người thân. Đặc biệt, nên để cho con chơi với cha nhiều hơn.
Điều 32
Khi con nghịch ngợm
Thay vì cho rằng con đang nghịch ngợm phá phách, cha mẹ hãy coi những gì con làm là đang học hỏi và khám phá. Con tôi cũng vậy, lúc được hai tuổi con đã phá hỏng hết bốn cái máy hát và giờ thì con đã trở thành một đứa trẻ hiểu biết tốt về máy móc.
Khi bị la mắng quá nhiều vì nghịch ngợm, trẻ sẽ có xu hướng trở nên nghịch ngợm thật sự. Thậm chí, trẻ còn có thể cảm thấy thích thú khi bày trò khiến cha mẹ đau đầu. Ngược lại, chỉ cần cha mẹ không la mắng con, cố gắng kiên nhẫn với những trò nghịch ngợm của con trong giai đoạn này, thì sẽ đến lúc con trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện.
Có một bà mẹ đã để cho đứa con hai tuổi của mình thỏa thích nghịch ngợm với việc lần lượt rút hết khăn giấy trong hộp ra rồi nhét trở lại như một hoạt động rèn luyện năng lực tập trung và sự khéo léo cho con.
Điều 33
Khi con hiếu động
Dạy dỗ con bằng những lời la mắng là một phương pháp sai lầm. Khi đứa trẻ liên tục phải nghe những lời rầy la của cha mẹ, chúng sẽ chọn cách lờ đi. Kết quả là trẻ trở nên thiếu tập trung, không vâng lời cha mẹ. Ngược lại, nếu mẹ luôn dịu dàng với con, truyền tải thương yêu để con cảm nhận tình cảm của mẹ một cách rõ ràng, thì con sẽ trở nên vô cùng điềm tĩnh, biết tiếp thu và ham học hỏi.
Cha mẹ có thể tham khảo cuốn sách Muốn dạy con trở thành đứa trẻ dịu dàng (tác giả: Naito Jushichiro, NXB Bộ Nghiệp vụ Học viện Hiroike) để học hỏi về những thái độ thích hợp khi giao tiếp với con. Thái độ của cha mẹ thay đổi cũng là lúc con có những thay đổi nhanh chóng.
Điều 34
Khi con thiếu khả năng lắng nghe
Trong quá trình nuôi dạy con, nếu cha mẹ không dạy dỗ tốt, con sẽ trở thành đứa trẻ thiếu tập trung, không biết lắng nghe lời người khác nói. Hậu quả là khi ở trong lớp học hoặc ở trong môi trường trường học, con sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Giáo dục sớm từ không tuổi không phải là nguyên nhân hình thành nên những đứa trẻ hiếu động, thiếu tập trung và không có khả năng lắng nghe như vậy. Nguyên nhân chính là do trong quá trình dạy dỗ, cha mẹ đã không rèn luyện cho con sự bình tĩnh để lắng nghe lời người khác. Để con biết cách cư xử đúng mực, cha mẹ nên nghiêm túc dạy dỗ con ngay từ bây giờ thì mới mong mang lại kết quả tốt đẹp.
Để thay đổi tính cách của con, mỗi tối trước khi đi ngủ, cha mẹ hãy áp dụng “Cái ôm tám giây”, đồng thời dùng phương pháp “Năm phút thủ thỉ” với con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý đến bữa ăn của con, hạn chế tối đa những bữa ăn nhẹ từ thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều đường, như kem, sô-cô-la, kẹo, nước ép, v.v... Thay vào đó, mẹ nên tự tay nấu và chuẩn bị những bữa ăn nhẹ cho con. Thức ăn cũng giúp trẻ trở nên điềm tĩnh và từ đó, khả năng lắng nghe của con cũng được cải thiện.
Điều 35
Khi con lơ đễnh
Có những đứa trẻ bị cho là hay mất tập trung, thường xuyên chìm đắm trong suy nghĩ về thế giới riêng của mình. Đây có thể là biểu hiện của khả năng sáng tạo và liên tưởng phong phú không ngờ. Cha mẹ nên thử lắng nghe con nói xem con đang suy nghĩ về điều gì và khen ngợi con. Đó có thể là bước đầu của việc nuôi dạy nên một nhân tài thật sự.
Einstein cũng từng là một đứa trẻ lơ đễnh, hay suy nghĩ vẩn vơ khi đi học. Vậy nên cha mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con mình có những biểu hiện như vậy. Cha mẹ không nên xem tính lơ đãng như một thói quen xấu. Cha mẹ hãy cứ thoải mái và suy nghĩ tích cực hơn, rồi con sẽ ngày một tốt hơn.
Điều 36
Khi con quá say mê một thứ gì đó
Việc trẻ quá say sưa, chuyên tâm vào một việc nào đó không phải là điều xấu. Thực tế, chính những lúc trẻ tập trung cao độ vào việc mình làm là lúc khả năng tư duy của trẻ trở nên sâu sắc hơn và những kỹ năng khác cũng được trau dồi.
Hình 6. Trẻ cần được tạo cơ hội để thỏa sức khám phá đam mê của mình
Trong khi rất nhiều phụ huynh lo lắng vì con mình không có khả năng tập trung, nóng lòng muốn con thay đổi, thì lại có không ít cha mẹ không an tâm về việc con mình quá tập trung vào một thứ mà bỏ qua tất cả những việc khác. Thực tế là, khi được làm đúng điều mình thích, trẻ có thể tập trung thực hiện việc đó rất nhanh chóng. Nếu cắt ngang, ép con dừng việc mình thích lại để làm những việc khác, cha mẹ có thể sẽ đối mặt với sự phản kháng, thậm chí chống cự của con. Và điều đó hoàn toàn không tốt cho quá trình nuôi dạy con. Ví dụ, những đứa trẻ có đam mê về ô tô, khi được tiếp xúc với những thứ liên quan đến ô tô như đồ chơi, sách báo, tranh ảnh,… thì chúng sẽ ngày càng hứng thú với ô tô và muốn tìm hiểu sâu hơn nữa. Trẻ có thể biết được có đến 100 - 200 loại ô tô khác nhau, biết được cấu tạo của từng bộ phận trong ô tô. Năng lực quan sát, tập trung, suy nghĩ, so sánh và ghi nhớ của một đứa trẻ có đam mê có thể vượt bậc hơn rất nhiều so với những đứa trẻ không có đam mê nào.
Vì vậy, thay vì cấm đoán, không cho con làm cái này, cái khác, cha mẹ nên để con tự do tìm hiểu những điều chúng say mê.
Điều 37
Khi con luôn đặt câu hỏi
Từ hai tới bốn tuổi là giai đoạn trẻ đang khát khao hiểu biết về thế giới xung quanh, vì thế trẻ sẽ không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng tìm kiếm câu trả lời. Những lúc như vậy cha mẹ tuyệt đối không được quát rằng: “Con ồn ào, nhiều chuyện quá!” mà ngược lại, cha mẹ hãy luôn kích thích con suy nghĩ. Ví dụ cha mẹ hãy gợi mở suy nghĩ của con bằng cách nói rằng:“Đúng rồi, tại sao lại như vậy nhỉ? Theo con nghĩ thì là tại sao?”.
Chỉ cần con trả lời đúng dù chỉ là một phần nhỏ thôi, cũng hãy khen ngợi con. Nếu con nói sai, hãy sửa chữa thật khéo léo, “À, con nghĩ thế à, nhưng mẹ lại nghĩ thế này, con thấy sao?”.Bằng những cuộc đối thoại như vậy, con sẽ sớm có tư duy chính xác, suy nghĩ nhanh nhạy và trở thành những đứa trẻ tuyệt vời.
Điều 38
Khi con giàu trí tưởng tượng, hay nói chuyện một mình
Cha mẹ không nên la mắng hay trêu chọc trẻ khi trẻ nói chuyện một mình. Đừng làm mất đi thế giới tưởng tượng phong phú của con bằng những lời la mắng, can ngăn. Cha mẹ đừng nên lo lắng khi thấy con như vậy. Thực ra, khi còn nhỏ, trẻ thường thích chơi trò chơi tưởng tượng đóng vai thành người khác. Đó không phải là việc gì kỳ lạ, ngược lại, cha mẹ cũng nên tham gia vui vẻ cùng con vào các trò chơi tưởng tượng. Đa số những thiên tài từng được biết đến đều có tuổi ấu thơ thường xuyên sống trong thế giới tưởng tượng như vậy.
Điều 39
Khi con nói dối và tọc mạch
Bất kể trong thời điểm giáo dục nào, cha mẹ cũng phải luôn nhấn mạnh với con về tầm quan trọng của tính trung thực. Nhắc đi nhắc lại như vậy để con dần thấm nhuần ý thức trung thực và không nói dối nữa. Cha mẹ có thể thường xuyên dạy dỗ con bằng những câu chuyện về lòng trung thực. Những câu chuyện như Chuyện Washington và cây anh đào, chuyện Rìu vàng, rìu bạc, chuyện Chú bé chăn cừu, và những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop đều chứa đựng những bài học quý về tính trung thực mà con có thể học được. Đọc những câu chuyện đẹp, những cuốn sách tranh về tấm gương tốt có thể giúp tâm hồn con trở nên phong phú và đẹp đẽ hơn.
Bởi con trẻ coi cha mẹ là tấm gương, nên cha mẹ nhất định không được nói dối, càng không được nuốt lời với con. Khi cha mẹ thản nhiên phá vỡ lời hứa với con, dần dần con cũng sẽ không tôn trọng lời hứa và quen với việc nói dối.
Trong trường hợp cha mẹ phiền não vì trẻ có tính tọc mạch, cha mẹ hãy sáng tạo ra những câu chuyện có nhân vật chính là một đứa trẻ tọc mạch và kể cho con nghe, giúp cho con hiểu tính tọc mạch sẽ khiến con gặp phải rắc rối như thế nào. Đây chính là phương pháp tốt nhất để giúp con thay đổi.
Điều 40
Kích thích tính ham học hỏi ở trẻ
Cha mẹ không nên la mắng con chỉ vì con không làm đúng theo ý muốn của mình, bởi con đang trong giai đoạn muốn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh, nên cha mẹ cứ để con thoải mái thỏa mãn sự tò mò của mình. Nói cách khác, chính là để con tự do phát triển theo hướng mà con muốn. Nếu có thể, cha mẹ hãy giúp con tiếp cận sâu rộng hơn nữa vào lĩnh vực mà con hứng thú. Điều đó mang lại những hiệu quả giáo dục cao hơn việc cứ đặt ra cho con thật nhiều hình mẫu rồi bắt con tuân theo.
Khi con thực sự chú tâm vào một lĩnh vực nào đó, con sẽ phát triển năng lực tập trung và năng lực suy nghĩ, đồng thời năng lực tiếp thu cũng trở nên tốt hơn. Để con tự tìm ra giải pháp, hướng đi của mình sẽ tốt hơn việc cha mẹ liên tục can thiệp giải quyết mọi việc của con.
Điều 41
Nuôi dưỡng sự mạnh mẽ độc lập cho con
Làm thế nào để trẻ có thể phát triển một cách mạnh mẽ, độc lập? Độ tuổi từ không đến ba tuổi chính là giai đoạn vàng cho sự phát triển mạnh mẽ độc lập này. Từ lúc con còn là trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho con ra ngoài thường xuyên, nhìn ngắm những đứa trẻ khác vui chơi. Khi con được một đến hai tuổi thì đã đến lúc cha mẹ cho con ra ngoài chơi với bạn bè. Nếu trẻ không có những trải nghiệm này và suốt ngày chỉ ở trong nhà thì tính cách mạnh mẽ của trẻ sẽ không thể nào phát triển đầy đủ và trẻ sẽ tiếp tục chỉ biết bám theo mẹ mà thôi.
Giải pháp là ngay từ bây giờ, cha mẹ hãy cho con ra ngoài càng nhiều càng tốt. Hãy cho con chơi ở bên ngoài, chơi cùng với các bạn hàng xóm, dẫn con đến nhiều nơi và cho con được trải nghiệm thật nhiều thứ ở bên ngoài. Vì con chưa thể nào thay đổi tính cách ngay lập tức nên cha mẹ hãy cứ tạo điều kiện tốt nhất có thể để con có được nhiều những trải nghiệm bên ngoài như là đến thủy cung, sở thú hoặc về các vùng nông thôn.
Hình 7. Cha mẹ giao nhiệm vụ đơn giản để rèn luyện tính độc lập cho con
Nếu cha mẹ cho con cơ hội tự làm những việc như nhờ con đi mua đồ, mua rau xanh một mình hoặc để con chờ ở trạm xe buýt và lên xe một mình, khi đó con sẽ rèn luyện được sự mạnh mẽ, độc lập mà cha mẹ có thể dễ dàng thấy được. Nhưng trước hết cha mẹ hãy cho trẻ thử những việc đơn giản trước.
Điều 42
Để trẻ có tính cách trong sáng
Một đứa trẻ có tính cách trong sáng, vui vẻ, tự tin là do nhận được tình yêu thương đầy ắp từ cha mẹ, được có cơ hội rèn luyện và phát triển đầy đủ năng lực.
Để làm được như vậy, trẻ cần được tôn trọng trong quá trình sinh hoạt tập thể, cần học cách chăm sóc người khác và phát triển tốt khả năng giao tiếp xã hội của mình. Vì thế, ngay lúc này, cùng với việc truyền đạt tới con tình yêu thương ấm áp, cha mẹ hãy nghĩ đến việc giúp con phát triển toàn diện năng lực của mình. Đừng chỉ giới hạn con trong các mối quan hệ trong gia đình, hãy cho con giao lưu thật nhiều với bạn bè đồng trang lứa.
Điều 43
Dạy con biết cảm thông
Khả năng cảm thông không phải là điều có thể học được từ sách vở, mà phải thông qua sự dạy dỗ từ cha mẹ. Và cách tốt nhất để cha mẹ bắt đầu dạy con biết cảm thông chính là nhờ con làm việc giúp mình dù con còn nhỏ. Khi con thấy được niềm vui của mẹ, lòng trắc ẩn, yêu thương trong con sẽ phát triển. Cho con phụ giúp mẹ chính là bước đầu để con hiểu được tâm trạng của người khác. Cha mẹ cũng cần để con thấy được niềm vui và sự biết ơn của mình khi được con giúp đỡ. Bằng cách này, dần dần con sẽ hình thành mong muốn làm cho người khác cảm thấy vui vẻ.
Điều 44
Tập cho con tính tỉ mỉ
Muốn con tập được tính tỉ mỉ, cha mẹ phải là người hướng dẫn, kèm cặp cho con để con có thể hoàn thành được những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao. Ngoài vẽ tranh, các trò chơi như: dán giấy màu, trò chơi xây dựng từ các hình khối,... đều có thể tập tính tỉ mỉ cho con trẻ. Trồng hoa và nuôi dưỡng các động vật nhỏ cũng sẽ giúp con rèn luyện tính tỉ mỉ trong quan sát.
Điều 45
Dạy con biết nỗ lực nghiêm túc
Để tập cho con biết nỗ lực một cách nghiêm túc, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc cho con tự chơi với các hình khối lắp ráp. Không nên cho con chơi nhiều với những món đồ đã được lắp sẵn vì con sẽ mau chán và không rèn được năng lực tập trung. Thay vào đó, hãy cho con chơi thật nhiều với những món đồ chơi mà con có thể tự lắp ráp và thay đổi hình dáng của chúng. Cha mẹ có thể cho con xem nhiều sách tranh để rèn luyện khả năng tập trung của con tốt hơn.
Điều 46
Phát triển cho con một cá tính riêng
Những đứa trẻ có cá tính riêng thường sẽ có tài năng nổi trội ở một lĩnh vực nào đó, như tiếng Anh, bơi lội, âm nhạc, trà đạo, cắm hoa, múa ba-lê, hay một lĩnh vực bất kỳ. Cha mẹ cần giúp con nuôi dưỡng, phát triển những tài năng đặc biệt này. Khi cha mẹ hỗ trợ con trong lĩnh vực mà con yêu thích, tâm đắc, say mê, trong con sẽ dần phát triển một tinh thần cầu tiến rất lớn, con sẽ liên tục muốn học hỏi để không bị thua kém người khác.
Điều 47
Phát triển cho con năng lực sáng tạo
Quá trình hình thành tính cách của trẻ chủ yếu diễn ra trong giai đoạn nửa sau hai tuổi. Đây cũng chính là thời điểm then chốt giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo.
Để động viên và tạo hứng thú cho con không ngừng sáng tạo, cha mẹ phải bày tỏ thái độ vui mừng hào hứng đối với những thứ tự tay con làm. Để tránh trường hợp những món đồ đó có thể bị hỏng, vỡ và mất đi, cha mẹ hãy trân trọng thành quả của con bằng cách chụp ảnh những sản phẩm của con, treo trên tường hoặc lưu vào album. Cha mẹ hãy thể hiện niềm vui thích khi được xem những sản phẩm mà con tạo ra. Được cha mẹ công nhận như vậy, con sẽ ngày càng có động lực và cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo tuyệt vời hơn nữa. Khi số lượng album này tăng lên cũng đồng nghĩa với việc trí óc sáng tạo của con đang phát triển. Khi con sáng tạo, cha mẹ hãy đưa ra cho con những lời gợi ý để đóng góp cho quá trình hoàn thiện sản phẩm của con. Khi con có thể tự làm mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ, cha mẹ hãy khen ngợi con thật nhiều vì đã kiên trì hoàn thiện nên sản phẩm của mình.
Hình 8. Cha mẹ hãy chụp lại những thành quả hay sản phẩm mà con sáng tạo ra
Đây cũng là cách giúp quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày một khăng khít hơn.
Điều 48
Dạy con tinh thần tích cực
Chắc chắn cha mẹ cũng đã từng có lần nhận ra và thắc mắc: “Có phải mình luôn nói quá nhiều không, có phải mình thường xuyên dùng giọng điệu mệnh lệnh để dạy dỗ con không?”. Thay vì dùng mệnh lệnh, cha mẹ hãy khéo léo biến nó thành lời nhờ cậy, từ đó con sẽ hứng thú và làm việc hết mình. Cứ thế, con sẽ trở nên đáng tin cậy, dần dần trở thành đứa trẻ tích cực, chủ động gợi ý muốn được giúp cha mẹ làm những việc khác.
Cha mẹ nói quá nhiều sẽ trở thành bảo vệ con quá mức. Khi đó trẻ sẽ trở thành đứa trẻ mà không có mệnh lệnh của cha mẹ sẽ không tự giác làm việc.
Sở dĩ một đứa trẻ có tính thụ động chính là vì trẻ đã quen với cảm giác bị cha mẹ sai khiến. Cha mẹ cần phải lưu ý điều này để thay đổi thói quen sai khiến trẻ.
Điều 49
Dạy con bộc lộ cảm xúc
“Phương pháp tiếng vọng” là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp con bộc lộ được cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng lời nói. Phương pháp này có nghĩa là cha mẹ không nên dùng những câu mệnh lệnh như: “Hãy làm…” để nói với con, thay vào đó, cha mẹ hãy lắng nghe kỹ và lặp lại đúng y như lời con nói.
Ví dụ, khi con nói:
- Mẹ ơi, anh không tốt.
Mẹ nên “lặp lại” câu nói của con, sau đó tiếp tục trò chuyện với con bằng một câu hỏi dẫn dắt:
- Anh không tốt hả con? Tại sao anh lại không tốt?
- Anh đánh con.
- À, anh đánh con. Thế tại sao anh lại đánh con?
- Con không làm gì cả mà anh đánh con.
- Con không làm gì cả mà anh lại đánh con hả. Thế tại sao con không làm gì cả mà anh lại đánh con nhỉ?
Bằng cách bắt chước và đặt câu hỏi như vậy, cuộc trò chuyện của mẹ và con sẽ kéo dài, rồi con sẽ ghi nhớ được cách trò chuyện một cách tích cực, biết bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Làm được như vậy, dù là ở trường mẫu giáo, con sẽ thay đổi thành đứa trẻ tự tin nói chuyện với mọi người một cách tích cực. Về điểm này, cha mẹ có thể tham khảo cuốn sáchYêu thương, khen ngợi và nhìn nhận - Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida, tác giả Makoto Shichida, Trung tâm Nghiên cứu PHP.
Điều 50
Nuôi dưỡng cho con tính độc lập
Tính độc lập là sẵn lòng làm những việc mình phải làm với tinh thần trách nhiệm.
Tính cách này được hình thành và nuôi dưỡng thông qua cách nuôi dạy của cha mẹ. Người có tính độc lập là người có thể dùng những ý tưởng của bản thân để mang hạnh phúc đến cho người khác và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Muốn nuôi dưỡng tính độc lập ở con, trước tiên cha mẹ cần cho con học về những chuẩn mực xã hội, dạy con biết tuân thủ các quy tắc. Cha mẹ tuyệt đối không vì muốn con có tính độc lập mà để con tùy tiện muốn làm gì thì làm, bởi con sẽ có nguy cơ trở thành người sống thiếu nguyên tắc và vô kỷ luật. Những người như vậy sẽ không thể nào phát triển tốt những năng lực của mình và dần trở nên yếu kém.
Giống như mọi phương pháp giáo dục khác, để giáo dục con trẻ, cha mẹ cần tạo ra một hình mẫu để con noi theo, rồi dần dần con sẽ vượt khỏi hình mẫu của cha mẹ và tự hoàn thiện bản thân mình. Lúc trẻ còn nhỏ chính là cơ sở nền tảng để cha mẹ bắt đầu giáo dục rèn luyện tính tự lập.
Điều 51
Nuôi dưỡng niềm hứng thú cho con
Để nuôi dưỡng niềm hứng thú cho con, cha mẹ cần quan sát thật kỹ những khả năng con có, phát hiện ra những năng lực tuyệt vời nơi con, sau đó cần tôn trọng, khen ngợi và bồi dưỡng chúng. Để làm vậy, cha mẹ cần nhìn vào những điểm tốt, những mặt tích cực trong hành vi của con thay vì cứ nhìn vào mặt tiêu cực. Quan trọng là phải để con biết cha mẹ đang nhìn thấy sự tuyệt vời của con, muốn vậy, cha mẹ cần khen ngợi con thật nhiều.
Một khi con nhận thức được sự ưu tú của bản thân thì những khả năng của con sẽ dần được khai phá và phát triển mạnh mẽ hơn. Lời khen chính là sức mạnh đánh tan màn sương bao phủ tâm hồn con. Cha mẹ thường chỉ chú trọng đến những điểm yếu của con, những điểm cần cải thiện cho con mà quên mất đi những điểm tốt có sẵn nơi con. Khi bản thân trẻ nhận thức được năng lực tốt của bản thân thì trẻ sẽ phát triển được những năng lực ấy.
Dù đó chỉ là những việc nhỏ con giúp mẹ vào buổi sáng hay những việc nhỏ con tự mình làm được cũng rất đáng trân trọng. Cha mẹ nên có một cuốn sổ tay ghi chép lại những việc tốt con làm được mỗi ngày. Lưu ý là cha mẹ chỉ nên viết những việc tốt, đừng viết những việc xấu. Giai đoạn đầu cha mẹ có thể chỉ ghi được khoảng năm điều mỗi ngày là tối đa. Nhưng sẽ rất nhanh thôi, cha mẹ có thể ghi được đến năm mươi điều tốt về con. Quan trọng là cha mẹ cần thay đổi cách nhìn đối với con, nhìn vào điểm tốt thay vì điểm xấu của con.
Điều 52
Những hình ảnh tưởng tượng mạnh mẽ sẽ trở thành hiện thực. Đó chính là quy tắc đầu tiên của tâm hồn.
Cha mẹ cần dạy con hiểu rằng, những gì con có thể tưởng tượng ra trong đầu, và nghĩ về nó một cách mãnh liệt, thì điều ấy gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Vậy nên hãy dạy con nghĩ về những điều tốt đẹp.
Đa số mọi người có thói quen chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực, buồn phiền, rắc rối, làm ám ảnh tâm trí họ. Đó là lý do họ luôn thất bại. Nếu bạn nuôi dưỡng được thói quen nghĩ về những điều tốt đẹp thì những điều tốt đẹp ấy sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Ngược lại, nếu bạn chỉ nghĩ về những điều tiêu cực thì những điều ấy sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đó chính là quy tắc thứ hai của tâm hồn. Để đầu óc bị lấp đầy bởi những ý nghĩ tiêu cực, thì cuộc sống của bạn sẽ sớm rơi vào bế tắc. Nếu chỉ liên tục nghĩ về những điều lo lắng thì theo quy tắc thứ hai, sẽ chỉ dẫn đến những kết quả tiêu cực và những thất bại đúng như mình đã lo lắng. Đó chính là quy tắc thứ ba của tâm hồn. Vì vậy, tập thói quen suy nghĩ tích cực là rất quan trọng.
Cha mẹ nên bắt đầu dạy con về tinh thần lạc quan bằng cách thường xuyên khẳng định với trẻ rằng “con làm được”, khắc sâu vào tiềm thức con sự tin tưởng rằng con có thể làm được.
Nhiều người biết đến ông Masayoshi Son như là người lãnh đạo xuất chúng của Softbank – một công ty trách nhiệm hữu hạn đã phát triển các dự án kinh doanh quy mô lớn trên toàn nước Nhật. Nhưng có lẽ ít ai biết được từ nhỏ ông đã được cha mẹ nuôi dạy bằng những lời khích lệ, động viên, như “Nếu là con thì chắc chắn sẽ làm được thôi”. Và giờ đây, ông đã trở thành một kỳ thủ xuất sắc hiếm hoi trong ván cờ kinh doanh mạo hiểm ở Nhật Bản. Ông rõ ràng là một minh chứng hoàn hảo cho việc những đứa trẻ từ nhỏ được cha mẹ truyền cho những gợi ý tích cực thì lớn lên có thể trở thành người vô cùng vĩ đại. Như vậy có thể nói, việc ông Son đạt được thành công to lớn là vì nhờ có cha mẹ đã tập cho ông thói quen suy nghĩ tích cực thay vì suy nghĩ tiêu cực.
1.3. Những Điều Cần Chú Ý Khi Mang Thai Con Thứ
Điều 53
Ứng xử với con lớn khi mẹ đang mang thai con nhỏ
Thông thường, khi biết tin mẹ có em bé, những đứa con lớn sẽ bỗng nhiên cư xử như những đứa trẻ sơ sinh. Đó là vì với bản năng của một đứa trẻ, con lớn cho rằng em nhỏ có thể cướp mất tình yêu của cha mẹ, chỉ cần mình lại là trẻ sơ sinh thì có thể được cha mẹ quan tâm chăm sóc. Thời điểm này sẽ là sai lầm nếu cha mẹ nói với con rằng: “Con bây giờ đã là anh lớn rồi đó”. Cha mẹ nên cho con lớn biết rõ về sự kiện em bé sắp được chào đời và nói với con lớn rằng: “Dù mẹ có sinh em bé đi chăng nữa thì đối với mẹ, con vẫn luôn là quan trọng nhất đối với mẹ”. Mẹ hãy bảo con nói chuyện với em bé còn trong bụng mẹ và nhờ con một vài chuyện bằng cách nói như là: “Vì em, con có thể… được không?”.
Nếu con hiểu được mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương cho mình, con sẽ an tâm và không bám mẹ nữa. Nếu cha mẹ không sớm nói rõ với con, con sẽ lo lắng em nhỏ cướp mất tình yêu của cha mẹ, nên cứ bám lấy cha mẹ không rời. Chỉ cần làm cho con hiểu, con sẽ an tâm và tiếp tục học hỏi để lớn lên.
Hình 9. Con lớn vẫn rất cần có tình thương yêu của mẹ
Hãy sử dụng phương pháp “Năm phút thủ thỉ” để mang đến hiệu quả tối đa trong trường hợp này.
“Mẹ sẽ sinh em bé nhưng với mẹ, con vẫn là đứa trẻ dễ thương nhất.”
“Con đã là chị rồi, sau này con hãy thật dịu dàng với em bé nhé!”
“Ông bà nói với mẹ là ông bà thương con rất nhiều. Con hãy thật ngoan với ông bà nhé!”
Mẹ hãy trò chuyện với con về những điều mẹ đang lo lắng bằng phương pháp này.
Điều 54
Luôn tôn trọng con lớn dù đã sinh con nhỏ
Khi sinh em bé, nếu cha mẹ chỉ tập trung lo lắng cho em mà lơ là con lớn, con sẽ cảm thấy bất an và có xu hướng cư xử như trẻ nhỏ. Trường hợp điển hình là con sẽ thường xuyên tè dầm. Ngược lại, dù phải chăm sóc tận tình cho con nhỏ nhưng nếu cha mẹ luôn đặt con lớn làm trung tâm, nói với con những lời quan tâm, và nhất là luôn tôn trọng con, thì con sẽ không gặp khó khăn nào cả. Về phần này, các bậc phụ huynh có thể tham khảo cuốn sách Cách nuôi dạy con thông minh (tác giả: Makoto Shichida, NXB Thông tấn xã kinh tế Nhật Bản, trang 70).
Khi mẹ đang thay tã cho con nhỏ mà con lớn chạy đến kế bên, mẹ nên dừng việc đang làm lại và bế con lên, để con ngồi trên đùi mình, giúp con cảm thấy an tâm sau đó mẹ tiếp tục thay tã cho con nhỏ. Mỗi ngày mẹ hãy dành thời gian ôm con lớn, để con ngồi trong lòng, đọc sách tranh cho con nghe, rồi khen ngợi con: “Con là đứa con ngoan của mẹ”. Khi con cảm thấy mình vẫn được cha mẹ yêu thương và tôn trọng, thì dù có em nhỏ, con sẽ dần ngoan ngoãn như cũ, và còn biết yêu thương em mình.
Điều 55
Nhờ con giúp đỡ
Như đã nói ở trên, chỉ cần cha mẹ luôn tôn trọng, thương yêu và ưu tiên đứa con lớn thì con sẽ luôn cảm thấy đầy đủ về tình cảm, con sẽ an tâm rời mẹ đi chơi chứ không bám lấy mẹ. Thêm vào đó, nếu mẹ nhờ con giúp đỡ dù là việc nhỏ nhất cũng là điều rất tốt. Tuyệt đối không cưỡng ép hay ra lệnh, cha mẹ nên cho con biết mình đang cần con giúp đỡ và nhờ con làm. Sau một thời gian, con chẳng những ngoan hơn mà còn tích cực chủ động giúp đỡ cha mẹ.
Hình 10. Cha mẹ hãy nhờ con giúp đỡ mà không phải ra lệnh cho con
Sau khi con đã giúp đỡ rồi, cha mẹ không được quên cảm ơn con: “Cảm ơn con, con đã giúp mẹ một việc rất quan trọng, mẹ yêu con lắm”, rồi hãy ôm chặt con trong lòng (khoảng tám giây). Thông qua cái ôm thật chặt, yêu thương của mẹ sẽ truyền đến con, khiến con không còn bất an hay căng thẳng nữa, con sẽ trở nên hiếu thảo với cha mẹ.
Tối trước khi đi ngủ, cha mẹ đừng quên sắp xếp chỗ ngủ cho con, để con nhắm mắt lại và đọc truyện cổ tích cho con nghe.
Điều 56
Chủ nghĩa cái tốt hạng hai*
(*) Chủ nghĩa cái tốt hạng 2 là phủ định của chủ nghĩa lý tưởng, có nghĩa là không có việc gì hoàn toàn dễ dàng, không có một chuẩn mực nào là hoàn hảo. Việc cha mẹ cảm thấy khó khăn trong nuôi dạy con một phần là vì họ luôn hướng đến chủ nghĩa lý tưởng, mong muốn mọi thứ diễn ra thật trơn tru như những gì họ kỳ vọng. Nhưng trong thực tế, nuôi dạy con sẽ luôn gặp khó khăn. Hiểu được điều đó, cha mẹ sẽ không còn áp lực và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề bằng một tinh thần lạc quan.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy nuôi từ hai đứa con trở lên thật sự giống như đang trong một cuộc chiến và nghĩ rằng không có cách gì dạy dỗ tốt tất cả các con được. Nếu các cha mẹ chỉ toàn suy nghĩ như vậy sẽ chỉ khiến vấn đề nuôi dạy con lâm vào bế tắc.
Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng mình không thể làm được, thì dĩ nhiên sẽ không làm được. Điều quan trọng là cha mẹ hãy luôn lạc quan nghĩ rằng gia đình chúng ta sẽ làm được việc này. Không có một chủ nghĩa lý tưởng nào trong việc giáo dục con cái cả, cha mẹ nên chấp nhận chủ nghĩa cái tốt hạng hai. Sự lạc quan của cha mẹ sẽ truyền sang con cái và con cũng sẽ không cảm thấy bất an, từ đó gia đình cũng trở nên êm ấm hơn. Nếu cha mẹ la mắng con nhiều thì con sẽ càng trở nên ương bướng mà thôi, bởi vậy, cha mẹ đừng la con mà hãy khen con thật nhiều.
Điều 57
Nếu giáo dục con với tư tưởng cạnh tranh với anh chị em của mình thì sẽ thất bại
Cha mẹ có trách nhiệm phải dạy con rằng anh chị em trong gia đình chính là những người rất thân thiết và dù như thế nào đi chăng nữa thì chúng vẫn luôn là anh chị em của nhau. Vì vậy, việc so sánh hai đứa con và chỉ khen một đứa chính là một việc sai lầm. Cha mẹ có thể so sánh tính cách giữa các con nhưng cha mẹ không thể dạy cho chúng cùng một điều rồi so sánh xem ai giỏi hơn, ai kém hơn. Việc cha mẹ nuôi dưỡng các con có tinh thần cạnh tranh với nhau chính là sai lầm, thay vào đó, cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết cảm thông với người khác. Nhờ vậy, cả gia đình sẽ luôn yên ấm. Hãy tập trung vào giáo dục với việc khen ngợi và đối xử dịu dàng với con. Đừng quên áp dụng phương pháp “Cái ôm tám giây” và “Năm phút thủ thỉ” khi con đi ngủ.
Điều 58
Giáo dục con lớn thật tốt
Khi cảm thấy khó lòng dạy dỗ cả hai con cùng một lúc, cha mẹ nên tập trung giáo dục thật tốt đứa con lớn. Khi đó em nhỏ cũng sẽ tự động tham gia vào việc học. Vì khi thấy anh/chị mình học, bé nhỏ cũng sẽ hào hứng học theo. Cha mẹ đừng lo lắng vì bé nhỏ chắc chắn sẽ tiếp thu bài học tốt và sự phát triển của bé nhỏ cũng sẽ cải thiện hơn rất nhiều.
Nhưng tập trung dạy dỗ cho con lớn không có nghĩa là cha mẹ bỏ bê đứa con nhỏ. Vì việc dạy dỗ cả hai đứa trẻ cùng lúc là rất khó khăn, nên mẹ có thể nhờ ông bà hoặc người giữ trẻ trông hộ giúp một bé, và trong khoảng thời gian đó thì mẹ sẽ dành thời gian cho đứa con còn lại. Nếu không thể nhờ vả được ai, thì trong lúc đứa con lớn ngủ trưa mẹ hãy dành thời gian đó cho đứa con nhỏ.
Điều 59
Khoảng cách sinh con
Giữa hai lần sinh con nên có một khoảng cách phù hợp. Nếu mẹ có em bé lúc con mới hai tuổi, con sẽ cảm thấy ganh tị với em nhỏ và cư xử như trẻ sơ sinh và gây ra không ít khó khăn cho cha mẹ.
Khoảng cách lý tưởng là sau khi con lớn được ba tuổi, mẹ hãy sinh thêm em bé. Trẻ ba tuổi thường không còn quấn mẹ như trước và cũng không ganh tị khi thấy mẹ sinh em.
Điều 60
Cách nuôi dạy “Con một”
Quan niệm phổ biến cho rằng những đứa trẻ là con một thường rất khó bảo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tất cả những trẻ con một đều ương bướng, chắc chắn sẽ có cách dạy dỗ để những đứa trẻ là con một vẫn trở nên ngoan ngoãn, tốt bụng. Nếu cha mẹ có thể hiểu được cảm xúc của con, nuôi dưỡng con với tình yêu chân thành thì dù có là con một đi chăng nữa cũng không gặp khó khăn gì.
Khi là con một trong gia đình, không có đối tượng để ganh đua, cạnh tranh, con thường sẽ khá trầm tĩnh và ít bộc lộ. Tuy nhiên càng lớn, sống nhiều trong môi trường tập thể, con sẽ dần học được những gì nên làm, học được cách biểu hiện bản thân.
Tuy nhiên, nếu có anh chị em trong gia đình thì trẻ có thể học những điều mà trẻ không có cơ hội học nếu chỉ có một mình. Vì vậy, theo tôi, việc có hai con tốt hơn có một con, và có ba con thì tốt hơn có hai con. Tuy nhiên, khi lớn dần đứa trẻ là con một sẽ dần hiểu được cách phải làm thế nào để hòa nhập trong một tập thể và cách để thể hiện bản thân, vì vậy cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Thay vì lo lắng, cha mẹ hãy dạy trẻ cách để thể hiện mình trong tập thể, rèn luyện năng lực để phát huy tài năng của mình.
Điều 61
Cách nuôi dạy con giữa
Con giữa thường dễ bị anh chị cả bắt nạt và em út tranh giành, nên chúng sẽ lớn lên một cách mạnh mẽ. Nếu cha mẹ quá lo lắng, bao bọc con thì con sẽ trở nên rất yếu đuối. Cách tốt nhất chính là thuận theo tự nhiên, để con nhận lấy trách nhiệm vốn có của mình. Có khi cha mẹ cũng cần khuyên nhủ và răn dạy con giữa những điều mà không giống như với con cả và con út. Bằng cách đó, cha mẹ sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ tự tin, mạnh mẽ.
Điều 62
Không xen vào khi các con cãi nhau
Khi anh em trong nhà cãi nhau, cha mẹ không nên can thiệp, trách mắng hay quy tội ai đúng ai sai, tốt hơn hết là đừng nên can thiệp. Hãy để các con tự học được thứ tự vai vế của mình, bởi khi cha mẹ bênh vực một phía nào đó, thứ tự này có thể bị đảo lộn.
Thông thường, cha mẹ nên ủng hộ người con cả. Tất nhiên, anh chị cả cũng có lúc làm sai, khi đó cha mẹ hãy dạy cho con hiểu đâu là những điều không nên làm. Tuy nhiên, nhìn chung, khi con lớn cảm thấy được ủng hộ, con sẽ thỏa mãn và tự động cư xử nhẹ nhàng với các em, từ đó mối quan hệ giữa anh chị em sẽ hòa thuận hơn. Muốn như vậy, cha mẹ cần dạy dỗ đứa con lớn thật kỹ về điều hay lẽ phải, về những điều nên làm và không nên làm. Khi em tranh đồ chơi với anh chị, đồ chơi của anh chị lớn vẫn là của anh chị lớn, cha mẹ không nên ưu tiên cho em nhỏ và lấy đồ chơi của anh chị lớn đưa cho em nhỏ. Nếu cha mẹ phân chia quyền sở hữu một cách rõ ràng giữa các con, chắc chắn con lớn sẽ hiểu cho cha mẹ.
1.4. Lời Khuyên Để Nuôi Dưỡng Trẻ Phát Triển Trí Tuệ Theo Từng Lứa Tuổi
Điều 63
Trẻ dưới một tuổi
Khi được sáu tháng tuổi, con đã có thể nhận biết được mặt người, chứng tỏ trí tuệ của con đang tiến triển tốt. Cha mẹ nên tập cho con nhận biết từ từ, bắt đầu từ những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em,...
Hình 11. Cha mẹ tập cho trẻ nhận diện những thành viên trong gia đình
Khi con được chín, mười tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu dạy con chơi trò “xin và cho”, nếu không, khi con được một tuổi, con sẽ không học được cách cho đi. Khi chơi với con, cha mẹ hãy dạy cho con thông qua những tình huống thực tế và lặp đi lặp lại nhiều lần để con nhớ.
Khi mười một tháng tuổi, con có thể biết đưa tay ra chạm vào trẻ khác, đây không phải là hành động thể hiện con không thích bạn mà là hành động bày tỏ sự thân thiện, quý mến của con, vì vậy, cha mẹ hãy khen con vì hành động đáng yêu đó.
Điều 64
Trẻ một tuổi
Giai đoạn này con hay cáu kỉnh và dễ nổi nóng, nhưng tính cách dễ nổi giận đó chỉ là nhất thời và giai đoạn đó rồi sẽ qua đi nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Trẻ một tuổi đã có thể nói bập bẹ, nhờ vậy khả năng nắm bắt, nhận thức được sự việc của con sẽ tốt hơn. Khi sang hai tuổi, con có thể dùng ngôn ngữ tốt hơn để biểu đạt ý tưởng của mình, khi đó tính tình của con sẽ trở nên bình tĩnh, điềm đạm hơn.
Trong giai đoạn này con sẽ thường hay ném đồ. Nếu cha mẹ la mắng, con sẽ càng phản kháng mạnh hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ để con ném thỏa thích những món đồ được cha mẹ cho phép và coi đó như một trò chơi thì con sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn này. Đây là một bước tiến trong quá trình trưởng thành của con, vì vậy cha mẹ đừng la mắng mà hãy đối xử thật dịu dàng với con.
Hình 12. Cha mẹ cần chỉ bảo cho con đâu là hành vi được làm và không được làm
Trong giai đoạn này, nếu cha mẹ la mắng con sẽ chỉ càng làm cho việc nuôi dạy con trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, cha mẹ hãy tìm ra những điểm tốt của con và khen ngợi chúng, như vậy con sẽ trở thành một đứa trẻ thực sự ngoan ngoãn.
Khoảng hai mươi hai tháng tuổi là thời kỳ tâm lý con biến động và bất ổn nhất. Con có những biểu hiện như: khi gặp người lạ con sẽ trốn sau lưng mẹ, mỗi khi ra ngoài con sẽ cảm thấy bất an và đòi cha mẹ bế. Những lúc như vậy, cha mẹ không được phớt lờ con mà hãy tận tình đáp ứng yêu cầu của con. Khi thời kỳ này qua đi, lúc gặp người lạ, con sẽ bớt nhút nhát hơn, biết làm quen và chơi với mọi người xung quanh, biết chào hỏi khi gặp người lớn. Để con trưởng thành khỏe mạnh, cha mẹ hãy dành tình yêu thương vô bờ bến cho con. Trong quá trình quan sát con lớn lên, cha mẹ sẽ thấy được sự thay đổi của con từng ngày.
Điều 65
Trẻ hai tuổi
Khi được hai tuổi, con sẽ đòi tự làm mọi việc và không thích mọi người nhúng tay vào việc của mình. Đây là giai đoạn rất quan trọng để nuôi dưỡng sự tự tin của con.
Hơn hai tuổi một chút, con sẽ không chịu nghe theo lời cha mẹ và hay nói: “Con không thích”. Khi đó, nếu cha mẹ khó chịu và lớn tiếng la mắng, con sẽ càng trở nên cứng đầu, ương bướng và chống đối khiến cha mẹ cảm thấy con không dễ thương như trước. Trong trường hợp này, cha mẹ cần có biện pháp giải quyết phù hợp. Chẳng hạn, nếu con nói: “Con không muốn”, cha mẹ không nên phản đối trực tiếp mà hãy làm ra vẻ như không quan tâm đến lời từ chối của con. Sau đó hãy trả lời: “Được rồi. Con không muốn sao? Vậy thôi để mẹ làm”, lập tức con sẽ đòi tự mình làm.
Hình 13. Cha mẹ giả vờ không quan tâm sẽ khiến khơi gợi tính tò mò của trẻ nhiều hơn
Tóm lại, cha mẹ không nên trực tiếp phản đối con mà hãy sử dụng chiến thuật nói những lời ngược lại với ý định của mình.
Điều 66
Trẻ ba tuổi
Lên ba tuổi, đây là giai đoạn trẻ thường ương bướng và chống đối nhất. Ở thời kỳ này, dù là việc gì trẻ cũng sẽ nói “không”.
Hình 14. Cha mẹ đưa ra cho con những lựa chọn sẽ giúp con phát triển tính tự lập tốt hơn
Tuy nhiên, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành sự tự lập. Khi trẻ bắt đầu biết nói “không”, đồng nghĩa với việc trẻ đang tạo lập chủ kiến riêng của mình một cách mạnh mẽ.
Nếu cha mẹ la mắng mỗi khi con đưa ra ý phản kháng thì con sẽ không thể nào phát triển được sự tự lập của mình. Cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc riêng của con. Thay vì ra lệnh: “Con hãy làm thế này”, cha mẹ nên đưa ra những câu hỏi như là: “Giữa cái này với cái này, con muốn chọn cái nào?” để con có thể bày tỏ được ý kiến của mình. Như vậy thì con sẽ phát triển được tính tự lập tốt hơn.
Mặc dù rất muốn thoát khỏi sự áp đặt của cha mẹ để có thể tự lập, nhưng giai đoạn này con vẫn chưa thể nào hoàn toàn tách khỏi cha mẹ mà vẫn cần vòng tay bao bọc của cha mẹ. Nếu cha mẹ tách con ra và bảo: “Con hãy tự đi chơi với bạn A, B đi” sẽ khiến con gặp khó khăn và cảm thấy bối rối. Giai đoạn này, con vẫn cần chơi cùng với cha mẹ, con chưa thể tự chơi một mình hoặc tự chơi cùng với những đứa trẻ khác được.
Điều 67
Trẻ năm tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu có những hành động theo ý riêng của mình và không thích làm theo mệnh lệnh. Vì vậy, cha mẹ nên tránh hết mức có thể những câu nói ra lệnh như: “Con hãy làm…”.
Hình 15. Cha mẹ khen thưởng và chúc mừng cho những thành công của con
Cha mẹ có thể cho con liệt kê một bảng danh sách những điều con muốn làm (như dạng thời khóa biểu) và đánh dấu tròn hoặc dán giấy để đánh dấu những việc con đã thực hiện được. Sau khi đã dán kín giấy ở tất cả các việc đã đề ra, cha mẹ hãy thưởng cho con bằng những cách như: cả nhà sẽ cùng nhau đi ăn ở nhà hàng vào cuối tuần. Làm như vậy trẻ sẽ tự giác thực hiện nghiêm túc những việc đã đề ra.
Ngoài ra, nếu cha mẹ cứ hối thúc con phải làm càng nhanh thì con sẽ càng làm chậm hơn. Dù con làm chậm, cha mẹ cũng hãy tỏ ra bình thường, để con tự chịu trách nhiệm đến cùng và hoàn thành tốt việc đã đề ra.
Việc cha mẹ thường xuyên nói chen ngang vào lời của con như một cách thể hiện sự bao bọc quá mức của mình sẽ khiến con không thể rèn được tính tự lập. Cha mẹ hãy ngừng việc chen ngang vào lời nói của con và dạy con phát huy tính độc lập. Đồng thời, khi con tự làm việc gì đó, nếu nhận được lời khen của cha mẹ thì con sẽ càng làm nhanh hơn nữa. Cha mẹ hãy hứa với con: “Vì cha mẹ sẽ không can thiệp vào việc con đang làm nên con hãy làm theo ý muốn của mình”.
Điều 68
Trẻ sáu tuổi trở lên
Từ sáu tuổi trở đi, trẻ sẽ bắt đầu có suy nghĩ một cách tương đối logic về thế giới xung quanh. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên cho con đọc những quyển sách có cách lập luận, giải thích với lý lẽ rõ ràng, mạch lạc. Cha mẹ cũng nên giải thích kỹ càng cho con về nguyên do của mọi vấn đề.
Hình 16. Trẻ cần có sự lý giải cặn kẽ về hiện tượng, sự vật ở thế giới xung quanh
1.5. Xây Dựng Mối Quan Hệ Giữa Cha Và Con, Giữa Ông Bà Và Cháu
Điều 69
Vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con
Nhiều bậc làm cha thường không mấy hào hứng với việc nuôi dạy con cái. Họ mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của người mẹ. Đến khi thấy con mình tiến bộ vượt bậc nhờ vào sự dạy dỗ của người mẹ, họ mới bắt đầu thấy hứng thú và cũng muốn tham gia vào.
Vào Chủ nhật, người cha nên dành thời gian chơi đùa với con hoặc giúp đỡ việc nhà để mẹ có thêm thời gian chăm sóc con.
Điều 70
Cha mẹ nên có cách giáo dục con khác nhau
Giữa cha và mẹ thường có những quan điểm giáo dục con cái khác nhau. Tuy nhiên, đừng lo lắng mà hãy xem đây như là một ưu điểm. Nếu có sự phân công trong gia đình như: mẹ sẽ dạy con về sự dịu dàng, về tình yêu thương, cha sẽ dạy cho con sự mạnh mẽ, tính kỷ luật thì điều này sẽ mang lại sự cân bằng trong việc giáo dục con, mang lại kết quả rất tốt. Nếu cả hai cha và mẹ đều làm nhiệm vụ như nhau thì không đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất. Vì vậy, người mẹ đừng lo lắng mà hãy tin tưởng vào cách dạy của người cha. Cha và mẹ hãy hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để giáo dục con cái thật tốt.
Điều 71
Đừng để con nghĩ không hay về cha
Hầu hết thời gian con cái đều ở cạnh người mẹ, vì vậy mỗi khi có cha ở bên, mẹ hãy trân trọng việc cha đã dành thời gian ở bên con. Những lúc này, mẹ hãy giao toàn quyền chăm nom con cho cha và yên tâm làm những công việc riêng của mình. Tôi nghĩ rằng sẽ thật tốt nếu cha mẹ có sự phân công lẫn nhau như: mẹ sẽ trông con vào ban ngày, cha sẽ trông con vào ban đêm.
Những đứa trẻ thường xuyên được chơi với cha sẽ lớn lên trở thành những đứa trẻ đáng yêu và phát triển cảm xúc rất ổn định.
Người vợ không nên nghĩ chồng mình quá bận rộn hay quá vất vả, hãy khuyến khích chồng tham gia vào việc chăm sóc con cái để con nhận được đầy đủ tình thương của cả cha lẫn mẹ. Hãy để con được có nhiều những khoảnh khắc vui chơi cùng cha. Vì việc giáo dục con cái rất quan trọng nên tôi mong các bậc cha mẹ sẽ thảo luận thật kỹ với nhau về điểm này.
Điều 72
Chú trọng đến mối quan hệ giữa cha và con
Ở giai đoạn sơ sinh nếu con được tiếp xúc nhiều với cha, được cha ôm ấp thì con sẽ nhanh chóng phát triển khả năng ngôn ngữ.
Những đứa trẻ được tiếp xúc nhiều với cha mẹ thì trong giai đoạn này sẽ thích chơi với cả hai. Việc cha thường xuyên chơi với con có thể giúp con bớt bám mẹ. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên không phải lúc nào người cha cũng có thời gian dành cho con mình. Những trường hợp như vậy là đáng tiếc, tuy nhiên, ngay khi rảnh rỗi, người cha hãy dành thời gian cho con mình. Cha cũng cần hiểu rằng không nên buồn phiền vì những việc không thể cưỡng cầu trong cuộc sống. Nếu người cha vì những chuyện đó mà buồn phiền và dần dần tích tụ sự căng thẳng, điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến con. Người mẹ cũng phải luôn luôn thư giãn, điều quan trọng nhất là phải chơi và trò chuyện với con trong tâm trạng thoải mái nhất có thể.
Điều 73
Cho con ngủ sớm và chơi cùng cha vào buổi sáng
Hình 17. Cha hãy dành thời gian ở bên cạnh con
Cha mẹ nên cho con ngủ trước tám giờ tối, vì trong khoảng thời gian này, hoóc môn sinh trưởng sẽ được tiết ra. Nếu ngủ trễ, cơ thể con sẽ bị rối loạn và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Hãy tập cho con thói quen ngủ sớm, dậy sớm và chơi đùa với cha vào buổi sáng.
Điều 74
Khi con quấn bà
Khi con quấn bà, việc trông nom con cái của cha mẹ sẽ được đỡ đần, điều này càng có lợi khi mẹ sinh những đứa con sau. Vì có sự giúp đỡ của bà nên cha mẹ có thể an tâm trong việc chăm sóc cho các con nhỏ hơn mà không sợ con sẽ ghen tị với em.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ phó thác hết việc chăm sóc con cho bà thì con sẽ phản ứng ngược lại và không muốn rời cha mẹ. Điều đó là phụ thuộc vào tình thương của người bà. Nếu mẹ đối xử dịu dàng với con và không khiến con phải lo lắng về tình cảm của mẹ dành cho mình thì con sẽ rất an tâm. Thật ra, dù trẻ có yêu thương những người khác đến đâu chăng nữa thì thường tình cảm ấy cũng chỉ chiếm ba mươi phần trăm, còn tình cảm dành cho mẹ vẫn chiếm đến bảy mươi phần trăm. Vì vậy, cách tốt nhất là mẹ hãy luôn thể hiện và dành cho con lớn tình cảm thật sâu sắc.
Điều 75
Người mẹ có nên quá khắt khe với con?
Hãy nuôi dạy trẻ bằng cách không la mắng, luôn dịu dàng và khen con. Khi con làm sai, đừng la mắng con mà hãy giảng giải cho con thật nhẹ nhàng, như vậy con sẽ không phản kháng. Nếu la mắng con, nhất định con sẽ phản kháng đến cùng. Thậm chí nếu mẹ nghiêm khắc với con thì con có thể quay sang nhõng nhẽo với ông bà.
Các mẹ hãy thử nhìn lại xem thái độ của mình với con có quá nghiêm khắc không? Mẹ hãy luôn ghi nhớ rằng thương yêu hết mực, nhẹ nhàng cư xử với con mình là cách tốt nhất để cha mẹ nuôi dạy con lớn khôn nhanh chóng.
Điều 76
Mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng ông bà trước mặt con
Một gia đình hạnh phúc và viên mãn là điều kiện tốt nhất để nuôi dạy con trẻ. Người mẹ cần có sự hỗ trợ từ ông bà, tuy nhiên ông bà không thể thay thế vị trí của người mẹ. Mẹ phải luôn thể hiện sự tôn trọng với ông bà, phải luôn là người giữ lửa trong gia đình, như vậy thì trong gia đình lúc nào cũng giữ được sự êm ấm. Mẹ hãy tìm ra những điểm tốt đẹp ở ông bà và nói với con về những điều đó với thái độ thật kính trọng. Mẹ chính là nhân tố quan trọng để hàn gắn gia đình. Nếu như mẹ luôn luôn nỗ lực để giữ gìn mối quan hệ gia đình thì nhất định gia đình sẽ luôn tốt đẹp.
Điều 77
Phương pháp để con yêu quý ông bà
Đối với con trẻ, cha mẹ là người quan trọng nhất, tầm quan trọng của ông bà chỉ chiếm một phần năm so với mẹ. Khi có mẹ ở đó thì ông bà sẽ không thể nào thay thế được vai trò của mẹ. Nhiều đứa trẻ khi có cha mẹ bên cạnh thường sẽ thờ ơ không muốn chơi với ông bà. Nhưng điều đó không có nghĩa là do cháu ghét ông bà. Là một người mẹ, bạn phải dạy cho con về sự quan trọng của việc thể hiện lòng biết ơn với ông bà bằng cách biết nói: “Cảm ơn ông bà”. Để con biết thương ông bà, vào mỗi sáng khi thức dậy và mỗi tối khi con đi ngủ, cha mẹ hãy đưa ra cho con những gợi ý có tính tích cực về ông bà như: “Ông bà thương con lắm đó, ông bà là người rất hiền và tốt bụng con à. Ông bà không chỉ thương con, mà còn dạy cho con nhiều thứ để con lớn khôn”.
Điều 78
Vừa làm việc vừa chăm sóc con
Cha mẹ hãy tham khảo quyển sách Vợ chồng Nikichin và bảy đứa con (còn có tên khác là Sổ tay cuộc sống hằng ngày), được viết bởi vợ chồng Nikichin, người Liên Xô, vừa làm việc vừa nuôi dưỡng nên bảy người con rất tuyệt vời.
Theo quan điểm của tôi, nếu cha mẹ có thể cân bằng giữa việc vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ được là một điều rất tốt. Tuy nhiên, cả cha và mẹ đều phải thống nhất được một phương thức thích hợp để có thể phối hợp và hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Nếu cha mẹ hằng ngày đều bận rộn với công việc mà phó thác hết việc nuôi nấng con cái cho ông bà thì rất đáng lo ngại, vì tôi biết rằng những đứa trẻ trong các gia đình như vậy sẽ lớn lên trở thành như thế nào. Những đứa trẻ này sẽ không nhận được sự giáo dục toàn diện, thiếu thốn tình cảm từ cha mẹ, không biết cách hợp tác, dù là ở nhà trẻ hay trường mẫu giáo thì cũng sẽ khó mà hòa nhập được.
Để tránh những việc đáng ngại như vậy xảy ra, cha mẹ cũng nên cho con thấy hình ảnh cha mẹ luôn cố gắng hết sức để làm việc. Làm như vậy thì con cũng sẽ học được nhiều từ hình ảnh làm việc chăm chỉ của cha mẹ.
Điều 79
Cha mẹ nên chú ý sức khỏe của mình
Cha mẹ có thể vừa đi làm vừa nuôi dạy tốt con cái của mình, nhưng để làm được điều này, cần có một phương pháp đúng đắn và hợp lý. Chẳng hạn, cha mẹ có thể chăm sóc con bằng cách dẫn con theo tới nơi làm việc rồi vừa bồng con vừa làm, hoặc đặt con ngồi trên ghế gần đó, khi có thời gian rảnh thì đến trò chuyện với con ngay... Nếu thuận tiện, cha mẹ hãy đặt con ngồi kế bên mình.
Nếu bất đắc dĩ phải giao con cho người khác trông nom thì cha mẹ hãy tìm một người có thể đảm đương tốt vai trò của một người mẹ như thường xuyên nói chuyện với con, cùng con đọc sách tranh, dẫn con ra ngoài chơi đùa, ngắm nhìn thiên nhiên cảnh vật xung quanh. Với cách nuôi dạy này, cha mẹ sẽ giảm bớt phần mệt mỏi và cảm thấy an tâm hơn.
Điều 80
Cha mẹ cùng đi làm
Quan niệm cho rằng nếu cả cha mẹ đều đi làm thì không thể nuôi dạy con cái phát triển tốt được là một quan niệm sai lầm. Thực tế, cả hai vợ chồng tôi đều có công việc riêng, nên mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ có thể dành ba mươi phút cho ba đứa con thôi. Xin hãy tin tôi rằng ba mươi phút như vậy là đủ rồi.
Nếu cha mẹ nhận ra được tiềm năng và đam mê của con, giúp con phát huy nó thì khi lớn lên, con sẽ không thua kém ai trong lĩnh vực đó. Khi về nhà, cha mẹ hãy dành ra mười phút để âu yếm vuốt ve con, cùng con chơi trò chơi, cùng xem sách tranh ảnh, sau đó dành ba mươi phút giúp con cùng học hỏi khám phá tri thức.
Nếu nhờ người trông trẻ, cha mẹ hãy trao đổi với người đó những cách thức mình muốn họ áp dụng vào việc nuôi dạy con mình. Cha mẹ có thể yêu cầu họ làm những việc như không cho con xem tivi, cùng con đọc càng nhiều sách có tranh ảnh càng tốt, cùng chơi đồ chơi với con, không thể thiếu việc dắt con ra ngoài đi dạo mỗi ngày, không cho con mặc quần áo dày, không cho con ăn vặt,...
Điều 81
Bí quyết để con không quên người cha đi công tác xa nhà lâu ngày
Các bà mẹ hãy trang trí phòng bằng những tấm ảnh của cha và cùng con xem những tấm ảnh này mỗi ngày. Khi cha gọi điện thoại về, mẹ hãy cho con nghe giọng cha mình. Cha mẹ cũng có thể ghi băng video hình ảnh cả gia đình rồi hằng ngày mở lên cho con xem.
Điều 82
Cho con tiếp xúc với môi trường nông thôn
Thôn quê là một môi trường tuyệt vời, không có tiếng ồn, cảnh sắc thiên nhiên phong phú, yên bình. Nơi đây không chỉ tạo ra những kích thích tốt về mặt âm thanh mà còn mang lại những cảm nhận hình ảnh rất tốt cho trẻ nhỏ. Ở thôn quê, bạn có thể nghe được tiếng nước chảy róc rách từ sông suối, tiếng chim hót líu lo, hay được ngắm cảnh yên bình lặng lẽ của những cánh đồng và phong cảnh miền quê. Những tiếng ồn inh tai không phải là những kích thích âm thanh tốt cho trẻ nhỏ. Âm thanh ồn ào ở những thành phố lớn chỉ khiến tâm hồn trở nên căng thẳng và dễ mệt mỏi hơn, trong khi các kích thích âm thanh ở miền quê yên bình có thể khiến con người cảm thấy thư giãn và mang đến cảm giác yên bình.
Hình 18. Cha mẹ cùng con khám phá và học hỏi ở môi trường nông thôn
Đối với việc học, vùng quê sẽ đem lại cảm giác êm đềm thích hợp hơn cả. Vì vậy, cho con học tập trong môi trường thôn quê sẽ tốt hơn hẳn so với các thành phố lớn. Cha mẹ hãy cho con vừa ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tràn ngập trước mắt vừa trò chuyện cùng con để con học về thiên nhiên. Cha mẹ có thể tận dụng tối đa thiên nhiên quanh mình, giúp con tận hưởng những thứ mà ở thành phố không có bằng các trò chơi như gọi tên các loại hoa cỏ, tên các loại côn trùng, dạo chơi trên sông, nghịch nước, nghịch đất cát,…
Khả năng quan sát thiên nhiên chính là điều mà trẻ có thể học được khi đến vùng nông thôn. Ở thành phố lớn các con sẽ không thấy được sao trời vào buổi tối, bởi các tòa nhà cao tầng chen chúc đứng san sát nhau và không khí đầy khói đen ô nhiễm. Vì vậy, cha mẹ hãy phát huy tối đa những lợi ích mà vùng quê đem lại để nuôi dạy con.
Điều 83
Những chú ý khi chuyển nhà, thay đổi môi trường sống
Việc người ta thường cân nhắc đến nhất khi thay đổi chỗ ở là nguồn nước và thức ăn. Cha mẹ nhớ chú ý bổ sung dinh dưỡng thích hợp để bảo vệ cơ thể con, bổ sung nhóm thực phẩm có chứa lexithin* và cho con uống nước khoáng đầy đủ. Để con có thể hòa nhập với các bạn mới ở nơi mới chuyển đến, đầu tiên mẹ hãy dẫn con đi dạo ở những nơi gần nhà, chẳng hạn như công viên và cho con đứng từ xa để con nhìn thấy các bạn khác đang chơi đùa. Cha mẹ nên dành cho con nhiều sự quan tâm để giúp con có thể thích nghi với môi trường mới tốt hơn.
(*) Một trong nhóm các phospholipid, là thành phần quan trọng cấu tạo nên màng tế bào. Các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, đậu nành, quả bơ, lạc, vừng đều giàu lexithin.