Nhân viên trong công ty gọi cấp quản lý của DecisionTech là “các nhân viên cấp cao”. Không ai nhắc đến họ như một đội ngũ, và Kathryn cho rằng đây không phải là một sự ngẫu nhiên.
Mặc dù các quản lý của DecisionTech đều có trí tuệ đáng nể và nền tảng giáo dục ấn tượng, nhưng hành vi mà họ thể hiện trong các buổi họp lại tồi tệ hơn những gì bà từng thấy khi còn làm trong ngành xe hơi. Tuy không có bất kỳ sự công khai đối đầu nào, cũng chẳng có ai tranh cãi điều gì, nhưng bầu không khí căng thẳng lại ngấm ngầm hiện diện trong các buổi họp của họ. Kết quả là không có quyết định nào được đưa ra; các cuộc thảo luận thì diễn ra lề mề và chán ngắt, rất ít người thật sự trao đổi ý kiến; và ai cũng có vẻ vô cùng mong đợi thời khắc các cuộc họp kết thúc.
Tuy họ thể hiện rất tệ khi là một tập thể, nhưng khi xem xét từng cá nhân thì ai cũng có vẻ thiện chí và biết điều. Chỉ trừ một số ít trường hợp ngoại lệ.
Jeff – nguyên ceo, hiện là giám đốc phát triển kinh doanh
Vốn là người có nền tảng kiến thức rộng và thích xây dựng mạng lưới quan hệ trong Thung lũng Silicon, Jeff Shanley đã kêu gọi được một lượng vốn ban đầu đáng kể và thu hút nhiều thành viên trong ban điều hành hiện tại cho DecisionTech. Không ai có thể phủ nhận năng lực của Jeff trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư và tuyển dụng nhân tài. Nhưng khả năng quản lý lại là một câu chuyện khác.
Jeff điều hành cuộc họp chẳng khác nào một anh chàng chủ tịch hội sinh viên đang làm theo từng bước được chỉ dẫn trong sách giáo khoa về nghi thức họp hành. Anh luôn thông báo nội dung trước mỗi cuộc họp, rồi gửi biên bản cuộc họp rất chi tiết sau khi kết thúc. Và không giống các cuộc họp ở đa số công ty công nghệ cao khác, các cuộc họp của Jeff thường bắt đầu đúng giờ và luôn đi đến hồi kết vào đúng thời điểm đã định. Anh không hề bận tâm đến việc chẳng có vấn đề nào được giải quyết trong các cuộc họp đó.
Mặc dù bị giáng chức, Jeff vẫn có chân trong ban giám đốc. Ban đầu Kathryn lo rằng Jeff có thể sẽ ghi thù bà vì bà lấy mất công việc của anh, nhưng chẳng bao lâu sau bà nhận ra Jeff cảm thấy nhẹ nhõm khi được giải thoát khỏi trách nhiệm quản lý. Kathryn không mấy lo ngại việc Jeff có mặt trong hội đồng quản trị hay trong ban quản lý của bà. Dù sao đi nữa, bà vẫn cho rằng Jeff là người tử tế và nhiệt huyết với công ty.
Mikey – nhân tài phòng marketing
Marketing là một bộ phận chủ chốt ở DecisionTech, và hội đồng quản trị đã rất phấn khởi khi chiêu mộ được một người sáng giá như Michele Bebe. Mikey – biệt danh mà cô thích được gọi – nổi danh ở Thung lũng Silicon như một thiên tài về xây dựng thương hiệu. Điều này càng khiến người ta kinh ngạc khi biết cô thiếu một số phẩm chất cơ bản trong giao tiếp.
Trong các cuộc họp, Mikey nói nhiều hơn ai hết. Thỉnh thoảng cô đưa ra được vài ý tưởng đột phá, nhưng phần lớn thì cô toàn ca cẩm về việc các công ty khác mà cô từng làm việc đều tốt đẹp hơn DecisionTech như thế nào. Cô nói như thể cô là người ngoài cuộc, thậm chí là nạn nhân của hoàn cảnh ở công ty mới của mình vậy. Dù Mikey chưa từng tranh cãi thẳng thừng với bất cứ đồng nghiệp nào, nhưng ai cũng biết cô hay trợn mắt tỏ vẻ khinh thường khi có đồng nghiệp bất đồng ý kiến với cô về vấn đề marketing. Kathryn nghĩ Mikey không ý thức được việc cô để lại ấn tượng như thế nào trong mắt người khác. Bà lý giải rằng không có ai cố tình hành xử như vậy cả.
Vì vậy Kathryn không hề ngạc nhiên khi biết rằng dẫu tài năng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Mikey vẫn là người ít được yêu thích nhất trong số các nhân viên điều hành. Về khoản ít được yêu thích này thì có lẽ Martin cũng không khá hơn Mikey là bao.
Martin – kỹ sư trưởng
Martin Gilmore là một trong những nhà đồng sáng lập và là nhân vật có khả năng gần giống với nhà sáng chế nhất mà DecisionTech có được. Anh đã thiết kế các tính năng cơ bản cho sản phẩm chủ chốt của công ty; và mặc dù có nhiều người khác đã góp phần tham gia quá trình phát triển sản phẩm này, nhưng các nhân viên cấp cao vẫn gọi Martin là “người nắm giữ tinh túy của chiếc vương miện”. Sự ví von này có phần xuất phát từ việc Martin đến từ Anh quốc.
Martin cho rằng bản thân anh am hiểu công nghệ không kém bất kỳ ai ở Thung lũng Silicon này, và điều đó đúng. Với tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu từ các ngôi trường danh tiếng Berkeley và Cambridge, cùng lịch sử làm việc trong vai trò kỹ sư trưởng tại hai công ty công nghệ tên tuổi khác, Martin được xem là người tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ chốt của DecisionTech, chí ít là trên phương diện nhân lực.
Khác với Mikey, Martin không làm gián đoạn các cuộc họp bằng các phát biểu của mình. Trên thực tế, Martin rất ít khi tham gia các buổi họp. Không phải Martin từ chối dự họp (mà Jeff cũng không cho phép hành động thiếu kỷ luật rành rành như vậy diễn ra), mà là Martin luôn mở laptop và có vẻ liên tục kiểm tra email hay làm gì đó trong suốt buổi họp. Chỉ khi ai đó phát biểu điều gì đó thiếu chính xác thì Martin mới phải đưa ra bình luận, và thường thì đó là những bình luận mang tính châm biếm.
Ban đầu, đồng nghiệp của Martin – những người luôn nể trọng tài trí của anh – vẫn chấp nhận chuyện đó, thậm chí họ còn xem những bình luận của anh là hóm hỉnh. Nhưng dần dần thì họ bắt đầu cảm thấy khó chịu. Và trong tình hình khó khăn của công ty gần đây thì cách cư xử này của Martin ngày càng trở thành một nguyên nhân gây ra sự bực mình cho nhiều người.
Jr – trưởng phòng kinh doanh
để tránh nhầm lẫn với Jeff Shanley, mọi người trong công ty gọi trưởng phòng kinh doanh là JR. Tên thật của anh là Jeff Rawlins, nhưng anh có vẻ thích được gọi bằng biệt danh mới của mình hơn. JR là một nhân viên kinh doanh dày dạn kinh nghiệm và ở độ tuổi giữa bốn mươi, nhìn chung anh hơi lớn tuổi hơn những người khác. Anh thường xuyên xuất hiện với làn da rám nắng, không bao giờ cư xử thô lỗ và luôn đồng ý thực hiện mọi điều mà các quản lý yêu cầu.
Thật không may, JR hiếm khi làm việc gì đến nơi đến chốn. Khi nhận ra mình không hoàn thành cam kết và khiến ai đó thất vọng, anh sẽ thành khẩn xin lỗi người đó.
Dẫu vậy, JR vẫn duy trì được sự tôn trọng nhất định của đồng nghiệp nhờ những thành tích trước đó của anh. Trước khi làm cho DecisionTech, anh chưa từng để hụt chỉ tiêu doanh số của bất kỳ quý nào trong toàn bộ sự nghiệp bán hàng của mình.
Carlos – trưởng bộ phận hỗ trợ khách hàng
Dù DecisionTech có tương đối ít khách hàng, nhưng ban điều hành cảm thấy công ty cần sớm đầu tư vào mảng dịch vụ khách hàng nhằm chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai. Carlos Amador từng làm việc với Mikey ở hai công ty trước, và Mikey đã giới thiệu anh vào DecisionTech. Và việc này khá tréo ngoe vì hai người này hoàn toàn khác nhau về tính cách.
Carlos rất ít nói, và khi anh mở miệng thì đó là những lời thật sự quan trọng và rất mang tính xây dựng. Anh chăm chú lắng nghe trong các cuộc họp, chăm chỉ làm việc mà không hề than phiền và thường rất khiêm tốn về những thành tích trước đây của mình khi có ai hỏi tới. Nếu trong số các nhân viên cấp cao có ai đó đáng tin cậy và khiến cấp trên không cần bận tâm nhiều, thì đó là Carlos.
Kathryn cảm thấy thật may khi ít ra thì cũng có một người trong nhóm nhân viên mới không khiến bà phải lo lắng, mặc dù bà vẫn còn chút băn khoăn về việc chưa thật sự phát huy trọn vẹn vai trò chuyên môn của Carlos. Việc Carlos sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm về quản lý chất lượng sản phẩm cùng với các nhiệm vụ không ai muốn ngó ngàng tới và không mấy hấp dẫn khác đã giúp Kathryn có thể tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn.
Jan – giám đốc tài chính
Giám đốc tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng ở DecisionTech và sẽ luôn như vậy khi công ty còn muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng. Jan Mersino biết rõ công việc mình phải đảm đương khi gia nhập DecisionTech, và cô là trợ lực chính của Jeff khi anh kêu gọi một lượng lớn vốn đầu tư từ những nhà tư bản và các nhà đầu tư lớn.
Jan là người chú trọng các chi tiết, rất tự hào về kiến thức chuyên môn của bản thân và sử dụng tiền của công ty cẩn trọng như thể đó là tiền mồ hôi nước mắt của mình. Mặc dù hội đồng quản trị cho phép Jeff và các nhân viên cấp cao toàn quyền quyết định việc chi tiêu, nhưng đó là vì hội đồng quản trị biết Jan sẽ không bao giờ để mất kiểm soát tài chính công ty.
Nick – giám đốc điều hành
Thành viên cấp cao cuối cùng là nhân vật có hồ sơ rất ấn tượng. Nick Farrell từng là phó tổng giám đốc điều phối của một công ty sản xuất máy vi tính lớn ở Midwest, và anh đã chuyển cả gia đình đến California để nhận việc tại DecisionTech. Chẳng may, Nick đảm nhiệm vị trí không được xác định rõ ràng nhất ở DecisionTech.
Vai trò chính thức của Nick là giám đốc điều hành, nhưng chỉ bởi vì anh đã đề nghị chức danh đó lúc mới đầu quân về công ty. Jeff và hội đồng quản trị đã trao cho Nick chức danh đó, vì họ tin tưởng nếu anh giữ vững phong độ làm việc như trước giờ thì trong vòng một năm anh sẽ trở nên xứng đáng với vai trò giám đốc điều hành. Quan trọng hơn nữa, hội đồng quản trị trước giờ có xu hướng tuyển dụng những nhân viên cấp cao xuất sắc, nên việc mất Nick sẽ làm tổn hại đến danh tiếng tuyển dụng của họ.
Trong số tất cả nhân viên cấp cao của DecisionTech, Nick là người trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những lừng khừng trong giai đoạn đầu của công ty. Trước những hạn chế trong kỹ năng quản lý của Jeff, Nick được tuyển dụng để làm mũi nhọn mở đường cho sự phát triển của DecisionTech, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận hành, mở các văn phòng mới trên toàn thế giới và dẫn dắt quá trình thu mua cũng như sát nhập của công ty. Phần lớn những nhiệm vụ này của anh hiện đang bị tạm hoãn, khiến cho công việc hàng ngày của anh không còn mấy ý nghĩa.
Mặc dù cảm thấy buồn bực vì chuyện này nhưng Nick không hề công khai than phiền. Ngược lại, anh cố gắng xây dựng các mối quan hệ, cho dù đôi khi không sâu sắc lắm, với mỗi đồng nghiệp của mình, những người mà anh âm thầm tự cho là kém hơn mình. Và mặc dù chẳng bao giờ nói ra điều này với đồng nghiệp nào, Nick cảm thấy anh là thành viên duy nhất trong ban điều hành phù hợp với chức danh CEO. Nhưng điều này sẽ sớm được làm rõ.