Một lần, tôi tham gia buổi hội thảo về hôn nhân tại căn cứ không quân NATO ở
Geilenkirchen, Đức. Thông thường, thời gian tại ngũ của quân nhân là 2 năm nên nhiều gia đình quân nhân đã chuyển đến sống gần căn cứ đó. Một buổi trưa, tôi thấy Alex, một cậu bé 13 tuổi, đang ngồi trên bàn ăn làm bài tập về nhà. Nhìn cậu bé, tôi nghĩ đến những trẻ vị thành niên người Mỹ điển hình: tóc húi cua, quần jeans, áo khoác sờn màu lục. Tôi tiến đến bắt chuyện với cậu bé.
Trong lúc trò chuyện, tôi nhìn thấy Alex đeo một sợi dây chuyền có hình thánh Christopher trên cổ. "Đây là món quà mà cha đã tặng cho cháu hồi sinh nhật 13 tuổi của cháu vào tháng 3 vừa rồi." - Cậu bé nói. - "Cha nói khi cha phải đi xa làm nhiệm vụ thì sợi dây chuyền này sẽ nhắc cháu nhớ về cha. Lúc nào cháu cũng đeo nó bên người."
"Christopher là ai vậy hả cháu?" - Tôi hỏi.
"Cháu không rõ nữa," - cậu bé trả lời, - "hình như là một vị thánh nào đó thì phải".
Xét về mặt tín ngưỡng, mặt dây chuyền này không có gì quan trọng nhưng về mặt tình cảm thì nó là vô giá với Alex. Nó là sự nhắc nhở về tình cảm của cha dành cho cậu. Tôi tin rằng nếu còn gặp lại Alex, tôi vẫn sẽ thấy cậu đeo sợi dây chuyền đó trên cổ.
Điều gì khiến một món quà trở thành một quà tặng thật sự?
Quà tặng là một bằng chứng hữu hình cho tình cảm. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của một món quà. Từ "gift" trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ "charis" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ân huệ hoặc một món quà không đáng. Với ý nghĩa này, quà tặng không phải là thứ mà cha mẹ dùng để thể hiện tình thương yêu vô điều kiện của mình đối với con cái. Một số cha mẹ không nhận ra điều này. Họ nghĩ họ đang tặng quà cho con trong khi thực tế, họ chỉ chi trả cho con phí dịch vụ nào đó. Những người đó không thực sự sử dụng ngôn ngữ thương yêu có tên là Quà tặng.
Chẳng hạn, Beverly nói với con gái Amanda 15 tuổi của mình rằng: "Nếu con dọn dẹp phòng thì sau khi ăn tối xong, chúng ta sẽ tới trung tâm thương mại và mẹ sẽ mua cho con chiếc váy mà con thích". Thực tế, Beverly chỉ đang cố mua chuộc Amanda làm theo những gì chị yêu cầu hoặc coi đây như một giao dịch. Cũng có thể chị đã bắt đầu mệt mỏi với việc Amanda suốt ngày kì kèo về chiếc váy và đây chính là cách chị nhượng bộ con bé. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì đó cũng không phải là một món quà. Amanda hiểu đó là thù lao cho việc lau dọn phòng. Có thể Beverly cho rằng mình đang bày tỏ tình thương đối với Amanda bằng việc tặng cho cô bé chiếc váy, nhưng Amanda chỉ nhận nó như một thứ mà mình đáng được nhận, chứ không phải một món quà.
Đối với nhiều bậc phụ huynh, thứ mà họ gọi là "quà tặng" thực tế chỉ là nỗ lực chi phối con cái, một sự trao đổi với những điều họ muốn hay chi phí cho công việc mà trẻ đã làm. Những lần mà trẻ nhận được quà tặng thật sự chỉ là dịp năm mới hoặc sinh nhật. Còn ngoài ra, hầu hết những món quà khác của cha mẹ đều không mang tính chất là quà tặng thật sự. Tất nhiên, tôi không nói rằng cha mẹ không được chi trả cho những "dịch vụ" của con mình. Ý tôi là những sự chi trả đó không được coi là quà tặng. Trẻ vị thành niên có thể dễ dàng thực hiện một giao dịch tương tự như vậy với bất kỳ người lớn nào khác. Việc giao dịch với cha mẹ thì có thể sẽ có lợi hơn với trẻ nhưng dù sao đó vẫn chỉ là giao dịch, không phải quà tặng.
Trẻ vị thành niên không những không phản đối việc giao dịch cùng cha mẹ mà nhiều khi, trẻ còn vui vẻ chấp nhận. Đôi lúc, đây là cách để chúng có những gì chúng muốn. Đây là điều thường xảy ra ở nhiều gia đình, nhưng nó chẳng liên quan gì đến việc tặng quà cả.
Quà tặng và hình thức tặng quà
Một khía cạnh quan trọng khác của việc tặng quà là nó cần được tặng với một số hình thức nhất định. Hãy nhớ lại một món quà quan trọng mà bạn đã được nhận ngày xưa. Món quà đó là gì? Ai tặng? Tặng bằng cách nào? Nó được gói thế nào? Món quà đó có kèm theo sự thể hiện tình cảm nào khác như lời nói hay cử chỉ không? Có thể nói, người tặng càng bỏ công sức vào việc gói ghém và cách tặng bao nhiêu, người nhận càng cảm nhận được nhiều tình cảm bấy nhiêu. Mục đích của việc tặng quà không chỉ là chuyền một món đồ từ tay người này sang người kia mà là để thể hiện tình cảm. Chúng ta muốn người nhận cảm giác sâu sắc được rằng: "Tôi quan tâm đến bạn. Bạn thật quan trọng đối với tôi. Tôi yêu bạn". Những thông điệp tình cảm đó được nâng cao hơn khi bạn chú ý đến hình thức tặng quà.
Các bậc cha mẹ có thể làm tốt nếu ghi nhớ điều này. Khi bỏ qua hình thức, chúng ta đồng thời cũng đã bỏ qua sức mạnh tình cảm của món quà. Johnny muốn có một đôi giày thể thao mới. Cha mẹ chở Johnny đến trung tâm thương mại mua giày và cậu mang luôn giày đi về. Chỉ như thế, không có hình thức nào cả. Những món quà như vậy truyền tải rất ít tình cảm. Nếu món quà nào cũng được tặng như thế thì sẽ tạo cho trẻ suy nghĩ là: "Cha mẹ nợ mình nên phải mua cho mình tất cả những gì mình muốn". Trẻ thường không mấy coi trọng những món quà chứa đựng ít ý nghĩa về mặt tình cảm.
Tuy nhiên, nếu đôi giày đó được gói cẩn thận và tặng trước mặt các thành viên khác trong gia đình, kèm theo đó là những lời khen ngợi và cử chỉ âu yếm thì nó sẽ trở thành một công cụ chuyển tải tình cảm rất mạnh mẽ. Nếu bạn có thói quen không chú trọng hình thức thì tôi đề nghị bạn nên thay đổi nó. Có thể con bạn sẽ không thích sự thay đổi của bạn nhưng dần dần, nó sẽ có cái nhìn khác về món quà mà nó nhận được từ bạn. Và quan trọng là con bạn sẽ học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương quà tặng, một điều rất có ích khi nó trưởng thành.
Quà tặng và tính coi trọng vật chất
Các bậc phụ huynh thường hỏi tôi rằng: "Liệu việc tôi tặng quá nhiều quà cho con có khiến nó coi trọng vật chất, một tính cách rất thường thấy trong xã hội ngày nay không?".
Với vai trò của mình, các bậc cha mẹ đã đúng khi tự hỏi: "Có phải đây là thứ mình muốn dạy con?". Tuy vậy, bạn cũng cần hỏi rằng: "Đây có phải là thứ mình muốn trong chính cuộc sống của mình? Có phải cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng hơn việc kiếm tiền và sắm sửa tiện nghi?".
Tôi tin rằng câu trả lời nằm ở 2 vấn đề sau: Một, học cách tận hưởng những điều bình thường và hai, học cách chia sẻ điều đó với những người khác. Cả mấy ngàn năm nay con người vẫn sống được mà không có những "món đồ chơi" được làm ra từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghiệp. Không có chúng, con người vẫn vui vẻ tận hưởng những điều bình dị của cuộc sống - ăn, ngủ, làm việc, thư giãn… Không những thế, họ biết chia sẻ cuộc sống bình dị của mình với những người khác.
Tính coi trọng vật chất trong xã hội xuất hiện từ khi con người nhận ra rằng, bằng nỗ lực của mình, họ có thể điều khiển cả vũ trụ. Tính coi trọng vật chất trở thành biểu hiện của sự tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Khi đó, mối quan hệ giữa người và người bị rạn nứt bởi sự vô cảm mà chúng ta dành cho nhau.
Nhiều người tin rằng việc coi trọng vật chất là một sự thay thế rẻ mạt cho những nguyên tắc cơ bản nhằm tận hưởng những điều bình dị trong cuộc sống và chia sẻ chúng với những người chung quanh. Và họ đã bắt đầu hành trình tìm lại những giá trị tinh thần mà vô tình mình đã đánh mất.
Dưới đây, tôi sẽ nêu ra hai khía cạnh mà cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương là Quà tặng.
Tặng tiền
Giá trị của tiền bạc
Đầu tiên là vấn đề tặng tiền. Ngày nay, trẻ vị thành niên đang dần trở thành khách hàng chủ lực trên thị trường. Những nhà sản xuất tập trung quảng cáo thu hút sự chú ý của giới trẻ. Nhưng trẻ vị thành niên lấy tiền ở đâu ra? Câu trả lời chính là túi tiền của cha mẹ. Nhiều người nghĩ rằng nếu quà tặng là một trong những ngôn ngữ yêu thương thì việc cha mẹ tặng tiền cho con sẽ khiến trẻ cảm nhận được tình cảm cha mẹ dành cho chúng. Thế nhưng việc này có hai vấn đề. Thứ nhất, đa số lượng tiền này không được đưa cho con dưới hình thức quà tặng; nó đơn thuần là một phần trong cuộc sống gia đình thường ngày và trẻ chỉ việc chờ đón nhận. Thứ hai, trẻ chưa làm việc kiếm tiền nên chưa hiểu được giá trị của đồng tiền. Vì thế, đa số trẻ sẽ ít cảm nhận được tình cảm của cha mẹ khi nhận tiền từ họ. Vậy thì cha mẹ phải làm thế nào khi tặng tiền cho con em mình?
Có hai cách giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, hãy khuyến khích con tự kiếm tiền bằng cách làm thêm. Đây là cách duy nhất để trẻ hiểu được giá trị đồng tiền. Nếu con bạn phải làm việc trong suốt một tháng để kiếm 50 đô-la mua chiếc áo yêu thích thì chắc chắn nó sẽ ý thức được giá trị của sức lao động. Và trẻ buộc phải suy nghĩ: "Liệu thứ này có đáng sức mình bỏ ra?". Khi đó, con bạn sẽ biết cách trở thành một người tiêu dùng thông minh hơn. Khi tự làm việc kiếm tiền, trẻ sẽ phải suy nghĩ lựa chọn giữa những nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Nếu không thể cùng lúc có tất cả những điều mình muốn thì trẻ buộc phải dùng lý trí để phân định xem mình cần thứ gì nhất. Điều này sẽ giúp trẻ chuẩn bị tâm lý khi bước vào cuộc sống của một người trưởng thành.
Nếu lo rằng việc làm thêm ở bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sinh hoạt của con, các bậc cha mẹ có thể suy nghĩ để trả công cho con sau khi chúng hoàn thành những công việc nhà được giao. Trả công cho con trong việc này cũng tương tự như việc trẻ đi làm thêm bên ngoài. Tuy vậy, điều các bậc cha mẹ nên lưu ý là không được cho quá nhiều cũng như không để con trông chờ một số tiền quá lớn từ cha mẹ để trẻ không hình thành nên tính coi trọng vật chất.
Cách giải quyết thứ hai là hãy chọn thời điểm thích hợp nhất để tặng tiền cho con. Chẳng hạn, hãy cho tiền trẻ đóng lệ phí buổi cắm trại cùng lớp hay trả học phí của các lớp học thêm… Các bạn cũng có thể cho tiền con dưới hình thức quà tặng, theo như hướng dẫn ở trên.
Vì trẻ đã từng làm việc để kiếm tiền nên bây giờ, trẻ sẽ ít nhiều hiểu được giá trị của đồng tiền. Trẻ sẽ hiểu được mức độ cực nhọc của bạn trong việc kiếm tiền nên sẽ thực lòng quý trọng tình cảm mà bạn dành cho trẻ thông qua số tiền đó.
Tặng quà
Chú ý đến niềm vui và sở thích của con
Hãy suy nghĩ cẩn thận khi quyết định tặng quà thay vì tặng tiền cho trẻ. Hãy nhớ rằng mục đích của việc tặng quà là truyền tải thông điệp "Cha mẹ yêu con" đến với trẻ. Vì thế cha mẹ cần tự hỏi: "Món quà này có thật sự hữu ích cho con?". Có rất nhiều yếu tố cần được xem xét khi trả lời câu hỏi trên mà điều đầu tiên chính là mức độ chín chắn và trách nhiệm của trẻ.
Một điều mà bạn cần chú ý khi tặng quà cho trẻ vị thành niên chính là sở thích riêng của trẻ. Hãy nhớ lại những món quà mà bạn nhận được nhưng rất ít khi dùng đến, dù bạn biết người tặng đã tốn khá nhiều tiền để mua nó và rất quý trọng tấm lòng của họ. Vì thế, đừng lặp lại tình huống này với con bạn. Nếu muốn trẻ cảm nhận được tình cảm của bạn trong món quà, bạn phải chú ý đến sở thích của chúng. Thay vì mua một thứ gì đó bạn thích, tại sao bạn lại không mua thứ mà con bạn thích?
Bạn có thể làm việc này trực tiếp và hết sức đơn giản bằng cách hỏi thẳng con: "Cha muốn mua tặng cho con một món quà nhưng chưa biết con muốn gì. Con hãy viết ra một vài món mà con thích nhất, càng cụ thể càng tốt". Hầu hết trẻ đều vui vẻ thực hiện theo yêu cầu này. Nếu không biết chính xác thứ con muốn, hãy dẫn con đến trung tâm mua sắm và yêu cầu con chỉ cho bạn thấy món quà mà nó muốn để quyết định xem có tặng hay không. Nếu tặng, hãy quay lại mua vào lần sau và thực hiện theo những gì tôi đã hướng dẫn ở trên.
Những món quà riêng tư và quý giá
Không phải món quà nào cũng nên tặng trước mặt mọi người trong gia đình. Có nhiều món quà sẽ được coi trọng hơn nếu bạn tặng riêng nó cho trẻ. Lúc Shirley 13 tuổi, tôi rủ con bé cùng đi dạo ở làng Old Salem. Đây là điều không có gì lạ vì cha con tôi vẫn thường đi dạo cùng nhau như thế này. Nhưng lần này, cha con tôi ngồi lại bên một ao cá nhỏ và tôi tặng con bé một chiếc chìa khóa vàng. Đây là cách tôi thể hiện sự trân trọng của mình đối với những nỗ lực của con bé trong suốt thời gian qua. Tôi nói với con bé đây chính là chìa khóa đến trái tim nó và hy vọng nó sẽ trao lại chiếc chìa khóa này cho người nó thương yêu sau này.
Khoảnh khắc này đã trở thành một trong những kỷ niệm đẹp của cả hai cha con tôi. Dù vài năm sau con bé đã làm mất chiếc chìa khóa đó nhưng kỷ niệm về buổi chiều tuyệt vời đó sẽ còn mãi trong lòng nó. Món quà vật chất tuy đã mất nhưng ý nghĩa tượng trưng của nó vẫn còn trong tâm trí con bé nhiều năm về sau. Bây giờ con bé cũng đã có một đứa con gái, Davy Grace, và tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, Davy cũng nhận được một chiếc chìa khóa.
Nhiều gia đình không chỉ có những món quà riêng tư mà còn có cả những món quà quý báu. Những món quà này không nhất thiết phải đắt tiền nhưng phải có ý nghĩa đối với cả gia đình. Đó có thể là chiếc nhẫn, dây chuyền, cuốn sách, cây viết, bộ sưu tập tem… Đó có thể là vật đã được truyền từ nhiều đời hay đơn giản được mua với mục đích duy nhất là để tặng cho con. Những món quà này có thể được tặng riêng hoặc trước mặt các thành viên khác trong gia đình. Điều quan trọng là nó phải được tặng kèm theo lời nói về sự quan trọng và ý nghĩa của nó, đồng thời với những lời khen ngợi và một vài cử chỉ âu yếm.
Những món quà quý báu như vậy sẽ trở thành biểu tượng tình yêu trong lòng con trẻ nhiều năm về sau. Khi trẻ vị thành niên trải qua giai đoạn biến động về tình cảm thì nó sẽ trở thành lời nhắc nhở về tình cảm chân thành mà cha mẹ dành cho trẻ.
Những món quà giả tạo
Đây là những món quà được tạo ra để thay thế tình cảm chân thật và là loại quà mà không trẻ vị thành niên nào cần. Các bậc phụ huynh bận rộn hoặc thường xuyên vắng mặt dùng nó để bù đắp cho những thiếu sót trong mối quan hệ với con cái.
Một người mẹ đơn thân nói: "Mỗi khi ghé chỗ cha, con gái 16 tuổi của tôi luôn mang về một túi đầy quà. Điều đáng nói là ông ta hiếm khi gọi điện cho con bé và chỉ ở với con bé mỗi năm hai tuần vào mùa hè". Đây là điều phổ biến đối với các bậc cha mẹ không được quyền nuôi con. Trẻ sẽ nhận quà, sẽ nói lời cảm ơn nhưng không hề cảm nhận được chút tình cảm nào trong đó. Khi món quà được dùng để thay thế tình cảm thật thì trẻ cũng chỉ xem nó là những món đồ tầm thường.
Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với các bậc cha mẹ đã ly hôn mà còn với cả những người đang sống cùng con dưới một mái nhà. Đó là các bậc cha mẹ giàu có nhưng bận rộn và luôn thiếu thời gian. Con cái của họ thường tự chuẩn bị bữa ăn sáng, đi học, trở về, bước vào căn nhà vắng vẻ, làm bất cứ thứ gì mình thích rồi chờ đợi cha mẹ về nhà trong tình trạng kiệt sức. Cả nhà ăn bữa tối gọn lẹ với những thứ mua ở tiệm ăn nhanh rồi ai trở về việc của người ấy. Và hôm sau, hoạt cảnh này tiếp tục lặp lại. Trong những gia đình ấy, chúng ta thường thấy xuất hiện rất nhiều món quà giả tạo. Trẻ vị thành niên có được tất cả những gì chúng muốn, ngoại trừ tình cảm của cha mẹ. Nhưng những món quà này không bao giờ bù đắp được nhu cầu tình cảm của trẻ cũng như không thể xóa được cảm giác tội lỗi của bậc phụ huynh khi họ ít gắn bó với con.
Như ta đã biết, trẻ vị thành niên cần nhận được tình cảm của cha mẹ dưới cả 5 ngôn ngữ. Xét về nhiều mặt, ngôn ngữ yêu thương thông qua hình thức quà tặng được xem là nguyên tắc khó nhất. Ít bậc phụ huynh nào sử dụng thành thạo được ngôn ngữ này. Nếu ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn là quà tặng, bạn hãy đọc kỹ chương này và bàn bạc kỹ với vợ/chồng mình để cả hai cùng suy nghĩ lại cách tặng quà từ trước đến nay của mình cũng như tìm cách tặng quà tốt nhất cho con.
Trẻ vị thành niên nói gì?
Khi đã tìm ra điểm yếu của mình trong cách tặng quà và làm theo một vài gợi ý ở chương này, tôi tin rằng bạn có thể học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương này một cách hiệu quả.
Trong chương tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn cách xác định ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ. Còn bây giờ, hãy lắng nghe tâm sự của những trẻ vị thành niên có ngôn ngữ yêu thương chính là quà tặng.
Michelle, 15 tuổi. Khi được hỏi vì sao cô bé biết cha mẹ yêu mình, cô bé chỉ ngay vào cái áo, váy, và đôi giày trên người mình, rồi nói: "Mọi thứ cháu có đều do cha mẹ cháu mua cho. Với cháu, đó là tình yêu. Họ không chỉ cho cháu thứ cháu cần, mà còn hơn thế nữa. Thực tế, cháu còn chia sẻ những đồ đạc cha mẹ đã tặng cho cháu với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, tất nhiên là khi đã được sự chấp thuận của cha mẹ cháu".
Serena, đang học năm cuối trung học, nói về cha mẹ mình như sau: "Tất cả những đồ vật trong phòng nhắc cháu nhớ về tình cảm của cha mẹ. Sách vở, máy vi tính, đồ trang trí, quần áo… đều do cha mẹ sắm cho cháu. Cháu vẫn còn nhớ cái đêm mà cha mẹ tặng cho cháu cái máy vi tính. Cha mẹ đã lắp đặt nó xong xuôi và gói ghém cẩn thận. Khi mở quà ra, cháu nhìn thấy bên trong màn hình viết là: Chúc mừng sinh nhật Serena. Cha mẹ yêu con".
Ryan, 14 tuổi, nói: "Cháu biết cha mẹ yêu cháu là vì họ đã cho cháu rất nhiều thứ. Họ thường làm cháu bất ngờ bằng cách tặng cho cháu những món mà cháu thích. Không chỉ đơn giản là giá trị món quà mà còn là cách cha mẹ tặng cho cháu nữa. Gia đình cháu rất coi trọng việc tặng quà, và không cần thiết phải chờ tới sinh nhật mới làm như thế".
Sean, 15 tuổi, đang học lớp tám. Sean gặp nhiều rắc rối về vấn đề sức khỏe nên thường xuyên phải nghỉ học. "Cháu biết cháu có rất nhiều vấn đề. Mấy bạn cháu đều chơi bóng và tham gia rất nhiều hoạt động. Cháu cũng học trễ một lớp so với các bạn cùng tuổi. Nhưng cháu vẫn thấy mình là đứa may mắn nhất. Cha mẹ cháu thương yêu nhau và rất thương yêu anh em cháu. Cha mẹ thường làm cháu bất ngờ bằng những món quà rất đặc biệt. Cháu rất thích vi tính nhưng hầu như lúc nào cha cũng phát hiện ra những chương trình mới trước cháu. Mỗi khi thấy trên bàn đốt nến là cháu biết sau bữa tối, cả nhà sẽ có tiệc. Thông thường, đó là lúc cha đã tìm thấy một chương trình mới cho cháu".
Nếu ngôn ngữ yêu thương của con bạn là quà tặng...
Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng tình cảm trong món quà cũng quan trọng như chính món quà. Vì thế, hãy sáng tạo những cách thức tặng quà thật độc đáo để con bạn luôn cảm nhận được tình thương yêu chứa đựng trong đó.
• Hãy chọn món quà hợp với sở thích của con, món quà mà bạn tin rằng con sẽ trân trọng khi được nhận.
• Khi đi mua sắm, hãy đề ra mức giới hạn mà bạn sẽ trả cho các lựa chọn của con.
• Sưu tập những món quà không đắt tiền nhưng độc đáo và từ từ tặng từng món cho con mỗi khi cần thiết.
• Chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt mà bạn tin là con sẽ thích. Đi đến nhà hàng con thích hay làm món tráng miệng theo khẩu vị của con.
• Sưu tập những hộp quà hay giấy gói lạ để dùng cho việc gói quà, dù là những món quà đơn giản nhất.
• Khi vắng nhà, hãy gửi món quà nho nhỏ nào đó về cho con với tên con được viết thật to.
• Chuẩn bị một "túi quà" gồm những món quà nhỏ không đắt tiền để con chọn làm phần thưởng mỗi khi đã làm tốt việc gì đó.
• Tìm những món quà có thể đặt tên con bạn lên đó. Hãy dùng chúng trong trường hợp con bạn đang có chuyện buồn để động viên con.
• Tạo ra một trò chơi săn quà có bản đồ và lời chỉ dẫn dọc đường tìm kiếm.
• Giấu một món quà nhỏ trong túi áo khoác của con có kèm theo một mẩu tin nhắn động viên con.
• Thay vì bỏ tiền ra mua một món quà thật lớn vào sinh nhật con, hãy tặng con một món quà có ý nghĩa và tổ chức một bữa tiệc ấm cúng có mời bạn bè con đến dự.
• Hãy nghĩ đến những món quà có thể tồn tại lâu dài. Chẳng hạn như một cái cây mà bạn và con cùng trồng, một trò chơi chung hay một bức tranh treo trong phòng.
• Hãy tham khảo ý kiến của con khi các bạn cùng nhau đi mua sắm quà.
• Hãy tiết lộ với con về những món quà tiếp theo. Những giấy nhắn đếm ngược như "Chỉ còn 4 ngày nữa là đến ngày tặng quà" có thể tạo ra niềm mong đợi lớn và vô vàn tình yêu thương, đặc biệt là đối với những trẻ thích được nhận quà.
• Gửi hoa hoặc kẹo tới trường với một mảnh giấy nhắn công nhận thành tích trong học tập hay ngoại khóa của trẻ.