Matt và Lori đã có một buổi gặp với bác sĩ riêng của gia đình để bày tỏ mối bận tâm về Sean, đứa con trai mười ba tuổi của mình. "Tính cách của thằng bé đã thay đổi!". - Matt mở lời. - "Thật sự là tôi không thể đoán được nó đang nghĩ gì nữa." "Nó chưa bao giờ nổi loạn như vậy!". - Lori thêm vào. - "Giờ đây, nó đặt câu hỏi đối với hầu hết những điều chúng tôi nói. Và ngôn ngữ của cháu cũng thay đổi. Chúng tôi thật sự không hiểu nó đang nói gì. Vài tuần trước, Sean đã cãi nhau với tôi, điều mà trước đây nó chưa bao giờ làm."
"Chúng tôi sợ rằng Sean có vấn đề gì đó về thần kinh." - Matt nói. "Có thể là một khối u nào đó chăng?" - Lori thêm vào. - "Chúng tôi hy vọng ông sẽ kiểm tra sức khỏe cho cháu và cho chúng tôi một vài lời khuyên nào đó."
Bác sĩ của họ đồng ý và hai tuần sau họ đưa Sean đến. Sau khi kiểm tra tổng quát, vị bác sĩ báo cho Matt và Lori biết rằng Sean hoàn toàn khỏe mạnh và không có vấn đề gì liên quan đến thần kinh. Những rắc rối mà họ đang phải đối mặt thực ra chỉ là những dấu hiệu của việc phát triển bình thường ở trẻ vị thành niên. Cả Matt và Lori đều thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng cảm thấy rất bối rối vì không biết nên phản ứng như thế nào trước điều này. Tuy vậy, họ cũng biết rằng mình không thể lờ đi những hành động của con.
Matt và Lori đang trải qua những thương tổn bình thường của các bậc cha mẹ có con bước sang tuổi vị thành niên. Mọi việc bỗng chốc trở nên đảo lộn. Những cách làm hiệu quả trước đây không còn tác dụng nữa và đứa trẻ mà họ cho là mình biết rất rõ bỗng nhiên trở thành một người xa lạ.
Chúng ta đã nói về mong muốn tự lập và nhu cầu khám phá bản thân ở trẻ vị thành niên. Khi biết được những mong muốn này của con, các bậc phụ huynh có thể học cách chấp nhận con nhiều hơn cũng như biết cách bày tỏ tình yêu thương một cách tốt hơn. Và đó cũng là cách để cha mẹ có thể nói ngôn ngữ yêu thương của con mình hiệu quả hơn.
Hai thời kỳ xung đột
Bạn có biết hai thời kỳ thường nảy sinh xung đột giữa cha mẹ và con cái? Các nhà nghiên cứu đã xác định hai thời kỳ đó là khi trẻ ở độ tuổi lẫm chẫm biết đi (từ 1 đến 3 tuổi) và khi trẻ bước vào tuổi dậy thì (từ 12 đến 17 tuổi). Hai thời kỳ này có cùng một đặc điểm là nhu cầu tự lập của trẻ được biểu lộ mạnh mẽ.
Ở thời kỳ đầu, những đôi chân của "lứa tuổi siêu quậy" đưa chúng đến những nơi mà cha mẹ không thể nhìn thấy được, và những đôi tay bé nhỏ làm những điều khiến các bậc cha mẹ vô cùng phiền muộn. Họ phải đương đầu với những sự việc đại loại như hàng loạt nét bút màu được vẽ nguệch ngoạc trên tường, những thỏi son môi của mẹ bị biến thành bút màu, điện thoại đi động của bố bị bỏ vào chậu nước, rồi bột vung vãi đầy thảm trải sàn bếp, các ngăn kéo bị mở tung ra và lục lọi, v.v.
Đến tuổi dậy thì, những xung đột của trẻ với cha mẹ vẫn xoay quanh sự tự lập. Dĩ nhiên, trẻ vị thành niên đang ở một giai đoạn rất phát triển nên những rắc rối mà trẻ tạo ra cũng lớn hơn, và những xung đột với cha mẹ cũng có cường độ mạnh hơn rất nhiều. Tuy vậy, theo Steinberg và Levine, hai chuyên gia tâm lý, thì vẫn có một tin tốt là "xung đột giữa cha mẹ và con cái thường lên đến đỉnh điểm khi trẻ học lớp tám hoặc lớp chín, nhưng sau đó sẽ giảm dần".
Ở cả hai giai đoạn rắc rối này trong tâm lý trẻ, sẽ rất hữu ích nếu bậc cha mẹ biết mình nên trông đợi điều gì và có chiến lược đối phó tích cực với những phản ứng khác lạ của trẻ.
Mối quan tâm của chúng ta ở đây dĩ nhiên là ở giai đoạn thứ hai, những năm trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Nhu cầu được tự lập và được yêu thương
Nhu cầu tự lập của con bạn được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Cùng với nhu cầu tự lập, trẻ vẫn tiếp tục cần có tình yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng, các bậc phụ huynh lại hiểu sự tự lập này của trẻ như là một dấu hiệu cho thấy trẻ không còn muốn nằm trong tầm ảnh hưởng của mình nữa. Đây là một quan niệm vô cùng sai lầm.
Nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là khuyến khích sự độc lập đồng thời đáp ứng nhu cầu cần được yêu thương của trẻ. Những hành động thể hiện tính cách đồng hành với sự tìm kiếm độc lập của con bạn thường tập trung quanh những khía cạnh sau đây:
1. Muốn có không gian riêng
Trẻ vẫn muốn là một phần của gia đình nhưng đồng thời lại muốn được tự lập khỏi gia đình. Điều này thường thể hiện qua nhu cầu muốn có một không gian riêng trong nhà. Trẻ vị thành niên không muốn gặp người khác, nhất là bạn bè, khi đang ở cùng cha mẹ nơi công cộng. Lý do không phải vì trẻ không muốn ở bên cạnh bạn, mà đơn giản chỉ vì chúng muốn mình trông trưởng thành và tự lập hơn mà thôi.
Nhiều bậc phụ huynh có thể sẽ rất buồn lòng trước thái độ này của con. Tuy nhiên, một khi hiểu nhu cầu được độc lập của trẻ, bạn sẽ tôn trọng và biết dùng ngôn ngữ yêu thương chính của con. Khi đó, trẻ sẽ vừa cảm thấy được yêu thương, vừa thấy được độc lập.
Phòng riêng của trẻ
Trẻ vị thành niên thường yêu cầu được có phòng riêng. Trẻ có thể vui vẻ ngủ chung phòng với các em trong mười hai năm đầu đời, nhưng trong giai đoạn này, nếu có điều kiện, trẻ sẽ tìm không gian riêng cho mình. Trẻ sẽ sẵn sàng chuyển lên phòng gác mái hay xuống tầng hầm; thậm chí là bất cứ đâu để có được không gian riêng của mình. Đa số các bậc phụ huynh thường tỏ ra không vui trước yêu cầu này. Điều trẻ yêu cầu có vẻ như không thể chấp nhận được. Tại sao trẻ lại muốn ngủ trong một căn hầm lụp xụp trong khi chúng có một căn phòng đầy đủ tiện nghi với các em cơ chứ? Câu trả lời nằm trong nhu cầu được độc lập của trẻ.
Tôi đề nghị rằng nếu có thể, các bậc phụ huynh nên tìm cách đáp ứng yêu cầu này của trẻ. Trẻ thường thích trang hoàng phòng ốc theo sở thích một khi đã có được không gian riêng cho mình. (Lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy vui mừng vì không gian riêng của trẻ là ở dưới tầng hầm!). Chắc chắn trẻ sẽ chọn những màu sắc, kiểu dáng và chất liệu mà bạn không hề muốn. Một lần nữa, nhu cầu được độc lập của trẻ đã lên tiếng.
Việc cung cấp cho trẻ không gian riêng và quyền được tự do trang hoàng theo ý thích sẽ tăng cường sự độc lập của trẻ. Tuy nhiên, nếu việc chấp nhận này đi kèm theo sự cãi vã thì trẻ sẽ đánh mất sự tự tôn và sẽ có một bức tường ngăn cách về mặt tình cảm giữa trẻ và cha mẹ.
2. Mong muốn có được không gian tình cảm riêng
Trẻ vị thành niên luôn muốn có được không gian tình cảm của riêng mình. Trong những năm trước, con bạn có thể kể cho bạn nghe mọi thứ - những việc xảy ra ở trường, giấc mơ đêm qua, những người bạn cùng lớp… Nhưng trong những năm tháng này, có thể trẻ sẽ khiến bạn cảm thấy mình bị "cho ra rìa". Khi hỏi về việc học ở trường, có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời: "Không có gì!" hay "Vẫn thế". Khi bạn hỏi về một người bạn của con, có thể nó sẽ cho bạn là quá tò mò. Điều này không có nghĩa là trẻ đang che giấu những lỗi lầm mà thường chỉ vì chúng muốn giữ những suy nghĩ và cảm xúc cho riêng mình - một biểu hiện của ý muốn độc lập. Các bậc phụ huynh nên tôn trọng mong muốn này của trẻ. Nói cho cùng, liệu bạn có chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc của bạn với con cái không? Tôi cho là không.
Một biểu hiện khác của người trưởng thành là việc chúng ta quyết định chia sẻ với mọi người xung quanh điều gì và khi nào. Trẻ vị thành niên đang trong quá trình trở thành một người trưởng thành nên cũng mong muốn có được "quyền" này. "Mẹ biết rằng có đôi khi con không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với mẹ. Mẹ hiểu điều này hoàn toàn bình thường. Nhưng mẹ muốn con biết là nếu con muốn nói chuyện, mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe" là một trong những câu nói mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi trò chuyện với đứa con ở tuổi vị thành niên. Với cách nói này, họ cho trẻ thấy mình hiểu được giá trị của việc để chúng có được một không gian tình cảm riêng.
Một cách khác để con bạn bộc lộ nhu cầu có không gian tình cảm riêng là việc trẻ ngừng chấp nhận những biểu hiện của tình yêu thương mà trước đó cháu vẫn đón nhận. Đừng ngạc nhiên khi cô con gái mười lăm tuổi của bạn từ chối lời đề nghị giúp đỡ của bạn. Những năm trước đây, hành động này của bạn được con đón nhận như là một biểu hiện của tình yêu thương. Thế nhưng giờ đây nó lại muốn tự làm và có thể sẽ làm điều đó theo cách khác hoàn toàn trước. Thông thường, điều này không phải là do trẻ không cần sự giúp đỡ của bạn mà là vì trẻ muốn được độc lập. Thay vì làm nghiêm trọng vấn đề, bạn nên lùi lại và nói: "Nếu con cần sự giúp đỡ của mẹ, hãy cho mẹ biết nhé".
Cô con gái mười ba tuổi có thể né tránh những cái ôm của bạn không phải vì cháu không muốn được bạn âu yếm, mà vì bạn đã làm điều này nhiều lần khi nó còn bé. Con gái bạn đang dần trở thành một người lớn và không muốn được đối xử như một đứa bé con nữa. Trong trường hợp này, bạn nên tìm ra những cách thức mới mà con bạn tán thành để biểu lộ tình cảm âu yếm với con.
Đằng sau tất cả những hành động này là mong muốn có được không gian riêng về mặt tình cảm của trẻ. Trẻ muốn được yêu thương nhưng không muốn được ấp ủ như khi còn là một đứa bé.
3. Mong muốn được độc lập về mặt xã hội
Chọn bạn bè thay vì gia đình
Con bạn không chỉ cần có sự độc lập về thể xác và tình cảm mà chúng còn muốn có sự độc lập về mặt xã hội đối với cha mẹ. Mong muốn này được thể hiện qua nhiều cách khác nhau và một trong số đó là việc trẻ chọn bạn bè thay vì chọn gia đình. Chẳng hạn, bạn đã lên kế hoạch cho một buổi dã ngoại vào chiều thứ bảy. Tối thứ năm, bạn nói cho con nghe về kế hoạch của mình, và cháu nói: "Con không đi đâu!".
"‘Con không đi’ là sao?" - Trong cương vị một người cha, bạn đáp lại với vẻ mặt ngạc nhiên.
- "Con là một phần của gia đình ta kia mà."
"Con biết, nhưng con đã có kế hoạch cho ngày hôm đó rồi!" - Con bạn trả lời. - "Con sẽ đi một vài nơi với các bạn."
"Vậy thì hãy nói với các bạn con là kế hoạch đã thay đổi." - Bạn đề nghị. - "Đây là một hoạt động của gia đình, và việc có con tham gia là rất quan trọng."
"Nhưng con không muốn tham gia." - Trẻ đáp lại.
Cuộc nói chuyện này có thể sẽ trở thành một cuộc chiến nếu bạn không nhanh chóng nhận ra mình đang nói chuyện với một đứa trẻ vị thành niên chứ không phải là một đứa trẻ con.
Các bậc phụ huynh có thể ép buộc một đứa trẻ con tham gia vào các hoạt động của gia đình. Một khi đã có mặt ở đó thì trẻ sẽ vẫn vui vẻ như thường. Nhưng nếu áp dụng chiến thuật này với trẻ vị thành niên thì trẻ sẽ tham gia một cách miễn cưỡng. Trẻ sẽ không tỏ ra hưởng ứng và vui thú gì với hoạt động ấy.
Theo tôi, cách giải quyết vấn đề tốt hơn cả là cho phép trẻ không tham gia, đặc biệt khi bạn thông báo hoạt động này cho cháu quá trễ. Tất nhiên, ý tôi không phải là trẻ không cần phải tham gia vào những hoạt động của gia đình. Trong những sự kiện cần đến sự hiện diện của các gia đình, bạn nên tìm cách để con tham gia. Nhưng bạn nên báo trước một thời gian để con chuẩn bị thời gian và tâm lý. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích lý do vì sao sự hiện diện của con lại quan trọng đến như thế. Nếu cảm thấy thời gian biểu và mối quan tâm của mình được cân nhắc, trẻ sẽ tham gia với thái độ tích cực.
Khi nhận thức được giá trị của sự độc lập mà con mình khao khát, các bậc phụ huynh sẽ vun đắp cho nó bằng cách đồng ý cho phép trẻ tham gia vào những sự kiện xã hội riêng, và sẽ chấp nhận điều này cùng với thái độ yêu thương thay vì cãi vã. Nếu tranh cãi với trẻ rồi mới miễn cưỡng đồng ý thì cha mẹ sẽ không thể vun đắp cho tính độc lập của trẻ, mà cũng không thể hiện được tình yêu thương. Việc trẻ muốn ở bên cạnh bạn bè không phải là một hình thức chối bỏ cha mẹ. Nó là một dấu hiệu cho thấy hoạt động tương tác xã hội của trẻ không còn gói gọn trong phạm vi gia đình nữa.
Tôn trọng thể loại nhạc mà trẻ yêu thích
Một lĩnh vực khác thể hiện khát khao được độc lập về mặt xã hội của trẻ chính là âm nhạc. Con bạn sẽ chọn thể loại nhạc mà cháu yêu thích. Không có gì thể hiện quan điểm văn hóa của trẻ vị thành niên rõ hơn âm nhạc. Vì thế, sẽ thật ngốc nghếch nếu cứ khuyên con phải nghe loại nhạc nào. Điều chắc chắn là loại nhạc mà con bạn chọn sẽ khác với loại nhạc bạn thích. Tại sao tôi khẳng định như vậy? Câu trả lời chính là mong muốn độc lập của trẻ: Trẻ muốn trở nên khác biệt so với bạn.
Âm nhạc luôn có khả năng lay động tâm hồn và trái tim con người. Tầm ảnh hưởng của âm nhạc rất rộng lớn. Nhưng trong hiện tại, con bạn đang trải qua giai đoạn vị thành niên và đang muốn thể hiện sự độc lập của mình. Việc chọn thể loại âm nhạc của trẻ sẽ bị chi phối bởi nhu cầu được độc lập mới hình thành này.
Trong những năm tháng đặc biệt này, các bậc cha mẹ cần phải giải thích với con em mình thật rõ ràng về việc có thể và không thể chấp nhận được ca từ trong những bài hát trẻ nghe. Chẳng hạn, những bài hát có lời ca đề cập đến bạo lực và tình dục là thể loại nhạc không phù hợp với con em bạn. Bạn cần cho con biết hậu quả của việc mua những đĩa nhạc như vậy. Khi phê phán thể loại âm nhạc mà con chọn mua, các bậc phụ huynh đã gián tiếp phê phán bản thân trẻ. Nếu việc phê phán này cứ tiếp diễn thì trẻ sẽ thấy mình không được cha mẹ yêu thương. Ở đây, tôi khuyến khích bạn đọc ca từ của những ca khúc mà trẻ đang nghe. Nếu có thể, hãy tìm hiểu về tác giả cùng ca sĩ trình bày chúng. Hãy chỉ ra những chỗ bạn thấy thích trong ca từ bài hát, hoặc ghi nhận những mặt tích cực của bản nhạc. Hãy lắng nghe nếu con em bạn chia sẻ suy nghĩ của riêng cháu về chủ đề ấy.
Nếu con bạn biết rằng cha mẹ không những không phê phán, chỉ trích thể loại nhạc chúng đã chọn mà còn đưa ra nhiều lời bình phẩm tích cực thì chúng sẽ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bạn, và đôi lúc còn đồng tình với bạn nữa. Dù trẻ có không đồng ý với bạn chăng nữa thì bạn cũng đã gieo vào suy nghĩ của cháu một thắc mắc. Hãy nhớ rằng khi đã biết suy nghĩ hợp tình hợp lý; trẻ sẽ tự rút ra kết luận cho mình. Khi trẻ cảm nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần của bạn, trẻ sẽ cảm thấy mình được yêu thương.
Nói một thứ ngôn ngữ khác và mặc những loại quần áo khác
Khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ thường học cách sử dụng một thứ ngôn ngữ mới. Mục đích của việc này là để tránh sự "nhòm ngó" của các bậc phụ huynh. Tại sao trẻ lại làm thế? Câu trả lời chính là nhu cầu độc lập về mặt xã hội của trẻ. Trẻ đang cố gắng tạo ra khoảng cách với cha mẹ, và ngôn ngữ là một phương tiện để giúp trẻ đạt được điều này. Nếu bạn cố gắng tìm hiểu thứ ngôn ngữ mà con mình sử dụng, bạn sẽ phá bỏ hoàn toàn mục đích đó của trẻ. Vì thế, điều đơn giản nhất là bạn hãy học cách chấp nhận ngôn ngữ mới này của con em mình và xem đó như một bằng chứng cho thấy trẻ đang lớn lên và trưởng thành hơn.
Các trẻ vị thành niên hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng người lớn thì không phải lúc nào cũng có thể hiểu được. Đây là giai đoạn trẻ hình thành cho mình những mối quan hệ ngoài gia đình và kết nối với những người đồng trang lứa. Nếu các bậc phụ huynh xem thường thứ ngôn ngữ đó thì trẻ sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ. Vì thế, hãy cho phép con em bạn thể hiện một khía cạnh của sự độc lập về xã hội mới mẻ này, và hãy tiếp tục thương yêu cháu.
Trẻ vị thành niên cũng có những nguyên tắc thời trang riêng và thường khác với gu thẩm mỹ của bạn. Những bộ cánh mới này sẽ đồng hành cùng với những kiểu tóc mới và đầy màu sắc mà có thể bạn chưa từng thấy trước đó. Bên cạnh đó, trẻ có thể sơn móng tay bằng những hoa văn mà theo bạn là rất kỳ quặc hoặc đeo những món trang sức lạ đời. Nếu phụ huynh cảm thấy "chướng mắt" với tất cả những thứ này và buộc tội con là "quái gở" thì trẻ sẽ thu mình vào vỏ ốc. Khi bị cha mẹ kiểm soát quá gắt gao và buộc phải ăn mặc "bình thường", có thể trẻ sẽ giận dỗi làm theo khi có mặt phụ huynh. Nhưng khi không có cha mẹ ở bên cạnh, trẻ sẽ quay lại làm một trẻ vị thành niên đúng nghĩa.
Sẽ rất hữu ích nếu các bậc phụ huynh nhìn nhận vấn đề trang phục này thông thoáng hơn.
Quan niệm về thời trang được hình thành trên nền tảng văn hóa xã hội. Nếu nghi ngờ, hãy tự hỏi bản thân: "Tại sao mình lại mặc những món quần áo mà mình đang mặc trên người?". Rất có thể nguyên nhân là vì những người có nền tảng văn hóa tương đồng với bạn cũng đang mặc những kiểu quần áo như vậy. Hãy quan sát bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và những người có mối quan hệ xã hội với bạn nói chung. Hầu như tất cả đều ăn mặc tương tự như nhau. Trẻ vị thành niên cũng tuân theo nguyên tắc như vậy. Chúng chỉ đơn giản là đang thể hiện văn hóa của người vị thành niên.
Điều bạn nên làm là chấp nhận nhu cầu được độc lập về mặt xã hội của trẻ và nhìn nhận phong cách ăn mặc của chúng theo quan điểm tích cực. Hãy để trẻ được sống đúng với lứa tuổi của chúng với một nhận thức rõ ràng rằng khi trưởng thành, trẻ sẽ ăn mặc tương tự như những người trưởng thành xung quanh. Ngược lại, khi tạo ra một cuộc chiến dữ dội về quần áo với con em mình, chẳng những các bậc phụ huynh đã làm một việc vô ích mà còn gây chia rẽ trong mối quan hệ với trẻ. Những cuộc chiến này không thể làm thay đổi ý kiến của trẻ và cũng không mang đến phần thưởng tích cực nào cho những người làm cha mẹ.
Người làm cha mẹ thông minh luôn biết chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình trong trường hợp họ buộc phải làm thế, nhưng họ vẫn biết lùi lại đúng lúc và tạo cơ hội cho con tự do phát triển sự độc lập về mặt xã hội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục đổ đầy bình chứa tình cảm của trẻ bằng cách thường xuyên sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của con và sử dụng bốn ngôn ngữ còn lại khi có thể.
4. Mong muốn được độc lập như một cá thể
Trong các chương trước, chúng ta đã thảo luận về sự phát triển cá nhân của trẻ vị thành niên. Ở độ tuổi này, trẻ có xu hướng suy nghĩ trừu tượng hơn, nhưng cũng hợp lý và toàn diện hơn. Trẻ đang kiểm tra những niềm tin của riêng mình, xem xét lại những điều mà trước đó trẻ chấp nhận mà không hề thắc mắc. Những thắc mắc này thường xoay quanh những khía cạnh hết sức quan trọng trong đời sống như: những giá trị, niềm tin về các chuẩn mực đạo đức, tín ngưỡng tôn giáo...
Những giá trị
Gần như chắc chắn trẻ sẽ đặt câu hỏi đối với những giá trị của cha mẹ mình. Điều gì là quan trọng trong cuộc sống này? Trẻ sẽ nhìn nhận lại những điều cha mẹ đã nói và diễn biến thực tế của những điều đó. Đôi lúc, trẻ sẽ nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa những giá trị mà cha mẹ tuyên bố và những điều họ đã làm. Đó có thể là khi người cha nói rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là gia đình nhưng ông lại đắm chìm vào công việc; hoặc người mẹ nói rằng chung thủy là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hôn nhân nhưng lại ngoại tình với người đàn ông khác. Chính những điều này đã khiến trẻ hoài nghi và xem cha mẹ là người đạo đức giả.
Ngay cả trong trường hợp các bậc phụ huynh sống đúng như những giá trị của họ thì sớm muộn gì con em họ cũng sẽ đặt câu hỏi đối với những điều đó. Trẻ sẽ phải tự xác định xem điều gì là quan trọng trong cuộc đời này. "Cha mẹ tôi đã nói rằng việc có một tấm bằng đại học là điều quan trọng nhất cho tương lai của tôi. Nhưng tôi không chắc điều này có đúng không. Tôi biết có nhiều người rất thông minh nhưng không hề học đại học, và một vài người trong số những người giàu có nhất trên thế giới cũng không học đại học. Làm sao tôi có thể chắc rằng việc học đại học là điều tốt đẹp nhất cho tương lai của tôi?". Đó là một ví dụ điển hình cho những lý lẽ của trẻ.
Bậc phụ huynh nào muốn tạo nên những ảnh hưởng tích cực đối với quá trình phát triển của con thì đều buộc phải thay đổi từ độc thoại sang đối thoại, từ giảng đạo sang trò chuyện, từ thái độ võ đoán sang tìm hiểu, từ kiểm soát sang quan tâm đúng mực. Trẻ cần và muốn cha mẹ tham gia vào những khía cạnh quan trọng trong cuộc đời mình, nhưng chắc chắn trẻ sẽ không đón nhận nó nếu cha mẹ đối xử với trẻ như một đứa bé con.
Khi cha mẹ sẵn lòng bước vào thế giới của sự đối thoại, suy nghĩ khách quan về những giá trị của trẻ thì trẻ sẽ đón nhận sự tham gia này và từ đó sẽ chịu ảnh hưởng từ những giá trị của cha mẹ. Ngược lại, vẫn giữ thái độ áp đặt cho trẻ thì họ sẽ không tạo ra được bất kỳ ảnh hưởng nào. Hãy hướng những cuộc đối thoại vào những khúc mắc trong mối quan hệ giữa hai bên, nhưng không võ đoán hay phán xét. Cách làm này sẽ giúp trẻ được độc lập về mặt cá nhân nhưng đồng thời cũng biết được suy nghĩ của cha mẹ mình.
Khi nói với trẻ: "Cha mẹ tôn trọng quyền tự do lựa chọn giá trị sống của con. Con đã thấy cuộc đời của cha mẹ rồi đấy. Con biết những điểm mạnh và những điểm yếu của cha mẹ. Cha mẹ tin rằng con là người rất thông minh và con sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt!" nghĩa là cha mẹ đang nói ngôn ngữ yêu thương của sự chấp nhận, đồng thời khuyến khích được sự độc lập cá nhân của trẻ.
Niềm tin về các chuẩn mực đạo lý
Nếu giá trị sống trả lời cho câu hỏi: "Điều gì là quan trọng?", thì đạo lý lại trả lời cho câu hỏi: "Điều gì là đúng đắn?". Niềm tin về những điều đúng/sai thể hiện rất rõ ràng trong mọi nền văn hóa. Trẻ vị thành niên không chỉ đặt câu hỏi về những giá trị mà còn cả những chuẩn mực đạo lý của cha mẹ và những người xung quanh. Một lần nữa, trẻ sẽ không chỉ kiểm tra lời nói mà còn kiểm tra cả hành động của người lớn.
Nếu bạn nói với con rằng tuân thủ luật pháp là điều đúng đắn thì cháu sẽ muốn biết lý do vì sao bạn vượt đèn đỏ. Nếu bạn bảo việc nói sự thật là điều đúng đắn thì cháu sẽ hỏi: "Tại sao mẹ lại nói dối với người ở đầu dây điện thoại bên kia rằng cha không có ở nhà?". Nếu bạn nói rằng việc cư xử tử tế với người khác là điều đúng đắn thì cháu sẽ hỏi rằng tại sao bạn lại cư xử với nhân viên bán hàng thô lỗ như vậy, v.v.
Tất cả những điều này có thể khiến các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng khó chịu, đặc biệt khi họ có những hành động mâu thuẫn với lời nói. Nhưng dù bạn khó chịu hay không thì trẻ vẫn sẽ kiên trì chỉ ra những mâu thuẫn trong các chuẩn mực đạo lý của bạn.
Ngoài ra, trẻ sẽ đặt câu hỏi với những niềm tin về chuẩn mực đạo đức cũng như những hành động thực tế của cha mẹ. Trẻ sẽ tự hỏi - và hỏi cha mẹ - những câu hỏi rất hóc búa kiểu như: "Nếu bạo lực là sai thì tại sao chúng ta lại giải trí với những bộ phim đầy bạo lực kiểu Hollywood?"; "Điều đúng/sai có phải được xác định dựa trên ý kiến của số đông không? Hay có một quy luật tự nhiên, thuộc phạm trù đạo lý nào đó lớn hơn ý kiến của xã hội?"... Đây là những vấn đề rất sâu sắc mà trẻ phải đối mặt, vốn cũng là những vấn đề mà cha mẹ các cháu cũng đã từng phải đối mặt.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thật rắc rối khi con em họ gợi lại những vấn đề đạo đức mơ hồ này. Nhưng nếu các bậc phụ huynh từ chối nói chuyện với con em mình về những mối bận tâm này thì trẻ sẽ chỉ còn cách đón nhận những ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa và những người lớn khác sẵn lòng trao đổi quan điểm với chúng. Nếu cha mẹ không sẵn sàng thừa nhận những mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động của mình thì trẻ sẽ ít tôn trọng ý kiến của họ hơn.
Cha mẹ không cần phải có một đạo đức hoàn hảo mới có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến trẻ. Điều quan trọng là bạn phải xác nhận các quan điểm đạo đức của bản thân mình. "Cha nhận thấy rằng không phải lúc nào cha cũng sống đúng như niềm tin của mình về vấn đề này, nhưng cha vẫn tin rằng niềm tin ấy là đúng đắn và điều cha làm là sai lầm". Cách nói này có thể vãn hồi sự tôn trọng của trẻ đối với bạn. Trước những câu hỏi thăm dò của con, nếu các bậc cha mẹ tỏ ra cố chấp thì họ đã hướng trẻ đến một nơi khác để tìm kiếm thông tin. Ngược lại, những phụ huynh đón chào các câu hỏi về đạo lý của con, chịu lắng nghe những quan điểm trái ngược và đưa ra lý do giải thích cho niềm tin về đạo lý của bản thân sẽ mở đường cho những cuộc đối thoại cởi mở. Nhờ vào đó, họ sẽ ảnh hưởng tích cực đến những quyết định thuộc phạm trù đạo đức của con mình.
Sau những cuộc thảo luận về vấn đề đạo lý, đừng quên thể hiện tình yêu thương của bạn đối với trẻ. Điều này sẽ giữ cho cảm xúc của trẻ luôn thăng bằng và tạo ra bầu không khí tích cực để con bạn có thể thoải mái chia sẻ vào những cuộc đối thoại sau.
Những tín ngưỡng về tôn giáo
Khi giá trị sống trả lời cho câu hỏi: "Điều gì là quan trọng?" và những chuẩn mực đạo lý thì trả lời cho câu hỏi: "Điều gì là đúng đắn?" thì tín ngưỡng trả lời cho câu hỏi "Điều gì là đích thực?". Các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo chính là nỗ lực của con người trong việc khám phá ra chân lý về vũ trụ vật chất và phi vật chất. Làm sao ta có thể giải thích được sự tồn tại của chính mình và của vũ trụ? Tại sao từ trước đến nay, ở mọi nền văn hóa, con người đều có niềm tin vào một thế giới tâm linh nào đó? Liệu thế giới tâm linh có tồn tại thật không? Và nếu có, thì bản chất của thế giới đó là gì? Liệu có một vị thánh nào không? Thế giới này có phải là sản phẩm mà vị thánh ấy tạo ra không? Ta có thể nhận biết được vị thánh ấy không?...
Dù tín ngưỡng của bạn là gì thì bạn vẫn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi này của con. Đây là những câu hỏi mà con người từ trước đến nay luôn đặt ra, và con của bạn cũng vậy. Điều chắc chắn là trẻ sẽ đặt dấu hỏi đối với tín ngưỡng của bạn và sẽ quan sát cách bạn áp dụng niềm tin ấy vào cuộc sống hàng ngày. Một lần nữa, nếu phát hiện ra mâu thuẫn, trẻ sẽ bắt bạn phải đối mặt với những mâu thuẫn này. Nếu bạn cố chấp và từ chối việc nói về tín ngưỡng, trẻ sẽ chuyển hướng sang những người bạn đồng trang lứa hoặc những người lớn khác.
Có thể con bạn sẽ tìm hiểu những tôn giáo khác và thậm chí chối bỏ một vài khía cạnh trong tôn giáo mà bạn đang tin theo. Hầu hết các bậc cha mẹ đều thấy vô cùng phiền muộn vì điều này. Thực ra, đây là bước cần thiết để trẻ hình thành tín ngưỡng tôn giáo cho riêng mình. Khi con bạn tuyên bố rằng cháu sẽ không đi lễ hoặc tham gia vào các hoạt động của tôn giáo của gia đình, thì có nghĩa là cháu đang yêu cầu người khác chú ý đến mình như là một con người độc lập với cha mẹ. Trẻ đang bày tỏ mong muốn được độc lập cá nhân. Có thể các bậc phụ huynh sẽ thấy thoải mái hơn khi biết rằng nghiên cứu đã cho thấy "dù sự chối bỏ về mặt tín ngưỡng của các trẻ vị thành niên có thể khiến phụ huynh rất phiền lòng, nhưng tình trạng này hiếm khi kéo dài mãi mãi".
Một cuộc thám hiểm đang diễn ra
Thật khó khăn để các bậc phụ huynh có thể phản ứng một cách bình tĩnh khi con em họ từ chối tín ngưỡng mà họ đang tin theo. Tuy nhiên, nếu phản ứng thái quá, bạn có thể đóng sầm cánh cửa đối thoại lại. Hãy nhớ rằng, mong muốn được độc lập của trẻ không chỉ thể hiện ở những lĩnh vực mà chúng ta đã đề cập mà còn ở lĩnh vực cá nhân, bao gồm những giá trị đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo. Đây đơn giản là một phần trong cả quá trình tìm hiểu và khám phá của trẻ. Nếu ghi nhớ điều này, các bậc phụ huynh sẽ ít phán xét những suy nghĩ về tôn giáo của con em mình hơn.
Một bước tiếp cận vấn đề này nữa là lắng nghe suy nghĩ của con. Hãy để trẻ được tự do lý giải tại sao cháu thấy một tín ngưỡng hay tôn giáo nào đó là thú vị. Hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn về đề tài này, nhưng đừng phán xét trẻ. Khi có cơ hội, hãy hỏi ý kiến của trẻ về việc bạn đã sống đúng như những tín ngưỡng tôn giáo của mình hay chưa. Có thể câu trả lời của trẻ sẽ giúp bạn hiểu được lý do vì sao cháu lại tìm một hướng đi khác như vậy.
Đây không phải là lúc để áp đặt mà chính là lúc khuyến khích việc tìm tòi khám phá nơi con trẻ. Nếu bạn tin tưởng sâu sắc vào sự đúng đắn của tín ngưỡng mình tin theo, rằng nó hoàn toàn phù hợp với thực tế của thế giới này, bạn phải có niềm tin rằng dù sao đi nữa thì cuối cùng, con bạn cũng sẽ có được niềm tin giống bạn. Ngược lại, nếu tín ngưỡng của bạn không có được gốc rễ sâu sắc và bền chặt, cũng như bạn không chắc liệu chúng có phù hợp với thực tế cuộc sống hay không, thì có lẽ bạn nên cảm thấy vững tin hơn khi con mình thực hiện một cuộc tìm kiếm như vậy. Có thể cháu sẽ phát hiện ra được chân lý mà bạn chưa tìm ra.
Câu hỏi được đặt ra khi con em bạn thực hiện hành trình khám phá về niềm tin tôn giáo là: "Bạn có muốn trở thành một phần của cuộc khám phá ấy, đồng thời vẫn yêu thương con em bạn không?". Nếu câu trả lời là có, thì một lần nữa bạn sẽ phải chuyển từ độc thoại sang đối thoại và tạo ra một bầu không khí phù hợp để thảo luận một cách cởi mở và chân thành về vấn đề tôn giáo.
Bạn phải cho con có được cơ hội giãi bày những suy nghĩ khác lạ của chúng. Bạn phải sẵn sàng chia sẻ những bằng chứng cho thấy niềm tin của bạn là đúng, đồng thời cũng phải biết lắng nghe những điều ngược lại. Bạn phải nhớ rằng con của bạn đang trong quá trình khám phá, và bạn phải cho cháu thời gian để thực hiện quá trình này.
Nhu cầu được tự quyết định
Đằng sau những xung đột giữa cha mẹ và con cái là câu hỏi cơ bản về quyền được đưa ra những quyết định độc lập của trẻ vị thành niên.
Nếu cha mẹ cố tình cầm tay hướng dẫn trẻ từng chút một, đưa ra những tuyên bố mang tính dạy đời, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Rất nhiều phụ huynh đã đi theo con đường này và đã phải trải nghiệm trái đắng của sự bất hòa. Trẻ sẽ chuyển sang những người bạn đồng trang lứa hoặc những người lớn khác - và đôi khi đó là những người xấu xa đang rắp tâm hãm hại hoặc lợi dụng trẻ.
Hãy nhớ rằng con của bạn sẽ luôn tìm cách sử dụng sự độc lập của cháu. Nó là một phần trong việc trở thành người lớn của trẻ. Những phụ huynh thông minh nhận thức được giai đoạn phát triển này của trẻ và tìm cách hợp tác, giúp đỡ thay vì gây trở ngại cho trẻ. Yêu thương trẻ trong suốt quá trình đặc biệt này là điều cực kỳ quan trọng. Khi bạn vun đắp cho sự độc lập của con theo những phương pháp tích cực, trẻ sẽ trở thành một người có trách nhiệm và giúp ích cho đời trong tương lai. Ngược lại, những bậc cha mẹ thất bại ở giai đoạn trọng yếu này sẽ trở nên xa cách với con em mình.
Việc tạo ra một bầu không khí tích cực để trẻ vị thành niên có thể phát triển được sự độc lập về mặt tình cảm, cá nhân và xã hội là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành tặng cho con trẻ.
Đến đây, tôi biết hẳn có nhiều người trong các bạn sẽ đặt câu hỏi: "Còn những giới hạn thì sao? Trách nhiệm thì sao?". Tôi rất vui nếu bạn đặt ra những câu hỏi như vậy. Nó cho thấy rằng bạn đã hiểu điều tôi muốn nói đến trong chương này. Và câu hỏi này sẽ mang chúng ta đến chương 12, nơi tôi sẽ thảo luận về chúng. Trên thực tế, tôi khuyên bạn nên đọc và nghiên cứu chương 11 và chương 12 cùng với nhau. Đây là hai cái bánh xe của cùng một cỗ xe ngựa: độc lập và trách nhiệm.