Daniel là một người đàn ông cao lớn, với mái tóc dày màu nâu và hàm râu được cắt tỉa cẩn thận. Anh có tất cả những biểu hiện của sự thành đạt và được mọi người nể trọng. Thế nhưng, lúc này đây, ngay trong văn phòng của tôi, anh đang khóc nức nở.
"Tôi không thể tin chuyện này lại có thể xảy ra, Tiến sĩ Chapman ạ! Tất cả cứ như một cơn ác mộng vậy. Tôi ước sao mình có thể tỉnh dậy và thấy tất cả chỉ là một giấc mơ mà thôi. Nhưng đó không phải là mơ; đó là sự thực. Tôi không biết phải làm gì bây giờ nữa. Tôi muốn làm một điều gì đó đúng đắn, nhưng lại không chắc liệu mình có thực hiện được trong tâm trạng như thế này không nữa. Một phần trong tôi muốn bóp cổ thằng bé và hỏi: ‘Sao con có thể làm điều này với cha mẹ?’. Nhưng một phần khác trong tôi lại muốn ôm nó vào lòng và cứ thế ôm lấy nó mãi mãi. Vợ tôi phiền muộn đến mức không thể đi cùng tôi đến đây hôm nay. Thằng bé sẽ về nhà vào ngày mai, và chúng tôi không biết phải xử trí ra sao nữa."
Tất cả những giọt nước mắt, sự giận dữ, nỗi phiền muộn và bối rối của Daniel đều xuất phát từ đứa con trai mười chín tuổi của anh. Tối hôm qua, thằng bé đã gọi về nhà và báo cho họ biết rằng cậu đã làm cho một cô gái có mang, và cô gái đó đã từ chối phá thai. Thằng bé nói rằng cậu biết thông tin này sẽ làm cha mẹ tổn thương và cũng biết điều mình đã làm là sai trái. Nhưng cậu đang cần sự giúp đỡ và không biết mình phải dựa vào đâu. Daniel và vợ anh, Micki, đã thức trắng đêm để cố gắng an ủi nhau nhưng vẫn không cảm thấy khá hơn. Con trai họ đã vấp ngã và họ chẳng thể tìm ra câu trả lời cho vấn đề khó khăn này.
Chỉ những bậc phụ huynh nào đã nhận được những cú điện thoại tương tự mới có thể hoàn toàn thông cảm được với Daniel và Micki. Nỗi đau này dường như không thể chịu đựng được. Sự đau đớn, giận dữ, hối tiếc và phiền muộn quấn lấy tâm trí họ. Họ hy vọng rồi thất vọng nhưng cuối cùng, họ biết rằng mình không còn cách nào hơn là phải đối mặt với thực tế của những giấc mơ tan vỡ.
Trẻ vị thành niên vấp ngã
Khi nghĩ đến nỗi đau của Daniel và Micki, tôi nhớ lại câu nói của nhà tâm lý học John Rosemond: "Việc nuôi dạy con trẻ tốt có nghĩa là làm điều đúng đắn khi trẻ mắc sai lầm".
Đó là chủ đề của chương này: cách phản ứng đúng đắn của cha mẹ trước những lựa chọn sai lầm của trẻ. Sự thật là chúng ta không thể bắt trẻ không được phạm sai lầm. Những nỗ lực cao nhất của chúng ta trong việc yêu thương và dạy bảo trẻ cũng không thể bảo đảm rằng trẻ sẽ sống đúng như ta mong đợi. Trẻ vị thành niên cũng chỉ là con người, và con người thì luôn được quyền tự do lựa chọn, dù tốt hay xấu. Khi trẻ vị thành niên đưa ra sự lựa chọn sai lầm thì các bậc cha mẹ chính là người phải hứng chịu hậu quả. Đây là bản chất của việc nuôi dạy trẻ. Khi trẻ vấp ngã, làn sóng hậu quả sẽ lan đến mọi thành viên trong gia đình và không ai cảm nhận được sự tổn thương này sâu sắc hơn cha mẹ của trẻ.
Không phải tất cả những sai lầm của trẻ đều nghiêm trọng như nhau. Cũng như những cơn địa chấn, có những cơn rung nhẹ và những cơn rất mạnh. Chẳng hạn, Alex đã liên tiếp ném trượt ba quả ném phạt - mà chỉ cần ném vào một quả cũng sẽ mang lại chiến thắng cho đội bóng của cậu - trước sự chúng kiến của gia đình và bạn bè. Alex đã thất bại, nhưng thất bại của cậu chỉ là một cơn chấn động nhẹ so với cú vấp ngã của con trai của Daniel và Micki.
Những dạng thất bại của trẻ
Thất bại trong việc đáp ứng những mong đợi của cha mẹ
Không chỉ có những mức độ thất bại khác nhau mà còn có những dạng thất bại khác nhau. Trường hợp của Alex là sự thất bại trong việc thể hiện đúng năng lực hoặc không đáp ứng được sự trông đợi của cha mẹ cậu bé. Những kiểu thất bại như thế này thường xảy ra trong học tập, thể thao, nghệ thuật… Nó xảy ra khi các bậc cha mẹ hoặc trẻ vị thành niên đã đề ra những mục tiêu không thực tế. Các bậc phụ huynh phải hiểu rằng không phải người dự thi nào cũng đoạt được huy chương vàng. Nếu cứ đòi hỏi sự hoàn hảo, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với con em mình. Những mục tiêu về năng lực, nếu không đạt được, sẽ dễ tạo ra sự nản lòng.
Trong những sự kiện tranh tài, các bậc phụ huynh cần phải có một cách nhìn nhận khác về kết quả mà con em mình đạt được. Đứng ở vị trí thứ nhì trong một giải đấu không phải là một thất bại. Nếu giải đấu đó có ba mươi đội, thì điều đó có nghĩa là đội của con bạn đã giỏi hơn đến hai mươi tám đội khác. Về cuối cùng trong một cuộc thi chạy có nghĩa là trẻ đã chạy nhanh hơn hàng ngàn người không tham gia vào cuộc đua. Đó là một lý do để ăn mừng, chứ không phải để than vãn về "sự thể hiện kém cỏi" của trẻ.
Dĩ nhiên, ai chẳng muốn giành chiến thắng khi tham gia thi đấu, bất kể cuộc thi đó là gì đi nữa. Thế nhưng, dù cuộc thi chỉ có một người thắng cuộc thì điều đó cũng không có nghĩa là mọi người khác đều là kẻ thua cuộc. Trong thời đại cạnh tranh ngày nay, trẻ vị thành niên thường cảm thấy mình thất bại bởi những người lớn có ý định tốt, đôi khi là bởi chính cha mẹ của trẻ.
Một lý do khác khiến trẻ vị thành niên thất bại trong việc thể hiện bản thân là do trẻ bị buộc phải tham dự những lĩnh vực mà trẻ không yêu thích, không có năng khiếu hoặc không có nhiều kinh nghiệm. Khi cha mẹ thích bóng đá, rất có thể họ sẽ buộc con cái mình tham gia thi đấu trong khi trẻ chỉ muốn được chơi trong một ban nhạc. Trẻ có thể đã trở thành một tay thổi kèn trumpet cự phách, nhưng cuối cùng chỉ là một "cầu thủ dự bị" và luôn có cảm giác thất bại trong thế giới thể thao. Việc đẩy trẻ vị thành niên đến những lĩnh vực mà trẻ không quan tâm cũng đồng nghĩa với việc đẩy trẻ đến thất bại.
Tôi từng biết một người cha luôn yêu cầu con trai mình trở thành một bác sĩ y khoa. Kết quả là sau những tháng ngày vật lộn với các môn học không yêu thích trong trường đại học và hai cơn suy sụp về mặt tâm lý, con trai ông cũng tốt nghiệp được trường y. Sau khi tốt nghiệp, cậu trình tấm bằng bác sĩ y khoa cho cha xem nhưng nhất quyết không chịu theo nghề này. Điều cuối cùng mà tôi được biết là chàng trai đó đang làm ở tiệm bán thức ăn nhanh McDonald’s và suy nghĩ về con đường mình sẽ đi trong tương lai.
Tất nhiên, các bậc cha mẹ có thể bộc lộ sự quan tâm của mình đối với con cái nhưng không được can thiệp, thúc ép trẻ phải làm theo mong muốn của bản thân khi mà những mong muốn ấy không phù hợp với mối quan tâm cũng như khả năng của trẻ.
Những thất bại về mặt đạo đức
Dạng thất bại thứ hai của trẻ vị thành niên sẽ mang đến cho cả phụ huynh lẫn con em họ nhiều cay đắng hơn. Đó chính là những thất bại về mặt đạo lý. Những thất bại này xảy ra khi trẻ vi phạm những quy tắc đạo đức mà gia đình đã gìn giữ trong nhiều năm. Ngay khi còn bé, trẻ đã được cha mẹ truyền đạt những giá trị đạo lý với hy vọng trẻ sẽ lấy đó làm giá trị của bản thân. Nhưng rõ ràng là không phải lúc nào điều này cũng xảy ra.
Trẻ vị thành niên thường vi phạm những quy tắc đạo đức theo hai cách. Một số bạn đưa ra những lựa chọn có ý thức để từ chối những giá trị đạo lý của gia đình và hình thành nên những giá trị của riêng mình. Trong khi đó, một số trẻ lại chấp nhận giá trị của gia đình nhưng lại vi phạm nó về quy tắc.
Những hậu quả của việc thất bại về mặt đạo đức thường rất cay đắng, cho cả cha mẹ lẫn con cái. Nhiều người đã tự vấn mình rằng: "Tôi sẽ làm gì đây nếu con gái tôi nói ‘Con có mang rồi’ hoặc con trai của tôi bảo rằng nó đã làm cho bạn gái có thai?"; "Tôi sẽ làm gì nếu biết được rằng con mình đang sử dụng chất kích thích?"; "Tôi sẽ làm gì nếu cháu báo cho tôi biết rằng cháu đã bị AIDS hay một loại bệnh tình dục nào đó?"; "Tôi sẽ làm gì nếu nhận được một cú điện thoại của cảnh sát thông báo rằng con của tôi đã bị bắt giam vì tội trộm cướp hay hành hung người khác?". Sự thật, đó là những câu hỏi mà hàng ngàn bậc phụ huynh sẽ phải thấp thỏm trong suốt những năm tháng vị thành niên của con em họ.
Giải quyết những thất bại về mặt đạo đức của trẻ
Trong phần còn lại của chương này, tôi muốn đưa ra một vài ý tưởng thực tế đã giúp nhiều bậc cha mẹ giải quyết những thất bại về mặt đạo đức của con em họ theo hướng tích cực. Khi thể hiện cho trẻ thấy tình cảm yêu thương và giúp trẻ khắc phục sai lầm, chúng ta đang hành động như những bậc phụ huynh tốt, như cách mà Rosemond đã nói: "Làm điều đúng đắn khi con em chúng ta phạm sai lầm".
1. Đừng tự trách mình
Trước khi giúp được con trẻ, bạn hãy đối mặt với phản ứng của bản thân mình. Phản ứng đầu tiên của rất nhiều bậc phụ huynh khi con em họ thất bại là tự hỏi: "Mình đã làm sai điều gì?". Đây là một câu hỏi hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn cả xã hội đang chú trọng đến việc nuôi dạy trẻ vị thành niên. Dù vậy, nhiều cuốn sách viết về bí quyết sống cũng như những cuộc hội thảo về cách nuôi dạy trẻ đã quá đề cao sức mạnh của việc nuôi dạy trẻ theo hướng tích cực mà không nhận ra quyền tự do lựa chọn của trẻ. Sự thật là trẻ vị thành niên có thể và sẽ đưa ra những lựa chọn cả bên trong lẫn bên ngoài khuôn khổ gia đình. Và mỗi lựa chọn sẽ mang lại một hậu quả tương thích. Những lựa chọn sai lầm sẽ mang lại hậu quả không tốt. Ngược lại, những lựa chọn thông minh sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Các bậc cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con trẻ để kiểm soát từng li từng tí cách hành xử của cháu. Chắc chắn bạn có thể làm như vậy khi con gái bạn lên ba nhưng lại không thể làm thế khi cháu đã mười ba tuổi. Dù gì chăng nữa thì con bạn cũng sẽ có quyết định của riêng nó.
Phạm vi những quyết định này sẽ tăng dần theo năm tháng. Đây là quá trình phát triển cần thiết nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ thất bại của trẻ. Khi đứng ra nhận trách nhiệm giùm cho trẻ, các bậc phụ huynh đang làm hại chính con em họ. Điểm mấu chốt của vấn đề là trẻ đã đưa ra một quyết định sai lầm và đang phải hứng chịu hậu quả. Khi các bậc làm cha mẹ nhận lấy phần lỗi về mình, trẻ sẽ không còn cảm thấy cắn rứt nữa. Trẻ sẽ rất vui mừng khi có người nhận lãnh trách nhiệm cho những việc làm sai trái của mình. Khi đó, trẻ sẽ không học được gì từ thất bại đã diễn ra và nhiều khả năng sẽ lặp lại điều đó trong tương lai.
Những bậc cha mẹ có xu hướng nhận sai lầm về mình trong việc vấp ngã về đạo lý của con trẻ thường là những người nhận thấy mình đã không làm tốt việc nuôi dạy con trước đây. Sau khi đọc những cuốn sách hoặc tham dự những buổi hội thảo chuyên đề, họ hiểu rằng mình đã vi phạm một vài khái niệm căn bản trong việc giáo dục con. Hối hận vì những sai sót đó, họ cảm thấy những sai lầm của trẻ là do lỗi của họ. Điều này là không nên, và cũng không đúng. Bạn chịu trách nhiệm cho thất bại của chính bản thân bạn chứ không phải thất bại của con em bạn. Nếu nhận thấy những thất bại cụ thể của mình trong việc nuôi dạy con trước đây, bạn có thể thú nhận với trẻ. Hãy tìm kiếm sự tha thứ của trẻ nhưng đừng nhận lấy trách nhiệm đối với những lựa chọn sai lầm của trẻ.
2. Đừng giảng đạo với con em bạn
Thông thường, trẻ đã cảm thấy rất cắn rứt lương tâm trước những hành động sai trái của mình. Trẻ hiểu mình làm tổn thương cha mẹ như thế nào khi vi phạm những quy tắc đạo lý đã được giáo dục. Vì thế, việc giảng đạo là điều không cần thiết. Tôi đã khuyên Daniel, người cha đau khổ mà chúng ta đã làm quen ở đầu chương, như sau: "Khi con trai anh trở về nhà vào ngày mai, đừng để những lời đầu tiên anh nói với cháu là những lời chỉ trích. Đừng nói với thằng bé rằng: ‘Tại sao con lại làm thế? Con biết điều này là vi phạm tất cả những gì cha mẹ đã dạy con trong suốt những năm tháng qua. Vậy thì tại sao con có thể làm vậy với cha mẹ? Con có biết mình đang xé nát trái tim cha mẹ không? Con đã phá hỏng mọi thứ. Cha không thể tin được rằng con lại có thể ngốc nghếch đến như vậy’".
"Tôi hiểu rằng có thể anh đã có tất cả những suy nghĩ và cảm xúc này." - Tôi nói tiếp. - "Nhưng con trai anh không cần thiết phải nghe tất cả những lời trách cứ ấy. Cháu cũng đã có những suy nghĩ như vậy trong đầu và cũng đang tự hỏi bản thân những câu hỏi đó. Nếu anh đưa ra những lời kết tội và hỏi những câu như vậy, có thể cháu sẽ trở nên phòng thủ và không cảm thấy ăn năn trước hành động của mình nữa".
Trẻ vị thành niên mắc sai lầm về đạo đức cần phải vật lộn với những tội lỗi của mình, nhưng cháu không cần thêm bất cứ lời trách mắng nào nữa.
3. Đừng cố gắng khắc phục sai lầm
Phản ứng tự nhiên của các bậc cha mẹ là cố gắng giảm thiểu hậu quả những việc làm sai trái của con. Theo quan điểm của tôi, việc chuyển sang chế độ "kiểm soát thương tổn" và cố gắng bảo vệ con em mình trong trường hợp này là việc làm rất thiếu khôn ngoan. Khi bạn loại trừ những hậu quả hiển nhiên từ thất bại của con em mình, nghĩa là bạn đang kìm hãm sự trưởng thành của trẻ. Trẻ vị thành niên học được những bài học sâu sắc nhất của cuộc sống thông qua trải nghiệm hậu quả của sự thất bại. Khi cha mẹ loại trừ những hậu quả đó, trẻ sẽ nhận được một thông điệp khác - thông điệp dần hình thành sự vô trách nhiệm ở trẻ: "Tôi có thể làm những điều sai trái khác và một ai đó sẽ gánh chịu hậu quả thay tôi". Kết luận này sẽ khiến trẻ khó học được bài học của tinh thần trách nhiệm.
Tất nhiên, tôi biết thật khó để chứng kiến việc con mình gánh chịu những hậu quả từ các quyết định cháu đã đưa ra, nhưng loại bỏ những hậu quả ấy cũng đồng nghĩa với việc bạn đã loại bỏ một trong những người thầy vĩ đại nhất của cuộc sống. Một phụ huynh đã tâm sự với tôi: "Điều khó nhất mà tôi đã làm trong cuộc đời mình là bước ra khỏi nhà tù và để lại con trai mình sau những chấn song. Tôi biết rằng mình có thể giúp cháu thoát khỏi sự giam cầm ấy nhưng nếu tôi làm thế, có lẽ ngay đêm hôm đó cháu sẽ lại phạm pháp một lần nữa. Vì muốn tốt cho cháu, tôi đã chọn cách để cháu phải chịu đựng hậu quả từ những việc làm sai trái mà cháu đã gây ra. Khi nhìn lại, tôi biết đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã đưa ra vì lợi ích của con".
Sau khi bàn luận về những điều tiêu cực, bây giờ ta sẽ tìm hiểu những điều tích cực mà mình có thể làm cho trẻ.
4. Hãy yêu thương trẻ một cách vô điều kiện
Trước hết, hãy thể hiện tình yêu thương vô điều kiện đối với trẻ. Điều này không có gì mâu thuẫn với những điều ta đã nói ở trên. Việc để trẻ gánh chịu những hậu quả từ thất bại của bản thân cũng là một việc làm thể hiện tình yêu thương sâu sắc. Khi làm điều đó, bạn đang tìm kiếm một con người tốt đẹp hơn nơi con em mình và đó là điều thiết yếu của tình yêu thương. Dù vậy, điều mà tôi đang tập trung trong phần này chính là đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ. Nếu bạn biết được ngôn ngữ yêu thương của con em mình thì đây là lúc bạn thể hiện nó một cách thường xuyên và rõ ràng nhất, và đừng quên sử dụng bốn ngôn ngữ còn lại mỗi khi có thể.
Những thất bại về đạo lý luôn tạo ra cảm giác day dứt, hối hận nơi trẻ. Những cảm xúc này sẽ đẩy trẻ xa bạn. Có thể trẻ sẽ lẩn trốn bạn vì sợ phải nghe những lời quở mắng của bạn, như Adam và Eve đã từng chạy trốn Thượng đế. Nhưng những hành động của Thượng đế đối với Adam và Eve là một bài học tốt cho các bậc cha mẹ.
Thượng đế đã để cho Adam và Eve phải hứng chịu hậu quả cho hành động sai trái của họ, nhưng đồng thời Người cũng trao cho họ một món quà. Họ cố che giấu thân mình bằng những chiếc lá nho và Người đã ban cho họ những chiếc áo da. Các bậc cha mẹ thông minh sẽ yêu thương con em mình, dẫu cho trẻ có thất bại như thế nào đi nữa.
Daniel và Micki kể với tôi chuyện xảy ra sau đó: Khi con trai họ trở về nhà, họ đã đón cháu nơi ngưỡng cửa với vòng tay rộng mở. Cả hai đều thể hiện tình thương yêu sâu sắc với cháu và nói: "Cha mẹ yêu con!". Sau đó cả ba ngồi xuống nói chuyện với nhau. Hôm đó, cậu con trai đã thú nhận những việc làm sai trái của mình và mong được cha mẹ tha thứ. Tình yêu thương vô điều kiện tạo ra môi trường thuận lợi cho những cuộc đối thoại cởi mở. Trẻ cần biết rằng dù cho trẻ có làm gì đi nữa thì trên đời này vẫn còn có người tin tưởng nơi cháu và sẵn sàng tha thứ cho cháu. Khi cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, trẻ sẽ có thêm can đảm để đối mặt với thất bại của mình, chấp nhận hậu quả của nó và cố gắng học hỏi theo hướng tích cực từ trải nghiệm này.
5. Hãy lắng nghe con trẻ với sự cảm thông
Trước đó chúng ta đã nói rằng đây không phải là lúc để bạn giảng đạo cho trẻ mà chính là lúc bạn thể hiện khả năng lắng nghe và thấu hiểu của mình. Sự thông cảm có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cảm xúc của họ. Các bậc cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để tìm hiểu nguyên nhân thất bại cũng như cảm xúc hiện tại của trẻ ra sao. Nếu hiểu được ý nghĩa việc làm của cha mẹ, trẻ sẽ có động lực để tiếp tục trò chuyện. Ngược lại, nếu trẻ nhận thấy cha mẹ đang lắng nghe với một thái độ võ đoán, phán xét thì cuộc trò chuyện sẽ không kéo dài. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy mình không được yêu thương và bị chối bỏ.
6. Hãy hỗ trợ con trẻ
Một khi đã lắng nghe và hiểu được suy nghĩ cũng như tình cảm của con, bạn đã ở vào một vị trí sẵn sàng để hỗ trợ trẻ về mặt tình cảm. Hãy cho trẻ biết rằng dù bạn không đồng ý với điều cháu đã làm và không thể khắc phục mọi hậu quả, nhưng bạn sẽ luôn ở bên cạnh khi trẻ đối mặt và giải quyết những sai lầm.
Sau khi lắng nghe câu chuyện của cậu con trai, Daniel nói với con: "Cha muốn con biết rằng cha và mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con. Dù không biết điều gì sẽ xảy ra nhưng cha mẹ sẽ cùng con vượt qua chuyện này. Cha mẹ hy vọng rằng con sẽ có trách nhiệm với cô bạn gái ấy cũng như với đứa trẻ. Cha mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ con, nhưng không có nghĩa là cha mẹ sẽ gánh lấy mọi chi phí. Đó là trách nhiệm của con. Tuy vậy, cha mẹ sẽ khuyến khích con và làm mọi điều trong khả năng của mình để giúp con trở thành một người mạnh mẽ hơn trong cuộc sống".
Đó là những lời nói thể hiện sự hỗ trợ về mặt tình cảm. Trẻ cần phải biết rằng ngay cả khi thất bại, trẻ cũng không hề đơn độc. Luôn có ai đó quan tâm và ở bên cạnh cháu trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.
7. Hãy đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho trẻ
Hãy mang đến cho con em bạn những lời hướng dẫn bổ ích. Tuy vậy, ở đây tôi không có ý khuyên bạn điều khiển hay can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ. Hướng dẫn có nghĩa là tìm cách giúp đỡ trẻ suy nghĩ về những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống và cách đưa ra những quyết định khôn ngoan trước những sai lầm về mặt đạo đức của trẻ.
Các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của trẻ. Việc trẻ đã có một thất bại không có nghĩa là các bậc phụ huynh phải thực hiện mọi quyết định thay cho cháu. Trẻ sẽ không thể trở thành một người trưởng thành có trách nhiệm nếu trẻ không được quyền tự do đưa ra những quyết định về cuộc sống của mình.
Một cách có thể giúp các bậc phụ huynh hướng dẫn con em mình là hãy hỗ trợ để trẻ làm theo những suy nghĩ của bản thân chúng cho đến khi trẻ đưa ra được kết luận hợp lý cuối cùng. Chẳng hạn, hôm đó, con trai của Daniel và Micki đã nói: "Con sẽ chuyển đến California và bắt đầu một cuộc sống mới ở đấy". Trong tình huống đó, Micki đã hỏi lại con trai: "Vậy con sẽ làm gì ở California?". Sau khi con trai cô chia sẻ những dự định của nó, cô lại tiếp tục hỏi: "Con có nghĩ là mình sẽ gửi tiền để nuôi nấng đứa bé không?". Và con trai cô đã trả lời: "Dĩ nhiên rồi! Con sẽ gánh lấy trách nhiệm của mình chứ".
"Mẹ nghĩ con nên tìm hiểu trước về cuộc sống ở California để biết thêm về mức sống cũng như việc con phải cần bao nhiêu tiền để thuê một căn hộ ở đó" - Micki đề nghị. Với một số câu hỏi và gợi ý thiết thực, Micki đang giúp con trai suy nghĩ thấu đáo hơn về ý tưởng chuyển đến California của cậu. Việc đưa ra những hướng dẫn dạng này sẽ giúp các bậc phụ huynh tiếp tục duy trì những ảnh hưởng tích cực đến quyết định của con.
Tất nhiên, đây là việc làm rất khó khăn đối với nhiều bậc cha mẹ. Sẽ dễ hơn nếu bạn chỉ phải nói với con em mình những điều mình đang nghĩ cũng như đưa ra những phát biểu mang tính võ đoán về sự đúng đắn hay sai lầm trong ý tưởng của chúng. Thế nhưng, điều này sẽ không thể giúp trẻ phát triển kỹ năng đưa ra quyết định. Con bạn không cần những lời ra lệnh; chúng cần những lời hướng dẫn.
Nếu không thể thực hiện được bước tiếp cận này, bạn có thể viết ra những ý tưởng của mình theo cách bạn sẽ dùng khi diễn đạt trực tiếp. Sau đó, hãy xem lại và điều chỉnh để chúng không trở thành những lời răn dạy. Xét theo phương diện từ ngữ, sự khác biệt giữa hai cách diễn đạt này thường không đáng kể. Nhưng xét theo khía cạnh củng cố sự trưởng thành về nhân cách và trách nhiệm của trẻ thì chắc chắn lời hướng dẫn sẽ vượt xa lời răn dạy rất nhiều.
Nếu sau tất cả những cuộc đối thoại, bạn thấy con mình sắp sửa đưa ra một quyết định tiêu cực thì bạn vẫn nên tiếp tục hướng dẫn cháu theo cách đưa ra lời khuyên chứ không phải là mệnh lệnh.
Sau cùng, nếu con vẫn đưa ra một quyết định mà theo bạn là không thông minh, hãy để trẻ tự nhận lấy hậu quả từ quyết định ấy. Nếu hậu quả này tiêu cực và trẻ lại thất bại một lần nữa, bạn hãy lặp lại quá trình mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Và hãy nhớ: Bạn không thể kiểm soát cuộc đời của trẻ được. Việc trở thành một bậc cha mẹ có trách nhiệm nghĩa là giúp trẻ rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích từ sai lầm của chúng.
Giúp trẻ đối diện với vấn đề ma túy và bia rượu
Việc lạm dụng chất kích thích và bia rượu đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Vì thế, trong mục này, tôi sẽ đưa ra những lời khuyên nhằm giúp các bậc phụ huynh biết cách đối phó với những thất bại ở khía cạnh này của trẻ vị thành niên. Đầu tiên là lời khuyên về việc phòng ngừa. Điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm trong những năm tháng vị thành niên của trẻ là tìm cách giúp trẻ tránh xa thuốc lá, rượu bia và ma túy.
Trong một "diễn đàn gia đình", Jack và Sarah giải thích với cậu con trai mười ba tuổi của họ về những cám dỗ và áp lực mà cháu có thể sẽ phải đối mặt khi bị bạn bè lôi kéo vào việc hút thuốc, uống rượu và sử dụng chất kích thích. "Bây giờ con đang ở tuổi vị thành niên, cha mẹ tin rằng con đã đủ lớn để biết những kiến thức về vấn đề này. Vì thế, một trong những điều mà gia đình ta sẽ làm trong thời gian tới là tham dự một buổi nói chuyện ở bệnh viện địa phương về tác hại của thuốc lá". Jack bổ sung: "Cha mẹ muốn con biết được bản chất của sự việc trước khi bạn bè con gây áp lực bắt con hút thuốc".
Hầu hết các trẻ vị thành niên sẽ phản ứng tích cực trước tình huống này. Tôi tin rằng một khi đã tìm kiểu cặn kẽ, trẻ sẽ không hút thuốc. Việc cung cấp cho trẻ những thông tin về tác hại của rượu bia và chất kích thích sẽ giúp trẻ biết đưa ra những lựa chọn sáng suốt trước sự cám dỗ của bạn bè đồng trang lứa.
Sau khi đã cung cấp cho trẻ những thông tin nền tảng này, thỉnh thoảng bạn nên cho cháu đọc một số bài báo về an toàn giao thông hoặc đưa trẻ đến thăm và giúp đỡ những người là nạn nhân của các chất kích thích. Khi đó, bạn đã cung cấp cho con em mình cái nhìn toàn diện hơn về tác hại của việc sử dụng rượu bia và chất kích thích.
Dù vậy, nếu bạn phát hiện ra rằng đứa con vị thành niên của mình đã hút thuốc hoặc uống rượu bia thì thay vì tảng lờ với hy vọng điều này rồi sẽ qua đi hay lục lọi phòng riêng của trẻ để ném những điếu thuốc lá đi, bạn hãy nói chuyện trực tiếp với con và cho con biết rằng bạn mong muốn trẻ từ bỏ thói quen xấu đó.
Trong trường hợp con bạn từ chối yêu cầu này, bạn có thể thực hiện hai điều sau đây. Trước hết, hãy đề ra quy định trẻ không được phép hút thuốc trong nhà và thẳng thắn nói cho trẻ biết những nguy hiểm mà khói thuốc lá có thể gây ra đối với sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình. Thứ hai, hãy hạn chế những quyền hạn cũng như lợi ích của trẻ để khuyến khích cháu tham gia lớp cai nghiện chất kích thích. Một lần nữa, bạn không ép buộc cháu phải làm bất cứ điều gì, chỉ đơn giản là bạn đang thể hiện cho trẻ thấy rằng tự do và nghĩa vụ luôn đi cùng với nhau. Trẻ sẽ không được hưởng những đặc quyền đặc lợi nào đó cho đến khi trẻ đồng ý tham dự lớp học.
Việc lạm dụng chất kích thích không chỉ tác động xấu và hủy hoại cuộc đời của người lạm dụng chúng mà còn có thể làm hại đến cuộc sống của những người xung quanh. Nếu con em bạn là một người nghiện, bạn cần có sự giúp đỡ của chuyên gia trong lĩnh vực này. Hãy tìm một người cố vấn để giúp bạn đưa ra những quyết định thông minh trong tình huống này.
Sức mạnh của tình yêu
Giống như Daniel và Micki, nhiều bậc phụ huynh đã tâm sự với tôi: "Cái đêm tăm tối nhất trong cuộc đời của tôi lại mở đầu cho một mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa hơn với con trai của mình". Tình yêu thương là chìa khóa để biến bi kịch thành điều kỳ diệu. Những bậc cha mẹ có đủ tình yêu thương sẽ không bao biện giùm con trẻ, không thuyết giảng, không cố gắng khắc phục hậu quả, biết lắng nghe bằng tất cả sự thông cảm để hỗ trợ và hướng dẫn trẻ một cách tận tình. Như vậy, họ sẽ có cơ hội nhìn thấy con mình tiến những bước dài trên con đường trưởng thành, thấy con từng bước vượt qua hậu quả của thất bại mà chúng đã gây ra.
Tóm lại, sau khi phạm phải sai lầm, trẻ vị thành niên không cần nghe những lời đốc thúc hay quở mắng của cha mẹ. Trẻ cũng không cần cha mẹ đi trước, lôi kéo, điều khiển để chúng đáp ứng những mong ước của họ. Điều mà trẻ cần là cha mẹ hãy đi bên cạnh trẻ, sử dụng ngôn ngữ yêu thương của trẻ với mong muốn cùng trẻ học cách thực hiện những bước đi có trách nhiệm sau thất bại. Chỉ khi làm được điều này, cha mẹ mới thực sự trở thành những bậc cha mẹ có trách nhiệm, đúng như John Rosemond đã nói: "Việc nuôi dạy con trẻ tốt có nghĩa là làm điều đúng đắn khi trẻ mắc sai lầm".