50 năm trước ở Đường 9 - Nam Lào
Vậy là, viên đạn tiểu liên AR15 của đối phương xuyên qua xương sườn găm vào giữa lá phổi tôi đến nay vừa tròn 50 năm. Nửa thế kỷ qua, vết thương gắn với tôi trên mọi nẻo đường thời gian. Đây là bước ngoặt và là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời tôi.
Chiều 20-3-1971, tôi và Đại đội trưởng Trần Viết Xuân lên Sở chỉ huy Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 nhận nhiệm vụ. Cùng dự với chúng tôi có chỉ huy Tiểu đoàn 9, gồm: Tiểu đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn (quê ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và Chính trị viên Lê Hồng Hải (quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Nhiệm vụ trung đoàn giao cho đại đội đặc công chúng tôi phối hợp với Tiểu đoàn 9 bộ binh cùng Trung đoàn 1 đánh vào cao điểm 550 (nằm ở phía nam Đường 9) nhằm tiêu diệt lữ đoàn 147 của địch.
Sau khi nghe Trung đoàn trưởng Hoàng Trọng Thế (quê ở TP Huế) cùng Chính ủy Lê Văn Dánh (quê ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ, chúng tôi bàn phương án tác chiến. Theo đó, mục tiêu tấn công là quân ngụy đang chiếm giữ điểm cao 550. Hướng tấn công chủ yếu sẽ tiến hành từ phía đông lên. Đặc công sẽ là mũi đột kích chủ yếu. Đại đội 11 bộ binh tiếp ứng với đặc công. Đại đội 12 hỏa lực sẽ dùng cối 82mm và ĐKZ chi viện trong quá trình tác chiến.
Bức ảnh đồng chí Nguyễn Mạnh Đẩu chụp sau khi bị thương và được chuyển ra Bắc điều trị, năm 1971. Ảnh chụp lại
Sau khi trinh sát điều nghiên, chiều 21-3-1971, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vào vị trí tập kết ở chân cao điểm 550. Đến 7 giờ tối, bỏ lại những thứ không cần thiết, chúng tôi bắt đầu tiềm nhập vào cứ điểm địch. Độ dốc rất cao, gần như thẳng đứng, cây cối lúp xúp, lại có nhiều phiến đá lớn, chúng tôi phải dùng dây làm thang, rồi từng người bám vào leo dần lên. Đến 12 giờ đêm, khi cả đội hình đã lên gọn ở đỉnh dốc, bố trí xong đội hình, tôi mừng lắm. Tôi và anh Xuân trao đổi với nhau, giữ được bí mật bất ngờ, tạo được thế đánh thuận lợi thế này, trận này chắc chắn thắng to.
Khi tiếp cận cách quân địch chừng 30m, chúng tôi phát lệnh nổ súng. Ban đầu do bị bất ngờ, địch choáng váng, chưa kịp phản ứng gì. Nhưng gần 10 phút sau, phát hiện được hướng đánh của ta, chúng co cụm chống trả quyết liệt. Từ ụ súng gần đó, một khẩu đại liên bắn xối xả cản bước phát triển của ta. Tôi chỉ thị cho Bình, xạ thủ B41 ngắm bắn vào khẩu đại liên. Quả B41 phóng đi, một quầng lửa sáng đi liền một tiếng nổ rất to. Khẩu đại liên bị tiêu diệt. Bất ngờ từ phía bên phải, một tên địch phát hiện ra tôi, hắn bắn một loạt tiểu liên AR15. Tôi trúng đạn, gục ngay tại chỗ, tức thì cậu Tấn liên lạc bắn trả một loạt AK diệt ngay tên địch.
Tôi thấy đau nhói ở lưng, tức ngực, không thở được. Máu ở lưng trào ra. Đồng thời, cả mũi và miệng tôi đều ộc máu, lại phì phò thành bọt theo nhịp thở. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chắc viên đạn cắm vào phổi, thủng phế quản. Mặc dù đau lắm nhưng tôi vẫn tỉnh táo. Bằng kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm, tôi biết những người bị thương nặng mà còn rất tỉnh thì khó qua khỏi.
Từ phía trong, các loại hỏa lực của địch vẫn bắn ra xối xả. Tấn bế xốc tôi lên và cố dìu tôi vào sau một mô đất gần đó để tránh đạn và cấp cứu. Y tá Đỉnh cầm cả cuộn băng ép chặt vào miệng vết thương và dùng băng quấn mấy vòng quanh ngực máu mới cầm, tôi thấy dễ thở hơn. Đau nhức và mệt nhưng tôi vẫn biết diễn biến xung quanh. Chẳng hiểu sao tôi lại nghe, cách đó chừng 5m, cậu Dũng điện đài 2W (lúc này đàm thoại với nhau không dùng mật khẩu nữa) gọi về trung đoàn và sư đoàn là: “Báo cáo các thủ trưởng, anh Đẩu đã hy sinh tại trận địa!”.
Tôi lặng người! Nghĩ mình không thể qua khỏi, tôi nói với Tấn gọi anh Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 20 và anh Hứa Tiểu Liên, Đại đội trưởng Đại đội 11 đang ở cách đó khoảng 10m đến. Các anh giật mình không ngờ tôi bị thương nặng như vậy. Tôi nói nhỏ trong sự ngắt quãng, hai anh phải ghé tai thật sát vào tôi để lắng nghe: “Tôi chắc không qua được... Anh em ta đã thương vong khá nhiều... Các anh xốc lại đội hình, dùng hỏa lực chi viện, chỉ huy đơn vị nhanh chóng đánh thốc lên... Bằng mọi giá phải dứt điểm sớm... Chập chờn, ngập ngừng ở lưng chừng thế này là chết cả đấy!...”. Ngừng một chút để lấy hơi, chợt nghĩ về gia đình, tôi kéo anh Liên vào sát miệng mình, dồn hết sức: “Anh Liên ơi, nhà anh cách nhà tôi khoảng hai chục cây số thôi... Ngày toàn thắng, nếu còn sống trở về, anh nhớ đến nhà tôi nhé... Nhờ anh kể với cha tôi là tôi đã hy sinh ở nơi đây, trong trường hợp này!”.
Tôi vừa dứt lời, anh Liên đã ghì chặt tôi, ngậm ngùi hứa, còn anh Xuân cầm chặt tay tôi, giàn giụa nước mắt, giọng nghẹn ngào: “Chúng tôi sẽ trả thù cho anh. Thôi! Đưa anh về phía sau ngay để còn kịp cứu chữa”. Trước lúc đi, tôi chẳng nói được gì nữa, chỉ còn đặt bàn tay lên cánh tay anh Xuân, anh Liên. Toàn trận địa sáng trưng, cuộn băng quấn quanh người tôi thì trắng lốp. Bởi thế, quân địch phát hiện được bắn đuổi theo, đạn cày xới xung quanh. May không ai trúng đạn.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu gặp lại đồng chí Hứa Tiểu Liên (ngoài cùng, bên phải) tại Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tổ chức ở Huế. Ảnh: NGUYỄN TRẦN
Khi Đỉnh vừa cõng đến mép dốc, tôi thấy anh Trương Anh Dung (quê ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã chờ sẵn. Chắc là anh ấy biết trước qua điện đài báo về. Anh Dung ghé vai cõng tôi, bám dây tụt dần xuống. Xung quanh đó, đạn pháo địch bắn liên hồi, có quả nổ rất gần. Quả thật, anh Dung khỏe vô cùng. Lúc đó tôi nặng 62kg, anh còn to hơn, nặng hơn. Tôi đã kiệt sức, chỉ còn bám được vào cổ anh. Thế mà chỉ bằng đôi tay trần, anh bám dây guồng xuống tận chân cao điểm. Nếu anh tuột tay, cả hai anh em sẽ lao xuống vực sâu thẳm mà chết. Khi tụt xuống đến chân cao điểm, anh Dung đưa tôi vào hầm. Anh Nguyễn Văn Toàn, Trung đoàn phó ôm choàng lấy, ghì mặt vào người tôi, rồi anh rút túi lấy ra nhét vào miệng tôi một miếng sâm Cao Ly. Tôi hồi tỉnh lại có lẽ nhờ miếng sâm đó.
Hồi ấy, ở chiến trường chỉ có cán bộ cấp trung đoàn trở lên, lâu lâu mới được cấp một củ sâm để bồi dưỡng sức khỏe. Có thể đó là miếng sâm cuối cùng còn lại, anh Toàn dành cho tôi trong lúc nguy kịch. Tôi cảm động lắm, không bao giờ quên việc này (anh Toàn quê ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 đặc công được điều động sang giữ chức Trung đoàn phó trung đoàn tôi. Anh hy sinh năm 1972 ở tây Thừa Thiên Huế).
Khoảng 10 giờ ngày 23-3-1971, anh em cáng tôi về đến sở chỉ huy sư đoàn, nhiều cán bộ chỉ huy đơn vị đã đến thăm. Chắc các anh cũng thấy lạ. Đêm qua, nhận được báo cáo qua điện đài là tôi đã hy sinh, nhưng bây giờ tôi còn sống trở về. Các anh cầm tay tôi, chăm chú xem vết thương rồi hỏi han tôi và tình hình trên cao điểm 550. Mặc dù đang yếu, nằm bất động trên võng, tôi cố gượng sức mình, thều thào nói vắn tắt với các anh về diễn biến trận đánh tính đến thời điểm tôi bị thương. Chưa yên tâm, tôi đề nghị các anh tăng thêm lực lượng để nhanh chóng dứt điểm. Càng để lâu, bộ đội sẽ thương vong nhiều hơn. Chắc giọng nói của tôi nhỏ lắm và lại đứt đoạn nữa, bởi thấy các anh ghé thật sát vào người tôi, vừa chăm chú nghe vừa gật gật đầu.
Mọi người chia tay tôi, trở về sở chỉ huy. Riêng Lê Văn Dánh nán lại lâu hơn. Ghé thật sát, nhìn kỹ vết thương của tôi lần nữa, anh rơm rớm nước mắt, xúc động nói đơn vị ghi nhận thành tích và dặn tôi cố gắng. Nghe anh Dánh nói, tôi nấc lên, nghẹn lòng, không đáp được lời nào. Tôi coi những lời biểu dương ngắn gọn, chân thành của anh là phần thưởng đích thực đối với tôi. Anh ôm chặt lấy tôi, rồi quay mặt đi gạt nước mắt. Chắc anh nghĩ rằng với tình trạng vết thương như thế, tôi không thể qua khỏi.
Thời kỳ tôi mới vào chiến trường, anh Lê Văn Dánh làm Chính trị viên Tiểu đoàn 929. Sau này, anh là Thiếu tướng, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 4. Anh Dánh bị đột quỵ, từ trần tháng 4-1992. Tôi cũng không ngờ sau lần bị thương, tôi chia tay anh Xuân vĩnh viễn. Sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, anh Xuân được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 và hy sinh năm 1972 tại Động Tranh, Thừa Thiên Huế. Năm 2017, tôi đã vào nhà anh Xuân ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trần Văn Cẩn, hơn 80 tuổi, là anh ruột anh Xuân nghẹn ngào ôm lấy tôi. Nhìn di ảnh anh Xuân trên bàn thờ, tôi bùi ngùi nhớ về kỷ niệm xưa...
Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU