Các gia đình hạnh phúc, thậm chí là các gia đình rất hạnh phúc, đôi lúc cũng sống chệch hướng đến 90% thời gian.
Nhưng điều quan trọng là họ biết mình đang đi đâu và hiểu rõ con đường đó như thế nào. Và họ luôn cố gắng quay trở về đúng hướng đã chọn.
Điều đó cũng giống như hành trình của một chuyến bay. Trước khi máy bay cất cánh, người phi công phải nắm rõ lộ trình bay. Anh ta biết chính xác mình sẽ bay đi đâu và phải tuân theo lộ trình đã định. Nhưng trong suốt chuyến bay, hành trình đó có thể bị tác động bởi nhiều nhân tố như gió, mưa, sự nhiễu loạn không khí, tình trạng không lưu bất thường, các sơ suất của con người và nhiều nhân tố khác nữa. Những nhân tố này khiến chiếc máy bay bị chệch hướng ít nhiều - thậm chí, có lúc chệch hướng đáng kể - so với lộ trình ban đầu, điều này xảy ra thường xuyên trong suốt chuyến bay.
Tuy nhiên ngoại trừ những trở ngại quá lớn, nếu không thì máy bay vẫn bay đến đích an toàn.
Vậy điều này diễn ra như thế nào? Trong suốt chuyến bay, người phi công thường xuyên nhận được thông tin phản hồi từ các thiết bị theo dõi thời tiết, từ các đài kiểm soát không lưu và từ các máy bay khác, hay đôi khi từ việc quan sát các vì sao. Dựa trên những thông tin phản hồi này, anh ta sẽ có những điều chỉnh cần thiết để giúp máy bay luôn quay trở về đúng với lộ trình được lập sẵn.
Vấn đề không phải nằm ở việc có đi chệch hướng hay không, mà chính là ở tầm nhìn, ở kế hoạch và ở khả năng quay về đúng hướng.
Theo tôi, hành trình bay của chiếc phi cơ ấy chính là một phép ẩn dụ lý tưởng cho cuộc sống gia đình. Cũng giống như chuyến bay, đôi khi gia đình chúng ta cũng đi chệch hướng, thậm chí rơi vào tình trạng hỗn loạn. Việc có một tầm nhìn, kế hoạch cũng như xác định rõ động lực chính là hy vọng để giúp gia đình quay lại đúng hướng.
Sean (con trai tôi):
Nhìn chung, cũng giống như bao gia đình khác, gia đình chúng tôi từng xảy ra khá nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi thường ngồi lại để cùng bàn bạc. Tôi tin rằng, chính việc biết nhận lỗi và khả năng tự nối lại các mối quan hệ của từng thành viên đã giúp cho quan hệ gia đình chúng tôi luôn gắn bó.
Chẳng hạn, trong những chuyến đi chơi của gia đình, bố luôn là người lên kế hoạch cho cả nhà như phải thức dậy lúc 5 giờ, ăn sáng và khởi hành lúc 8 giờ. Tuy nhiên vấn đề đã nảy sinh khi buổi sáng hôm đó, chúng tôi ngủ vùi và không ai muốn thức dậy để giúp bố chuẩn bị. Điều đó khiến bố nổi nóng. 12 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mới bắt đầu lên đường và không ai dám trò chuyện với bố vì lúc ấy ông đang rất giận.
Nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là chính bố, chứ không ai khác, là người đầu tiên đã nói lời xin lỗi. Luôn luôn như vậy. Điều đó khiến chúng tôi rất xấu hổ, vì trong thâm tâm chúng tôi biết rằng mình chính là “thủ phạm” khiến ông phải tức giận.
Nghĩ lại, tôi thấy rằng điểm độc đáo của gia đình tôi là cả bố và mẹ đều luôn biết nghĩ lại, sẵn sàng suy đi tính lại, ngay cả khi chúng tôi phạm lỗi, ngay cả khi một số kế hoạch và công việc đem ra bàn trong buổi họp gia đình chẳng may bị bế tắc.
Như bạn đã thấy, gia đình chúng tôi không phải là một ngoại lệ và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Tôi muốn nhấn mạnh một điều: cho dù bạn đang phải cùng lúc đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách và cả thất bại, bạn cứ vững tin tiến về phía trước. Bí quyết ở đây là phải có một đích đến rõ ràng, một lộ trình cụ thể và một chiếc la bàn để định hướng.
Bí quyết ở đây là phải có một đích đến rõ ràng, một lộ trình cụ thể và một chiếc la bàn để định hướng.
Hình ảnh ẩn dụ của chiếc máy bay sẽ được đề cập xuyên suốt nội dung cuốn sách nhằm khơi dậy niềm hy vọng và nguồn cảm hứng cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Ba mục tiêu
Mong muốn của tôi khi viết cuốn sách này là giúp bạn, trước hết và trên hết, luôn nuôi dưỡng một niềm hy vọng. Bên
cạnh đó, những điều tôi trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp bạn tạo dựng “cỗ xe tam mã” giúp bản thân và gia đình luôn đi đúng hướng. Đó là: một đích đến rõ ràng, một lộ trình cụ thể và một chiếc la bàn định hướng.
1. Xác định rõ đích đến
Tôi biết rằng mỗi người tìm đến cuốn sách này có một hoàn cảnh gia đình riêng và có những mong muốn riêng.
Có thể bạn đang vật lộn để duy trì hay cố gắng xây dựng lại cuộc hôn nhân của mình; hoặc bạn đã có một cuộc hôn nhân khởi đầu tốt đẹp nhưng bạn còn muốn nhiều hơn thế nữa - một cuộc hôn nhân làm bạn thực sự thỏa mãn và hài lòng. Có thể bạn đang phải một mình nuôi dạy con và cảm thấy quá mệt mỏi trước vô số đòi hỏi, áp lực đang đè nặng lên bạn không chút xót thương. Có thể bạn đang phải vất vả với một đứa con ương ngạnh, hư hỏng đang giao du với bọn côn đồ, thậm chí còn dính vào ma túy hay một tệ nạn xã hội nào đấy. Bạn có thể đang phải tìm cách hòa hợp giữa hai gia đình “xung khắc”.
Có thể bạn muốn con cái mình tự giác thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm cũng như làm tất cả bài tập về nhà mà không cần phải nhắc nhở. Hoặc bạn cảm thấy gần như không thể làm tốt nhiều vai trò cùng một lúc (mà nhiều khi những vai trò ấy lại xung đột với nhau), đó là làm bố, làm mẹ, làm trọng tài phân xử và làm một người bạn. Có thể bạn đang băn khoăn không biết là nên nghiêm khắc hay dễ dãi với con cái, không biết làm thế nào để gia đình đi vào khuôn khổ.
Có thể bạn đang phải cố gắng để kiếm tiền trang trải cuộc sống, phải lấy khoản nọ bù cho khoản kia. Những lo lắng về kinh tế có thể đã chiếm hết tâm trí và thời gian khiến bạn không còn đủ sức để giải quyết các mối quan hệ trong gia đình nữa. Có thể bạn đang phải tối mắt tối mũi trong hàng núi công việc đến mức bạn không còn thời gian, và càng ngày càng trở nên xa cách các thành viên trong gia đình. Thế nên ý niệm về một gia đình hạnh phúc đối với bạn dường như vượt xa khỏi tầm tay!
Tầm nhìn về tương lai quan trọng hơn những khó khăn hiện tại.
Có thể cảm xúc và thái độ giữa các thành viên trong gia đình bạn đang rất căng thẳng, mọi người thường xuyên cãi vã, bất đồng với nhau, thậm chí còn la hét, bực bội, cằn nhằn, soi mói, giễu cợt, đổ lỗi, phê bình, đùn đẩy công việc, vu khống, phớt lờ, im lặng... Có thể những đứa con của bạn đã lớn và chúng chẳng buồn về nhà, không còn thân thiết với gia đình nữa. Có thể những cảm xúc trong hôn nhân đã mất, hoặc đang dần mất đi khiến bạn cảm thấy trống rỗng và cô đơn. Bạn đã cố gắng hết sức để làm cho mọi việc có thể trở nên tốt đẹp, nhưng dường như “đâu vẫn hoàn đấy”, mọi việc không hề lay chuyển. Bạn kiệt sức, cảm thấy những việc mình làm đều vô nghĩa.
Có thể bạn đang giữ vai trò của một người ông, người bà, dù rất muốn quan tâm giúp đỡ nhưng không biết giúp thế nào để mọi việc hanh thông. Có thể quan hệ của bạn với con rể và con dâu đang trở nên nhạt nhẽo, “bằng mặt chứ không bằng lòng”, và những cuộc chiến tranh lạnh chờ có dịp là bùng phát. Có thể bạn là nạn nhân của tệ lạm dụng trong suốt nhiều năm - khi bạn còn nhỏ hay khi đã kết hôn - và nay bạn mong muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó nhưng lại không biết làm thế nào, không có một khuôn mẫu nào cho bạn noi theo, để rồi bạn đành quay trở lại tình trạng ban đầu. Có thể vợ chồng bạn khao khát một đứa con nhưng lại không thể, và bạn cảm thấy sự ngọt ngào trong cuộc sống hôn nhân của mình đang nhạt dần.
Có thể cùng một lúc bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn kể trên, và bạn cảm thấy mình không còn mảy may hy vọng. Nhưng cho dù bạn rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa, điều quan trọng là đừng so sánh gia đình mình với các gia đình khác!
Không ai hiểu được hết hoàn cảnh thực tế của bạn để có thể cho bạn một lời khuyên thật sự hữu ích. Cũng vậy, bạn không bao giờ hiểu được cặn kẽ hoàn cảnh thực tế của người khác. Chúng ta thường có xu hướng áp đặt hoàn cảnh của mình lên người khác, để đưa ra những lời khuyên mà mình cho là đúng. Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy bề ngoài mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Khi nhìn vào cuộc sống gia đình của người khác, bạn chắt lưỡi khen hoàn hảo, trong khi lại chép miệng than gia đình mình đang rạn nứt, có nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, bạn nên nhớ: bất cứ gia đình nào cũng đều có những khó khăn riêng, những vấn đề riêng!
Thật tuyệt vời để biết rằng: những khó khăn hiện tại sẽ không còn quá quan trọng nếu bạn có được một tầm nhìn về tương lai. Có nghĩa là nếu nhìn về tương lai bằng một viễn cảnh tốt đẹp, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn, bất kể sự tồn tại của những cảm xúc tiêu cực bấy lâu nay hay hoàn cảnh khó khăn đang còn đó trong thực tại.
Tôi muốn chia sẻ với bạn cách thức các gia đình trên khắp thế giới đã xây dựng tầm nhìn và những giá trị chung cho mọi thành viên trong gia đình, thông qua việc đề ra “bản tuyên ngôn về nhiệm vụ của gia đình”. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tạo dựng một “bản tuyên ngôn” như vậy nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của gia đình mình. Bản tuyên ngôn về nhiệm vụ gia đình sẽ giúp các thành viên trong gia đình bạn có “đích đến” thống nhất, và những giá trị ẩn chứa trong đó sẽ là kim chỉ nam cho gia đình bạn.
Để xây dựng một gia đình như mong muốn, mọi thành viên trong gia đình đều phải tham gia. Mọi người đều phải góp phần hình thành tầm nhìn ấy, hay ít nhất là phải hiểu và quyết tâm hướng đến. Lý do rất đơn giản. Bạn đã bao giờ chơi trò ghép hình hoặc xem người khác chơi chưa? Trong trò chơi này, phải chăng việc người chơi hình dung được bức tranh hoàn chỉnh là rất quan trọng? Và việc tất cả những người cùng chơi có chung hình dung về bức tranh hoàn chỉnh cũng quan trọng không kém? Nếu không có chung cách nhìn nhận, mọi người sẽ dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau khi đưa ra quyết định của mình, để rồi kết quả chỉ là một mớ lộn xộn.
Vấn đề ở đây là phải xây dựng một tầm nhìn chung cho mọi thành viên trong gia đình. Khi đã có một đích đến rõ ràng, bạn dễ dàng quay trở lại đúng hướng để có thể tuân thủ lộ trình bay. Thực ra, toàn bộ lộ trình gắn chặt với mục tiêu nhắm đến, không thể tách rời. Lộ trình quan trọng không kém so với đích đến.
2. Vạch ra một lộ trình cụ thể
Bạn cần có một lộ trình cụ thể dựa trên một số nguyên tắc nhất định để đi đến đích cuối cùng. Để minh họa cho điều này, tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện.
Một người bạn thân chia sẻ với tôi những lo lắng về cậu con trai - mà theo anh ấy miêu tả là “hỗn xược”, “bất trị” và “vô ơn bạc nghĩa”.
- Stephen, tôi không biết phải làm gì nữa đây! Tình hình căng thẳng đến mức nếu tôi bước vào phòng định xem ti-vi cùng thằng con trai thì ngay lập tức, nó sẽ tắt ti-vi và bỏ ra ngoài. Tôi đã cố gắng hết sức để gần gũi nó nhưng không thể.
Vào thời gian đó, tôi đang giảng cho một vài lớp về những vấn đề liên quan đến 7 Thói quen - mà tôi sẽ bàn đến trong cuốn sách này - nên tôi đã nêu lên đề nghị:
- Tại sao anh không tới lớp học của tôi bây giờ nhỉ, chúng tôi đang thảo luận về Thói quen thứ 5 – hãy lắng nghe và hiểu người khác trước khi muốn người khác hiểu mình. Tôi đoán rằng con trai anh đang cảm thấy anh không hiểu nó.
- Tôi hiểu con tôi mà. - Anh bạn tôi nói. - Thậm chí tôi còn biết trước nó sẽ gặp phải chuyện gì nếu không nghe lời tôi.
- Hãy coi như anh chưa hiểu gì về con trai mình cả. Hãy thử lắng nghe mà không đánh giá hay phán xét gì hết. Anh đến lớp nhé, để tìm hiểu cách lắng nghe với sự tôn trọng.
Và anh bạn tôi đã đến dự lớp học. Nhưng anh ấy chủ quan đến mức cho rằng chỉ cần sau một buổi học là quá đủ để thông hiểu mọi việc. Anh ấy tới gặp cậu con trai và bảo: “Lâu nay con cho rằng bố không hiểu con, bây giờ bố muốn nghe con nói. Nào, nói đi”. Cậu con trai đáp lại: “Bố chưa bao giờ hiểu con cả, chưa bao giờ…”. Rồi cậu bỏ ra ngoài.
Ngày hôm sau, anh bạn đến gặp tôi, nói:
- Stephen à, biện pháp của anh không hiệu quả. Tôi đã cố hết sức nhưng nó vẫn bất hợp tác! Tôi chỉ muốn nói thẳng vào mặt nó, “Ngốc ạ! Chả lẽ con không nhận ra những gì bố đã và đang cố gắng làm là vì con sao?”. Tôi không biết liệu còn chút hy vọng nào nữa không?
Tôi đáp:
- Cậu bé chỉ đang muốn kiểm tra sự chân thành của anh mà thôi. Và nó đã tìm thấy điều gì? Nó thấy rằng anh không thực sự muốn hiểu mà chỉ muốn áp đặt.
- Chẳng qua là nó quá ngạo mạn. Nó thừa biết hành động của nó đang làm mọi thứ rối tung cả lên.
Tôi nói:
- Hãy nhìn lại bản thân mình xem. Anh đang tức giận vì nghĩ rằng mình gặp thất bại. Anh chỉ cần ra vẻ đang cố gắng lắng nghe là có thể khiến con trai mình mở lòng được sao? Nó không biết thực sự anh đang nghĩ gì hay sao? Anh cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của anh. Dần dần anh sẽ học được cách yêu thương vô điều kiện, yêu con theo đúng bản chất của nó, chứ không phải yêu vì nó cư xử theo cách mà anh muốn. Anh phải học cách lắng nghe, nếu cần, hãy xin lỗi cho những lời phán xét hay những sai lầm trước đây của anh.
Anh ấy đã hiểu ra: hành động vừa qua của anh, kỳ thực, chỉ làm ra vẻ là muốn hiểu con, chứ anh chưa học được cách lắng nghe thật chân thành và kiên nhẫn, bất kể kết quả như thế nào.
Vì thế anh ấy quay lại lớp học, thay đổi suy nghĩ và động lực của mình, bằng một thái độ mềm mỏng, tế nhị và cởi mở hơn.
Cuối cùng anh ấy nói:
- Tôi đã sẵn sàng. Tôi sẽ thử lại một lần nữa. Tôi nhắc:
- Cậu bé sẽ kiểm tra sự chân thành của anh đấy.
- Có lẽ nó sẽ từ chối bất cứ đề nghị nào của tôi. Nhưng tôi vẫn sẽ trò chuyện cùng nó, vì tôi tin thằng bé xứng đáng nhận được sự quan tâm.
Tối hôm đó, bạn tôi đã ngồi xuống bên cạnh cậu con trai, tâm sự: “Bố biết con vẫn nghĩ là bố không hề hiểu con, nhưng bố mong con tin rằng bố đang và sẽ cố gắng không ngừng để hiểu được con”.
Một lần nữa, cậu bé lạnh nhạt đáp “Bố chưa bao giờ hiểu con cả”. Nó đứng dậy, bỏ đi. Nhưng ngay khi nó vừa bước đến cửa thì bạn tôi cất tiếng: “Trước khi con đi, bố muốn xin lỗi con vì đã làm con phải xấu hổ trước mặt bạn bè tối hôm trước”.
Cậu bé quay lại, nói: “Bố không biết là con đã xấu hổ thế nào đâu”. Mắt cậu bé ngân ngấn nước.
Sau lần nói chuyện đó, anh ấy nói với tôi:
- Stephen, những lời hướng dẫn và động viên của anh thực sự đã tác động đến tôi vào khoảnh khắc tôi thấy con trai mình khóc. Tôi không ngờ điều đó lại quan trọng với nó đến như vậy, không ngờ nó đã bị tổn thương đến thế. Lần đầu tiên, tôi thực sự muốn lắng nghe.
Vậy là anh bạn tôi đã tạo được cầu nối với con. Cậu bé dần cởi mở hơn. Họ nói chuyện đến nửa đêm, khi vợ anh ấy bước vào nhắc nhở hai bố con rằng đã đến giờ đi ngủ thì cậu bé nói: “Con với bố muốn nói chuyện thêm một chút nữa, đúng không bố?”. Và họ tiếp tục trò chuyện cho tới tận sáng.
Hôm sau, khi gặp tôi trong sảnh của tòa nhà văn phòng nơi tôi làm việc, anh ấy vừa khóc vừa nói:
- Stephen, tôi đã tìm lại được con trai mình.
Bạn tôi khám phá rằng có những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ của con người, và việc tuân theo những nguyên tắc này là điều thiết yếu nếu thực sự muốn có một gia đình hạnh phúc. Bạn tôi đã quyết định tuân theo nguyên tắc “biết tôn trọng”– cố gắng lắng nghe và thấu hiểu người đối thoại – nhờ vậy đã xoay chuyển được tình hình. Điều này cũng tương tự khi bạn thay đổi một nguyên tố trong công thức hóa học, kéo theo sự thay đổi của cả một công thức.
Vận dụng nguyên tắc biết tôn trọng, thật sự lắng nghe và đồng cảm với mọi người là một thói quen rất hữu ích cho tất cả mọi người bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Không có người nào thành công trong cuộc sống mà lại không biết tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu người khác.
7 Thói quen trong cuốn sách này dựa trên những nguyên tắc có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi và không thể phủ nhận trong mối quan hệ giữa người với người - giống như định luật vạn vật hấp dẫn trong thế giới vật chất. Những nguyên tắc này điều chỉnh mọi khía cạnh của cuộc sống, trở thành một phần tất yếu trong sự thành công của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. 7 Thói quen này không thuộc về kỹ xảo, không phải là những giải pháp tạm thời, lại càng không phải là danh sách những việc cần làm. Đây là những thói quen – gồm nếp nghĩ (tư duy), nếp làm (hành động) đã được sử dụng lâu ngày - mà bất cứ gia đình hạnh phúc nào cũng có.
Có những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ của con người, và việc tuân theo những nguyên tắc này là điều thiết yếu nếu muốn có một gia đình hạnh phúc.
Nếu vi phạm những nguyên tắc ấy thì chắc chắn cuộc sống gia đình cũng như các mối quan hệ khác sẽ thất bại. Trong cuốn tiểu thuyết Anna Karenina, Leo Tolstoy đã phát hiện: “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì rơi vào nhiều trạng huống khác nhau”. Những gia đình hạnh phúc luôn có những đặc điểm giống nhau nhất định, cho dù gia đình đó có cả bố và mẹ hay chỉ có một trong hai, cho dù có 10 con hay không có con, cho dù đã từng xảy ra nạn lạm dụng, bị bỏ bê hay tràn ngập tình yêu và sự tin tưởng. Những đặc điểm đó được gói gọn trong 7 Thói quen.
Một nguyên tắc nữa mà anh bạn tôi học được từ tình huống nêu trên: sự thay đổi chỉ thật sự và lâu dài khi diễn ra từ bên trong. Nói cách khác, thay vì cố gắng thay đổi hoàn cảnh hay thay đổi con trai mình thì anh ấy quyết định thay đổi chính mình. Từ việc thay đổi chính bản thân, anh ấy đã tạo được những thay đổi trong hoàn cảnh và con trai mình.
Cách tiếp cận từ bên trong là trọng tâm của 7 Thói quen. Nếu thường xuyên áp dụng các nguyên tắc trong những thói quen này, bạn có thể thay đổi các mối quan hệ và hoàn cảnh theo hướng tích cực. Bạn cũng có thể trở thành tác nhân của sự thay đổi. Ngoài ra, nếu so với việc chỉ chú trọng đến hành vi thì việc chú trọng vào những nguyên tắc ấy sẽ tác động đến hành vi một cách sâu sắc hơn. Bởi vì những nguyên tắc ấy đã có sẵn, nằm sâu trong mỗi con người, khi hiểu rõ chúng thì cũng đồng thời hiểu rõ bản thân và khả năng của mình, từ đó phát huy tiềm năng một cách hiệu quả nhất.
Ngày nay cách tiếp cận từ bên trong có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước đây việc xây dựng gia đình từ bên ngoài rất dễ dàng, bởi xã hội lúc đó là một khối liên kết chặt chẽ và là một nguồn lực cho gia đình. Con người được bao bọc xung quanh bởi những mô hình, những khuôn mẫu, những hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông, những phép tắc để duy trì hôn nhân và xây dựng gia đình. Ngay cả khi có các vấn đề nảy sinh trong gia đình, những yếu tố bên ngoài vừa nêu trở thành “chỗ dựa” giúp duy trì cuộc sống hôn nhân và gia đình. Do đó bạn có thể xây dựng gia đình từ bên ngoài, để thành công thì chỉ cần thuận theo tự nhiên.
Bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Nếu chỉ “thuận theo tự nhiên”, gia đình sẽ dễ dàng tan vỡ.
Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Nếu chỉ “thuận theo tự nhiên”, gia đình sẽ dễ dàng tan vỡ.
Mặc dù chúng ta thường được khuyến khích hãy quay trở về với những “giá trị gia đình”, nhưng với một xã hội rộng lớn hơn trong vòng 30 đến 50 năm qua, xu thế đã thay đổi một cách cơ bản - từ ủng hộ chuyển sang chống lại mô thức gia đình. Chúng ta đang cố gắng vượt qua tình trạng hỗn loạn và thiếu gắn bó trong gia đình, những sóng gió đó có thể cuốn các gia đình đi chệch hướng.
Tại một cuộc hội thảo về gia đình gần đây, một quan chức chính phủ đã chia sẻ một câu chuyện đáng buồn như sau:
Mới đây, tôi có dịp nói chuyện với một người đàn ông mà theo tôi thì đó là một người bố rất tốt. Ông ấy kể: Có một dạo, cậu con trai bảy tuổi của ông có vấn đề gì đó khiến nó xao lòng mãi. Cậu bé thổ lộ:“Bố ơi, con không thể nào không nghĩ về chuyện đó được…”. Ông bố đoán có thể đó là một cơn ác mộng hoặc một bộ phim kinh dị mà cậu bé từng xem.
Nhưng không phải, sau nhiều lần thuyết phục và dỗ dành, cậu bé tiết lộ là cậu xem rất nhiều hình ảnh khiêu dâm thô tục, kinh khiếp. Ông bố hỏi: “Sao con có được chúng?”. Cậu bé khai ra tên của đứa trẻ 9 tuổi bên hàng xóm thường xem hình sex trên máy vi tính. “Con đã xem bao nhiêu lần rồi?”, “Rất nhiều lần rồi, bố ạ”.
Ông bố vội vàng đi gặp bố mẹ của đứa trẻ hàng xóm. Họ thực sự bị choáng váng, cảm thấy tồi tệ khi hay tin đầu óc còn non nớt của bọn trẻ bị vấy bẩn. Họ cật vấn đến mức cậu bé bật khóc và nói: “Con biết làm vậy là không tốt nhưng con không thể không xem”.
Tất nhiên họ nghi ngờ có một người lớn nào đó có liên quan đến chuyện này. Nhưng không phải, nguyên do là một cậu học sinh lớp 6 ở trường đã cho cậu bé địa chỉ website này và bảo rằng “Xem đi, hay lắm”. Thế là cái trang web đó lan truyền khắp các nhà xung quanh như một dịch bệnh.
Ông bố cho biết đã khuyến khích con trai mình học sử dụng máy tính. Nhưng bọn trẻ đặt máy ở gầm cầu thang, luôn đóng kín cửa. Chúng đã vô tình biến căn phòng đó thành một cửa hàng khiêu dâm.
Tại sao điều này lại có thể xảy ra? Vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà công nghệ có thể biến những đứa trẻ - không hề có một chút hiểu biết hay kinh nghiệm - trở thành nạn nhân của những văn hóa phẩm độc hại đến mức gây nghiện.
Trong suốt 30 năm qua, mô thức gia đình đã có những thay đổi đáng kể. Hãy xem những thống kê dưới đây:
• Tỷ lệ sinh con ngoài giá thú tăng hơn 400%.
• Tỷ lệ gia đình chỉ có bố hoặc mẹ tăng hơn 3 lần.
• Tỷ lệ ly hôn tăng gấp đôi. Nhiều người dự đoán khoảng một nửa những cuộc hôn nhân mới sẽ đi tới ly dị.
• Số vụ thiếu niên tự sát tăng khoảng 300%.
• Điểm kiểm tra năng lực học tập của tất cả sinh viên giảm 73 điểm.
• Vấn đề sức khỏe hàng đầu của phụ nữ châu Mỹ là bạo hành gia đình. Mỗi năm có khoảng 4 triệu phụ nữ bị chồng đánh đập.
• ¼ thanh thiếu niên mắc các bệnh lây qua đường tình dục trước khi tốt nghiệp phổ thông.
Những hành vi bị kỷ luật nặng nhất trong các trường công lập đã thay đổi: năm 1940 đó là hành vi nhai kẹo cao su, chạy nhảy trong hành lang; đến năm 1990 chuyển thành hành vi mang thai ở tuổi thiếu niên, cưỡng hiếp và hành hung.
Đáng chú ý nhất là tỷ lệ gia đình có cha hoặc mẹ ở nhà trong ngày với con cái đã giảm từ 66,7% xuống còn 16,9%. Trung bình một đứa trẻ dành 7 tiếng mỗi ngày để xem ti-vi và chỉ có 5 phút ở bên bố mình!
Theo nhà sử học lỗi lạc Arnold Toynbee, lịch sử có thể được tổng kết chỉ trong một câu, “Bắt chước sự thành công sẽ dẫn đến thất bại”. Được gọi là thành công khi những phấn đấu tương xứng với thử thách, nhưng khi thử thách thay đổi thì những phấn đấu trước kia không còn ý nghĩa nữa. Một hành động có thể đưa tới thành công trong trường hợp này nhưng chưa chắc đã đưa đến thành công trong trường hợp khác. Khi có một thử thách đến với bạn, bạn phản ứng lại. Nếu phản ứng đó phù hợp, bạn sẽ thành công. Nhưng khi thử thách đã thay đổi mà bạn vẫn tiếp tục sử dụng cách phản ứng cũ, bạn sẽ thất bại. Vì phản ứng cũ đã không còn phù hợp với những thử thách mới.
Những thử thách đã thay đổi và chúng ta cần có cách giải quyết khác hợp lý hơn.
Nếu chỉ khao khát một gia đình hạnh phúc là chưa đủ. Có những ý tưởng hay vẫn chưa đủ. Chúng ta cần có cách tư duy và các kỹ năng mới. Bởi vì các thử thách trở nên khó khăn hơn, buộc chúng ta phải tìm ra giải pháp hiệu quả hơn.
7 Thói quen đại diện cho hệ tư duy và kỹ năng đó. Thông qua cuốn sách này, tôi sẽ chỉ ra rằng – ngay cả khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất - rất nhiều gia đình đã vận dụng những nguyên tắc trong 7 Thói quen để không bị chệch hướng.
Hàng tuần bạn hãy dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình, trừ khi có chuyện khẩn cấp hay những việc không lường trước được để mọi người cùng nhau lên kế hoạch, trò chuyện, trao đổi, bảo ban và vui vẻ bên nhau. Đó là yếu tố hữu ích giúp bạn và gia đình đi đúng hướng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian trò chuyện thân mật với từng thành viên trong gia đình. Nếu bạn làm được hai điều này, tôi đoan chắc chất lượng cuộc sống gia đình bạn sẽ cải thiện đáng kể.
Nhưng tại sao phải đặt ra hai nhiệm vụ này? Tại sao cần dành khoảng thời gian nhất định cho gia đình? Tại sao cần phải trò chuyện thân mật với từng thành viên trong gia đình? Bởi vì thế giới đang thay đổi ngày càng nhanh chóng và sâu sắc. Nếu không có những khuôn mẫu hay mô hình mới phù hợp, gia đình sẽ đi sai hướng.
Tại sao cần dành khoảng thời gian nhất định cho gia đình? Tại sao cần trò chuyện thân mật với từng thành viên trong gia đình? Vì nếu không có những khuôn mẫu hay mô hình mới phù hợp, gia đình sẽ đi sai hướng.
Alfred North Whitehead từng nói: Thói quen vận dụng linh hoạt những nguyên tắc mà mình hiểu rõ là cốt lõi của sự thông tuệ. Bạn không cần phải học hàng trăm nguyên tắc mới, không cần phải thường xuyên tìm kiếm các kỹ năng tốt hơn. Những gì bạn cần là một vài nguyên tắc nền tảng để có thể áp dụng trong bất cứ trường hợp nào.
7 Thói quen sẽ tạo nên nền tảng ấy. Sức mạnh lớn nhất của 7 Thói quen không phải nằm ở một thói quen đơn lẻ nào mà nằm ở sự kết hợp giữa chúng. Với những nguyên tắc này, bạn có thể nhận ra và giải quyết bất cứ chuyện gì xảy ra trong gia đình mình để từ đó cân nhắc phải làm gì để sửa chữa, cải thiện tình hình. Hàng triệu người đã vận dụng 7 Thói quen này có thể chứng minh cho điều đó. Những thói quen sẽ không “cầm tay chỉ việc” phải làm thế này thế kia, mà chúng sẽ định hình trong bạn một hướng suy nghĩ, từ đó bạn sẽ biết điều cần phải làm và khi nào nên làm việc đó. Để có được thói quen này, bạn cần xây dựng và rèn luyện các kỹ năng.
Một gia đình đã nói với tôi: “Đôi khi chúng tôi thấy việc tuân theo những nguyên tắc này rất khó. Nhưng nếu không tuân theo thì còn khó hơn rất nhiều”. Gieo nhân nào, gặt quả ấy, những hành động không tuân theo nguyên tắc sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Do đó, mục tiêu thứ hai khi tôi viết cuốn sách này là nhấn mạnh một sự thật: bất kể bạn đang trong tình trạng nào, 7 Thói quen cũng sẽ là một công cụ hữu dụng giúp bạn xem xét tình hình rõ hơn và làm nên sự thay đổi tích cực từ bên trong.
3. Sở hữu một chiếc la bàn
Nền tảng của 7 Thói quen khẳng định: bạn là động lực sáng tạo cho chính cuộc đời mình, và qua đó cũng là động lực sáng tạo cho cuộc sống gia đình bạn. Vì thế mục đích thứ ba của cuốn sách là giúp bạn nhận ra và phát triển 4 kỹ năng khiến bạn trở thành tác nhân thay đổi cuộc sống. Những kỹ năng này chính là chiếc la bàn, hay là một hệ quy chiếu bên trong, giúp gia đình bạn đi đúng hướng để tới đích. Chúng giúp bạn sắp xếp cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để bạn quyết tâm làm bất cứ điều gì phù hợp và hữu ích cho mình.
Tuyệt vời hơn nữa, cuốn sách này còn giúp bạn không phải phụ thuộc vào tôi hay bất cứ nhà tư vấn nào khác, mà bạn sẽ được giúp để tự tìm hiểu vấn đề, tự tìm kiếm những trợ giúp khác nếu thấy cần thiết.
Một lần nữa, xin bạn lưu ý, không ai hiểu hoàn cảnh gia đình bạn bằng chính bạn. Bạn đang ở trong buồng lái. Chính bạn là người cần biết cách vượt qua các sóng gió đang cuốn gia đình mình đi chệch hướng. Cũng chính bạn là người duy nhất đủ khả năng để biết cần làm gì cho gia đình mình.
Kỹ năng và sự rèn luyện có tác dụng trong một số trường hợp. Không chỉ vậy, bạn cần đến một cách tiếp cận có hiệu quả hơn, tiếp cho bạn sức mạnh để áp dụng các nguyên tắc vào hoàn cảnh của mình.
Kỹ năng và sự rèn luyện có tác dụng trong một số trường hợp.
Không chỉ vậy, bạn cần đến một cách tiếp cận có hiệu quả hơn, tiếp cho bạn sức mạnh để áp dụng các nguyên tắc vào hoàn cảnh của mình.
Có một câu ngạn ngữ phương Đông: “Nếu bạn cho ai đó một con cá, bạn chỉ có thể giúp người đó sống thêm một ngày. Nếu bạn dạy cách bắt cá, bạn đã giúp người đó sống cả đời”. Cuốn sách này không cung cấp cho bạn một con cá. Mặc dù có rất nhiều ví dụ về cách thức áp dụng 7 Thói quen vào hoàn cảnh cụ thể, nhưng trọng tâm của cuốn sách là dạy bạn cách bắt cá, bằng cách chia sẻ những nguyên tắc giúp bạn phát huy khả năng của mình và nhìn nhận hoàn cảnh lạc quan hơn. Vì thế hãy suy ngẫm về những câu chuyện và tìm kiếm những nguyên tắc cốt lõi. Những mẩu chuyện đó có thể không áp dụng được vào hoàn cảnh của bạn, song tôi có thể tin chắc rằng những nguyên tắc cốt lõi thì hoàn toàn khả thi.
Mục tiêu cuối cùng: nề nếp văn hóa gia đình
Nội dung của cuốn sách đề cập đến 7 Thói quen để tạo gia đình hạnh phúc. Vậy “hạnh phúc” ở đây là gì? Theo tôi, hạnh phúc có thể được thể hiện trong 4 chữ: văn hóa gia đình.
Khi nói đến “văn hóa”, điều tôi muốn đề cập đến chính là tinh thần của một gia đình: ở đó, có sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu giữa các thành viên, ở đó có bầu không khí thân thiện. Vâng, đấy chính là đặc trưng của mỗi gia đình – chiều sâu, sự thân thiết, sự chín chắn trưởng thành trong các mối dây liên hệ. Đó cũng là cảm xúc bắt nguồn từ các nguyên tắc ứng xử tiêu biểu cho các mối quan hệ gia đình. Và điều này, giống như phần nổi của một tảng băng trôi, là một phần của niềm tin chung và các giá trị ẩn giấu chưa được nhìn thấy, tức là phần chìm của tảng băng.
Khi nói về “nề nếp văn hóa gia đình tốt đẹp”, tôi nhận thấy mỗi người có một cách hiểu khác nhau về “tốt đẹp”. Đối với tôi, cụm chữ này hàm ý về một nề nếp văn hóa nuôi dưỡng tình cảm gia đình, trong đó các thành viên khi ở bên nhau cảm thấy rất thân thiết và gần gũi, họ có cùng niềm tin và chuẩn mực đạo đức, đối xử với nhau theo cách tốt nhất dựa trên những nguyên tắc chung của cuộc sống. Trong nề nếp văn hóa gia đình, cái “tôi” cá nhân trở thành cái “chúng ta”.
Gia đình chính là những gì mà chúng ta cùng nhau trải qua, cùng nhau chia sẻ. Phải thừa nhận rằng, sự chuyển đổi từ “tôi” sang “chúng ta” – từ cái riêng sang cái chung – là một trong những khía cạnh khó khăn và thử thách nhất của cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, giống như hình ảnh “con đường ít người qua lại” được nhắc tới trong thơ của Robert Frost, đó chính là con đường tạo nên sự thay đổi. Cho dù văn hóa Mỹ vẫn nhấn mạnh đến tự do cá nhân, tính hiệu quả và có kiểm soát, nhưng không có con đường nào lại tràn ngập niềm vui và hài lòng cho bằng một cuộc sống gia đình sung túc, độc lập.
Gia đình là những gì chúng ta cùng nhau trải qua, cùng nhau chia sẻ.
Khi bạn thấy vui trước niềm hạnh phúc của người khác, đó là lúc bạn đã chuyển từ “cái tôi” sang “chúng ta”. Lúc đó bạn cũng sẽ thay đổi cách giải quyết vấn đề và cách nắm bắt các cơ hội. Nhưng sự thay đổi này chỉ diễn ra khi gia đình thực sự là ưu tiên hàng đầu.
Văn hóa gia đình tốt đẹp là văn hóa của “cái chúng ta”. Đó là loại văn hóa giúp chúng ta hòa đồng với nhau, cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, cùng nhau cống hiến và làm nên sự đa dạng trong xã hội và giữa các gia đình. Văn hóa ấy sẽ giúp bạn chống đỡ được những tác động khiến bạn đi chệch hướng - bao gồm điều kiện bất thường bên ngoài chiếc phi cơ (như môi trường văn hóa, kinh tế khó khăn, hay những sự cố bất ngờ mà bạn không lường trước được), lẫn bên trong buồng lái (như những bất đồng, thiếu hụt trong giao tiếp, các chỉ trích, phàn nàn, so sánh, cạnh tranh).
Áp dụng cho gia đình của bạn
Phần lớn các câu chuyện trong cuốn sách này được chia sẻ từ rất nhiều người đã áp dụng 7 Thói quen cho chính gia đình họ. Bạn nên đọc những câu chuyện này để rút ra những nguyên tắc cơ bản, những ý tưởng ứng dụng thực tiễn – theo cách mới và riêng của bạn.
Tôi cũng mong muốn bạn đọc, nếu được, hãy áp dụng những nguyên tắc này cho gia đình bạn ngay từ đầu. Tôi có thể đoan chắc, nếu như bạn chia sẻ và khám phá cuốn sách này cùng với gia đình, những điều bạn học hỏi được sẽ trở nên sâu sắc hơn, có các liên hệ chặt chẽ hơn, bạn sẽ càng yêu thích cuốn sách hơn. Bên cạnh đó, khi chia sẻ cuốn sách này cùng với gia đình thì vợ/chồng bạn hay những đứa con đang ở tuổi vị thành niên sẽ không bị ngạc nhiên trước những suy nghĩ mới cùng những mong muốn thay đổi bất ngờ của bạn. Tôi biết, có một nữ độc giả coi đây như một cuốn sách “bí mật” để giúp bà ấy dò xét đánh giá chồng một cách nghiệt ngã - để rồi chỉ một năm sau đó, gia đình không có lối thoát nào hơn ngoài việc ly dị.
Cùng nhau học hỏi là một sức mạnh to lớn để giúp bạn xây dựng văn hóa “cái chúng ta”. Do đó, nếu được, hãy đọc cho nhau nghe, hãy cùng nhau bàn luận về các câu chuyện, về những ý tưởng nảy ra trong lúc đọc. Bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng việc kể vài câu chuyện trong bữa ăn tối. Hoặc bạn cũng có thể thảo luận kỹ càng hơn. Ở cuối mỗi chương, tôi đều đưa ra một vài gợi ý về cách thực hiện cho gia đình. Bạn có thể xem Biểu đồ 7 Thói quen và các định nghĩa ở trang 507. Hãy kiên nhẫn. Làm từ từ. Hãy tôn trọng khả năng nhận thức của mỗi thành viên trong gia đình. Đừng áp dụng ồ ạt tất cả những điều bạn học được. Hãy nhớ rằng, khi bạn làm việc với gia đình có những lúc “chậm” là “nhanh”, mà “nhanh” lại là “chậm”.
Hãy nhớ, khi bạn làm việc với gia đình có những lúc “chậm” là “nhanh”, mà “nhanh” lại là “chậm”.
Tuy nhiên, một lần nữa, tôi xin tái khẳng định: bạn đang đóng vai trò chuyên gia cho gia đình mình. Bạn có thể đang ở trong tình huống mà bạn không muốn bất kỳ ai xen vào trong lúc này. Hoặc bạn đang gặp phải những vấn đề nhạy cảm khó có thể cùng nhau giải quyết. Hay bạn đang thử xem cuốn sách này có ý nghĩa với bạn hay không, để sau này đem áp dụng cho người khác. Cũng có thể bạn chỉ muốn áp dụng cuốn sách này với chồng hay con cái của bạn.
Điều đó rất đúng! Chính bạn là người biết rõ hoàn cảnh của mình nhất. Qua nhiều năm trải nghiệm 7 Thói quen trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều tôi rút ra được là khi mọi người phối hợp với nhau – cùng nhau đọc sách, thảo luận, trao đổi rồi học những điều mới, lúc đó sự gắn bó giữa các thành viên trở nên thực sự thú vị. Tâm hồn con người đều giống nhau ở một điểm, đó là rất cần được chia sẻ cùng nhau: “Tôi không hoàn hảo. Bạn cũng không hoàn hảo. Chúng ta cùng nhau học tập và trưởng thành”. Khi chia sẻ những điều bạn học được một cách khiêm tốn, không nhằm mục đích “uốn nắn” người khác, lúc đó những lời đánh giá không hay của mọi người về bạn sẽ tan biến đi, và bạn có thể tiếp tục thay đổi một cách “an toàn”, thoải mái và chính đáng.
Cũng cần phải nói thêm với quý độc giả: Đừng thất vọng khi những nỗ lực ban đầu của bạn thất bại. Hãy nhớ, mỗi lần bạn thử nghiệm một điều mới mẻ, bạn đều phải đối mặt với những phản kháng:
“Vẽ chuyện, chúng ta đâu có vấn đề gì!” “Thay đổi thì được lợi lộc gì kia chứ?”
“ Tại sao chúng ta không là một gia đình bình thường đi?” “ Anh đói lắm. Ăn đã nhé!”
“ Anh chỉ còn 10 phút nữa thôi. Anh phải ra ngoài.” “ Con đưa bạn đến nhé?”
“ Con thà xem ti vi còn hơn.”
Hãy cứ mỉm cười và hướng tới phía trước. Tôi cam đoan: những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.
Sự kỳ diệu của cây tre
Cuối cùng, bạn hãy ghi nhớ sự kỳ diệu của cây tre, mỗi khi bạn làm bất cứ điều gì trong gia đình. Loại cây kỳ diệu này, khi bạn gieo hạt, suốt bốn năm liền bạn sẽ không thể nhìn thấy gì ngoài một mầm măng bé xíu nhô lên. Tuy nhiên, chính trong bốn năm đó, cây tre đã bám rễ sâu và phát triển mạnh mẽ trong lòng đất. Rồi chỉ một năm sau, vào năm thứ 5, cây sẽ vọt cao hơn 24 mét!
Trong cuộc sống có rất nhiều điều giống với hình ảnh cây tre kia. Bạn làm việc miệt mài, đầu tư thời gian và công sức, bạn làm tất cả những gì có thể để chăm chút cho một điều gì đó, song nhiều khi bạn chẳng thể nhìn thấy bất kỳ thành quả nào trong nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên nếu bạn kiên trì, tiếp tục làm việc, chăm chút thì đến “năm thứ 5” bạn sẽ bất ngờ trước những thành quả và sự đổi thay mà mình đạt được.
“Không, không, KHÔNG bao giờ được từ bỏ !”
- Winston Churchill
Kiên nhẫn là không chùn bước khi làm việc gì đó, là chăm chỉ siêng năng, là sẵn sàng chịu đựng, hy sinh bản thân mình cho người khác. Kiên nhẫn thể hiện tình yêu. Kiên nhẫn tạo nền tảng cho sự thấu hiểu. Khi hiểu được những hy sinh ấy, chúng ta sẽ biết được đâu là những điểm yếu, đâu là những động lực của mình.
Hay nói như cách của Winston Churchill: “Chúng ta không, không, KHÔNG bao giờ được từ bỏ!”.
Tôi biết một bé gái lúc nào cũng thích chạy ra hiên trước nhà. Mẹ cô bé phải chạy theo, nhắc bé đi vào trong. Một lần cô bé ra ngoài hiên nhưng lúc đó bà mẹ đang bận nên không chạy theo để gọi vào. Một lúc sau, cô bé trở vào trong nhà. Bà mẹ ôm lấy, thủ thỉ bà rất vui khi cô bé quay lại. Cô gái bé bỏng thỏ thẻ: “Mẹ ơi, lúc nào mẹ cũng đi theo con mẹ nhé!”.
Trong tâm hồn mỗi con người, ai cũng mong mỏi một “mái ấm gia đình”, với các mối quan hệ hòa thuận và quan tâm lẫn nhau. Và chúng ta không bao giờ được từ bỏ khát vọng về mái ấm. Cho dù chúng ta thấy mình đang bị chệch hướng đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn có thể từng bước sửa chữa những sai lầm. Ở đây, tôi muốn nói thêm: cho dù con cái bạn đang xa cách bạn đến mức nào đi nữa, hãy kiên nhẫn. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Bởi con cái là xương là máu của bạn. Giống như dụ ngôn của Chúa Jesus về người con hoang đàng: sau khi rời bỏ gia đình, trải qua bao nhiêu vất vả khổ sở, cuối cùng người con hoang đàng quay trở về trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Bạn sẽ giành lại được con cái của mình.
Cũng giống như hình ảnh ẩn dụ về chiếc máy bay, mọi mục tiêu đều trong tầm tay. Hành trình trong đời, vì thế, trở nên phong phú, thú vị và hấp dẫn. Chính cuộc hành trình là một phần của mục tiêu: bất luận trong gia đình hoặc ngoài cuộc sống xã hội, cách bạn đi như thế nào cũng quan trọng như việc bạn đi đến đâu.
Như Shakespeare đã từng viết:
Có những thủy triều trong cuộc đời con người
Mà những ai dám nắm lấy trong cơn lũ sẽ thành công
Còn những ai chạy trốn những thăng trầm của cuộc sống
Sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn trong nông cạn và khổ đau
Ngay giữa đại dương mênh mông, chúng ta vẫn sống
Và chế ngự luồng nước xoáy khi nó đến
Vì nếu không, mọi cơ hội của chúng ta sẽ bị đánh mất.
Chúng ta phải nắm lấy những đợt triều dâng này, cho dù xã hội thay đổi thế nào đi nữa thì trong tâm hồn mỗi người, gia đình vẫn vô cùng quan trọng. Khi tôi hỏi nhiều người trên khắp thế giới về ba điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ, có đến 95% chọn “gia đình” nằm trong Top 3. Trong số đó, có đến 75% đặt gia đình là yếu tố hàng đầu.
Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy, và tôi cho rằng bạn cũng như tôi. Niềm vui sướng và đau khổ nhất của chúng ta đều xoay quanh cuộc sống gia đình. Nói cách khác, “Chẳng có người mẹ nào lại vui khi thấy con mình đau khổ”. Chúng ta muốn tận hưởng niềm vui về một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Và, khi nhận thấy có một khoảng cách giữa cuộc sống gia đình ấm áp như mong muốn với cuộc sống gia đình thực tế, chúng ta sẽ cảm thấy chán nản, mất hết hy vọng. Nhưng vẫn còn hy vọng, lớn lao là đằng khác! Điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là phải bắt đầu từ bên trong và kiên trì với con đường mình đã chọn.
Tôi mong bạn sẽ thành công. Tôi biết gia đình của bạn khác gia đình của tôi. Bạn có thể ly hôn, có thể góa bụa, hay đang cố gắng nuôi con một mình. Bạn có thể đã là ông bà và con cháu đã khôn lớn. Bạn có thể là vợ chồng mới cưới, chưa có con. Bạn có thể là cô, là bác, hay anh chị, họ hàng. Cho dù bạn là ai, bạn vẫn là một phần của gia đình, và tình yêu gia đình chính là sợi dây liên kết mọi người với nhau. Khi quan hệ gia đình tốt, cuộc sống của bạn cũng tốt hơn lên. Tôi hy vọng và tin tưởng, cuốn sách về 7 Thói quen này sẽ giúp bạn xây dựng một nề nếp văn hóa gia đình tốt đẹp, để cuộc sống của mỗi chúng ta nhờ thế trở nên đáng yêu.
Chia sẻ chương sách này cùng các vị phụ huynh và các em thiếu niên
Cuộc sống gia đình cũng giống như một chuyến bay
• Hãy xem lại những mô tả về hình ảnh của một chiếc phi cơ ở trang 15 và 16. Bạn hãy hỏi các thành viên trong gia đình xem họ thấy cuộc sống gia đình giống chuyến bay của một chiếc phi cơ như thế nào.
• Hãy hỏi họ: lúc nào họ thấy gia đình mình “đi chệch hướng”? Họ có thể trả lời là những lúc căng thẳng, xung đột; lúc mọi người đổ lỗi và chỉ trích nhau; hay những lúc cô đơn đau khổ, cảm thấy bất an.
• Hãy hỏi họ: lúc nào họ thấy gia đình mình “đi đúng hướng”? Câu trả lời có thể là lúc các thành viên cùng nhau đi dạo, nói chuyện, thư giãn; hoặc đi chơi xa cùng nhau; hay một chuyến picnic cùng gia đình hoặc một bữa tiệc ngoài trời.
• Hãy khuyến khích các thành viên trong gia đình suy ngẫm về những lúc họ “đi chệch hướng” và hỏi xem nguyên nhân của việc đó là gì, và có thể có những nguyên nhân nào khác ảnh hưởng xấu tới họ không.
• Hãy đọc lại câu chuyện “Tôi đã tìm lại được con trai tôi” ở trang 21 và 24. Hãy hỏi mọi người bằng cách nào để gia đình trở về đúng hướng. Ý tưởng được đưa ra có thể là hãy dành thời gian cho nhau, hỏi han và lắng nghe mọi người, biết tha thứ và xin lỗi, hãy gạt tự ái sang một bên, biết nhường nhịn, có trách nhiệm, biết tôn trọng người khác, làm việc gì cũng phải cân nhắc xem điều gì quan trọng và hậu quả ra sao.
• Hãy đọc lại mẩu chuyện của Sean ở trang 16 “Cha mẹ tôi luôn cố gắng để trở về đúng hướng”, thảo luận làm thế nào để các thành viên trong gia đình có thể nhanh chóng trở về đúng hướng.
Hãy học hỏi cùng nhau
• Hãy hỏi mọi người làm thế nào để cả gia đình có thể học hỏi và chia sẻ với nhau. Câu trả lời có thể là hãy cùng nhau đọc sách, nghe nhạc, đi chơi, tận hưởng những điều mới lạ, tập hợp những bức ảnh và chia sẻ những câu chuyện gia đình. Hãy hỏi những điều này quan trọng với gia đình như thế nào.
• Thảo luận làm thế nào để mọi người trong gia đình cùng đọc và bàn luận về cuốn sách này một cách nhiệt tình.
Không bao giờ là quá muộn
• Hãy nhớ đến câu chuyện kỳ diệu của cây tre ở trang 36 và 37 và “Mẹ luôn theo sau con” ở trang 37. Hãy hỏi mọi người trong gia đình: những câu chuyện này tác động đến suy nghĩ về gia đình như thế nào, cách mọi người đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, và có những điều gì hoặc mối quan hệ nào cần có thời gian để phát triển.
Chia sẻ chương sách này cùng trẻ nhỏ
Hãy chơi một trò chơi
• Hãy bịt mắt một người trong gia đình. Sau đó dẫn người ấy tới một nơi trong nhà, ngoài sân hoặc gần công viên miễn là họ khó có thể quay về vị trí ban đầu khi không nhìn thấy gì cả. Tuy nhiên phải bảo đảm lối đi an toàn, không có bậc thang hay bất cứ vật cản nào.
• Xoay người đó vài vòng, yêu cầu họ phải tìm được đường quay về đúng vị trí xuất phát.
• Hãy cứ để người đó thử trước, rồi sau đó mới hỏi xem họ có cần giúp đỡ hay gợi ý gì không.
• Hãy để họ tự điều chỉnh hướng đi theo những lời chỉ dẫn như “rẽ trái, đi thẳng, rẽ phải”.
• Khi đã quay về an toàn, hãy hỏi họ việc dò đường khi không nhìn thấy gì và không được chỉ dẫn có quá khó hay không. Mỗi bạn nhỏ hãy thử bịt mắt và cố gắng tự tìm đường quay về.
Ý nghĩa của trò chơi
• Giúp cho trẻ hiểu rằng chúng ta đang cùng nhau đi hết cuộc đời nhưng không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy tương lai. Để đi đến đích, bạn cần có sự chỉ dẫn hoặc gợi ý và một vài trợ giúp từ phía gia đình.
• Giúp trẻ hiểu: có một gia đình làm chỗ dựa là điều hết sức tuyệt vời.
• Giúp trẻ hiểu, đối với “lộ trình bay” của gia đình, sự đồng lòng trợ giúp là hết sức quý giá, giống như sự hỗ trợ để tìm đường quay về điểm xuất phát ban đầu trong trò chơi bịt mắt.
Áp dụng
• Hàng tuần mọi người nên họp mặt, thảo luận về lộ trình của gia đình: mọi người có thể làm gì để giúp đỡ, ủng hộ, vui vẻ và gắn bó với nhau trong cuộc đời.
• Hãy đính những lời nhắc nhở về cuộc họp gia đình tiếp theo, tại một vị trí “bắt mắt” trong nhà,
• Hãy lên kế hoạch về những hoạt động thú vị như đi thăm những thành viên khác không sống chung trong gia đình, cùng nhau đi ăn kem, chơi thể thao hoặc chia sẻ những bài học để cho thấy bạn quan tâm đến gia đình. Và, nếu bạn là cha mẹ, bạn luôn ưu tiên cho mái ấm gia đình đến mức nào.