Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 mang điểm nhấn nổi bật, đó là khởi xướng chính sách Đổi Mới của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, kết thúc giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước chi trả, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa (thường gọi là thời bao cấp). Đây là chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội. Qua đó, chính trị Việt Nam cơ bản có nhiều thay đổi, không những về kinh tế, chính trị mà còn thay đổi cả về tư duy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ mới, cũng như chỉ rõ tình hình kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới. Qua đó, có thể có những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, sự ra đời của “Khoán 10” do Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lúc bấy giờ là ông Kim Ngọc tiên phong đã làm thay đổi hẳn tư duy sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. Việc này thể hiện rõ một điều: kinh tế của từng hộ gia đình chính là hạt nhân để làm thay đổi kinh tế nông nghiệp của cả đất nước.
Trải qua bao năm tháng, Đảng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền của cách mạng Việt Nam gặt hái nhiều thành quả to lớn. Việt Nam hôm nay đang trên đà phát triển không thể không nhắc đến ánh sáng chói ngời của lý tưởng Đảng soi đường chỉ lối. Đất nước phát triển và hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực, không thể không nhắc đến những hệ quả tiêu cực. Đó là những vấn nạn ta hay gọi là “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa”. Kiêu ngạo, chủ quan, ích kỷ ở mỗi cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm ở các tập thể và nặng nề, nghiêm trọng nhất là tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Câu nói này càng như đòn bẩy để ta hiểu thêm về nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và người đứng đầu luôn phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Vì thế, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mỗi cá nhân đều phải tu dưỡng trước hết là đạo đức của mình. Chẳng vậy mà Người đã từng bất đắc dĩ bác đơn xin giảm án của Trần Dụ Châu năm nào.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Trước khi sang phía bên kia bầu trời, Người dặn dò với những lời lẽ chân thành, giản dị nhưng cũng đầy nghiêm khắc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.”
Xã hội thay đổi từng ngày, bên cạnh vấn đề biển đảo và chủ quyền lãnh thổ, thì việc cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhiều năm nay vẫn là một vấn đề được ưu tiên. Cho đến thời điểm hiện tại, các thế lực thù địch, chống phá nhà nước hoạt động hết sức tinh vi, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự kiên định trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm phá hủy thành quả cách mạng, cũng như phá hủy chế độ chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Theo quan niệm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Chủ nghĩa xã hội trước hết và tiêu biểu là sự vận động của đời sống hiện thực theo xu hướng xã hội hóa. Nó đối lập với xu hướng tư nhân hóa của xã hội hiện tồn. Vì vậy, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trọng yếu, cấp bách của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng; đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và các cán bộ, đảng viên.