Đầu thế kỷ XX, sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đã làm cho mâu thuẫn dân tộc ở các nước thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt và trở thành một vấn đề mang tính thời đại. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, giai cấp công nhân được giác ngộ về lý tưởng, nâng cao trình độ và hoàn toàn có khả năng, điều kiện trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, liên minh công – nông đã trở thành lực lượng chủ yếu đánh đổ chế độ phong kiến, thành lập nhà nước chuyên chính cách mạng.
Cũng trong thời điểm này ở Việt Nam, các phong trào yêu nước nổ ra mạnh mẽ gắn với tên tuổi của những nhà chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Dù vậy, các phong trào này đều không thành công, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Mặt khác, cũng vì chưa tìm được con đường cách mạng đúng đắn nên phong trào yêu nước trở nên bế tắc. Tình hình lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một chính đảng có đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong lúc đó, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đang trên đường ra đi tìm đường cứu nước. Để hoạt động bí mật, người lấy bí danh Nguyễn Ái Quốc tham gia tích cực các diễn đàn, các đại hội quốc tế và báo chí, lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa. Người tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin và nhận ra chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Những năm 1928-1929, phong trào cách mạng tại Việt Nam đã có bước chuyển biến rõ rệt, từ tự phát sang tự giác. Sự phát triển số lượng và chất lượng của phong trào cách mạng trong cả nước đã đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn (tiền thân là Đảng Tân Việt) lần lượt ra đời.
Trong nước đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, đều ra Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ, khẳng định mục tiêu chính là đấu tranh cho lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên để tránh những mâu thuẫn và nguy cơ chia rẽ không đáng có, nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải thống nhất ba tổ chức này thành một đảng cộng sản duy nhất. Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Trung Quốc để kịp thời nắm bắt tình hình. Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành tại Cửu Long, Hồng Kông dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất, theo một đường lối chính trị đúng đắn đã tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Quá đó, chứng tỏ giai cấp vô sản nước ta trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã thuộc quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản.