Vũ Anh Tuấn
Những ngày tháng đầu tiên
“Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”, đấy là câu nói nổi tiếng mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu khi nhắc đến sự rộng lớn và trên hết là sức ảnh hưởng của người Anh với thế giới, dĩ nhiên có cả bóng đá. Sự thành công của hai cuộc cách mạng công nghiệp giúp nước Anh chinh phục những miền đất mới, trên các con tàu hơi nước, họ vươn mình ra đại dương và ở đấy bóng đá được xem là niềm tự hào để xứ sương mù giới thiệu với thế giới, từ Brazil, Argentina tận Nam Mỹ đến những vùng đất hẻo lánh ở Phi châu, và dải đất Địa Trung Hải cũng không phải là một ngoại lệ.
Cuối thế kỉ XIX, với những hải cảng lớn nằm ở Livorno, Genoa, Palermo và Naples, người Italia nhanh chóng lĩnh hội tinh hoa mới của nước Anh thông qua các thủy thủ. Trong khi ở các đô thị khác như Turin hay Milano, bóng đá đến từ những người Italia trở về từ nước Anh. Ba nhân vật quan trọng nhất cho việc đặt nền móng của Calcio gồm Edoardo Bosio, James Richardson Spensley và Herbert Kilpin. Họ là một người Thụy Sĩ gốc Italia (Edoardo Bosio) và hai người Anh (James Spensley, Herbert Kilpin) đã đem quả bóng tròn đến ba thành phố kinh tế lớn nhất của miền Bắc gồm Turin, Genova và Milano, trong đó cha đẻ của màu áo Đỏ-Đen AC Milan là Herbert Kilpin.
“Màu áo của đội phải là màu đỏ, vì chúng ta là những con quỷ. Thêm chút màu đen nữa để làm khiếp sợ đối thủ.” Đấy là câu nói bất hủ của Herbert Kilpin về lí do ra đời của màu áo Đỏ-Đen huyền thoại hay Rossoneri theo tiếng Ý. Bây giờ, nếu đến Milano và ghé thăm nghĩa trang nổi tiếng Cimitero, sẽ không khó để bạn tìm thấy ngôi mộ của Herbert hay “Alberto” Kilpin, theo cách gọi trìu mến của người Italia dành cho ông. Ở nơi an nghỉ cuối cùng của mình, ông được chôn cất đầy tôn kính bên cạnh những bậc vĩ nhân khác của Milano, bởi lẽ đơn giản, người đàn ông này đã có công lớn khai sinh ra một AC Milan vĩ đại của ngày hôm nay.
Sinh ra ở thành phố Nottingham, Kilpin vốn là con trai của một người bán thịt lợn. Cuộc sống trôi qua bình dị với ông cho đến ngày chàng trai 21 tuổi ấy gặp gỡ Thomas Adams, một thương lái ngành dệt may, vốn ấn tượng với vẻ tháo vát của Kilpin. Năm 1891, Adams gửi Kilpin đến Turin làm việc cho người bạn của mình là Edoardo Bosio, một chuyến đi định mệnh đã kết nối hai con người có cùng đam mê với quả bóng tròn. Nhưng thời gian kéo dài không lâu vì năm 1897, ông chủ Adams phái Kilpin đến Milano, kinh đô thời trang và công nghiệp dệt may của Italia, còn Bosio ở lại Turin để lập nên Câu lạc bộ Bóng đá và Cricket Torino.
Tại Milano, gạt công việc thường nhật sang một bên, tâm trí của chàng trai người Anh chỉ xoay quanh quả bóng tròn. Đam mê ấy giúp ông hội ngộ những người đồng hương của mình. Theo sử sách ghi lại, ngày tháng thành lập AC Milan vẫn còn là bí ẩn, chỉ biết tháng 12-1899, tại quán bar Fiaschetteria Toscana, một nhóm năm người Anh trong đó có Herbert Kilpin, Alfred Edwards và Samuel Davies quyết định khai sinh ra “Câu lạc bộ Bóng đá và Cricket Milan”. Cũng chính vì những tiền nhân đầu tiên của câu lạc bộ là người Anh nên sau này tên chính thức của đội bóng được phát âm theo tiếng Anh là AC Milan thay vì Milano như tiếng Ý, trường hợp này giống với câu lạc bộ Genoa (trong khi đó, Inter được gọi đầy đủ và chính xác là “câu lạc bộ bóng đá Internazionale Milano”, chứ không phải “Inter Milan”). Ở đội bóng mới, doanh nhân Edwards giữ ghế chủ tịch, thủ quân của đội là David Allison, nhưng ngôi sao sáng nhất của Milan ở buổi bình minh ấy phải là Herbert Kilpin, người đã làm toát lên những trang sử hào hùng đầu tiên của một Milan non trẻ.
Vào thời điểm mà bóng đá mới chỉ manh nha ở Italia thì thời gian chơi bóng ở quê nhà Nottingham cho câu lạc bộ Giuseppe Garibaldi (tên người anh hùng dân tộc giúp thống nhất nước Ý) thực sự biến Kilpin trở thành đầu tàu ở Milano, đơn giản là khi ấy không có cầu thủ nào có nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn ông. Cùng với bác sĩ Spensley ở Genoa, Herbert Kilpin là hai vì sao sáng đầu tiên của Calcio. Theo sử sách ghi lại, trừ vị trí thủ môn, Kilpin có khả năng đá ở mọi vị trí trên sân. Sự xuất sắc của Kilpin giúp Rossoneri vươn mình trở thành một quyền lực ở Calcio trong những năm tháng đầu tiên với 3 chức vô địch quốc gia cho đến trước năm 1908. Ông chơi bóng cho Milan đến năm 43 tuổi, sau đó giải nghệ và trở thành một trọng tài. Tài năng và sự ngẫu hứng của Kilpin ở thời điểm ấy được kể lại qua những giai thoại, như theo huấn luyện viên Vittorio Pozzo, Kilpin có thói quen để một chai rượu Whisky ở phía sau khung thành, mỗi khi đội nhà thủng lưới, ông sẽ làm một ngụm để vơi đi nỗi buồn. Song một biến cố lớn đã đến và làm thay đổi lịch sử của bóng đá thành Milano mãi mãi.
Đầu thế kỉ XX, ảnh hưởng từ quả bóng tròn lan rộng ra mọi ngõ ngách của Italia, với sự xuất hiện của hàng loạt đội bóng trên mọi miền cả nước. Nhưng có một thực tế rõ ràng, cuộc chơi ở Calcio chịu sự chi phối rất lớn bởi các ngoại binh từ Anh, Đức, Thụy Sĩ… Họ là trụ cột chiếm giữ những vị trí quan trọng ở đa phần các đội bóng. Ngoại trừ ở Juventus, vị thế của những người Italia lại khá mờ nhạt ở sân cỏ Calcio vào thời điểm đó. Tệ hơn, vấn đề bị chính trị hóa bởi những phe phái bảo thủ ở Italia khi các chính khách cho rằng, sân cỏ Calcio chỉ nên dành cho người Italia.
Bối cảnh đó đẩy Liên đoàn Bóng đá Italia (khi ấy là FIF) vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bởi một mặt, họ không thể bạc đãi ngay những công thần khai sáng Calcio, mà ở đây là những cầu thủ nước ngoài, trong khi chịu sức ép từ chính quyền vốn mang nặng tư tưởng bài ngoại. Trước tình thế đó, ngày 20-10-1907, Chủ tịch Zaccaria Oberti của đội bóng Andrea Doria (tiền thân của Sampdoria sau này) đưa ra đề xuất là FIF sẽ tổ chức hai giải đấu song song, đó là Coppa Buni, giải đấu chỉ dành cho các cầu thủ bản địa và Coppa Spensley dành cho tất cả. Song đó lại là bước đi đẩy sân cỏ Calcio vào hoàn cảnh hỗn loạn khi các đội bóng không thể tìm thấy tiếng nói chung với cấp Liên đoàn và phản đối bằng cách từ chối tham dự các giải đấu. Một giai đoạn cực kì sóng gió cho bóng đá Italia và hệ lụy lớn nhất chính là sự bất mãn từ các ngoại binh sau cách họ bị hành xử, mở đường cho một trong những cuộc chia ly nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Ngày 9-3-1908, sau những bất đồng không thể dung hòa với Chủ tịch Milan khi ấy là Gianni Camperio về quyền chơi bóng của những ngoại binh, 44 thành viên của Rossoneri được dẫn đầu bởi Giorgio Muggiani quyết định ra đi và lập nên một đội bóng mới của riêng mình. Muggiani vốn là một họa sĩ, với khả năng lãnh đạo và tầm nhìn xa của mình, ông đã chọn tên cho đội bóng là FC Internazionale Milano, Milan Quốc Tế hay đơn giản là Inter. Với màu áo Xanh-Đen, vốn được thủ lĩnh Muggiani lấy cảm hứng từ bầu trời tự do, đội bóng sẽ chào đón tất cả những ai muốn chơi bóng mà không hề có sự phân biệt đối xử rằng anh là người Italia hay ngoại quốc. Như một định mệnh, sự ra đi của 44 con người xuất sắc đã vận vào chính số phận của Milan thời điểm đó, khi Rossoneri bước vào chương đen tối bậc nhất trong lịch sử câu lạc bộ, khi đã mất đúng 44 năm sau để giành được Scudetto tiếp theo.
Piero Pirelli, bóng đêm và phát kiến San Siro
“Về mặt lịch sử, AC Milan đã trải qua nhiều thăng trầm. Trước khi chia tách thành Inter, chúng tôi đã giành được 3 Scudetto để rồi sau đó hứng chịu quãng thời gian trắng tay lâu nhất lịch sử câu lạc bộ.” Đó là góc nhìn của Barbara Ballardini, một Milanisti trong cuốn sách Mad for it: From Blackpool to Barcelona. Việc mất đi những con người ưu tú đã bào mòn nghiêm trọng lực lượng cả trong và ngoài sân cỏ của Rossoneri. Chính trong cơn khủng hoảng ấy, một nhân vật đã xuất hiện để đưa con tàu Đỏ-Đen vượt qua sóng gió, ông là Piero Pirelli, cái tên không được lớp hậu bối sau này biết đến nhiều.
Bây giờ, khi nhìn vào ngực áo của Inter, bạn sẽ thấy dòng chữ Pirelli, đấy là hãng lốp xe nổi tiếng thế giới vốn hay xuất hiện trong các cuộc đua xe công thức 1, nhưng Pirelli cũng đồng thời là nhà tài trợ trong hơn 20 năm của Nerazzuri, mối lương duyên lâu bậc nhất của bóng đá thế giới. Kì lạ thay, Piero Pirelli lại là con trai của người sáng lập hãng lốp xe này, Giovanni Battista Pirelli và cũng là một Milanista trung thành. Sinh ngày 27-1-1881 ở Milano, Piero Pirelli sớm có tình yêu mãnh liệt với bóng đá, và tình yêu ấy là dành cho màu áo Đỏ-Đen. Đặc biệt hơn khi trong kỉ nguyên sơ khai của Calcio, mà thành phần của các đội bóng hầu hết là người Anh, thì ông đã từng khoác lên mình màu áo Đỏ-Đen và là thành viên của đội hình đã giành chức vô địch quốc gia năm 1901. Với dòng máu Đỏ-Đen luôn hừng hực trong huyết quản của mình, Piero Pirelli đã không làm ngơ lúc đội bóng rơi vào cuộc khủng hoảng sau cảnh chia ly vào năm 1908, khi chỉ một năm sau ông trở thành chủ tịch mới của Milan. Lí do rất đơn giản là danh tiếng từ hãng lốp xe của cha mình cùng với nền tảng tài chính vững vàng đã giúp Piero Pirelli trở thành người lèo lái con tàu Đỏ-Đen vượt qua sóng gió.
Đó là thời điểm mà Italia nằm trong tay của chính quyền phát xít; cũng giống như Adolf Hitler ở Đức, tư tưởng của Benito Mussolini khi ấy là kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân, bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Sự áp đặt của chính quyền khiến hiện tượng các đội bóng sáp nhập hay bị xóa sổ xuất hiện nhan nhản ở Calcio chỉ để phục vụ mục tiêu chính trị. Như AS Roma chẳng hạn, họ là sự sáp nhập của ba đội bóng ở Rome là Roman FC, SS Alba Audace và Fortitudo Pro Roma. Trong khi người anh em Inter buộc phải đổi tên thành Ambrosiana để tồn tại, thì Milan cũng vậy, khi từ Câu lạc bộ Bóng đá và Cricket Milan, họ chuyển sang tên mới là Câu lạc bộ Bóng đá Milan. Trong giai đoạn khó khăn này, dù sở hữu chân sút cự phách Aldo Boffi, người đã 3 lần giành ngôi Vua phá lưới Serie A thì thành tích tốt nhất của Milan trên sân cỏ chỉ là vị trí thứ 3 ở hai mùa giải 1937-38 và 1940-41. Nhưng kỉ nguyên của Piero Pirelli lại được nhớ đến bởi một phát kiến đầy táo bạo bên ngoài sân cỏ của doanh nhân trẻ tuổi này.
Ở thời kì sơ khai của Calcio, vấn đề sân bãi hoàn toàn nằm ngoài tầm với của các câu lạc bộ, một hoàn cảnh khá giống bây giờ khi các sân vận động thuộc quyền quản lí của chính quyền địa phương. Sân đấu được xem là tầm cỡ đầu tiên nằm ở miền Trung, đó là Renato Dall Ara, sân nhà của Bologna và tại sao lại là đội bóng này chứ không phải ở Turin hay Milano? Vì đơn giản họ là đội bóng của chính quyền phát xít Mussolini, khi thời điểm đó lãnh đạo của FIGC là Leandro Arpinati, thành viên cốt cán của đảng cầm quyền. Chi tiết quan trọng hơn là nhân vật Arpinati vốn sinh ra ở Bologna và ông quyết tâm dùng ảnh hưởng của mình để củng cố sức mạnh cho Bologna. Trong giai đoạn này đội bóng vùng Emilia Romagna giành đến 5 chức vô địch Serie A. Sau Renato Dall Ara, doanh nhân Piero Pirelli nung nấu ý tưởng về sân đấu riêng cho Milan, với sự trợ giúp từ ông trùm Mussolini, một San Siro mới toanh đã chào đời.
Ở thời điểm ấy, chính quyền phát xít có tham vọng “Grande Milano” nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thành phố này với nhiều thị trấn lân cận được sáp nhập vào Milano để mở rộng diện tích. Trong đó, việc xây dựng một trung tâm thể thao tầm cỡ cho Milano được quan tâm hàng đầu. Dưới con mắt nhạy bén của một doanh nhân, Piero Pirelli lập tức vẽ ra kế hoạch xây dựng một sân đấu mới cho Milan thay vì cứ phải lang bạt hết từ Acquabella đến Ripa Ticinese ở vùng Lombardia. Bởi quan điểm của Piero Pirelli rất rõ ràng, phải an cư mới lạc nghiệp, chỉ có một cơ ngơi hiện đại mới nâng tầm vị thế Rossoneri. Vì lẽ đó, 5 triệu lire được chi ra cho dự án xây dựng tại quận San Siro, vốn cách không xa quảng trường Doumo.
Sân bóng mới được thiết kế bởi kiến trúc sư Alberto Cugini và mất 13 tháng để công trình hoàn thành kể từ ngày khởi công vào năm 1925. Với sức chứa khoảng 35.000 người, San Siro những ngày đầu tiên có lối kiến trúc phảng phất theo các sân bóng của Anh thời đó với bốn khu khán đài không liền kề. Năm 1935, Milan bán lại sân San Siro cho chính quyền thành phố, mãi cho đến năm 1947 thì người anh em Inter mới chính thức chọn sân đấu này là sân nhà. Thế còn tên gọi thì sao, San Siro hay là Giuseppe Meazza?
Theo UEFA, năm 1980, sân đấu này chính thức được đặt tên là Giuseppe Meazza để tri ân huyền thoại lớn của Milano đã khoác áo cho cả Inter và AC Milan trong những năm của thập niên 30, 40. Dù đến Rossoneri ở tuổi xế chiều sau những vinh quang thấm đẫm cùng Inter, Meazza vẫn được nhớ đến ở Milan với vị thế của một siêu sao ở thời điểm ấy. Về mặt lí thuyết, phe Inter sẽ gọi là Meazza, còn Milan là San Siro. Tuy vậy, người Italia cũng không quá khắt khe trong việc gọi tên thế nào cho đúng. Bởi nếu ghé qua trang chủ Inter, thì đôi khi bạn vẫn sẽ thấy cách gọi là San Siro và các Interista cũng vậy, trong khi các Milanista đương nhiên thích gọi là San Siro, bởi đó là cách nhắc họ nhớ đến thời điểm mình là người chủ đầu tiên của sân đấu huyền thoại này. Được mệnh danh là nhà hát “La Scala De Calcio”, San Siro không chỉ là niềm tự hào của Milano mà là cả Italia, khi sân bóng này chính là nơi nắm giữ linh hồn của Calcio qua năm tháng với những chiến công hiển hách từ hai màu áo nổi tiếng của thành Milano.
Với Piero Pirelli, ông có đến 20 năm làm chủ tịch Milan nhưng các sử gia Calcio cho rằng, quãng thời gian nắm quyền thực sự của ông kéo dài đến 28 năm, nghĩa là chỉ kém duy nhất kỉ nguyên sau này của Silvio Berlusconi. Nhưng khá kì lạ, khi không nhiều lớp Milanista hậu bối biết đến ông, bởi đơn giản là ngoài công trình mang tên San Siro, 44 năm trắng tay đã làm mờ nhạt đi rất nhiều hình ảnh của Piero Pirelli. Các sử gia nhấn mạnh, trong giai đoạn rối ren của thời cuộc ấy, khi rất nhiều đội bóng đã bị xóa sổ hay sáp nhập thì chuyện Milan vẫn có thể đi qua sóng gió là chiến công phải được thừa nhận cho Piero Pirelli và cộng sự của mình. Và một khi bóng đêm đã đi qua, ánh bình minh giờ mới ló rạng cho AC Milan.
Trỗi dậy sau màn đêm
Ngày 1-9-1939, rốt cuộc tiếng súng đã vang lên ở mặt trận phía Tây châu Âu mở màn cho Thế chiến thứ Hai, cuộc chiến đã làm xáo trộn hoàn toàn đời sống bóng đá thế giới, khi từ World Cup cho đến các giải vô địch quốc gia đều bị hoãn vô thời hạn. Nhưng khá kì lạ, sân cỏ Calcio lại là một ngoại lệ, dù Italia là thành viên quan trọng của phe phát xít. Sử sách ghi lại, Serie A vẫn tiếp tục các trận đấu cho đến năm 1943, trước khi bị tạm hoãn một năm, nhưng không vì thế mà các đội bóng giải tán, họ vẫn ra sân ở các giải đấu cấp vùng cho đến năm 1945 khi Serie A chính thức tranh tài trở lại.
Những năm của thập niên 30, 40 chứng kiến sức mạnh thống trị của Bologna, Juventus và đặc biệt là Torino với thế hệ cầu thủ vĩ đại vốn tạo nên giai thoại “Il Grande Torino” lừng lẫy trong lịch sử với 6 Scudetto trong vòng 10 năm. Nhưng vào ngày 4-5-1949 định mệnh, thảm họa Superga đã xóa sổ hoàn toàn đội bóng vĩ đại ấy, đồng thời tạo ra bước ngoặt lịch sử mãi mãi của Calcio, với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ thành Milano, trong đó mở đường chính là màu áo Đỏ-Đen, với sự xuất hiện của một tài năng chỉ bốn tháng trước ngày xảy ra thảm họa Superga.
Mùa giải 1948-49, hàng công của Milan khi ấy gồm ba cái tên là Hector Puricelli, Aurelio Santagostino, Riccardo Carapellese, họ không phải những chân sút tồi nhưng để thách thức quyền lực của Valentino Mazzola và đế chế “Il Grande Torino”, xem ra những tài năng ấy là quá xoàng xĩnh. Vì thế, Milan cần một họng súng cự phách hơn nhiều, điều đã luôn ám ảnh trong suy nghĩ của Giám đốc Thể thao Toni Busini. Ở thời điểm bấy giờ, nguồn cung ứng ngoại binh cho Calcio chủ yếu đến từ khu vực Trung Âu và Nam Mỹ. Nhưng cái khó cho các “Scout” là sau Thế chiến thứ Hai, các giải đấu quốc tế đều bị ngưng trệ từ World Cup đến giải vô địch châu Âu, vì thế sân chơi duy nhất mang đến tia hi vọng cho việc săn tìm tài năng là Olympic London 1948.
Đó là giải đấu vô cùng thành công cho bóng đá Bắc Âu khi Thụy Điển giành tấm huy chương Vàng trong khi Đan Mạch giành hạng Ba. Đáng chú ý là sự xuất hiện của hai chân sút lạ lẫm John Hansen (Đan Mạch) và Gunnar Nordahl (Thụy Điển), khi cùng nhau chia sẻ ngôi Vua phá lưới với 7 bàn thắng. Chính vệt sáng trên bầu trời London mùa hè 1948 đã dẫn lối cho cả hai đến với sân cỏ Calcio, khi John Hansen đầu quân cho Juventus còn Gunnar Nordahl chọn AC Milan, sau chuyến công cán của ông Toni Busini đến Bắc Âu vào tháng 1-1949.
Chỉ năm ngày sau khi đặt chân đến San Siro, chân sút Thụy Điển có màn ra mắt trước các Milanista và ngay lập tức, giá trị của Gunnar Nordahl được chứng minh bằng bàn thắng quyết định giúp Rossoneri hạ Pro Patria 3-2. Chỉ một tuần sau đó, cảm xúc còn thăng hoa hơn khi ông lập cú đúp trong trận Derby Milano với Inter. Kết thúc mùa giải năm ấy, Nordahl ghi 16 bàn thắng, số pha lập công ngang ngửa với thủ quân Valentino Mazzola, thành tích quá tuyệt cho chàng tân binh đến từ Bắc Âu. Nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu cho mối lương duyên tuyệt đẹp của AC Milan và những người Viking huyền thoại.
Milano, một ngày mùa hè 1949. Tiếng gõ cửa chợt vang lên từ văn phòng của Chủ tịch Milan Umberto Trabattoni, và đó là Gunnar Nordahl. “Ở Thụy Điển, tôi có hai người bạn chơi bóng rất cừ, đó là Gunnar Gren và Nils Liedhom, tôi thành thật khuyên ngài chủ tịch hãy mang họ về đây”, ý kiến của Nordahl lập tức thu hút ánh nhìn từ Chủ tịch Umberto Trabattoni, cho đến con rể ông là Toni Busini. Không chút do dự, chỉ vài tuần sau, vị giám đốc thể thao của Milan lên đường đến Thụy Điển lần thứ hai và ít ai biết rằng, chuyến đi ấy đã tạo ra ngã rẽ lịch sử mãi mãi cho màu áo Đỏ-Đen với sự ra đời của tam tấu huyền thoại Gre-No-Li.
Sở trường của Gunnar Gren là vị trí tiền vệ tấn công, với biệt danh “Il Professore” (Giáo sư), người Italia muốn nhấn mạnh đến lối chơi đầu óc của Gren, trong khi “Ngôi sao phương Bắc” Nils Liedhom được ví von như lá phổi ở hàng tiền vệ với khả năng càn quét để làm điểm tựa vững chắc cho hai người bạn ở hàng công. Mùa giải 1948-49, Milan ghi 83 bàn thắng, nhưng chỉ sau đó một năm, với sự góp mặt của tam tấu Gre-No-Li, hàng công Rossoneri đã chơi cực kì thăng hoa với 118 bàn thắng, trong đó chỉ riêng bộ ba này đã ghi đến 71 bàn. Dù Milan không thể vượt qua Juventus trong cuộc đua đến Scudetto, nhưng 35 bàn thắng trong một mùa giải của Gunnar Nordahl là kỉ lục trụ vững đến 66 năm trước khi bị xô đổ bởi hậu bối Gonzalo Higuain với 36 pha lập công ở mùa giải 2015-16 trong màu áo Napoli.
Rốt cuộc, đến mùa giải 1950-51, sau 44 năm chờ đợi, Scudetto đã tìm về với màu áo Đỏ-Đen, chấm dứt một kỉ nguyên dài tăm tối cho AC Milan để mở ra cánh cửa vinh quang phía trước. Tính cho đến khi người Viking cuối cùng giã biệt San Siro là Nils Liedhom vào năm 1961, Rossoneri giành được 4 Scudetto, 2 Coppa Latina (giải đấu của các câu lạc bộ Nam Âu), nhưng điều quan trọng nhất là vị thế của màu áo Đỏ-Đen hoàn toàn thay đổi khi vươn mình trở thành một quyền lực của Calcio. Nền tảng vững chắc ấy được kiến tạo bởi thế hệ cầu thủ Italia xuất sắc như Lorenzo Buffon, Omero Tognon, Carlo Annovazzi và thế hệ đầu tiên của dòng họ Maldini - trung vệ Cesare.
Catenaccio, quả đấm thép từ Milano
Năm 1954, San Siro chứng kiến sự thay đổi thượng tầng khi Chủ tịch Umberto Trabattoni quyết định nhượng lại quyền sở hữu AC Milan cho Andrea Rizzoli, người đàn ông hoàn toàn xa lạ với Calcio. Sinh ra ở Milano vào năm 1914, Andrea có xuất thân quyền quý khi cha ông là nhà tài phiệt truyền thông nổi tiếng, đó là Angelo Rizzoli, người không chỉ nắm giữ cổ phần ở những tờ báo như Annabella, Bertoldo, Candido mà còn là nhà sản xuất điện ảnh tên tuổi. Tuy ngoại đạo với Calcio, nhưng tân Chủ tịch Andrea Rizzoli mang theo dự án đầy tham vọng cùng AC Milan. Chỉ không lâu sau khi nắm quyền, ông mang về bom tấn có tên Juan Alberto Schiffiano, nhà vô địch thế giới người Uruguay, cầu thủ vốn nổi tiếng khi sút tung lưới Brazil tại Maracana ở World Cup 1950. Bản hợp đồng này như một sự đảm bảo rằng Milan sẽ không hề bị động nếu ngôi sao Gunnar Nordahl ra đi.
Vào những năm 30, thế giới bóng đá bắt đầu manh nha một quan điểm, trường phái và ý tưởng hoàn toàn mới về bóng đá, đó là việc tập trung ngăn chặn hoàn toàn mọi ý đồ tấn công của đối thủ và chực chờ cơ hội phản công. Phát kiến đó đến từ Thụy Sĩ bởi huấn luyện viên Karl Rappan, khi ông quyết định rút một cầu thủ ở hàng công ba người vốn thịnh hành khi ấy để bổ sung cho hàng thủ. Nhưng thay vì có nhiệm vụ kèm chặt một cầu thủ cụ thể thì vị trí phòng ngự mới này sẽ linh hoạt trong việc hóa giải sức ép, qua đó bọc lót cho hai trung vệ dập, nguyên nhân cho sự ra đời của vị trí trung vệ thòng hay Libero về sau. Tại Calcio, người đầu tiên áp dụng ý tưởng này là Giuseppe “Gipo” Viani khi dẫn dắt câu lạc bộ nhỏ bé Salernitana, nhưng thứ bóng đá “Vianema” của huấn luyện viên Viani lại chỉ biết phòng ngự thật chặt chứ chưa thể khơi gợi ý đồ phản công, đó là điểm khác biệt cơ bản với nền tảng của Catenaccio, dù vậy tên tuổi của huấn luyện viên Gipo Viani vẫn trở nên nổi bật ở Calcio khi ấy bởi ý tưởng táo bạo này.
Lại nói về Milan, mùa giải 1955-56 là thời điểm chứng kiến sự ra đời của Cup C1 châu Âu, giải đấu quy tụ những nhà vô địch của Lục Địa Già. Với tham vọng của mình, Chủ tịch Andrea Rizzoli đặt ra mục tiêu chinh phục chiếc cúp này. Nhưng tham vọng ấy vấp phải kỉ nguyên vĩ đại của Real Madrid và “Mũi Tên Bạc” Di Stefano. Bị loại ở bán kết, Chủ tịch Rizzoli càng nung nấu quyết tâm bằng quyết định bổ nhiệm Gipo Viani lên ghế huấn luyện viên trưởng thay cho Hector Puricelli. Một trang sử vẻ vang mới lại được mở ra với màu áo Đỏ-Đen.
Ngoài nhãn quan chiến thuật sắc bén thì Gipo Viani còn được nhớ đến như một bậc thầy trong việc khai quật những tài năng cho Milan. Ngay trong mùa hè năm 1956, Gipo Viani đã tuyển mộ một loạt cái tên lạ lẫm cho Rossoneri nhưng sau này đều trở thành trụ cột trong kỉ nguyên của ông như Gastone Bean (Piacenza), Luigi Zannier (Atalanta) hay Carletto Galli (AS Roma), nhưng tài năng nổi tiếng nhất là José Altafini, nhà vô địch World Cup 1958 cùng Brazil. Với biệt danh “Lo Sceriffo” (Cảnh Sát Trưởng), cá tính mạnh mẽ, gai góc của Viani lập tức tạo ra sức bật cho Milan, khi thu phục được các ngôi sao trong phòng thay đồ.
Vốn nổi tiếng với thứ bóng đá “Vienema” ở Salernitana, nhưng khi đến Milan, ông đã chuyển sang thứ bóng đá tấn công ngẫu hứng. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Scudetto đã đến với Viani và Milan, nhưng đỉnh cao đến một năm sau đó khi màu áo Đỏ-Đen lần đầu tiên lọt vào chung kết Cup C1 châu Âu sau khi lần lượt đánh bại những đối thủ như Borussia Dortmund và Manchester United. Nhưng một lần nữa, Milan lại lỗi hẹn với vinh quang ở châu lục, sau thất bại 2-3 trước một Real Madrid vĩ đại nhất thế kỉ XX, dù sử sách ghi lại rằng thầy trò Gipo Viani đã chơi một trận để đời, khi khiến trận đấu phải bước vào hiệp phụ sau khi hòa 2-2.
Nhờ kĩ năng quản lí tuyệt vời mà huấn luyện viên Gipo Viani được Chủ tịch Andrea Rizzoli trao luôn trọng trách chuyển nhượng và điều hành đội bóng. Vì lẽ đó, ông có thể xem là hình mẫu “Manager” đầu tiên của Calcio trong kỉ nguyên hiện đại, nhưng tên tuổi của Gipo Viani chỉ được nhớ đến bởi hai phát kiến vĩ đại cho AC Milan là Nereo Rocco và Gianni Rivera. Năm 1960, sau khi trở về từ Olympic Rome cùng đội tuyển Italia, một cơn đau tim đã khiến Gipo Viani phải nói lời giã từ với nghiệp huấn luyện để chuyển hẳn sang vai trò giám đốc thể thao ở Milan. Trên cương vị mới của mình, cặp mắt xanh của Lo Sceriffo đã mang về San Siro Gianni Rivera vào năm 1960 từ Alessandria và sau đó một năm là Nereo Rocco, huấn luyện viên giúp Milan chinh phục trời Âu.
“Ở Nereo Rocco, bạn sẽ thấy một nửa lịch sử của bóng đá Italia”, nhà báo Giovanni Arpino và Alfio Caruso đồng quan điểm về nhận định này, khi đơn giản vị huấn luyện viên Milan là người khởi xướng cho linh hồn của bóng đá Italia mang tên Catenaccio.
Nếu Helenio Herrera là nhà truyền giáo Catenaccio xuất sắc, thì Nereo Rocco là vị Chúa của trường phái này. Rocco chính là huấn luyện viên đầu tiên của Calcio hiện thực hóa ý tưởng về Catenaccio trên sân cỏ khi dẫn dắt các đội bóng tỉnh lẻ trong hai thập niên 40, 50. Như ở Triestina chẳng hạn, ông khiến các đối thủ vô cùng khó chịu với kiểu phòng ngự đổ bê tông và phản công chớp nhoáng. Nền tảng cho lối chơi này là việc các cầu thủ được yêu cầu di chuyển liên tục từ việc gây sức ép, lùi về phòng ngự và kèm người. Là một hậu vệ của Nereo Rocco, bạn sẽ nhận được chỉ thị rằng hãy theo sát tiền đạo đối phương từ phòng thay đồ đến tận toilet.
Là hai chiến lược gia cùng thời và tạo dựng tên tuổi từ Catenaccio nhưng cá tính của Helenio Herrera và Nereo Rocco lại trái ngược nhau. Bởi nếu như huấn luyện viên người Argentina theo chủ nghĩa quân phiệt khi cực kì nghiêm khắc với các học trò bao nhiêu, thì “El Paron” lại vui vẻ và thoải mái bấy nhiêu. Nhưng trên sân cỏ, hình ảnh của Rocco luôn bùng cháy theo diễn biến trận đấu, sử sách ghi lại thói quen khi ông luôn đứng để hò hét các học trò từ đầu đến cuối, một phong cách đã ảnh hưởng rất lớn đến học trò của ông ở Milan là Giovanni Trapattoni (nếu là một Tifosi, hẳn bạn sẽ thấy hình ảnh ấy từ “Trap”). Tuy vậy, không phải ai cũng có thể thích ứng với lối đá này, tiêu biểu nhất chính là ngôi sao người Anh Jimmy Greaves, khi chỉ sau 10 trận đấu, ông đã buộc phải hồi hương vì không thể làm quen với chiến thuật hà khắc của El Paron.
Điểm chung tạo nên thành công trong kỉ nguyên vàng của Catenaccio ở thập niên 60 là ngoài những hậu vệ trứ danh, lối đá này sẽ thất bại nếu không sở hữu những ngôi sao tấn công thượng thừa. Nếu ở Inter có Jair, Luis Suarez và Sandro Mazzola thì tại Milan, El Paron sở hữu một nhà đạo diễn sân cỏ xuất sắc là Gianni Rivera, học trò và cũng là người bạn mà Rocco cực kì trân quý. Bởi nếu huấn luyện viên đến từ Trieste là vị thuyền trưởng vĩ đại, thì vai trò của Rivera chính là hoa tiêu cho con tàu mang tên Milan vượt qua sóng gió. Để nói về sự chiều chuộng của Rocco với Rivera, sử sách vẫn còn lưu giữ câu chuyện ngày ấy ở Milan rằng, trong đội hình của Rossoneri thì ai cũng phải tham gia phòng ngự nhưng riêng Gianni Rivera được thoải mái sáng tạo những gì mình thích. Chưa đủ, Rocco còn bố trí thêm một tiền vệ đánh chặn nhằm giải tỏa sức ép cho số 10. Và cặp mắt xanh của Rocco hoàn toàn có lí khi làm như vậy, bởi tài năng của Rivera chính là sự khác biệt của Milan ở những thời điểm quan trọng nhất. Để miêu tả về nhạc trưởng của Đỏ-Đen, nhà báo huyền thoại Gianni Brera nghĩ ra cái tên I’Abatino (vị linh mục trẻ) để đặt cho Rivera, với hàm ý nhấn mạnh sự thanh tao trong lối chơi của ông, mẫu cầu thủ không hề dùng đến cú tắc bóng hay phải lao vào những pha tranh chấp quyết liệt để tạo ra điểm nhấn, bởi mẫu cầu thủ như Rivera quá hào hoa, sang trọng để làm thế. Cũng chỉ có số 10 của Milan mới khiến nước Ý phải chia rẽ vì mình trước thềm World Cup 1970. Nhưng trước đó bảy năm, Rivera để lại dấu ấn bất hủ cùng Milan ở Wembley khi rốt cuộc, đỉnh cao châu Âu đã phấp phới ngọn cờ Đỏ-Đen.
Wembley ngày 22-5-1963, Milan bị đánh giá thấp hơn nhiều so với một Benfica lừng lẫy của Eusebio, bởi khi ấy đội bóng của Lisbon chính là cái tên chấm dứt kỉ nguyên thống trị của Real Madrid và Di Stefano với hai chức vô địch châu Âu liên tiếp. Nhưng đấy là ngày mà Catenaccio lên đỉnh vinh quang khi đã chế ngự thành công “Báo Đen” và có màn lội ngược dòng đầy ấn tượng, trong đó nổi lên là sự xuất sắc của cặp bài trùng José Altafini và Gianni Rivera, khi số 10 tung ra cả hai pha kiến tạo thần sầu cho tiền đạo gốc Brazil. Đánh bại Benfica, màu áo Đỏ-Đen trở thành đội bóng đầu tiên của Calcio vô địch Cup C1 châu Âu, một định mệnh vốn gắn chặt tên tuổi của Milan với chiếc cúp danh giá này. Trong khi với Rivera, số 10 của Milan về thứ hai sau Lev Yashin trong cuộc bầu chọn danh hiệu Quả Bóng Vàng châu Âu năm 1963, một sự thừa nhận xứng đáng cho tài năng của I’Abatino. Thế là sau quãng thời gian chờ đợi, tham vọng thống trị trời Âu của ông chủ Andrea Rizzoli cũng đạt được cùng Nereo Rocco. Nhưng sau ngày vinh quang ấy là những cuộc chia ly buồn bã.
Ngay sau chiến thắng ở Wembley, cả Milano xôn xao với tin ông chủ Andrea Rizzoli nhượng lại quyền sở hữu Milan cho một doanh nhân có tên Felice Riva, người thừa kế của gia tộc Riva vốn sở hữu Cotonifico Vallesusa, đế chế vải sợi nổi tiếng ở miền Bắc. Thập niên 60 chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế Italia sau chiến tranh, trong đó Milano nổi lên khá nhiều nhà tư bản nắm vai trò quan trọng của nền kinh tế và nhiều cái tên đã gắn chặt thành công cùng hai màu áo của Inter và Milan, ở thời điểm ấy chính là hai gia tộc Moratti và Riva. Nhưng rúng động hơn cả là sự ra đi bất ngờ của huấn luyện viên Nereo Rocco đến Torino. Một bí ẩn mà sau này sử sách mới giải mã thành công. Đó là khi Chủ tịch Torino Lucio Orfeo Pianelli gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng tưởng như không thể qua khỏi. Nằm trên giường bệnh, khi được Gipo Viani hỏi về nguyện ước của mình nếu qua đời, Pianelli liền đáp rằng ông khao khát được chứng kiến Nereo Rocco trở thành thuyền trưởng của Toro và ít ai ngờ câu chuyện tưởng như là lời động viên ấy bỗng trở thành sự thật vào mùa hè 1963 khi Rocco chính thức chia tay Milan, cập bến Torino, bỏ lại màu áo Đỏ-Đen cùng những nguyện ước dang dở.
Vinh quang trở lại
Không lâu sau sự ra đi của Nereo Rocco và Chủ tịch Andrea Rizzoli, bất ổn lại tìm đến với AC Milan, vấn đề chính nằm ở ông chủ mới Felice Riva. Với mái tóc vàng cùng vẻ bề ngoài lịch lãm, ở tuổi 28, Felice Riva không khác gì một tài tử điện ảnh. Ông lập tức thu hút ánh nhìn của công chúng khi trở thành chủ tịch của AC Milan và là người thừa kế đế chế vải sợi Cotonifico Vallesusa. Nhưng thương trường là chiến trường, khác với người cha lão luyện Giulio vốn đã qua đời, kinh nghiệm non nớt khiến “Felicino” đưa ra những quyết sách sai lầm về đường lối đã làm hại Cotonifico Vallesusa. Năm 1965, những khó khăn tài chính xuất hiện tràn lan trên mặt báo, minh chứng rõ nhất là việc nợ lương của hàng nghìn công nhân. Tháng 10-1965, một vụ biểu tình lớn xuất hiện ở đường phố Milano với 8.000 người tham gia. Trong khi đó, tình hình ở AC Milan cũng đầy u ám.
Để thay thế Nereo Rocco, Felice Riva tìm đến huấn luyện viên Luis Carniglia, một chiến lược gia tên tuổi ở thời điểm ấy khi đã cùng Real Madrid của Di Stefano, Puskas, Gento vô địch Cup C1 hai lần, trong đó có lần họ đánh bại Milan vào năm 1958. Để làm hài lòng vị huấn luyện viên người Argentina, chủ tịch Riva chiêu mộ thành công ngôi sao Amarildo từ Brazil, một phó tướng của Pele vô địch thế giới ở Chile 1962, trong khi vẫn giữ nguyên bộ khung đã rất mạnh như Cesare Maldini, Giovanni Trapattoni, Gianni Rivera, José Altafini. Nhưng mâu thuẫn nội bộ đến ở trận lượt về tranh Cup Liên lục địa với Santos. Trên sân cỏ, Rossoneri thất bại chung cuộc 5-2, trong khi ngoài sân, CEO Gipo Viani và José Atafini có màn đấu khẩu dữ dội, hệ quả chính là việc ngôi sao người Brazil không cùng đội bóng bay về Milano.
Ngược lại với hoàn cảnh của Milan, ở phía bên kia thành phố, Inter vươn lên mạnh mẽ cùng Helenio Herrera. Cho đến trước Giáng sinh, khoảng cách giữa đôi bên đã là 7 điểm và có vài cái tên phải trả giá vì điều này. Không khó đoán khi huấn luyện viên Luis Carniglia bị đưa lên đoạn đầu đài vào tháng 1, người thay thế là huấn luyện viên trẻ tuổi Nils Liedholm, một tượng đài của San Siro. Tuy nhiên, mọi thứ đã muộn màng khi kỉ nguyên Grande Inter mới chỉ bắt đầu, kết thúc mùa giải 1963-64, Nerazzuri giành Scudetto trong khi Milan chỉ về thứ 3, nhưng cú sốc lớn nhất lại đến bên ngoài sân cỏ. Năm 1965, sau một loạt những vụ đầu tư thất bại, cả Italia rúng động khi Cotonifico Vallesusa tuyên bố phá sản, với khoản nợ lên đến 46 tỉ lire. Ngay lập tức, tòa án ra lệnh tống giam Felice Riva, nhưng vị chủ tịch Milan đã kịp đào thoát sang Beirut của Lebanon với tấm hộ chiếu của quốc gia Tây Á. Tuy vậy, năm 1969 khi trở về Italia, ông bị bắt với án phạt bốn năm tù giam, trở thành vị chủ tịch đầu tiên của Calcio vướng vòng lao lí. Trong khi với Milan, định mệnh nghiệt ngã đưa màu áo Đỏ-Đen trôi dạt đến nhà Carraro vào năm 1965.
Năm 1964, nhà Carraro chính thức góp mặt trong thành phần lãnh đạo Rossoneri khi ông là cánh tay mặt của Felice Riva và giữ ghế phó chủ tịch, nguyên nhân xuất phát từ chuyện Luigi Carraro là đối tác trong ngành vải sợi với Chủ tịch Felice Riva. Tuy nhiên, ông đột ngột qua đời vào năm 1967, để lại cơ nghiệp cho người con trai Franco, khi ấy mới 27 tuổi. Nhưng ít ai ngờ rằng, một kẻ ngoại đạo với bóng đá như Franco lại phục sinh Milan trong một giai đoạn ngắn ngủi. Bởi nói về Franco Carraro, nghĩa là bạn đang nhắc đến một vận động viên trượt tuyết tài năng với 11 chức vô địch Italia, 3 lần vô địch châu Âu, nhưng hơn cả, ông là một nhà quản lí thể thao tài ba và giai đoạn gắn bó với Milan đã góp phần hun đúc nên một Franco Carraro xuất sắc trên bình diện Calcio (sau này, Franco Carraro còn tham gia địa hạt chính trị và trở thành Thị trưởng Roma, rồi Bộ trưởng Bộ Du lịch và Giải trí của Italia).
Điệp vụ đầu tiên của Franco chính là thuyết phục huyền thoại Nereo Rocco trở lại Milan. Sau ba năm không mấy thành công, Rocco chợt nhận ra sứ mệnh của mình với Rossneri vẫn còn dang dở, nhưng quan trọng nhất là Milan bây giờ đã không còn Felice Riva, người đã từng hắt hủi ông thuở nào. Được Chủ tịch Franco Carraro trao quyền bính lớn trong tay, Nereo Rocco lập tức phục hưng Milan bằng một thế hệ những tài năng mới như hậu vệ xuất sắc Roberto Rosato, Karl Heinz Schnellinger (người Đức), Giovani Trapattoni, “Cánh chim nhỏ” Kurt Hamrin (người Thụy Điển) và Gianni Rivera, tri kỉ và là tài năng không thể thiếu trong bất cứ ý tưởng chiến thuật nào của Rocco. Ngoài ra, một thế hệ những tài năng trẻ cũng được trao cơ hội như Pierino Prati, Pierangelo Pelli hay Angelo Anquilletti, trong khi tượng đài Cesare Maldini giờ sẽ là cánh tay phải của Rocco trong vai trò trợ lí. Với một đội ngũ tài năng và đầy khát khao, Milan nhanh chóng thiết lập quyền lực của mình, nhưng trùng hợp thay, đó cũng là buổi hoàng hôn cho kỉ nguyên Grande Inter khi nội bộ Nerazzuri nổ ra mâu thuẫn lớn giữa thủ quân Armando Picchi và huấn luyện viên Helenio Herrera, dẫn đến sự ra đi của Picchi vào năm 1967 và sau đó một năm chính là huấn luyện viên người Argentina. Trong khi Torino và đương kim vô địch Juventus đồng loạt sa sút, bối cảnh giúp Scudetto thứ 9 đến với Milano như một lẽ tất yếu của thời cuộc.
Một năm sau, đỉnh cao châu Âu lại vẫy gọi Rossoneri sau khi hạ gục Ajax Amsterdam, với những Johan Cruyff hay Johan Neekens trong đội hình. Ở Santiago Bernabeu ngày hôm ấy, lịch sử lại khắc ghi tên tuổi của “Cậu Bé Vàng”, Gianni Rivera, thiên tài của những trận đấu lớn khi số 10 góp mặt trong hầu hết những bàn thắng của Milan, trong đó cú đánh đầu ấn định tỉ số 4-1 của trung phong Pierino Prati đến sau đường chuyền như đặt của Rivera, pha bóng được các sử gia so sánh với đường kiến tạo của Pele cho Carlos Alberto ở chung kết Mexico 1970. Màn trình diễn xuất sắc vào năm 1969 của Gianni Rivera đã thuyết phục tất cả để giúp ông trở thành cầu thủ Italia đầu tiên giành Quả Bóng Vàng châu Âu. Nhưng sau ngày hôm ấy, một lần nữa sự bất ổn ở thượng tầng đã phá tan giấc mộng tuyệt vời giữa Nereo Rocco và Milan.
Năm 1971, sau những thành công cùng AC Milan, Chủ tịch Franco Carraro nhận được sự quan tâm từ Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC), những thử thách mới lập tức quyến rũ chàng trai mới ngoài 30 tuổi vốn mang theo hoài bão lớn lao. Đúng như dự đoán của báo giới khi Carraro từ chức Chủ tịch AC Milan và lên thay là Phó chủ tịch Federico Sordillo, người được hậu thế nhớ đến khi là chủ tịch của… FIGC vào thời điểm Italia vô địch Espana 82, còn với Milan, dấu ấn của Sordillo không nhiều mà ngược lại, chính sự ra đi của ông vào tháng 12-1972 mở ra chu kì đen tối thứ hai trong lịch sử Rossoneri với sự xuất hiện của một nhân vật, Albino Buticchi.
Fatal Verona và những kí ức buồn
Năm 1969, sau khi đánh bại Estudientes để giành chiếc Cup Liên lục địa, trong men say chiến thắng ở Buenos Aires, huấn luyện viên Nereo Rocco tuyên bố “Tất cả những gì mà chúng tôi cần là ngôi sao của Scudetto thứ 10”. Bởi ai cũng biết ở Calcio, cứ giành được 10 Scudetto thì ngực áo của câu lạc bộ sẽ được đính một ngôi sao trên logo. Ở thời điểm đó, chỉ Juventus và Inter là có được vinh dự trên, chính điều này khiến Rocco càng thêm khát khao, nhưng ít ai ngờ rằng, câu nói ấy của ông như một lời nguyền khiến Rossoneri đã phải chờ đúng 10 năm, bởi thập niên 70 chứng kiến một trong những tấn bi kịch tồi tệ nhất trong lịch sử AC Milan.
Quay trở lại với Albino Buticchi, ông sinh ra ở La Spezia vào năm 1926. Với khả năng nhạy bén trên thương trường, ông nhanh chóng trở thành ngôi sao của BP - tập đoàn dầu lửa của Anh tại miền Bắc Italia; thú vị thay BP là đối thủ chính khi ấy của đế chế Saras nhà Moratti. Vị thế quyền lực này giúp ông kết thân với vài ngôi sao nổi tiếng, trong đó có Gianni Rivera và chính “I’Abatino” đã thuyết phục thành công Buticchi gia nhập ban lãnh đạo Milan với tư cách phó chủ tịch, để rồi đến năm 1972, sự ra đi của Federico Sordillo mở đường cho ông leo lên chiếc ghế quyền lực nhất ở San Siro.
Sau khi lên nắm quyền, Buticchi gây ấn tượng mạnh với các Milanisti bằng cú hớt tay trên “Ngựa Hoang” Luciano Chiarugi trước Inter của đối thủ Ivanoe Fraizzoli. Nên nhớ Chiarugi là ngôi sao đang lên của Fiorentina và được cả Calcio khao khát khi ấy. Mùa giải 1972-73, với lực lượng hùng hậu trong tay, Milan của Nereo Rocco như cuốn phăng mọi vật cản, đối trọng chính của Đỏ-Đen là Juventus và Lazio. Giữa tháng 4-1973, Milan có chuyến làm khách quan trọng ở Rome, với sự so kè khốc liệt trên bảng xếp hạng thì đây là màn quyết đấu ảnh hưởng rất nhiều đến số phận của Scudetto. Nhưng rốt cuộc sau 90 phút, Milan thua 1-2 trong sự ấm ức rất lớn về tiếng còi của Concetto Lo Bello, trong đó có một tình huống mà trọng tài quê ở Sicilia từ chối bàn thắng hợp lệ của Chiarugi. Những tranh cãi kéo dài làm hại Milan với việc thủ quân Rivera bị treo giò 2 trận trong khi huấn luyện viên Rocco bị cấm chỉ đạo 30 ngày.
Thất bại của Rossoneri khiến hi vọng cho Scudetto lại mở ra với Juventus và Lazio khi khoảng cách giữa bộ ba này chỉ là 1 điểm trước vòng đấu cuối cùng (Milan có 44 điểm, còn Juventus và Lazio có cùng 43 điểm). Nhưng bất lợi rất lớn đến với Đỏ-Đen khi trước lượt trận cuối, họ sẽ phải quyết đấu cùng Leeds United ở chung kết Cup C2 vào ngày 16-5 ở Thessaloniki. Với một huấn luyện viên lão luyện như Rocco, ông thừa hiểu các học trò sẽ không có đủ thời gian để hồi phục sau chuyến trở về từ Hi Lạp, vì thế Milan đưa kiến nghị với FIGC để dời trận đấu với Hellas Verona muộn hơn một ngày. Nhưng đáp lại là sự từ chối thẳng thừng từ FIGC. Không ngoài dự đoán của Rocco, khi các cầu thủ lộ rõ sự mệt mỏi dưới cơn mưa nặng hạt ở Verona, Milan hoàn toàn đánh mất mình khi để đối thủ ghi liền 3 bàn chỉ trong 25 phút đầu tiên. Trong khi ngược lại, ở Olimpico, bàn thắng của Antonello Cuccureddu giúp Lão Phu Nhân hạ AS Roma 2-1. Juventus gọi nhưng Milan không thể trả lời khi thất thủ 3-5 ở Verona. Dưới ánh mắt ngỡ ngàng của hai vạn Milanisti đã chuẩn bị sẵn cho lễ ăn mừng Scudetto lần thứ 10, Milan đã gục ngã một cách đau đớn nhưng đồng thời thảm họa “Fatal Verona” cũng khép lại hoàn toàn chu kì chiến thắng của huyền thoại Nereo Rocco cùng màu áo Đỏ-Đen, bất chấp 2 lần quay trở lại của ông sau này.
Lí giải cho lần ra đi thứ hai của Rocco, các sử gia tiết lộ, mối quan hệ giữa Chủ tịch Albino Buticchi và Nereo Rocco là bằng mặt mà không bằng lòng, bởi cá tính của hai bên đều rất mạnh, trong khi ác cảm mà Rocco dành cho Buticchi không khác là mấy so với cựu Chủ tịch Felice Riva ngày nào. Những dấu hiệu rạn nứt đến vào cuối mùa giải 1972-73 khi Rocco tâm sự với cánh phóng viên, “Tôi thấy mình giống Garibaldi, rồi cũng đến lúc tôi phải quay về Caprera thôi”. Caprera mà Rocco nhắc đến chính là một cửa hàng bán thịt của ông ở quê nhà Trieste. Và dù đã giành Coppa Italia và Cup C2 châu Âu, nhưng hai chiến công này hoàn toàn bị che mờ bởi kí ức đau đớn “Fatal Verona” vào ngày 20-5-1973, cũng đồng thời đại diện cho kỉ nguyên thất bại ở thập niên 70 của AC Milan.
Với chủ tịch Albino Buticchi, con tàu Milan dần chệch hướng khi mối quan hệ của ông và phần còn lại của câu lạc bộ, từ cầu thủ đến cổ động viên, hoàn toàn đổ vỡ. “Đúng vậy, vụ trao đổi giữa Rivera và Sala hoàn toàn có thể thực hiện đấy”, một phát biểu mở màn cho tiếng súng ở San Siro khi ông đòi bán tượng đài Rivera cho Torino, trận chiến ngầm nổ ra giữa một bên là Rivera và các Milanisti, trong khi phía còn lại là sự cô độc của Buticchi. Mùa hè năm 1973, mọi thứ đi xa hơn khi Buticchi bán đi hai ngôi sao Pierino Prati và Roberto Rosato. Để đáp trả, Gianni Rivera quyết không đến sân tập trong hai ngày và bị trừng phạt bởi huấn luyện viên Gustavo Gianogni. Tháng 9-1975, dưới sức ép của các Milanista và đội bóng, Albino Buticchi phải cay đắng ra đi, bởi đơn giản vào thời điểm ấy, Rivera là Milan và Milan là Rivera. Dù vậy, cuộc chia ly này cũng không thể mở ra tương lai tươi sáng hơn cho màu áo Đỏ-Đen.
Thất bại của Milan trong thập niên 70, về bản chất, đều phù hợp nếu xét trong bối cảnh khách quan và chủ quan. Một mặt, Rossoneri trải qua thời kì biến động lớn ở mặt thượng tầng sau sự ra đi của Albino Buticchi khi quyền điều hành đội bóng được chuyển giao cho ít nhất bốn người. Cho đến trước năm 1980, ghế chủ tịch của Milan thay đổi xoành xoạch từ Jacopo Castelfranchi, Bruno Pardi, Vittorio Duina cho đến Felice Colombo. Ngân sách eo hẹp khiến lực lượng đội bóng hoàn toàn thua kém so với Inter, Torino và Juventus, kẻ đặt ách thống trị lên Calcio. Đó là thời điểm sau khi Lão Phu Nhân mạnh dạn trẻ hóa đội ngũ toàn diện, với gương mặt tiêu biểu là tiền đạo trẻ Roberto Bettega, nhưng bước ngoặt chỉ đến khi Giovanni Trapattoni trở thành huấn luyện viên trưởng đội bóng vào năm 1976, thú vị thay, “Trap” là một tượng đài thuở nào ở San Siro. Trong suốt giai đoạn đen tối ấy, một chút tia sáng chỉ đến với Rossoneri trong kỉ nguyên của Chủ tịch Felice Colombo.
Scudetto Della Stella hay Scudetto thứ 10, từ giấc mơ của Nereo Rocco biến thành nỗi ám ảnh cho Milan suốt thời gian dài, một nhiệm vụ được cho là quá nặng nề với hoàn cảnh khó khăn của Rossoneri ở thập niên 70. Năm 1976, Chủ tịch Vittorio Duina gây bất ngờ khi bổ nhiệm Giuseppe Marchioro ngồi vào ghế nóng ở San Siro, bởi trước khi đến Milan, “Pippo” Marchioro chỉ cầm quân ở vài đội bóng tỉnh lẻ như Como và Cesena. Nếu bỏ sang một bên vị trí thứ 6 cùng Cesena ở mùa giải 1975-76 thì yếu tố thuyết phục Chủ tịch Duina nằm ở chuyện ông là người theo đuổi trường phái tổng lực Hà Lan, một ý tưởng hoàn toàn xa lạ với Calcio vào thời điểm ấy.
“Đây là cơ hội của đời người. Nếu một ngày tôi phải ra đi, thì tư thế ấy phải là của vị vua hoặc một kẻ thất bại.” Đấy là Pippo Marchioro và câu nói bất hủ trong ngày nhậm chức ở Milanello năm 1976. Chỉ sau đúng 15 vòng đấu, ông đã bị sa thải khi chỉ giành được hai chiến thắng và ngụp lặp ở nhóm chót bảng. Hoàn cảnh đẩy Milan vào cuộc chiến trụ hạng lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng. Như cây bút Gabriele Marcotti phân tích, về mặt lí thuyết, ai cũng hiểu triết lí “Tổng lực” vận hành thế nào, nhưng để áp dụng thành công như Ajax của Cruyff thì yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất và đó là thứ mà Milan của Marchioro không có. Đấy là tập thể chỉ còn một Gianni Rivera đã 33 tuổi, thủ thành Enrico Albertosi và một Fabio Capello vừa dính chấn thương nặng ở Juventus. Đứng trước viễn cảnh thảm họa, lần thứ ba, Nereo Rocco trở lại để trục vớt đội bóng, và hai chiến thắng cuối cùng ở mùa giải 1976-77 giúp Milan tránh khỏi việc xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng Rocco đã ở đoạn cuối của sự nghiệp, và Milan cần dòng máu trẻ trung hơn, nhân vật ấy là Nils Liedholm.
Sau khi chia tay Milan vào năm 1966, huyền thoại người Thụy Điển lang bạt qua một loạt các đội bóng nhỏ trước khi tạo dựng chút tên tuổi với AS Roma. Trong đó, biệt tài của Nils Liedholm là biết cách phát triển những tài năng trẻ, ở AS Roma đó là Bruno Conti, Agostino Di Bartolomei và Francesco Rocca, tất cả họ sau này đều trở thành những huyền thoại lớn của màu áo Bã Trầu. Chính vì vậy, một đội bóng đang trong giai đoạn tái thiết như Milan là cực kì thích hợp với Nils Liedholm. Dưới bàn tay của ông, những viên ngọc thô lần lượt xuất hiện ở San Siro như Fulvio Collovati và đặc biệt là Franco Baresi, cái tên sau này đại diện cho kỉ nguyên huy hoàng nhất của đế chế Đỏ-Đen.
Với kinh nghiệm của đội trưởng Gianni Rivera, tiền vệ Fabio Capello cộng thêm sức trẻ, sự khát khao của những Fulvio Collovati hay Franco Baresi, Milan của Nils Liedholm lập tức gây ấn tượng với Calcio. Cho đến tháng 12-1977, Milan thắng liền 7 trận liên tiếp để sau đó kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4, một nền tảng chắc chắn được Liedholm gây dựng cho Scudetto Della Stella sau đó một năm khi họ vượt qua một Perugia bất khả chiến bại. Đó là Scudetto mà chắc chắn Milan muốn gửi đến Nereo Rocco, bởi người đàn ông vĩ đại ấy không có dịp chứng kiến khoảnh khắc ông đã mất đến 10 năm chờ đợi khi đột ngột qua đời vào tháng 2-1979. Nhưng thành công ấy chỉ như ánh sao băng vụt qua bầu trời, để rồi San Siro lại bị che phủ bởi màn đêm u tối.
Nơi tận cùng của nỗi đau
Sau chiến tích mang về Scudetto thứ 10, tương lai của Nils Liedholm là chủ đề nóng bỏng với Milan. Theo báo giới tiết lộ, huấn luyện viên người Thụy Điển muốn sự thừa nhận xứng đáng từ Chủ tịch Felice Colombo bằng một bản hợp đồng ba năm; đáp lại, ông chủ của San Siro chỉ đưa ra lời đề nghị có 12 tháng. Không thể tìm thấy tiếng nói chung, Liedholm lập tức chia tay Rossoneri vào mùa hè 1979 để trở về AS Roma, nơi vị chủ tịch đầy tham vọng Dino Viola đã dọn sẵn một cơ ngơi lí tưởng cho huấn luyện viên người Thụy Điển. Vuột mất một bộ óc lão luyện như Liedholm, Milan đành hài lòng với Massimo Giacomini, một huấn luyện viên trẻ tuổi đã gây tiếng vang cùng Udinese với chiến tích thăng liền hai hạng đấu trong vòng hai năm, trong khi trên sân cỏ, các Milanisti bùi ngùi nói lời chia tay với tượng đài Gianni Rivera khi ông quyết định giải nghệ ở tuổi 36 để giữ ghế phó chủ tịch câu lạc bộ. Bối cảnh ấy khiến mùa giải Serie A 1979-1980 đến một cách nặng nề với nhà đương kim vô địch. Nhưng bước ngoặt tồi tệ chỉ đến vào tháng 1-1980.
Sau nhiều tin đồn bị rò rỉ, tờ báo cánh tả Paese Sera đưa ra tiết lộ động trời về đường dây dàn xếp tỉ số và cá cược bất hợp pháp ở Calcio, với lợi nhuận không hề thua kém những công ty cá cược hợp pháp TotoCalcio. Mọi thứ rõ ràng hơn khi tiền vệ Maurizio Montesi của Lazio vô tình chia sẻ với nhà báo Oliviero Beha rằng “Tiêu cực xuất hiện tràn lan ở Italia”. Một chuyên án điều tra được FIGC tiến hành bởi thanh tra Corrado De Biase với mật danh “Totonero”, sự thật hé lộ về hai nhân vật quan trọng là Mauricio Cruciani, 32 tuổi và Alvaro Trinca, 45 tuổi. Đến từ Rome và quen biết giới cầu thủ của Lazio, họ đã đưa ra đề nghị bằng tiền để đổi lại là việc dàn xếp tỉ số của các cầu thủ. Tháng 3-1980, cảnh sát tiến hành bắt giữ hai nghi can nhằm làm rõ vụ việc và từ đây, bức màn đen tối bấy lâu của bóng đá Italia chính thức được vén lên.
Ngày 23-3-1980, một cuộc đột kích quy mô lớn được cảnh sát Italia tiến hành trên khắp các sân bóng Calcio từ Serie A đến Serie B, từ Milano ở miền Bắc trải dài tận Sicilia ở miền Nam. Tại San Siro, Milan để thua Torino 0-2, sau trận đấu, phòng thay đồ của đội chủ nhà bất ngờ bị khóa chặt, với bốn nhân vật bị bắt giữ tại chỗ gồm thủ thành Enrico Albertosi, tiền vệ Giorgio Morini, tiền đạo Stefano Chiodi và đương kim Chủ tịch Felice Colombo. Từ vị thế người hùng, chỉ trong phút chốc, họ bị dẫn giải như những tên tội phạm. Ngoài ra, đường dây này còn liên quan đến một loạt các tên tuổi đình đám của Calcio khi ấy như Bruno Giordano của Lazio và Paolo Rossi của Perugia (người sau này trở thành Quả Bóng Vàng châu Âu 1982 khi giúp Italia vô địch thế giới và cũng sẽ gia nhập Milan). Một án phạt nặng nề dành cho các đội bóng và cầu thủ, trong đó phía Lazio và Milan là nặng nhất, khi ba thành viên của Milan bị cấm thi đấu từ 6 tháng đến 4 năm, trong khi Chủ tịch Felice Colombo bị cấm hoạt động bóng đá suốt đời. Nhưng tấn bi kịch lớn nhất với các Milanisti chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng, AC Milan sẽ phải xuống chơi ở Serie B cùng Lazio. Ở San Siro ngày hôm ấy, bầu trời như sụp đổ.
Từ vị thế vương tôn ở Calcio nay bị “lưu đày biệt xứ” ở Serie B, hoàn cảnh buộc Milan phải thích nghi để tồn tại. Rossoneri có chủ tịch mới là luật sư Gaetano Morazzoni, người bạn thân của Felice Colombo và Gianni Rivera. Vốn tham gia chính trường, Morazzoni là thành viên của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Ghế huấn luyện vẫn là ông Massimo Giacomini, người đã gây ấn tượng mạnh ở mùa giải 1980-81. Về mặt lực lượng, Milan quyết định trẻ hóa toàn diện đội bóng khi chỉ còn 8 gương mặt giành Scudetto trước đó 2 năm, họ nói lời chia tay với cựu binh Fabio Capello, vốn chuyển xuống làm huấn luyện viên ở đội trẻ, trong khi tiền vệ Alberto Bigon được bán đến Lazio.
Đổi lại, một dòng máu trẻ trung xuất hiện ở Milanello như Sergio Battistini, Andrea Icardi và Alberigo Evani, những tài năng từ đội trẻ đã chơi rất hay dưới bàn tay của huấn luyện viên Italo Galbiati. Một gương mặt đáng chú ý cũng đến trong mùa hè 1980, đó là Mauro Tassotti, một hậu vệ trẻ triển vọng từ Lazio. Trong khi băng thủ quân của Milan thuộc về Aldo Maldera, với Franco Baresi sau khi đã trải qua hai năm rèn giũa ở Serie A, mùa giải 1980-81 hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội hơn cho ông. Với độ tuổi trung bình là 23,6, đó là một Milan trẻ nhất trong nhiều thập kỉ qua, nhưng cũng đầy khát khao để chứng tỏ mình. Trong buổi tập đầu tiên trước mùa giải mới ở Milanello, một tấm băng rôn xuất hiện ở cổng chính với thông điệp “Chúng ta thà ở Serie B còn hơn là những tên trộm”. Chỉ sau 7 trận đầu tiên, số vé bán ra ở sân nhà của Milan đạt đến con số 900 triệu lire, điều khó tin ở Serie B vào thời điểm đó.
Khí thế ấy được thể hiện bằng màn trình diễn thuyết phục trên sân cỏ khi Milan trình diễn phong độ ấn tượng, bởi nếu hàng thủ có sự xuất sắc của Segio Battistini và Baresi thì ở hàng công, huấn luyện viên Giacomini sở hữu sát thủ Roberto Antonelli (cha của hậu vệ Luca Antonelli sau này), với 15 bàn thắng cực kì quan trọng cho Rossoneri ở mùa giải năm ấy. Vượt qua hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Genoa và Lazio, Milan giành chức vô địch Serie B ở vòng đấu áp chót sau chiến thắng trước Monza ở San Siro vào ngày 14-6-1981, trong khi Antonelli là Vua phá lưới của Serie B. Nhưng khi niềm vui còn chưa đi qua, rạn nứt đã xuất hiện ở Milanello. Trước báo giới, huấn luyện viên Massimo Giacomini xác nhận, “Tôi sẽ rời khỏi Milan, đây là ngày hạnh phúc nhất đời tôi”. Quyết định bất ngờ của huấn luyện viên Giacomini đến sau khi ông biết CEO Sandro Vitali và Gianni Rivera đã lên kế hoạch bổ nhiệm Luigi Radice vào ghế huấn luyện viên ở mùa hè năm ấy. Một cái kết buồn cho huấn luyện viên đã cùng màu áo Đỏ-Đen đi qua những ngày tháng gian nan nhất. Cùng thời điểm đó, nhà tài phiệt truyền thông Silvio Berlusconi xuất hiện trên kênh Canale 5 để xác nhận rằng mình là một Milanista, đồng thời ông sẽ tổ chức một giải đấu giao hữu mang tên Mundialito (World Cup thu nhỏ) gồm các đội bóng như Feyenoord, Santos, Penarol, Inter và Milan. Sự kiện đánh dấu việc Silvio Berlusconi chính thức bước chân vào thế giới bóng đá.
Buổi hoàng hôn cuối cùng
Luigi Radice, một thành viên của AC Milan vô địch châu Âu vào năm 1963, nhưng vị thế của ông trong đội hình là không quá nổi bật. Năm 1965, một chấn thương đầu gối nặng buộc Radice phải giã từ sự nghiệp ở tuổi 30. Nhưng ngược lại, “Gigi” tỏ ra xuất sắc trên băng ghế huấn luyện với những chiến tích lẫy lừng. Năm 1976, Radice cùng Torino bất ngờ vượt mặt Juventus để vô địch Serie A, đến giờ đó vẫn là Scudetto gần nhất của Toro. Đến mùa giải 1980-81, ông giúp Bologna giành vị trí thứ 7 thần kì sau khi bị trừ đến 5 điểm sau scandal Totonero. Với ánh mắt lạnh lùng cùng cá tính sắt đá, biệt danh “Il Sergente Di Ferro” hay “Trung Sĩ Thép” được báo giới đặt cho Radice là vì vậy. Những chi tiết ấy đã đủ làm xiêu lòng bộ đôi quyền lực Sandro Vitali và Gianni Rivera của Milan trong việc chiêu mộ bằng được huấn luyện viên cá tính này, bất chấp chuyện họ phải mang tiếng bội tín với công thần Massimo Giacomini.
Về mặt nhân sự, đó là thời điểm mà Serie A cho phép các đội bóng đăng kí hai ngoại binh trong đội hình và Milan nhắm đến một loạt những tên tuổi đình đám từ Karl Heinz Rummenigge (Quả Bóng Vàng châu Âu 1981), “Pele trắng” Zico cho đến Jen Ceulemans, trung phong số 1 của đội tuyển Bỉ. Nhưng rốt cuộc, thay vì những siêu sao hàng đầu, các Milanista đành phải ngậm ngùi chào đón Joe Jordan, chân sút người Scotland khi ấy đã 30 tuổi. Tuy nhiên, ấn tượng sau đó của giới cổ động viên Milan thay đổi hoàn toàn, khi Jordan luôn thể hiện khí chất chiến đấu máu lửa và một tinh thần anti Inter mạnh mẽ.
Tuy vậy, chân sút người Scotland bị sốc bởi cách phòng ngự ở Calcio, khi trong cả mùa giải 1981-82, ông chỉ ghi vỏn vẹn 2 trong số 21 bàn thắng của Milan, một con số quá thấp cho các chân sút của Luigi Radice. Chưa dừng lại, sự vắng mặt đến gần 4 tháng của Franco Baresi vì bệnh tật càng bào mòn sức kháng cự của hàng thủ. Cho đến tháng 11-1981, thành tích nghèo nàn dìm Milan xuống đáy bảng xếp hạng Serie A với chỉ 6 điểm qua 9 vòng. Quyết định sa thải huấn luyện viên Luigi Radice từ tân Chủ tịch Giuseppe Farina vào tháng 1-1982 cũng không cải thiện nhiều tình hình. Ngày 16-5-1982, dù đánh bại Cesena 3-2, nhưng Milan vẫn phải ngậm ngùi xuống hạng lần thứ hai trong vòng 3 năm.
Các sử gia đồng ý rằng, thất bại cay đắng ở mùa giải 1981-82 là hệ quả của một chuỗi những bất ổn ở thượng tầng của Rossoneri vốn kéo dài từ năm 1979 khi thiếu hẳn một bộ não đủ tầm để định hướng về mặt đường lối. Vụ chuyển nhượng Joe Jordan và những người Anh sau đó mãi là tiêu biểu cho thất bại ở giai đoạn này của màu áo Đỏ-Đen. Mùa hè 1982, trong khi cả Italia hân hoan tột độ cùng chức vô địch thế giới của Azzurri thì Milano ngổn ngang cho công cuộc tái thiết với Giuseppe Farina là người chịu trách nhiệm cho mục tiêu đưa Milan trở lại, nhưng một lần nữa, ông lại đi vào lối mòn thất bại của những người tiền nhiệm. Triều đại của Giuseppe Farina cũng chính là buổi hoàng hôn cuối cùng của AC Milan trước khi ánh bình minh ló rạng ở San Siro.
Sinh năm 1933 ở thị trấn Gambellara, vùng Veneto, Giuseppe Farina có biệt danh “Il Agricoltore” hay “Gã Nông Dân” để chế giễu chuyện ông chỉ quen việc lèo lái các đội bóng tỉnh lẻ. Nhưng lưu lại trong sử sách, ông được nhớ đến như một con buôn lọc lõi của thế giới Calcio. Cách làm ăn của “Giussy” là nhắm đến các đội bóng khánh kiệt về tài chính, sau đó tìm cách làm hồi sinh và bán đi với số tiền chênh lệch khổng lồ. Đội bóng đầu tiên mà Farina gây tiếng vang là câu lạc bộ quê nhà Vicenza vào năm 1968, dù chỉ sở hữu 2% cổ phần nhưng cách quản lí của Farina giúp Vicenza tiến nhanh trên sân cỏ. Mười năm sau ngày ông giữ ghế Chủ tịch, Vicenza bất ngờ giành ngôi á quân Serie A vào năm 1978, trong đó họ có ngôi sao tài danh Paolo Rossi, chân sút nổi lên như một trung phong xuất sắc bậc nhất Calcio vào thời điểm đó vốn thuộc quyền sở hữu chung của Juventus và Vicenza, và một cuộc mặc cả lịch sử đã diễn ra. Dù rất cứng rắn nhưng rốt cuộc, sự khôn ngoan của Farina khiến Lão Phu Nhân phải nản lòng khi đành bỏ ra 2 tỉ 612 triệu lire (tương đương 1,75 triệu bảng Anh) để toàn quyền sở hữu chân sút này, qua đó biến Paolo Rossi trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới vào năm 1976. Đến năm 1982, góc nhìn của một con buôn như mách bảo Giuseppe Farina phải tìm đến Milan trong bối cảnh Rossoneri đã kiệt quệ về tài chính.
Giữ đúng lời hứa với các Milanista vào tháng 5-1982, Milan trở lại Serie A sau một năm vắng bóng với ba quyết định về mặt đường lối vô cùng chuẩn xác của Giussy, đó là bổ nhiệm Silvano Ramaccioni giữ ghế giám đốc thể thao, Ilario Castagner là huấn luyện viên trưởng và quan trọng nhất, tấm băng thủ quân được trao cho Franco Baresi lúc đó mới 22 tuổi, quyết định được coi là sáng suốt nhất trong kỉ nguyên của vị chủ tịch này. Nhưng để vượt mặt Juventus, Napoli và Inter, xem ra nhiệm vụ ấy là quá tầm với Giuseppe Farina. Đỉnh cao cho sự thua kém toàn diện ấy đến bởi chất lượng những ngoại binh mà Milan sở hữu, ở giai đoạn này là những người Anh từ xứ sương mù.
Thập niên 80, vùng đất Calcio Serie A vươn mình trở thành quyền lực của bóng đá thế giới. Tiền bạc và danh vọng biến màu áo của các câu lạc bộ trở thành nỗi khát khao của các cầu thủ bởi một lẽ đơn giản, nếu bạn muốn trở thành người giỏi nhất thì bạn phải tìm kiếm thử thách ở Calcio. Mọi thứ đến sau thay đổi của FIGC vào năm 1980 khi cho phép mỗi câu lạc bộ có hai ngoại binh, điều vốn bị cấm sau thất bại của Italia ở World Cup 1966. Từ Karl Heinz Rummenigge (Inter) đến Michel Platini (Juventus), từ Falcao (Roma) đến Socrates (Fiorentina), thậm chí đội bóng tỉnh lẻ như Udinese cũng sở hữu một Zico tài ba đủ nói lên sức quyến rũ thế nào từ Calcio. Năm 1984, đỉnh cao của Calciomercato là thương vụ đắt giá nhất hành tinh trị giá 11 triệu USD mà Napoli dành cho Diego Maradona. Việc sở hữu một ngoại binh danh giá cũng chính là cách một câu lạc bộ thể hiện tầm vóc, vị thế của mình ở Serie A. Nhưng với Milan của Giuseppe Farina, đó là nỗi thất vọng tràn trề.
Năm 1983, sau khi chia tay Joe Jordan, Milan mang về hai ngoại binh là Luther Blissett từ Watford và Eric Gerets của Standard Liege, trong đó chân sút người Anh Blissett được chiêu mộ sau khi gây ấn tượng mạnh cùng Watford ở mùa giải 1982-83 khi giành danh hiệu “Chiếc giày vàng Châu Âu” với 27 bàn thắng. Để thuyết phục được huấn luyện viên Graham Taylor nhả người, Milan đã phải móc hầu bao đến 1 triệu bảng cho thương vụ này. Trong khi đó, Eric Gerets là tiền vệ hàng đầu đội tuyển Bỉ giành ngôi Á quân Euro 1980. Cả hai đến trong sự kì vọng bao nhiêu của các Milanista thì cách họ ra đi lại gây thất vọng tràn trề bấy nhiêu. Với Blissett, ông chỉ nổ súng vỏn vẹn 5 lần qua 30 trận đấu, trong khi Gerets còn cay đắng hơn khi buộc phải ra đi chỉ sau vài trận đấu với tai tiếng cá cược bất hợp pháp ở Bỉ. Đến năm 1984, khi Inter chào đón siêu sao Karl Heinz Rummenigge thì các Milanista phải ngậm ngùi với Mark Hateley và Ray Wilkins, vốn đều đến từ xứ sương mù.
Tháng 2-2016, San Siro chứng kiến trận Derby Milano lượt về, nhưng hai đội còn chưa ra sân, các Ultras ở khu Curva Sud đã gây ấn tượng mạnh khi khoe bức hình khổng lồ nhằm gợi nhớ về cú đánh đầu thuở nào của Mark Hateley tung lưới Inter vào năm 1984. Đến giờ, đó vẫn là kí ức đáng nhớ nhất của những người Anh cùng Milan ở thập niên 80, bởi đó là trận đấu giúp Rossoneri chấm dứt chuỗi sáu năm không thắng trước Inter. Nhưng phút giây lóe sáng như vậy lại quá ngắn ngủi, bởi cả Hateley và Wilkins không tài nào giúp Milan cạnh tranh nổi với các quyền lực như Juventus, Napoli hay Inter. Và mặc dù có kinh nghiệm của Nils Liedholm trên ghế huấn luyện nhưng Rossoneri lại chỉ về thứ 5 ở mùa giải 1984-85, kèm theo là thất bại ở chung kết Coppa Italia trước Sampdoria hùng mạnh của Roberto Mancini và Gianluca Viali. Thế vì sao những người Anh thất bại ở Milan???
Trước thế hệ của những Blissett, Hateley và Wilkins, người Anh danh tiếng nhất đến Milan là Jimmy Greaves vào những năm 60, một chân sút cự phách của bóng đá xứ sương mù. Nhưng chỉ sau vài trận dưới kỉ nguyên Nereo Rocco, ông đành cay đắng ra đi. Theo Dennis Law, huyền thoại của Manchester United, người đã từng trải nghiệm ở Calcio cùng Torino, thì vấn đề nằm ở ý thức chiến thuật khi đây là rào cản khiến người Anh không thể hòa nhập ở Calcio. Như cảm nhận của Law, ông hoàn toàn choáng ngợp với chuyện một hậu vệ cánh ở Serie A sẽ không bao giờ được phép vượt quá vạch giữa sân để tấn công, lối chơi nặng về phòng ngự ấy tương phản hoàn toàn với sự phóng khoáng của bóng đá Anh. Những thất bại ấy khiến Milan hiểu rằng, họ cần một sự thay đổi triệt để nếu muốn xưng bá Calcio một lần nữa, và rốt cuộc thời cơ ấy đã đến.
Il Presidente, quý ngài vĩ đại
Tháng 10-1985, các tờ báo Italia tràn ngập tin đồn về khó khăn tài chính của Milan, cụ thể là lương của các cầu thủ đã bị nợ đến bốn tháng. Trước đó vào mùa hè 1985, một nguồn tin tiết lộ rằng, để mang về 5 ngôi sao gồm Pietro Virdis, Mark Hateley, Ray Wilkins, Agostino Di Bartolomei và thủ thành Giuliano Terraneo, Chủ tịch Farina đã phải “vay nóng” 8 tỉ lire từ Phó chủ tịch Gianni Nardi. Mọi thứ xấu đi khi cảnh sát kinh tế Italia vào cuộc để điều tra xem có hay không chuyện biển thủ từ giới chóp bu ở San Siro khi các khoản nợ lên đến 10 tỉ lire khiến bờ vực phá sản đã hiện ra phía trước. Ngay sau đó, lệnh cấm xuất cảnh được thông báo đến Giuseppe Farina, đồng thời Giussy buộc phải nhường lại ghế chủ tịch cho ông Rosario Lo Verde. Vấn đề cuối cùng chỉ là xem ai sẽ là người cứu rỗi màu áo Đỏ-Đen.
Đầu tiên là Dino Armani, một nhà tài phiệt dầu lửa vốn là bạn thân của huyền thoại Gianni Rivera. Lời đề nghị của Armani là 33 tỉ lire, gồm 25 tỉ cho đội bóng và 8 tỉ cho khoản nợ của Ganni Nardi. Đáp lại, Silvio Berlusconi chỉ cười khẩy vào con số ấy, bởi ông trùm của Fininvest tin rằng 15 tỉ lire đã là quá nhiều cho Farina. Trong khi nên nhớ, chỉ riêng tài năng của Franco Baresi đã được Chủ tịch Paolo Mantovani của Sampdoria khi ấy định giá đến 15 tỉ lire. Câu hỏi rằng liệu Berlusconi quá tự cao hay ông đã nắm trong tay một quân bài tẩy nào đó để tin mình sẽ chiến thắng dù mức giá “bỏ thầu” là thấp hơn đối thủ Armani rất nhiều. Để gây sức ép lớn hơn, Gianni Rivera đưa ra lời khuyên cho Farina rằng hãy chọn Armani (đây là lí do khiến Rivera và Berlusconi không nhìn mặt nhau).
Hai ngày sau khi các cuộc đàm phán trôi qua, khi ai cũng tin chiến thắng giành cho Dino Armani là tất yếu thì một cú điện thoại gọi đến từ trụ sở FIGC cho Giuseppe Farina, đầu dây bên kia là Chủ tịch Federico Sordillo. Đến giờ sau 33 năm, người ta vẫn không biết hai người đàn ông này đã nói gì với nhau. Nhưng chỉ vài ngày sau, khi làm khách mời của nhà báo Enzo Biagi trên kênh Rai Uno, người ta thấy Berlusconi ngạo nghễ cùng nụ cười chiến thắng, “Đấy là cuộc mặc cả từ trái tim, chỉ có vài tỉ lire thôi mà, một người phụ nữ đẹp còn đáng giá nhiều hơn thế”. Không lâu sau, Giuseppe Farina bị cảnh sát sờ gáy với các cáo buộc tham nhũng và làm giả giấy tờ. Rõ ràng, Silvio Berlusconi đã nắm được gót chân Achilles của Farina để khi thời cơ đến, ông trùm Fininvest đã tung đòn kết liễu đối thủ. Ở khu khán đài Curva Sud sau ngày hôm ấy, người ta thấy những tấm băng rôn rất lớn với các thông điệp như “Silvio, chúng tôi yêu ông”, “Silvio, hãy cứu rỗi Milan khỏi sự hổ thẹn”. Ngày 10-2-1986, ông trùm truyền thông Silvio Berlusconi chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Rossoneri. Rốt cuộc, một chương đen tối với AC Milan đã khép lại để mở ra thời kì huy hoàng nhất trong lịch sử màu áo Đỏ-Đen cùng với quý ngài “Il Presidente” vĩ đại.
Sinh ra ở Milan, tên tuổi của Silvio Berlusconi chỉ được biết đến khi tập đoàn Fininvest của ông nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền ở thập niên 70 sau quyết định của tòa án tối cao Italia, cho phép các đài tư nhân được phát sóng miễn phí đến người dân. “Bạn chả có gì để xem trên các kênh nhà nước. Italia hay các nước châu Âu đều vậy. Cứ đến nửa đêm là các kênh đều ngưng phát sóng, trong khi các bà nội trợ chả biết xem gì vào buổi sáng. Thật chán nản”.
Ánh mắt sắc sảo của Berlusconi giúp ông nhìn ra mảnh đất màu mỡ để khai thác, đó là tập trung vào khu vực giải trí của người xem, khi lúc đó nếu muốn xem một bộ phim hay thì bạn phải đến rạp chiếu bóng, thích nghe một bản nhạc trữ tình, bạn phải ghé qua nhà hát. Với Berlusconi, đơn giản là hãy ngồi trước màn hình ti vi và tôi sẽ mang cả thế giới đến cho bạn, một quyết định táo bạo để đối đầu trực tiếp với gã khổng lồ RAI. Năm 1977, sau khi mua lại một đài địa phương, Berlusconi chính thức ra mắt kênh tư nhân đầu tiên mang tên Tele Milano 58. Nhà báo Gabriele Marcotti gọi bước đi ấy là cuộc cách mạng cho lĩnh vực truyền hình ở Italia, thành công thu về là cực kì vang dội, và bóng đá cũng nằm trong phân khúc giải trí cao cấp mà Il Presidente nhắm đến. Năm 1980, Uruguay tổ chức giải đấu mang tên Mundialito nhằm kỉ niệm 50 năm ngày ra đời World Cup đầu tiên, và kênh Canale 5 của Berlusconi đã phát sóng độc quyền giải đấu này. Và một khi đã sở hữu Milan, góc nhìn táo bạo của Berlusconi lại dẫn lối cho ông đến những quyết định không ngờ.
Cuối mùa giải 1985-86, Rossoneri chỉ về đích thứ 7 ở Serie A. Đứng trước các Milanista ở San Siro, vị chủ tịch Milan dõng dạc tuyên bố, năm sau sẽ là mùa giải rất khác. Ở mùa hè năm ấy, công cuộc đại phẫu nhằm đánh thức gã khổng lồ thành Milano chính thức bắt đầu, với bốn gương mặt mới toanh được chiêu mộ gồm: tiền vệ cánh Roberto Donadoni, thủ môn Giovanni Galli, cùng bộ đôi tiền đạo Daniele Massaro và Giuseppe Galderisi. Tất cả đều là người Italia, trẻ trung, tài năng và khát khao chiến thắng. Vị trí thuyền trưởng vẫn thuộc về Nils Liedholm, bởi cả Silvio Berlusconi và Adriano Galliani đều nhất trí rằng, đây vẫn là mùa giải chuyển giao, vì thế mục tiêu của câu lạc bộ là góp mặt ở nhóm dự Cup châu Âu hoặc chung kết Coppa Italia thay vì lao vào cuộc đua với Juventus và Napoli, hai thế lực hùng mạnh nhất vào thời điểm đó của Calcio.
Ngày 25-2-1987, Milan đối đầu Parma tại lượt đi vòng 2 Coppa Italia. Năm ấy, Parma vừa mới thăng hạng Serie B. Ngồi trên ghế huấn luyện đội khách là một huấn luyện viên khá vô danh, Arrigo Sacchi, người chỉ được dư luận chú ý đến khi trước đây làm nghề bán giày và chưa từng là cầu thủ chuyên nghiệp. “Chúng tôi hoàn toàn đè bẹp họ, dù tỉ số chỉ là 1-0, nhưng chúng tôi chiến thắng trong mọi tình huống tranh chấp, họ đơn giản là không thể chống đỡ”, Arrigo Sacchi bồi hồi nhớ lại chiến thắng lịch sử 1-0 của Parma trước AC Milan. Ngồi trên khán đài San Siro, thay vì sự chán nản, vẻ mặt của Chủ tịch Berlusconi đầy hứng thú khi chứng kiến lối chơi của đội khách. Parma tự tin dâng cao để pressing đối thủ, trong khi các hậu vệ được phép di chuyển đến vạch giữa sân, đồng thời họ thi triển thế trận phòng ngự khu vực. Sự phấn khích của Il Prseidente là dễ hiểu, bởi thứ bóng đá ấy là điều mà ông chưa từng chứng kiến ở Calcio. Milan thua trận, nhưng Silvio Berlusconi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi tài chỉ huy của Arrigo Sacchi.
Trên sân cỏ, phong độ của Milan có dấu hiệu sa sút vào cuối tháng 3 khi tụt xuống thứ 5. Không khí xung quanh đội bóng khá căng thẳng, nhất là vị trí huấn luyện viên trưởng của Nils Liedholm. Ông chủ mới của câu lạc bộ hiểu mình cần làm một điều gì đó để thay đổi tình hình. Trước trận lượt về với Parma, Phó chủ tịch Adriano Galliani có cuộc gặp riêng với huấn luyện viên người Thụy Điển tại phòng Sala del Focolare, ở Milanello. “Lúc đó chúng tôi hiểu mình cần một huấn luyện viên mới và đội bóng thì đã có sẵn mẫu người như vậy”. Galliani nhớ lại trong cuộc phỏng vấn cùng Gazzetta vào năm 2000. Nils Liedholm ra đi và Milan có vị thuyền trưởng mới đầu tiên được chọn bởi Silvio Berlusconi, ông là Fabio Capello.
Là một tiền vệ có tiếng của Calcio khi còn khoác áo Juventus, Fabio Capello đến Milan khi sự nghiệp đã bước vào buổi xế chiều. Ông giải nghệ sau scandal Totonero và chuyển xuống làm huấn luyện viên đội trẻ. Năm 1982, ông cùng đội U17 Milan đánh bại Bari để giành chức vô địch quốc gia, thành công giúp Capello được thăng cấp lên dẫn dắt đội Primavera U19, nơi ông đã làm việc với những huyền thoại lớn bậc nhất lịch sử câu lạc bộ, đó là Billy Costacurta và Paolo Maldini, tài năng mới chỉ 16 tuổi nhưng đã gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi anh là con trai của huyền thoại Cesare. Năm 1985, họ cùng nhau vô địch U19 Coppa Italia, và chín thành viên trong đội hình này sẽ trở thành những ngôi sao ở Serie A. Những bước tiến âm thầm đó của Don Fabio đều không lọt khỏi cặp mắt xanh của Silvio Berlusconi và thời cơ để ông thử thách mình ở Serie A đã đến.
“Ông ấy vô cùng máu lửa trên sân tập và thái độ thì luôn hướng về trận đấu, trong khi Nils lại tương đối thoải mái, thích trò chuyện cùng các học trò. Cách tiếp cận của Fabio vì thế khác hẳn. Ông ấy muốn xung quanh mình là những nhà vô địch, Fabio muốn thành công.” Ray Wilkins nhớ lại kí ức trong buổi tập đầu tiên cùng Fabio Capello trên cương vị huấn luyện viên tạm quyền của Milan vào năm 1987. Vài ngày sau, Capello có trận ra mắt cùng Milan, định mệnh thay đó là ngày ông giáp mặt với Parma của Arrigo Sacchi, cuộc đối đầu giữa hai người đàn ông đã viết nên trang sử hào hùng nhất của Lữ đoàn Đỏ-Đen, trên sân, kết quả là một trận hòa không bàn thắng. Kết thúc mùa giải 1986-87, miền Nam Italia nổ tung với Scudetto đầu tiên của Napoli và Diego Maradona, trong khi Milan chỉ về thứ 5, vị trí sẽ có vé tham dự UEFA Cup. Không khó để các sử gia nói về thất bại của Rossoneri. Giuseppe Galderisi và Dario Bonetti không xứng đáng với vị thế ngôi sao mà Milan kì vọng, còn Roberto Donadoni và Daniele Massaro chỉ chơi ở mức tròn vai trong khi những dấu tích của triều đại cũ như Ray Wilkins, Mark Hateley, Agostino Di Bartolomei rõ ràng không thích hợp với kế hoạch lớn lao của Berlusconi. Ở ghế huấn luyện, dấu ấn của Fabio Capello là không tệ, nhưng ông có quá ít thời gian để thuyết phục Il Presidente. Song nhân tố quyết định nằm ở người đã được Silvio Berlusconi chọn để đưa Milan vươn tới đỉnh cao chiến thắng.
Kỉ nguyên Sacchi, kỉ nguyên chiến thắng
Milanello ngày 23-4-1987. “Sacchi là ai vậy? Tôi không biết tí gì về ông ấy cả”, rảo bước thật nhanh trong ngày ra mắt Rossoneri nhưng câu trả lời của Marco van Basten mới khiến cánh phóng viên Italia té ngửa khi được hỏi về vị thuyền trưởng mới của Milan. Dù vậy, chàng tiền đạo Hà Lan đã nói rất thật lòng mình. Ở Italia, cụm từ “Signor Nessuno” hay “Kẻ tầm thường” nhằm mô tả những ai không có thân thế nổi trội và biệt danh này được báo giới Italia dùng để gán cho Arrigo Sacchi, “Kẻ tầm thường” nhưng đã làm nên những điều phi thường.
Nói đến Italia, vùng đất Địa Trung Hải có ba thứ “đặc sản” khiến cả thế giới vừa ngưỡng mộ, vừa sợ hãi. Đó là Pizza, Mafia và Catenaccio, nhưng thật kì lạ khi Catenaccio, quả đấm thép của Calcio thuở nào lại không hề gây ấn tượng với chàng thanh niên Arrigo Sacchi, mà ngược lại, sức hấp dẫn vô hình từ Hà Lan với “Bóng đá tổng lực” mới thật sự khiến ông ám ảnh. Sinh ra ở thị trấn Fusignano, vùng Emilia Romagna, năm 19 tuổi, hiểu được khả năng chơi bóng của mình có hạn, Sacchi đành dừng lại để làm việc cho xưởng giày dép của cha. Vốn ngoại ngữ tốt giúp ông có dịp rong ruổi nhiều nơi ở châu Âu và thành phố luôn thu hút chàng trai trẻ là Amsterdam, nơi có đội bóng và một triết lí đã truyền cảm hứng cho ông mãi mãi. Từ Fusignano cho đến Cesena, từ Rimini đến Parma, và cuối cùng ở San Siro vào tháng 2-1987, Sacchi đã tự giới thiệu mình với Calcio theo cách ấn tượng nhất.
“Chắc ông ta sẽ chả có cơ hội nếm bánh Panettone đâu mà”, đấy là thứ bánh mà người Italia hay dùng trong dịp Giáng sinh. Đúng vậy! Ngoài Silvio Berlusconi, không ai tin huấn luyện viên đến từ Fusinagno sẽ trụ vững qua tháng 12. Chính điều đó khiến nhiều ánh mắt trở nên bi quan khi nói về triển vọng của AC Milan ở mùa hè 1987. Trước Sacchi, Milan đã kịp chiêu mộ Marco van Basten từ Ajax, một tiền đạo trẻ đầy tiềm năng của Hà Lan, nhưng thương vụ tuyển mộ Ruud Gullit lại khó khăn hơn khi Juventus đã nhảy vào cuộc đua. Milan quyết không lùi bước một khi Il Presidente đã hạ lệnh. Lập tức, một bản hợp đồng 3 năm cho Gullit cùng mức lương cao gấp 3 lần ở sân Philips sớm đóng sập cánh cửa với Lão Phu Nhân. Kể từ đó, phong cách “Berlusconismo” được áp dụng cho mọi vụ chuyển nhượng sau này của Rossoneri.
Nhưng Van Basten hay Gullit đều không phải là cầu thủ Sacchi khao khát nhất, mà cái tên ấy lại là Carlo Ancelotti, một tiền vệ đầy kinh nghiệm từ AS Roma, bất chấp chuyện Carletto vừa lành chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Cái tên còn lại trong mùa chuyển nhượng năm ấy là tiền vệ Angelo Colombo đến từ Udinese. Song các đối thủ của Milan cũng không chịu ngồi yên khi mang về một loạt những ngôi sao danh tiếng. Ở Turin, Juventus chọn Ian Rush của Liverpool là người kế vị chiếc áo số 10 của Michel Platini vốn đã giải nghệ, xuôi về phương nam Napoli bổ sung đối tác cho Diego Maradona bằng Careca, ngôi sao của Mexico 86. Trong khi Inter đặt niềm tin vào kinh nghiệm của Daniel Passarella. Bối cảnh tạo nên một cuộc chạy đua vô cùng khốc liệt trước mùa giải 1987-88.
Mùa giải khởi đầu không ổn với Milan, Rossoneri bị Espanyol loại khỏi UEFA Cup và để Fiorentina đánh bại ở sân nhà San Siro tại vòng 2 Serie A. Điều quan trọng nhất là các bài tập của Arrigo Sacchi còn quá mới lạ với các cầu thủ, như hồi tưởng của Ancelotti, “Vào cuối buổi tập thì ai cũng hoàn toàn kiệt sức, chỉ nghĩ đến cảnh leo lên cầu thang về phòng thôi là tôi đủ hãi hùng rồi”. Carletto là một trong những thành viên kinh nghiệm nhất, nhưng ông phải thừa nhận, lần đầu tiên chứng kiến những bài rèn thể lực khủng khiếp đến thế ở Calcio. Ngoài ra, bản CV khiêm tốn của Sacchi khiến ông phải nhận sự hoài nghi của các ngôi sao như Van Basten hay Gullit. Bất chấp chuyện Silvio Berlusconi nói thẳng với đội bóng rằng sẽ không sa thải Sacchi bằng bất cứ giá nào, thì “Signor Nessuno” cũng phải chứng minh rằng, mình hoàn toàn không tầm thường như suy nghĩ của các học trò.
“Họ có 15 phút để ghi bàn”, Sacchi nhớ lại, “10 cầu thủ như vậy đều tuyệt vời cả; Van Basten, Gullit, Donadoni, Ancelotti sẽ đối đầu với chỉ 5 hậu vệ của tôi. Luật chơi đơn giản là nếu họ mất bóng, thì phải bắt đầu lại mọi thứ. Còn lại, họ có thể làm gì tùy thích. Và anh biết không, trong suốt thời gian tôi ở đấy, chưa bao giờ họ ghi nổi lấy 1 bàn. Không bao giờ, dù lấy 5 chọi 10. Tại sao? Là vì 5 hậu vệ đều theo sát chỉ đạo của tôi. Đó là cách mà tôi thuyết phục những cá tính mạnh như Van Basten hay Gullit, để họ tin vào những gì tôi đang truyền đạt”. Khi rào cản khó khăn nhất đã qua đi, AC Milan bây giờ mới như một cỗ máy chiến thắng mà Sacchi và Berlusconi đã chờ đợi bấy lâu.
Ở Serie A mùa giải 1987-88, đối thủ chính của Đỏ-Đen không ai khác ngoài nhà vô địch Napoli với bộ tam tấu Ma-Gi-Ca (Maradona-Giordano-Careca) ở hàng công. Sau trận thua Fiorentina ở vòng 2, Van Basten dính chấn thương mắt cá, tuy nhiên điều này lại giúp Sacchi bỏ đi sơ đồ 4-3-3 để lựa chọn 4-4-2 với Gullit đá cặp trên hàng công cùng Pietro Virdis, trong khi Donadoni và Colombo án ngữ hai cánh. Ở hàng thủ, Sacchi cũng trình làng bộ tứ vệ trứ danh nhất lịch sử mà Calcio từng chứng kiến gồm Mauro Tassotti-Billy Costacurta-Franco Baresi-Paolo Maldini, họ ngay lập tức thích ứng với ý niệm phòng ngự khu vực mà Sacchi tôn thờ. Trên sân cỏ, Milan như cơn cuồng phong ập đến Calcio sẵn sàng cuốn phăng mọi đối thủ với thứ bóng đá tấn công cởi mở và đầy phóng khoáng, mở màn là thắng lợi 1-0 trước Inter của Trapattoni chỉ bốn ngày trước Giáng sinh.
Đến tháng 1-1988, Rossoneri gây tiếng vang hơn thế khi hạ gục Juventus ở Turin sau 14 năm. Dù Van Basten chấn thương nhưng Ruud Gullit tỏ ra vô cùng xuất sắc khi được Sacchi đẩy lên đá trung phong. Nếu Van Basten có biệt hiệu “Con Thiên Nga từ Utrecht” bởi nét tinh tế trong cách anh xử lí bóng, thì trái lại Gullit mang đến cho Sacchi những tiếng gầm của Chúa Sơn Lâm. Với chiều cao 1,91m cùng nguồn thể lực bất tận, anh là nỗi ám ảnh với các hậu vệ ở các tình huống đọ sức tay đôi, nhưng tài năng người Hà Lan cũng vô cùng kĩ thuật, qua đó giúp anh chơi tốt ở nhiều vị trí khác nhau, thậm chí là cả trung vệ khi sau này đá cho Chelsea. Mùa giải ấy, Gullit xuất sắc đến nỗi anh hoàn toàn đè bẹp Maradona khi hai số 10 gặp nhau ở San Siro vào đầu năm 1988 với thắng lợi hủy diệt 4-1 cho Milan.
Cuối năm 1987, Ruud Gullit được France Football bầu chọn là Quả Bóng Vàng châu Âu, danh hiệu đầu tiên của một cầu thủ AC Milan tính từ kỉ nguyên của Gianni Rivera vào năm 1969. Nhưng tất cả sẽ vô nghĩa nếu Milan để Napoli vượt mặt trong cuộc đua giành Scudetto. Đó là cuộc so kè vô cùng khốc liệt khi cho đến vòng 27, khoảng cách giữa đôi bên chỉ là 1 điểm sau trận hòa của Napoli với Hellas Verona (lúc ấy Serie A chỉ tính 2 điểm cho một trận thắng). Vì thế, màn so tài cao thấp ở San Paolo tại vòng 28 sẽ quyết định tất cả và chuyến đi đến miền Nam đầy nắng gió vẫn in đậm trong kí ức của ngôi sao người Hà Lan khi anh nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình.
“Tôi biết đây là một trận đấu lớn nhưng không nghĩ mọi thứ lại ghê gớm đến vậy. Câu lạc bộ đã thuê đến hai chiếc máy bay thay vì một để cùng Milan đến Naples, một chiếc chở các thành viên, trong khi chiếc còn lại vận chuyển thức ăn và đồ uống.” Nhưng sự kinh ngạc còn lớn hơn khi Gullit và đồng đội đặt chân đến khách sạn Jolly. “Bữa tối được chuẩn bị riêng bởi các đầu bếp của Berlusconi và bất cứ nhân viên khách sạn nào cũng không được phép đến gần. Trong khi thức ăn được mang ra khỏi nhà bếp bởi những vệ sĩ của ngài chủ tịch. Nhưng họ cũng luôn dõi theo chúng tôi từng bước chân, ngay cả khi bạn đi lên thang máy hay dạo quanh ban công khách sạn. Câu lạc bộ lo lắng rằng sẽ có ai bỏ thứ gì đó vào thức ăn để chúng tôi không thể đá tốt trên sân cỏ.” Gullit có thể ngạc nhiên nhưng với người đã nếm đủ cay đắng của thương trường, Silvio Berlusconi hiểu mình cần phải làm gì để chiến thắng.
Ngày 1-5-1988, thành Naples đặc quánh sự căng thẳng khi chiếc xe chở đội khách cập bến San Paolo, sân đấu nêm chặt hơn 80.000 khán giả. Họ hò hét, chửi bới đội khách nhưng ánh mắt lộ rõ sự lo âu bởi phong độ của thầy trò Ottavio Bianchi đang sa sút với chỉ một thắng lợi qua bốn trận, và nếu để Milan giành chiến thắng, mùa giải coi như sẽ vứt đi. Phút 36, cả sân đấu im bặt sau bàn thắng từ “gà son” Pietro Virdis, nhưng pha đá phạt hàng rào đẳng cấp của Maradona cuối hiệp 1 giúp Napoli gỡ hòa 1-1. “Đó là cú sút thiên tài, tôi đã nhảy lên hết cỡ. Dù bạn biết là tôi to cao thế nào nhưng bóng vẫn cứ chui tọt vào góc cao”, Gullit tiếc nuối nhớ lại bàn thắng của Maradona.
Trận này, số 10 của Milan là tâm điểm của hàng thủ đội chủ nhà, như anh miêu tả, ngay cả khi bóng ngoài cuộc thì vẫn có một chiếc áo xanh túm áo Gullit nhằm gây ức chế. Nhưng hiệp 2, Napoli đã phải quy hàng tài năng của những người Hà Lan Bay. Đó là hiệp đấu mà Sacchi đưa Gullit xuống đá thấp nhằm kéo giãn hàng thủ Napoli. Từ cú tạt bóng chính xác của anh, Pietro Virdis lao như một mũi tên với cú đánh đầu hạ gục Claudio Garella. Phút 76, vẫn là Gullit với tốc độ kinh hoàng từ sân nhà, anh vượt qua 2, 3 chiếc áo xanh trước khi dọn cỗ để Van Basten đóng chốt chiến thắng cho Milan.
Một ngày hoàn hảo cho Arrigo Sacchi, Milan giành 2 điểm, Gullit xuất sắc và Van Basten có màn tái xuất đỉnh cao. Nhưng chiến thắng ấy còn đáng tự hào hơn nữa cho các Milanista với hình ảnh từ San Paolo, “Khoảnh khắc sống mãi trong tôi chính là những tràng pháo tay từ đám đông tifosi Napoli sau tiếng còi chung cuộc. Một nghĩa cử tuyệt vời”. Gullit và Milan chiến thắng trên sân cỏ, và chinh phục luôn con tim những người miền Nam. Nắm được lợi thế trong tay, Rossoneri đã biết cách để bảo vệ thành quả của mình. Thế là sau chín năm chờ đợi trong nước mắt và tủi nhục, Scudetto đã quay trở lại Milano, nhưng tất cả điều đó mới chỉ là khởi đầu cho một kỉ nguyên huy hoàng của triều đại Silvio Berlusconi.
Những tràng pháo tay của cổ động viên Napoli là đỉnh cao cho chiến thắng vang dội của AC Milan và Arrigo Sacchi. Bởi theo các sử gia, vượt xa giới hạn Scudetto thì việc Rossoneri trình diễn thứ bóng đá cống hiến ở mùa giải 1987-88 mới là chuyện đáng ngưỡng mộ nhất của Calcio, họ đã gần như thuyết phục tất cả. Quan điểm mới mẻ của Arrigo Sacchi như giúp người Italia phá tan suy nghĩ bảo thủ vốn bị trói buộc bởi “Xiềng Xích” Catenaccio qua hàng thập kỉ. Tháng 4-1989, Milan hành quân đến Bernabeu cho trận bán kết lượt đi gặp Real Madrid, khi ấy sở hữu thế hệ “La Quinta Del Buitre” lừng danh. Nhưng Milan trở thành đội bóng đầu tiên của Calcio đến Bernabeu và chơi tấn công phóng khoáng đến vậy, ánh mắt của người Tây Ban Nha tràn đầy sự ngưỡng mộ cho thầy trò Arrigo Sacchi.
Đầu năm 1988, Serie A cho phép mỗi đội bóng đăng kí ba cầu thủ ngoại binh. Lựa chọn của Silvio Berlusconi là tiền vệ công Claudio Borghi vốn đang nổi lên ở Argentina như là số 10 hoàn hảo, trong khi Sacchi đã có sẵn trong đầu của mình một cái tên, đó là Frank Rijkaard. Trong bối cảnh Milan đang chiến thắng liên tiếp, tiếng nói của Sacchi có sức nặng ghê gớm khiến Il Presidente đành phải nhượng bộ. Chiêu mộ thành công Rijkaard, Milan đã tìm thấy mảnh ghép còn sót lại cuối cùng cho tham vọng chinh phục châu Âu của Arrigo Sacchi, cũng đồng thời là mục tiêu lớn nhất của Chủ tịch Silvio Berlusconi. Chiến thắng 5-0 trước Real Madrid vào năm 1989 mở ra kỉ nguyên thống trị châu Âu của Milan với 2 chức vô địch Cup C1 châu Âu liên tiếp. Trong đó chiến thắng ở Nou Camp, Barcelona là đỉnh cao hơn cả khi ngoài chuyện Rossoneri đè bẹp Steaua Bucarest 4-0, thì chuyện toàn bộ trận đấu được sản xuất bởi đội ngũ dưới quyền Berlusconi là chiến thắng trên mọi phương diện của Chủ tịch Rossoneri (các nhân viên truyền hình Tây Ban Nha tiến hành đình công vào thời điểm đó).
Tuy nhiên, đấy cũng là thời điểm mà Berlusconi nhận ra rằng, ông cần làm một điều gì đó để giữ vững guồng quay chiến thắng cho Milan, ngay cả khi bản thân phải tàn nhẫn.
Ciao, Don Fabio!
“Làm ơn đừng bảo ông ấy là nghị gật nữa đi, Berlusconi mới là huấn luyện viên trưởng”, Corriere Della Sera, tờ nhật báo lớn nhất Italia mỉa mai về tin đồn huấn luyện viên sắp tới của Milan sau khi Arrigo Sacchi đột ngột ra đi vào năm 1991. Tin tức gây chấn động bóng đá Italia khi ấy, bởi sau bốn năm vinh quang với 1 Scudetto, 2 Cup C1, 2 Siêu Cup châu Âu và 2 Cúp Liên lục địa, không ai dám nghĩ “Nhà cải cách” của Calcio sẽ bị sa thải. Nhưng Silvio Berlusconi vẫn như thế, khi cực kì khó đoán trong những quyết định của mình. Hẳn nó cũng giống như ngày ông ra mắt kênh Tele Milano 58 hay chuyện bổ nhiệm một Sacchi “tầm thường” vào năm 1987. Nhưng ẩn đằng sau những chiến thắng, ông chủ của Milan đã nhìn thấy những rạn nứt có thể ngăn cản guồng máy chiến thắng của Milan.
Lần đầu tiên kể từ khi Arrigo Sacchi đến San Siro, Milan mới lại trải qua mùa giải trắng tay toàn diện vào năm 1991. Họ bị Napoli qua mặt ở Serie A và kết thúc kỉ nguyên bất khả chiến bại ở châu Âu. Điều đó thôi thúc Sacchi đưa ra yêu sách về chuyện thanh lọc đội ngũ khi ông cho rằng những cái tên như Mauro Tassotti hay Carlo Ancelotti đã không còn phù hợp với kế hoạch của mình. Trong khi sau Frank Rijkaard, chính sách của Milan tập trung nhiều hơn vào các cầu thủ trẻ, dù trong số này chỉ có Marco Simone để lại ấn tượng. Trước yêu sách của Sacchi, Berlusconi và Galliani đồng ý rằng Milan sẽ thay đổi, nhưng vị trí ấy lại đến từ ghế huấn luyện viên trưởng. Bởi một mặt, những thất bại liên tiếp ở Serie A sau năm 1988 đã làm suy giảm niềm tin của Il Presidente, trong khi phong cách huấn luyện của Sacchi ngày càng lộ rõ chất quân phiệt với các học trò, khiến họ kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nên, ông chủ của Milan cho rằng, một sự thay đổi là cần thiết để tái tạo khát khao chiến thắng cho Rossoneri. Và “nghị gật” mà báo giới mỉa mai chính là Fabio Capello, quân bài trong tay áo bấy lâu của Silvio Berlusconi.
“Chúng tôi thật sự quan tâm đến ông ấy, nên đã gửi Fabio đi học để nâng cao trình độ”, đó là kí ức của ông chủ Milan khi chia sẻ về quyết định giữ Capello lại sau mùa giải 1986-87 và tạo cơ hội để ông nâng cao những kĩ năng trong điều hành quản lí một tập đoàn lớn. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng bộ óc tham vọng của Silvio Berlusconi đã vẽ ra một siêu dự án mang tên “Polisportiva Mediolanum”, hay ngắn gọn là một tổ hợp thể thao đỉnh cao như Real Madrid hay Barcelona. Tổ hợp này không chỉ có bóng đá mà còn có bóng chuyền (Gonzaga Milano), hockey trên băng (Diavoli Milano), bóng rổ (CUS Milano) và bóng bầu dục (Amatori Milano). Vị trí được nhắm đến cho Capello là tổng giám đốc, và con mắt của Silvio Berlusconi thì ít khi nhìn sai người. Dưới quyền quản lí của Capello trong ba năm, tổ hợp “Polisportiva Mediolanum” đã thu về những thành quả với hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ ở tất cả các bộ môn, thậm chí, đội bóng chuyền còn lên đỉnh châu Âu. Chính thời gian này đã giúp Don Fabio tôi luyện kĩ năng quản lí và sử dụng con người, để bây giờ ở tuổi 45, ông đã sẵn sàng cho nhiệm vụ khó khăn hơn bội phần.
“Fabio được chào đón bằng những ánh mắt hoài nghi và ghẻ lạnh”, ông Silvano Ramaccioni, lãnh đội AC Milan vào thời điểm đó nhớ lại. Bởi ngoài sức hút quá lớn của Sacchi, thì chuyện Capello được bổ nhiệm bất chấp CV khiêm tốn khiến báo giới cho rằng ông chẳng qua chỉ là vệ tinh di động của Berlusconi. Nếu phải so sánh về hoàn cảnh, bạn có thể nhìn vào trường hợp Avram Grant ở Chelsea. Quan trọng hơn, chuyện Capello đã xa rời bóng đá đến bốn năm khiến không ai tin ông có thể trụ vững quá lâu ở San Siro, vì chiến thắng là một chuyện và kế thừa di sản hiển hách của Sacchi mới là vấn đề nan giải nhất. Để làm được điều đó, khía cạnh “đắc nhân tâm” được Capello vận dụng cực kì khôn ngoan.
“Ai cũng nói rằng đa số các anh là hết thời rồi và Milan nên đập đi xây lại. Tôi biết điều đó là vớ vẩn, vì chúng ta có thể viết tiếp chu kì chiến thắng. Đa số các anh vẫn có thể chơi bóng đỉnh cao ít nhất là 5, 6 năm nữa.” Thay vì nói về bản thân, thứ mà Capello truyền đạt ở ngày đầu tiên lại là niềm tin dành cho các học trò, thứ mà bản thân Sacchi đã không có. Capello chấp nhận thử thách vì ông tin rằng, đội hình hiện tại của Milan vẫn đủ sức chiến thắng ở mọi đấu trường. Năm ấy, Milan chỉ đón nhận hai tân binh là tài năng trẻ Demetrio Albertini và thủ thành Francesco Antonioli. Lệnh cấm thi đấu ở Cup châu Âu sau sự cố tại Marseille giúp Fabio Capello hoàn toàn tập trung cho đấu trường Serie A mùa giải 1991-92 và những gì mà Don Fabio và Milan làm được khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Bất chấp chuyện các đối thủ hùng mạnh ra sao, Rossoneri tăng tốc ngay khi mùa giải bắt đầu. Tất cả đều ngán ngẩm khi đối đầu với “cỗ máy chiến tranh” của Fabio Capello. Họ nhấn chìm nhà vô địch Sampdoria và Napoli với cùng tỉ số 5-0 trong khi hủy diệt Foggia của Signori 8-0 trên sân khách. Nhưng đáng nể nhất chính là chiến tích giành Scudetto với chuỗi trận bất bại ở mùa giải 1991-92, điều chỉ có Perugia làm được vào những năm 70. Ghi 74 bàn thắng, con số vượt xa 13 bàn trong mùa giải tốt nhất của Arrigo Sacchi là bằng chứng đanh thép nhất về sự cống hiến của đội bóng Đỏ-Đen. “Với nền tảng mà Sacchi để lại, Capello đã kế thừa một cách khéo léo. Về phòng ngự, thì vẫn là Pressing liên tục, với hàng thủ 4 người, bẫy việt vị. Nhưng ở hàng công, các cầu thủ được thoải mái hơn để chứng tỏ bản thân. Vì lẽ đó, Capello đã tạo ra một chút khác biệt, mà cơ bản là tâm lí thoải mái của đội bóng”, ông Ramaccioni lí giải thành công của Milan ở mùa giải năm ấy. Nghĩa là mọi thứ vẫn là của Sacchi, nhưng tài dùng người đã giúp Capello tạo ra sự khác biệt và một lần nữa tất cả phải ngả mũ cho đường lối cực kì sáng suốt của Silvio Berlusconi.
Sau vài mùa giải đứng ngoài cuộc chơi ở Calciomercato, mùa hè 1992 chứng kiến sự trở lại của phong cách “Berlusconismo” khi biến San Siro trở thành dải thiên hà của Calcio. Đó là Fernando De Napoli, Stefano Eranio, Jean Pierre Papin (đương kim Quả Bóng Vàng châu Âu), Zvonimir Boban, Dejan Savicevic và Gianluigi Lentini từ Torino với bản hợp đồng trị giá 13 triệu bảng, qua đó biến Gigi trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới vào năm 1992, cú áp phe khiến cả Tòa Thánh Vatican cũng phải phẫn nộ khi cho rằng “Đó là sự xúc phạm với giá trị của lao động”. Trong khi đó, Capello vẫn có sẵn bộ ba người Hà Lan Bay ở đỉnh cao phong độ. Thế nên, chuyện dùng ai, bỏ ai là vấn đề cực kì nan giải với Don Fabio khi quy định của FIGC vẫn là chỉ đăng kí ba ngoại binh trong một trận đấu, nghĩa là trong sáu ngôi sao lừng lẫy thì sẽ có khả năng Van Basten, Savicevic hay Papin cùng phải ngồi khán đài. Câu chuyện đủ nói lên sức mạnh khủng khiếp thế nào của AC Milan vào thời điểm ấy.
Chính sách chuyển nhượng của Milan đều nằm trong toan tính của Capello, vì một mặt ông muốn tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các cầu thủ, trong khi vẫn muốn sở hữu một đội hình có chiều sâu để khỏa lấp vài đôi chân pha lê như Marco van Basten. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận chuyện bị bỏ rơi. Như Ruud Gullit chẳng hạn, anh bất mãn với cách đối xử của Capello khi từ vị thế bất khả xâm phạm cùng Sacchi, bây giờ tài năng người Hà Lan phải chịu cảnh ngồi khán đài khi Savicevic lẫn Boban đã đến. Hai ngôi sao trẻ với tài năng kiệt xuất từ Balkan, trong khi Boban khiến Capello say đắm thì Berlusconi lại mê mẩn đôi chân tài hoa của Savicevic. Chính chất lượng và độ dày về đội hình này giúp Milan của Capello trở thành đội bóng đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách xoay vòng các cầu thủ trong một mùa giải mà Rossoneri hướng đến mọi danh hiệu.
Lực lượng hùng hậu giúp Milan nhanh chóng đè bẹp mọi đối thủ với chuỗi 7 trận thắng liên tiếp ở Serie A, phong độ hủy diệt cũng được thầy trò Capello phô diễn ở Cup châu Âu và Coppa Italia. Mãi cho đến tháng 3-1993, trận thua trước AC Parma mới chấm dứt chuỗi trận bất bại ở Serie A của Đỏ-Đen khi dừng lại ở con số 58, vốn kéo dài từ mùa giải trước đó. Góp phần vào kỉ lục này chính là tài dùng người của Fabio Capello như kí ức của tân binh Stefano Eranio. “Ai cũng phải chứng tỏ mình với ông ấy. Điều tuyệt vời là Fabio không bận tâm chuyện anh là ai, danh tiếng ra sao. Bởi nếu anh không nỗ lực trên sân tập, thì đừng mong mình được ra sân.. Tại Serie A, Rossoneri sớm cắt đuôi đối thủ bám đuổi với khoảng cách 11 điểm, thế nên sự tập trung sẽ là Champions League với trận chung kết gặp Marseille, cuộc chiến của hai tỉ phú truyền thông Silvio Berlusconi và Bernard Tapie, người đã vung tiền để chiêu mộ những tên tuổi lớn, từ Alen Boksic đến Rudi Voeller, từ Marcel Desailly đến Abedi Pele.
Ngày 26-5-1993, sân Olympic Munich chứng kiến màn so tài đỉnh cao giữa hai thế lực của tiền bạc và quyền lực. Milan chơi lấn lướt ở hiệp 1, nhưng Van Basten có dấu hiệu không ổn do chỉ mới bình phục chấn thương mắt cá, còn Daniele Massaro phung phí vài cơ hội. Cuối hiệp 1, tình thế đảo chiều khi hậu vệ Basile Boli của Marseille đánh đầu tung lưới Sebastiano Rossi. Sang hiệp 2, Papin vào sân, nhưng tình thế không thay đổi. Quả là tuyệt vọng cho Capello, khi hai chân sút hàng đầu của ông đều có dấu hiệu tái phát chấn thương trong khi Gullit không được đăng kí. Milan thua trận 0-1, nhưng thất bại ấy mau chóng bị lãng quên khi đây cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp hiển hách của Marco van Basten, anh buộc phải nói lời giã từ sự nghiệp ở tuổi 28 trong nước mắt.
Điểm nhấn với Capello là tùy vào hoàn cảnh mà ông luôn biết cách vận dụng nguồn nhân lực một cách khôn khéo nhất, chi tiết nói đến tài kĩ trị tuyệt vời của Don Fabio và mùa giải 1993-94 là minh chứng rõ nhất. Đó là thời điểm Van Basten vật lộn với chấn thương, Dejan Savicevic thì thiếu ý thức chiến thuật trong khi Gianlugi Lentini gặp tai nạn ô tô nghiêm trọng. Bối cảnh ấy buộc Capello phải tập trung vào sức mạnh của hàng thủ thay vì hàng tấn công như hai mùa giải trước đó. Ở mùa hè năm ấy, Galliani đã mang về cho ông hai cái tên phòng ngự xuất sắc, đó là Christian Panucci và Marcel Desailly, người vốn chơi trung vệ ở Marseille, nhưng trực giác nhạy bén của Capello như mách bảo, sau khi Rijkaard ra đi thì Desailly là người phù hợp nhất để giảm tải sức ép cho hàng thủ.
“Vai trò của cậu ấy giống như Libero vậy, khi không nhất thiết phải theo kèm ai. Nhiệm vụ đơn giản là đoạt bóng ở khu vực gần nhất.” Như Marcotti mô tả, thì Desailly ngày ấy chính là hiện thân của Makelele sau này. Bổ sung thêm lá chắn thép ở giữa sân, khiến khung gỗ của Rossi trở thành cơn ác mộng với các chân sút ở Serie A với thành tích 929 phút không để thủng lưới ở Serie A, vượt xa kỉ lục cũ của Dino Zoff và Juventus trong thập niên 70. Và ở mùa giải 1993-94, có một tên tuổi lớn phải nếm trải cảm giác này.
Thập niên 90, nếu Pháp có Olympique Marseille, Italia có AC Milan, Đức có Bayern Munich thì quyền lực hàng đầu xứ sở Bò Tót là Barcelona, với giai đoạn thịnh trị của Johan Cruyff cùng thế hệ được mệnh danh là “Dream Team”. Khi ấy, hàng ngũ của Barca gồm những thành viên ưu tú của La Masia như Pep Guardiola, Txiki Begiristain kết hợp cùng những ngoại binh xuất sắc như Ronald Koeman, nhưng mọi tinh hoa của Cruyff đều tập trung vào hai trung phong Romario và Hristo Stoichkov. Họ cùng nhau thống trị La Liga với thứ bóng đá dựa vào kiểm soát bóng. Bóng chưa lăn, nhưng báo chí Tây Ban Nha đã hả hê với chuyện Milan vĩ đại ngày nào của Sacchi đã chết, để giờ chỉ còn một đội bóng thực dụng của Capello. Nhưng với một nhà vô địch như Don Fabio, điều ông bận tâm là làm sao để đánh bại Barca và Cruyff, đối thủ ông từng để thua vào năm 1973 khi Ajax đánh bại Juventus.
Với thế trận nặng về kiểm soát bóng của Barca, ý đồ của Capello là rất rõ ràng khi ông muốn các học trò áp sát tối đa để buộc đối thủ phải mắc sai lầm. Phút 22, Sergi để Boban áp sát và bóng đến chân Savicevic, sau pha bứt phá đoạn ngắn, cú căng ngang của tài năng gốc Balkan giúp Massaro trừng phạt đối thủ. Barca giãy giụa bao nhiêu thì họ càng sa vào cái bẫy của Milan và 3 bàn thắng đến sau đó như một lẽ tất yếu sau những sai lầm của đội bóng xứ Catalan. Trong đó, bàn thứ 3 của Savicevic quả là nét chấm phá tuyệt vời cho Capello sau những tháng ngày căng thẳng giữa hai người. Rốt cuộc, Milan của Capello đã lên đỉnh châu Âu lần đầu tiên sau biết bao chờ đợi, đồng thời Don Fabio đã dạy cho người Tây Ban Nha bài học về lòng khiêm tốn và hãy nhớ, Catenaccio chưa bao giờ chết trong tư duy của người Italia.
Zac, quý ngài 3-4-3
Vô địch Champions League nghĩa là vị thế của Fabio Capello đã khác rất nhiều, vấn đề gia hạn hợp đồng của ông với AC Milan vì thế trở thành đề tài nóng bỏng. Bởi theo Capello, sau 15 năm tận hiến cho Milan trên mọi phương diện, ông xứng đáng được tưởng thưởng, vốn được quy đổi bằng một bản hợp đồng dài hạn và mức lương cao. “Tôi muốn nhìn thấy niềm tin của câu lạc bộ dành cho mình, bởi sau nhiều năm chinh chiến, tôi nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng.” Dĩ nhiên, Berlusconi và Galliani trân trọng Capello, nên Milan sẵn sàng thỏa mãn yêu cầu của ông nhưng họ là doanh nhân và sẽ phải tính toán thiệt hơn dù đối tác có là ai đi chăng nữa. Một điều khoản được kèm vào hợp đồng, rằng: nếu Milan có quyền xem xét lại vào cuối mùa giải nếu Capello không thể giúp đội bóng giành những danh hiệu như Scudetto hay Champions League. Lộ rõ vẻ chán nản với ràng buộc từ phía Milan, vì thế Capello đã nói thẳng với Galliani rằng, ông sẽ rời khỏi San Siro vào mùa hè 1996. Và cũng từ đây mở ra chu kì thất bại đầu tiên của kỉ nguyên Berlusconi.
Từ Oscar Tabarez (huấn luyện viên người Uruguay) cho đến Arrigo Sacchi và chính… Capello, Milan rơi vào tình trạng bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng của câu lạc bộ, khi họ thiếu định hướng và mắc sai lầm ở khâu chuyển nhượng. Như trường hợp của Roberto Baggio, người hùng của đội tuyển Italia ở World Cup 1994, nhưng Roby được mua về vào năm 1995 không phải để phục vụ cho ý đồ của huấn luyện viên trưởng, mà thay vào đó chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu của ông chủ Silvio Berlusconi với giấc mơ để Baggio đá cặp cùng Savicevic. Như thừa nhận của Capello, ông không biết phải dùng Baggio ở đâu, bởi anh là mẫu cầu thủ kiệt xuất mà đội bóng phải phục vụ, trong khi Baggio hiếm khi tham gia vào các tình huống phòng ngự và di chuyển chiến thuật. Từ Lippi đến Sacchi, từ Capello đến Trapattoni, Baggio đều không thể có chỗ đứng trong đội hình.
Trong khi với ông chủ Berlusconi, những năm tháng vinh quang khiến Il Presidente dần đánh mất sự kiên nhẫn, thay vào đó, một huấn luyện viên đến Milan phải có trách nhiệm mang về thành công ngay lập tức. Như trường hợp của Oscar Tabarez, ông chỉ trụ lại San Siro đến đầu tháng 12-1996 trước khi bị sa thải. Mặt khác, các đối thủ của Milan đã trở lại, đặc biệt là Juventus với bộ đôi Marcello Lippi và Luciano Moggi. Mọi thứ căng thẳng hơn cho Berlusconi trên chính trường, khi ông đối mặt với một loạt những cáo buộc tham nhũng và trốn thuế, có nguy cơ phải đối diện với những cuộc điều tra từ quốc hội Italia. Hệ quả là trong hai mùa giải liên tiếp từ năm 1996 đến 1998, Milan chỉ kết thúc ở vị trí thứ 10 và 11, thành tích thật khó nuốt trôi với ban lãnh đạo. Thế rồi, trong cơn bấn loạn tìm lối ra, Milan đã đặt niềm tin vào một “Cánh chim lạ” ở Serie A.
Chiến lược gia ấy đến từ thị trấn nhỏ Cesenatico, vùng Emilia Romagna, nơi đã sản sinh ra Arrigo Sacchi huyền thoại ngày nào. Ông có tên đầy đủ là Alberto Zaccheroni hay đơn giản là “Zac”. Khá hơn tiền bối của mình, Zaccheroni ít nhất đã có hai năm kinh nghiệm ở Serie A cùng Udinese và chuyến phiêu lưu quả cảm ở Friuli đã thuyết phục Berlusconi chọn ông là người lèo lái AC Milan. Mùa hè 1996, chuyện nhà Pozzo bổ nhiệm Zaccheroni là huấn luyện viên của Udinese khiến cả Calcio giật mình, bởi người đàn ông đến từ Cesenatico khi ấy chưa hề có kinh nghiệm chinh chiến ở Serie A, khi trước đó chỉ cầm quân ở Cosenza tại Serie B và chưa từng thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng khi Zac ra đi, những ánh mắt hoài nghi nay chuyển sang ngưỡng mộ bởi thành tích vô cùng ấn tượng của ông khi giúp Udinese về thứ 3 ở mùa giải 1997-98, trong đó dấu ấn lớn nhất của Zaccheroni đến vào ngày 13-4-1997.
Đối mặt với Juventus ở Delle Alpi, ngay phút thứ 3, Udinese đã mất người khi hậu vệ Regis Genaux bị truất quyền thi đấu vì phản ứng trọng tài. Nhưng thay vì rút khỏi sân một tiền đạo để thay bằng một trung vệ, thì Zac đi nước cờ táo bạo khi giữ nguyên 3 hậu vệ để chuyển sang sơ đồ 3-4-2 và kết quả thật khó tin, Udinese hạ gục Juventus 3-0 ngay ở Turin. Trận đấu mở ra thương hiệu 3-4-3 cho Alberto Zaccheroni khi từ chỗ đứng ngoài Top 10, một loạt các chiến thắng cuối mùa giải 1996-97 bằng sơ đồ 3-4-3 giúp đội bóng nhà Pozzo giành vé dự UEFA Cup trong sự ngỡ ngàng của Calcio, dĩ nhiên có cả Silvio Berlusconi.
Mùa giải 1998-99, lễ Bách niên kỉ niệm 100 năm thành lập câu lạc bộ đến trong bối cảnh u ám ở San Siro vì sau bao năm bất ổn với chính sách chuyển nhượng, “tổng quản” Galliani đã dè dặt hơn rất nhiều. Thay vào đó, Milan chỉ mang về hai hậu vệ trẻ Luigi Sala và Roberto Ayala, tiền vệ Guly, thủ thành Jens Lehmann cùng hai tân binh từ Udinese là Thomas Helveg và Oliver Bierhoff, Vua phá lưới Serie A mùa giải 1997-98, chân sút người Đức được mang về để đá cặp với George Weah. So với các đối thủ khác như Juventus, Inter hay Lazio, rõ ràng Milan thua sút hoàn toàn ở Calciomercato 1998. Bối cảnh khiến không nhiều Milanisti kì vọng vào Scudetto cho thầy trò Zaccheroni.
Đầu tiên là chuyện chọn ai bắt chính trong khung thành. Tân binh Jens Lehman giành “pole” khi anh được mang về để thay thế Sebastiano Rossi, song hàng loạt sai lầm khiến Zac quay lại với thủ thành kì cựu của đội bóng. Nhưng đến vòng 17, cú đấm vào mặt tiền đạo Cristian Bucchi (Perugia) khiến tình thế thay đổi khi Rossi bị treo giò đến 5 trận, hoàn cảnh buộc Zaccheroni đặt niềm tin vào cái tên đầy xa lạ, Christian Abbiati. Ngoài ra, Massimo Ambrosini cũng được trao suất đá chính sau một năm trưởng thành ở Vicenza. Nhưng canh bạc lớn nhất của Zac chính là Oliver Bierhoff, học trò cũ của ông ở Udinese, dù ít ai biết, người lựa chọn anh và Helveg là Fabio Capello.
Kể từ khi sở hữu Milan vào năm 1986, thành công của triều đại Berlusconi được “đo ni đóng giày” bởi những ngôi sao hàng đầu. Nghĩa là trước tiên, họ phải được định danh thuộc hàng sao số của làng túc cầu, từ Marco van Basten đến Ruud Gullit, từ Jean Pierre Papin đến Dejan Savicevic. Xét trong tiêu chí ấy, khó để nói rằng Oliver Bierhoff đủ sức chen chân vào hàng ngũ lừng danh này, nên nhớ mùa giải anh tỏa sáng cùng Udinese hay bàn thắng vàng ở chung kết Euro 1996 vẫn chỉ mang tính thời điểm và khó để khẳng định đấy là chuyện đẳng cấp. Bởi ngay cả ở tuyển Đức, Bierhoff vẫn còn phải cạnh tranh suất đá chính. Duy nhất Zac lại có suy nghĩ khác. Nhưng để làm nên thành công trong giai đoạn này, tiếng nói của các cựu binh là điều quan trọng nhất với huấn luyện viên Zaccheroni.
“Tôi lập tức nhận được sự ủng hộ của các trụ cột như Maldini, Costacurta hay Albertini không lâu sau khi đến Milanello.” Sự ủng hộ ấy là về mặt chiến thuật với sơ đồ 3-4-3, bởi sau hai kỉ nguyên của Sacchi và Capello thì việc chấp nhận sự thay đổi lớn về kết cấu phòng ngự là không hề dễ dàng. Quan điểm của Zac là xây dựng một đội ngũ có sự pha trộn giữa sức trẻ (Abbiati, Ambrosini…) và kinh nghiệm (Maldini, Costacurta…), giữa tính chiến đấu (Helveg, Guly…) và chất nghệ sĩ (Boban, Leonardo…) tạo ra một Milan thực sự cân bằng.
Mùa giải 1998-99, Lazio là đối thủ chính của Rossoneri, thời điểm mà kỉ nguyên vàng son của Sven Goran Eriksson mới chỉ bắt đầu. Đội bóng thành Rome sở hữu đội hình chật ních các ngôi sao ở ba tuyến như Alessandro Nesta, Sinisa Mihajlovic, Fernando Couto, Roberto Mancini và Marcelo Salas… Juventus lại sa sút sau chấn thương nặng của Alessandro Del Piero vào tháng 11, trong khi Inter lại quá bất ổn khi đã dùng đến bốn lượt huấn luyện viên. Dù bất ngờ có đến ở Fiorentina và Trapattoni, thì cuộc đua giành Scudetto vẫn chỉ diễn ra giữa AC Milan và Lazio. Cho đến vòng 26, thắng lợi 2-0 trước Venezia giúp Lazio tạo ra khoảng cách 7 điểm sau khi Rossoneri bị Bari cầm chân 2-2.
Nhưng một tài năng đã bất ngờ bừng sáng ở hai tháng cuối mùa giải để quyết định số phận Scudetto. Người ấy không phải là Oliver Bierhoff hay George Weah mà là Zvonimir Boban, khi anh đã chơi thứ bóng đá hay nhất của đời mình tại Milan vào mùa giải 1998-99. Trong đó thắng lợi 2-0 tại Turin ở vòng 32 là tiền đề cho việc phế truất Lazio, in đậm trong kí ức các Milanista là pha chích bóng cho Weah ghi bàn thứ 2 thực sự là một kiệt tác kiến tạo. Chuỗi 7 trận thắng liên tiếp của Rossoneri khiến thầy trò Eriksson choáng váng, như thừa nhận của chiến lược gia người Thụy Điển trong cuốn My Story, “Chúng tôi thiếu bản năng để kết liễu đối thủ”. Chỉ trong sáu vòng đấu, khoảng cách được rút ngắn xuống còn 1 điểm và bước ngoặt đến ở Florence tại vòng 33, khi Lazio đụng độ Fiorentina của Giovanni Trapattoni. Hàng tá cơ hội được tạo ra nhưng đội khách chỉ thu về 1 điểm, trong khi Milan hạ gục Empoli 4-0, tiền đề mở ra Scudetto lần thứ 16 cho AC Milan đúng dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập câu lạc bộ. Nhưng khác với những chiến thắng của kỉ nguyên Sacchi và Capello vốn áp đảo đối thủ, thầy trò Alberto Zaccheroni có một trong những cú nước rút vĩ đại nhất lịch sử Caclio, dù xét về chất lượng đội ngũ, Milan chưa hẳn đã nằm trong top 3 đội bóng mạnh nhất Serie A mùa giải năm ấy. Thế nên, ai cũng phải thừa nhận, Scudetto cho Milan là một bất ngờ và Zaccheroni xứng đáng được thừa nhận về tài năng, mặc dầu không phải ai cũng có quan điểm như vậy.
“Chủ tịch câu lạc bộ luôn nói rằng Lazio sẽ giành Scudetto, khi tôi hỏi tại sao Milan chiến thắng thì Berlusconi bảo đấy là do lời khuyên nên dùng Boban đá hộ công của ông ấy. Dù tôi cũng khá thích Boban nhưng cậu ấy thường xuyên đá lệch trái ở sơ đồ 4 tiền vệ. Ngay sau khi hồi đáp như vậy, mối quan hệ của chúng tôi hoàn toàn đổ vỡ.” Trong khi báo chí thi nhau thêu dệt những nguyên nhân bất đồng giữa hai người từ việc Alberto Zaccheroni là người theo phe cánh tả, vốn có xu hướng đối lập với Đảng Forza Italia (cánh hữu) của Silvio Berlusconi cho đến chuyện ông chủ Rossoneri dị ứng với sơ đồ 3 trung vệ mà Zac áp dụng tại San Siro. “Ồ, chính trị chả liên quan tí nào đến chuyện này cả. Cánh nhà báo hay kháo nhau rằng tôi là người cộng sản, vì nghe nói là họ hàng nhà tôi như vậy thì phải. Thế là ban lãnh đạo Milan khuyên tôi hãy phát biểu chính thức để bác bỏ tin đồn này nhưng tôi thì không làm thế, bởi tôi đến Milan để huấn luyện chứ không phải đến đây để trở thành một chính trị gia.” Dù đã giúp Milan giành Scudetto lần thứ 16, nhưng ai cũng hiểu rạn nứt giữa huấn luyện viên và ông chủ đội bóng Đỏ-Đen ngày càng lớn, chuyện ra đi của Zaccheroni chỉ còn là vấn đề thời gian một khi cái cớ hợp lí nào đó tìm đến.
Mùa hè 1999, bộ đôi Ariedo Braida và Adriano Galliani quyết định thay máu đồng loạt cho các tuyến của Milan bằng những tài năng trẻ như trung vệ José Chamot, các tiền vệ Gennaro Gattuso, Serginho và bộ đôi song sát José Mari và Andriy Shevchenko, tài năng từ Dinamo Kiev vốn gây chú ý với cả châu Âu sau khi giành ngôi Vua phá lưới Champions League mùa giải 1998-99. Nhưng điềm gở sớm đến với thầy trò Zaccheroni khi bị Parma đánh bại 2-1 ở trận tranh Siêu Cúp Italia. Trong khi Lazio và Juventus sớm tăng tốc, thì Milan như cỗ máy thực sự có vấn đề. Song nếu tình hình ở Serie A vẫn còn chút khả quan thì Champions League quả là nỗi thất vọng ghê gớm khi Rossoneri xếp chót bảng, dưới cả Galatasaray và Hertha Berlin. Tuy nhiên, vị trí thứ 3 của Milan tại Serie A 1999-2000 là cứu cánh cho chiếc ghế của Zac. Dù vậy, vận may ấy kéo dài không lâu, đến tháng 3-2001, trận hòa 1-1 với Deportivo La Coruna chính thức kết liễu số phận của Zaccheroni, bởi năm ấy lá bài Serie A cũng ngoảnh mặt với ông khi Berlusconi cực kì tức giận với chuyện Milan hoàn toàn bị bỏ lại trong cuộc chiến giành vé dự Champions League. Lên thay là bộ đôi quen thuộc của San Siro, Cesare Maldini và Mauro Tassotti, câu lạc bộ về đích ở vị trí thứ 5 với tấm vé dự UEFA Cup 2001-02. Milan chờ cơn gió lạ đến từ Thổ Nhĩ Kì.
Carletto, mừng ông trở về nhà
Vấp ngã là điều khó để chấp nhận nhưng học cách đứng dậy còn khó hơn thế. Sau quyết định sa thải Alberto Zaccheroni, Milan hiểu rằng giải pháp Cesare Maldini chỉ là tình thế, bởi dù đã cố hết sức bằng tình yêu và sự đam mê, nhưng lần tái xuất sau 27 năm ở San Siro của Maldini cha đã không để lại ấn tượng và Milan cần được chèo lái bởi một chiến lược gia đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Đầu những năm 2000, bóng đá Thổ Nhĩ Kì gây chú ý bằng chiến tích của Galatasaray khi vô địch UEFA Cup 2000 sau chiến thắng trước Arsenal. Vinh quang là một chuyện, mà tính thuyết phục nằm ở chỗ lối chơi tấn công của họ làm say đắm lòng người, từ đôi chân ma thuật của Hagi đến tài săn bàn của Hakan Sukur khiến Berlusconi cũng phải xao xuyến. Ấn tượng càng lớn hơn khi chính Galatasaray loại… Milan khỏi Champions League mùa giải 1999-2000 sau chiến thắng 3-2. Đến mùa hè 2001, Rossoneri quyết định thử vận may cùng vị thuyền trưởng đã điều khiển con tàu ấy, ông là Fatih Terim.
Nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kì với biệt danh là “Imparator” hay “Hoàng Đế”, Fatih Terim sở hữu cá tính bộc trực, mạnh mẽ, thứ khí chất làm nên một ông chủ quyền lực trong phòng thay đồ. Minh chứng khi ông cầm quân ở Fiorentina, chỉ cần ông chủ Vittorio Cecchi Gori tự tiện xông vào phòng thay đồ để giảng giải chiến thuật, lập tức huấn luyện viên người Thổ Nhĩ Kì đệ đơn từ chức vào ngày hôm sau. Để củng cố cho tham vọng tranh Scudetto mùa giải 2001-02, Rossoneri dốc sức tăng cường hỏa lực với Manuel Rui Costa, Fillipo Inzaghi và Martin Laursen, cùng với đó là bộ đôi đã giành ngôi á quân UEFA Cup 2001 ở Alaves là Javi Moreno và Cosmin Contra. Những bản hợp đồng khá nặng kí ấy bỗng khiến các Milanista quên mất việc họ đã sang bên kia thành phố để lấy đi của Inter Cristian Brocchi và Andrea Pirlo, một tài năng trẻ khá triển vọng nhưng lại không có đất diễn ở Giuseppe Meazza. Kể từ mùa giải 1995-96, dưới kỉ nguyên Capello, lực lượng của Rossoneri mới lại đáng gờm đến thế, nghĩa là “Hoàng Đế” Terim phải có trách nhiệm mang về Scudetto thứ 17 cho Milano.
Ngay khi mùa giải 2001-02 mở màn, giới chuyên môn đã nhìn thấy sự thiếu cân bằng trong cách chơi của Milan khi triết lí lấy công bù thủ được Fatih Terim áp dụng triệt để. “Các anh đừng mong là một trận đấu của Milan sẽ kết thúc với tỉ số hòa không bàn thắng.” Đấy là thứ bóng đá sexy mà ông chủ Silvio Berlusconi ngưỡng mộ với 18 bàn thắng qua 8 trận, nhưng đổi lại, mành lưới của Rossoneri cũng rung lên đến 12 lần. Milan tỏ ra mâu thuẫn với chính mình khi một mặt họ hạ gục Fiorentina 5-2, thắng Inter 4-2 nhưng cũng đồng thời để Perugia hạ 3-1. Phong độ bất ổn này khiến Milan kém xa Juventus, Inter và cả Chievo, tân binh mới thăng hạng Serie A nhưng đã chơi đầy quật khởi. Cuối tháng 10, những tin đồn râm ran về sự trở lại của Carlo Ancelotti bỗng xuất hiện trên mặt báo, để rồi chỉ vài ngày sau “Lễ hội người chết”, số phận của vị “Hoàng Đế” Thổ Nhĩ Kì được định đoạt sau thất bại 0-1 trước Torino vào ngày 4-11. Lí giải về nguyên nhân Terim bị sa thải, ngoài yếu tố chuyên môn, đó còn là sự khác biệt về văn hóa. “Trước khi đến Milan, ông ấy chỉ huấn luyện các đội bóng nhỏ, vốn cho phép Terim làm mọi thứ mình thích. Nhưng môi trường ở Milan là khác hẳn. Ông ấy hay đến trễ vào bữa trưa, rồi chẳng thèm đeo cà vạt trong các sự kiện quan trọng hay chuyện bỏ mặc Mr Bic (Galliani) ngồi một mình chỉ để kịp về xem chương trình Big Brother.” Đấy là hồi ức của Andrea Pirlo trong cuốn tự truyện của mình về quãng thời gian ngắn ngủi của Fatih Terim ở San Siro.
Sa thải huấn luyện viên người Thổ Nhĩ Kì, bởi Milan đã chọn sẵn người kế nhiệm và đó là chuyến trở về của đứa con lưu lạc thuở nào. “Chào mừng anh trở về nhà, Carletto”, ông Antore Peloso, giám đốc trung tâm huấn luyện Milanello hồ hởi bắt tay người quen cũ của mình. Nếu Fabio Capello đến Milan vào giai đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ, thì ngược lại Carlo Ancelotti gắn bó với trang sử hào hùng nhất của Rossoneri. Là một Milanista, bạn sẽ không thể quên cú sút xa để đời của ông trong chiến thắng 5-0 trước Real Madrid vào năm 1989. Nhưng ít ai biết, cuộc gọi của Galliani cho Ancelotti vào tháng 11-2001 đến khi Carletto sắp vào trụ sở AC Parma để kí hợp đồng với nhà Tanzi. Tuy nhiên, chuyện “trở về nhà” sau nhiều năm đã khiến Carlo Ancelotti hi sinh tất cả.
Bước vào căn phòng số 5 huyền thoại ở Milanello, hình bóng của những chiến tướng thuở nào lại hiện ra với Ancelotti, từ Nereo Rocco đến Fabio Capello, trong khi trên sân tập đấy vẫn là Paolo Maldini, Demetrio Albertini hay Billy Costacurta, những đồng đội năm xưa của ông. Nhưng ông mau chóng nhận ra nhiệm vụ nặng nề của mình, bởi sau ngần ấy năm chơi cho Milan, Carletto hiểu rõ tham vọng và sự tàn nhẫn của Berlusconi là khủng khiếp thế nào. Ở Serie A, Milan đã bị Juventus và Inter bỏ xa tại mùa giải 2001-02 thì một suất tham dự Champions League cũng là chấp nhận được cho Ancelotti. Rốt cuộc Rossoneri đã về đích thứ 4 và kế hoạch phục hưng đế chế Đỏ-Đen sẽ chỉ đến vào mùa hè.
“Ngài Chủ tịch, ai cũng muốn vô địch Champions League nhưng nếu ông không thể mang về Nesta, thì chúng ta sẽ không thể chiến thắng ở châu Âu. Hãy mang về cho tôi Nesta, và tôi sẽ đổi lại cho ông bằng chiếc Cup Champions League.” Ancelotti nhớ lại về cái tên đầu tiên hiện ra trong suy nghĩ của ông khi chấn hưng Milan. Alessandro Nesta, trung vệ có giá 30 triệu euro được mang về từ Lazio, nhưng sau ngày anh ra đi, con số ấy thật nhỏ bé với những gì mà Nesta để lại. Khác với người thầy cũ Arrigo Sacchi khi nghĩ đến một tiền vệ, vị trí đầu tiên mà Carletto muốn nhấn mạnh là tầm quan trọng của hàng thủ, dù Milan của Berlusconi phải có nghĩa vụ chơi cống hiến. Bên cạnh Nesta, Rossoneri đã có sẵn Maldini, Kaladze và Roque Junior. Nhưng sự chú ý dồn vào hàng công với hai tân binh danh tiếng, Clarence Seedorf và Rivaldo, siêu sao đã khiến Berlusconi xiêu lòng với hattrick ở San Siro trong trận hòa 3-3 vào trước đó hai năm. Cộng với đội ngũ hùng hậu còn lại, mục tiêu của Rossoneri là chiến thắng trên mọi mặt trận ở mùa giải 2002-03.
Mùa giải khởi đầu với Milan vào tháng 8-2002 với thử thách mang tên Slovan Liberec ở vòng sơ loại Champions League. Rossoneri chiến thắng nhưng cái giá thì quá đắt đỏ khi Andriy Shevchenko dính chấn thương khiến ý đồ đá 4-4-2 của Carletto phá sản, buộc huấn luyện viên đến Emilia Romagna phải có một phương án B. “Tôi có thể chơi tiền vệ phòng ngự. Vì tôi đã từng đá ở vị trí này với Mazzone, mọi thứ rất ổn.” Andrea Pirlo bày tỏ sự lạc quan khi huấn luyện viên của Milan ngỏ ý để anh chơi ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ, trong khi nên nhớ ở Inter, anh được đá nhô cao ngay sau lưng hai tiền đạo. Với việc cùng lúc sở hữu Seedorf, Rivaldo và Rui Costa, ba tiền vệ công xuất sắc khiến suy nghĩ của Carletto lóe lên chuyện kết hợp tất cả để khỏa lấp việc thiếu vắng Sheva. Thử nghiệm đến ở Trofeo Luigi Berlusconi (giải đấu giao hữu thường niên với Juventus). “Cậu ấy thật sự khiến tôi kinh ngạc, khi chơi bóng bằng vẻ đẹp thật giản dị.” Màn trình diễn của “Maestro” lập tức gây ấn tượng với ông thầy mới, và Andrea Pirlo chính là điểm nhấn quan trọng cho sự xuất hiện của sơ đồ “Cây thông” hay “Albero di Natale” 4-3-2-1.
Ở Serie A, Milan khởi đầu mạnh mẽ với 4 chiến thắng và 1 trận hòa, thậm chí Rossoneri giành luôn chức vô địch mùa đông năm ấy. Trong khi ở Champions League, Rossoneri vùi dập những đối thủ sừng sỏ như Deportivo La Coruna, Bayern Munich và Real Madrid. Sự kết hợp hài hòa của Ancelotti giúp Milan công hay thủ chắc. Tính cho đến trước vòng tứ kết, các chân sút của Đỏ-Đen đã ghi đến 19 bàn thắng, nhưng 11 trong số này thuộc về Pippo Inzaghi khi thay thế trọng trách từ Shevchenko. Như huấn luyện viên Domenico huyền thoại đã nói, “Pippo thích bàn thắng à? Không đâu, bàn thắng mới mê mẩn cậu ấy”. Với cá nhân Carletto, sự ngưỡng mộ của ông về Pippo là rất lớn, “Cậu ấy không phải mẫu tiền đạo hoàn hảo để lập tức khiến tôi nghĩ đến đầu tiên, nhưng khi có mặt ở vòng cấm địa, không ai trên thế giới này đủ sức vượt qua Pippo”. Có phong độ xuất sắc ở Champions League nhưng tại Serie A, Milan có dấu hiệu chững lại với những lần mất điểm tai hại. “Chúng tôi đánh mất mình ở Serie A, vì thế sự tập trung đổ dồn vào Cup châu Âu. Áp lực là rất lớn, khi tôi thấy sức nóng vô hình đang tìm đến chiếc ghế của mình.” Canh bạc khiến Ancelotti buộc phải lựa chọn giữa lằn ranh mong manh của thành công và thất bại.
Jon Dahl Tommasson, tân binh người Đan Mạch đến trong mùa hè 2002, nhưng cái tên của anh lọt thỏm giữa một rừng sao ở San Siro. Tuy vậy, các Milanista chả bao giờ quên anh với pha xuất hiện thần kì trước Ajax để ấn định thắng lợi 3-2, Milan thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc vì nếu tỉ số là 2-2 thì đội bóng Hà Lan mới là kẻ đi tiếp. Trực giác chinh chiến ở Cup C1 thuở nào như mách bảo Carletto về vóc dáng của một nhà vô địch, bởi ngoài bản lĩnh, đấy còn là sự may mắn mà Milan sở hữu. Tuy nhiên, việc sa đà vào tấn công khiến Rossoneri để thủng lưới khá nhiều, lập tức Ancelotti phải có sự điều chỉnh khẩn cấp, khi vấn đề mà ông nhìn thấy chính là thể lực của đội bóng có dấu hiệu quá tải. “Chúng ta phải kiểm soát bóng một cách hiệu quả, tránh bị cuốn vào tốc độ của đối thủ, không nên cầm bóng đột phá mà phải chơi một, hai chạm, làm sao để giữ sự an toàn cho phía sau hàng tiền vệ của đội bóng ở mức cao nhất có thể.”
Thay đổi quan trọng này chính là chìa khóa để Milan đánh bại Inter và Juventus mà chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn. Trước ngày diễn ra trận chung kết, Carletto đã cho cả đội xem trích đoạn ngắn của bộ phim Any Given Sunday để mượn lời nhân vật Al Pacino nhằm nhắn nhủ đến đội bóng, “Các cậu sẽ thấy cuộc đời giống như một trò chơi vậy. Vì đây là bóng đá, ở cả hai thứ bóng đá lẫn cuộc đời thì khoảng cách của những sai lầm là rất nhỏ. Hoặc chúng ta sẽ phải cùng nhau chiến đấu như một đội bóng, hay thất bại như từng cá nhân riêng lẻ”. Cảm hứng ấy giúp hàng thủ Milan khóa chặt những Del Piero, Trezeguet, Camoranesi… của Juventus và chiến thắng trên chấm luân lưu. Khác với thứ bóng đá hoa mĩ của người thầy Sacchi, óc linh hoạt trong việc sử dụng chiến thuật giúp Carlo Ancelotti mang về chiếc Cup Champions League lần thứ 4 trong kỉ nguyên Silvio Berlusconi. Với cá nhân Carletto, thắng lợi trước Juventus là màn báo thù ngọt ngào sau những gì mà các Juventini và ban lãnh đạo đội bóng đã đối xử với ông. Có một danh hiệu cao quý trong tay, Milan của Ancelotti tự tin hướng về phía trước với sự xuất hiện của một tài năng kiệt xuất.
“Tôi nghe nói về một cậu trai trẻ từ Brazil, khá tài năng, nhưng không biết rõ là thế nào ngoài cái tên dài dằng dặc, Ricardo Izecson Dos Santos Leite. Với cái tên này, tôi đoán chắc cậu ta là một nhà truyền đạo trẻ cũng nên.” Ricardo Izecson Dos Santos Leite hay đơn giản là Kaka, quân bài quan trọng bậc nhất cho những thành công của triều đại Carlo Ancelotti. Mái tóc bồng bềnh cùng khuôn mặt thiên thần khiến Carletto hoài nghi về chàng trai từ Sao Paulo dù anh đã là nhà Vô địch Thế giới. Nhưng khi có bóng trong chân, Kaka thực sự là cơn ác mộng với bất cứ ai phải đối mặt với anh. “Cậu đi chết đi”, cả đội cười phá lên lúc Rino Gattuso trở thành nạn nhân đầu tiên khi nỗ lực ngăn cản pha bứt phá kiểu “trượt tuyết” của Kaka, dù đấy là pha tì vai khá mạnh nhưng thiên thần Brazil vẫn không vì thế mà mất trụ.
Từ Gattuso đến Ivan Cordoba, từ Milanello đến San Siro, Kaka lập tức mang tới cảm giác ngạc nhiên cho mọi hàng thủ ở Calcio bởi tốc độ bứt phá, sự bùng nổ, thanh thoát trong lối chơi, đằng sau khuôn mặt thiên thần là nỗi ám ảnh của một hung thần. Như thừa nhận của Carletto, không phải Shevchenko với 24 bàn thắng mà chính Kaka mới là nhân tố làm thay đổi hoàn toàn mùa giải 2003-04 của Milan với Scudetto lần thứ 17, trong đó nổi bật chính là 12 trận thắng trong 13 trận liên tiếp giúp Đỏ-Đen vượt mặt AS Roma. Song tất cả không phải màu hồng khi chiến thắng ấy bị phần nào đó lu mờ bởi sự kiện Silvio Berlusconi buộc phải rời khỏi ghế Chủ tịch Milan vào tháng 12-2003 sau sức ép từ phía các đảng đối lập (lúc này, ông đã là Thủ tướng Italia được hơn 2 năm), cũng là những dấu hiệu suy thoái đầu tiên cho ông chủ của Fininvest. Ngoài ra, chuyện bị Deportivo La Coruna loại khỏi Champions League với tỉ số 4-0 ở Riazor cũng là nỗi đau dằn vặt AC Milan, nhưng ít ai ngờ rằng, thảm họa sau đó một năm còn khủng khiếp hơn nhiều lần.
“Các cầu thủ người này bá vai người kia và hô vang, tiến lên nào, chúng ta có thể chiến thắng.” Istanbul ngày 25-5-2005, Carlo Ancelotti nhớ lại không khí ăn mừng xâm nhập phòng thay đồ của Milan khi họ dẫn Liverpool đến 3-0 chỉ sau hiệp 1. Ai cũng tin rằng, vấn đề giành chiếc Cup Champions League thứ 7 chỉ là thời gian. Chỉ có những người Anh lại nghĩ khác. Từ 3-1, 3-2, rồi 3-3, tất cả đến một cách điên rồ khiến không thành viên nào của Milan tin vào mắt mình. Thực tế là họ đã không có đủ thời gian để trấn tĩnh bởi nếu người Anh đã từng có bộ phim hài mang tên One Night in Istanbul cách đó chỉ vài tháng, thì thước phim ở Atatuk lại hoang đường hơn tất cả. “Tôi không bao giờ muốn xem lại trận đấu đó thêm lần nào nữa, không bao giờ”, với Carletto đấy cũng là nốt trầm lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông. Sau những “Fatal Verona” hay “Totonero”, lịch sử huy hoàng của AC Milan bị hoen ố bởi tấn bi kịch ở Istanbul mà các Milanista không bao giờ tha thứ, đến nỗi ngay cả ngày chia tay tượng đài Paolo Maldini cũng là dịp để họ dằn vặt đội bóng.
Những dấu hiệu suy tàn của kỉ nguyên Berlusconi dần ập đến bắt đầu từ mùa hè năm 2006. Sau sự ra đi của Andriy Shevchenko, cơn địa chấn mang tên Calciopoli tàn phá dữ dội bóng đá Italia mà Milan cũng bị cuốn vào vòng xoáy này với 8 điểm bị trừ khi khởi đầu mùa giải 2006-07, trong khi Juventus bị đánh tụt hạng. Chỉ sau một đêm, Inter trở thành quyền lực mới của Calcio khi thâu tóm hai ngôi sao hàng đầu của “Lão Phu Nhân” là Patrick Vieira và Zlatan Ibrahimovic, nhân chứng sống cho sự biến mất của chủ nghĩa “Berlusconismo” nổi tiếng thuở nào. Ristorante Giannino, một nhà hàng sang trọng ở Milano, nơi “Il Presidente” lẽ ra sẽ có cuộc hẹn với Ibrahimovic để chốt thương vụ mua anh từ Juventus. Nhưng Ibra không bao giờ đến khi đã bí mật gật đầu với Massimo Moratti, đơn giản bởi Inter đã tỏ ra dứt khoát trên bàn đàm phán trong khi Milan phải lưỡng lự để chờ đợi kết quả từ trận sơ loại Champions League với Sao Đỏ Belgrade. Nghĩa là mấu chốt nằm ở tiền bạc, thứ từng định nghĩa nên chính sách “Berlusconismo” lừng danh. Hai mươi năm kể từ ngày mua lại AC Milan, người ta mới thấy Silvio Berlusconi phải cam phận chiếu dưới trên Calcio Mercato.
Chiến thắng ở Athens trước Liverpool tại chung kết Champions League 2007 thực ra chỉ là phút lóe sáng cuối cùng của những cựu binh vốn đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, thay vì sức mạnh thống trị tuyệt đối mà Milan từng sở hữu. Bởi một khi Galliani đã phải thừa nhận với ông Bosco Leite, cha và cũng là đại diện của Kaka vào mùa đông năm 2008 rằng, lần đầu tiên Milan nghĩ đến chuyện bán đi cầu thủ xuất sắc nhất của mình, cũng là lúc các Milanista hiểu rằng, cơ bắp tài chính từ Fininvest thuở nào chỉ còn là quá khứ thật xa xôi khi những báo cáo tài chính cho biết, dư âm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 khiến đế chế của Berlusconi choáng váng với thâm hụt gần 500 triệu euro. Trong khi đòn thù năm xưa từ kình địch Carlo De Benedetti, vốn sở hữu tập đoàn truyền thông CIR khiến cựu Thủ tướng Italia mất thêm gần 560 triệu euro trong vụ kiện tụng liên quan đến công ty xuất bản Monadori. Tất cả đến một cách dồn dập khiến AC Milan cũng phải chịu hệ lụy từ sự suy yếu của Fininvest. Cuối mùa giải 2008-09, tượng đài Paolo Maldini nói lời giã biệt trong khi Kaka được bán đến Real Madrid, đến lượt Carlo Ancelotti nói lời giã từ với màu áo Đỏ-Đen, bởi sau khi đã từ chối Real Madrid cách đó ba năm vì ân tình với San Siro, Carletto hiểu rằng một chu kì chiến thắng đã đi qua. Sau những năm tháng huy hoàng nhất lịch sử đội bóng, ánh hoàng hôn dần buông xuống San Siro kéo theo chuỗi ngày tăm tối cho màu áo Đỏ-Đen.
Chạng vạng
Sau tám năm gắn bó với Carlo Ancelotti, Milan hiểu rằng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Suy nghĩ của “tổng quản” Galliani đã nhắm sẵn một cái tên để lèo lái Milan, người hiểu rõ mọi ngóc ngách câu lạc bộ, đó là cựu tiền vệ Leonardo. Một quyết định khiến các Milanista chợt nhớ về chuyện bổ nhiệm Fabio Capello thuở nào sau ngày Arrigo Sacchi ra đi bởi với Leonardo, sau ngày giã từ sự nghiệp, gần như cuộc sống của ông vẫn gắn chặt với Milan với chiếc ghế giám đốc kĩ thuật và chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm tài năng ở thị trường Nam Mỹ. Bạn thấy Kaka, Pato hay Thiago Silva đến Milan thì đó đều là những sản phẩm được phát hiện bởi Leonardo. Dù vậy, quyết định của câu lạc bộ được xem là đầy rủi ro khi nếu Capello được kế thừa một đội ngũ chiến thắng vào năm 1991, thì ngược lại, Milan năm 2009 gồm quá nhiều cầu thủ sắp ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, từ Nesta đến Ambrosini, từ Zambrotta đến Kaladze, trong khi số tiền thu về từ thương vụ Kaka không được tái đầu tư, bởi ở mùa hè Calcio Mercato năm ấy, Milan chỉ bổ sung những món hàng giảm giá như Klass Jan Hunterlaar, các hậu vệ như Onyewu Oguchi hay Ignazio Abate, vốn được lấy về từ Torino. Tất cả chỉ trông cậy vào đôi chân ngẫu hứng nhưng đã mệt mỏi của Ronaldinho.
Vốn là một tiền vệ tài hoa khi còn là cầu thủ, không quá khó hiểu khi Leonardo chủ trương xây dựng lối đá tận hiến cho AC Milan. Như một lẽ tất yếu, Milan đánh mất sự cân bằng giữa công và thủ vốn được định hình từ triều đại của Ancelotti. Thất bại trước Manchester United 3-2 ở San Siro tại vòng 1/8 là minh chứng tiêu biểu, bởi nếu hai bàn thắng của Ronaldinho và Seedorf đẹp mắt bao nhiêu thì hàng thủ Milan lại hớ hênh bấy nhiêu cho đối thủ (đó là lần đầu tiên MU ghi bàn vào lưới Milan ở San Siro). Cuối mùa giải năm ấy, Leo chọn cách ra đi bởi ông hiểu mình khó có khả năng tồn tại thêm quá lâu với thành tích như vậy. Khi cái thời mà Milan ngập ngụa trong tiền bạc đã qua đi, các Rossoneri hiểu rằng họ chỉ có thể trông cậy vào tài quản lí của Adriano Gallani, vị CEO xuất sắc nhất lịch sử đội bóng.
Ngày 1-2-2010, tại buổi lễ trao giải Gala Del Calcio, giới mộ điệu bất ngờ thấy José Mourinho không phải là người chiến thắng ở hạng mục “Panchina d’oro” (Băng ghế vàng), mà cái tên ấy là vị huấn luyện viên khá vô danh, Massimiliano Allegri, một chiến lược gia của Cagliari, đội bóng đã gây ấn tượng mạnh ở mùa giải 2009-10 khi đã có lúc nằm ở nhóm dẫn đầu với 32 điểm sau 21 trận. Thành tích lập tức lọt vào mắt xanh của Galliani và sau khi đã cân nhắc kĩ từ Mauro Tassotti, Filippo Galli đến Marco van Basten thì người được chọn lại là Max Allegri. Nhưng ít ai biết, Max đã từng mặc lên mình màu áo Đỏ-Đen khi được Capello tuyển chọn cho chuyến du đấu giao hữu ở nước Mỹ vào năm 1994. Nhưng trước khi người đàn ông từ Livorno giúp kỉ nguyên Berlusconi bùng cháy lần cuối thì Milan đã thắng lớn ở Calcio Merato nhờ tài thao lược trên bàn đàm phán của Galliani.
Mùa hè năm 2010, sau trận giao hữu tôn vinh Ronaldinho ở Nou Camp, căn nhà của Zlatan Ibrahimovic tiếp đón người đàn ông mà anh không hề xa lạ, “Galliani trông rất bệ vệ, ông ấy vốn là tri kỉ của Berlusconi nhưng cũng là tay cáo già trên bàn đàm phán”. Nhận được tín hiệu về mối quan hệ căng thẳng giữa Pep Guardiola và Zlatan Ibrahimovic, Galliani quyết không để tuột mất ngôi sao người Thụy Điển lần thứ hai, và lần này Mr Bic đã thành công với cái giá rẻ đến khó tin, chỉ 24 triệu euro cho cầu thủ được mệnh danh là “Quý Ngài Scudetto”. “Khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Linate, không khí cứ như tiếp đón Obama vậy khi có đến tám chiếc xe Audi và thảm đỏ chờ sẵn chúng tôi.” Ibra nhớ lại cảnh cả trăm phóng viên chực chờ lia máy ảnh về phía anh, trong khi trên đường phố Milano, các cổ động viên hô vang “Ibra, Ibra”, giây phút khiến những kí ức huy hoàng vào mùa hè 1987 lại trở về thật gần. Cũng với Robinho và Kevin Prince Boateng, Zlatan Ibrahimovic giúp Milan hồi sinh ở mùa giải 2010-11.
Chuyển từ 4-3-3 sang 4-3-1-2 với ý đồ kết hợp tài năng của Robinho và Ibrahimovic, trong khi Clarence Seedorf đá hộ công, nhưng Milan của Allegri vẫn không thể tìm thấy sự cân bằng giữa công và thủ khi họ để thủng lưới đến 18 bàn qua 21 trận. Điều đó khiến Allegri buộc phải có những sự thay đổi, dù là phải tàn nhẫn đi chăng nữa. “Này Andrea, ông Allegri có nói rằng nếu cậu ở lại thì cậu sẽ không thể chơi phía trước hàng thủ nữa. Ông ấy có vị trí mới cho cậu, đấy là ở phía bên trái hàng tiền vệ.” Cảm giác thật nhói đau với Andrea Pirlo, một regista huyền thoại, người vốn đặt nền móng cho kỉ nguyên chiến thắng của Carlo Ancelotti, thế rồi cũng đến lúc Milan không cần anh nữa, bởi ý tưởng của Max cần đến những chiến binh thay vì nghệ sĩ như Pirlo và Ronaldinho. Người được chọn bởi Allegri là Mark van Bommel, cầu thủ đã làm thay đổi hoàn toàn Milan sau khi giúp Allegri tạo nên một hàng tiền vệ sắt đá. Các con số không hề biết nói dối, Rossoneri chỉ để thủng lưới 5 bàn qua 15 trận tiếp theo. Cá tính cứng rắn của Max lập tức truyền cảm hứng đến đội bóng của mình. Với bối cảnh Inter sa sút sau cú ăn ba, Milan dễ dàng giành Scudetto thứ 18 trong lịch sử. Tuy nhiên, mùa hè 2011 cũng đánh dấu sự thức giấc của gã khổng lồ tại Calcio.
Ngày 8-9-2011, người Turin nô nức hướng về ngôi nhà mới của Juventus trong trận khai sân với Nott County, đội bóng nước Anh vốn truyền cảm hứng cho các sinh viên ở Turin lựa chọn màu áo Trắng-Đen huyền thoại. Với sức chứa khoảng 41.000 chỗ ngồi cùng chi phí xây dựng hơn 155 triệu euro, Allianz là sân đầu tiên thuộc sở hữu riêng của một đội bóng Italia. Sau khi gia tộc Agnelli trở thành nhà tài phiệt đầu tiên làm bóng đá đầu thế kỉ XX khi mua lại Juventus, một lần nữa Bianconeri lại đi trước tất cả về đường lối phát triển bền vững khi sân đấu mới sẽ mang đến nguồn thu ổn định hằng năm trong bối cảnh những sân đấu như San Siro không thể giúp các đội bóng tối đa hóa lợi nhuận vì những rào cản từ chính quyền địa phương. Thế nên, Allianz mới là Scudetto đầu tiên và lớn nhất trong chuỗi 8 lần vô địch Serie A liên tiếp của Lão Phu Nhân kể từ năm 2011. Trong khi ngược lại ở Milano, những con số thâm hụt hằng năm cứ tìm đến với AC Milan khi bầu sữa từ Fininvest đã cạn. Năm 2014, khi bị báo giới chất vấn về chuyện làm sao giải quyết khoản lỗ lên đến gần 100 triệu euro, Galliani đành cay đắng thừa nhận rằng từ năm 2013, Rossoneri đã phải tự đi bằng chính đôi chân mình vì Fininvest đã không còn bù lỗ cho những khoản thâm hụt hằng năm. Nghĩa là ngoài chuyện đá bóng kiếm tiền thưởng và tài trợ, khó để Milan hi vọng tìm thấy một hướng đi mới.
Nhưng trên sân cỏ, những tia hi vọng ấy tắt hẳn sau thương vụ “bán máu” từ ban lãnh đạo khi quyết định đẩy đi Zlatan Ibrahimovic và Thiago Silva, hai trụ cột thuộc hàng không thể đụng đến của Allegri với giá 62 triệu euro ; như thừa nhận của chính Berlusconi, việc hi sinh hai ngôi sao sẽ giúp Milan tiết kiệm khoảng 150 triệu euro trong hai mùa giải sau đó. Ai cũng hiểu sự kiệt quệ về tài chính dẫn lối cho những quyết định đau lòng như vậy. Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên một khi Allegri tài năng kiệt xuất đến thế còn không thể xoay chuyển tình thế, nói gì đến những tay mơ như Seedorf hay Inzaghi trên ghế huấn luyện. Sau sự ra đi của Max Allegri vào tháng 1-2014, không có thêm bất cứ một chiến lược gia nào tại vị quá hai năm ở San Siro với bối cảnh hỗn loạn như vậy, bởi những Sinisa Mihajlovic, Cristian Brocchi hay Vincenzo Montella cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ đã suy vong. Trong phút hàn huyên cùng bạn bè, Berlusconi đã từng bảo có ba thứ mà các con của ông không được bán sau này là căn biệt thự Villa San Martino ở Arcore, tập đoàn Fininvest và AC Milan, nhưng rốt cuộc đến một ngày, chính ông phải đau lòng từ bỏ đứa con của mình sau 31 năm. Tuy nhiên, việc lựa chọn người kế nhiệm càng cho thấy Il Presidente đã thật sự già như thế nào.
“Nếu tôi là một Milanista, thì tôi cần biết ai là chủ sở hữu Milan”, Tariq Panja, cây bút của New York Times đã tự hỏi sau hành trình đến miền Nam Trung Quốc ở Quảng Đông để tìm hiểu về Li Yong Hong, ông chủ mới được Silvio Berlusconi chọn mặt gửi vàng. Bất ngờ ở chỗ, nơi lí ra được xem là văn phòng của Li lại hoàn toàn bị bỏ hoang. Khi bài báo lên khuôn vào ngày 27-11-2017, hành tung bí ẩn của Li khiến cả nước Ý và UEFA chấn động, lập tức Milan bị đưa vào sổ đen theo dõi đặc biệt. Trong khi đó, số phận của Li như chỉ mành treo chuông mỗi khi kì hạn tăng vốn điều lệ ập đến, câu hỏi là chỉ vài chục triệu euro mà ông ta còn không có đủ thì lấy tiền đâu để rót vào Milan? Một vấn đề nghiêm trọng khác là nguồn tiền mà Li đã vay để mua Milan mới là nguyên nhân khiến họ bị UEFA tuýt còi.
Tháng 4-2017, sau 31 năm trị vì, đế chế AC Milan được Silvio Berlusconi chuyển giao cho Li Yong Hong với giá trị 740 triệu euro sau rất nhiều cuộc đàm phán bế tắc vì Li không thể gom đủ tiền. Câu hỏi là nguồn tiền ấy ở đâu? Vài tháng sau, báo chí Italia điều tra ra cái tên Elliott, một công ty của Mỹ, tổ chức tín dụng chuyên cho vay với lãi suất rất cao với đối tượng chủ yếu là những định chế đang lâm nguy về tài chính. Người Mỹ gọi Eliott là “kền kền”, khi một mặt cho vay nhưng sẽ kê biên tài sản con nợ nếu họ không trả đúng hạn. Trong 740 triệu euro mua Milan, thì có đến 303 triệu mượn từ Eliott cộng tiền lãi 77 triệu euro sẽ phải trả định kì. Đến tháng 7-2018, rốt cuộc Li Yong Hong buộc phải đầu hàng để nhường lại Milan cho Eliott khi không thể kham nổi khoản nợ đã vay. Hơn 5 năm sau ngày chia tay Max Allegri, Milan vẫn chưa thể trở lại Champions League thêm lần nào nữa, giải đấu từng định nghĩa nên kỉ nguyên huy hoàng của màu áo Đỏ-Đen giờ chỉ còn là một giấc mơ xa xỉ và ngày về ấy dường như vẫn còn xa lắm.