C
ó ba hạng người chết:
– Chết rồi chưa chôn: sống mà như đã chết.
– Chết đâu chôn đó: chỉ là hiện hữu rồi tan biến.
– Chôn rồi chưa chết: chết rồi mà vẫn sống hoài trong lòng mọi người.
Một người biết mình đang đi dần đến cái chết thường gắng sống cho thật trọn vẹn trong những ngày còn lại. Họ sống thật chậm để nhìn cuộc đời, để nhìn người thân lần sau cuối. Tất cả xung quanh họ đều thật đẹp, thật quý biết bao. Họ trân trọng từng phút giây đi qua và từng phút giây đang đến. Đối với họ, mỗi giây được sử dụng một cách cẩn trọng, không bao giờ họ đánh mất một giây phút nào cho việc làm vô ích.
Còn ta thì mặc nhiên vung vãi một cách hoang phí từng thời gian đang có mặt. Ta đã sống hết mình với chính thời điểm hiện tại hay chưa? Từng bước chân ta đã đi hối hả, ta quên nhìn vẻ đẹp của hàng cây dương bên đường. Ta đi như ma đuổi… Ta sống cạnh người thương nhưng chưa thật sự một lần có mặt trọn vẹn; ta mãi lo toan những tính toán của cuộc đời, chợt nhìn lại thì hỡi ơi người đã đi xa… Ta đã biết tha thứ, bỏ qua lỗi lầm hay vẫn còn đắm mình trong dằn vặt khổ đau…
Ta ơi, hãy trở về sống cho trọn vẹn ngày hôm nay, để mai này nếu có ra đi ta vẫn không bao giờ hối tiếc.
Trong giờ phút hôm nay, ta hãy sống tha thứ, sống bao dung, dùng tất cả tấm lòng để đối đãi lẫn nhau. Chung quanh ta có biết bao điều mầu nhiệm, cành cây, bông hoa dại ven đường cũng thật đẹp biết bao nhiêu.
Hãy bước cho thật vững vàng trong từng bước chân.
Hãy yêu hết lòng trong từng phút giây đang có.
Hãy dành tặng sự có mặt cho người thương một nụ cười hoan hỷ để biết rằng ta còn hạnh phúc biết bao, vẫn còn hiện diện ngay ở đây và nơi này.
Dù mai có ra sao, dù ta có tồn tại hay ra đi thì giờ phút này vẫn là giờ phút quan trọng nhất trong ta.
Và chúng ta cũng nên thi thoảng suy nghiệm về cái chết, tốt nhất là suy nghiệm về nó hằng ngày vì làm vậy có nhiều cái lợi.
Cần nói rõ ngay rằng suy nghiệm về cái chết không có nghĩa chúng ta phải trở nên buồn rầu, sợ hãi, bệnh hoạn, hoặc ngã lòng, chỉ muốn tự tử. Không, trái lại khi nghiệm một cách hiểu biết về cái chết, chúng ta càng có thể sống một cách hiểu biết và từ bi hơn.
Ví dụ: Mỗi khi bực mình khó chịu, tôi thường suy nghiệm thế này; “Đời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết, vậy gây gổ cãi nhau với người khác thì được ích lợi gì? Nổi cơn nóng giận thì được ích lợi gì? Hoàn toàn không được gì cả! Tốt hơn là mình nên giữ lòng bình an. Cãi nhau hay nổi nóng không giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo thêm hận thù phiền toái”.
Nghĩ như vậy giúp tôi nguôi ngoai, tự kiểm soát lấy mình, không để bị cuốn theo những cảm giác tiêu cực, nhờ thế mà cư xử nhẹ nhàng, khéo léo hơn với những người khác.
Đương nhiên điều này không phải luôn luôn dễ làm. Đôi khi (có lẽ rất nhiều khi), tôi quên đi suy nghiệm ấy nên bị vướng vào những đại ngôn và xúc cảm quá mức, nhưng khi tôi đã tự nhắc mình về sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự phi lý của việc nổi nóng, tôi nguôi lại và ăn nói với sự dịu dàng, tự chế.
Tương tự, khi bị kích động hoặc lo lắng về một chuyện gì đó, tôi tự hỏi: “Lo lắng bồn chồn có được ích gì? Cuộc đời sẽ trôi qua, cái chết đang chờ đón tất cả mọi người, không chừa một ai. Cái chết làm bình đẳng tất cả mọi người. Do đó, khi còn sống, tôi nên sống cách tốt nhất mà tôi có thể, tức là sống với tỉnh giác, sống từng giây phút một, từng ngày một, làm hết sức của mình cho ngày đó”. Khi nghĩ minh mẫn như vậy, tôi sẽ bỏ qua được mọi lo lắng và sống nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn.
Hơn nữa, chúng ta có thể suy luận rằng: “Dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và chết. Vậy thà chúng ta già đi mà không lo lắng gì thì có hay hơn không?”. Suy ấy sáng suốt hơn. Không ai có thể chối cãi rằng sung sướng tức là sống không lo nghĩ. Lo nghĩ nhiều khiến chúng ta bị rút ngắn tuổi thọ, gây ra bệnh tật, chết sớm. Nghĩ được như vậy cũng giúp chúng ta bỏ qua mọi lo lắng và sống hạnh phúc hơn.
Càng suy nghĩ về cái chết một cách hiểu biết, ta sẽ càng bao dung, nhẫn nại hơn, tử tế, dịu dàng hơn với bản thân và với cả những người khác, ta sẽ càng ít bám víu vào của cải vật chất, sẽ ít tham lam hơn.
Khi nhận rõ sự ngắn ngủi của cuộc đời, khi hiểu rằng dù chúng ta tích lũy của cải được bao nhiêu thì cũng chẳng thể mang theo được một xu khi chết, chúng ta sẽ ít tính toán hơn. Chúng ta có thể nới lỏng ra và bắt đầu hưởng trọn niềm vui chia sẻ và ban bố, yêu thương và quan tâm người khác. Chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc đời không phải chỉ là tích lũy dành dụm của cải. Chúng ta sẽ thích rộng rãi hơn, chia sẻ và đem niềm vui và hạnh phúc đến cuộc đời người khác. Mang lại niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác chính là cái làm cho cuộc đời có ý nghĩa và đẹp hơn. Đó mới là điều quan trọng.
Lòng thương yêu và trắc ẩn có thể đâm chồi và nở hoa trong chúng ta giống như một cây đầy hoa đẹp. Chúng ta có thể trở thành những con người thật sự tốt đẹp, đầy lòng từ bi, đối đãi với người bằng cả con tim tràn đầy yêu thương, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội,... Và rồi cuộc đời chúng ta sẽ có thêm ánh sáng mới và chúng ta có thể nói mình thật sự hạnh phúc và nhân bản.
Và khi cái chết đến, chúng ta sẽ không có gì ân hận khi rời thế gian. Chúng ta có thể chết một cách hạnh phúc và an bình với một nụ cười trên môi.
Nhân gian vui-khổ xoay vần
Bôn ba chi cũng... phù vân cuối trời!