“Ân tình tôi nhớ mãi” là tên tập sách về tướng Út Lê (tức Thượng tướng Bùi Văn Huấn), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vừa được Nhà xuất bản QĐND xuất bản tháng 1-2022.
Cuốn sách dày hơn 400 trang, khổ 16x24cm, kể về cuộc đời hoạt động cùng những kỷ niệm của ông qua các chặng đường rèn luyện, chiến đấu, công tác. Những câu chuyện mà theo ông là “chuyện ân tình” làm ông “nhớ mãi”! Mặc dù hiện nay, tôi và ông mỗi người một phương nhưng những kỷ niệm về người thủ trưởng cũ thì như vẫn tươi nguyên...
Bìa cuốn hồi ức "Ân tình tôi nhớ mãi" của Thượng tướng Bùi Văn Huấn. Ảnh: NGÔ BÌNH
1. Khi gia đình tôi còn ở tập thể 32 Lý Nam Đế-phố nhà binh, tôi có may mắn được ở gần một số tướng lĩnh người Nam Bộ như: Bảy Dũng, Ba Kiên, Út Lê... Những ngày nghỉ có khi còn được các bác kêu sang nhà (nhà công vụ), khi thì bàn công chuyện, có khi chỉ là sang... chơi. Với tướng Út Lê, tôi không chỉ là cán bộ dưới quyền trực tiếp, gần nhà mà còn là người viết kịch bản cho bộ phim tài liệu về ông vào năm 2017 theo đặt hàng của Điện ảnh QĐND.
Khi viết kịch bản cho bộ phim nói trên, tôi đã có nhiều lần làm việc với Thượng tướng Bùi Văn Huấn, kể cả ở Hà Nội hay về quê ông ở An Giang. Được biết, ông sinh năm 1945, tại ấp An Quới, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Út Lê là con trai thứ tư trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng.
Năm 1961, khi mới 16 tuổi, ông tham gia tự vệ mật, hoạt động trong lòng địch tại thị xã Long Xuyên, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Năm 1964, từ chiến sĩ, ông tích cực hoạt động, dần được cất nhắc lên Trung đội trưởng, Bí thư Chi bộ Đội Biệt động thị xã. Đầu năm 1971, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát tỉnh; rồi Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 512; Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 512, Ủy viên Đảng ủy Quân sự tỉnh An Giang... Thượng tướng Bùi Văn Huấn xuất thân là một người lính trận mạc. Ông là cán bộ trưởng thành từ đơn vị cơ sở, đã trực tiếp chiến đấu 33 trận và là một thương binh... Có thể nói, đời chiến sĩ của ông luôn gắn liền với những “điểm nóng” của những người lính trong chiến tranh cũng như lúc hòa bình.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn. Ảnh: NGÔ BÌNH
2. Tháng 4-2003, đồng chí Bùi Văn Huấn, khi ấy là Trung tướng, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm TCCT. Công tác ở TCCT, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan TCCT, phụ trách đoàn thể, quần chúng và nội bộ cơ quan. Trên cương vị của mình, ông luôn trăn trở với sự nghiệp xây dựng và nuôi dưỡng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân-một nhiệm vụ sống còn và có tính chất quyết định, làm nên sức mạnh của quân đội.
Là Bí thư Đảng ủy Cơ quan TCCT trong nhiều nhiệm kỳ, ông luôn đòi hỏi cán bộ trong cơ quan, nhất là các đồng chí chủ trì phải thực sự gương mẫu, cả trong công tác và lối sống. Ông luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan. Hàng loạt công trình phục vụ trực tiếp bộ đội như: Nhà công vụ, nhà chính sách, nhà khách đã được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng chú ý nhất là Khu liên cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản của quân đội tại số 161-163 Trần Quốc Thảo; Khu nhà khách TCCT tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm và khu nhà ở của công nhân Công ty TNHH MTV In Quân đội 2 tại số 65 Hồ Văn Huê, TP Hồ Chí Minh... Ông cũng đã giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn thuộc về cơ chế, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ổn định đời sống, yên tâm, phấn khởi, hăng say làm việc và lao động sản xuất...
NGÔ VĨNH BÌNH