Anh hùng Nguyễn Thị Cam, sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong khu vực vĩ tuyến 17. Những năm thơ ấu, thực dân Pháp và tay sai liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, lập tề, xây dựng đồn bốt, đóng chốt hầu hết các tuyến giao thông thủy bộ trên quê hương của chị.
Anh hùng Nguyễn Thị Cam, sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong khu vực vĩ tuyến 17. Những năm thơ ấu, thực dân Pháp và tay sai liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, lập tề, xây dựng đồn bốt, đóng chốt hầu hết các tuyến giao thông thủy bộ trên quê hương của chị. Mặc dù vậy phong trào kháng chiến vẫn phát triển. Trong ký ức tuổi thơ của chị, còn đọng mãi hình ảnh quê hương tràn ngập cờ sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.
HIỆP định Giơ-ne-vơ quy định: với Việt Nam, giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời. Sau hai năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hai miền sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Nhưng với bản chất phản động, Mỹ-Diệm đã trắng trợn chà đạp lên công ước quốc tế, không những không tổ chức tổng tuyển cử mà còn tiến hành khủng bố lực lượng kháng chiến. Sau khi xây dựng được chính quyền phản động thân Mỹ từ trung ương đến cơ sở hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ–Diệm điên cuồng phản kích, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu.
Ở xã Gio Thành, địch tiến hành các đợt tố cộng đẫm máu. Đảng viên, cốt cán bị chúng bắt tập trung vào các trại “cải huấn”, các khu “dinh điền” để “tẩy não”. Cảnh chúng lùng sục, bắn giết, tra tấn cán bộ, đảng viên diễn ra hằng ngày, như chà vôi, xát ớt vào lòng Nguyễn Thị Cam. Căm thù bọn địch dã man, chị nung nấu trong tim nguyện ước được đi chiến đấu để đuổi sạch quân thù, giải phóng quê hương.
Tháng 1-1966, Nguyễn Thị Cam tròn 18 tuổi và đạt được mơ ước của mình là gia nhập đội du kích xã Gio Thành. Thời gian này, quân Mỹ bắt đầu ồ ạt kéo vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Chúng xây dựng hệ thống căn cứ Mỹ từ Cửa Việt, Đông Hà đến Làng Vây, xây “hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra”. Chúng tung các đơn vị thám báo, biệt kích với những cái tên “Trâu điên”, “Đỉa đói”... ngày đêm tuần tra, phục kích lực lượng ta đi lại hoạt động. Địch còn dùng chất độc hóa học, bom xăng đốt phá, thiêu hủy từng lá cây, ngọn cỏ. Từ tháng 5 đến tháng 12-1967, địch đã san bằng hầu hết huyện Gio Linh. Đại bộ phận nhân dân bị dồn vào các trại tập trung lớn: Cửa Việt, Cồn Tòng, Quán Ngang... bị thiếu đói, ốm đau, kẻ địch liên tiếp thanh lọc, khủng bố, hàng trăm người đã chết. Quần chúng vô cùng căm phẫn.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Nguyễn Thị Cam được cử vào đội công tác mật, thực hiện nhiệm vụ củng cố lại hệ thống hoạt động mật trong khu tập trung, hướng dẫn quần chúng đấu tranh, đòi địch giải quyết đời sống, đòi địch bồi thường thiệt hại. Dũng cảm trong chiến đấu, khôn khéo trong công tác vận động quần chúng nên chị đã được kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1969, chị được giao làm xã đội phó xã Gio Thành, trực tiếp chỉ huy trung đội du kích mật.
Chị đã cùng anh chị em du kích sống, chiến đấu, bám trụ trên vành đai trắng, sát “hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra”, sáng tạo nhiều cách đánh địch có hiệu quả cao. Bất kể ngày hay đêm, khi có thời cơ, đội du kích của chị lại bày trận, ra đòn với địch. Đội đã liên tục tiến công, vây ép, bắn tỉa, phóng bom, cài mìn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Riêng chị đã trực tiếp đánh 48 trận lớn, nhỏ, diệt 31 tên địch (có 22 tên Mỹ), bắn cháy 4 xe tăng. Tháng 3-1968, ở Lâm Xuân, Nhí Hạ, đơn vị Nguyễn Thị Cam phối hợp với bộ đội đoàn Sông Dinh diệt gọn toàn bộ đoàn xe 22 chiếc của địch. Đơn vị của chị đã tham gia chiến đấu, lập công xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968, tham gia đập tan cuộc hành quân càn quét quy mô lớn mang tên “Lam Sơn 719” của địch ở đường 9-Nam Lào. Trong hội nghị tổng kết thi đua của đơn vị các năm 1969, 1970, 1971, chị đều được bình bầu là Chiến sĩ thi đua.
Ngày 14-2-1972, tổ công tác năm người của chị có nhiệm vụ đột nhập vào khu tập trung dân ở Cửa Việt để chúc Tết đồng bào và cắm cờ Mặt trận giải phóng vào sáng mùng một Tết, gây khí thế cho nhân dân, chuẩn bị phát động quần chúng chống phá bình định, giải phóng tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3 năm 1972. Trên đường đi, tổ của Nguyễn Thị Cam lọt vào ổ phục kích của một thiết đoàn xe tăng và một đại đội bảo an địch. Dưới sự chỉ huy của chị, toàn tổ vừa chiến đấu vừa rút lui. Ba người rút an toàn, một người trúng đạn hy sinh, còn một mình Nguyễn Thị Cam trên bãi cát rộng. Địch cho xe tăng và xe bọc thép cùng bộ binh vây bắt. Chúng dùng loa kêu gọi chị đầu hàng. Tranh thủ thời cơ, Nguyễn Thị Cam cắm lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên cồn cát cao. Địch tưởng chị đầu hàng, ào lên bắt sống. Nguyễn Thị Cam bình tĩnh đợi địch đến gần, nã đạn vào đội hình địch, diệt hai tên và hô lớn: “Con Cam này chỉ biết đánh, không biết đầu hàng”. Biết không thể bắt được chị, quân địch dùng xe tăng, xe bọc thép lao vào đè nát chị. Nguyễn Thị Cam tung liên tiếp hai quả lựu đạn vào xe địch. Bọn chúng tức tối nghiền nát thi thể của chị.
Gương hy sinh của Nguyễn Thị Cam đã được nhân dân truyền tụng, kẻ thù kinh hoàng, thán phục. Năm đó chị mới tròn 24 tuổi.
6 năm hoạt động cách mạng, chị Nguyễn Thị Cam đã được tặng thưởng 3 huân chương Chiến công hạng ba, 4 danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", 4 danh hiệu "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", được ủy ban nhân dân khu Trị-Thiên-Huế tặng huy hiệu “Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường”. Ngày 11-6-1999, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đoàn Thị Lợi
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 23/3/2007)