Dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân mới đây, lần thứ ba chúng tôi gặp lại Đại tá, Anh hùng phi công Lê Xuân Dỵ, nguyên Chánh thanh tra Không quân, Thanh tra Bộ Quốc phòng. Vẫn dáng người cao gầy, nước da bánh mật và giọng nói trầm ấm đậm chất Kinh Bắc, ông kể chuyện chiến đấu của mình và đồng đội cho các bạn trẻ trong đơn vị.
“Thử thách” anh nuôi
Lê Xuân Dỵ sinh tháng 8-1938 tại thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn (Từ Sơn, Bắc Ninh) trong một gia đình nông dân. Sau gần 6 năm tham gia du kích tại địa phương, năm 1959, khi cả nước có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự đầu tiên, ông nhập ngũ, sau đó được biên chế vào phân đội pháo cối 120mm thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ban đầu, ông xác định hoàn thành nghĩa vụ sẽ trở về xây dựng quê hương nhưng chẳng ngờ lại được cấp trên cho đi bồi dưỡng quân sự, học làm khẩu đội trưởng. “Học xong, tôi về đơn vị, nhưng đại đội lại điều xuống làm nuôi quân. Khi giao nhiệm vụ, chính trị viên đại đội hỏi tôi có thể làm nuôi quân cả đời được không. Tôi báo cáo ngay: “Tôi vào bộ đội là để chiến đấu, nhưng nếu là nhiệm vụ Đảng giao, tôi chấp hành và xin hứa hoàn thành tốt”, ông kể.
Biên đội Lê Xuân Dỵ (bên trái) và Nguyễn Văn Bảy B sau trận đánh. Ảnh chụp lại
Hóa ra, việc điều Lê Xuân Dỵ làm nuôi quân là sự thử thách của cấp trên trước khi bồi dưỡng ông vào Đảng. Câu hỏi của chính trị viên là phép thử đầu tiên đối với chàng thanh niên Lê Xuân Dỵ cũng là kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Đó là lời thề danh dự để sau này dù trải qua hiểm nguy trong hàng chục trận chiến đấu trên không với kẻ thù, người lính ấy luôn xác định đã là nhiệm vụ Đảng, quân đội giao thì đều quyết tâm, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành.
Mấy tháng ngắn ngủi làm anh nuôi, Lê Xuân Dỵ cần mẫn, chăm chỉ không một lời phàn nàn hay tỏ thái độ nản lòng. Qua theo dõi, rèn luyện, tổ chức đã quyết định kết nạp ông vào Đảng sau chưa đầy nửa năm thử thách. Đến năm 1961, ông được đơn vị cho đi khám tuyển phi công chiến đấu. Ông đạt tiêu chuẩn sức khỏe, nhưng do trình độ văn hóa mới lớp 5/10 nên phải qua thời gian ngắn học bổ túc văn hóa rồi mới sang Liên Xô học lái máy bay MiG-17.
Về nước năm 1964, lần lượt đứng trong đội hình của hai trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam là 921 và 923, phi công Lê Xuân Dỵ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời không ngừng bồi dưỡng và huấn luyện bay cho các lớp phi công kế cận. Quá trình chiến đấu, phi công Lê Xuân Dỵ có hai lần trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ và hàng chục lần xuất kích yểm trợ cho đồng đội bắn rơi máy bay địch.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến, ngày 10-8-2015, Đại tá, phi công Lê Xuân Dỵ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Ông nói: “Mỗi trận không chiến thắng lợi là kết quả của sự hiệp đồng chiến đấu của rất nhiều lực lượng. Phi công tiêm kích chúng tôi chỉ là người thực hiện thao tác cuối cùng, phóng quả đạn về máy bay địch mà thôi. Vì vậy, phần thưởng này là của cả tập thể mà tôi được đại diện đón nhận”.
Diệt tàu khu trục Mỹ
Và một trong những trận “hiệp đồng đẹp” mà ông không bao giờ quên là lần chỉ huy biên đội hai chiếc MiG-17 tấn công vào đội hình tàu chiến Mỹ ở vùng biển Quảng Trạch, Quảng Bình cách đây 50 năm.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Dỵ (thứ hai, từ trái sang) trong lần trở lại đơn vị cũ, tháng 3-2022. Ảnh: TUẤN TÚ
Còn nhớ, từ cuối năm 1971, cùng với việc tăng cường đưa máy bay leo thang đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ còn thường xuyên cho tàu khu trục vào gần bờ biển nước ta pháo kích các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển từ Quảng Bình đến Hải Phòng nhằm khống chế, uy hiếp các hoạt động trên biển và ven bờ của ta.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho các quân khu hiệp đồng với Binh chủng Pháo binh tổ chức các trận địa pháo bờ biển đánh tàu địch, đồng thời giao cho không quân lập phương án hiệp đồng với hải quân tìm cách đánh tàu địch. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ tư lệnh Không quân đã tuyển chọn 10 phi công MiG-17 của Trung đoàn 923 tập trung xuống Kiến An, Hải Phòng để huấn luyện bay biển và tập công kích mục tiêu trên biển. Đồng chí Lê Xuân Dỵ-Đại đội trưởng Đại đội 4 (Phi đội 4), Trung đoàn 923 là một trong số đó.
Khi chúng tôi gợi nhắc về sự kiện năm ấy, ánh mắt ông sáng lên đầy tự hào. Ông kể: “Thời gian này, Cuba cử đồng chí Trung úy phi công Ernesté và một cán bộ kỹ thuật sang giúp phi công ta tập đánh tàu chiến địch. 10 phi công chúng tôi đã tập bay biển và ném bom thia lia ở vùng biển Đồ Sơn, mục tiêu giả định là đảo đèn Long Châu. Sau một thời gian huấn luyện, đã có 6 phi công thuần thục động tác bay thấp trên biển và nắm được kỹ thuật mới”.
Để thực hiện ý định tác chiến của ta, sân bay Gát (hoặc Khe Gát)-Quảng Bình được chọn làm căn cứ xuất phát cho máy bay MiG-17 đi đánh tàu chiến địch. Sau khi nhận chỉ thị của Bộ tư lệnh Không quân, Đảng ủy Trung đoàn 923 đã họp ra quyết tâm “đánh chìm, đánh cháy các tàu chiến địch”. Trung đoàn phó Lưu Huy Chao tổ chức chỉ huy trực tiếp ở Đồng Hới và Trung đoàn phó Cao Thanh Tịnh tổ chức chỉ huy máy bay cất hạ cánh ở sân bay Gát. Bộ tư lệnh Không quân bố trí một tổ chỉ huy bổ trợ tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân, một đài quan sát ở Cửa Dinh và đặt trạm radar 43 ở Nhật Lệ nhằm thu thập tin tình báo trên biển cung cấp cho sở chỉ huy. Máy bay MiG-17 của Trung đoàn 923 được cải tiến lắp dù giảm tốc có thể hạ cánh xuống sân bay có đường băng ngắn và hẹp...
Từ 23 giờ đêm 18-4-1972, chỉ trong vòng 50 phút địch đã cho 4 tàu khu trục bắn pháo vào khu vực Quảng Xá và Lý Nhân Nam (Quảng Bình). Chúng chưa phát hiện được việc chuẩn bị trận đánh của ta. Sáng 19-4, biên đội Lê Xuân Dỵ-số 1 và Nguyễn Văn Bảy B-số 2 trực ban chiến đấu. Tất cả bộ phận, thành phần tham dự trận đánh đã sẵn sàng. Đúng 16 giờ 5 phút cùng ngày, sở chỉ huy cho phép biên đội cất cánh, bay theo hướng 80 độ.
Phi công Lê Xuân Dỵ nhớ lại: “Khi còn cách bờ biển khoảng 10km, biên đội vòng phải lấy hướng 150 độ bay ra biển tiếp đích theo lệnh của sở chỉ huy Đồng Hới. Được sở chỉ huy thông báo có một tốp tàu địch nằm chếch về hướng nam, chúng tôi xin lệnh công kích tốp tàu chiến này. Sau khi lấy lại hướng bay 145 độ, bay qua cửa Lý Hòa phát hiện trong đất liền có các cột khói bốc lên, chúng tôi biết là địch đang pháo kích vào bờ. Quan sát mặt biển kỹ, tôi thấy hai vệt trắng trên làn nước xanh thẳm liền báo cáo: “Đã phát hiện tàu địch ở cự ly khoảng 12km”. Qua bộ đàm, sở chỉ huy tiếp tục thông báo tình hình và nhắc biên đội “bình tĩnh, chuẩn xác, quyết tâm tiêu diệt địch”.
Sau khi ra tới biển, tôi được sở chỉ huy cho vòng trái lấy hướng bay thẳng đến mục tiêu. Cách mục tiêu 800m, các phần tử ngắm ổn định tôi cắt bom rồi ép độ nghiêng về bên trái. Hai quả bom vừa chạm mặt nước đã bật lên lao thẳng vào thân tàu địch. Lúc này, số 2 Nguyễn Văn Bảy B do chú ý quan sát có máy bay địch hay không nên để mất số 1, anh tiếp tục bay theo hướng 145 độ trong 20 giây rồi vòng trái hướng ra biển. Đến Cửa Dinh vẫn chưa phát hiện được mục tiêu, anh bay tiếp một đoạn nữa thì nhìn thấy hai tàu địch. Vì cự ly quá gần, không kịp làm động tác ngắm bắn, anh cho máy bay bay vọt qua tàu và ước tính cự ly thích hợp rồi ép độ nghiêng trái vòng lại, lấy hướng bay nhằm thẳng vào chiếc tàu thứ hai, cách mục tiêu 800m liền cắt bom. Anh hạ cánh an toàn vào lúc 16 giờ 20 phút, chỉ sau tôi hai phút”...
Trận đánh diễn ra trong 15 phút, là kết quả của công tác tổ chức chuẩn bị công phu, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của các thành phần tham gia chiến đấu. Địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp đối phó. Theo kết quả ta quan sát và tin địch thú nhận: Cả 4 quả bom các phi công ta bắn đều trúng mục tiêu làm hai tàu khu trục (thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ) bị hỏng, trong đó tàu khu trục hộ tống Higbee bị hỏng rất nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy hoàn toàn. Sau trận đánh, biên đội Lê Xuân Dỵ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp mặt và khen thưởng.
“Rất tiếc hơn một tháng sau, trong trận chiến đấu khác, anh Bảy B đã hy sinh anh dũng trên bầu trời Thanh Hóa. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1994. Chiếc máy bay MiG-17 do anh điều khiển hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Còn chiếc do tôi điều khiển tuy đã được cất giấu nhưng sau trận đánh hai ngày, địch phát hiện sân bay Gát và đã cho hàng chục lần chiếc máy bay ném bom phá hoại sân bay nên đã bị chúng đánh hỏng!”, Đại tá Lê Xuân Dỵ ngậm ngùi cho biết.
BÍCH TRANG - KHẮC LUẬN