Khi “Ánh sao ban ngày” vẫn liên tục được đăng trên mạng Internet, tôi luôn nung nấu ý định sẽ viết một bài bình luận thật dài về nó. Dự định như vậy nhưng dùng dằng mãi mà tôi vẫn không thực hiện được, vì vậy, đã phải đợi cho tới tận hôm nay. Mộc Phạn nói với tôi: “Đừng viết bài bình luận nữa, chi bằng viết cho tôi một lời tựa”.
Lời tựa, tôi chưa từng viết bao giờ. Vì thế dù đã tìm đọc cả “Bách khoa toàn thư” nhưng tôi cũng không rút ra được gợi ý gì. Nếu đã như vậy thì hãy coi mình như một độc giả viết cảm tưởng sau khi đọc tác phẩm vậy. Dù sao trước khi quen biết Mộc Phạn, tôi cũng đã từng là một trong những độc giả trung thành của cô ấy. Trước đây, cứ cuối tuần là tôi lại lên mạng để đọc tiểu thuyết của cô ấy. Mỗi lần như vậy tôi thường say mê đọc luôn tới sáng rồi tự hỏi sao vẫn chưa thấy có chương nào mới đăng thêm. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có cơ hội được gặp tác giả, được làm bạn với tác giả, đó là chuyện của sau này rồi.
Tiểu thuyết của Mộc Phạn luôn mang lại cho tôi một cảm giác, các nhân vật nam nữ trong đó thường bị đẩy về phía trước trong một vòng rối rắm bí hiểm, mà trong đó, cái đẩy họ đi không phải là thế sự vô thường mà chính là bản thân họ. Cho dù những nhân vật đó có ưu tú đến đâu thì họ cũng bị những dục vọng, lưu luyến, hỷ nộ nhỏ bé bình thường đẩy về phía trước, vừa đi vừa vùng vẫy. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn tôi nhất trong văn của Mộc Phạn. Rõ ràng chỉ là những câu chuyện tình cảm của những đôi nam nữ bình thường đến không thể bình thường hơn nhưng chính vì lẽ đó mà khi bị cuốn vào những rối rắm, những vướng vất bí hiểm khiến một thiên tiểu thuyết tưởng chừng như chẳng chút gì bùng nổ lại khiến người đọc bị mê hoặc.
Có người đã từng nói một cách khái quát rằng: “Nếu dùng hai chữ để miêu tả tiểu thuyết của Mộc Phạn thì đó là hai chữ vấn vít”, khái quát như vậy có thể coi là đã rất tinh tế. Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều nhưng vẫn không tìm được một từ nào thích hợp để miêu tả văn chương của Mộc Phạn và những cảm nhận của chính mình khi đọc những áng văn đó. Vấn vít đó là những vướng mắc nhỏ, rất nhỏ nhưng nếu cắt đi sẽ không hết mà còn rối loạn thêm, vì vậy, độc giả trung thành với Mộc Phạn phần lớn là phái nữ. Đương nhiên họ vô cùng yêu thích những tâm sự, những nỗi lòng không thể ngay lập tức giải thích một cách rõ ràng ở trong các tác phẩm đó.
Bất kể là “Cõi trần” hay “Ánh sao ban ngày”, bất kể là nhân vật chính hay nhân vật phụ, từ Lăng Lạc Trần tới Cố Thả Hỷ, còn có Đinh Chỉ Túc, Tô Thiêm Cơ, Ngô Hoạch, thậm chí cả những nhân vật nam ưu tú như Triệu Vĩ Hàng, Tần Mẫn Dữ, sự vấn vít của họ dường như là đã đặt tình cảm lên một cây cầu bập bênh, tiến về phía trước thì sợ mất trọng tâm, lùi về phía sau lại sợ bị rớt từ trên cao xuống. Ra ra vào vào như vậy vẫn bị mất thăng bằng. Họ dường như đều muốn tìm một điểm thăng bằng nhưng sự thăng bằng của tình cảm đâu phải dễ dàng để tìm thấy. Vì vậy, mới có những câu chuyện tiếp theo.
Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng tôi, trên cầu bập bênh trong những tiểu thuyết của Mộc Phạn, người giữ vị trí chủ đạo phần lớn là phái nữ. Những nhân vật nữ đó, nhìn bề ngoài thì thấy rõ ràng trọng lượng không lớn nhưng dù họ tiến hay lùi, độ cao hay thấp của cầu bập bênh vẫn do họ quyết định. Ví dụ như Cố Thả Hỷ, dù là sự si mê của thời thiếu nữ đối với Tần Mẫn Dữ hay tình yêu từ sau hôn nhân với Triệu Vĩ Hàng, nhìn bề ngoài, cô đều rơi vào hoàn cảnh yếu thế. Tuy nhiên, mỗi bước biến chuyển trong quan hệ của họ, người quyết định thực sự vẫn là Cố Thả Hỷ. Lúc đầu, người ôm lấy chân Tần Mẫn Dữ khóc lóc cầu xin tình yêu là cô ấy; khi bị tổn thương về mặt tình cảm, quyết tâm lấy người khác cũng là cô ấy; khi gặp lại nhau, từ chối sự quay lại của Tần Mẫn Dữ lại cũng là cô ấy. Trong mối quan hệ với Triệu Vĩ Hàng cũng như vậy, từ khi quyết định kết hôn đến khi duy trì sự thăng bằng trong hôn nhân, khi xảy ra chuyện, quyết định chia tay, rồi sau đó lại dùng hành động thực tế để giành giật lại tình yêu, nhìn kỹ ra, đều do cô ấy ra quyết định trước, không những thế, cô ấy còn có phần kiên định hơn cả Triệu Vĩ Hàng, người vốn được cho là vô cùng kiên định và mạnh mẽ.
Mộc Phạn đã ví Cố Thả Hỷ như một ngôi sao ban ngày, không phải vì nó không đủ sáng mà vì ánh sáng của nó đã bị ánh mặt trời che lấp. Thực ra, sự mờ nhạt đó chính là tính cách của Cố Thả Hỷ, cô ấy tự nguyện đứng khuất trong góc nhỏ lặng lẽ tỏa ra ánh sáng của riêng mình, sống một cuộc sống bình thường. Tần Mẫn Dữ chẳng phải cũng đã từng than phiền, ai cũng cho rằng anh phụ lòng của Thả Hỷ nhưng có ai biết được, trong ngần ấy năm, những thứ anh có thể đối diện được chỉ là hình bóng phía sau những hành động của Thả Hỷ. Anh cũng đã từng yêu Thả Hỷ, tình yêu đó có thể chưa đủ sâu đậm nhưng chỉ cần Thả Hỷ đồng ý quay lại, Tần Mẫn Dữ luôn dành cho cô một cánh cửa trong trái tim mình. Còn Triệu Vĩ Hàng thì khỏi cần phải nói, hết ngày này qua ngày khác của cuộc sống sau hôn nhân, một Cố Thả Hỷ chỉ được coi là không xuất sắc đã dần chiếm trọn trái tim anh, dần thay thế Mặt trời trong tim anh. Tất cả mọi sự vui mừng hay tức giận của Triệu Vĩ Hàng cũng đều bắt nguồn từ Cố Thả Hỷ. Vì vậy, một lần, tôi đã đùa với Mộc Phạn rằng, tiểu thuyết của cô là loại tiểu thuyết theo chủ nghĩa nữ quyền nhưng lại được ngụy trang một cách khéo léo. Những nhân vật nữ trong tác phẩm của Mộc Phạn, tưởng rằng rất yếu đuối nhưng lại là chúa tể của tình yêu.
Nói dài dòng như vậy, chẳng qua cũng chỉ là những cảm nhận của tôi sau khi đọc tác phẩm, nhân tiện để giới thiệu với độc giả một cuốn sách mà tôi yêu thích.
Tân Di Ổ
25 tháng 2 năm 2008