“Cảm giác trở về nhà thật là tuyệt!”
Có nhiều người vì cuộc sống mưu sinh nên phải bôn ba xa nhà và luôn hy vọng được trở về; cũng có một số người vì ở nhà quá lâu nên cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, mong muốn có cơ hội được ra ngoài và thay đổi cuộc sống. Có người cho rằng cảm giác được trở về nhà thật là tuyệt, nhưng cũng có người cho rằng phiêu du bên ngoài sẽ rất tốt. Những người thuộc nhóm đầu tiên, thì nên xem nhà giống như đạo tràng, cõi Tịnh độ, Phật quốc, luôn luôn hướng tới. Còn đối với những người thích phiêu du bên ngoài, thì họ có điều kiện dung nạp cả thiên hạ vào trong lòng, đem pháp giới hòa vào cùng một thể với bản thân ngay trong hiện tại, khi ấy phiêu du không hẳn đã là không hay.
Những người làm việc ở môi trường công sở, sau khi kết thúc một ngày làm việc, sẽ nghĩ ngay đến việc trở về nhà quây quần bên gia đình, cảm giác thật là tuyệt. Bên cạnh đó, cũng còn những người vô gia cư, không có nhà để về, quanh quẩn đầu đường góc chợ, chắc hẳn sẽ cảm thấy buồn bã, nghĩ đến thôi cũng thấu hiểu được.
Nho gia có câu: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Một người nên bắt đầu từ việc yêu thương gia đình, tiếp đến yêu tổ quốc. Có những người, sau khi ra nước ngoài học tập hoặc sinh sống, mới biết đất nước của mình rất quan trọng, từ đó luôn mong muốn và tìm cơ hội để có thể sớm trở về nhà, trở về với tổ quốc. Thậm chí, có người không quên về nhà, nhưng lại luôn nung nấu hy vọng xuất gia. Bởi, đối với họ, xuất gia chính là trở về với nhà của pháp thân tuệ mạng, bước vào nhà chính pháp, bước vào đời sống phạm hạnh. Do đó, những người xuất gia là những người rời xa ngôi nhà phiền não ưu sầu, rời xa ngôi nhà tự tư tự lợi và ái dục nhiễm ô, phát tâm gánh vác ngôi nhà của tha nhân và cả thiên hạ.
Vương Chiêu Quân bị ép gả cho vua Hung Nô, ra đi không hẹn ngày trở về, giống như một người quân nhân ra trận, có thể trở về nhà được hay không là điều chưa ai biết trước. Tô Vũ chăn dê ở Bắc Hải 19 năm nhưng cuối cùng vẫn có thể trở về nhà. Hạ Tri Chương từng nói:
Thuở nhỏ ra đi già mới về;
Giọng xưa chưa đổi tóc bạc phơ.
Trẻ em nhìn thấy nào quen biết;
Cười hỏi khách đâu mới đến quê.
Người xưa vì lý tưởng, vì sự nghiệp nên đành phải rời xa quê nhà, mặc dù làm được điều này là rất khó.
Người Trung Quốc có tư tưởng “lá rụng về cội”, đây cũng chính là quan niệm “trở về nhà”, “chim mỏi về tổ”, “cá về với biển”, “cọp ẩn núi sâu”. Đào Uyên Minh không vì năm đấu gạo mà cúi người, nịnh nọt chốn quan trường, cho nên mới xướng vang rằng: “Về đi thôi! Ruộng vườn sắp trở thành nơi hoang vu, cớ sao lại chưa về?”
Nếu đã chấp nhận để tâm hồn cho thể xác sai khiến, thì cớ sao còn ảo não, buồn khổ làm gì?
Đương nhiên, chúng ta vì lý tưởng, vì sự nghiệp nên phải rời xa quê nhà để phấn đấu, nhưng nhà cửa, đất đai, vợ con, người thân chính là tài sản vô giá chốn nhân gian, là sự ấm áp quý giá mà chỉ khi nào về đến nhà chúng ta mới cảm nhận được.
Dư Thu Vũ từng nói: “Có bốn hạng người phải xa gia đình thì mới thành tựu được sự nghiệp, hơn nữa còn sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng ở bên ngoài để tìm kiếm thành công, đó là: Người xuất gia vạn dặm cầu đạo, người quân nhân vạn dặm chiến chinh, người thương nhân vạn dặm kinh doanh, nhà thám hiểm vạn dặm tìm kiếm”.
Vậy nên, mỗi người cần phải biết quay trở về nhà, bởi gia đình là nơi ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Với những người có tấm lòng rộng lớn, thì có thể phát tâm xem thế giới là nhà, xuất gia tu học, tìm kiếm căn nhà của giới thân tuệ mạng!