Gánh nặng cuộc đời con người là bao nhiêu? Ngoài những gánh nặng về mặt vật chất, như thường xuyên khiêng vác vật này vật kia, cuộc đời của mỗi người còn có gánh nặng về mặt tinh thần, như: gánh nặng cuộc sống, gánh nặng văn hóa, gánh nặng ân tình, v.v. Qua đây có thể thấy, cuộc đời của mỗi người cũng thật vất vả, đáng thương, từ khi còn nhỏ đến lúc già đi, luôn mang theo bao nhiêu gánh nặng, thậm chí có những gánh nặng khiến chúng ta không thể nào chịu nổi.
Trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, khi có người đối xử tốt với bạn, thì bạn phải mang gánh nặng ân tình; khi có người đối xử không tốt với bạn, thì bạn phải mang gánh nặng ưu phiền. Trong cuộc sống gia đình, vấn đề cơm áo gạo tiền chính là gánh nặng về kinh tế; còn vấn đề nhân ngã thị phi, thiện ác tốt xấu là gánh nặng về mặt đạo đức. Thậm chí, tham sân ngu si, vô minh phiền não, cũng là gánh nặng khiến tâm ta mệt mỏi, chán nản.
Ngoài những gánh nặng về vật chất, vì cuộc sống, con người còn có những gánh nặng về văn hóa tâm linh, như: Cần phải xem phong thủy địa lý khi xây dựng nhà cửa, chọn giờ đẹp, ngày lành tháng tốt để khai trương lập nghiệp, v.v. đó đều là những gánh nặng tự mình tìm lấy, tự mình ràng buộc bản thân. Cuộc đời của con người thực sự rất khổ, bởi mang trên mình gánh nặng nhân gian. Vậy, làm thế nào để có thể sống một cách an nhiên tự tại?
Chúng ta nên chăm sóc và yêu thương bản thân cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần. Trong cuộc đời của mỗi người, có những gánh nặng bắt buộc chúng ta phải gánh vác. Tuy nhiên, gánh nặng cũng có nhiều loại, như gánh nặng vật chất và gánh nặng tinh thần, gánh nặng tốt và gánh nặng xấu, gánh nặng ngọt ngào và gánh nặng phiền não, v.v. Có thể kể ra một số gánh nặng tốt như sau: trách nhiệm chăm lo cho gia đình, yêu thương bố mẹ, chăm sóc con cái; nghĩa vụ đóng góp và cống hiến cho xã hội, yêu thương quê hương đất nước; v.v. Có nhiều người luôn sẵn sàng mang trên mình gánh nặng, bởi trong gánh nặng ấy tuy có phiền não, nhưng cũng có không ít niềm vui.
Thật ra, trong Phật giáo có phương pháp giải quyết gánh nặng, đó chính là khi bạn cần gánh, thì hãy gánh nó lên; nhưng khi không cần nữa thì nên buông nó xuống. Nếu không làm như thế thì sẽ xảy ra tình trạng khi cần gánh thì lại buông, khi cần buông thì lại gánh, không biết cách ứng biến linh hoạt, sẽ khiến bản thân rất mệt mỏi.
Do vậy, chúng ta nên học tập quan niệm nhân sinh của Hòa thượng Bố Đại khi đối diện với mọi hoàn cảnh. Mỗi ngày, Hòa thượng Bố Đại đều mang trên vai một cái đãy lớn, “bụng lớn bao dung, dung tất cả việc khó dung của thiên hạ; miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả của thế gian”. Ngài thường nói, “đi cũng Bố Đại, ngồi cũng Bố Đại; buông xuống cũng Bố Đại, cớ sao không tự tại?”