Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sư đoàn 315, Quân khu 5 (6-3-1979 / 6-3-2019), các cựu chiến binh (CCB) từng trải qua chiến trường Campuchia lại có những ngày “ôn cố tri tân”. Rưng rưng nhớ về một thời, họ ngỡ như còn đây bóng hình đồng đội yêu thương.
Khua sương, đạp rắn, cắn mìn mo
Mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở chiến trường Campuchia (1979-1989), Sư đoàn 315, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Mặt trận 579 với hơn 1.500 trận đánh từ cấp đại đội đến sư đoàn; bóc gỡ hàng trăm cơ sở hoạt động ngầm của tàn quân Pol Pot-Ieng Sari. Ít ai biết, đằng sau chiến công đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi về một vật thể nhỏ mà sát thương cực khủng: Mìn.
Quán cà phê 73 Lý Nhân Tông, Đà Nẵng là nơi gặp gỡ thường xuyên của những CCB Sư đoàn 315. Câu chuyện về mìn có lẽ không phù hợp với cảnh vật hữu tình, lãng mạn ở đây nhưng khi chạm vào ký ức họ như quên hết hiện tại. Tại sao là mìn mà không phải vũ khí khác? Đại tá Nguyễn Đình Phúc, nguyên Trưởng ban Trinh sát sư đoàn bồi hồi: “Vì một Campuchia hồi sinh, nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi đã hiến dâng cuộc sống của mình. Bởi thế mới có câu nói về trinh sát ngày ấy: “Khua sương, đạp rắn, cắn mìn mo”. Dângrêk, Ngã ba Biên, Bokeo, Vonsai..., những địa danh đã in dấu chân và máu của người lính sư đoàn”. Theo ông Phúc, mìn ở chiến trường Campuchia có rất nhiều loại: Claymore, KP2, 652A, 652B, K58… Loại chỉ sát thương chân, loại làm vỡ bụng, cắt tay, thủng mắt. Mìn dưới đất, bên bờ suối, cuộn trong rễ cây, đặt trong vách núi… Sợ nhất là các loại mìn địch cải tiến, phải “dính” nhiều vụ mới tìm được nguyên lý tháo gỡ. Chính sự tàn bạo, thâm độc của Pol Pot đã làm con số thương vong của sư đoàn lên đến hàng nghìn. Nghe đến đây, Thượng tá Hồ Ngọc Du, nguyên hạ sĩ quan thông tin của sư đoàn cắt ngang lời bạn mình: “Có lần đi cùng Sư đoàn phó Nguyễn Văn Điệu, tôi nghe ông thông báo trong nước mắt: Đại đội trinh sát đi tiền trạm cho chiến dịch Ba Biên hy sinh gần hết. Có phải lính của anh không?”. “Không phải của sư đoàn bộ mà là lực lượng Trung đoàn 142. Cả đại đội lọt vào bãi mìn dày đặc. Tôi đi các chuyến trước đó. Bởi để chuẩn bị đánh trận then chốt Ba Biên của sư đoàn, chúng tôi đã dày công 3 tháng trời với những chuyến đi cân não” - ông Phúc trả lời.
Lễ ra quân chiến đấu của Sư đoàn 315 tại Đầm Rây, năm 1984. Ảnh tư liệu
Dãy Dângrêk là sào huyệt sinh tử của bọn Pol Pot. Biết ta bện thừng làm thang vượt các tầng núi để lên cao điểm, chúng đặt mìn vào các dây leo. Đó là trường hợp trinh sát Bình bị thương nặng, anh Phúc và đồng đội đã cột dây đưa anh xuống núi, vậy mà cuối cùng cũng không thể nào giữ được thi thể của Bình. CCB Nguyễn Văn Báu, nguyên nhân viên tuyên huấn của sư đoàn thì nhớ lại những bức ảnh định mệnh của mình khi chụp cho anh em ở chiến trường. Như trường hợp anh Cự có một “pô” lưu niệm nhưng vô tình chân trái bị khuất sau tảng đá. Về nước, ảnh vừa tráng xong, Báu chưa kịp đem qua khoe đồng đội thì được tin chiếc chân trái của Cự đã “bay” trong một lần đi truy quét sau đó.
Ấm tình đồng đội
CCB Hồ Ngọc Du tuyên bố một câu “xanh rờn” khi kể về những lần vào sào huyệt địch, đó là: “Thương anh em thì không cho ai nước”. Nghe như mâu thuẫn với lời thề thứ 7, nhưng vị thượng tá thông tin khẳng định mình không sai. Anh kể: “Đi với trinh sát làm chúng tôi khôn ra. Đó là phải biết dè sẻn nước một cách khoa học để khỏi chết khát cả lũ. Với một bi đông nước, người biết giữ, đi từ sáng đến chiều vẫn còn dư, đề phòng không gặp được nước tiếp tế. Quy định đi mỗi tiếng mới uống một nắp vào đầu giờ sáng hay 3 nắp vào giữa chiều mà cơ thể vẫn chấp nhận đó chính là bài học chiến trường…”. Dẫu đã chứng kiến những hy sinh của đồng đội, vậy mà giờ đây nghe anh em kể về các chuyến đi sinh tử, Đại tá Cao Xuân Đại, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143 lặng đi. Ông biết chiến dịch giải phóng khu C cuối năm 1981 do ông chỉ huy trung đoàn ngày ấy có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự và chính trị bắt đầu từ những cán bộ, chiến sĩ thầm lặng ấy. Ông tự hào mình đã sát cánh cùng anh em vượt qua mọi khó khăn.
Kỷ niệm nhất là lần được tin vợ của đồng chí Nguyễn Thọ Thăng, trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn ở quê nhà vừa sinh con trai nhưng lại không có sữa để nuôi con. Nhờ vận động đơn vị từ các nguồn chế độ hiếm hoi mà 20 hộp sữa bò đã được gửi về nước để nuôi cháu bé. Đâu chỉ giúp đồng đội, người lính Sư đoàn 315 giúp nhân dân lao động sản xuất, cứu đói, cứu đau, để lại ấn tượng sâu sắc về “bộ đội nhà Phật” trong lòng đất nước Chùa tháp. Đó là lần trinh sát Phúc trên đường truy đuổi địch gặp một cháu bé khóc oe oe trong bụi cây, nghi là cha mẹ bỏ con lại để thoát khỏi quân Pol Pot. Anh Phúc đã chỉ đạo quân y chăm sóc bé, bế cháu đi hàng chục cây số về lại đơn vị và giao người nuôi, dành lon sữa cuối cùng của tiêu chuẩn thương binh cho cháu. Lần ấy, nếu không gặp bộ đội, cháu bé chắc chắn sẽ khó tồn tại trên đời. Bác sĩ quân y Võ Thành Trung tự hào về Tiểu đoàn 18 quân y của mình được phong anh hùng. Không kể về hàng trăm ca phẫu thuật cứu sống bộ đội, với những ca như kỳ tích, ông Trung tâm đắc khi nhắc đến thành quả làm lò nướng bánh mì của bệnh xá Trung đoàn 142. Ngày ấy bột mì ra chiến trường chỉ có hấp, luộc. Hành quân xa, bột nguội lại, cứng như đá. Những năm học phổ thông nhờ giỏi lý, hóa mà ông đã tự nghiên cứu chế tạo ra lò bánh mì dã chiến phục vụ thương binh. Mô hình lan dần cả trung đoàn. Bánh mì không chỉ là cứu cánh cho đơn vị mà còn giúp nhân dân trong vùng. Mến tài đa năng của bác sĩ Trung, nhiều cô gái Khmer đã yêu anh say đắm. Dù không hồi đáp, mấy năm sau giải ngũ, anh vẫn nhận được nhiều thư thương nhớ từ xứ Chùa tháp…
Trở về với cuộc sống thường nhật, các CCB Sư đoàn 315 vẫn mãi là Bộ đội Cụ Hồ, âm thầm làm việc nghĩa. Mới đây, các ông Phạm Tấn Bá, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Ngọc Ánh đã vận động được 350 triệu đồng làm 5 nhà tình nghĩa ở xã Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam). Lần gặp này, Ban liên lạc sẽ tặng hơn 1.000 kỷ niệm chương CCB Sư đoàn 315, mừng thọ những bậc cao niên… Họ đã sống trọn những năm tháng đẹp nhất của mình vì nhiệm vụ quốc tế cao cả và nghĩa tình đồng đội.
HỒNG VÂN