Các bạn ạ, theo như bác sĩ quan sát, hiện nay rất nhiều các bậc phụ huynh gần như chưa biết hoặc chưa để ý đến khái niệm cũng như nguy cơ “vẹo cột sống học đường” của con trẻ chúng ta. Cuộc sống hiện đại với thời lượng ngồi bên màn hình máy tính, ngồi xem tivi và các thiết bị di động chiếm phần lớn, kèm theo đó là việc các cháu không có hoặc ít tham gia các hoạt động thể chất, ngoại khóa dẫn đến tỷ lệ trẻ bị vẹo cột sống học đường tăng lên rất nhanh. Mỗi mùa hè đến, chỉ tính riêng tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nơi bác sĩ đang công tác đã có trên dưới 500 cháu đến khám và hơn 100 cháu phải phẫu thuật. Ví dụ xác thực hơn, trong một năm qua bác sĩ đã trực tiếp khám và tư vấn cho con gái của ba gia đình mà thậm chí có bố mẹ làm… bác sĩ nhưng vẫn không để ý, không biết con mình bị vẹo cột sống, đến khi gặp bác sĩ thì độ vẹo đã lên đến 30, 40 độ.
Vẹo cột sống là một trong những bất thường hệ xương khớp rất hay gặp ở trẻ em, ở đó bé gái thường hay bị vẹo gấp tám lần bé trai và độ tuổi thường gặp là 8-14 tuổi. Vẹo được chia thành hai nhóm lớn: Vẹo có căn nguyên (dị tật thân đốt sống, bệnh lý thần kinh cơ, u đốt sống, dị tật cùng cổ chẩm...) và vẹo vô căn (hay còn gọi là vẹo cột sống học đường vì nó liên quan đến lối sống và các tư thế ngồi học), trong đó vẹo cột sống học đường chiếm tỷ lệ đa số các trường hợp. Bác sĩ nói vậy để mọi người hiểu rằng chúng ta cần chú ý đến cột sống con trẻ để phát hiện sớm bất thường cũng như xây dựng những lối sống khoa học, giúp các cháu giảm thiểu nguy cơ bị cong vẹo. Ở đây bác sĩ không phân tích sâu về chỉ định chữa trị cũng như những phương pháp đo đếm góc vẹo, chỉ mong mọi người lưu ý hai điều sau nhé!
1. Với tất cả con trẻ (đến trước tuổi trưởng thành 18 tuổi) đặc biệt là các bé gái, bố mẹ cần để ý đến cột sống của các con. Lúc đi tắm là thời điểm dễ dàng phát hiện ra nhất. Vấn đề hiện nay là hầu hết các cháu không cho bố mẹ quan sát những lúc như vậy vì xấu hổ. Vì lý do này mà nhiều gia đình đã để lỡ mất thời gian vàng phát hiện, chữa trị sớm cho trẻ. Bố để ý cho con trai, mẹ để ý cho con gái nhé: Vào phòng riêng, nhắc cháu cởi áo ra, đứng quay lưng về phía chúng ta, chân rộng bằng vai, chúng ta sẽ quan sát dọc cột sống lưng, quan sát hai bên vai, chiều cao hai cánh chậu, vùng eo rồi từ từ cho trẻ cúi gập người về phía trước kèm theo bảo cháu đưa hai tay cũng thẳng về phía trước để lộ dọc cột sống và quan sát. Khi có bất kỳ bất thường nào về cột sống (mất cân bằng hai vai, mất cân bằng khung chậu, vẹo trục cột sống…) cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa cột sống ngay. Ảnh minh họa cách khám bác sĩ để phía dưới bài viết.
2. Những giải pháp giúp dự phòng nguy cơ vẹo cột sống bao gồm:
▸ Nếu cha mẹ có yếu tố di truyền bị vẹo, lưu tâm các cháu vì vẹo cũng có yếu tố di truyền ít nhiều.
▸ Ngồi học lưng tựa ghế, dáng thẳng, cứ 60 phút nhắc trẻ rời khỏi bàn học, vươn thở, ép giãn xương cốt, thả lỏng người trên xà đơn. Tuyệt đối không được ngồi học trên giường, cúi lom dom xem iPad, điện thoại kéo dài. Đã đọc sách, xem máy tính, học bài… là phải ngồi vào bàn ngay ngắn.
▸ Góc học tập phải đủ ánh sáng, thiếu ánh sáng lúc học, nguy cơ trẻ bị vẹo tăng lên.
▸ Cặp sách vở cần đeo cân hai vai, tuyệt đối không đeo lệch vai và cân nặng cũng phải vừa với sức trẻ, nhiều cháu cặp quá nặng, mang… vẹo cả người.
▸ Thể dục thể thao thường xuyên, đặc biệt ưu tiên bơi, múa, tập yoga, bóng rổ, đạp xe…
▸ Dinh dưỡng rất quan trọng, hầu hết các trẻ vẹo đều ốm yếu và gầy gò dẫn đến hệ cơ xương khớp không được chắc khỏe.
▸ Ở Mỹ, hơn một nửa các bang có chương trình khám sàng lọc định kỳ hằng năm để phát hiện vẹo cho con trẻ. Hy vọng tương lai không xa, chúng ta cũng sẽ áp dụng được nội dung quan trọng và ý nghĩa này.
Nhìn ngoài, rất khó phát hiện trẻ em bị vẹo cột sống
Thực tế khi thăm khám và chụp phim
Cách tự khám tại nhà để phát hiện trẻ vẹo