Các bạn ạ, bác sĩ từng ngồi cà phê với một bác sĩ siêu âm tại một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội. Bạn tâm sự rằng từng siêu âm một số thanh niên và phát hiện tinh hoàn nằm ẩn trong… ổ bụng. Chẳng hiểu sao một số người không để ý hay không chịu đi khám sớm khi có những bất thường như vậy, vì lứa tuổi thanh niên đã là rất muộn để “giải cứu” tinh hoàn bị ẩn. Ngoài ra nếu để lâu hơn, nguy cơ ung thư tinh hoàn cũng như những rối loạn nguy hiểm khác có thể xảy đến. Qua câu chuyện này, bác sĩ xin được chia sẻ đến các bậc phụ huynh có con (cháu) trai hay những cặp vợ chồng chuẩn bị có con lưu ý về bất thường này nhé! Vì nó rất hay gặp và cũng ít người để ý.
▸ Ẩn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn của trẻ nam không xuống vị trí bình thường (bìu) để nằm mà lại “ẩn” ở đâu đó: Trong ổ bụng, trong ống bẹn hoặc ở gốc bìu. Đây là bất thường bẩm sinh rất hay gặp ở trẻ nam, nếu không phát hiện và xử lý sớm, nguy cơ tinh hoàn mất tác dụng và thậm chí là ung thư tinh hoàn có thể xảy đến về sau.
▸ Một số trẻ nam trước ba tháng tuổi tinh hoàn có thể chưa xuống đến bìu nhưng khi đủ ba tháng tuổi, tinh hoàn hai bên cần nằm ở bìu. Với trẻ từ ba tháng tuổi trở lên, bố mẹ cần sờ bìu trẻ, nếu thấy nhỏ hơn, lép, mất cân đối, bất thường… cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi, tiết niệu ngay nhé! Trẻ có thể bị ẩn tinh hoàn ở cả một hoặc hai bên, trong đó tầm 90% các trường hợp trẻ chỉ bị ẩn một bên.
▸ Việc chẩn đoán xác định trẻ có bị ẩn tinh hoàn hay không đơn giản vì các bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng, siêu âm. Vừa chính xác, không độc hại lại rất nhanh và ít tốn kém. Siêu âm sẽ biết hai tinh hoàn của cháu đang nằm ở đâu (bìu, ổ bụng, ống bẹn hay gốc bìu), từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn và hướng xử trí.
▸ Nếu phát hiện trẻ bị ẩn tinh hoàn, cần phẫu thuật. Thường trẻ phẫu thuật lúc sáu tháng tuổi và muộn nhất là 18 tháng đến hai tuổi. Để càng muộn càng không tốt cho sự phát triển, hoạt động sinh lý của tinh hoàn, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đi kèm về sau.