Vào thăm người anh sau phẫu thuật viêm ruột thừa
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 10/9/2020
Mọi người có biết quý ông đẹp trai ngang ngửa… bác sĩ trong bức hình trên không ạ? Đó chính là anh Nguyễn Hữu Lam, một người anh và cũng là một người thầy cho đi rất nhiều, tâm huyết giảng dạy về kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Cách đây ba ngày, trong đêm bác sĩ nhận được cuộc gọi, anh cho biết đang bị đau bụng vùng thượng vị. Bác sĩ hướng dẫn anh vào bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để những đồng nghiệp thăm khám chẩn đoán. Ban đầu ai cũng nghĩ viêm dạ dày nhưng rồi kết quả chụp chiếu về cho thấy hình ảnh ruột thừa viêm dọa vỡ, anh được mổ cấp cứu trong đêm. Ngay trong tuần đó, thêm một người quen khác của bác sĩ cũng nhập viện Việt Đức mổ cấp cứu lúc nửa đêm vì viêm ruột thừa. Và điều trùng lặp là trước đó anh cũng được nhập viện theo dõi tại một đơn vị y tế khác với chẩn đoán viêm dạ dày, do cơn đau khởi phát ở thượng vị chứ không phải đau vùng hố chậu phải. May mắn vì hai anh đều ở gần những trung tâm y tế lớn, được phát hiện xử trí kịp thời. Bác sĩ đang nghĩ về những tình huống bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi trang thiết bị và kinh nghiệm người thầy thuốc chưa dày, liệu những tổn thương viêm ruột thừa này có để trễ hay gây ra những biến chứng nguy hiểm hay không?
Mọi người có thừa nhận với bác sĩ rằng hầu hết trong chúng ta đều nghĩ viêm ruột thừa thì luôn phải khởi đau vùng hố chậu phải và vì vậy, khi cơn đau xuất phát ở thượng vị, ở giữa rốn, ở hạ vị hay thậm chí ở dưới gan… ít ai có phản xạ nghĩ đến nguyên nhân viêm ruột thừa, phải không ạ? Trong khi viêm ruột thừa là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất và nó cũng thuộc nhóm “muôn hình vạn trạng” nhất.
Mong muốn giúp mọi người hiểu và cảnh giác hơn với căn bệnh cấp cứu hay gặp này, bác sĩ xin năm phút chia sẻ nhé!
1. Viêm ruột thừa hầu như không để lại hậu quả gì đặc biệt nếu chúng ta phát hiện và phẫu thuật sớm. Tuy nhiên nếu chúng ta chủ quan để muộn lại vô cùng nguy hiểm vì khi ruột thừa vỡ, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc lan rộng khắp ổ bụng, bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, tử vong, đặc biệt người già và trẻ nhỏ.
2. Viêm ruột thừa thường khởi phát đau ở hố chậu phải, tuy nhiên rất nhiều các trường hợp viêm ruột thừa nhưng cơn đau lại khởi phát ở những vùng xa lạ như đau thượng vị (dễ nhầm viêm dạ dày), đau dưới mạng sườn phải (dễ nhầm viêm túi mật), đau vùng hạ vị (dễ nhầm viêm phần phụ, đau kỳ kinh, đau đại tràng…), đau quanh rốn (dễ nhầm viêm hạch mạc treo, đau do sỏi thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, đau do giun, do rối loạn tiêu hóa…). Vậy nên khi người thân chúng ta xuất hiện đau bụng, phản xạ trong đầu luôn luôn nghĩ đến viêm ruột thừa (để chẩn đoán loại trừ) dù vị trí đau có thể ở bất cứ nơi đâu và cần đến bệnh viện thăm khám, siêu âm, chụp X-quang bụng và thực hiện một số xét nghiệm sớm nhất có thể. Thà xét nghiệm xong không bị gì đặc biệt còn hơn nằm ở nhà ôm một mối nguy cơ nguy hiểm có thể xảy đến. Hơn nữa, với người cao huyết áp, người già… đau bụng còn có thể do khối phình động mạch chủ bụng dọa vỡ nên đến viện để thăm khám loại trừ là rất cần thiết.
3. Viêm ruột thừa có nhiều thể khác nhau, mọi người lưu tâm nhé!
▸ Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Rất khó phát hiện viêm ruột thừa nên thường để muộn, tiên lượng nặng. Khi trẻ quấy khóc, trớ, sốt cao, có thể rối loạn tiêu hóa… chưa loại trừ bị viêm ruột thừa, nên vào viện để thăm khám.
▸ Người già: Do hệ miễn dịch suy giảm nên cơ thể thường phản ứng rất mơ hồ khi bị viêm ruột thừa như sốt nhẹ hoặc hâm hấp sốt, đau âm ỉ không rõ ràng, người kêu mệt hơn thường ngày, tiêu chảy, ấn vùng hố chậu phải phản ứng đau không rõ… cẩn thận vẫn nên cho bệnh nhân đến viện thăm khám, siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán, mọi người nhé!
▸ Phụ nữ có thai, đặc biệt sáu tháng đầu cũng hay bị “dính” viêm ruột thừa. Lúc này ruột thừa bị tử cung đẩy cao lên giữa bụng hoặc thậm chí hạ sườn phải, cơn đau sẽ không còn là ở hố chậu phải và nhiều lúc chúng ta còn nhầm với ốm nghén.
▸ Nhiều trường hợp ruột thừa không nằm vị trí bình thường mà lại quặt sau manh tràng, cơn đau sẽ ở vùng trên mào chậu phải và bệnh nhân rất đau khi co duỗi chân phải.
▸ Ngoài những thể trên, ruột thừa còn có thể phi xuống tiểu khung, phi lên vùng dưới gan, phi vào trong khối thoát vị… triệu chứng rất đa dạng và khó chẩn đoán, các bạn ạ.
4. Chẩn đoán và cả phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi rất nhanh và đơn giản nếu phát hiện sớm. Vấn đề mấu chốt đó chính là mỗi chúng ta hãy luôn nghĩ đến nó khi có ai đó xuất hiện cơn đau bụng (Bất cứ vị trí nào trên bụng) kèm sốt. Trẻ em thường có phản ứng sốt cao và quấy khóc, người già có thể không sốt hoặc hâm hấp sốt, đau cũng không rõ ràng.
5. Để dự phòng viêm ruột thừa, chúng ta cần lưu tâm mấy điều sau:
▸ Tăng cường sử dụng rau xanh, hoa quả, chất xơ và hạn chế sử dụng thịt đỏ quá nhiều (thịt trâu, bò, lợn, cừu…)
▸ Vận động cơ thể thường xuyên, ưu tiên yoga, thiền, gập duỗi cơ bụng, lưng và uống nhiều nước để tránh nguy cơ táo bón.
▸ Tẩy giun sán sáu tháng một lần cho cả nhà.
▸ Luôn nghĩ đến viêm ruột thừa khi sốt, đau bất cứ vùng nào của bụng để tránh quá muộn.