Các bạn ạ, chỉ trong vòng hai tuần, bác sĩ khám và chẩn đoán bốn thanh niên bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, trong đó có hai bệnh nhân đã được phẫu thuật thay khớp, một bệnh nhân về chuyển bảo hiểm, bệnh nhân còn lại đang điều trị nội khoa thăm dò đáp ứng, nếu cơn đau không đỡ, chức năng vận động của khớp háng cải thiện ít thì phẫu thuật thay khớp cũng sẽ là chỉ định. Điều làm bác sĩ giật mình đó là tuổi đời của bốn bệnh nhân đều rất trẻ, ba thanh niên 36 tuổi, bệnh nhân còn lại là 40 và khi khai thác tiền sử, cả bốn bệnh nhân đều có một điểm chung rất rõ ràng là uống nhiều rượu và hút thuốc lá. Về bệnh lý này, những thông tin sau bạn đã biết?
1. Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (Avascular Necrosis of femoral head) là tình trạng chỏm xương đùi (một bộ phận cấu thành của khớp háng) bị hoại tử do thiếu máu nuôi, bệnh diễn biến âm thầm, khi chúng ta bắt đầu thấy đau khớp háng nghĩa là bệnh đã diễn ra một thời gian rồi. Với bệnh này, giải pháp hữu hiệu và triệt để nhất vẫn là phẫu thuật thay khớp háng. Các giải pháp như uống thuốc, tập phục hồi chức năng, khoan giảm áp-tế bào gốc… đều chỉ mang tính tạm thời với mục đích kéo dài thêm thời gian trì hoãn mổ.
2. Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (~ 80%), ngày trước tuổi trung bình bị bệnh dao động 40-50 tuổi, nhưng hiện nay bệnh đã có xu hướng trẻ hóa rất rõ ràng khi có rất nhiều nam thanh niên mới tầm 30 tuổi đã bắt đầu hoại tử chỏm xương đùi.
3. Nhóm nguyên nhân nổi bật gây hoại tử sớm chỏm xương đùi ở thanh niên là do lạm dụng quá nhiều rượu mạnh và hút thuốc lá, những chất này là yếu tố chính làm tổn thương tắc các mao mạch (mạch nhỏ) nuôi dưỡng chỏm đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu, hoại tử. Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể là do các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, các bệnh tự miễn, bệnh nhân dùng quá nhiều corticoid, những tai nạn liên quan đến khớp háng (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi...) và những công nhân lặn sâu, hầm mỏ (khí ép)...
4. Khi nào nghĩ đến mình bị hoại tử chỏm xương đùi?? Rất đơn giản các bạn ạ: Khi thấy mình đau khớp háng, đặc biệt lúc ngồi xổm hoặc xoay háng vào trong-ra ngoài. Triệu chứng đau này có thể bị một bên hoặc cả hai háng, có nghĩa là hoại tử chỏm có thể bị một bên (khoảng 70% các trường hợp) hoặc bị cả hai bên.
5. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác mình bị bệnh này? Cũng rất đơn giản, chỉ cần chụp X-quang khung chậu, kết hợp với chụp cộng hưởng từ khớp háng nếu trên phim X-quang chưa rõ nét, căn bệnh sẽ được chẩn đoán xác định. Cộng hưởng từ là một bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán các bệnh, trong đó có bệnh lý các khớp. Ở khớp háng, cộng hưởng từ giúp chúng ta phát hiện tổn thương hoại tử khớp háng từ những giai đoạn rất sớm, khi trên hình ảnh X-quang chúng ta còn chưa nhận thấy sự thay đổi.
6. Và lời cuối, hoại tử chỏm xương đùi không chừa một ai nên có thể một ngày nào đó sẽ là chính mình nếu chúng ta không xây dựng sớm cho mình những thói quen sống lành mạnh như vận động thể dục thể thao, dinh dưỡng đảm bảo, đặc biệt là từ bỏ rượu mạnh và thuốc lá.
Hình ảnh hoại tử chỏm xương đùi hai bên trên phim X-quang