Hãy nhớ lời anh dặn em ơi/ Nuôi con mình tới ngày vào lớp một/ Ai thương yêu thì em bước tiếp/ Thế là em trọn với anh rồi... Trong chiến tranh, nơi người ta dễ nhận thấy là cảnh sinh ly tử biệt, mặc dù đã dự liệu cái chết cho mình và sẵn sàng đón nhận nó, nhưng người lính Ngô Bích Sen, quê xã Đông Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đau đáu nỗi niềm khi nghĩ về người vợ trẻ ở chốn quê nhà nếu chẳng may trở thành quả phụ.
Lá thư đầu đời
Cũng do hoàn cảnh gia đình, Ngô Bích Sen lấy vợ sớm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng chính lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất đã thôi thúc anh làm đơn tình nguyện xung phong lên đường đánh Mỹ:
“Trước tình hình đế quốc Mỹ ngày càng ngang ngược đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và ráo riết mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thấy rõ trách nhiệm của người đoàn viên, thanh niên, với lòng căm thù giặc sâu sắc, không thể ngồi yên trước cảnh “nước mất, nhà tan”, tôi làm đơn tình nguyện xin được đi chiến đấu đợt này...”. Đây cũng được coi là lá thư đầu tiên trong đời của Ngô Bích Sen. Và ước mơ đó của anh đã trở thành hiện thực. Tháng 8-1972, Ngô Bích Sen nhập ngũ vào Binh chủng Tăng thiết giáp. Sau huấn luyện tân binh, anh được điều về Phòng Kỹ thuật và theo học lớp thợ tiện do Bộ tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức.
Thư gửi lại trước ngày ra trận
Mới ba tháng xa nhà, nhưng nỗi nhớ da diết người vợ trẻ Trần Thúy Văn và con trai đầu lòng Ngô Ánh Đồng được sinh ra đúng thời điểm đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng B-52 vào Thủ đô Hà Nội khiến ruột gan anh lúc nào cũng như lửa đốt. Dù vậy, trước khi vào Nam chiến đấu, hầu hết những lá thư của Ngô Bích Sen gửi về hậu phương luôn đầy ắp yêu thương và lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng:
“Em thương yêu! Năm nay, anh không cùng gia đình, không được cùng em và con đón xuân trên mảnh đất quê hương. Điều đó tránh sao khỏi nỗi mong nhớ giữa hai chúng ta. Có lúc nào em thắc mắc với lương tâm mình vì sao chồng em không về ăn Tết với em không? Em ạ! Hơn hai mươi năm qua, Tết này cũng là năm đầu tiên anh xa nhà. Cũng là Tết đầu tiên anh xa em và con vì nhiệm vụ chung của cả nước. Em ơi! Xa nhau chín nhớ, mười thương/ Nhưng vui em nhé-chiến trường giục anh” (Tam Đảo, ngày 29-12-1972).
Ngô Bích Sen cùng vợ và con trước ngày vào Nam chiến đấu. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Đầu tháng 11-1973, không khí đơn vị náo nức hẳn lên khi được tin có đoàn cán bộ Trung đoàn 574 Tăng thiết giáp (Quân khu 5) ra Bắc nhận quân. Trong số chiến sĩ vào Nam đợt này, Ngô Bích Sen được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý sử dụng “công trình sa”, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại được đưa vào phục vụ chiến trường miền Nam.
Đơn vị hành quân tới Hà Nội thì có lệnh tạm nghỉ qua đêm. Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn Nhâm Đắc Tưởng đến gặp Ngô Bích Sen, vỗ vai ân cần bảo: “Cậu là người duy nhất của lớp học đạt điểm giỏi nên đơn vị thưởng phép một đêm cho cậu về thăm vợ và con trai”. Ngô Bích Sen lặng người đi vì quá xúc động, bởi thủ trưởng Nhâm Đắc Tưởng là người ở trong Nam mới ra nhưng lại biết rất rõ về hoàn cảnh gia đình anh lúc này.
Được sống bên vợ và con thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng Ngô Bích Sen cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đêm hôm đó, anh không tài nào chợp mắt khi nghĩ về 3 người thân là liệt sĩ (cậu và hai anh), nhưng trước lúc hy sinh, họ không để lại một lời dặn dò, khiến Ngô Bích Sen càng chủ động và quyết định cầm bút viết những dòng cuối cùng trên đất Bắc trước ngày ra trận:
“Tôi vào Nam tuổi đời hai hai (22)/ Vợ hai mươi (20) con một tuổi đời/ Nếu chẳng may quả bom viên đạn/ Giết tôi lúc tuổi ngoài hai mươi/ Hãy nhớ lời anh dặn em ơi/ Nuôi con mình tới ngày vào lớp một/ Ai thương yêu thì em bước tiếp/ Thế là em trọn với anh rồi/ Đừng bảo anh gàn dở dại lời/ Lửa chiến tranh vô cùng ác liệt/ Lẽ thường tình thắng, thua, cái chết/ Ở bên này có thể ở bên kia/ Trăng lặn rồi đêm đã rất khuya/ Mình còn bên nhau vài giờ nữa/ Má vợ hồng, môi con thơm mùi sữa/ Gia tài tôi gửi lại trước ngày xa/ Nếu kẻ thù giết hại đời cha/ Con muốn biết hình hài của bố/ Con hỏi ông, bà, mẹ kể cho thì rõ/ Tấm ảnh này cha gửi lại tặng con/ Con sẽ dần lớn khôn/ Cha hạnh phúc ngày con vào lớp một/ Mẹ vắng nhà. Con ơi đừng hốt/ Mẹ ở nhà bên. Con ở với ông bà/ Nghĩa vợ chồng anh chẳng muốn rời xa/ Nhưng không muốn em phải làm “Tô Thị”/ Yêu thương cha con ơi đừng ích kỷ/ Nhớ luôn thăm đừng để mẹ buồn/ Trải lòng mình đôi lời dặn vợ con/ Phòng ngày đi phải đi mãi mãi/ Mai ra trận-Thư này gửi lại/ Em ơi! Con nhé đừng buồn” (10-11-1973). Tái bút: Đọc thư đừng giận anh nhé! Ngô Bích Sen”.
Ông Ngô Bích Sen (bên phải) và tác giả với những lá thư thời chiến. Ảnh do tác giả cung cấp.
Lá thư này Ngô Bích Sen coi nó như một bản di chúc bằng thơ gửi lại cho vợ, con và gia đình nên được niêm phong 3 lượt phong bì rất cẩn thận. Đúng 4 giờ sáng, trước lúc chia tay, anh gọi vợ dậy và đưa bức thư, dặn dò kỹ lưỡng: “Sau 7 ngày em mới được bóc lá thư này đấy nhé”. Thì ra, Ngô Bích Sen cũng đã tính toán rất kỹ, cuộc hành quân bằng xe cơ giới của đơn vị anh chậm nhất là 7 ngày sẽ vào tới đất Quảng Trị.
Sáu tháng sau, từ chiến trường Khu 5 khói lửa, Ngô Bích Sen viết thư về nhà và thời gian không lâu, anh nhận được thư của vợ. Thư vỏn vẹn chỉ có mấy dòng như một bức “điện khẩn” đầy giận hờn, trách móc: “Từ lúc yêu anh cho đến khi làm vợ, không lúc nào em quên lời anh dặn về Tam tòng-Tứ đức cùng với các chuẩn mực: Công-Dung-Ngôn-Hạnh của người phụ nữ. Vậy mà bây giờ anh lại coi thường em?”!
Suốt những năm ở chiến trường miền Nam cùng với đơn vị tham gia nhiều trận đánh lớn, điển hình là tấn công vào Chi khu Minh Long-Giá Vụt (quận Ba Tơ, Quảng Nam) đến khi kết thúc chiến tranh, Ngô Bích Sen là người may mắn được sống trở về. Và hôm nay, tôi cũng là người may mắn gặp được nhân chứng lịch sử Ngô Bích Sen-tác giả “Bản di chúc bằng thơ”, được nghe ông kể những kỷ niệm về một thời hoa lửa.
NGÔ VĂN HỌC