Mục đích của bước thứ tám trong Bản đồ thành công là giúp bạn:
• Biết điều mình kỳ vọng khi rời bỏ những gì quen thuộc và đi theo hướng mới;
• Nhận biết và kiểm soát những động thái thay đổi có thể dự đoán được;
• Cảnh giác với những thay đổi có thể ngầm phá hoại kết quả bạn mong muốn;
• Rèn luyện để trở thành người sẵn sàng thay đổi, luôn hành động để tiến về phía trước và đạt được Tuyên bố ý chí của mình.
Khi bạn rời khỏi môi trường quen thuộc trước kia để theo đuổi mục tiêu mới, những sự khác biệt có thể ngăn cản bạn đạt được mục tiêu đó. Nếu bạn không nhận ra cảm giác khó chịu gọi là động thái thay đổi thì chính điều đó có thể ngầm phá hoại thành công của bạn.
Động thái thay đổi sẽ xuất hiện khi bạn muốn hay bị yêu cầu phải làm điều gì đó khác đi. Bạn rất dễ nhận biết các động thái thay đổi này. Tuy nhiên, để xác định đâu là động thái thay đổi, bạn hãy tự hỏi: “Với mỗi hành động đã lên kế hoạch trong Bản đồ thành công, điều tôi phải làm sẽ khác gì so với những việc tôi đang làm hiện tại? Tôi sẽ cảm thấy ra sao về điều đó?”. Khi đó, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn để kiểm soát bất kỳ động thái thay đổi tiêu cực nào trong suy nghĩ và cảm nhận của mình.
Nhưng vẫn có những điều sẽ ngăn cản bạn tiến về phía trước, trong khi bạn quyết tâm làm điều gì đó mới. Nếu vậy, bạn hãy tự nhủ:
• Đừng buồn lòng vì điều quen thuộc đã không còn nữa mà hãy cứ để nó ra đi.
• Đừng khước từ những điều mới lạ.
• Đừng lo sợ khi phải làm một điều mà trước đây chưa từng làm, và hãy cố gắng thực hiện bằng mọi cách có thể. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn cũng trở nên khôn ngoan hơn.
Khi bạn sẵn sàng đón nhận những động thái thay đổi không mong muốn có thể khiến mình lùi bước, bạn sẽ thấy mình có thêm sức mạnh và thậm chí còn quyết tâm hơn để đạt được những gì đã đề ra trong Tuyên bố ý chí.
Trở ngại thành công số 8: Không sẵn sàng thay đổi. Bạn để mình phản ứng với thay đổi theo cách khiến bạn không có được cuộc sống như mong muốn. Không nhận ra hay kiểm soát được những động thái thay đổi có thể dự đoán được.
Động thái thay đổi là không tránh khỏi, nhưng có thể dự đoán và kiểm soát
Bạn sẽ được trải nghiệm nhiều động thái thay đổi khác nhau. Loại thay đổi đó như thế nào, mức độ ra sao, bạn có mong đợi hay không, thú vị hay đáng sợ, do bạn hay người khác khởi xướng…, tất cả đều không quan trọng, bởi vì dù thế nào thì bạn cũng đều sẽ trải qua một thời kỳ quá độ. Trong thời kỳ đó, bạn sẽ cảm nhận, phát ngôn và thực hiện những điều được xem là đặc thù của động thái thay đổi. Thời kỳ đó kéo dài bao lâu và kết quả thế nào hoàn toàn do bạn quyết định. Đây là khoảng thời gian bạn rời bỏ cái cũ (tư duy, tình cảm, thói quen…) để chủ động nhập cuộc và thành công với cái mới. Thời kỳ quá độ đó có thể rất ngắn hoặc rất dài, thậm chí bạn có thể mất hàng tháng, hàng năm để vượt qua thời kỳ khó khăn này. Giai đoạn này có thể còn kéo dài hơn nếu sự thay đổi gây nên những chấn thương tâm lý khắc sâu trong suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta. Nhưng khi trải nghiệm càng nhiều những điều bạn muốn, thời kỳ quá độ sẽ càng ngắn và điều đó càng có lợi cho bạn.
ghi nhớ
Ngay cả khi cảm thấy đã sẵn sàng để thay đổi, chúng ta cũng có thể ngạc nhiên với cách phản ứng của mình khi thay đổi thực sự xảy ra. Khoảnh khắc bạn cần phải hành động khác đi chính là lúc thời kỳ quá độ bắt đầu, khi những động thái thay đổi có thể dự đoán được kích hoạt.
Động thái thay đổi có thể dự đoán bao gồm những điều chúng ta nghĩ, cách chúng ta cảm nhận và phản ứng khi chuyển từ cách thức cũ sang cách thức mới để thực hiện một điều gì đó. Đối với một số người, việc thay đổi là không quá khó khăn. Nhưng hầu hết mọi người sẽ có cảm giác sợ hãi khi nhất thiết phải thay đổi những điều đã thành chuẩn mực. Mặc dù phản ứng và cảm nhận này là bình thường, nhưng nếu thiếu kiểm soát, chúng có thể phá hủy các mối quan hệ và những gì bạn muốn đạt được.
Lo lắng và nghi ngờ cũng có thể là những động thái thay đổi rất tốt khi chúng ta trải nghiệm sự thay đổi. Những câu hỏi kiểu như: “Quyết định hay hành động này có đúng hay không?” là một gợi ý hay, bởi nó có thể giúp bạn tránh những quyết định sai lầm. Vậy thì, nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, hãy quay lại bước thứ bảy và dùng Ma trận quyết định để kiểm tra lại một lần nữa. Nếu bạn vẫn thấy được những ích lợi to lớn khi thực hiện hành động đó thì hãy tiếp tục tiến lên.
Cứ để mọi thứ trôi qua!
Hãy tự giải thoát mình khỏi quá khứ
Những động thái thay đổi hoàn toàn có thể dự đoán và kiểm soát được. Hãy xem xét mọi suy nghĩ, cảm giác hay những điều ngăn trở bạn, qua đó nhận thức bản chất thật sự của chúng, thay vì để chúng tự do phát triển và kiểm soát cuộc sống của bạn.
Để dễ dàng kiểm soát và nhanh chóng vượt qua những động thái thay đổi, bạn phải nhận diện được những động thái đó và chủ động thay đổi những suy nghĩ hay cách ứng xử không hỗ trợ bạn đạt được Tuyên bố ý chí. Dưới đây là những diễn biến cảm xúc mà bạn cần quan tâm:
• Khủng hoảng cảm xúc: Đây là động thái thay đổi đầu tiên tác động đến chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy tức giận, lo âu, hoặc bối rối vì phải hành động khác đi.
• Phủ nhận: Trong động thái thay đổi thứ hai, chúng ta không còn tức giận hay buồn bực nữa bởi chúng ta nhận ra không có lý do gì để cứ buồn rầu hay khó chịu mãi. Chúng ta cho rằng có lẽ không phải thay đổi điều gì, cứ để mọi thứ diễn ra như thường ngày và rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa.
• Nhận diện khủng hoảng: Sau đó bạn nhận ra rằng việc phủ nhận không làm cho thay đổi biến mất. Và mọi người đang trông chờ bạn tham gia vào tiến trình thay đổi đó.
• Nhập cuộc: Lúc này bạn đã ra khỏi màn sương mù của những động thái thay đổi. Bạn đã bắt đầu thay đổi và bạn biết vì sao thay đổi này là một điều tốt. Kể cả trong trường hợp buộc phải thay đổi, bạn cũng nhận ra rằng để thành công, bạn cần chấp nhận và bắt đầu tìm kiếm các cơ hội mới.
• Chuẩn mực mới: Bạn rời bỏ cái cũ, đi xuyên qua những động thái thay đổi để tiến đến cái mới.
Nhận biết động thái thay đổi
Bản thân việc trải qua động thái thay đổi không phải là tốt hay xấu. Việc này hoàn toàn bình thường. Điều không bình thường là khi bạn quanh quẩn mãi trong động thái thay đổi, không chịu thoát ra. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho các mối quan hệ của bạn và bạn sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi - cả về tinh thần lẫn tình cảm.
Mục đích của việc nhận ra động thái thay đổi là xác định những suy nghĩ, cảm giác, hay hành động có thể cho bạn một tín hiệu rõ ràng rằng bạn sắp phá vỡ kế hoạch trước đây của mình. Khi nhận diện một động thái thay đổi nào đó trong công việc hay trong cuộc sống, bạn hãy nghĩ cách nhanh chóng vượt qua khủng hoảng cảm xúc, sau đó nhập cuộc càng sớm càng tốt, và rồi bạn có thể tuyên bố: thay đổi đó là một Chuẩn mực Mới!
Bài tập ở trang sau sẽ giúp bạn nhận biết động thái thay đổi.
BÀI TẬP: CÁCH NHẬN BIẾT ĐỘNG THÁI THAY ĐỔI
Hãy nghĩ về một sự thay đổi trong hiện tại hay sắp diễn ra như đòi hỏi của một hành động nào đó trong Bản đồ thành công của bạn. Hãy lưu ý những suy nghĩ hay cảm nhận về thay đổi mà bạn đang có hay có thể có. Sau đó, bạn hãy xác định và viết ra những động thái thay đổi phù hợp với suy nghĩ, cảm nhận của bạn. Nếu các động thái thay đổi vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và sâu sắc đến bạn trong một thởi gian dài, nghĩa là bạn đang sa lầy vào mớ suy nghĩ tiếc nuối “giá như” và “lẽ ra”. Hãy chuẩn bị đối phó với một tình huống thay đổi mới để những cảm giác như thế không còn cản trở bạn nữa.
Đừng sa lầy
Thực tế là không ai trong chúng ta muốn thất bại cả. Mọi người đều muốn thành công trên một phương diện nào đó của cuộc sống, nếu không nói là tất cả. Tuy nhiên, khi được yêu cầu bước ra để chơi một trò chơi khác, một số người chọn cách ngồi lại với suy nghĩ rằng họ có thể tham gia trò chơi mới theo cách cũ, vốn là cách họ đã và đang làm. Họ dường như tin rằng họ không chỉ vẫn tồn tại, mà còn có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng hơn.
Là một chuyên viên tư vấn và đào tạo, tôi từng chứng kiến nhiều tình huống khi quan sát mọi người ở nhiều nơi trên thế giới nắm bắt cơ hội và phát triển bản thân một cách xuất sắc, hay thất bại thảm hại trong thời gian thay đổi. Tôi cũng đã thấy những người rất thông minh phạm phải sai lầm ngớ ngẩn khi vật lộn với chính mình trong các động thái thay đổi. Nhưng dù bạn trải qua những động thái thay đổi đầy kịch tính và tạm thời mất phương hướng, thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn không thể tỉnh táo để suy nghĩ lại. Thậm chí bạn còn có thể quay trở lại, dù không phải lúc nào kịch bản này cũng kết thúc có hậu.
Vì vậy, khi đối diện với yêu cầu thay đổi, bạn hãy nhận biết và kiểm soát những suy nghĩ và cảm giác của mình. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể kiểm soát các động thái thay đổi, thay vì để chúng kiểm soát bạn.
Thế nhưng trường hợp xấu nhất vẫn có thể xảy ra khi bạn thực sự rơi vào cuộc khủng hoảng cảm xúc. Dù bạn không hề nhận ra, nhưng nó vẫn biểu hiện rõ ràng qua thái độ và hành vi của bạn, đồng thời tác động tiêu cực đến những người thân yêu của bạn. Họ chỉ thấy bạn buồn bực với họ hay từ chối cùng họ một điều gì đó, mà không hiểu rằng bạn đang bị sa lầy trong những động thái thay đổi thông thường. Hậu quả là bạn có thể tự phá hỏng các mối quan hệ của mình, cả trong gia đình và trong công việc.
Vẫn biết rằng không dễ vượt qua thời kỳ quá độ, nhưng với một số người, thời kỳ quá độ kéo dài quá lâu và gần như đảo lộn toàn bộ cuộc sống và sự nghiệp của họ. Vì vậy, bạn hãy áp dụng mẹo nhỏ nhưng hiệu quả này: Hãy lướt qua động thái thay đổi thật nhanh để hạn chế tối đa sự thiệt hại cho chính bạn và những người khác. Hãy làm những điều cần làm cho chính bạn và những người khác để tiếp tục thành công trên mọi phương diện đời sống.
ghi nhớ
Khi đối diện với mọi thay đổi trong công việc hay trong cuộc sống riêng, bạn hãy xem xét và áp dụng những lời khuyên sau để kiểm soát các động thái thay đổi của mình:
• Luôn tập trung vào mục tiêu cuối cùng. Nhìn lại và dùng Tuyên bố ý chí để giữ cho suy nghĩ và hành động của bạn luôn tiến về phía trước.
• Tiếp tục tiến lên, không trì hoãn, bằng cách tập trung vào việc tại sao sự thay đổi đó là có giá trị; sau đó chú ý đến cách thức bạn nên tiến hành và tự hỏi bạn cần làm gì tiếp theo.
• Tỉnh táo nhận thức khi nào một động thái thay đổi ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, suy nghĩ và cảm nhận của bạn, sau đó hãy tự hỏi điều này sẽ hỗ trợ hay cản trở bạn đạt được mục tiêu.
• Nếu bạn muốn sa lầy thì cứ việc sa lầy, nhưng phải xác định giới hạn thời gian bạn sẽ ở lại đó. Thời gian càng ngắn sẽ càng tốt cho bạn. Và hãy nhớ rằng bạn có thể chọn được cách phản ứng với thay đổi.
• Nhập cuộc ngay lập tức. Lựa chọn những suy nghĩ, từ ngữ và hành động giúp bạn nhanh chóng tìm thấy lợi ích của thay đổi. Hãy suy nghĩ về những việc bạn có thể làm để nhanh chóng vượt qua những cảm xúc tiêu cực để nhập cuộc.
• Vận dụng kỹ thuật điều chỉnh ở bước thứ nhất. Loại bỏ mọi suy nghĩ thiếu tính xây dựng bằng cách điều chỉnh chúng thành những suy nghĩ tích cực mang tính xây dựng.
• Đừng mãi bám chặt lấy quá khứ. Nếu nó không còn giúp ích gì được cho bạn, hãy quên nó đi. Hãy sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.
• Đặt ra các cột mốc để ăn mừng thành công khi bạn thông qua những động thái thay đổi để chuyển từ cái cũ sang cái mới. Việc này sẽ tạo thêm cảm giác hứng thú cho bạn.
Thay đổi, thay đổi và thay đổi
Mọi người thường hồ hởi hay phấn khích trước thay đổi. Nhưng khi những thay đổi diễn ra với tần suất dày đặc, mức độ phức tạp, xảy ra trong phạm vi rộng lớn hay ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, người ta lại có xu hướng bỏ cuộc vì mệt mỏi, căng thẳng. Thậm chí, họ dường như bị tê liệt và không còn phản ứng trước thay đổi. Họ làm vậy là để tránh những tác động đau đớn đi kèm với sự thay đổi, nhưng rõ ràng họ cũng sẽ bỏ lỡ những cơ hội mà sự thay đổi mang lại.
Ngay cả khi bạn co mình lại để tạo cảm giác an toàn thì vẫn nên để óc tò mò và trí tưởng tượng của bạn nhập cuộc. Cho dù bạn thích thay đổi hay không thì việc chấp nhận và tiến hành những thay đổi cần thiết cho bạn vẫn luôn là điều khôn ngoan.