Mục đích của bước thứ hai trong Bản đồ thành công là giúp bạn:
• Hiểu rằng ý chí sẽ hỗ trợ thành công;
• Dùng ý chí để biến ước mơ thành hiện thực;
• Chuẩn bị đối phó và kiểm soát những gì có thể cản trở bạn;
• Dựa vào tuyên bố ý chí để tập trung năng lượng vào điều bạn khao khát;
• Khởi động Bản đồ thành công của bạn.
Khi bạn có ý chí và quyết tâm, ước vọng và hoài bão của bạn sẽ thành hiện thực!
Ý chí biến ước mơ thành hiện thực
Chúng ta có rất nhiều từ ngữ để phản ánh khao khát mãnh liệt nào đó của mình, nhưng lại có rất ít hành động cụ thể để biến khao khát đó thành hiện thực. Thực tế cho thấy ý nghĩ không thì chưa đủ để thôi thúc chúng ta hành động. Thậm chí, sự tha thiết và hào hứng với kết quả cũng vẫn chưa đủ. Bởi nếu chỉ cần có thế, chắc hẳn đã có nhiều người đạt được thành công rồi. Chỉ khi bạn quyết tâm tập trung mọi suy nghĩ, thái độ và hành động cần thiết để đạt được mục tiêu ấy, bạn mới có thể từ chối những phương án thay thế vốn nuông chiều và dung túng bản tính trì trệ và ngại thay đổi.
Nếu bạn cứ mãi suy nghĩ và hy vọng, cứ bắt đầu rồi tạm ngưng thì chắc chắn mục tiêu quan trọng của bạn sẽ bị trì hoãn vô thời hạn, chưa kể điều đó cũng làm hao tốn nhiều năng lượng tinh thần và cảm xúc của chính bạn. Do đó, bước thứ hai chính là giải pháp giúp bạn không trì hoãn hay bỏ quên mục tiêu của mình thêm nữa.
Từ bây giờ, hãy loại bỏ ngay lý do đầu tiên xuất hiện trong đầu khiến bạn cứ trì hoãn những hành động để đạt được mục tiêu, kiểu như không biết cách làm, thiếu sự hỗ trợ hay nguồn lực cần thiết, không đủ thời gian... Bạn hãy mạnh dạn gạt chúng qua một bên vì lý do bạn nêu ra đó sẽ được xử lý khi bạn xây dựng được Bản đồ thành công.
Trở ngại thành công số 2: Thiếu tập trung. Hầu hết những suy nghĩ, thái độ và hành động của bạn không tập trung vào điều bạn mong muốn đạt được.
Khi bạn có ý chí, ước mơ sẽ trở thành hiện thực!
Ở phần này, bạn sẽ biết cách tập trung thời gian và sức lực để đạt được mục tiêu mong muốn. Trong Bảng đánh giá của bước thứ hai, bạn sẽ thể hiện quyết tâm đó bằng một Tuyên bố ý chí.
Tuyên bố ý chí là tuyên bố tập trung mọi năng lượng bạn có, gồm suy nghĩ, thái độ, hành động cần thiết để đạt được mục tiêu, ước vọng hay hoài bão của mình.
Tuyên bố ý chí là điểm xuất phát thực sự trên Bản đồ thành công của bạn. Việc nói thành lời điều mình mong muốn sẽ giúp bạn luôn hào hứng, giữ vững tinh thần và tập trung tối đa nhằm tìm thấy những quyết định và hành động sáng suốt nhất.
Khi đã xác định được mục tiêu cần hoàn thành nghĩa là bạn đã có một tấm bia với hồng tâm thật lớn ở giữa.
Nhưng nếu bạn không bao giờ ngắm thẳng vào hồng tâm và buông dây thì mũi tên của bạn sẽ chẳng bao giờ có thể đến trúng đích. Chúng ta đã có quá nhiều tấm bia không được ngắm bắn. Tuyên bố ý chí chính là công cụ giúp bạn luôn ngắm thẳng vào bia và bắn thật chính xác. Ngay cả khi những trở ngại tiềm ẩn khiến cho ước mơ của bạn có vẻ viển vông, Tuyên bố ý chí cũng sẽ giúp bạn luôn tập trung để đạt được mục tiêu hay điều chỉnh điều bạn muốn cho phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế.
Mục tiêu chỉ là những ý tưởng hay, nếu không có ý chí. Bạn có thể có rất nhiều mục tiêu trong đời, nhưng nếu không quyết tâm tập trung sức lực và hành động vào một mục tiêu cụ thể thì bạn sẽ không thể hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào. Như vậy với mỗi ý tưởng mới nảy sinh, danh sách ước muốn của bạn lại dài thêm ra nhưng không ý tưởng nào trở thành hiện thực.
ghi nhớ
Khi bạn quyết tâm rời bỏ vị trí hiện tại để tiến lên phía trước, ý chí ấy sẽ tạo nên động lực giúp bạn thành công. Những hành động trong Bản đồ thành công không chỉ giúp bạn đạt được mục tiêu, mà còn đưa đến cho bạn những cơ hội mới. Và còn nhiều hơn thế nữa.
Khi có nhiều cơ hội và lựa chọn, bạn hãy sẵn sàng đón nhận, tuy nhiên đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những mục tiêu thiếu thực tế. Hãy đảm bảo rằng bạn biết chính xác mình muốn gì trong cuộc sống và tập trung năng lượng vào những cơ hội tạo điều kiện thuận lợi cho mong muốn ấy.
Đề xuất của tôi là để sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan, bạn hãy viết một Tuyên bố ý chí, chẳng hạn: “Tôi quyết tâm không bị lung lạc vì những tác động của cuộc sống và sẽ luôn sử dụng năng lượng mình có vào những gì quan trọng nhất trong sự nghiệp và cuộc sống của tôi”.
Đừng để những suy nghĩ tiêu cực khiến bạn chệch hướng
Những thái độ có thể phá hỏng hay làm bạn chệch hướng là:
• Thiếu quyết tâm;
• Ngại thay đổi.
Có quyết tâm, bạn sẽ thành công
Kiểm tra tinh thần quyết tâm. Nếu vẫn cứ mãi huyên thuyên về việc sẽ trở nên như thế nào hay sẽ đạt được gì trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân, trong khi chưa hề có hành động nào để biến điều đó thành hiện thực, thì bạn nên làm một bài kiểm tra nhanh về lòng quyết tâm của mình. Câu hỏi là: “Bạn có thật sự cam
kết làm mọi việc cần thiết để đạt được mục tiêu đó vào lúc này không?”. Câu trả lời sẽ cho bạn biết liệu có nên tạm thời (hoặc mãi mãi) từ bỏ suy nghĩ về mục tiêu đó và chuyển sang hướng khác, hay hành động ngay để biến nó thành hiện thực.
Bạn đã tự kiểm tra mức độ quyết tâm của mình ở Bảng đánh giá trong bước thứ nhất. Bạn nghĩ về những mục tiêu và ước vọng khác nhau trong cuộc đời mà bạn muốn theo đuổi một ngày nào đó. Và bạn sẽ quyết định đâu là điều bạn muốn đạt được ngay lúc này.
Và giờ đây, Tuyên bố ý chí cùng Bản đồ thành công sẽ giúp bạn tập trung và quyết tâm hành động để đảm bảo đi đến thành công.
Sức mạnh của Tuyên bố ý chí. Tuyên bố ý chí sẽ hướng năng lượng của bạn đến đúng mục tiêu cần thiết, giúp bạn khéo léo vượt qua các mê cung đầy những chọn lựa khiến bạn rối trí. Giờ đây, những điều có thể làm bạn lung lay ý chí hay khiến bạn chệch hướng khỏi Bản đồ thành công đều đã trở nên rõ ràng. Với một Tuyên bố ý chí có khả năng luôn giữ cho bạn sự tập trung cao độ để đạt được điều hằng khao khát, con đường bạn đi sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nghĩ rằng “Một ngày nào đó”. Làm cách nào để nhận ra được hoài bão hay mục tiêu quan trọng nào của bạn đang vướng phải ý nghĩ “một ngày nào đó”? Đó là
khi bạn cứ nghĩ hay nói những câu đại loại như: “Lúc này tôi không có thời gian, nhưng tôi sẽ bắt đầu thực hiện ngay khi các chuyến công tác thưa đi/ mùa bóng kết thúc/ bọn trẻ bắt đầu đi học/ các con tốt nghiệp phổ thông/ tôi được thăng chức/ công việc ổn định/ tôi lập gia đình/ khi tôi ly hôn/ kinh tế khả quan hơn…”, và cứ thế, hết lý do này đến lý do khác. Bạn luôn có hàng đống lý do, cả hợp lý và không hợp lý, để chưa bắt đầu hay không tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình. Điểm mấu chốt là bạn cần nhận biết sự khác biệt giữa việc thực sự phải trì hoãn một kế hoạch và tình trạng để cho sự trì hoãn trở thành thói quen.
Một khi bạn đã thực sự quyết tâm tập trung sức mạnh để thay đổi cuộc đời mình thì những công việc bận rộn thường ngày không thể nào cản trở hay trì hoãn được bạn. Cho dù phải trì hoãn tạm thời vì bệnh tật, vì một biến động lớn trong công việc hay cuộc sống, thì quyết tâm đạt được mục tiêu của bạn sẽ giúp bạn nhanh chóng quay trở lại con đường phải đi ngay khi bạn sẵn sàng. Dù bạn đối diện vô số thử thách và áp lực phát sinh từ cuộc sống hàng ngày, Tuyên bố ý chí vẫn có thể giúp bạn đủ sức tập trung để đạt được những gì mình mong muốn, đồng thời nhanh chóng từ bỏ thói quen trì hoãn.
Bạn đã sẵn sàng thay đổi chưa?
Nếu bạn đã sẵn sàng suy nghĩ, phát ngôn hay hành động khác đi vì thành công của mình tức là bạn đã sẵn sàng để thay đổi. Ngược lại, nếu bạn vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng hay ngại thay đổi, dù ý thức được rằng điều đó là cần thiết cho thành công của bạn, thì hãy cố gắng khắc phục hạn chế đó. Bởi vì, thái độ đó có thể cản trở bạn cả trong công việc lẫn trong cuộc sống cá nhân.
ghi nhớ
Khi bạn quyết định làm một điều mới mẻ hay khác biệt, đó đã là một sự thay đổi. Khi bạn nỗ lực để hoàn thành những điều mình mong muốn, bạn có thể nhận ra rằng mình cần điều chỉnh hành động cho phù hợp với hoàn cảnh hơn, và bạn cần thay đổi nhiều hơn nữa. Nhưng không phải là ý hay nếu xem việc sẵn sàng thay đổi là môn tự chọn để bạn có thể chọn hoặc không. Vì nó không phải là để chọn lựa.
Để có thể thành công trong cuộc sống, sẵn sàng thay đổi là một kỹ năng cần thiết. Bạn cần học cách sẵn sàng thay đổi và bạn cần phải làm gì đó khác đi để tạo nên những điều khác biệt.
Bước thứ ba và bước thứ tám trong Bản đồ thành công sẽ cung cấp cho bạn công cụ và thông tin về thái độ sẵn sàng thay đổi, qua đó chỉ cho bạn cách tiếp tục hành động và đạt được điều mình muốn. Bạn sẽ nhận ra lợi ích và tầm quan trọng của ba lựa chọn thay đổi và biết được cách bám sát mục tiêu đã đặt ra mà không rơi vào cái bẫy “giữ nguyên trạng”. Khi sử dụng những công cụ và thông tin trong hai bước trên, bạn đã đưa vào Bản đồ thành công của mình những quyết định sáng suốt nhất trong suy nghĩ, thái độ và hành động có khả năng giúp bạn đạt được ước vọng và hoài bão của mình.
Lo sợ - “Một cản trở lớn”
Chúng ta đều từng trải qua cảm giác lo sợ hay có thái độ chống đối khi bị yêu cầu thay đổi và làm điều gì đó không quen thuộc. Hay một thay đổi thú vị mà chúng ta muốn như công việc hay mối quan hệ mới, thì khi phải bắt đầu, chúng ta vẫn cảm thấy e ngại.
E ngại hay lo sợ là những cảm xúc tiêu cực mà tôi gọi là “một cản trở lớn”, bởi nó có thể khiến chúng ta:
• Không tính toán hết những rủi ro trong sự nghiệp;
• Không tin tưởng đồng nghiệp hay cộng sự;
• Không cởi mở trong các mối quan hệ cá nhân;
• Không nắm bắt được các cơ hội thể hiện năng lực và tài năng của mình;
• Không thực hiện được điều mình khao khát hay có thể.
Ý tưởng về sự thay đổi hiếm khi là một vật cản, nhưng nó sẽ trở thành vật cản (nhỏ hay lớn là tùy bạn đánh giá) khi thời gian suy nghĩ đã hết và đến lúc bạn phải hành động. Kinh nghiệm cho thấy khi suy nghĩ về sự thay đổi, bạn thường cảm thấy dễ dàng hơn khi phải thay đổi thực sự. Điểm mấu chốt là bạn phải xác định được quyết định đó hỗ trợ hay cản trở mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn.
Ý chí có thể chế ngự nỗi lo sợ
Bạn có thể “trấn áp” bất kỳ nỗi lo sợ nào, chỉ cần có quyết tâm. Sau đây là vài mẹo nhỏ cùng những kỹ thuật giúp bạn vượt qua cảm giác e ngại hay lo sợ đó:
• Hít thở đều và sâu.
• Chú ý đến cảm giác của bạn tại thời điểm đó, như hồi hộp chẳng hạn, sau đó tập trung tư tưởng vào những cảm giác tích cực như tự tin, bình tĩnh và mạnh mẽ. Lặp lại quá trình này cho đến khi cảm giác sợ hãi và hồi hộp bị thay thế hoàn toàn.
• Đối diện với nỗi sợ hãi, bởi bạn càng trốn tránh,
bạn lại càng sợ hãi nhiều hơn.
• Bắt đầu bằng một “việc làm mạo hiểm” nhỏ và sau đó lớn dần, ví dụ như phát biểu ý kiến trong các cuộc họp nhóm, sau đó mới thuyết trình vấn đề trước ban giám đốc.
• Thực hành, thực hành và thực hành nhiều lần các kỹ năng mới trước khi thực sự vận dụng nó vào thực tế. Vì người ta vẫn nói: “Trăm hay không bằng tay quen”.
Càng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để thay đổi, bạn càng hạn chế được cảm giác lo ngại và sự phản kháng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không phải cảm giác khó chịu nào cũng đều mang tính tiêu cực, bởi nó có thể là một loại thước đo giúp bạn biết mình đã chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới.
Để thực sự đón nhận và cảm thấy thoải mái với sự thay đổi, bạn hãy sẵn sàng bước lên để hòa nhập với cái mới cho đến khi bạn cảm thấy quen thuộc và nhìn thấy chính mình trong hoàn cảnh mới đó. Hãy tự nhủ: “Tôi không để cho nỗi sợ hãi cản trở mình đạt được những ước mơ, hoài bão quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp”. Rồi bạn sẽ thấy sự thay đổi nhẹ nhàng và đơn giản hơn bạn nghĩ.
Tiến bộ là động lực. Mọi người đều xứng đáng nhận được “chính sách mở cửa” cho các cơ hội trong cuộc sống. Bạn chỉ cần mở toang cánh cửa để đón nhận cơ hội đến với mình, quyết định điều mình muốn và xác định ý chí quyết tâm phải đạt được mục tiêu. Điều này giúp bạn đi từ “suy nghĩ và hy vọng” đến “thực hiện và hoàn thành”. Khi có tiến bộ dù rất nhỏ, bạn cũng được tiếp thêm sinh lực để phát huy hơn nữa khả năng tiềm tàng của mình. Cũng giống như bạn sạc pin cho trí não và cơ thể của bạn vậy, sự tiến bộ nhiều hay ít cũng đều tạo động lực cho bạn, khiến bạn cảm nhận một cách rõ ràng là mình đang đến gần mục tiêu hơn.
Tuyên bố ý chí là sức mạnh của bạn
Trước khi viết ra Tuyên bố ý chí về điều mình muốn đạt được, bạn hãy tự hỏi: “Tôi có muốn tập trung toàn bộ tư tưởng và hành động của mình cho mục tiêu này không?”. Nếu câu trả lời là Không thì bạn hãy bỏ qua và đừng phí hoài năng lượng cho nó nữa. Đến thời điểm cảm thấy mục tiêu đó là thật sự quan trọng với bạn, hãy lên kế hoạch một lần nữa, khi bạn đã sẵn sàng.
Nếu câu trả lời là Có thì chứng tỏ bạn đã sẵn sàng viết ra Tuyên bố ý chí để đạt được điều mình muốn.