Em có biết khả năng ghi nhớ của em là vô cùng tận không?
Phải, BẤT CỨ ĐIỀU GÌ đấy nhé!
Cuộc sống sẽ đơn giản và vui vẻ hơn đến nhường nào khi em:
- có thể gây ấn tượng với bạn bè nhờ nhớ được mọi cầu thủ đã ghi bàn trong các trận bóng;
- không còn rơi vào tình trạng hốt hoảng, lo lắng khi làm mất điện thoại hay không có sổ danh bạ ở cạnh bên – vì em đã nhớ mọi số điện thoại cần thiết;
- “bắt” đúng đáp án cho các bài thi, bài kiểm tra.
Trước khi tiếp tục, hãy kiểm tra xem khả năng ghi nhớ của em có tốt hay không? Đôi khi nó hoạt động thật hiệu quả, song có những lúc lại khiến em vô cùng thất vọng? Ví dụ như: khi đang đứng trả bài trước lớp mà câu trả lời bỗng nhiên nhất định không chịu “chui ra” khỏi bộ não; em thực sự biết đáp án là gì, nhưng không tài nào cất thành lời. Thậm chí đáng chán hơn nữa là vừa lúc chuyển sang câu hỏi khác thì đáp án cho câu hỏi “bí lù” kia lập tức xuất hiện!
Sao lại thế được chứ? Nếu trí nhớ của em đã từng khiến em thất vọng đến vậy thì không phải là do em ngốc nghếch hay “rùa bò” đâu! Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy em cần làm gì đó để hỗ trợ trí nhớ lưu trữ thông tin, đến khi em cần thì sẽ nhớ được ngay.
Bộ não của em là một thư viện khổng lồ đấy nhé!
THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO LOÀI VOI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
Có thật là… loài voi có trí nhớ tuyệt vời đến thế không? Đúng vậy! Hầu như mọi con voi đều có thể nhận ra bạn của chúng, dù là người hay động vật, sau NHIỀU NĂM xa cách.
Có một câu chuyện thế này: một nhóm voi Tuli trẻ ngay khi vừa được trả về môi trường sống tự nhiên ở Nam Phi thì vẫn được cả đàn nhận ra và NGAY LẬP TỨC được chấp nhận cho nhập đàn.
Những gì em đã đưa vào đầu thì sẽ luôn còn mãi, chỉ có điều cái “kho thông tin” này có vẻ khá là lộn xộn. Thế nên thật khó khi phải tìm đúng thông tin cần dùng. Những gì em cần làm là giúp bộ não sắp xếp lại thông tin cho gọn gàng để dễ dàng truy cập. Khi đọc xong cuốn sách này, em sẽ trở thành chủ nhân thực sự đối với chính trí nhớ của mình và có thể nhớ mọi điều em muốn trong bất cứ tình huống nào.
Quý bà Mnemosyne
Em có biết trong tiếng Anh, từ “memory” (tức “trí nhớ”, “khả năng ghi nhớ”) bắt nguồn từ tên của nữ thần Ký ức Mnemosyne(*) trong thần thoại Hy Lạp không? Bà sinh cho thần Zeus 9 người con – các nàng Muse. Họ lớn lên và trở thành 9 nữ thần bảo hộ cho các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.
(*) Phiên âm: /nɪ’mɒsəni/
Đối với người Hy Lạp, nhờ sự kết hợp giữa năng lượng và sức mạnh (của thần Zeus) với khả năng ghi nhớ (của thần Mnemosyne) mà con người có được sự sáng tạo và trí tuệ (dưới dạng 9 nữ thần Muse). Với những kỹ thuật ghi nhớ được giới thiệu ở đây, khả năng ghi nhớ của em sẽ được cải thiện và em cũng sẽ sáng tạo hơn. Nghĩa là em sẽ nhanh chóng học hỏi thêm được nhiều điều mới.
THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO CÀNG BIẾT NHIỀU, CÀNG PHÁT TRIỂN
Trí nhớ cũng giống như các cơ bắp vậy, càng sử dụng nhiều thì càng ghi nhớ tốt. Trên thực tế, nó sẽ càng LỚN HƠN – chính vì thế em sẽ nhớ được NHIỀU HƠN!
Tài xế taxi ở những thành phố lớn thường có đồi hải mã lớn hơn hầu hết mọi người bởi vì họ phải nhớ rất nhiều đường đi lối lại trong thành phố. À, quên mất! “Đồi hải mã” là một bộ phận trong não – do hình dạng giống như con cá ngựa nên nó mới có tên gọi ấy. Đây là nơi não tạm ghi lại mọi thứ để hình thành “trí nhớ ngắn hạn”, rồi sau đó mới chuyển đến vỏ não để lưu trữ lâu dài.
THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO PHÁ KỶ LỤC GHI NHỚ NÀO!
Ông Dominic O’Brien, người Anh, có một trí nhớ vô cùng TUYỆT VỜI! Với chỉ một lần nhìn qua, số lá bài mà ông nhớ được chính xác là… 2.808 (tức 54 bộ bài Tây 52 lá đấy!). Ông cũng là người 8 lần giành chức vô địch cuộc thi Trí nhớ Thế giới.
Hai “ngôi sao” của Trí nhớ
Từ thời Hy Lạp Cổ đại, nhiều người đã tạo được ấn tượng với bạn bè mình bằng tài ghi nhớ. Chẳng hạn như họ có thể nhớ và đọc vanh vách hàng trăm mục trong một danh sách (ngày tháng và con số; tên gọi và khuôn mặt) theo chiều xuôi, ngược hoặc theo bất kỳ trình tự nào.
Sao lại thế được cơ chứ? Hẳn em sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng họ đều dùng Bộ Công cụ Ghi nhớ kỳ diệu để giúp ghi nhớ mọi thứ.
Bộ công cụ đó sẽ phát huy hiệu quả khi được kết hợp với hai “ngôi sao” sau đây:
- Trí tưởng tượng
- Sự liên tưởng
Để nhớ tốt, em chỉ cần liên tưởng – dĩ nhiên là cũng sử dụng cả trí tưởng tượng nữa – điều cần nhớ với điều gì đó em đã biết. Nào, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi cách thức làm việc của hai “ngôi sao” này nhé!
TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ TUNG & HỨNG
Tung hứng không chỉ là một trò VUI NHỘN mà còn là một kỹ thuật tuyệt vời giúp CẢ HAI bán cầu não phối hợp hoạt động cùng nhau, qua đó tăng cường khả năng ghi nhớ và tập trung.
Sử dụng cả hai bán cầu não để ghi nhớ
Bộ não chúng ta bao gồm hai bán cầu não. Mỗi bán cầu não có những chức năng và phương thức hoạt động riêng biệt. Khi phải tư duy về ngôn ngữ, con số và trình tự, em sẽ dùng bán cầu não trái. Còn bán cầu não phải sẽ “thích thú” khi bắt gặp những màu sắc, bắt được giai điệu của bài hát yêu thích, hay khi sử dụng trí tưởng tượng để lên chủ đề cho bữa tiệc sinh nhật.
Tại sao trí tưởng tượng lại có vai trò quan trọng trong học tập và ghi nhớ? Đó là vì nó khiến phần bán cầu não phải hoạt động thật nhiều, trong khi bình thường em dùng chủ yếu là bán cầu não trái.
Chỉ dùng có một bên não thì chẳng khác nào cố đi bằng một chân: vất vả vô cùng! Khi phối hợp được cả hai bán cầu não, em sẽ thấy việc ghi nhớ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
1. Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng làm cho những điều cần ghi nhớ trở nên thú vị hơn. Và điều gì càng thú vị thì lại càng dễ nhớ.
Hãy xem hai nhóm từ sau đây:
1. Bữa tiệc, khoảng trống, quà, nghỉ, trắng, nắng
2. Tiệc tùng, trống trải, quà tặng, nghỉ ngơi, trắng tinh khôi, giọt nắng
Theo em thì nhóm từ nào dễ nhớ hơn? Tất nhiên đó sẽ là dãy từ khiến em thích thú và nghe vui tai rồi. Những điều em không thích hoặc không gợi thanh, gợi hình sẽ dễ bị quên hơn.
Sau đây là những “trợ tá” của “ngôi sao” Trí tưởng tượng:
SỰ CƯỜNG ĐIỆU. “Luân canh” là một đề tài chẳng thú vị chút nào, ấy vậy mà em vẫn phải học đấy. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của em có thể khiến chủ đề này thú vị hơn. Chẳng hạn, hãy hình dung cảnh những đám bắp cứ đến cuối mùa vụ là lại nhảy loạn ra khỏi cánh đồng và chạy vội sang phần đất bên cạnh.
TIẾNG CƯỜI. Cười và chuyện tiếu lâm ở cùng một đội với sự cường điệu. Càng nghĩ đến những gì đang phải học theo hướng buồn cười và kỳ quặc, em sẽ càng ghi nhớ dễ dàng hơn. Cứ hình dung cảnh đám bắp kia cứ rối rít phóng sang mảnh đất bên cạnh, chúng ta không thể nín cười với hình ảnh mồ hôi mồ kê nhễ nhại ướt cả trái bắp – Ái chà, sao mà thèm món bắp luộc thế nhỉ!
GIÁC QUAN. Hãy dùng cả năm giác quan để hỗ trợ thêm cho trí tưởng tượng. Hình dung ra một cánh đồng bắp vàng ươm, cảm giác thô ráp ra sao khi sờ lên lớp vỏ bao ngoài trái bắp, rồi mùi đất ẩm, tiếng cây lá nghe lạo xạo trong gió, và vị ngọt của những hạt “ngọc” quý này.
MÀU SẮC. Khi tưởng tượng ra một khung cảnh nào đó, cố gắng để màu sắc hiện thật rõ trong tâm trí: cả cánh đồng lúa vàng rực trông thật chói mắt, em phải cúi mặt nhìn xuống lớp đất màu sậm để làm dịu mắt lại và rồi ngẩng đầu lên nhìn những thân lúa mảnh mai đang chao nghiêng theo chiều gió.
LUÂN CANH LÀ GÌ?
Để đất đai không bị cạn kiệt chất dinh dưỡng, người ta thường thay đổi giống cây trồng trên mỗi mảnh đất sau một vụ mùa. Thường thì vụ đầu trồng lúa thì vụ sau trồng bắp, hoặc có thể ngưng một vụ để đất trồng được “nghỉ ngơi”, và như thế sẽ không “vắt kiệt” chất dinh dưỡng trong đất(*).
(*) Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
- Ca dao Việt Nam
NGÂN NGA NGÂN NGA. Càng đưa thêm âm thanh, nhịp điệu vào bài học, “bức tranh” sẽ càng hiện lên sống động trong tâm trí em. Hãy tưởng tượng cảnh những cây bắp kéo rễ chạy trên đất rồi nhảy phắt sang mảnh đất bên cạnh, còn những người nông dân thì chạy ngược xuôi trên cánh đồng để giữ cho đám cây trồng không gây huyên náo.
SUY NGHĨ THEO HƯỚNG KHẲNG ĐỊNH. Nhìn chung, những gì em thích và suy nghĩ theo hướng khẳng định thì dễ nhớ hơn so với những điều em không thích, hay suy nghĩ theo hướng phủ định (ví dụ: không, chớ, cấm, đừng…). Chẳng hạn như, nếu cứ bảo mình không được quên, thể nào em cũng sẽ quên vì não bộ chỉ tập trung vào hướng khẳng định nhiều hơn – nghĩa là được… quên. Vì vậy hãy tự nhắc mình cần phải nhớ; nếu mải lo rằng mình sẽ quên, tất nhiên là em sẽ quên rồi!
THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO LƯỢC SỬ VỀ BỘ NÃO
Em có biết:
Tuổi của Trái đất là khoảng → 5.000.000.000 năm?
Sự sống đầu tiên trên
Trái đất xuất hiện khoảng → 4.000.000.000 năm trước?
Bộ não của con người
bắt đầu phát triển từ → 100.000 năm trước?
Chúng ta chỉ mới biết bộ não nằm trong đầu, không phải
trong tim từ cách đây → 500 năm?
Và
95% những gì chúng ta BIẾT về hoạt động của não bộ chỉ mới được khám phá từ khoảng → 10 năm trước?
Còn gì nữa không? Đây nhé! Các nhà khoa học nhận ra rằng trung bình con người dùng chưa tới 1% khả năng của bộ não để ghi nhớ. Đúng thế, dưới 1% đấy! Nghĩa là sao? Còn đến 99% khả năng trí não chưa được tận dụng. Như vậy em có thể ghi nhớ bất cứ điều gì em muốn.
2. Sự liên tưởng
Giờ là “ngôi sao” thứ hai của đội Trí nhớ đây!
Liên tưởng là liên kết những gì em đã biết lại với nhau. Ví dụ như khi về thăm trường cũ, mùi hương, cảnh vật hay âm thanh nào đó ngay lập tức sẽ gợi lên trong em một ký ức rõ ràng về thời còn đi học. Em có thể nhớ lại trọn vẹn mọi thứ. Ký ức mãi mãi được lưu giữ trong bộ não, và chính mùi hương hay âm thanh kia đóng vai trò như “chất xúc tác” khiến cho bộ nhớ vận hành để lôi ra mảnh ký ức tương ứng. Hoạt động liên tưởng cũng khá vui và đơn giản bởi nó giúp em làm phong phú thêm trí tưởng tượng của mình.
Em có thể tận dụng khả năng tự nhiên của bộ não để phục vụ cho việc học và nhớ kiến thức. Sự liên tưởng cũng giống như một chiếc tủ quần áo lớn với nhiều giá treo. Nếu muốn học điều mới nào đó, em cần “phối” điều mới này với điều đã có sẵn trong “chiếc tủ”, rồi treo chúng vào cùng một giá.
Giả như em đi dự tiệc và gặp một người bạn mới tên là Alex. Làm sao để nhớ tên cậu ấy đây? Anh trai của em cũng tên là Alex và anh ấy trượt ván cực giỏi. Vậy hãy tưởng tượng hai người đang trượt với nhau trên cùng tấm ván. Nếu liên kết được Alex ở bữa tiệc với ông anh trai của mình, chắc chắn em sẽ nhớ cái cậu Alex mới quen mà chẳng mất nhiều công sức. Và sau đây là “trợ tá” của “ngôi sao” Liên tưởng:
THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO QUÊN MẤT TỪ Ư?
Em có biết Cuộc thi Trí nhớ Thế giới được tổ chức hàng năm không? Vào năm 2004, anh Ben Pridmore đã phá kỷ lục thế giới khi nhớ được thứ tự của 3.705 chữ số 1 và 0 (tức là: 1, 0, 0, 1, 1, 0,…) được xếp ngẫu nhiên.
ĐẶC ĐIỂM. Hãy tìm ra đặc điểm của những thứ cần nhớ. Chẳng hạn khi em đi mua hàng cho mẹ và cần nhớ danh sách những thứ cần mua.
Thử xếp các món theo nhóm, như trái cây, rau củ, thịt hay đồ dùng gia đình,… xem sao. Lượng thông tin cần nhớ được chia thành từng nhóm nhỏ hơn nên việc xử lý từng nhóm nhỏ sẽ dễ hơn so với cả một danh sách dài. Em cũng có thể căn cứ theo những đặc điểm khác để phân loại, như kích cỡ (từ bé đến lớn), theo trình tự thời gian (rất hữu hiệu khi phải nhớ những cuộc hẹn hay những sự kiện), theo màu sắc, v.v.
THỨ TỰ. Một số cách đánh số đặc biệt có thể giúp em nhớ cả một danh sách dài (hãy xem ở chương 4 nhé!).
BIỂU TƯỢNG. Dùng biểu tượng và hình ảnh là một cách thông minh để “kích hoạt” trí nhớ. Ví dụ, mỗi khi bắt gặp một ý tưởng mới, em có thể viết chữ và vẽ một cái bóng đèn ở bên cạnh; hay nếu gặp chuyện gì vui, em có thể vẽ một mặt cười cạnh bên. Bản đồ Tư duy là một trong những công cụ ghi nhớ sử dụng rất nhiều hình ảnh và biểu tượng đấy!
Sau khi đã biết cách điều khiển hai “cầu thủ ngôi sao”, Trí tưởng tượng và Sự liên tưởng để giúp em giành chiến thắng, đã tới lúc chúng ta cần khám phá thêm những công cụ khác giúp tối ưu hóa trí nhớ kỳ diệu của mình nhé!