Mùa khô năm 1972, Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn ở Nam Lào. Hơn 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ bám trụ trên các tuyến dọc: 128, 22, 24, 17 và tuyến ngang B46. Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn ở Phù Trương-Keng Nhang thuộc tỉnh Salavan ngay trên đường kín chạy cắt ngang đường 13 đoạn Tha Teng-Bản Phồn; cắt ngang đường 232 đoạn Pắc Soòng-Huội Còng về Champasak.
Từ đây, mạng lưới thông tin hữu tuyến tỏa đi 6 binh trạm: 35, 36, 38, 44, 46, 47 và các trung đoàn trực thuộc: Trung đoàn 10 Công binh ở Attapeu, Trung đoàn 59 Bộ binh trên cao nguyên Bolaven, Trung đoàn 593 Cao xạ ở Chà Vằn… Tất cả đã sẵn sàng cho nhiệm vụ vận chuyển năm 1972.
Từ sở chỉ huy Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn, ngày và đêm âm vang trong lòng đất là những chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn tới các binh trạm, các trung đoàn trực thuộc, tới các trạm điều tiết giao thông, tới các trận địa bắn… cách thức phòng tránh, đánh trả máy bay Mỹ ban ngày cũng như ban đêm. Song, đêm đêm xe chạy trên các tuyến vẫn bị máy bay AC-130 bắn cháy. Khi ta đưa pháo cao xạ 37mm vào chiến đấu, Mỹ cải tiến mỗi chiếc AC-130 mang theo hai súng máy 6 nòng 6,72mm, hai súng 6 nòng 20mm và hai pháo 40mm. Đầu tháng 2-1972, chúng trang bị lại mỗi chiếc AC-130 mang theo hai súng 6 nòng 20mm, một pháo 40mm và một pháo 105mm. Tất cả số vũ khí này đều được lắp đặt bên trái máy bay AC-130, phía trước là hệ thống khí tài bổ trợ cho công việc tác xạ tìm kiếm, bắn phá những mục tiêu chúng muốn.
Minh họa: LÊ HẢI.
Khi phát hiện mục tiêu, chúng phải bay vòng từ trái qua phải theo một vòng tròn để bắn phá. Đây là tử huyệt của máy bay AC-130. Biết vậy, song các lực lượng cao xạ trên tuyến chưa một lần bắn rơi nó. Khi AC-130 hoạt động đều có 3 chiếc F-4 bay quanh và nhiều tốp phản lực hỗ trợ. Nhiều trận cao xạ ta vừa bắn lên thì lũ F-4 đã bổ nhào cắt bom, bắn đạn 20mm xuống trận địa. Cuộc chiến vô cùng căng thẳng. Có đêm xe ta hoạt động trên các cung đường đều bị bắn phá, có đội hình bị bắn cháy gần hết. Lực lượng cao xạ của ta đã đủ mạnh, có đủ cỡ nòng, uy lực lớn, song mới chỉ làm được việc bảo vệ mục tiêu, hất bọn “giặc trời” lên cao và ra xa. Nhiệm vụ cấp bách là phải hạ gục được AC-130. Tư lệnh Bộ tư lệnh Khu vực 471 Nguyễn Lạn ra lệnh cho cơ quan tham mưu tác chiến thực hiện gấp những phương án cần thiết và yêu cầu trên chi viện. Ban Tác chiến Bộ tư lệnh Khu vực 471 được bổ sung lên tới 24 sĩ quan dày dạn trận mạc. Cơ quan tác chiến Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp vào chỉ đạo. Khu vực đường 22 Bản Phồn được tăng cường thêm Trung đoàn 210 Cao xạ tham chiến. Nhiều trận địa giả được thiết lập sẵn sàng chia lửa với các trận địa chính. Thế trận hạ gục AC-130 đang được hoàn tất.
Đêm 18-3-1972, bầu trời Nam Lào vẫn như mọi đêm. Các đài quan sát của ta báo về sở chỉ huy tình hình AC-130 vẫn hoạt động như thường lệ. Những tốp F-4 vẫn bay quanh bảo vệ chiếc AC-130 đang tìm kiếm xe ta trên đường 22, 24. Bầu trời đầy sao. AC-130 vòng đảo tìm kiếm xe ta. Chúng từ phía đông bay theo đường 22 nhằm ngầm 22 đang có xe ta vượt sông tìm kiếm mục tiêu bắn phá. Chiếc AC-130 to đùng hiện rõ trong ống kính của các chiến sĩ cao xạ Trung đoàn 593. Những loạt đạn vút lên bủa vây chiếc AC-130. Nó cháy như bó đuốc rơi xuống sườn đông dãy núi Phù-cà-tê phía đông thị xã Salavan.
Đài quan sát của Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn đánh dấu được vị trí máy bay rơi cách sở chỉ huy không xa về phía Tây Bắc. Mệnh lệnh tìm kiếm máy bay rơi được ban bố. Buổi trưa hôm sau, các chiến sĩ bộ binh thuộc Binh trạm 35 đã mang về sở chỉ huy bộ tư lệnh khu vực mảnh vỡ máy bay có cờ hiệu Mỹ với hàng chữ AC-130 và một quả đạn 105mm. Sự kiện Trung đoàn Cao xạ 593 thuộc Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn bắn gục AC-130 trên bầu trời Nam Lào đã để lại bài học quý giá về lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của bộ đội Trường Sơn. Chiến công này đã góp phần hạ gục uy thế của không lực Hoa Kỳ. Rất nhiều ngày sau, AC-130 mới dám hoạt động trở lại ở Nam Lào.
NGUYỄN KIM CHÚC