M
ười giờ sáng và Toni đã đọc xong trang cuối cùng Mike viết. Nhân vật chính, Bob, bị giam trong viện tâm thần. Mike quá là cừ khi khắc họa cơn hoảng hốt tột độ của Bob khi cánh cửa đóng sầm lại sau lưng anh ta và anh ta buộc phải bước vào một thế giới xa lạ thù địch. Toni xoa xoa cánh tay và rùng mình. Cô nổi da gà thật rồi này. Giờ cô đang mừng vì mình không có cơ hội đọc phần này hồi tối qua khi ngoài trời tối đen tối mịt.
Hễ bắt tay vào làm việc với máy tính là Mike viết rất hăng. Chỉ trong năm ngày anh đã viết được những năm mươi ba trang, và cô chắc hôm nay sẽ có thêm chừng mười trang nữa. Cô thích nghĩ đấy là do ảnh hưởng từ cô. Chắc chắn việc anh mua máy tính là do cô thúc giục rồi. Nhưng máy tính chỉ là công cụ giúp anh hoàn thành công việc hiệu quả hơn mà thôi. Nó có thể chạy mọi chương trình phức tạp trên thế giới, nhưng phải có người ngồi trước bàn phím để điều khiển hoạt động của nó. Mike vẫn viết được nếu dùng cái máy đánh chữ trong nhà hoặc bằng bút bi hay thậm chí là bút lông ngỗng. Nhưng nếu vậy anh sẽ mất thời gian hơn nhiều.
Cô đọc lại đoạn anh miêu tả bệnh viện tâm thần và gật đầu. Mike là một người kể chuyện bẩm sinh. Mọi trang đều thu hút cô, khiến cô đọc ngấu nghiến. Cô không thể đợi được đọc tiếp vào tối nay. Những hiểu biết của anh về công việc trong viện tâm thần khiến cô đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Lối tả sống động về sự chống cự của Bob để duy trì được đầu óc tỉnh táo khi sống giữa những con người cho rằng anh bị điên thực sự quá tuyệt. Anh là một nhà văn có tài. Sao anh không liên lạc với một nhà xuất bản nhỉ? Tối qua khi cô hỏi, Mike bảo rằng nghĩ về chuyện đó lúc này còn quá sớm.
Toni thở dài. Cô nảy ra ý định gọi cho Muriel Watkins và giới thiệu cuốn sách của Mike. Muriel là biên tập viên tại New York, và là chuyên gia xử lí lòng tự tôn mong manh dễ vỡ của những cây bút trẻ. Nhưng liên lạc với Muriel mà không cho Mike biết thì không hay lắm. Rốt cục anh đã tin cô và cho cô đọc bản thảo. Giờ cô có một nhiệm vụ lớn hơn. Cô phải thuyết phục anh tin cả cô bạn Muriel nữa.
Toni nhấc điện thoại và ấn số. “Mike à? Em Toni đây. Em vừa đọc chương cuối của anh và thích mê. Em nghĩ nên có ai đó đọc và cho ý kiến chuyên môn.”
Toni nhíu mày khi nghe Mike trả lời. Cô biết cần thuyết phục anh thêm chút nữa. “Không, em không nghĩ cần phải sửa gì thêm ở bản thảo đầu đâu. Và em biết đích xác một người có thể cho anh những góp ý chân thành.”
Toni thở dài khi Mike phản đối. Còn quá sớm. Anh muốn đọc lại đã, để bổ sung thêm vài chuyện anh mới nghĩ ra. Anh vui vì cô thích, nhưng anh chưa sẵn sàng đưa nó cho một người khác đọc.
“Nghe này, Mike. Em biết anh cảm thấy thế nào, nhưng rồi cũng sẽ đến ngày anh gửi bản thảo đi thôi. Sao không phải bây giờ nhỉ? Em có bạn làm biên tập viên ở New York. Em biết cô ấy sẽ đánh giá khách quan, và sẽ có vài gợi ý hay cho phần còn lại của cuốn sách.”
Mất mười phút nói hết nước hết cái, nhưng cuối cùng Toni cũng cúp máy với một nụ cười trên môi. Mike cuối cùng cũng thuận theo. Cô có thể thoải mái gọi cho Muriel rồi. Chắc bây giờ Muriel đang làm việc, và số điện thoại văn phòng cô ấy lại thay đổi. Toni nghĩ mình biết số. Cô rất giỏi nhớ số, nhưng kiểm tra lại cho chắc cũng đâu chết ai.
Toni ngồi trước máy tính và gõ BLACKBK.DOC để mở tài liệu chứa các địa chỉ cá nhân và số điện thoại. Cô luôn lập danh sách theo thứ tự tên của mọi người, chắc chắn ngược với mọi điều cô biết về lưu trữ dữ liệu, nhưng cô có lí do để làm ngược với người khác. Johnny, anh chàng thợ máy ở ga- ra thường sửa xe cho cô, nằm trong phần J. Cô biết xếp anh ta vào đâu khi không biết họ của anh ta chứ? Và người thợ sửa ống nước mà cô còn chẳng biết tên nằm ở mục P1. Có vẻ hơi hâm, và nếu để ai thấy danh sách của cô thì chắc người ấy cười cô thối mũi, nhưng cô lại thấy thế này là ổn, cứ để thế được rồi.
1 Thợ sửa ống nước trong tiếng Anh là Plumber, bắt đầu bằng chữ P.
Toni lướt tới mục M. Ở đó có bốn người. Đầu tiên là Quản lí chung cư2. Để người này ở mục M là tốt nhất vì quản lí thay đổi theo năm. Rồi tới Marc Rawls, nha sĩ cô có đi chơi cùng một hai bận. Giữ tên anh ta ở đó làm gì cho chật ổ cứng nhỉ? Toni xóa tên anh chàng và chuyển sang tên tiếp theo. Là Mike Kruger. Mike chắc chắn phải ở nguyên đó rồi. Và cuối cùng trong mục M là Muriel Watkins ở New York. Toni nhấc điện thoại và ấn số.
2 Nguyên văn Manager Apartment Building.
“Nhà xuất bản Devonshire xin nghe. Tôi là Muriel Watkins ạ.”
Toni quên mất phải nói gì mất một lúc, rồi cũng nhanh chóng định thần. “Muriel à, là Toni đây. Chúa ơi! Cậu nói kiểu cách quá.”
“Chào Toni. Không hẳn đâu. Mình chỉ ước họ cho mình một thư kí trực điện thoại thôi. Thế mà không được. Thời tiết chỗ cậu thế nào?”
“Hoàn hảo. Trời xanh, cỏ biếc, nhiệt độ dưới hai bảy độ C.”
“Nghe cứ như thiên đàng ấy nhỉ?”
“Ừ.” Toni thở dài. “Nhưng Muriel à, hầu như ngày nào ở đây cũng thế. Mình đang thèm một trận bão tuyết đây.”
“Đừng nói thế. Chúa xấu tính có lẽ đang lắng nghe đấy, và cả hai chúng ta đều biết ngài có khiếu hài hước kì cục mà. Nhớ lần chúng ta bị kẹt ở sân bay Minneapolis khi muốn về nhà sau buổi hội thảo chứ?”
“Mà không có giày đi tuyết ấy hả? Cậu nói đúng, Muriel. Mình thích Nam California cứ như thế này hơn. Vậy công việc mới thế nào? Cậu viết thư bảo được thăng chức.”
Muriel khịt mũi. “Đúng thế. Giờ mình là trưởng nhóm biên tập rồi. Vậy là mình phải làm việc gấp năm lần mà vẫn nhận lương như cũ. Nhưng mình không phàn nàn đâu, Toni. Công việc này kiếm được cho mình nhiều tiền hơn công việc đầu tiên của chúng ta nhiều. Công việc máy tính của cậu vẫn ổn chứ?”
“Ừ. Mình đã nhận thêm hai hợp đồng mới hồi tháng trước. Một công việc ngồi mát xơi bát vàng và một vụ nghiên cứu khác. Mình vui, Muriel. Và mình đang hẹn hò với một người.”
“Đàn ông hả?”
Toni cười. “Ừ, Muriel. Một anh chàng. Mình ngừng hẹn hò với dạng sống cấp thấp hơn rồi. Tên anh ấy là Mike Kruger và anh ấy là nhà văn.”
“Mike Kruger? Mình chưa nghe bao giờ. Anh ta viết gì?”
“Truyện hư cấu. Cậu chưa nghe tới tên Mike vì anh ấy chưa xuất bản cuốn sách nào. Anh ấy mới viết được năm mươi ba trang của cuốn sách đầu tay. Mình gọi điện cho cậu cũng là vì lí do này. Mình thấy anh ấy viết rất tuyệt, nhưng có vẻ mình hơi thiên kiến một chút. Mình muốn biết cậu sẽ nghĩ gì.”
“Gửi cho mình đi. Email cũng được, nhưng mình thích đọc trên giấy hơn. Mình sẽ đọc ngay khi có một tối rảnh rang, và hứa sẽ gọi lại ngay khi đọc xong. Nhưng nói trước này, Toni, nếu anh ấy viết không tốt, mình cũng nói đấy.”
“Mình cũng chỉ mong có thế. Không phải nương tay đâu. Cậu có nói gì cũng không thể thay đổi tình cảm của mình với anh ấy mà. Mình chấp nhận sự thật đau thương được.”
“Sự thật đau thương từ miệng mình hả?”
“Ờ thì” - Toni cười cười - “có lẽ cậu cũng nên khen một hai câu cho phải phép. Mình sẽ gửi bản thảo của anh ấy cho cậu ngay trong ngày hôm nay, Muriel. Và cảm ơn nhiều nhé.”
Sau thêm vài phút trò chuyện, Toni cúp máy và bật máy in. Cô chia nhỏ bản thảo của Mike, và chỉ mất vài phút là in xong cho Muriel. Sau đó, cô viết một lá thư ngắn cảm ơn Muriel thêm lần nữa, và nhét cả vào phong bì. Cô cần dán bao nhiêu tem nhỉ? Cô cần mua cân điện tử. Nếu cô biết kiện hàng này nặng bao nhiêu, cô có thể dán đủ tem rồi nhét luôn vào hòm thư.
Toni quay lại với máy tính và tải chương trình làm toán. Giờ nghĩ cô lại thấy tính cân cũng đơn giản. Hôm kia cô vừa ra ngoài mua hai cọc giấy in. Nhân viên giao hàng mang lên xe cho cô, và cô khâm phục nhìn anh ta khiêng hai cọc trên vai cứ nhẹ như không. Anh ta bảo cô rằng thật ra cũng không nặng lắm. Mỗi cọc nặng có sáu mươi pound thôi.
Mỗi cọc có mười hai ram1 giấy. Sáu mươi chia mười hai bằng năm. Mỗi ram nặng năm pound. Với phép tính này thì cô không cần đến chương trình toán. Có năm trăm tờ giấy trong một ram, vậy một trăm tờ nặng một pound. Và năm mươi ba trang chỉ bằng nửa pound hơn một chút. Mười sáu ounce bằng một pound, vậy một nửa của một pound là tám, suy ra xấp bản thảo của Mike nặng chừng tám ounce. Rồi cộng với thư của cô cùng phong bì, thêm hai tệp hồ sơ cô nhét thêm vào để bảo vệ bản thảo. Một ounce cần một tem, mười tem thì hơi quá. Nhưng mười tem cũng phải có trọng lượng của chúng chứ nhỉ? Cô có nên dán thêm tem cho đủ trọng lượng của mười con tem kia không? Tính toán mà đau cả đầu!
1 Ram: đơn vị tính số tờ giấy. 1 ram = 500 tờ.
Toni tắt máy tính. Cô chẳng dùng chương trình làm toán. Sau đó, cô dán phong bì, dán mười con tem, và đề địa chỉ nhà Muriel ra ngoài. Cô đang ra cửa thì nghĩ lại và dán thêm hai con tem nữa. Sao phải suy nghĩ về gái của hai cía tem nhỉ? Nếu cô gửi thư mà không đủ tem, bưu điện sẽ trả lại cô, và ai biết quá trình đó nhiêu khê thế nào. Cứ cẩn thận thì hơn.
Chỉ mất vài giây để cô ném thư vào hòm thư phía ngoài cửa trước. Thường sẽ có lịch gửi thư và Toni mỉm cười khi biết lần tiếp theo người của bưu điện đến lấy thư là chiều nay. Bây giờ đã là mười một giờ ba mươi và mọi chuyện thật hoàn hảo. Cô thả thư vào hòm và khi nghe thấy tiếng lá thư chám xuống đáy thùng có một suy nghĩ tồi tệ nảy ra trong đầu cô. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh chàng trong kho văn phòng phẩm không biết tập bản thảo nặng bao nhiêu? Cô xem tập bản thảo như lý tưởng và anh có thể mất cơ hội chỉ bởi mười hay hai mươi pound ấy.
Toni rên rỉ. Sao cô có thể bốc đồng như thế nhỉ? Cô chỉ phải lái xe đến bưu điện và làm mọi thứ đúng trình tự. Ít nhất vẫn có một cách để cô kiểm tra gói bưu kiện.
Một giờ sau, Toni quay về nhà. Bưu điện đúng là cơn ác mộng. Ai cũng có vẻ như đang gửi một lá thư đăng kí hay thư đảm bảo, và chẳng có ai điền trước các mẫu giấy tờ. Chỉ có hai cửa sổ mở và có ba nhân viên đang đứng sát đó mà theo Toni thấy thì họ chẳng làm gì và cố tình không nhận thấy dòng người xếp hàng rất dài và chậm không tưởng được.
Được rồi. Toni thở dài. Ít nhất thì cô cũng đạt được mục đích khi cuối cùng cũng chạm được đến cửa sổ. Cô đã sao tập bản thảo thành hai bản và nhân viên đã cân. Mười ounce. Vậy có nghĩa là lúc đầu cô đã tính đúng. Nếu thùng thư ở bên ngoài tòa nhà không thực sự trống, cô sẽ đợi người đưa thư đến và hỏi lấy lại hai cai tem dán thêm của cô.
***
Michael ấn số và đợi thông đường dây. Tối qua anh lại mộng du, nhưng ít ra không có thêm vụ án mạng nào đăng trên tờ báo sáng, và anh không nhớ lại gặp cơn ác mộng cũ. Đêm qua anh chỉ có mơ bản thảo của mình đang bay về phía Muriel Watkins ở New York.
Sao anh lại đồng ý để Toni gửi đi nhỉ? Tới New York, chứ không phải nơi nào khác? Cảnh sát đang truy nã anh. Stan bảo các tờ báo đã thôi đăng bài về Michael Hart, gã sát nhân loạn trí đã trốn khỏi bệnh viện tâm thần ở California. Tất nhiên anh đã thay đổi mọi tên tuổi trong bản thảo, nhưng vẫn có khả năng bạn Toni sẽ nghi ngờ câu chuyện của anh là tự truyện.
Michael buộc bản thân phải suy nghĩ tích cực. Cơ hội có ai đó đoán ra Mike Kruger là Michael Hart chỉ nhờ đọc bản thảo mong manh tới độ không đáng nhắc tới. Anh chẳng việc gì phải lo lắng. Nhưng anh thật ra cũng đã có đủ chuyện để lo rồi. Tối qua anh ngủ ở nhà Toni nhưng lại mộng du và trở về nhà mình vào sáng nay.
Anh lấp liếm cho chuyện biến mất hàng đêm bằng cách bảo Toni rằng anh thức dậy lúc tảng sáng để nghĩ ý tưởng cho phần mới trong sách của mình. Tất nhiên đó là một động cơ trong sáng, nhưng dạo này anh đã hết lời cáo lỗi rồi. Toni còn tin chuyện anh về nhà lấy bánh, làm việc, hay thay quần áo thêm bao lâu nữa đây đây? Cô sẽ nghĩ rằng anh không muốn qua đêm bên cạnh cô, mà điều đó hoàn toàn chẳng đúng chút nào.
Không ai nghe máy. Michael bực bội cúp điện thoại. Anh đã cố liên lạc với James Zimmer suốt ba ngày nay, và ông ta không hề ở nhà hay ở trường. Michael đã nhắn lại với thư kí, nhưng anh có thể nói gì đây? Cô làm ơn nhắn với giáo sư Zimmer hãy cẩn thận vì ông ấy có thể bị giết ư? Thư kí sẽ cho rằng anh bị điên và báo cảnh sát. Không, anh phải nói chuyện với đích thân giáo sư và thuyết phục rằng ông đang thực sự gặp nguy hiểm.
Michael cầm danh sách bồi thẩm đoàn và thở dài. Mười hai cái tên. Anh đã ghi nhớ tất cả. Hai tên được khoanh mực xanh. Theo như anh biết, họ được an toàn. Stan bảo rằng Gayle Hochsdorf và Chong Lee đã rời nước Mỹ, và họ sẽ ổn nếu không quay trở lại trước khi cảnh sát bắt được kẻ điên đang giết hại các thành viên khác của bồi thẩm đoàn năm nào. Anh đã tính báo cảnh sát nhưng như vậy họ sẽ làm tiếp tục tìm kiếm Michael Hart. Như anh biết, anh là mối liên kết duy nhất giữa các nạn nhân, và anh không dám nói với ai ngoại trừ chính các bồi thẩm.
Ba cái tên bị gạch bằng mực đen, Helen Sotherby, Oscar Cassinger và Sylvia Weintrob, họ chết vì tuổi cao sức yếu, hai người trong đó qua đời trước khi anh trốn khỏi Oakdale. Ít ra không ai trách anh vì cái chết của họ. Nhưng còn ba cái tên bị gạch bằng mực đỏ. Đó mới là điểm đáng sợ. Margo Jantzen bị giết tại nhà riêng ở Westwood. Neal Wallace chết vì tai nạn nhưng lại bị một tên điên cắt nát khi đã yên vị trong quan tài. Và Lester Robinson, bị đâm chết ngay tại nhà tang lễ của mình bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của Neal. Họ có thể đổ tội cho anh vì mấy cái chết đó không? Cá là họ có thể lắm!
Anh là bệnh nhân trốn khỏi viện Oakdale có tiền sử mắc bệnh tâm thần, nuôi mối hận với bồi thẩm đoàn và không có bằng chứng ngoại phạm. Đến cả Stan cũng sẽ từ chối biện hộ cho anh trong lần này mất. Anh trai anh đủ thông minh để biết vụ nào mình cầm chắc phần thua. Stan sẽ bỏ mặc người nhà nếu chuyện đó phá hỏng bảng tổng sắp thắng thua của anh ấy.
Chỉ còn bốn cái tên trong danh sách, và Jose Sanchez ở vị trí trên cùng. Michael đánh hai dấu tích cạnh tên anh ta. Dấu tích đầu tiên là anh đã biết Jose ở đâu. Dấu thứ hai là Michael đã cảnh báo anh ta rồi.
Hai cái tên tiếp theo không có dấu gì. Điều này khiến Michael lo. Anh cứ tưởng sẽ dễ tìm ra xơ Mary Clare thôi. Anh đã gọi tới giáo phận và hỏi địa chỉ, nhưng việc không đơn giản chỉ là tìm ra cô ta trong danh sách. Họ cần thêm thông tin. Cô thuộc dòng tu nào? Cô dạy học hay làm y tá? Cô có sống ẩn dật không? Michael không biết đáp án của bất kì câu hỏi nào. Người ở giáo phận đã bảo anh rằng chỉ tính riêng trong California đã có tới hơn bảy ngàn nữ tu. Gần ba ngàn người ở Los Angeles, và không có cách nào xác định liệu xơ Mary Clare có còn ở khu vực này không. Cô có thể đã được cử tới một vùng khác của Hoa Kỳ, thậm chí là ra nước ngoài làm nhiệm vụ truyền giáo.
Michael cảm ơn và cúp máy. Anh không nhớ rõ mặt vị bồi thẩm này. Trông cô chẳng khác bất cứ nữ tu nào anh từng gặp. Cô ăn mặc tuyền đen, đeo mạng che giấu đi mọi đường nét gương mặt. Cô luôn nhìn xuống và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt anh. Anh chẳng có một ấn tượng nào để nhớ về cô ấy.
Rosalie Dumont là người tiếp theo trong danh sách và Michael đã dành suốt hai buổi sáng để cố tìm ra cô ta. Anh gọi cho mọi người có tên Dumont trong danh bạ Los Angeles, nhưng không ai biết một người tên Rosalie. Anh định nhờ Toni tìm tên cô ta trong các ngân hàng dữ liệu, nhưng vậy là thiếu khôn ngoan. Anh đã nghĩ ra cái cớ hay để nhờ cô tìm Jose Sanchez, nhưng Toni sẽ nghi ngờ nếu anh nhờ cô tìm thêm những cái tên khác.
Người cuối cùng trong danh sách là James Zimmer. Anh đánh một dấu tích đằng sau tên ông. Michael biết vị giáo sư này ở đâu, nhưng không thể nào liên lạc để cảnh báo được. Ít ra anh biết giáo sư Zimmer làm việc ở đâu, và đó là một bước đi đúng hướng. Liệu anh có nên liều tới trường và đích thân cảnh báo ông ấy?
Đó là một bước đi đúng, nhưng Michael vẫn do dự. Anh khá chắc mình có thể hòa vào một trường đại học lớn nếu ăn mặc bình thường và kẹp vài cuốn sách dưới nách. Anh phải thử nếu muốn kịp cảnh báo vị giáo sư kia. Anh đã mất hai ngày để gọi điện thoại, và không có gì đảm bảo rằng anh có thể liên lạc với James Zimmer kịp thời.
Michael cầm điện thoại và lại gọi cho đại học. Khi anh liên lạc được với tổng đài điện thoại, anh đề nghị được nối máy tới văn phòng riêng. Anh sẽ tìm hiểu về lịch làm việc của giáo sư và gặp Zimmer khi ông nghỉ dạy.
“Văn phòng riêng đây ạ,” một giọng nói nhẹ nhàng vang lên trong điện thoại.
“Cô có thể cho tôi biết lịch làm việc của giáo sư James Zimmer không ạ?”
“Giáo sư James Zimmer à? Chắc là được thôi.”
Michael lắng nghe cô gái kia giải thích rằng mình chỉ là sinh viên giúp việc tạm thời, vậy nên cô ấy không chắc những thứ như vậy được cất ở đâu. Chắc cô phải mất vài phút mới tìm được tài liệu có lịch làm việc. Cô Beemer, thư kí trưởng, vừa ra ngoài ăn trưa, và sinh viên giúp việc thường làm ở đây vừa gọi tới báo ốm. Khoảng một tiếng nữa, khi cô Beemer về thì anh gọi lại được không?
Michael bảo không gọi lại được, nhưng anh sẵn lòng chờ đợi trong lúc cô ấy tìm thử xem sao. Anh nghe nhạc chờ một lát, nhưng âm thanh phát ra từ ống nghe nhỏ xíu làm anh không nhận ra được giai điệu. Rồi sau khoảng thời gian ngắn hơn Michael tưởng, cô gái kia đã nghe máy tiếp.
Cô nàng có vẻ hài lòng vì đã làm việc hiệu quả khi nói đã tìm thấy lịch làm việc. Giáo sư Zimmer có ba lớp trong kì này, ngoài ra ông còn tham gia một số cuộc hội thảo. Một lớp lúc mười giờ sáng thứ Ba và thứ Năm, lớp khác vào hai giờ chiều thứ Hai, Tư, Sáu. Lớp thứ ba là hội thảo học độc lập dành cho sinh viên năm cuối, được tổ chức vào tối thứ Năm từ bảy giờ tới mười giờ. Vì hôm nay là thứ sáu nên có lẽ giáo sư Zimmer vừa bắt đầu dạy lớp hai giờ. Nếu anh cần gặp giáo sư gấp, cô ấy sẵn lòng nhờ người gọi giáo sư nghe điện thoại. Thư kí trưởng đã bảo cho cô ấy biết cách rồi.
“Không, không cần gấp đâu. Cô cứ cho tôi biết giáo sư đang dạy lớp nào và tôi sẽ tự tìm ông ấy. Và xin cô cho tôi biết đường đi trong trường.”
Cô gái có vẻ nhẹ nhõm hẳn khi Michael chỉ muốn biết đường hướng. Cô gái bảo mình thường làm việc ở phòng bán vé, và vẫn hay chỉ đường cho những người tới trường dự hội thảo hoặc xem kịch. Michael ghi lại hướng dẫn rồi cảm ơn vì đã làm phiền cô ấy, sau đó chạy vội sang nhà Toni để mượn xe. Giờ là hai giờ, và cô gái kia bảo lớp của giáo sư Zimmer kéo dài một tiếng. Anh chỉ có vừa đủ thời gian để lái xe tới đại học Gateway và tìm gặp giáo sư khi ông rời lớp.