Mới đầu năm, hộp thư của Dina Kaplan đã đầy e-mail mời dự lễ cưới, sự kiện. Dina là một phụ nữ thành đạt trạc 30 tuổi đang điều hành một công ty truyền thông trực tuyến tại New York. Trong số thư cô nhận được có nhiều thư mời từ bạn thân, nhưng cũng không ít thư từ những người mà Kaplan mới quen biết hoặc gặp đôi lần tại các bữa tiệc.
Với bản tính hướng ngoại, nhiệt tình nên cô thường xoay xở để có thể đến dự ba đến bốn sự kiện mỗi đêm. Ở mỗi sự kiện, cô thường chỉ chào hỏi, tiếp xúc ngắn gọn với mọi người đôi câu, nhưng luôn tạo được cảm tình ở những người cô gặp mặt. Kaplan có khả năng khiến người khác phải dừng lại và chú ý đến cô. Điều thú vị nằm ở cách thức kết bạn rất linh hoạt của Kaplan: cô kết bạn với một nhiếp ảnh gia, trò chuyện với một nhà sản xuất, hay lập kế hoạch giới thiệu mình và hẹn gặp một giám đốc nhân sự tại quán cà phê.
Khi chúng tôi hỏi Kaplan làm thế nào cô có thể kết bạn nhanh chóng với nhiều người đến thế, cô trả lời: “Tôi nghĩ chuyện này bình thường thôi mà”. Nhưng quả thật, có một điều gì đó rất đặc biệt ở Kaplan. Trong những sự kiện mà cô là nhân vật chính, cô luôn để lại ấn tượng sâu sắc và luôn tạo ra những khoảnh khắc thú vị cho moi người.
Trong quyển sách này, chúng ta đã tìm hiểu năm chất xúc tác có thể thúc đẩy hiện tượng bắt sóng cảm xúc với một người nào đó. Tuy nhiên, một số người có khả năng nổi trội trong việc thiết lập sợi dây gắn kết tức thời với người đối diện, và Kaplan là một trong số đó.
Neal Hamil, trưởng bộ phận khu vực Bắc Mỹ của công ty Quản lý người mẫu Elite, có nhiều kinh nghiệm trong việc quan sát cách ứng xử và sức ảnh hưởng của các cô gái xinh đẹp tới những người xung quanh. Ông là người phát hiện ra siêu mẫu Naomi Campell và ông vẫn luôn tìm kiếm những tài năng mới.
Suốt Tuần lễ thời trang tại công viên Bryant, New York, các nhà tạo mẫu hàng đầu liên tục giới thiệu xu hướng thời trang mới. New York trở thành nơi thu hút phóng viên, những người trong giới thời trang và nhất là những người mẫu nghiệp dư với khát khao cháy bỏng một ngày kia được sải bước trình diễn trong Tuần lễ thời trang New York.
Nhưng điều đó đâu phải dễ. Bác bỏ quan niệm bất thành văn về giới người mẫu rằng thành công của họ hoàn toàn dựa vào vẻ ngoài, Hamil tiết lộ: “Sắc đẹp vẫn là sắc đẹp. Các người mẫu xuất hiện trong văn phòng chúng tôi dĩ nhiên đều có đôi chân dài và thân hình cân đối. Nhưng điều khiến một người mẫu thành công chính là tính cách của họ”.
Hamil nêu một ví dụ: “Vừa sáng nay thôi, tôi gặp một cô gái đến từ Brazil. Đây là lần đầu tiên cô ấy có mặt tại New York và chúng tôi cũng chưa từng gặp nhau trước đó. Tôi chỉ nhìn thấy cô ấy qua ảnh. Và giờ cô ấy xuất hiện ở đây, tươi cười và rạng rỡ”.
Hamil nhớ lại: “Cô ấy xuất hiện, chào hỏi từng người một trong văn phòng. Thế là họ tự động nhấc điện thoại lên gọi: ‘Lạy Chúa, anh phải gặp mặt cô gái tuyệt vời vừa mới đến từ Brazil! Anh phải gặp cô ấy ngay. Cô ấy thật thân thiện và vô cùng đáng yêu!”.
Giới người mẫu rất khác với giới truyền thông của Dina Kaplan, song với việc tạo ấn tượng ngay trong lần gặp gỡ ban đầu thì đều như nhau, hay nói cách khác, những yếu tố giúp tạo nên hiện tượng bắt sóng cảm xúc là không thay đổi. Hamil nói: “Cô ấy có khả năng khiến mọi người chú ý đến mình. Là một người mẫu, bạn cần phải thân thiện khi tiếp xúc với những người lạ”.
Khoảnh khắc Hamil nhìn thấy một người mẫu có khả năng bắt sóng cảm xúc và hòa hợp với mọi người khi mới gặp mặt lần đầu, ông đã tạm gác lại những tiêu chuẩn tuyển chọn của mình. Ông nói: “Thật kỳ diệu! Cô gái đang nắm giữ một cơ hội lớn để có được công việc mong muốn”.
Điều gì khiến một số người có thể dễ dàng gắn kết với mọi người đến vậy? Chúng ta cùng tìm lời đáp qua cuộc tranh luận về tâm lý học diễn ra trong giới học thuật trong hơn một thế kỷ qua.
Trọng tâm của cuộc bàn cãi nằm ở nghi vấn liệu tính cách có thật sự tồn tại hay không. Các nhà lý luận cho rằng tính cách tạo nên hành vi. Một người có tính quyết đoán sẽ có những quyết định nhanh chóng trong mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và cả những người mới quen. Trong khi đó, những nhà tâm lý học lại khăng khăng bảo rằng tính cách không thật sự tồn tại - hành động chỉ là các hành vi được trui rèn mà nên. Họ dẫn chứng là việc chúng ta hấp tấp thưởng thức chiếc bánh sôcôla không có nghĩa là ta sẽ có những quyết định bốc đồng trong một ngữ cảnh khác, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân.
Như vậy, hành động của chúng ta thể hiện tính cách hay đó là kết quả của một chuỗi các phản ứng hành vi được trui rèn? Cuộc tranh luận đặt ra một câu hỏi cơ bản: liệu có một động lực nào đó thúc đẩy chúng ta và tạo nên hành động, hay chúng ta được sinh ra với cơ thể rỗng rồi sau đó được lấp đầy bởi các phản ứng có điều kiện?
Trong nhiều cuộc thí nghiệm, các nhà tâm lý ước định xu hướng tính cách của một đối tượng như sự phóng khoáng, lạc quan, hướng nội, sáng tạo, bốc đồng… Sau đó, họ quan sát hành vi của những người này trong cuộc sống thực. Nếu khía cạnh tính cách của cuộc tranh luận là đúng, các đối tượng sẽ luôn hành động theo bản năng bẩm sinh. Những người được cho là phóng khoáng sẽ có xu hướng hành động một cách phóng khoáng, và những người lạc quan sẽ thấy “ly nước đầy một nửa”. Tương tự, nếu khía cạnh phản ứng hành vi là đúng sẽ có sự tương quan giữa điểm số trong bài trắc nghiệm tính cách và phản ứng thật của đối tượng thí nghiệm.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc thí nghiệm khiến cả hai phe đều phải đau đầu. Tính cách dẫn dắt hành vi, nhưng chỉ trong một vài thời điểm. Những người được ước định có tính bốc đồng thì trên thực tế cũng hành động quyết đoán. Nhưng trong một số trường hợp, họ lại hành động rất thận trọng. Trái lại, những người được cho là kiên nhẫn đôi lúc lại hành động một cách quyết đoán, tức thời. Dường như tính cách cũng đóng vai trò trong việc dẫn dắt hành vi, nhưng chỉ trong một phạm vi và chừng mực nào đó. Tương tự, hoàn cảnh xã hội có tác động, nhưng không dẫn dắt hành vi.
Như vậy, cuộc tranh cãi vẫn chưa kết thúc.
Mark Snyder, khi ấy sắp lấy bằng tiến sĩ tâm lý ở Đại học Stanford, đã phát hiện ra cuộc tranh luận đã bỏ quên một nút thắt quan trọng, đó là tính cách của một số người dường như linh hoạt và dễ thay đổi hơn những người khác. Hãy cùng phân tích hai phụ nữ có cùng điểm số trong bài kiểm tra về tính lạc quan. Cả hai đều tin vào tương lai tươi sáng phía trước. Tuy nhiên, một người áp dụng quan điểm đó cho mọi tình huống trong cuộc sống: lạc quan với công việc, lạc quan với bạn bè và lạc quan khi quyết định đầu tư chứng khoán; còn người kia – người có tính cách linh hoạt hơn - thể hiện thái độ lạc quan tùy theo tình huống mà cô có mặt. Chẳng hạn nếu công ty cô đang giảm biên chế, tính lạc quan tự nhiên của cô sẽ nhường chỗ cho cảm giác lo lắng và căng thẳng – trùng khớp với cảm giác của những nhân viên cùng làm việc.
Snyder lập luận: “Một số cá nhân nhận ra rằng đôi khi cách biểu cảm của họ không phù hợp với hoàn cảnh, vậy là họ chủ động điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình”. Nói cách khác, một số người có thiên hướng nhận ra tình huống xã hội và điều chỉnh cách cư xử với người khác. Khả năng chuyên biệt này đã giải thích vì sao Dina Kaplan có thể kết thân với nhiều người. Snyder gọi những người như Kaplan và cô người mẫu người Brazil là những người có khả năng tự điều chỉnh cao.
Hầu hết chúng ta đều đối mặt với những tình huống cần đến khả năng tự điều chỉnh. Hãy hình dung buổi tối trong một nhà hàng lãng mạn. Dưới ánh nến lung linh, các đôi tình nhân đang thì thầm những lời yêu thương. Một người có khả năng tự điều chỉnh thấp sẽ khó hạ giọng như mọi người. Anh ta vẫn cứ oang oang như đang ở trong văn phòng làm việc mà không nhận ra mình đang cao giọng hơn những người còn lại trong nhà hàng. Trái lại, một người có khả năng tự điều chỉnh cao không chỉ giảm âm lượng giọng nói, mà còn thể hiện sắc thái cảm xúc phù hợp khung cảnh lúc đó.
Những người có khả năng tự điều chỉnh cao không chỉ đơn giản phản chiếu hành động của chúng ta, mà họ còn góp phần thúc đẩy chúng. Mặc dù họ luôn điều chỉnh hành vi để phù hợp với hoàn cảnh, nhưng họ không đánh lừa mọi người – đó không phải là sự lừa dối. Họ vẫn biểu lộ cảm xúc chân thành như bao người khác. Họ không đánh mất giá trị hay tính thành thật của mình, mà chỉ đơn giản nhận ra đâu là hành vi phù hợp với hoàn cảnh này, môi trường này, và điều gì khiến mọi người xung quanh cảm thấy thoải mái. Dina Kaplan chia sẻ: “Trong công việc, tôi cố gắng linh hoạt và không đặt ai vào thế phải chọn lựa. Tôi trò chuyện với mọi người như bạn bè vậy”.
Nguyên do khiến hầu hết chúng ta có xu hướng bắt sóng cảm xúc với những người có khả năng tự điều chỉnh cao chính là vì họ tạo cơ hội cho chúng ta được là chính mình. Kaplan chia sẻ: “Tất cả diễn ra rất tự nhiên, không phải sự sắp đặt hay luyện tập”.
Mark Snyder đã lập thang đo mức độ tự điều chỉnh của mỗi người. Những người có khả năng tự điều chỉnh thấp có xu hướng đồng tình với những câu mang tính khẳng định, chẳng hạn như “Tôi thấy khó bắt chước hành vi của người khác”, hay “Tôi khó thay đổi cách xử sự quen thuộc để phù hợp với những tình huống và kiểu người khác nhau”. Ngược lại, những người có khả năng tự điều chỉnh cao sẽ đồng ý rằng “Tôi dễ dàng bắt chuyện với mọi người, ngay cả khi đề tài không thuộc sở trường của mình”.
Khi Snyder nghiên cứu những người có khả năng tự điều chỉnh cao, ông phát hiện ra rằng họ có nhiều tố chất thú vị. Thứ nhất, họ có khả năng điều chỉnh sắc thái cảm xúc nên dễ dàng thể hiện phản ứng phù hợp với đối tượng mà họ tiếp xúc. Thứ hai, họ rất nhanh nhạy trong việc nhận ra đâu là hành vi phù hợp trong mỗi hoàn cảnh nhất định. Cuối cùng, họ có khả năng tác động và thay đổi quan điểm của người khác.
Cách đây không lâu, chúng tôi đi du lịch trên chuyến bay của hãng Delta Airlines từ San Francisco đến Atlanta. Một nữ tiếp viên tên Maia Andrade hỏi Rom chọn loại thức uống nào, rồi hỏi thêm: “Anh từ đâu đến?”.
Khi Rom đáp: “Israel”, Andrade tiếp lời ngay: “Ma nishma?1” và mang đến cho Rom một ly nước ép táo và nam việt quất mà Rom vừa gọi. Ori đang chăm chú đọc vài tài liệu trên laptop nên không để ý đến cuộc trò chuyện. Đột nhiên, anh nhìn lên và trông thấy Rom có một ly đầy (thay vì chỉ một nửa như thông lệ trên máy bay). Ori hỏi Rom bằng tiếng Do Thái: “Sao vậy, cô ấy mang cho em cả chai nước à?”. Không bỏ lỡ cơ hội, Andrade giơ hai tay lên cao bắt chước một cử chỉ thường thấy của người Israel và nói: “Lamah lo? Lamah lo?2”.
1 Tiếng Do Thái: Anh khỏe không?
2 Tiếng Do Thái: Tại sao không?
Andrade không phải là người suồng sã gặp ai cũng “tay bắt, mặt mừng”. Cô chỉ tạo ra cảm giác thân thuộc cho mọi người. Ở hàng ghế khác, có một người mẹ trẻ đang bế đứa con đang khóc ngằn ngặn. Andrade nhẹ nhàng ghé sát đứa bé thì thầm với giọng dịu dàng. Đứa bé nín khóc ngay. Sau đó, Andrade tỏ ra chia sẻ vài câu đồng cảm với người mẹ trẻ vì phải đi xa một mình với đứa con nhỏ. Rồi những hành khách khác cũng được thăm hỏi. Có thể nói cô tiếp viên quan tâm từng vị khách trên chuyến bay.
Một tuần sau, chúng tôi tình cờ gặp lại Andrade trên chuyến bay trở về. Chúng tôi tươi cười chào cô, dù không chắc cô có còn nhớ chúng tôi. Nhưng cô mỉm cười đáp lại bằng tiếng Do Thái: “Một ly nước ép thật đầy nhé?”.
Chuyến bay vắng khách, vì thế chúng tôi có cơ hội trò chuyện lâu hơn với Andrade. Cô sinh ra ở Argentina và là con thứ năm trong gia đình có tám anh chị em. Cô chia sẻ: “Tôi có nhiều anh chị em đến nỗi ngày nào tôi cũng được nói chuyện điện thoại với một người nào đó trong gia đình mình. Ít nhất mỗi ngày một lần”.
Chúng tôi đều cho rằng Andrade học tiếng Do Thái ở trường hoặc từ một người bà con, nhưng thật bất ngờ khi biết cô chỉ học lỏm trong một chuyến đi ngẫu hứng kéo dài hai tuần đến Israel cùng một người bạn từ 20 năm trước. Cô thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và cô có thể nói một số câu thông dụng bằng tiếng Đức, Nhật, Do Thái và Ả Rập. Cô bảo: “Tôi có thể hỏi ‘Anh khỏe không?’ bằng tiếng Anh, nhưng nếu tôi sử dụng ngôn ngữ của các anh, tôi biết các anh sẽ vui hơn”.
Andrade có khả năng tạo ra sự đồng điệu với những người cô gặp và biết điều gì giúp họ thấy thoải mái. Ai từng tiếp xúc cũng đều yêu mến cô. Andrade chia sẻ: “Gặp gỡ và tiếp xúc với mọi người mang đến cho tôi nhiều điều thú vị”.
Ngay cả những lúc rảnh rỗi, Andrade cũng tìm ra nhiều cách thức sáng tạo để gặp gỡ và kết nối với mọi người. Cô kể: “Tôi biến nhà để xe thành điểm trao đổi đồ cũ – tôi tiếp nhận những đồ vật mọi người bỏ đi rồi tìm chủ mới cho chúng. Như vậy, tôi không chỉ làm giảm lượng vật dụng phế thải, mà còn có thể tiếp xúc với mọi người. Mọi người thường hỏi tôi về giá cả. ‘Giá cả thế nào? Cô nói đi, tôi sẽ gửi tiền cho cô’. Tôi thích những sự hồn nhiên và ngẫu hứng”. Cách tiếp cận của Andrade khiến cô trở nên đặc biệt.
Maia Andrade có biệt tài khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi đang bay, còn Dania Kaplan thích gặp gỡ khách hàng và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những tính cách này sẽ thay đổi như thế nào nếu được đặt trong môi trường làm việc nghiêm túc của các tập đoàn lớn?
Để tìm câu trả lời, hai giáo sư Martin Kilduff ở Đại học Cambridge và David Day ở Đại học Pennsylvania đã khảo sát các sinh viên sắp tốt nghiệp MBA khi họ tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc tại trường. Mỗi sinh viên trung bình đăng ký 16 cuộc phỏng vấn và chọn ba trong số những lời mời phỏng vấn. Đây là những cá nhân yêu thích công việc thuộc lĩnh vực ngân hàng, tư vấn và quản lý – những công việc đòi hỏi sự năng động, linh hoạt tại các công ty và doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu yêu cầu mỗi sinh viên hoàn thành bảng câu hỏi về khả năng tự điều chỉnh, sau đó tiếp tục theo dõi hoạt động của họ sau khi tốt nghiệp và đi làm.
Trái ngược với quan niệm cho rằng những người có khả năng tự điều chỉnh cao sẽ dễ thích nghi, Kilduff và Day nhận thấy những sinh viên được cho là có khả năng này lại có xu hướng nhảy việc. Nếu họ dễ làm quen và kết nối, vậy tại sao họ lại liên tục bỏ việc?
Hóa ra không phải họ gặp khó khăn trong công việc, mà nhờ dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh và môi trường nên họ sẵn sàng thay đổi nơi làm việc. Kết quả cho thấy họ có khả năng phát triển sự nghiệp nhanh hơn những sinh viên còn lại. Kilduff và Day lý giải: “Khả năng điều chỉnh hành vi để thích nghi với hoàn cảnh và sẵn sàng nắm bắt cơ hội đã giúp họ luôn vượt trội hơn người khác”. Những ai có khả năng này nhưng vẫn làm việc tại một công ty trong nhiều năm vẫn có cơ hội thăng chức hơn các bạn học còn lại. Rõ ràng người có khả năng tự điều chỉnh cao có một điều gì đó khác biệt - là yếu tố giúp họ thành công trong sự nghiệp.
Bạn còn nhớ cô người mẫu Brazil đã lấy cảm tình của mọi người ngay trong lần đầu đến Elite? Cách tiếp cận thân thiện và thú vị của cô đã khiến vị đại diện công ty dù bận rộn đến mấy vẫn phải dành thời gian để tiếp cô.
Đây chính là yếu tố mà nhóm nghiên cứu của Martin Kilduff phát hiện ra ở những người có khả năng tự điều chỉnh cao. Do linh hoạt và dễ thích nghi nên họ luôn trở thành tâm điểm trong bất kỳ môi trường xã hội nào mà họ có dịp tham gia. Và họ có khả năng gây thiện cảm một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, ở đây lại xuất hiện một câu hỏi khác: liệu những người có khả năng tự điều chỉnh cao có cố tình tạo ra một lớp vỏ bọc bên ngoài để gây thiện cảm với người khác không?
Hai nhà tâm lý học Clara Michelle Cheng và Tanya Chartrand ở Đại học Ohio quyết định nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Họ mời một nhóm sinh viên lớp nhập môn tâm lý học tham gia vào một cuộc khảo sát để tìm hiểu phản ứng của mỗi cá nhân trước những bức ảnh khác nhau. Sau khi mỗi sinh viên vào phòng sẽ có thêm một người nữa bước vào. Các nhà nghiên cứu sẽ thông báo với 1/3 số sinh viên rằng người tham gia với họ là học sinh trung học; với 1/3 khác là nghiên cứu sinh; và 1/3 còn lại là bạn cùng khóa. Thật ra, đó là một thành viên nhóm nghiên cứu và cô gái này sẽ thực hiện theo một kịch bản có sẵn: lặp lại liên tục một số từ trong mỗi tình huống diễn ra. Kịch bản đặt ra cho cô những câu cần nói và những việc cần làm.
Ví dụ khi cả hai – đối tượng khảo sát và thành viên nhóm nghiên cứu – cùng nhìn và nhận xét các bức ảnh trên tạp chí, cô gái sẽ bắt chéo chân và khẽ lắc bàn chân – một phản ứng thể hiện sự căng thẳng thường thấy khi chúng ta bắt gặp một tình huống lạ. Cheng và Chartrand muốn biết liệu các sinh viên tham gia khảo sát có bắt chước hành vi đó không.
Kết quả cho thấy hầu hết sinh viên đều không lưu tâm và không thay đổi hành vi trước cử chỉ của người khác. Trung bình, thời gian lắc chân của họ chỉ chiếm 1-2% thời gian khảo sát, dù họ biết rằng đối phương là bạn học cùng khối, anh chị sinh viên đã ra trường hay là một học sinh trung học.
Trái lại, phản ứng của những người có khả năng tự điều chỉnh cao không rõ ràng và đơn giản như vậy. Khi họ biết người cùng tham gia khảo sát là học sinh trung học hay nghiên cứu sinh, tỷ lệ thời gian lắc chân của họ tương đương mọi người. Nhưng nếu họ biết đó là bạn cùng khóa, tỷ lệ này cao hơn gấp mười lần.
Cheng và Chartrand giải thích: “Cơ hội gặp lại người bạn cùng khóa là rất cao, trong khi với em học sinh trung học hay chị nghiên cứu sinh, cơ hội này dường như rất hiếm”. Họ bắt chước hành vi mà không nhận biết điều đó. Nhưng xét trên khía cạnh trực giác, họ đã vô thức chú ý đến tín hiệu tương tác nhằm mục tiêu thiết lập mối quan hệ. Nói cách khác, họ vô thức mô phỏng hành vi của những người bạn đồng trang lứa.
Như vậy, hành động và hành vi của những người có khả năng tự điều chỉnh cao không phải do cố ý, mà do bản năng nhận biết hoàn cảnh môi trường để tạo ra các mối gắn kết xã hội. Nhưng hành động và cử chỉ của họ không nằm trong một kịch bản định sẵn. Họ bị hút vào những mối gắn kết xã hội và có xu hướng nỗ lực để tạo ra mối gắn kết đó. Việc thiết lập sợi dây gắn kết với mọi người, theo Dina Kaplan, khiến cho cuộc sống thêm tươi vui và ý nghĩa.
Có lẽ còn một điều chúng ta có thể học hỏi từ Maia Andrade và Dina Kaplan. Con người có thiên hướng bị hút vào những người có cùng tâm trạng với mình. Có lẽ việc phản chiếu trạng thái cảm xúc của người khác trong những tình huống nhất định giúp ta dễ dàng kết nối với họ hơn. Không chỉ vậy, Andrade và Kaplan biết rằng có một điều kỳ diệu xảy ra ngay phút giây hình thành mối gắn kết tức thời. Đó là mối gắn kết – kết quả của sự hòa hợp tức thời – không chỉ tạo ra mối quan hệ bền chặt mà còn mang lại giá trị cảm xúc tuyệt vời cho chính chúng ta.