Kelly Hildebrandt, 20 tuổi, sống ở Florida, ngồi trước màn hình máy tính, say sưa với một thú vui: tìm kiếm trên mạng những người trùng tên với mình. Cô nhớ lại: “Khi đó đã gần nửa đêm, và tôi tự hỏi liệu có ai mang tên Kelly giống mình không”. Kelly đăng nhập và tìm kiếm trên Facebook.
Kết quả tìm kiếm cho ra tên một chàng trai có nụ cười rạng rỡ đang sống tại Lubbock, Texas. Kelly Hildebrandt đã tìm thấy Kelly Hildebrandt.
Kelly nói với chúng tôi: “Anh ấy trông khá dễ thương”. Vì vậy, cô gửi ngay một tin nhắn cho anh và nói rằng cô cũng tên là Kelly và muốn chào làm quen.
Kelly đăng nhập Facebook liên tục trong suốt những ngày tiếp theo. “Tôi tò mò không biết anh ấy có phản hồi không. Liệu đó là một anh chàng tốt bụng hay một kẻ chơi bời? Ba bốn ngày sau, anh ấy phản hồi tin nhắn và tỏ ra rất thân thiện”.
“Tôi đã thử làm điều này một năm rưỡi trước đây và không tìm thấy ai cả. Nhưng giờ đây, Kelly đã tìm thấy tôi”, Kelly (nam) kể lại.
Hai người bắt đầu hẹn hò qua mạng. Các tin nhắn trên Facebook dần chuyển thành những cuộc điện thoại. Chẳng bao lâu, Kelly (nữ) nhận ra tình cảm cô dành cho người bạn tình cờ này đã vượt khỏi tình bạn.
Anh chàng Kelly ở Lubbock khá bối rối và không biết giải thích với bạn bè thế nào về việc anh phải lòng một cô gái cùng tên. Một số cho rằng việc này thật lạ lùng. Số khác nhận định sự trùng hợp này ngẫu nhiên đến khó tin.
Hai tháng sau, họ quyết định gặp mặt. Ngay lập tức, cả hai đã thấy quý mến nhau.
Kelly (nữ) thổ lộ: “Chúng tôi đều là những người xem trọng gia đình, yêu thích thiên nhiên, năng động, thích nấu ăn và không thích phim kinh dị”.
Chuyện tình kết thúc có hậu và trở thành tin nóng sốt. Hãng NBS dựng phim “Câu chuyện về hai người tên Kelly”, còn tờ Daily Telegraph của Anh chạy dòng tít “Kelly Hildebrandt kết hôn cùng Kelly Hildebrandt”.
Câu chuyện tuy khó tin nhưng có thật này đã minh chứng cho sức mạnh của chất xúc tác thứ tư: sự tương đồng.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy làm quen với giáo sư Donn Byrne. Ông đã trưởng thành vào thời gian trước khi máy tính, mạng Internet và trang xã hội Facebook ra đời. Cha ông là một lái buôn vải sợi đi khắp đó đây nên gia đình ông phải chuyển chỗ ở liên tục. “Khi tôi lên lớp chín thì tôi cũng đã chuyển trường đến lần thứ chín”, ông nhớ lại.
Và mỗi lần chuyển đến một thành phố khác, Donn lại phải làm quen với những người bạn mới. Cứ như vậy, ông nhận ra mình ở trong tình huống “không biết rõ ai và cũng không ai biết rõ mình”. Tuy không quan tâm nhiều đến việc này, nhưng ông luôn tự hỏi: “Khi ở giữa những người xa lạ, làm sao người ta biết mình thích ai và không thích ai?”. Câu hỏi đó cứ theo ông mãi đến ngày tốt nghiệp. Ông cũng thắc mắc về vai trò của những nét tương đồng giữa hai con người trong một mối quan hệ bền vững.
Quay lại câu chuyện của hai Kelly. Nếu họ tình cờ gặp gỡ thì liệu họ có trở thành một đôi không? Việc trùng tên hoặc cùng sở thích có giúp họ xích lại gần nhau không? Byrne quyết định bắt tay vào nghiên cứu.
Trước đây, các nhà tâm lý thường dựa trên các tình huống giả định khi nghiên cứu về mối liên hệ giữa điểm tương đồng, nhưng Byrne muốn tìm hiểu dựa trên những tình huống thực tế. Byrne bắt đầu phỏng vấn một nhóm sinh viên cao học để tìm hiểu sở thích của họ. Họ chia sẻ quan điểm về các vấn đề như tôn giáo, quan hệ trước hôn nhân, sở thích âm nhạc, phim ảnh và sách báo.
Thông tin Byrne thu thập được rất đáng giá vì chúng phản ánh chân thực mối quan tâm của các học viên. Byrne cẩn thận phân tích các câu trả lời, sàng lọc dữ liệu để tạo ra bản khảo sát gồm 26 câu hỏi - một nửa trong số này ghi nhận quan điểm của các sinh viên về cuộc sống, nửa còn lại ghi nhận những sở thích và thị hiếu của họ.
Tiếp theo, ông cho một nhóm sinh viên khác xem bản khảo sát, đồng thời yêu cầu họ trả lời đồng ý hoặc không ở mỗi câu. Chẳng hạn, một sinh viên sẽ phải trả lời đồng ý (hoặc không) một câu khẳng định như “Tôi tin vào Chúa” hay “Tôi không thích xem những bộ phim cao bồi”. Phản hồi của họ giúp Byrne khái quát tính cách của mỗi người – niềm tin tín ngưỡng, những điều họ thích và không thích.
Vài ngày sau, ông đưa cho nhóm sinh viên này xem các câu trả lời của chính bản khảo sát trên từ nhóm khác. Tuy nhiên, các học viên không hề biết là những câu trả lời này đều không có thật. Chính Byrne đã tự thực hiện bản khảo sát, mô phỏng theo phản hồi của nhóm sinh viên trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Byrne giải thích: “Tôi tự điền ngay tại bàn ăn bằng nhiều loại viết mực, viết chì nhiều màu, đánh dấu chọn lựa bằng dấu X và hình vuông, nét chữ to nhỏ khác nhau, viết bằng tay phải lẫn tay trái”.
Các câu trả lời được Byrne chia thành bốn nhóm: nhóm A là các câu trả lời hoàn toàn khớp với niềm tin và quan điểm của nhóm sinh viên; nhóm B là những câu phủ nhận các câu trả lời trên; nhóm C đồng tình với các vấn đề quan trọng (tôn giáo, các giá trị đạo đức) nhưng phủ nhận các yếu tố cá nhân hóa (sở thích, thói quen, thị hiếu âm nhạc); và nhóm D đồng tình về thị hiếu, nhưng phủ nhận các vấn đề quan trọng.
Byrne yêu cầu nhóm sinh viên đánh giá mức độ tương hợp với người bạn đã tham gia bài khảo sát trên dựa vào các câu trả lời. Và kết quả không nằm ngoài dự đoán, các sinh viên nhận được các câu trả lời thuộc nhóm A tỏ ra có thiện cảm với người tham gia hơn những sinh viên nhận được các câu trả lời thuộc nhóm D.
Cuộc khảo sát đã tiết lộ hai khám phá quan trọng. Thứ nhất, các sinh viên nhận được bảng trả lời tán thành hoàn toàn (tất cả câu trả lời đều trùng khớp với ý kiến của họ) cho người bạn đã làm khảo sát 13/14 điểm, còn các sinh viên nhận được bảng câu trả lời đối lập chỉ cho 4,41/14 điểm.
Còn các sinh viên nhận được câu trả lời thuộc nhóm B và C thì sao? Phần lớn chúng ta sẽ cho rằng việc chung quan điểm về các vấn đề quan trọng sẽ tác động mạnh. Chẳng hạn, bạn sẽ cảm mến những ai có cùng tín ngưỡng và quan điểm chính trị, và sẽ dễ kết thân với họ hơn so với những người chỉ có cùng sở thích âm nhạc hay phim ảnh.
Tuy nhiên, dữ liệu phân tích đã chứng minh điều ngược lại. Dường như vấn đề không nằm ở việc các đối tượng có cùng quan điểm về lĩnh vực nào, mà là họ “giống nhau” đến đâu. Điều này nghĩa là không quan trọng họ tìm thấy điểm chung ở vấn đề nào, mà quan trọng là mức độ tương đồng của họ về một vấn đề nhất định.
Với đôi bạn mang tên Kelly, việc trùng tên đã giúp họ đến gần nhau hơn. Nhưng nếu họ có cùng ngày sinh hay chỉ đơn giản là thích đọc cùng một quyển sách thì hiệu ứng bắt sóng cảm xúc cũng sẽ xảy ra tương tự.
Sự tương đồng, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng dẫn đến sự hòa hợp. Khi tìm thấy điểm chung (không quan trọng thuộc lĩnh vực gì) giữa mình và một người mới quen, chúng ta có xu hướng nhìn nhận người đối diện theo cách mà các nhà tâm lý học gọi là sự đồng điệu. Một nhóm “đồng điệu” sẽ có nhiều điểm chung và những người “đồng điệu” có xu hướng gắn kết với nhau để chăm sóc, bảo vệ và quan tâm nhau.
Chúng ta cũng thường yêu mến những người “đồng điệu” với mình. Điều này dường như đã trở thành phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, liệu sự giống nhau giữa bạn và một người có khiến bạn cư xử với họ đặc biệt hơn không? Chẳng hạn, bạn có chấp nhận nhường chỗ đậu xe cho một người có nhiều điểm chung với mình không? Hay bạn sẽ tận tình giúp đỡ họ chứ?
Một nhóm nhà tâm lý học ở Đại học Santa Clara còn tìm hiểu tác động của sự tương đồng giữa hai người lên hành vi của mỗi cá nhân. Một nhóm phụ nữ được mời tham gia, nhưng họ không biết đó là cuộc nghiên cứu về mức độ tương đồng. Các nhà nghiên cứu đưa ra một yêu cầu có vẻ lạ lùng là mỗi người phải mang theo vài tờ một đô-la.
Các nhà nghiên cứu mời họ vào một căn phòng và yêu cầu họ lấy tất cả vật dụng trong túi và ví tiền để trên bàn. Mục tiêu của cuộc nghiên cứu, theo như họ biết, là nhằm xác định những tính năng khác nhau của các vật dụng cá nhân. Mỗi người có thời gian năm phút để liệt kê càng nhiều càng tốt tính năng mà họ có thể nghĩ ra cho các vật dụng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và cất mọi thứ trở lại túi, họ nhận được lời cảm ơn vì đã tham gia cuộc nghiên cứu.
Nhưng lúc này, cuộc nghiên cứu mới thật sự bắt đầu. Khi mỗi người rời khỏi phòng, một trong những nhà nghiên cứu sẽ tiếp cận họ và tự xưng là thành viên của Tổ chức Chống Xơ nang đang quyên tiền để giúp đỡ các bệnh nhân. Bạn hãy nhớ rằng những người tham gia đã được yêu cầu mang theo vài tờ một đô-la, và khi tìm trong túi hay ví tiền, họ sẽ nhớ mình có ít tiền lẻ.
Rất nhiều phụ nữ đồng tình – họ cho rằng đây là một việc làm tốt và có ích. Trung bình, mỗi phụ nữ góp một đô-la.
Cuộc nghiên cứu được lặp lại với một nhóm phụ nữ khác, nhưng có một sự khác biệt nhỏ. Lần này, “thành viên quyên góp từ thiện” sẽ tình cờ có tên giống với người phụ nữ mà họ tiếp cận. Nếu một phụ nữ tên Sally vừa rời phòng thí nghiệm, nhân viên của tổ chức này sẽ xuất hiện với bảng tên Sally trên áo. Và nhân viên Kate sẽ gặp người phụ nữ tên Kate.
Dường như việc cố ý sắp xếp hai đối tượng cùng tên đã giúp khoản tiền quyên góp tăng lên gấp đôi. Khi nhìn thấy bảng tên của nhân viên, những người phụ nữ nghĩ rằng đây hẳn sẽ là người đồng điệu với mình, và thế là họ hào phóng nâng mức quyên góp lên gấp đôi, Đôi bạn trùng tên Kelly trung bình mỗi người ủng hộ 2,07 đô-la.
Một khi chấp nhận một người là đồng điệu với mình, chúng ta bắt đầu nhìn họ với ánh mắt thiện cảm, cư xử tử tế, ân cần và hào phóng với họ hơn. Sự thay đổi trong cách xử sự còn kéo theo nhiều thay đổi tích cực trong hành động sau đó: chúng ta có xu hướng đối đãi ân tình với những người xem mình thuộc nhóm đồng điệu. Đổi lại, chúng ta cũng cảm thấy dễ dàng yêu mến những đối tượng này hơn.
Trên thực tế, điểm tương đồng thể hiện những phẩm chất đặc biệt trong mỗi chúng ta. Chính xu hướng nhìn nhận những người đồng điệu với quan điểm cởi mở và dễ chịu đã giúp đôi bạn cùng tên Kelly nhanh chóng cảm mến nhau.
Sự tương đồng không chỉ tạo ra sự gắn kết ban đầu mà còn có thể giúp các mối quan hệ bền vững về lâu về dài. Hai Kelly Hildebrandt gặp gỡ, tìm hiểu và kết hôn là ví dụ điển hình.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Avshalom Caspi của Đại học Wisconsin-Madison đã nghiên cứu mối quan hệ của 300 cặp đôi đã đính hôn trong độ tuổi 20 đến 30, lúc họ có nhiều điểm tương đồng. Nhưng liệu mức độ tương đồng có suy giảm theo thời gian?
Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên đường và tình cờ gặp lại người bạn thân hồi trung học. Hai người hỏi thăm về cuộc sống hiện tại và ôn lại những kỷ niệm xưa về thầy cô, bè bạn. Nhưng nếu bạn trò chuyện lâu hơn, nhiều khả năng bạn sẽ nhận ra cả hai có ít điểm chung hơn lúc trước. Có lẽ do góc nhìn cuộc sống và sở thích của cả hai đã khác xưa. Con người luôn thay đổi qua thời gian. Hiện tại, Kelly (nam) và Kelly (nữ) đều thích những hoạt động ngoài trời, thích nấu ăn và không thích kinh dị. Nhưng liệu 10, 15 hay 20 năm nữa, họ có còn chia sẻ những điểm chung này?
Khi phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu của Caspi phát hiện ra rằng qua thời gian, mặc dù các đôi tình nhân đều trưởng thành hơn, nhưng mức độ tương đồng giữa họ vẫn không thay đổi. Hai mươi năm sau, sự tương đồng giữa các cặp đôi trên (đã là vợ chồng), từ quan điểm chính trị đến sở thích âm nhạc hay nghệ thuật, đều giữ nguyên. Quan hệ giữa họ cũng không thay đổi nhiều. Vì sao vậy?
Bí mật nằm ở nguyên tắc đồng điệu. Các cặp vợ chồng có thể duy trì mức độ tương đồng thông qua những trải nghiệm họ cùng chia sẻ. Việc cùng sống dưới một mái nhà, cùng nuôi dạy con cái, cùng vượt qua những thăng trầm của cuộc đời đã giúp họ duy trì sự gắn kết như thuở ban đầu.
Mỗi chất xúc tác chúng ta vừa bàn luận đều có tác dụng rút ngắn khoảng cách vô hình giữa những người mới quen. Bản tính dễ xúc động cho phép người khác thấu hiểu và tiếp cận con người thật nhất của chúng ta. Sự gần gũi giúp chúng ta nhìn nhận mọi người xung quanh như những cá nhân độc lập hơn là những người hoàn toàn xa lạ, để từ đó nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương. Hiện tượng cộng hưởng cảm xúc làm tăng sự gắn kết giữa ta với những người xung quanh. Và chính những điểm tương đồng sẽ giúp thắt chặt mối gắn kết đó.
Một vấn đề vẫn chưa được đề cập đến là môi trường và hoàn cảnh sản sinh ra những chất xúc tác đó. Liệu chúng ta có xu hướng bắt sóng cảm xúc với một người hoặc hòa điệu cùng thế giới xung quanh khi đang ngồi trên bãi biển hoặc khi xếp hàng tại rạp chiếu phim không? Vì sao những tình huống đặc biệt như ngày hoặc tuần đi học đầu tiên lại tạo ra sự gắn kết tức thời?