Họ phân bố thời gian, sức lực và tiền bạc của mình theo những cách thức hiệu quả có lợi cho việc tích lũy của cải chính hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc tích lũy tài sản. Lý do rất đơn giản: Những người đã trở nên giàu có đều biết cách phân bố thời gian, sức lực và tiền bạc của mình theo những cách thức phù hợp với mục đích gia tăng giá trị tài sản ròng. Mặc dù cả PAW lẫn UAW đều đặt ra những mục tiêu tương tự nhau là trở nên giàu có, nhưng khi nói đến lượng thời gian mà họ thực sự dành để theo đuổi mục tiêu này thì hành động của hai nhóm lại hoàn toàn khác nhau.
So với một UAW thì mỗi tháng, lượng thời gian một PAW dành cho việc lên kế hoạch đầu tư tài chính nhiều gấp đôi.
Có một mối tương quan mật thiết giữa việc lập kế hoạch đầu tư và việc tích lũy tài sản. Các UAW thường bỏ ra ít thời gian hơn các PAW trong việc tham vấn các chuyên viên đầu tư, tìm kiếm nguồn kế toán chất luợng cao, luật sư và các cố vấn tài chính, cũng như tham gia các hội thảo về hoạch định đầu tư. Ngược lại, các PAW lại tốn ít thời gian hơn để ngồi băn khoăn về tình hình kinh tế của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy các vấn đề mà UAW thường lo nghĩ nhiều hơn các PAW là:
• không đủ giàu để nghỉ hưu một cách an nhàn, thoải mái;
• không bao giờ tích lũy được một khối tài sản đáng kể.
Những mối lo nghĩ này đúng là rất thiết thực, song vấn đề là thời lượng các UAW đổ vào đề tài này thường chỉ là buồn phiền, than thở và chán nản. Họ ít khi chịu đứng dậy làm điều gì đó cụ thể, tích cực nhằm thay đổi thói quen tiêu xài quá nhiều và đầu tư quá ít.
GIỚI TRÍ THỨC THƯỜNG LÀ PAW HAY UAW?
Trí thức thường là những chuyên gia tài năng và có tay nghề cao, và thu nhập trung bình hàng năm của một người, bác sĩ chẳng hạn, là hơn 300.000 đô-la. Thế nhưng, mặc dù thu nhập cao nhưng đa số họ lại có khối lượng tài sản tích lũy tương đối thấp. Nguyên nhân là do họ chi tiêu rất nhiều, song đầu tư không bao nhiêu. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng giới y khoa nói chung không có thói quen tích lũy tài sản. Trên thực tế, trong tất cả những nghề nghiệp thu nhập cao thì khuynh hướng tiết kiệm tài sản của các bác sĩ là rất thấp. Và tỷ lệ PAW : UAW trong nghề bác sĩ là 1 : 2, tức là cứ một bác sĩ là PAW thì lại có đến hai bác sĩ là UAW.
Vậy, vấn đề nằm ở đâu?
Phần lớn nằm ở lối mòn trong quan niệm xã hội.
Nhiều người nói với chúng tôi rằng bạn có thể “trông mặt mà bắt hình dong”, tức là người ta trông chờ những bác sĩ, luật sư, chuyên viên kế toán... bằng cấp cao sẽ phải thể hiện một lối sống tương xứng với năng lực chuyên môn của mình. Bạn đánh giá những chuyên gia mà mình thường tiếp xúc như thế nào? Quá nhiều người hay đánh giá họ qua những yếu tố bên ngoài. Họ sẽ được “điểm cộng” nếu mặc quần áo đắt tiền, lái xe hơi xa xỉ và sống trong khu dân cư cao cấp. Người ta mặc định rằng một người sống trong căn nhà giản dị và đi một chiếc xe bình dân đã ba năm tuổi thì rất có khả năng chuyên môn của anh ta chỉ thuộc loại xoàng, thậm chí là kém cỏi, bất tài. Rất, rất hiếm ai đánh giá năng lực của những người họ chọn hợp tác bằng những tiêu chí về giá trị tài sản ròng. Nhiều người đã nói với chúng tôi rằng họ buộc phải “tỏ ra thành đạt” theo cách đó để thuyết phục khách hàng của mình tin rằng đúng là họ thành đạt.
Tất nhiên, bao giờ cũng có ngoại lệ, nhưng có thể nói những người dành nhiều năm ở trường đại học có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với những người có trình độ học vấn thấp hơn. Đã thành quy luật, tổng chi tiêu trong gia đình trí thức luôn cao hơn mặt bằng chung.
Còn yếu tố nào giải thích cho việc có quá nhiều trí thức nằm trong danh sách UAW nữa? Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nhìn chung họ không ích kỷ. Tính trung bình, phần trăm thu nhập đóng góp cho những mục tiêu tốt đẹp của họ cao hơn so với những người kiếm được nhiều tiền khác. Họ cũng ít khi được hưởng thừa kế từ cha mẹ. Những anh chị em trong nhà có trình độ học vấn thấp hơn họ mới chính là người thường nhận được phần thừa kế lớn hơn. Trong một số trường hợp, cha mẹ còn yêu cầu họ “giúp đỡ các anh chị em kém may mắn hơn mình”.
Một chi tiết đáng lưu ý nữa là giới trí thức thường dành rất nhiều thời gian để làm việc, trung bình khoảng 8 đến 10 tiếng một ngày, do đó hầu hết thời gian, sức lực và trí tuệ của họ đều dành cho công việc. Do vậy, họ có xu hướng bỏ bê tình hình kinh tế của mình. Một số người thấy rằng làm việc vất vả sẽ đem lại thu nhập cao, và khi đó họ cũng chẳng cần phải lập ngân sách cho gia đình làm gì. Một số người còn hỏi vặn, tại sao họ phải lãng phí thời gian cho việc lập kế hoạch chi tiêu và đầu tư, trong khi họ kiếm được nhiều tiền. Nhiều UAW có thu nhập cao cũng đồng tình như vậy.
Tuy nhiên, các PAW thường cảm thấy ngược lại. Với họ, tiền bạc là một nguồn lực không nên hoang phí. Họ biết rằng lập kế hoạch, lên ngân sách và sống tiết kiệm là những việc cần làm để tích lũy của cải, dù thu nhập của họ rất cao. Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng họ vẫn phải giữ mức sống thấp hơn khả năng cho phép để có thể trở nên độc lập về tài chính khi đến tuổi nghỉ hưu. Họ hiểu rằng nếu không độc lập về tài chính, họ sẽ còn mất thêm nhiều thời gian lẫn sức lực để lo lắng về tương lai của mình.
PHƯƠNG PHÁP MUA XE HƠI
Lấy ví dụ về bác sĩ South - một UAW điển hình. Thời gian ông dành để chuẩn bị ngân sách cho gia đình rất ít, và thời gian để hoạch định tương lai tài chính cho bản thân còn ít hơn nữa. Nhưng ông lại có rất nhiều phương án khi đụng đến vấn đề mua sắm xe cộ.
Thời gian một người dành cho việc mua những thứ xa xỉ như xe hơi và quần áo tỉ lệ nghịch với thời gian họ dành cho việc hoạch định tương lai tài chính của mình.
Những UAW kiếm được nhiều tiền như bác sĩ South sử dụng một phần thu nhập đáng kể của mình để mua xe hơi và quần áo đắt tiền. Nhưng “chi phí ẩn” của chúng còn lớn hơn nhiều. Các khoản mua sắm kiểu này cần phải được lên kế hoạch rõ ràng. Phải có thời gian để mua sắm, rồi thời gian để chăm chút cho những thứ đồ xa xỉ ấy nữa. Thời gian, công sức và tiền bạc là những nguồn lực có hạn, ngay cả với người có thu nhập cao. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng thậm chí những người kiếm được nhiều tiền nhất cũng phải chấp nhận quy luật được-mất.
Ngược lại, bác sĩ North - một PAW điển hình - lại dành thời gian rảnh rỗi của mình cho những hoạt động mà ông ta hy vọng sẽ giúp tài sản của mình tăng lên, chẳng hạn như nghiên cứu và lên kế hoạch cho các chiến lược đầu tư tương lai, quản lý các thương vụ đầu tư hiện tại...
Các UAW như bác sĩ South làm việc cật lực để duy trì và nâng cao mức sống vốn đã cao của họ. Những UAW thu nhập cao, trong đó có bác sĩ South, thường xuyên lạm chi khoản thu nhập tới sáu con số của mình. Vậy nên để cân bằng giữa nhu cầu duy trì mức sống cao với thu nhập có hạn, nhiều người chọn cách... tích cực mặc cả khi mua sắm.
Phương pháp của ông South
Hầu hết các UAW như bác sĩ South đều là những chuyên gia trả giá; nhờ vậy, nhìn bề ngoài thì họ có vẻ là những người hết sức căn cơ, tằn tiện. Và bản thân những UAW cũng luôn dùng thói quen mặc cả này như một chiếc khiên bảo vệ họ trước sự chỉ trích về hành vi tiêu dùng quá mức của mình.
Như trường hợp cụ thể của bác sĩ South, ông trả hơn 65.0 đô-la cho một chiếc xe hơi thể thao nhập khẩu đời mới nhất và tin rằng đó là một giá hời bởi giá đó “sát với giá của nhà phân phối”. Nhưng cái giá mà ông phải trả cho vụ mua bán được gọi là hời này là bao nhiêu nếu xét về mặt thời gian và công sức? Hầu hết những người có thu nhập cao, bất kể là PAW hay UAW, đều làm việc hơn 40 tiếng một tuần. Do đó, quỹ thời gian còn lại của tuần sẽ được phân bổ theo những cách thức phù hợp với mục tiêu của từng người.
Các UAW thu nhập cao thường dành ra không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ để nghiên cứu các loại thị trường, trừ thị trường đầu tư tài chính hay tiết kiệm. Họ có thể cho bạn biết tên các nhà phân phối xe hơi nổi tiếng nhất, nhưng không phải tên những cố vấn đầu tư giỏi nhất. Họ có thể cho bạn biết đủ thứ mẹo vặt mua sắm và tiêu xài, nhưng họ không thể nói với bạn cách thức tiến hành đầu tư. Họ có thể kể vanh vách kiểu dáng, giá cả và tình trạng còn hàng hay hết của hàng chục hãng bán lẻ xe hơi khác nhau, thế nhưng họ lại biết rất ít hoặc chẳng biết gì về giá trị của các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Để ví dụ, chúng ta hãy so sánh những hoạt động mua sắm xe hơi gần đây của bác sĩ South và của một triệu phú điển hình. Tính trung bình, một triệu phú Mỹ điển hình áp dụng khoảng bốn đến năm kỹ thuật mặc cả đơn giản khi mua một chiếc xe. Còn bác sĩ South thì khác. Ông vận dụng tới ít nhất là chín mánh khóe và chiến lược mặc cả để thương lượng với các nhà phân phối.
Sau khi đã nắm trong tay đầy đủ mọi thông tin về các nhà phân phối, ông sẽ quyết định kiểu dáng và mẫu xe mà mình mua, cùng các phụ kiện đi kèm. Tiếp đó, ông dốc toàn lực sử dụng thông tin mình có để thương lượng giá cả. Quá trình lùng giá này tốn của ông đến hàng mấy tháng trời. Khi công đoạn này hoàn tất, ông tiến hành thương lượng nghiêm túc với một nhà phân phối, cùng lúc liên hệ tất cả những nhà phân phối khác (trong danh sách dài dằng dặc của mình) và yêu cầu họ chào giá. Ông sẵn sàng mua một chiếc Porsche từ một hãng chào giá thấp ở thành phố khác. Những hãng tự nhận mình là định hướng theo giá thấp sẽ lọt vào danh sách rút ngắn của bác sĩ South. Các hãng khác bị loại khỏi tầm ngắm.
Ông South sẽ liên lạc lại với tất cả những nhà phân phối bán giá thấp vào thời điểm cuối tháng. Sở dĩ ông làm như vậy là vì ông cho rằng lúc đó các nhà phân phối “có hạn mức bán hàng và giấy nợ phải thanh toán”. Ông đề nghị những nhà phân phối này đưa ra “mức giá sau cùng”. Trong lần mua xe gần đây nhất, phải mất hết một ngày cuối cùng của tháng và hàng trăm cuộc điện thoại, ông ấy mới chấp nhận mua của một nhà phân phối ở thành phố khác.
Trong việc mua xe hơi, bác sĩ South đúng là “tham bát, bỏ mâm”. Tuy nhiên, ông lại tự huyễn hoặc rằng mình là khách hàng thận trọng. Nói gì thì nói, ông cũng đã bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức để lùng mua được chiếc xe có vẻ sát giá hoặc đúng giá của nhà phân phối. Vấn đề là giá của nhà phân phối vẫn quá cao; họ hiểu các loại đối tượng khách hàng của mình để có phương thức đối phó hợp lý. Vậy nên, xét cả về công sức lẫn tiền bạc, bác sĩ South chẳng tiết kiệm được chút nào, nếu không nói là cả hai nguồn lực này đều bị thâm hụt nghiêm trọng - tốn quá nhiều thời gian cho một chiếc xe quá đắt tiền.
Chắc chắn là việc mua xe xa xỉ có tác động mạnh mẽ lên khả năng tích lũy tài sản. Trong năm diễn ra cuộc phỏng vấn với chúng tôi, bác sĩ South đã bỏ ra cả thảy hơn 70.000 đô-la cho chiếc xe mới nhất của ông, bao gồm cả thuế và bảo hiểm. Thế nhưng cùng năm đó, ông dành ra chừng 5.700 đô-la cho kế hoạch lương hưu. Nói cách khác, cứ 125 đô-la thu nhập thì chỉ có 1 đô-la được dành dụm cho lúc về hưu. Cả thời gian mà bác sĩ South bỏ ra để tìm chiếc xe rẻ nhất cũng không tương xứng. Theo chúng tôi ước tính, ông phải mất hơn 60 tiếng đồng hồ để nghiên cứu, thương lượng rồi mới mua được chiếc xe, trong khi người ta chỉ cần rất ít thời gian và công sức để lập kế hoạch lương hưu. Hành động thực tế của ông ta đã hoàn toàn đi ngược lại mong muốn làm giàu của chính mình. Có lẽ điều đó giải thích cho việc ông đã mất một khoản tiền đáng kể sau những vụ đầu tư khinh suất. Thì cũng đúng thôi, đầu tư mà không bỏ thời gian tìm hiểu thấu đáo tất yếu sẽ dẫn đến những thua lỗ nặng nề.
Phương pháp của ông North
Bác sĩ North không phải là người sành về xe cộ, mặc dù vậy khi đưa ra những quyết định mua sắm, ông rất nhạy cảm với giá cả. Chúng tôi đã hỏi ông về vụ mua xe gần đây nhất. Ông tự hào thông báo với chúng tôi rằng vụ mua xe gần nhất của ông là cách đây. sáu năm, và đó là một chiếc Mercedes- Benz 300 đã qua ba năm sử dụng.
Bác sĩ North rất hài lòng với chiếc xe của mình vì giá rẻ mà lại tiết kiệm nhiên liệu - “Nó là xe chạy dầu diesel”, mà dòng xe diesel của hãng Mercedes thì vốn nổi tiếng là bền.
Chúng ta hãy cùng tham khảo quá trình tìm mua xe của ông. Trước hết, ông xác định mục tiêu: cần thay cái xe cũ đã hai mươi tuổi. Ông hiểu rõ xu hướng biến động giá: nhiều dòng xe xa xỉ của châu Âu sẽ sụt giá chỉ trong vòng ba năm sau khi mua. Vậy nên ông có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể nếu mua một chiếc Mercedes-Benz cũ đã qua ba năm sử dụng.
Ông chứng thực sự suy đoán này bằng cách xác định giá bán lẻ ban đầu của dòng xe mà mình quan tâm. Muốn biết điều này thì chỉ cần ghé qua một hãng phân phối trong thành phố là xong. Sau đó, bác sĩ North quyết định rằng một chiếc xe đã qua ba năm sử dụng sẽ là lựa chọn tốt nhất. Ông gọi cho một số nhà phân phối và cho họ biết ý định của mình. Đồng thời, ông cũng xem qua vài quảng cáo trên báo. Cuối cùng, ông chọn một mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu do một nhà phân phối trong thành phố giới thiệu.
Phương pháp mua xe của bác sĩ North chỉ mất có vài giờ. Đối lập hẳn với cả một chiến dịch của bác sĩ South - một quy trình tốn ít nhất là 60 giờ đồng hồ. Và, lẽ dĩ nhiên, bác sĩ North thích lái chiếc xe của mình suốt một thời gian dài. Tính trung bình thì ông dành chưa đến một tiếng mỗi năm cho việc mua xe cộ. Còn bác sĩ South thích mua xe mới hàng năm. Do đó, năm nào ông cũng mất 60 giờ đồng hồ để tìm xe.
CÁC MỤC TIÊU TÀI CHÍNH: NÓI VÀ LÀM
Nhiều PAW và UAW thu nhập cao có chung các mục tiêu liên quan đến việc tích lũy của cải. Ví dụ, hơn 3/4 số người trong cả hai nhóm cùng đề ra những mục tiêu sau đây:
• Trở nên giàu có trước khi về hưu;
• Gia tăng tài sản;
• Trở nên giàu có thông qua việc gia tăng giá trị vốn;
• Vừa tích lũy vốn vừa bảo toàn giá trị tài sản sẵn có.
Nhưng một loạt mục tiêu rành mạch như thế không nhất thiết đồng nghĩa với việc người lập ra chúng cam kết sẽ hoàn thành. Ai chẳng muốn giàu có, nhưng phần lớn trong chúng ta lại không dành đủ thời gian, công sức và tiền bạc cần thiết để tìm kiếm thêm cơ hội hiện thực hóa mục tiêu đó.
Phân bổ thời gian
Phần lớn các PAW đều đồng ý với các nhận định sau, trong khi phần lớn các UAW thì không:
• Tôi dành nhiều thời gian để lên kế hoạch cho tương lai tài chính của mình.
• Tôi thường xuyên có đủ thời gian để quản lý các thương vụ đầu tư một cách đúng đắn.
• Khi phân bổ thời gian, tôi đặt vấn đề quản lý tài sản của mình lên trước những hoạt động khác.
Ngược lại, các UAW có xu hướng đồng tình với những tuyên bố sau:
• Tôi không có thời gian để nghĩ đến việc đầu tư.
• Đơn giản là tôi quá bận, không thể dành nhiều thời gian cho các vấn đề tài chính của mình được.
Qua đó chúng ta thấy lượng thời gian mà các PAW và UAW dành cho việc lập kế hoạch đầu tư trong thực tế rất khác nhau.
Lập kế hoạch là thói quen thường thấy ở những người có khuynh hướng tích lũy tài sản rõ rệt. Lập kế hoạch và tích lũy tài sản có liên quan mật thiết với nhau, ngay cả đối với những nhà đầu tư có thu nhập khiêm tốn. Sau khi nghiên cứu về giới nhà giàu, chúng tôi còn phát hiện ra một điều thú vị hơn nữa liên quan đến lý do vì sao nhiều kế hoạch đầu tư hoặc bỏ luôn bước này thường cảm thấy như các đối tượng tham gia khảo sát dưới đây:
• Chuyện đấy vô vọng thôi...
• Tôi không tài nào có đủ thời gian để thực hiện kế hoạch đó.
• Chúng tôi chưa bao giờ làm ra quá nhiều tiền... Nhưng càng kiếm được nhiều tiền hơn bao nhiêu thì chúng tôi càng thấy như mình tích lũy được ít đi bấy nhiêu.
• Công việc đã chiếm hết thời gian của chúng tôi rồi.
• Tôi không có hai mươi tiếng một tuần để lãng phí tiền của mình vào trò đầu tư may rủi.
Chúng tôi nhận thấy những PAW có thu nhập bậc trung dành 8,4 tiếng đồng hồ mỗi tháng và khoảng 100,8 tiếng mỗi năm để lập kế hoạch đầu tư. Một năm có 8.760 tiếng, tức là các PAW dành xấp xỉ 1,2% trong quỹ thời gian của họ cho việc hoạch định đầu tư.
Còn các UAW, bình quân họ dành 4,6 tiếng mỗi tháng và khoảng 55,2 tiếng mỗi năm để lập kế hoạch đầu tư. Nói cách khác, tính bình quân mỗi tháng, số giờ mà PAW bỏ ra để lập kế hoạch nhiều hơn 83% so với UAW. Các UAW chỉ dành 1/160 quỹ thời gian của mình cho kế hoạch đầu tư, trong khi con số này của các PAW là 1/87.
Liệu các UAW có thể tự động trở thành các PAW chỉ bằng cách tăng gấp đôi số giờ lên kế hoạch đầu tư hay không? Dường như là không. Lập kế hoạch chỉ là một trong nhiều yếu tố quan trọng của việc làm giàu. Hầu hết các PAW đều có lịch lập kế hoạch hết sức quy củ. Mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm họ đều lên kế hoạch cho hoạt động đầu tư. Thói quen này cũng hình thành trong đời họ sớm hơn nhiều so với các UAW.
Mặt khác, các UAW rất giống với những người béo phì thỉnh thoảng lại nhịn đói để mong giảm cân. Nhưng thông thường, sau đó họ lại trở về như cũ, thậm chí còn mập mạp hơn trước. Bước sang một năm mới, có thể UAW sẽ khởi động bằng một danh sách các mục tiêu đầu tư đa dạng. Những mục tiêu này có lẽ là thành quả của vài ba ngày quyết liệt lên kế hoạch cho số tiền sẽ dành để đầu tư. Kế hoạch đó cũng có thể bao gồm cả một chiến dịch thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ. Và thông thường, cái “kế hoạch gây sốc” cùng những thay đổi tích cực kèm theo về lối sống ấy lại quá khắt khe đến nỗi cuối cùng nó chẳng đem lại kết quả gì. Trong trường hợp này, một UAW điển hình sẽ nhanh chóng vỡ mộng với mô hình làm giàu mới. Chẳng mấy chốc, anh ta sẽ lại rơi vào guồng quay cũ, phá vỡ kế hoạch “đầu tư nhiều hơn, tiêu xài ít hơn”.
Nhiều UAW tưởng rằng một kế hoạch được chuẩn bị thật chuyên nghiệp trong nháy mắt sẽ biến họ thành PAW ngay, nhưng ngay đến những kế hoạch tài chính ưu việt nhất cũng chỉ là đồ bỏ nếu bạn không tuân thủ chúng. Thật tức cười là lúc nào các UAW cũng nghĩ rằng người khác “có thể giảm cân” giùm họ.
Trong những trường hợp như vậy, các UAW nên tìm hiểu cách làm của các PAW. Đều đặn hàng tháng, các PAW lên kế hoạch từng chút một. Và xin nhắc lại, việc này với họ chỉ mất chừng 8 tiếng mỗi tháng. Có lẽ các UAW sẽ chịu lập kế hoạch nhiều hơn nếu họ biết rằng việc đó không đòi hỏi họ phải “bỏ cả công việc hàng ngày của mình”! Các PAW tích lũy tài sản từ từ, đều đặn. Họ không quyết liệt như một chiến binh, mà họ có lịch trình hợp lý để cân bằng giữa làm việc, lập kế hoạch, đầu tư và chi tiêu.
Yếu tố công việc cũng là một phần quan trọng để giải thích sự khác nhau giữa PAW và UAW. Nghiên cứu của chúng tôi về những đối tượng có thu nhập bậc trung cho thấy tỷ lệ những người lao động tự do ở hai nhóm: PAW là 59,1% và UAW là 24,7%. Theo đó, trở thành lao động tự do thường cho chúng ta một lợi thế đáng kể trong việc lập kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, hầu hết những người làm công ăn lương lại bị cột chặt vào một danh sách dài dằng dặc những nhiệm vụ cần hoàn thành. Điều đó khiến việc hoạch định chiến lược đầu tư trở thành thứ yếu.
Tích cực hay không tích cực?
Đến 95% số triệu phú tham gia các khảo sát của chúng tôi đều sở hữu cổ phiếu; phần lớn có tối thiểu là 20% tổng tài sản nằm dưới dạng cổ phiếu giao dịch công khai. Tuy nhiên, bạn sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ họ là những nhà buôn chứng khoán tích cực. Đa số bọn họ không nương theo những biến động lên xuống hàng ngày của thị trường. Đa số không sáng sáng lại nhấc máy gọi cho nhân viên môi giới chứng khoán để hỏi hôm nay thị trường ra sao. Và đa số không mua bán cổ phiếu chỉ vì tình cờ đọc được mấy bài phân tích tài chính trên báo.
Nhà đầu tư tích cực không phải là người ngày nào cũng theo dõi sát sao mọi biến động thị trường và tiến hành những thương vụ mua bán chớp nhoáng. Trong số những triệu phú mà chúng tôi đã phỏng vấn, chưa đến 1% sở hữu cổ phiếu theo cách bạn nghĩ.
Chỉ có 1% giữ cổ phiếu khoảng một tuần.
Chưa đến 7% là các nhà đầu tư giữ cố phiếu khoảng một tháng.
Có 9% trong số những triệu phú mà chúng tôi phỏng vấn nắm giữ cổ phiếu khoảng một năm.
Trong khi đó, hơn 32% nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hơn sáu năm.
Và có đến 42% số triệu phú tham gia cuộc khảo sát cho biết họ không hề bán đi dù chỉ là một cổ phiếu trong các danh mục đầu tư đang nắm giữ.
Rất khó tìm được một triệu phú “đầu tư tích cực” để phỏng vấn. Có lẽ những người này là mục tiêu lý tưởng đối với các nhân viên môi giới cổ phiếu. Nhưng họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong giới triệu phú. Quả thực, số lượng nhà đầu tư tích cực không phải là triệu phú đông hơn số nhà đầu tư tích cực đồng thời là triệu phú. Nguyên nhân là do mỗi lần mua bán, bạn lại tốn một khoản phí đáng kể, trong đó có phí môi giới. Vậy hãy nghĩ xem bạn sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền nếu cứ mua rồi bán, mua rồi bán liên tục hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng?
Thông thường, các nhà đầu tư tích cực dành nhiều thời gian để mua bán và trao đổi, thay vì nghiên cứu và lập kế hoạch đầu tư. Ngược lại, các triệu phú dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn và số lần họ bán cổ phiếu thì ít hơn. Do đó, họ có thể tập trung thời gian và sức lực - những nguồn lực cần thiết - để nâng cao tầm hiểu biết về cổ phiếu của các công ty nhỏ ít được chú ý trên thị trường.
Chúng tôi cũng quan tâm đến thói quen tích lũy tài sản của nhân viên môi giới cổ phiếu. So với những lĩnh vực khác, nhân viên môi giới cổ phiếu có thu nhập tương đối cao. Họ có quyền tiếp cận với lượng dữ liệu nghiên cứu khổng lồ. Bên cạnh đó, họ phải trả ít hơn những người khác khi giao dịch chứng khoán, vì họ tiết kiệm được khoản hoa hồng. Nhưng không phải tất cả các nhà cố vấn đầu tư thu nhập cao này đều giàu có.
Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nhân viên môi giới cổ phiếu về vấn đề này. Và câu trả lời sau đây đã nói lên tất cả:
Đáng lẽ tôi đã giàu có nếu tôi chịu giữ cổ phiếu của mình...
Nhưng ngày nào tôi cũng phải nhìn vào màn hình điện tử và theo dõi các biến động.
Bạn hãy nhớ rằng thu nhập hàng năm của nhân viên môi giới này cao hơn 200.000 đô-la. Nhưng anh ta lại là một nhà đầu tư hết sức tích cực, hiếm khi nào cho phép khoản tiền mình bỏ ra đầu tư kịp sinh sôi nảy nở trước khi tiến hành tái đầu tư. Bất cứ khoản lợi nhuận thực trong ngắn hạn nào mà anh ta thu được cũng bị đánh thuế ngay tức khắc.
Tuy nhiên, anh ta không phải kiểu nhân viên môi giới mà một triệu phú thích hợp tác. Họ thích những nhà đầu tư kém tích cực hơn. Họ thích làm việc với những người tự tin với quyết định mua cổ phiếu trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, và sau đó nắm giữ chỗ cổ phiếu đó.
Chọn chuyên gia môi giới
Bạn sẽ làm gì khi quyết định thuê cố vấn tài chính cho gia đình mình? Bạn có thể đăng tin trong mục rao vặt trên tờ báo địa phương, sau đó xem xét và chọn lọc các hồ sơ gửi về. Bạn cũng có thể nhờ nhà tư vấn tài chính, luật sư hoặc nhân viên của mình tìm giúp. Nhiều người nói với chúng tôi rằng những cách thức này hết sức hiệu quả.
Nhưng đấy lại chính là điều không may cho họ.
Bạn bỏ ra càng nhiều công sức và thời gian để tìm kiếm một cố vấn tài chính thì bạn càng có nhiều cơ hội thuê được người thích hợp. Có lẽ bạn thấy không cần phải nỗ lực nhiều trong chuyện này. Nhưng hãy nhìn vấn đề theo từ góc độ khác.
Lần tìm việc mới đây nhất, bạn mất bao nhiêu thời gian? Bạn có khi nào gọi đến công ty nào đó và hỏi xem họ có cần người hay không? Nếu bạn ngồi một chỗ gọi điện thoại, đặc biệt là gọi không hẹn trước, thì cơ hội bạn được thuê gần như bằng 0. Vậy tại sao nhiều người vẫn thuê cố vấn tài chính sau khi mới nghe một cuộc gọi không hẹn trước từ người đó? Vì họ không có kinh nghiệm trong việc thuê người.
Một công ty, đặc biệt là một công ty sản xuất, không bao giờ thuê nhân viên chủ chốt mà bỏ qua bước kiểm tra lý lịch thật cẩn thận và phỏng vấn thật kỹ lưỡng. Ấy thế mà nhiều người, thậm chí là những người có thu nhập cao, vẫn thuê cố vấn tài chính sau khi thu thập dăm ba thông tin về các ứng cử viên này.
Điều hành gia đình cũng giống như điều hành một công ty sản xuất. Công ty tốt nhất thuê những người giỏi nhất, lẫn những nhà cung cấp tốt nhất. Sử dụng nguồn nhân lực và nhà cung cấp hạng nhất là hai nguyên nhân chính khiến các tập đoàn làm ăn hiệu quả, trong khi những công ty khác thất bại. Bạn nên nhìn nhận những cố vấn tài chính tiếp cận mình như là một khách hàng. Bạn hãy quan tâm đến các thông tin cốt yếu trong bản lý lịch của ứng viên, đồng thời:
• Tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau;
• Xem bằng cấp, giấy chứng nhận hành nghề của hiệp hội nghề nghiệp liên quan;
• Kiểm tra tín dụng;
• Tiến hành một loạt các cuộc phỏng vấn cá nhân;
• Kiểm ra xem hồ sơ xin việc đã đầy đủ, chi tiết chưa;
• Yêu cầu các tài liệu chứng thực cho năng lực của ứng viên liên quan đến nhiệm vụ được yêu cầu.
Việc tìm được những cố vấn tài chính trình độ cao có liên quan trực tiếp đến khuynh hướng tích lũy tài sản của bạn. Khuynh hướng này lại liên quan đến một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các chủ doanh nghiệp tích lũy được nhiều tài sản hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác: Phần lớn các chủ doanh nghiệp thu nhập cao đều có nhiều kinh nghiệm đánh giá nhà cung cấp, ứng cử viên xin việc tiềm năng và nguồn nhân lực nói chung hơn những người làm trong các nhóm ngành nghề khác. Làm kinh doanh đòi hỏi họ phải thường xuyên đánh giá những nguồn lực này.
Phương pháp Martin
Vài năm trước, chúng tôi đã phỏng vấn ông Martin, một triệu phú “thế hệ thứ nhất” và là một nhà đầu tư vô cùng nhạy bén. Ông tham gia nhóm phỏng vấn trọng điểm gồm tám nhân vật có tài sản trị giá nhiều triệu đô-la do chúng tôi tổ chức. Để góp mặt trong nhóm này, các thành viên phải có giá trị tài sản ròng tối thiểu là 5 triệu đô-la. Với việc tự mình tích lũy chừng ấy tài sản, cộng thêm thu nhập một năm không quá 75.000 đô-la, thành tích của ông thật đáng nể phục. Ông là một trong những nhà đầu tư giỏi nhất mà chúng tôi từng phỏng vấn. Ông đã làm giàu nhờ vào thị trường cổ phiếu. Chúng tôi nhận ra rằng ông cực kỳ nhạy bén và hiểu biết tường tận về rất nhiều vụ đầu tư khác nhau. Ông cũng rất giỏi trong việc đánh giá người cố vấn đầu tư.
Martin đặt mua dài hạn rất nhiều loại ấn phẩm về đầu tư. Vài tạp chí trong số này lại bán danh sách khách hàng của mình cho bên môi giới. Thế là hàng ngàn cố vấn tài chính đã tiếp cận ông Martin qua địa chỉ nhà và số điện thoại. Ông áng chừng mỗi tuần có ít nhất ba hay bốn nhân viên môi giới không biết từ đâu gọi đến nhà cố chào mời ông bỏ tiền đầu tư, nhưng ông luôn nói rằng: “Nếu những người này thực sự giỏi thì họ sẽ không tốn thời gian gọi cho tôi làm gì”.
Cũng như đa số các PAW, khi mới bước vào lĩnh vực đầu tư, ông Martin đã nhờ kế toán viên của mình giới thiệu một cố vấn tài chính giỏi. Viên kế toán đã cung cấp cho ông tên một số người đủ tiêu chuẩn. Ông Martin cũng tham khảo thêm từ những khách hàng có thành tích đầu tư tốt nhất của viên kế toán. Kể từ lần đầu tiên tham khảo kế toán viên của mình đến nay, ông đã hợp tác với một số cố vấn tài chính. Bên cạnh đó, ông cũng tin tưởng vào sự cố vấn đầu tư từ những người khác, trong đó có luật sư của mình.
Ông Martin luôn đặt niềm tin nơi các cố vấn tài chính của mình bởi họ đều là những người thông thái và nhạy bén trong đầu tư, đều được chứng thực bởi các nhà đầu tư thành công nhất của họ. Đồng thời, ông Martin cũng suy luận rằng những cố vấn tài chính này sẽ đối đãi với ông như một khách hàng đặc biệt. Và, quả thực là họ đã đem hết tâm huyết để cho ông những lời khuyên sáng suốt và những cảnh báo kịp thời. Họ làm như vậy vì lợi ích của chính họ và của các mối quan hệ đã giới thiệu mình.
Bài học rút ra từ tình huống này là hãy chọn một cố vấn tài chính đã được đảm bảo bởi một cố vấn tài chính hoặc công ty/tổ chức uy tín, hoặc bởi khách hàng của anh ta. Trong việc giúp khách hàng tích lũy tài sản luôn có một số nhà tư vấn nổi trội hơn các đồng nghiệp. Hãy phỏng vấn vài người rồi chọn người nào có nhiều khách hàng thuộc diện PAW nhất. Có thể bạn sẽ phải giải thích khái niệm PAW cho họ đấy.