“Tuổi tác đối với tôi không có ý nghĩa gì cả.
Tôi không thể già, tôi đang làm việc. Miễn là bạn vẫn làm việc, thì bạn hãy còn trẻ.
Khi tôi đứng trước khán giả, tất cả tình yêu và sức sống ấy lan tỏa khắp người tôi và tôi quên đi tuổi tác của mình.”
George Burns
VÀO MỘT BUỔI TỐI NỌ, KHI XEM TI-VI, tôi để ý rằng trong suốt chương trình 1 tiếng đồng hồ có tận 3 quảng cáo 60-giây chào mời sản phẩm chống lão hóa. Chủ đề chống lão hóa đang là con sóng khổng lồ càn quét thế giới. Đây là một xu hướng lớn, chứ không chỉ là mốt nhất thời. Công trình nghiên cứu chống lão hóa đang chín muồi và sẽ còn tồn tại lâu. Các sản phẩm và dịch vụ chống lão hóa, từ mỹ phẩm, thức ăn đến thực phẩm chức năng đang xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc khắp thế giới.
Xu hướng toàn cầu này còn đi xa hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ để thỏa mãn nhu cầu có một vẻ ngoài trẻ trung hơn. Theo một báo cáo của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ và Viện Sức khỏe Quốc gia, hiện nay khoảng nửa tỷ người đang ở nhóm tuổi hơn 65, và nội trong thế kỷ này con số ấy sẽ tăng rất nhanh lên đến 1 tỷ. Tới năm 2040, nhóm tuổi này sẽ có khoảng 1,3 tỷ người, chiếm 14% tổng dân số thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chỉ trong 10 năm mà số người trong nhóm tuổi 65 trở lên sẽ vượt qua số trẻ em trong nhóm dưới 5 tuổi. Ở nhiều quốc gia, nhóm 80 tuổi trở lên có sĩ số tăng nhanh nhất so với các nhóm còn lại. Giữa năm 2008 và 2040, phân khúc này của dân số được dự đoán tăng 233%, nhóm tuổi từ 65 trở lên sẽ tăng 160% và phần còn lại của dân số thế giới sẽ chỉ tăng 33%.
Tại sao tôi lại nói những điều này với các bạn? Bạn cứ hỏi bất kỳ ai xem, nếu có thể được sống lâu hơn, liệu họ có muốn sống những năm tháng ấy một cách trọn vẹn nhất không, hay chỉ tồn tại dật dờ cho qua ngày? Với những tiến bộ đều đặn trong công nghệ, chúng ta đã quen với đời sống chất lượng. Những vấn đề xảy ra hàng ngày hầu như đều được giải quyết bởi những sự cải tiến mới. Chúng ta đã quen kỳ vọng, mà thật ra là đòi hỏi một nỗ lực cải tiến tương đương cho điều quan trọng nhất với chúng ta: cuộc sống.
TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI LẠI ÍT GIÀ HƠN SO VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC?
Sự lão hóa xảy ra với mỗi người trong chúng ta. Kể từ khi xuất hiện trên thế giới này, chúng ta đã bắt đầu già đi. Tuy nhiên, có những người lại ít bị lão hóa hơn. Tại sao họ có thể sống trẻ khỏe đến tận 100 tuổi, trong khi có những người thậm chí khó mà ra khỏi giường ở tuổi 65?
Hầu hết chúng ta đều đã từng đi họp lớp. Cô nàng từng được bầu là nữ hoàng giờ vẫn trẻ đẹp như thể cô ấy chưa từng già đi, trong khi trưởng đội cổ vũ khỏe mạnh ngày nào giờ chỉ toàn là nếp nhăn và chứng đau nhức. Đội trưởng đội đá bóng, người thường ngồi ngủ phía cuối lớp Tiếng Anh 101 nhìn như thể anh ta đã 101 tuổi, trong khi thầy giáo năm ấy lại trẻ ra không ngờ.
Chuyện gì đang xảy ra thế này? Sự khác biệt là gì? Tại sao một số người trông trẻ hơn rất nhiều so với những người cùng tuổi với họ? Những người không hề già đi ấy, liệu họ đã làm điều gì khác biệt chăng? Và rồi, chúng ta tự hỏi bản thân mình: mình đã ổn chưa?
GƯƠNG KIA NGỰ Ở TRÊN TƯỜNG… GƯƠNG CHO TA BIẾT TUỔI XUÂN NƠI NÀO?
Sau câu hỏi vừa rồi, ta bắt đầu nhìn kỹ bản thân mình trong gương. Thay vì chỉ liếc nhanh trước khi ra phố như thường lệ, hãy dừng lại và nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu của mình, và sau một khoảnh khắc tự vấn, ta nhận ra là mình đang già đi! Những năm qua, chúng ta sống trong ảo tưởng rằng mình luôn trẻ như khi 21 tuổi vì suy nghĩ và cảm giác của ta vẫn giống như thời đó. Nhưng từ tuổi 21 ấy, cuộc sống đã trôi qua rất nhanh rồi.
Đối với một số người, họ cảm thấy thật sự sốc khi phát hiện những nếp nhăn, nhận ra vùng má chảy xệ và đôi mắt sưng húp. Hơn thế, họ muốn biết tại sao cơ thể mình lại trở nên rệu rã như thế này.
Tôi có một người bạn là họa sĩ. Thói quen của cô ấy là phác thảo bất kỳ ai khi đang ở phòng chờ, nhà thờ hay là bến xe buýt. Một ngày nọ, cô ấy vẽ một người phụ nữ tầm 70 tuổi rất xinh đẹp với đôi mắt đầy cuốn hút như đang thôi miên, chiếc mũi đẹp đến kỳ lạ, đôi môi căng mọng và mái tóc xoăn đen tự nhiên. Bạn tôi cũng vẽ thêm cho bà ấy một nếp nhăn sâu quanh mắt và những vết chân chim đủ kích cỡ - những chi tiết mà theo cô bạn họa sĩ của tôi là giúp tăng thêm phần thú vị cho nhân vật. Cô bạn tôi mường tượng ra một bức họa tuyệt đẹp, với nhân vật chính là bà ấy trong hình hài một phụ nữ gypsy với những chiếc khăn quàng cổ đầy màu sắc và những món trang sức đeo quanh người. Tuy nhiên, khi bạn tôi đưa cho bà xem bản phác thảo để xin phép hoàn thành bức hoạ, người phụ nữ ấy chẳng hề thấy được cái đẹp hay sự thú vị nào từ nó. Bà ấy la lên: “Đó không phải là tôi! Tôi không nhìn giống như thế!”. Rồi bà ấy chồm tới, xé lấy bức vẽ bỏ vào ví rồi nhanh chóng rời đi. (Người bạn họa sĩ của tôi quả quyết với tôi rằng bức vẽ ấy không chỉ giống hệt, mà thậm chí còn có phần tâng bốc bà ta nữa.)
Tôi tự hỏi liệu tối hôm đó, người phụ nữ ấy có đánh giá lại bản thân mình trong gương và nghĩ rằng có chi tiết nào đã bị mình nhìn lệch lạc đi? Bạn thấy đó, mặc dù tâm trí chúng ta đều nhìn nhận hình ảnh của bản thân ở một độ tuổi nhất định, nhưng cuối cùng chính tấm gương mới phản chiếu sự thật lại cho chúng ta. Chúng ta không thể chối bỏ được nữa. Phản ứng của chúng ta trong thời khắc gây sốc ấy gần như luôn giống nhau. “Nó xảy ra thật rồi! Mình phải làm gì đó thôi!”.
Tôi thực sự nghĩ là con người ta sợ bề ngoài và tâm trí mình già đi. Nhưng có thể làm gì hơn? Sự lão hóa có vẻ như không thể tránh khỏi và quá tầm kiểm soát của ta. Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng: sự nghiệp của tôi trong ngành công nghiệp chế tạo thuốc và nghiên cứu về thực phẩm chức năng đã giúp tôi có một góc nhìn tốt hơn về việc tối ưu hóa khả năng phát triển những giải pháp chống lão hóa. Một khi đã chọn cuốn sách này, bạn không cần phải lo lắng về việc lão hóa nữa. Rõ là toàn bộ thế giới văn minh đang lo ngại về vấn đề lão hóa. Tại sao vậy? Bởi vì tuổi thọ của chúng ta đang tăng lên, và ai cũng hy vọng được sống phần đời đó thật khỏe mạnh!
Tôi không chê trách họ. Hiện thực của sự lão hóa thậm chí còn tác động đến tôi mạnh hơn, vì tôi là một nhà khoa học và tôi biết chúng ta có khả năng chống lại nó. Chính tôi cũng đang già đi, và ở tuổi 50 của cuộc đời, tất nhiên tôi cũng muốn giữ mãi sức khỏe và tuổi trẻ của mình. Mong muốn chủ yếu mà rất nhiều người đang lão hóa chia sẻ là họ muốn biết họ có thể làm gì để có thể già đi thật thanh lịch.
CHÚNG TA CÓ THỂ CHẾT MỘT CÁCH KHỎE MẠNH?
Tôi đã đặt vấn đề này trong những bài thuyết trình khắp thế giới của mình: “Chúng ta có thể chết một cách khỏe mạnh được không?”.
NHỮNG GIAI THOẠI KHÓ TIN VỀ SỰ TRƯỜNG THỌ
Qua nhiều thế kỷ, đã có nhiều ghi chép khó tin về sự trường thọ trong lịch sử. Phả hệ của người Sumer đã ghi nhận rằng họ có ba vị vua từng cai trị 72.000 năm mỗi người. Thánh Kinh cũng có nhắc đến những nhân vật có tuổi thọ cao như Methuselah: 969 tuổi, Job: 210 tuổi và Joshua: 110 tuổi. Kinh Torah của người Do Thái và cả trong văn hóa Ả Rập cũng nhắc đến những trường hợp tương tự. Trong truyền thuyết Trung Quốc, ông Thọ được cho là đã sống đến trên 800 năm. Thuật luyện kim - ý tưởng cho rằng người ta có thể chuyển hóa vật chất trong cơ thể thành những thứ khác, kể cả vật chất bất tử, từng rất phổ biến vào cuối thế kỷ 14, khi nhà giả kim Nicolas Flamel chế tạo ra “Phương thuốc Trường sinh” mà ông dùng để đảm bảo sự bất tử của mình. Nếu phương thuốc đó thật sự có hiệu nghiệm, năm nay Flamel đã được 680 tuổi!
SỐNG ĐỦ LÂU ĐỂ LO NGHĨ VỀ VIỆC GIÀ ĐI
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2009, ở những nước giàu có hơn trên thế giới, mỗi ngày tuổi thọ của con người lại được kéo dài thêm năm giờ đồng hồ. Với cuộc sống dài hơn, và trong nhiều trường hợp còn là một cuộc sống có ích hơn, con người thực sự đã được sống đủ lâu để bắt đầu lo lắng về việc lão hóa.
Có một thời gian khi bệnh truyền nhiễm, sự thiếu ăn, những biến chứng trong sinh đẻ, ngộ độc thức ăn và điều kiện sống thiếu an toàn đã định cho dân số toàn thế giới một vòng đời không dài. Nhưng chỉ trong thế kỷ qua, sự xuất hiện của thuốc kháng sinh, điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế đã kéo giảm một cách đáng kể tỷ lệ tử vong trong độ tuổi thiếu niên và trung niên, cho phép người ta sống đủ lâu để có thể bắt đầu già đi. Thật vậy, khi tôi còn học ở Johns Hopkins, chủ nhiệm khoa Donald Henderson - người chịu trách nhiệm về việc diệt trừ bệnh đậu mùa (tai họa của loài người trong nhiều thế kỷ) đã ảnh hưởng đến tôi một cách mạnh mẽ qua lời chỉ dạy của ông, giúp tôi có được sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của thuốc phòng bệnh. Công việc và kinh nghiệm của giáo sư Henderson đã có tầm ảnh hưởng mãnh liệt lên cuộc đời tôi, thôi thúc tôi đi tìm đáp án cho câu hỏi: làm cách nào để duy trì sức khỏe tốt suốt cuộc đời, dù cuộc đời ấy kéo dài được bao lâu đi nữa.
Trớ trêu thay, hiện nay những lý do gây tử vong phổ biến nhất ở các nước phát triển lại chính là lão hóa và những bệnh tật đi kèm với nó.
Kirkwood, Thomas (Tháng 9, 2010). “Lý do chúng ta không thể sống mãi mãi.” Scientific American, pp. 42–49. http://un.org/ageing/popageing.html
SỐNG ĐẾN 150 TUỔI. BẠN DÁM CÁ CƯỢC KHÔNG?
Có hai nhà khoa học đủ tin tưởng vào các bằng chứng hiện có để cá cược với nhau về vấn đề sống đến 150 tuổi. Steve Austad của Đại học Idaho và Jay Olshansky của Đại học Illinois đã đặt cược vào việc một người sinh ra vào năm 2000 có thể sống đến khoảng năm 2150. Nói cách khác, trong những người đang sống, liệu có ai sẽ thọ đến 150 tuổi? Người già nhất tính cho đến nay là Jeanne Calmant, sinh vào ngày 21 tháng 2 năm 1875, và mất vào ngày 4 tháng 8 năm 1997. Ông thọ 122 năm và 164 ngày tuổi.
Olshansky và Austad đã soạn một hợp đồng, và mỗi người bỏ 150 đô la vào cùng một tài khoản ngân hàng. Sau 150 năm, con cháu của người thắng cuộc sẽ được lĩnh số tiền. Tính cả tiền lãi sau ngần ấy năm, số tiền nhận được sẽ lên đến 500 triệu đô la. Cả hai người đều tin rằng sẽ có người sống đến 150 tuổi, rằng các nhà khoa học sẽ tìm ra được cách làm chậm quá trình lão hóa. Câu hỏi đặt ra là: các nhà khoa học có theo kịp mốc thời gian của hai người họ không?
No
Olshansky nói: “Không đời nào. Dù 10-20 năm nữa người ta có phát minh ra công nghệ đó, tôi cũng không cho rằng có thể làm chậm quá trình lão hóa đủ để tăng thêm 30 năm nữa cho tuổi thọ con người. Bên cạnh đó, ta phải tìm được đúng người - một ai đó đã từng sống cả trăm năm tuổi. Liệu có cơ hội nào để ta tìm thấy người đó không? Không cần trả lời cũng hiểu. Dòng họ nhà tôi sẽ giàu vì món cược này.”
Yes
Austad lại cho rằng: “Có thể đấy. Thậm chí nếu công nghệ đó chưa xuất hiện trong vòng 50 năm nữa, vẫn còn nhiều người trên 50 tuổi đang lão hóa, và ta hoàn toàn có thể giảm tốc độ lão hóa của họ lại. Ngày càng có nhiều người sống đến 100 tuổi. Và càng nhiều người 100 tuổi, càng nhiều người có khả năng sống đến 110 tuổi. Càng nhiều người sống đến 110 tuổi lại càng nhiều người có khả năng sống đến 120 tuổi. Trong cuộc cá cược này, chỉ cần một người sống đến 150 tuổi thôi. Chỉ 20% hơn con số 122 tuổi. Tôi nghĩ đây sẽ là một vụ cược ‘ăn chắc’ đấy”.
Kết quả của cuộc đánh cược sẽ được quyết định vào ngày 1 tháng 1 năm 2050.
“Chúng ta sẽ sống được bao lâu?”, Karen Hopkin
Cũng dễ hiểu khi nói mục tiêu của chúng ta vào những ngày cuối đời là ra ngoài nhảy nhót chứ không phải là nằm trên ghế hay giường bệnh. Thật ra điều đó là khả thi, nhưng trước hết, ta hãy cùng tìm hiểu về nền tảng các cuộc bàn luận về lão hóa của các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực này.
Một bài báo cáo đặc biệt gần đây xuất hiện trong ấn phẩm tháng 9 năm 2010 của tờ Scientific American đã đặt vấn đề tương tự tôi bằng câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thể sống mãi mãi?”. Tuổi thọ trung bình của loài người vẫn đang ngày càng tăng lên, và một số nhà khoa học đã bắt đầu suy nghĩ về việc xu hướng này sẽ kéo dài được bao lâu.
Hàng thế kỷ nay, các nhà khoa học vẫn tin rằng sự lão hóa của loài người là một quá trình cố định được thiết lập trong hệ sinh học của chúng ta, với kết cục là cái chết được lập trình sẵn thời điểm. Nhưng hiện tại, nhờ vào những tiến bộ công nghệ tiên tiến nhất, các nhà khoa học đang bắt đầu xem xét lại mức tuổi thọ từng được ước đoán. Điều kiện vệ sinh, nguồn cung cấp thức ăn, chăm sóc y tế và sự chủng ngừa tốt hơn trước chính là các nguyên nhân kéo dài tuổi thọ ước đoán. Năm 1900, tuổi thọ trung bình dự kiến là 45, và năm 1950 tăng lên 65 tuổi. Vào những năm 90, con số này đã tăng lên 75. Xét cùng điều kiện, thời nay con người có khả năng sống đến 150 tuổi. Nhưng hãy tập trung vào mục tiêu chính đã. Số năm chưa chắc đã là yếu tố quan trọng nhất, mà là chất lượng của những năm tháng ấy. Mục tiêu của chúng ta không phải là sống mãi, mà là chết một cách khỏe mạnh.
TÌM KIẾM SỰ BẤT TỬ
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ để bạn hiểu thông điệp của tôi hơn. Hành trình lâu đời tìm kiếm sự trường thọ vốn là niềm ao ước của con người từ xa xưa, cũng như là nền tảng cho những thần thoại và truyền thuyết. Nhưng chúng ta luôn phải cẩn thận với những gì mình đòi hỏi.
Thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện về sự điên rồ của những con người khát khao sự trường sinh. Tithonus, một người đàn ông đẹp trai đem lòng yêu Eos, nữ thần bình minh bất tử. Eos biết rằng Tithonus yêu quý của cô rồi sẽ già yếu và chết đi nên cô đã cầu xin thần Zeus cho anh ta được bất tử.
Theo mô-típ thông thường trong mọi sự thương lượng với thần thánh, thần Zeus đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Eos – theo đúng nghĩa đen. Thần chỉ ban cho Tithonus mỗi sự bất tử chứ không ban cho anh ta vẻ ngoài trẻ trung.
Khi Tithonus già đi, anh ta dần mất đi sức khỏe và trí nhớ. Những tiếng lảm nhảm không ngớt của anh ta khiến Eos phát điên. Quá tuyệt vọng, Eos biến Tithonus thành con châu chấu. (Trong thần thoại Hy Lạp, châu chấu bất tử. Điều này giải thích lý do tại sao châu chấu kêu liên tục như ông già mất trí.)
Ảo ảnh về sự bất tử này thực sự là điều mà chúng ta muốn tìm ư? Tôi nghĩ là không. Sự truy tìm tuổi trẻ đã tiếp diễn trong nhiều thế kỷ. Nhà thám hiểm Ponce de Leon đã dành cả cuộc đời và vận may của mình để tìm kiếm sự bất tử ở thế kỷ thứ 16, rồi đến Cleopatra tắm bằng sữa dê vì bà tin rằng điều này có thể giúp bà quay ngược chiếc đồng hồ tuổi trẻ. Danh sách các tín đồ cứ thế tiếp tục. Nhưng tôi muốn khẳng định lại điều tôi đã nói lúc nãy: Mấu chốt là phải sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn. Điều chúng ta nên tập trung vào không phải là tuổi thọ con người, mà là độ dài tuổi trẻ. Đây chính là sứ mệnh và công việc của cả cuộc đời tôi.
HÃY ĐỂ TUỔI TÁC CỦA BẠN LÀ MỘT BÍ ẨN
Hãy cùng quay lại câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra trong chương này: Tại sao có một số người trông trẻ hơn, và một số khác lại già hơn so với tuổi thật của họ? Nhóm chúng tôi đã nghiên cứu chính vấn đề này nhiều năm qua.
Bạn có biết trên toàn thế giới, câu hỏi lớn nhất về lão hóa trong tâm trí con người không phải là “Tại sao chúng ta lại có nếp nhăn?” hay “ Làm cách nào cơ thể chúng ta chống lại sự kiểm soát của trọng lực?”, mà chính là “Tại sao có những người trông trẻ hơn tuổi của họ?”. Để chứng minh điều này, nhóm marketing của chúng tôi đã lục tung cả thế giới để tìm ra những người như thế. Trong chúng ta, ai cũng quen biết một vài người trông trẻ hơn tuổi thật của họ, và chúng tôi đã yêu cầu họ nộp những bức ảnh từ khắp nơi trên thế giới để chứng minh điều này. Bạn sẽ được thấy một số hình ảnh chúng tôi sưu tập ở trang 202, Phụ lục. Hãy xem thử bạn có thể đoán được khoảng cách tuổi tác của các nhân vật trong ảnh không. Câu trả lời nằm ở trang 210.
Những bức ảnh này đáng kinh ngạc chứ? Chúng chỉ đơn thuần xác nhận lại rằng con người ta già đi theo những cách khác nhau.
Thông thường, những người trông trẻ hơn tuổi thật được cho là có gien tốt. Nhưng nếu mấu chốt chỉ nằm ở gien thì sự lão hóa sẽ là điều không thể tránh khỏi, và ta sẽ không có cách nào thay đổi nó. Tôi chưa bao giờ thấy đó là một đáp án thỏa đáng. Vậy nên nhóm của tôi đã đào sâu vào cấu trúc phân tử của sự lão hóa và phát hiện được rằng, ở cấp độ di truyền học, vẫn có những biện pháp tác động vào quá trình lão hóa. Điều ta nên chú tâm vào không phải là thay đổi gien, mà là tác động đến biểu hiện gien.
VẤN ĐỀ ĐÚNG LÀ THUỘC VỀ GIEN, NHƯNG KHÔNG PHẢI THEO CÁCH TA THƯỜNG NGHĨ
Khi một người trông xinh xắn, đẹp trai hay trẻ trung hơn tuổi của họ, bà ngoại hoặc mẹ bạn sẽ nhún vai và nói: “Nó chỉ được cái là có gien tốt thôi”. Họ nói cũng đúng một phần; mọi người đều có gien tốt, nhưng chủ yếu là gien của bạn biểu hiện như thế nào. Gien của bạn là của bạn và chúng hoàn toàn cố định, không thể bị thay đổi.
Nhưng khi bạn trông trẻ hơn tuổi của mình, các nhà khoa học khám phá ra rằng vấn đề không nằm ở việc thay đổi gien, mà ở một khái niệm gọi là biểu hiện tươi trẻ của gien.
BIỂU HIỆN GIEN
Vậy biểu hiện của gien là gì? Nó là một trong những thành tố cấu thành thú vị của chức năng cơ thể, vừa tinh tế vừa lý thú. Nó cũng là một phần rất quan trọng trong ngành khoa học chống lão hóa lành mạnh. Nó quan trọng đến mức tôi đã dành cả Chương 2 để giải thích cho bạn những đặc tính đáng kinh ngạc của nó. Nhưng hiểu một cách đơn giản nhất, biểu hiện gien là cách gien trò chuyện với tế bào. Biểu hiện gien nói cho một tế bào biết nó sắp trở thành điều gì.
Sự biểu hiện tươi trẻ của gien ở độ tuổi thiếu nhi thể hiện ở việc tế bào da của chúng rất trẻ trung, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Khi bạn nhìn thấy một người trưởng thành trẻ hơn tuổi thật của họ, gien của họ vẫn đang tiếp tục biểu hiện như thể họ còn rất trẻ. Gien của họ vẫn “trò chuyện” như những gien trẻ trung, và kết quả là cơ thể họ duy trì được sự tươi trẻ. Những người như vậy thường có làn da đàn hồi, mượt mà và nước da tuyệt vời - những dấu hiệu của tuổi trẻ.
Thật kỳ diệu đúng không? Bà ngoại và mẹ tôi gần như đã đúng. Nhưng đáng ra họ nên nói rằng: “Biểu hiện gien của nó tốt thật”. Họ chỉ bỏ sót một điều quan trọng là sự biểu hiện. Bạn thấy đấy, lão hóa không nằm trong gien, mà nằm trong biểu hiện gien.
Mẹ (và bà tôi) nói câu kia vì đó là kiến thức của họ về lão hóa và gien ở thời điểm đó. Họ tin chắc rằng những ai trông trẻ hơn đơn giản là do có gien tốt, và chúng ta chẳng thể làm gì hơn.
Điều này khiến một nhà khoa học như tôi khá hoang mang. Người ta sẵn sàng chấp nhận rằng nhân loại có thể “làm gì đó” để cải thiện mọi thứ từ những dịch bệnh nghiêm trọng như đậu mùa hay ung thư, cho đến những phiền toái thường nhật như đau họng, khó tiêu hay xước măng rô. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là người ta lại không tin rằng ta có thể thật sự tác động được đến việc lão hóa.
Vậy tin tốt lành là đây: những công trình nghiên cứu trong nhiều năm qua đã sinh ra nhiều khám phá khoa học về quá trình lão hóa, và tôi đoan chắc rằng hiện giờ ta đã hiểu và có khả năng tác động hơn xưa không chỉ tới các dấu hiệu và triệu chứng của sự lão hóa, mà còn tới những nguồn gốc của sự lão hóa vốn được che giấu rất kỹ trong gien.
Trước kia, bạn ghen tị với những người được ban tặng gien tốt, và cho rằng nếu cơ thể bạn không lão hóa một cách khỏe mạnh và đẹp đẽ, thì đó chỉ vì bạn không có gien tốt mà thôi. Tin tốt cho bạn là những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng bạn cũng có những gien tốt. Bạn chỉ cần biết cách giữ cho gien của bạn biểu hiện ra theo một kiểu trẻ trung hơn.
HÃY KHIẾN MỌI NGƯỜI PHẢI ĐOÁN TUỔI CỦA BẠN
Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu chúng ta có thể giúp làn da đang lão hóa khôi phục trạng thái da trẻ trung? Việc thúc đẩy sức khỏe và sinh khí trong trái tim, cơ bắp và não bộ; giúp chúng thực hiện chức năng của mình như những ngày còn trẻ chẳng phải là rất tuyệt vời sao? Vâng, tin tốt là điều này hoàn toàn có thể!
Gần đây, nghiên cứu về di truyền học đã mở ra khả năng tác động đến biểu hiện gien, qua đó cuối cùng đạt được mục tiêu tác động đến những con đường chức năng có liên quan trực tiếp đến sự lão hóa. Bằng cách tận dụng triệt để những khám phá này, bạn có thể kiểm soát sự lão hóa của mình và khiến mọi người phải đoán mò về tuổi của bạn trong những năm tới.
LÀN DA TRẺ TRUNG PHẢN ÁNH SỨC KHỎE
Y học đã tạo nên những tiến bộ vượt bậc trong việc kiểm soát bệnh tật, nhưng chúng ta chỉ mới bắt đầu đối phó được với những thiệt hại ngầm bên trong cơ thể do tác hại của ô nhiễm tràn lan, các gốc tự do (free radicals) và chất độc của thực phẩm chế biến, chưa kể rượu và thuốc lá. Tuổi thọ dài hơn đồng nghĩa với việc cơ thể của chúng ta, mà đặc biệt là làn da, đang phải chịu đựng.
Một trong những lý do đầu tiên thúc đẩy tôi đồng hành cùng Nu Skin là vì sự tận tuỵ của họ với việc nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả sự hết lòng của họ với việc khám phá và nghiên cứu chống lão hóa. Ban đầu, chúng tôi dành phần lớn sự chú ý cho những lý do gây ra lão hóa ở da.
Tại sao chúng tôi lại tập trung vào da trước hết? Bởi vì da là bộ phận cơ thể lớn nhất ta có thể nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận, nên việc nghiên cứu về da sẽ dễ dàng hơn. Thật vậy, làn da phản ánh rất nhiều khía cạnh của sức khỏe. Nó có thể phản chiếu sinh khí và mức độ trẻ trung của bạn. Làn da trẻ trung nhìn rất khỏe mạnh. Nó dày dặn, đàn hồi và rạng rỡ. Nó hồi phục nhanh hơn khi bị trầy, bị cắt hay bị dập. Nó cũng ít vết nám hơn. Bằng cách chọn da làm mô hình nghiên cứu, chúng tôi đã tạo nên bước đột phá tuyệt vời trong và ngoài tất cả các khía cạnh của chống lão hóa.
Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn về những khám phá mà chúng tôi đã đạt được, cũng như tầm ảnh hưởng của chúng đến bạn. Và bạn sẽ có câu trả lời riêng cho câu hỏi về tuổi trẻ và sức sống của mình.