Đây là phần tôi đã viết năm 1984 và xuất hiện thường xuyên trên các trang báo. Tôi đính kèm ở đây vì tôi nghĩ nó có thể có ích cho những độc giả chưa từng đọc cuốn sách nào của tôi.
Năm 1613, khi Galileo Galilei đưa ra những bằng chứng toán học về học thuyết của Corpernicus rằng Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời chứ không phải điều ngược lại, những bằng chứng đấy đã bị Giáo hội Công giáo La Mã gắn mác là “sai lầm và vô lí”. Galileo bị buộc phải từ bỏ niềm tin đó, và có lẽ cái kết không thể tránh khỏi là ông trở thành một người mù. Phải 300 năm sau Giáo hội cuối cùng mới quyết định thừa nhận những thành tựu của Galileo và loại bỏ những tác phẩm của ông ta ra khỏi Danh sách các cuốn sách cấm của Giáo hội.
Giờ đây, chúng ta đang ở vị trí tương tự như vị trí của Giáo hội thời Galileo, nhưng chúng ta ngày nay có nhiều thứ bấp bênh hơn rất nhiều. Thứ chúng ta quyết định là sự thật hay ảo tưởng sẽ có những hệ quả nghiêm trọng với sự tồn vong của loài người hơn là tình huống ở thế kỉ XVII. Trong vài năm gần đây, đã có nhiều bằng chứng cho thấy ảnh hưởng tiêu cực từ những sang chấn mà trẻ con phải chịu đựng từ xã hội, dẫn đến bạo lực khó hiểu trong xã hội và hiện tượng lạm dụng trẻ em được lặp lại ở thế hệ sau – một hiện tượng mà chúng ta vẫn bị cấm thừa nhận. Những tri thức này có liên quan đến từng người, và nếu được phổ biến đủ rộng rãi, sẽ dẫn đến những thay đổi nền tảng trong xã hội, hơn hết là việc tạm ngưng hiện tượng bạo lực đang ngầm leo thang. Những luận điểm sau đây nhằm nhấn mạnh những gì tôi muốn nói:
1. Mọi trẻ em sinh ra có quyền được lớn lên, được phát triển, được sống, được yêu thương, và được bộc lộ nhu cầu và cảm xúc của mình để tự bảo vệ bản thân;
2. Vì sự phát triển của chính mình, trẻ em cần được người lớn tôn trọng, bảo vệ, coi trọng, yêu thương và chân thành giúp đỡ để có định hướng tốt hơn khi bước chân ra thế giới;
3. Khi những nhu cầu cần thiết này không được đáp ứng và thay vào đó, đứa trẻ bị lợi dụng vì những nhu cầu của riêng người lớn thông qua hành vi lạm dụng, đánh đập, trừng phạt, thao túng, ruồng bỏ hoặc lừa dối mà không có sự can thiệp của bất kì người chứng kiến nào, thì tiềm năng phát triển toàn diện của đứa trẻ đó sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài;
4. Những phản ứng bình thường đối với những chấn thương kiểu này là sự tức giận và đau đớn. Song, vì trẻ em phải sống trong môi trường độc hại bị cấm bộc lộ sự tức giận của mình. Chúng không thể chịu đựng nỗi đau này một mình. Chúng bị thôi thúc phải kiềm chế cảm xúc của mình, dồn nén mọi kí ức sang chấn, và lí tưởng hóa những tội lỗi lạm dụng đó. Sau này, chúng sẽ chẳng còn nhớ đến những gì chúng phải chịu đựng nữa;
5. Khi bị tách biệt khỏi nguyên nhân ban đầu, những cảm xúc tức giận, bất lực, tuyệt vọng, khao khát, lo lắng và đau đớn sẽ được bộc lộ thông qua những hành vi tiêu cực chống đối người khác (hành vi phạm tội, giết người hàng loạt,…) hoặc chống lại chính mình (nghiện thuốc, nghiện rượu bia, mại dâm, rối loạn tâm thần, tự tử,…);
6. Nếu những người này trở thành cha mẹ, họ sẽ thường hành động theo xu hướng trả thù cho những ngược đãi thời thơ ấu của mình thông qua con cái của chính họ. Họ coi chúng như những tải thể để họ trút bỏ những tổn thương và nỗi đau của mình. Lạm dụng trẻ em vẫn được chấp nhận, thực tế là còn được đánh giá cao trong xã hội chừng nào nó núp dưới cái nhãn “giáo dục trẻ em”. Có một sự thật đau đớn là cha mẹ đánh đập con cái để chạy trốn những cảm xúc không mong muốn bắt nguồn từ những trải nghiệm tuổi thơ cùng cha mẹ họ;
7. Nếu những đứa trẻ bị ngược đãi, khi lớn lên không trở thành tội phạm hoặc mắc các chứng tâm thần, chắc chắn họ đã ít nhất một lần tiếp xúc với một người biết rõ ràng rằng vấn đề nằm ở hoàn cảnh sống, chứ không phải bản thân đứa trẻ. Về vấn đề này, tri thức và sự thiếu hiểu biết của một phần xã hội có thể là công cụ cứu rỗi hoặc hủy hoại một cuộc đời. Nhưng khi đã biết đến những điều mà tôi nói ở đây, đấy sẽ là cơ hội tuyệt vời cho người thân, những nhân viên xã hội, những nhà trị liệu, thầy cô giáo, các bác sĩ tâm thần, quan chức, và y tá để hỗ trợ đứa trẻ và có niềm tin vào đứa trẻ;
8. Cho đến hiện tại, xã hội vẫn đang bảo vệ những người lớn xác và trách cứ nạn nhân (đứa trẻ). Nhiều người vẫn mù quáng tin tưởng vào các học thuyết, những nguyên tắc giáo dục từ xa xưa mà theo đó, trẻ em được xem như những sinh vật láu cá, dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, chúng bịa ra những câu chuyện và tấn công người cha người mẹ vô tội của chúng, hoặc có khao khát tính dục với họ. Trên thực tế, trẻ em thường tự trách bản thân vì sự tàn nhẫn của cha mẹ và tha thứ cho cha mẹ, những người chúng yêu thương vô điều kiện và luôn có trách nhiệm đến cùng;
9. Trong những năm gần đây, nhờ những phương pháp trị liệu mới, người ta đã chứng minh được rằng: Những trải nghiệm sang chấn bị dồn nén từ thời thơ ấu được lưu trữ trong cơ thể. Dù ở trạng thái vô thức, những trải nghiệm này vẫn có ảnh hưởng nhất định đến một người khi trưởng thành. Ngoài ra, việc kiểm tra điện thai đã hé lộ một sự thật mà hầu hết người lớn không biết: Một đứa trẻ có thể phản ứng lại và học hỏi cả sự dịu dàng lẫn tàn nhẫn ngay từ giai đoạn thai nghén;
10. Dưới ánh sáng của tri thức, ngay cả một hành vi vô lí nhất cũng hé lộ mạch chuyện có lí bị ẩn giấu, khi những trải nghiệm sang chấn thời thơ ấu không còn ẩn mình trong bóng tối nữa;
11. Hiện tại, sự nhạy cảm với thái độ nhẫn tâm mà trẻ em phải chịu đựng, nhìn chung vẫn bị phủ nhận. Nhưng chỉ khi chúng ta dám nhìn nhận vấn đề lạm dụng này thì tình trạng bao lực dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác mới có thể chấm dứt;
12. Với những người mà khi còn bé, quá trình phát triển của họ không bị tổn hại nhiều, những người được bảo vệ, tôn trọng và được đối xử bằng sự chân thành từ cha mẹ, cả giai đoạn thơ ấu lẫn trưởng thành, họ thường là những người rất thông minh, phản ứng nhanh, dứt khoát và cực kì nhạy cảm. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, họ không cảm thấy cần phải hủy hoại hay làm tổn thương chính mình hay ai khác. Họ sẽ sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ bản thân và không làm tổn thương người khác. Họ sẽ tôn trọng và bảo vệ những người yếu đuối hơn mình, bao gồm cả con cái của họ. Đây là những gì họ học được từ trải nghiệm của mình và bởi chính nhận thức này (chứ không phải trải nghiệm về sự nhẫn tâm) đã được lưu trữ bên trong họ ngay từ lúc họ mới có hình hài. Họ sẽ thấy thật kì lạ khi các thế hệ đi trước phải xây dựng một nền công nghiệp chiến tranh khổng lồ để cảm thấy thoải mái và an toàn ở thế giới này. Họ không có những thôi thúc vô thức phải gạt bỏ những nỗi sợ hãi về mối nguy hiểm nảy sinh từ khi chào đời. Họ sẽ nỗ lực đối mặt với những khó khăn, thách thức khi họ lớn lên một cách lí trí và sáng tạo hơn.