C
húng ta đã thấy được bản chất của thị trường - sự trao đổi xảy ra giữa người với người.
Chúng ta cũng đã thấy rằng người tiêu dùng là mục tiêu của toàn bộ quá trình. Đó là bởi lý do duy nhất để con người thực hiện sản xuất bất cứ sản phẩm gì là có hàng hóa để tiêu thụ, để sử dụng và được ưa chuộng bởi thứ hạnh phúc mà người sản xuất cung cấp. Bởi vậy, người tiêu dùng mà một mặt hàng cụ thể nào đó nhắm tới chính là người mang đến sự phán xét sau cùng về mức độ đáng giá của nó.
Đấy là những giá trị đáng giá đối với người tiêu dùng. Anh ta không thể có được mọi thứ, nên anh ta biểu thị những giá trị tương đối và sở thích của bản thân thông qua mức giá mà anh ta sẵn lòng trả.
Bạn có thể không làm việc trực tiếp với người tiêu dùng. Ví dụ, bạn có thể ăn lương từ một chủ lao động, người này bán hàng cho những doanh nhân khác - những người cuối cùng gặp mặt người tiêu dùng. Nhưng nguyên tắc thì vẫn vậy. Những doanh nhân này đang cố gắng làm hài lòng người tiêu dùng với mức giá thấp nhất - để tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho chính họ.
Và họ, cũng như tất cả những người khác mà bạn làm việc cùng, đều đang đánh giá bạn. Họ đang cố gắng xác định xem liệu bạn có thực sự đang giúp họ cung ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Và nếu có, thì mức giá mà bạn đòi hỏi họ trả cho dịch vụ của bạn có ngang ngửa với những gì mà người tiêu dùng sẵn lòng chi trả không? Hoặc liệu có cách nào khác có thể vẫn làm ra sản phẩm dịch vụ nhưng ít tốn kém hơn so với những gì bạn đòi hỏi từ họ hay không?
Trong mọi trường hợp, sự thành công của bạn phụ thuộc vào giá trị mà người khác gán cho dịch vụ của bạn.
Con người chỉ trả cho những gì mà họ muốn - nên bạn sẽ thành công chỉ khi bạn cung cấp cho họ thứ họ muốn.
Điều đáng ngạc nhiên là có rất ít người từng phủ nhận điều này. Nhiều người nói rằng họ nhận thức được điều đó. Nhưng nhìn họ mà xem. Có phải hành động của họ có ngụ ý rằng họ từng quan tâm đến nhu cầu, mong muốn của người khác hay không?
Trên thực tế, điều bất ngờ là có rất nhiều người cố gắng thực hiện thứ sai lầm phổ biến kia - đó là niềm tin rằng một người sẽ sẵn lòng làm thứ gì đó không mang lại lợi ích cho bản thân anh ta.
Những người này cố gắng “lợi dụng” người khác, kiếm chác từ người khác, tước đoạt mọi thứ từ người khác mà chẳng đổi lại bất cứ thứ gì. Thế rồi họ lại ngạc nhiên khi mọi người không còn sẵn lòng hợp tác với họ.
Một số người khác lại gợi nhắc hình ảnh “những tay tư bản béo ị” thao túng cổ phiếu, hàng hóa và con người để thỏa mãn mục đích của họ. Đó đều là những ý nghĩ kỳ quặc, bởi chẳng ai lại muốn tiếp tục làm ăn với họ khi mà “những kẻ thao túng” kia là người duy nhất được hưởng lợi.
Chẳng ai sẵn sàng làm bất cứ điều gì trừ khi anh ta xét thấy rằng đó là lựa chọn sinh lời nhất của anh ta. Điều này cũng đúng với bạn - và đúng với tất cả mọi người trên thế giới này. Trừ khi bạn chứng minh được với mọi người rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn phục vụ cho sở thích của chính họ, họ sẽ chẳng bao giờ bỏ tài nguyên của họ cho bạn.
Nếu tài nguyên của con người trên thế giới này luôn đủ đầy không bao giờ thiếu hụt, người tiêu dùng có thể mua và có được bất cứ thứ gì họ muốn. Vậy thì sẽ chẳng có gì phải băn khoăn về việc làm sao để thành công.
Nhưng sự thiếu hụt lại quá rõ ràng - những khao khát luôn vượt quá tầm nguồn tài nguyên. Đây cũng là điều mà nhiều người bỏ qua hoặc cố thử thách. Nhưng đó là sự thật: khao khát luôn vượt quá tầm tài nguyên. Hãy chứng minh điều này:
Dành vài phút để lập một danh sách tất cả những thứ mà bạn thích và muốn có được nhưng lại đang không có. Khi bắt đầu danh sách, bạn chắc hẳn cho rằng sẽ mất kha khá thời gian để hoàn thành danh sách. Sau cùng, nếu bạn đang tạo danh sách những thứ mà bạn thích và muốn có, bạn sẽ cố thêm vào đó hàng nghìn thứ ấy chứ.
Sự thật là, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bạn chẳng bao giờ đủ thì giờ làm việc suốt cả đời để kiếm đủ nguồn tài nguyên nhằm phục vụ cho việc có được mọi thứ trong danh sách của bạn. Bạn sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn được tất cả những khát khao của bản thân. Đó là lý do tại sao bạn phải phân biệt - phải lựa chọn - giữa những khao khát này dựa trên nguồn tài nguyên mà bạn vốn có.
Tất cả mọi người đều có cùng tình thế - khao khát luôn vượt quá tầm tài nguyên. Kể cả người giàu nhất thế giới cũng chẳng bao giờ có đủ tài nguyên (thời gian, năng lượng, tri thức, và tài sản) để làm mọi thứ mà anh ta muốn.
Nên bất cứ ai cũng đang lựa chọn. Nghĩa là một món hàng sẽ không tự động được bán đi chỉ vì ai đó đã dành thời gian để làm ra nó. Mọi mặt hàng được sản xuất ra phải phù hợp với tỷ lệ giá trị của người tiêu dùng và phải là những mặt hàng cấp thiết nhất trong thang tỷ lệ giá trị của những người đó.
Đó là lý do tại sao bạn sẽ chỉ thành công nếu bạn đang cung ứng cho người khác thứ họ muốn trong phạm vi nguồn tài nguyên hữu hạn của họ.
Bởi vậy, đây là một nửa bí mật của thành công: Bạn sẽ thành công nếu bạn cung cấp cho con người thứ mà họ muốn.
Nhưng đó chỉ là một nửa của bí mật thôi. Nhiều người nhận thức được nửa này mà vẫn gặp thất bại. Nhiều người làm ra sản phẩm mà họ nghĩ rằng người khác sẽ thích chúng, đưa ra nhiều dịch vụ mà họ nghĩ rằng người khác sẽ sẵn lòng chi tiền. Nhưng họ phát hiện ra rằng họ đã sai.
Tại sao họ sai? Tại sao họ không thể làm ra thứ mà người khác muốn?
Để có được câu trả lời, hãy quay lại với chương hai. Ở chương này, chúng ta nhận thấy rằng việc thừa nhận sự thật là ai ai cũng tìm kiếm hạnh phúc là chưa đủ. Chúng ta còn phải thừa nhận một điều nữa là hạnh phúc mang tính tương đối. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về những gì mang lại cho họ hạnh phúc.
Có hàng tỷ người trên thế giới này - và ai cũng sống cuộc đời của riêng mình, chẳng ai giống ai. Mỗi người đều có một xuất thân riêng, một tầm tri thức riêng, khát khao, giá trị, và tiêu chuẩn riêng.
Và sai lầm mà phần lớn mọi người đều phạm phải là sử dụng hệ giá trị của bản thân để quyết định nhu cầu và mong muốn của người khác - trong khi trên thực tế, những giá trị đó lại khác rất xa với giá trị của người khác, những người được mong đợi trở thành khách hàng tiềm năng.
Điều bạn muốn không quyết định việc người khác có mua hàng của bạn hay không - mà điều họ muốn mới là thứ quyết định. Đáp án đó chỉ có thể đến từ họ, không phải bạn.
Người thành công sẽ là người cung ứng cho người khác thứ mà những người đó cần. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang chơi trò may rủi với thành công hoặc thất bại. Bạn sẽ chỉ đơn thuần đoán mò xem người khác muốn gì rồi hi vọng là mình sẽ ăn may mà cung cấp trúng thứ đó.
Nhưng chỉ bằng việc sử dụng những nguyên tắc này, bạn có thể đảm bảo thành công của bản thân.
Có một bí mật của thành công - một con đường dẫn cuộc đời bạn thoát khỏi sự may rủi và làm chủ được tương lai của chính mình - có một phương pháp giúp bạn có thể có được những thứ mà bạn muốn trong thế giới này.
Tất cả những gì bạn phải làm là tìm ra những gì con người muốn - thay vì đoán già đoán non, thay vì bóc trần họ.
Có một quy luật có thể tổng kết những gì cần làm - một công thức hài hòa tuyệt đối với thế giới thực này. Và bí mật của thành công chính là:
Tìm ra những gì con người muốn và giúp họ có được nó!
Đó là cách bạn tách mình khỏi đám đông những kẻ chỉ biết “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là cách bạn đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ luôn “cháy hàng”. Đó là cách bạn được quyền ra giá cao trên thương trường - bằng cách chắc chắn rằng bạn đang cung cấp những thứ mà con người thực sự muốn có.
Bạn làm điều này bằng cách nỗ lực tìm ra những gì mà con người muốn trước khi quyết định những gì mình sẽ sản xuất và bán ra. Bạn tính trước mọi thứ, nhưng bạn cũng hiểu rõ sự khác nhau giữa tính toán hợp lý và đoán mò. Bởi phỏng đoán có nghĩa là bạn chỉ đang đơn thuần áp đặt những mong muốn của mình thành mong muốn của người khác.
Nhưng tính toán thì lại khác, tính toán nghĩa là bạn đang thực sự dấn thân vào thương trường và tìm ra những gì mà con người khao khát nhất, và họ sẵn lòng trả giá để có được chúng đến đâu - rồi sau đó mới làm việc để tạo ra và cung cấp những thứ đó.
Tự hỏi bản thân: ngay lúc này , bạn hiểu được bao nhiêu về đặc trưng tìm kiếm hạnh phúc, về động cơ lợi nhuận của những người mà bạn đang mong đợi sẽ mua hàng của bạn - những người có thể là ông chủ của bạn hoặc khách hàng của bạn? Bạn đã từng nỗ lực để khám phá những kế hoạch cụ thể của họ, lộ trình tìm kiếm hạnh phúc của họ hay chưa? Nếu không, làm sao bạn biết được sáng mai họ có mua những thứ mà họ vừa mua từ bạn ngày hôm qua?
Bạn có sẵn lòng phó mặc mọi thứ cho may rủi?
Lịch sử nước Mỹ cũng gọi tên một vài nhân vật “ăn may” đúng lúc gặp thời. Họ vô tình cung cấp cho người tiêu dùng thứ mà họ muốn rồi nhận lại món hời khổng lồ. Nhưng những ví dụ ngẫu nhiên như vậy chỉ là thiểu số, và cơ may để nó xảy ra với bạn là ít hơn 1/10.000.000.
Mặt khác, những nhân vật như Henry Ford, Thomas Edison, John D. Rockerfeller, Andrew Carnegie, và những người giàu sụ khác không hề ngẫu nhiên mà tạo ra được khối tài sản kếch xù. Những người này nắm bắt được quy luật của thị trường và chẳng bao giờ cố ý phó mặc tương lai của mình cho may rủi.
Họ đã nỗ lực để tìm ra những thứ mà mọi người sẵn lòng trả giá, để dựa vào đó và đưa ra quyết định của mình. Họ không bao giờ đánh lừa bản thân bằng suy nghĩ rằng một người có thể mua thứ mà anh ta không thực sự cần. Họ chẳng bao giờ dám tưởng tượng là họ có thể bán được những sai lầm đó.
Không, những nhân vật này kinh doanh bằng cách tìm ra thứ mà người tiêu dùng cần. Thế rồi những người tiêu dùng đã tưởng thưởng thật hậu hĩnh cho việc những nhân vật này làm ra sản phẩm mà họ muốn, đúng lúc họ cần, với mức giá mà họ sẵn lòng chi trả.
Những người đố kỵ một cách cay đắng với những nhân vật kia chỉ bởi họ không sẵn lòng làm những thứ mà những nhân vật đó đã làm - hoặc thậm chí không biết đến những gì mà những nhân vật đó đã làm.
Những kẻ chỉ biết “há miệng chờ sung” kiểu này sẽ mãi mãi chỉ ngồi đó và ước ao. Trong khi, những người nhìn thế giới với bản chất vốn có của nó, thừa nhận rằng khách hàng là Thượng đế, biết nỗ lực để tìm ra những gì mà người tiêu dùng cần - mới là những người tạo nên của cải. Con người sẽ luôn tưởng thưởng cho họ - bởi con người sẽ chẳng muốn sống mà thiếu những sản phẩm, dịch vụ của họ.
Nếu bạn chưa từng là một Rockerfeller hay một Carnegie, mức độ thành công của chính bạn sẽ phụ thuộc vào cách bạn sử dụng bí mật của thành công. Và phần còn lại của cuốn sách sẽ được dành trọn để cho bạn thấy cách bạn sử dụng bí mật này, cũng như cách khiến bí mật này hoạt động có hiệu quả với bạn.
Chúng ta sẽ cùng phát triển những kỹ thuật có thể được sử dụng để tìm ra những gì con người muốn và mức độ họ sẽ sẵn lòng trả giá cho chúng. Chúng ta sẽ nhìn thấy cách bạn trở thành một người bán hàng - bán những sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống thường nhật, để giúp bạn có được công việc tốt hơn, hoặc chỉ để giúp bạn có được những mối quan hệ tốt hơn với gia đình và bạn bè của bạn - bằng cách sử dụng bí mật này của thành công.
Và chúng ta cũng sẽ thấy rằng chẳng có ngoại lệ nào đối với quy luật thành công cả. Quy luật này 100% là hữu dụng. Nếu có bất kỳ ngoại lệ nào xảy ra với bạn, chúng có thể sẽ được đề cập đến trước khi bạn đọc hết cuốn sách.
Đây là cuộc đời của bạn , bạn sẽ làm gì với nó? Tương lai của bạn thực sự nằm trong tay bạn. Bạn chẳng thể giao trách nhiệm đó cho ai cả. Bạn thành công hay thất bại, điều đó phụ thuộc vào việc bạn thực hiện bí mật của thành công tốt đến đâu.
Để khiến cuộc sống của bạn trở nên tuyệt vời nhất, bạn phải:
Tìm ra những gì con người muốn và giúp họ có được nó!