Hồi còn nhỏ, tôi rất hay gặp đi gặp lại một cơn ác mộng. Đất dưới chân tôi rung lên và một ngọn núi lửa tuôn trào ra nham thạch nóng đỏ. Đại dương biến thành một ngọn sóng khổng lồ bao trùm lên tất cả mọi thứ, hủy hoại nhà ở và các công trình, mọi người vừa chạy tán loạn vừa la hét giữa những tiếng rền vang của đất.
Có những giai đoạn gần như đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy cơn ác mộng này. Giờ thì tôi không còn bị giấc mơ ấy quấy nhiễu nữa. Thực tế, nó đã ngừng lại khi tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên về các tinh thể nước của mình. Nhưng tôi ngờ rằng qua bao nhiêu năm, tôi đã thấy giấc mơ này đến hàng nghìn lần. Đôi khi nó làm tôi sợ tới mức tôi nhảy khỏi giường, tỉnh như sáo và sẵn sàng chạy thoát thân. Tới ngày hôm nay, tôi vẫn không biết ý nghĩa của giấc mơ đó là gì hay vì sao tôi lại gặp nó nhiều lần như vậy. Tôi biết nó chỉ là một giấc mơ, nhưng cái cảnh tượng địa ngục đó vẫn lẩn khuất trong tâm trí tôi, như thể nó hoàn toàn có thật vậy.
Giai đoạn chuyển mình của thế kỷ dường như là quãng thời gian đặc biệt bất ổn và bấp bênh. Đó là một trong những kết quả là sự quan tâm lớn hơn tới các vấn đề tâm linh. Phải, chúng ta đã sống sót qua sự kiện tháng Bảy năm 1999 – tháng mà nhà tiên tri Nostradamus đã dự báo thế giới sẽ bị diệt vong và năm 2000 tới rồi đi mà các máy tính không hề nổi dậy chống lại chúng ta. Trong khi nhiều người còn có thể nhớ lại cảm giác rằng có điều gì đó rất khủng khiếp sắp sửa xảy đến, nhiều người khác tin rằng chúng ta đã đứng ở bờ vực của một giai đoạn lịch sử nhân loại, khi mà tất cả các hiểu biết và trí tuệ của rất nhiều năm rất có thể sẽ tích tụ lại để tạo nên một thời kỳ vàng son. Và những người không có cảm giác ấy thì ít nhất cũng hy vọng về một tương lai như thế. Nhưng lòng hy vọng chứa chan ấy chẳng kéo dài lâu.
Ngày 11 tháng Chín năm 2001 ập tới và mọi thứ đều thay đổi. Những ngọn lửa chiến tranh bốc lên ở Trung Đông, Afghanistan, Iraq và Israel. Trang đầu tiên của thế kỷ ngập tràn hy vọng của chúng ta đã nhuốm đầy máu. Rồi tới cơn sóng thần ác liệt ở Ấn Độ Dương tháng Mười hai năm 2004 và cơn bão Katrina năm 2005. Và tôi nhớ lại cơn ác mộng thời thơ ấu.
Lúc nào cũng có những người tin vào hồi kết của nhân loại, sự hủy diệt của thế giới và thảm họa toàn cầu thì đang cận kề ngay trước mắt chúng ta. Tôi không tin tương lai ảm đạm đó đang chờ đón chúng ta, và tôi vẫn luôn cố gắng kiên cường chống lại những dự đoán tiêu cực ấy. Lý do tôi lạc quan như vậy là vì tôi cảm thấy rằng những ngôn từ khắc sâu trong tim chúng ra rất có thể sẽ có tác động lên hướng đi của thế giới này.
Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng đôi khi có vẻ như thế giới quả thật đang bước những bước dẫn thẳng tới sự hủy diệt của nhân loại. Dù bạn có cố gắng để sống tích cực đến đâu đi nữa, cũng thật khó để ngó lơ trước sự thật rằng chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề do chính chúng ta tạo ra.
Với việc dân số toàn cầu được dự đoán sẽ bùng nổ gấp 1,5 lần trong 50 năm tới và bốn lần trong 100 năm tiếp theo, với tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt, với điều kiện môi trường bị hủy hoại nhanh chóng, sự sống còn của chúng ta thật mong manh.
Một số báo cáo nói rằng 1 độ tăng lên trong khoảng giữa 4 và 6 độ C trong vòng 100 năm sẽ làm tăng mực nước biển lên 80 tới 150 cm và nhấn chìm nhiều vùng lãnh thổ mà chúng ta đang cư ngụ.
Và chẳng có gì đảm bảo rằng sự thay đổi đó sẽ diễn ra từ từ. Những hòn đảo lớn ở Biển Nam giờ đây đã hoàn toàn chìm dưới biển. Quá trình dâng lên của các đại dương kết hợp với một cơn sóng thần tương tự như cơn sóng thần chúng ta vừa mới chứng kiến có thể quét sạch nhiều thành phố lớn và toàn bộ nền văn minh ở một số khu vực của thế giới. Thời tiết bất ổn là một mối lo ngại khác. Những cơn mưa rào và những trận hạn hán bất thường đang trút sự tàn phá lên nguồn cung lương thực thế giới.
Đôi khi tôi ngờ rằng giấc mơ lặp lại hồi nhỏ của mình không chỉ là giấc mơ của một đứa trẻ. Chúng ta có thể làm gì để thay đổi quá trình này, dù chỉ một chút thôi? Có một giải pháp là thay đổi cách chúng ta sống cùng các cấu trúc và hệ thống hình thành nên xã hội.
Các mối lo về môi trường
Trong Chương Ba, tôi đã thảo luận về ảnh hưởng dội lại của dòng nước bị chặn. Chúng ta cũng thấy kết quả tương tự khi chúng ta can thiệp vào chu kỳ sống tinh tế hình thành nên các hệ sinh thái.
Một trong những hồi chuông cảnh báo đầu tiên là cuốn Mùa xuân thầm lặng (Silent Spring) của Rachel Carson – người đã tiết lộ rằng những loại thuốc trừ sâu như DDT làm ô nhiễm nước và đẩy toàn bộ các loài chim, cá tới bờ vực tuyệt chủng. Mùa xuân thầm lặng kể về câu chuyện thuốc diệt côn trùng Dieldrin đã được phun trong địa phận và xung quanh khu vực Sheldon, Illinois nhằm tiêu diệt bọ xít Nhật và ngăn quá trình lan sang phía Nam của loài này. Các chất hóa học ngấm vào trong đất, giết chết hoặc đuổi toàn bộ bọ xít và các côn trùng khác. Sau khi ăn những côn trùng này hay tắm trong nước ô nhiễm, chim cổ đỏ, chim trĩ, chim sáo đá bắt đầu chết, tiếp theo đó là sóc, thỏ và hơn 90% mèo ở các trang trại. Ngay cả cừu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng chết người của các chất hóa học.
Carson đồng thời cũng tiết lộ về ảnh hưởng của các chất hóa học lên cá hồi di cư (salmon) và cá hồi không di cư (trout) ở các sông và tỉ lệ ung thư tăng lên ở người. Nhưng tất cả những điều này không ngăn chính quyền bang và liên bang ngừng phun các loại thuốc diệt côn trùng ngày càng mạnh hơn vào các năm sau đó.
Đúng như dự đoán, công trình của bà bị ngành công nghiệp hóa nông nghiệp phản đối mạnh mẽ. Họ bêu xấu cuốn sách và gắn cho bà cái mác “người đàn bà điên loạn”. Nhưng khi Carson xuất hiện trên báo chí để bảo vệ mình, sự lô-gíc và lòng tự trọng của bà còn gây ấn tượng sâu sắc hơn với người đọc. Cuối cùng thì điều này dẫn tới việc chính phủ buộc phải thừa nhận rằng bà đã đúng. Óc phán đoán và lòng dũng cảm của Carson đã vượt qua cả thời đại của bà và đến ngày nay vẫn truyền dạy được cho chúng ta những bài học còn nguyên giá trị. Tôi cho rằng tất cả mọi người đang sống ở thời đại này đều nên đọc cuốn sách của bà.
Carson đã gióng lên một hồi cảnh báo sớm về nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn, nhưng đồng thời, bà còn cảnh báo cho chúng ta về ảnh hưởng chuỗi hình thành khi một mối nối của chu kỳ sống bị phá vỡ. Chúng ta đã nhìn thấy việc loại bỏ sâu bọ hay cỏ dại bằng phương tiện hóa học có thể dẫn đến sự tuyệt chủng trên diện rộng của những dạng sống khác, bao gồm cả các vi sinh vật sống trong đất. Và khi đất đã chết thì bắt buộc phải sử dụng hóa chất vĩnh viễn thì mới có thể duy trì việc trồng trọt được.
Một khi chu kỳ sống tự nhiên đã bị phá vỡ, khôi phục lại nó là điều tôi không thể. Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ lần đầu Rachel Carson cảnh báo chúng ta về tác động của thuốc trừ sâu. Chúng ta đã thấy có sự cải thiện nào cho tình hình này chưa? Ở các nước tiên tiến, ít nhất, việc sử dụng DDT, Dieldrin và các hóa chất khác mà Carson đã cảnh báo chúng ta đã bị cấm và phần lớn đã bị ngừng sản xuất. Nhưng thật đáng lên án, những hóa chất này vẫn được bán cho các nước chưa ra lệnh cấm.
Trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận và sự tiện lợi, chúng ta đã nhắm mắt với chu kỳ sống đã được hình thành qua hàng tỉ năm. Chúng ta đã làm quá nhiều điều có nguy cơ chấm dứt chu kỳ này đồng thời tạo ra một chu kỳ tàn phá và hủy diệt mới.
Chủ nghĩa vật chất không ngừng phát triển
Có bao giờ bạn có cảm giác là xã hội nói chung và bạn nói riêng đang chuyển động với tốc độ nhanh hơn cách đây 10 hay 20 năm trước không? Kim đồng hồ chắc là không tăng tốc, nhưng nhận thức về thời gian của chúng ta thì có.
Hãy tưởng tượng rằng thế giới là một con quay khổng lồ. Chúng ta sẽ gọi nó là “con quay văn hóa vật chất”. Khi văn hóa phát triển lên và chúng ta đòi hỏi nhiều hơn, con quay càng ngày càng lớn hơn. Đó chính là cách vận hành của cuộc sống trong điều kiện vật chất nặng nề của chúng ta. Mỗi năm, doanh thu phải tăng, thu nhập phải tăng và nền kinh tế phải mở rộng. Chúng ta được tôi rèn để nghĩ rằng dậm chân tại chỗ hoặc chậm lại sẽ dẫn tới suy thoái, thụt lùi và thất bại. Các mục tiêu đạt được dẫn tới việc đặt ra những mục tiêu cao hơn và những yêu cầu phải làm việc ngày càng chăm chỉ và nhanh chóng hơn. Vô cùng tận tụy, chúng ta lao động cần cù để mở rộng kích thước của con quay.
Và chúng ta, đứng trên gờ của con quay này, phải đi một khoảng cách rộng hơn rất rất rất nhiều mới hết được một vòng. Trong khi một con quay nhỏ hơn có thể hoàn thành một vòng trong một giây, con quay lớn gấp đôi – hoặc gấp một nghìn lần – sẽ cần nhiều thời gian hơn để quay được một vòng. Trong khi một con quay nhỏ có thể chỉ xoay vài centimét trong một giây, một con quay lớn hơn có thể đi được vài mét.
Kim đồng hồ của bạn vẫn chạy với tốc độ như cũ, nhưng tốc độ thay đổi diễn ra thì lại tăng lên, và có lẽ một ngày nào đó con quay này sẽ đi nhanh đến nỗi chúng ta không thể bám trụ được nữa. Chúng ta phải làm gì để hãm được tốc độ con quay này?
Tôi chỉ biết có một cách đó là từ bỏ lối sống nhanh, trọng về vật chất của chúng ta. Nói cách khác, sự lưu trú của chúng ta trên hành tinh này sẽ đòi hỏi ta phải mang hành lý nhẹ hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Bạn có thể tin rằng bạn sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn nếu bạn sống hết tốc lực, nhưng với hầu hết mọi người thì điều đó cuối cùng lại có nghĩa là làm việc chăm chỉ hơn nữa trong công việc mà họ ngày càng bớt yêu thích.
Khi xã hội mở rộng ra và cơ sở hạ tầng trở nên phức tạp hơn, vai trò của cá nhân ngày càng được phó thác cho một mảnh rất nhỏ của một bộ máy khổng lồ; cảm thấy bất lực, không thể tạo nên sự khác biệt, con người cam chịu làm theo những gì họ được bảo phải làm, không hơn. Nhưng những bước đi vĩ đại phía trước luôn luôn có thể được thực hiện bằng cách trở nên nhỏ bé hơn thay vì to lớn hơn, bằng cách tiến chậm hơn thay vì nhanh hơn.
Trong một tổ chức, người công nhân chỉ có thể mở rộng khả năng của mình tới giới hạn của chiếc hộp mà họ vận hành trong đó. Ở nhiều công ty lớn với những bộ phận được phân chia, phạm vi của phần lớn mọi người chỉ gói gọn trong nhiệm vụ trước mắt. Với một vai trò nhỏ phải đảm nhiệm trong một chiếc hộp lớn, tầm quan trọng và giá trị của mỗi vai trò là rất nhỏ, tầm nhìn và nhu cầu phát triển khả năng của người lao động cũng vậy. Nhưng khi kích thước của chiếc hộp mà mọi người vận hành bên trong bị giảm đi, vai trò của những người ở bên trong chiếc hộp lại trở nên quan trọng, có giá trị hơn và biết được điều này, nhiều người sẽ phấn đấu mở rộng các kỹ năng và năng lực. Họ tìm hiểu về đồng nghiệp của mình, giao tiếp được cải thiện, và động lực thì tăng lên. Những ý tưởng mà trước đây bị sự phức tạp của một tổ chức lớn làm cho mờ mịt sẽ trở nên rõ rệt và những sự đổi mới sẽ cách mạng hóa tổ chức. Những nhân công trẻ trong công ty sẽ nhìn thấy hy vọng và sẽ được tiềm năng vô hạn trong họ khuyến khích để thăng tiến trong công ty. Khái niệm nhỏ hơn là tốt hơn không chỉ áp dụng cho các công ty. Những kết quả tương tự cũng được nhận thấy trong chính phủ và tất cả những tổ chức khác trong xã hội.
Quan niệm đang thay đổi
Ngày càng có nhiều người bắt đầu hiểu rằng to hơn và nhanh hơn không nhất thiết đồng nghĩa với tốt hơn. Việc những tham lam và đòi hỏi vô lý chồng chất sẽ chỉ dẫn tới sự tàn phá chứ không phải thành công. Chúng ta thường thấy các định chế tài chính, những công ty xây dựng và những nhà bán lẻ đấu tranh cho sự tồn tại của mình. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng sự phá hủy Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tượng trưng cho một sự thay đổi rộng hơn đang diễn ra trong xã hội của chúng ta. Tất nhiên những vụ tấn công của bọn khủng bố là tội ác ghê tởm, nhưng một lý do khiến tòa tháp đôi ở New York trở thành mục tiêu của bọn khủng bố là vì chúng là biểu tượng cho nền kinh tế toàn cầu và một trong những tòa nhà phức hợp lớn nhất từng được xây dựng. Tôi tin rằng sự sụp đổ của nó đã góp phần thúc đẩy con người chúng ta hướng về lý thuyết của E. F. Schumacher – người đưa ra chủ trương “Nhỏ là đẹp” (Small is beautiful) trong lý thuyết kinh tế mới của ông, ở đó, con người là trung tâm.
Ngày nay, nhiều người đang tập hợp lại với nhau để hình thành những cộng đồng vượt trên những định nghĩa điển hình về láng giềng và làng xóm. Ở châu Âu, Mỹ, Úc và những nơi khác trên thế giới, các cộng đồng được hình thành với mục đích chung sống hòa bình với môi trường. Những cộng đồng này tồn tại ở rất nhiều dạng, nhưng đều có mục đích cơ bản là tách mình ra khỏi lối sống dựa trên tiêu dùng và trở thành tự cung tự cấp. Một khía cạnh khác của xu hướng này là phong trào ăn chậm (slow-food) và tiếng nói ngày càng lớn chống lại xu hướng tiêu chuẩn hóa mà chủ nghĩa toàn cầu (globalism)1 cổ xúy.
1 Quan niệm cho rằng phải đặt lợi ích của thế giới lên trước lợi ích quốc gia.
Trong những năm gần đây, chúng ta cũng đã được nghe về những đồng tiền địa phương mới và xu hướng bổ sung các hệ thống trở về với việc tập trung vào sự trao đổi hàng hóa và lao động theo giá trị ngang bằng thay cho sự mở rộng không ngừng của hiện tượng đầu cơ đang diễn ra hiện nay. Đây là một cách khác để chúng ta trở về với những nền tảng cơ bản của khái niệm cộng đồng.
Một lựa chọn thay thế tự nhiên, có thể tái tạo cho dầu
Một điểm chung của những khái niệm cũ mà mới về cộng đồng này là mối quan tâm tới môi trường. Trong một thời gian dài, dầu đã là nguồn cơn chính cho những lo lắng và mâu thuẫn của thế giới. Hầu hết các nền kinh thế giới đều được dầu tiếp sức mạnh và cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới cũng vậy. Và điều đó không nằm ngoài dự đoán. Năng lượng là nền tảng của tất cả các nền văn minh. Cuộc sống tiện nghi của chúng ta phụ thuộc vào khả năng chúng ta có tạo ra đủ năng lượng hay không. Ta có thể để những ngọn đèn neon sáng cả đêm. Luôn luôn có một cửa hàng đang mở cửa quanh đây để thỏa mãn cơn đói và khao khát của chúng ta vào lúc đó.
Nhưng điều gì sẽ xảy đến với chúng ta khi giọt dầu cuối cùng được dùng cạn? Đèn sẽ tắt và các thiết bị của chúng ta sẽ trở nên vô dụng. Nhưng đó cũng chưa phải là vấn đề vì chúng ta sẽ không thể chuyển thức ăn tới bàn được. Nền tảng đang hỗ trợ cho chúng ta quả thực rất mong manh.
Nếu cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay không bị bó buộc, ta có xu hướng nghĩ nó là vấn đề của ai đó khác. Nhưng bây giờ, ở thời buổi dư thừa, chính là lúc ta nên đặt nền tảng cho sự sống còn của những thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải tìm ra thứ gì đó thay thế được cho dầu và các sản phẩm từ dầu mà chúng ta đang phải phụ thuộc vào.
Một sự thay thế khả thi đã thu hút sự chú ý của tôi là cây gai dầu. Thiên nhiên cung cấp mọi thứ cho chúng ta theo những cách rất tuyệt vời, do đó, trước hết chúng ta nên nhìn vào tự nhiên để tìm giải pháp cho những khó khăn của mình. Cây dầu gai (hemp) có thể cung cấp rất nhiều thứ mà loài người cần có để tồn tại trên hành tinh này.
Giấy, vải và thậm chí cả nhựa đều có thể được sản xuất từ thân cây này. Một hecta cây dầu gai có thể cho gấp bốn lần lượng giấy từ một hecta cây thân gỗ. Vải làm từ thân cây dầu gai mềm mại với da hơn rất nhiều lần so với vải bông tẩm đầy hóa chất, đó là chưa kể đến việc cây dầu gai cho năng suất cao hơn bông từ ba tới bốn lần.
Từ hạt và thân cây dầu gai, có thể thu được nguyên liệu diesel, methanol và ethanol mà không sinh ra phụ phẩm khí sunfur có thể gây nên mưa axit và ô nhiễm không khí. Công ty Ford Motor thậm chí còn tạo ra một loại xe ô tô có thân bằng nhựa làm từ cây dầu gai và chạy bằng nhiên liệu dầu gai.
Dầu gai còn có thể trở thành nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho loài người. Quả của câu dầu gai cung cấp lượng protein tương đương với đậu nành và lại dễ tiêu hóa. Nó còn có chứa các axit amin và axit béo cần thiết.
Hạt cây dầu gai còn có thể được dùng để tạo ra dầu tốt cho sức khỏe. Hỏa ma nhân (huo ma ren) là tên tiếng Trung của nó và nó được sử dụng rộng rãi như một loại thảo dược. Công dụng y học của nó thì nhiều vô kể. Các sản phẩm phái sinh có thể kể đến là thuốc kháng sinh, thuốc chống suy nhược, thuốc giảm đau và thuốc chữa đau đầu. Các báo cáo cũng cho thấy các kết quả quan trọng trong việc điều trị ung thư, AIDS, thấp khớp và mẩn da. Dầu gai còn có thể được dùng làm dầu gội và mỹ phẩm do đặc tính dưỡng ẩm của nó.
Một đặc điểm khác khiến dầu gai trở nên hấp dẫn là khả năng phát triển nhanh chóng của nó. Trong 110 ngày, cây sẽ đạt tới độ cao hai hoặc ba mét, điều này cho phép người ta thu hoạch vài vụ trong một mùa. Ở Nhật, người ta đồn rằng ninja sử dụng cây dầu gai để cải thiện các kỹ năng nhảy của mình. Khi cây bắt đầu phát triển, họ có thể dễ dàng nhảy qua nó, nhưng khi nó cao lên mỗi ngày, muốn hoàn thành bài luyện tập phải đòi hỏi ngày càng nhiều nỗ lực và kỹ năng hơn nữa.
Khi cây dầu gai phát triển, nó chuyển hóa khí cacbonic thành khí oxy với tốc độ cao hơn so với hầu hết tất cả những loại thực vật khác. Lượng khí cacbon do cây dầu gai hấp thụ nhiều hơn gấp ba tới bốn lần so với các loại cây rụng lá.
Từ khía cạnh hado, dầu gai tốt cho môi trường vì nó phát ra hado tích cực. Thực tế, tốc độ rung động cao của dầu gai là điều khiến nó lớn nhanh đến vậy. Nó chính là món quà của tự nhiên có thể giải cứu chúng ta khi chúng ta cần đến.
Dầu gai được đan kết trong tấm vải lịch sử nước Mỹ. Người ta kể rằng nếu không có dầu gai để làm thừng và buồm, Columbus chẳng bao giờ có thể hoàn thành chuyến đi xuyên đại dương của mình. Ngay cả bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ cũng được viết trên giấy dầu gai. Bạn thậm chí còn có thể tìm thấy cây dầu gai được trồng trên trang trại của George Washington.
Không may, có những nhận thức sai lầm về câu dầu gai vì nó có quan hệ với cây cần sa (marijuana hay cannabis) – loại cây phi pháp ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, cơ sở cho việc sử dụng cây dầu gai đang có những dấu hiệu phục hồi. Tháng Bảy năm 2001, chiếc xe dầu gai (Hemp Car) – chiếc xe dùng nhiên liệu sinh học vận hành bằng dầu từ hạt cây dầu gai – đã rời Washington D.C và bắt đầu chuyến hành trình dọc nước Mỹ nhằm quảng bá cho lợi ích của cây dầu gai với vai trò là nguồn nhiên liệu mới.
Ở Nhật Bản cũng vậy, một chiếc xe dầu gai cũng đi xuyên quốc gia năm 2002. Một người đàn ông tên là Yahsunao Nakayama đã coi việc quảng bá công dụng của dầu gai là sứ mệnh của đời mình. Ông nói rằng trong mắt ông, câu dầu gai đóng vai trò thiết yếu với sự tồn vong của nhân loại.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, cậu bé Nakayama suýt chết đuối và có được một trải nghiệm cận tử. Cậu thấy mình được bao bọc trong ánh sáng của một thế giới khác. Cậu đã trông thấy một loài thực vật với những chiếc lá xinh đẹp và cảm nhận một cảm giác an lành tuyệt vời tỏa ra từ nó. Khi cậu tỉnh lại, trải nghiệm đó đã khiến cậu suy nghĩ ngẫm về mục đích của cuộc đời mình.
Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi cậu bé Nakayama gặp gỡ cái cây mà cậu đã thấy trong trải nghiệm cận tử của mình. Ông tuyệt đối tin tưởng rằng đây chính là loài cây sẽ giúp ông hiểu được những điều kỳ bí của cuộc sống và vũ trụ. Loại cây đó tất nhiên chính là cây dầu gai và từ đó, Nakayama đã biến việc nghiên cứu cây dầu gai thành công trình của cả đời mình.
Phiên bản xe dầu gai của Nhật xuất phát từ một thành phố nhỏ ở cực bắc Nhật Bản, hướng tới đích đến là đền thờ Thần đạo Heitate ở Quận Kumamoto. Thay cho vị trí của xăng trong động cơ diesel là dầu của cây dầu gai. Loại nhiên liệu sinh học này không phát thải khí lưu huỳnh điôxít và chỉ thải một phần ba lượng khói độc so với nhiên liệu từ dầu mỏ.
Trong suốt cuộc hành trình của mình, Nakayama đã ghé thăm nhiều nơi có liên quan tới cây dầu gai, bao gồm cả con đường dầu gai của Nhật – con đường này đã đóng vai trò mạng lưới kết nối của một xã hội tự cung tự cấp cổ đại. Thời xa xưa ở Nhật, có rất nhiều tuyến đường giao thương liên kết cả đất nước. Cùng với những con đường của muối, đường, lụa và những sản phẩm khác, còn có cả những con đường để vận chuyển dầu gai. Nếu lái xe trên con đường dầu gai, bạn có thể thấy dấu vết của một xã hội dư dả của người Nhật cổ – xã hội dựa trên tín ngưỡng thờ Mặt trời.
Thần đạo (Shinto) và cây dầu gai
Trên cuộc hành trình dài xuyên Nhật Bản, chiếc xe dầu gai đã dừng chân ở rất nhiều đền thờ Thần đạo của Nhật, nơi dầu gai giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Đích đến cuối cùng của họ là đền Heitate – được cho là ngôi đền cổ nhất ở Nhật; ngay cả cái tên của nó cũng xuất phát từ một từ tiếng Nhật để chỉ câu dầu gai.
Từ thời cổ đại, dầu gai đã đóng vai trò quan trọng trong cả đức tin và việc thực hành Thần đạo. Nó được cho là có rất nhiều quyền năng, bao gồm sức mạnh gột rửa và xua đuổi những linh hồn tà ác. Tôi ngờ rằng một lý do khiến người cổ xưa sùng bái cây dầu gai đến vậy là vì tốc độ phát triển cực nhanh – chứng tỏ tốc độ rung động cao – của nó.
Công dụng của cây dầu gai trong các đền thờ bao gồm những sợi thừng bện quanh các cây thiêng và thừng buộc chuông dùng để đánh thức các vị thần tại cửa đền. Ở đền Ise, ngôi đền thiêng nhất trong tất cả các ngôi đền Thần đạo, cây dầu gai cổ được bảo tồn cùng chiếc gương thiêng với tư cách là vật tượng trưng cho cơ thể của Thái dương Nữ thần Amaterasu (Thiên Chiếu) – vị nữ thần khai sinh ra Nhật Bản. Một lá bùa thiêng Amaterasu có liên quan đến ngôi đền dầu gai, và năm nào cũng có các nghi lễ được tổ chức theo “lịch dầu gai”.
Tín ngưỡng Thần đạo của Nhật có thể được miêu tả như tín ngưỡng của sự rung động. Nó không có người sáng lập, không có các bài giảng, không có các ghi chép thiêng liêng và không có các nghi lễ hay các tập tục với mục đích làm thức tỉnh hay tái sinh. Tư tưởng Thần đạo chủ yếu nhằm nâng cao tốc độ rung động để trục xuất những thế lực đen tối, từ đó tạo ra những khoảng không thần thánh. Tương truyền rằng vị trí của các ngôi đền cổ được lựa chọn ở những nơi có bản chất nguyên sơ và phát ra tầng năng lượng cao.
Thần đạo không tuyên bố một vị sáng lập hay một vị thần. Các ngọn núi, những dòng sông, đại dương, muôn thú, cây cối và những bông hoa đều là các vị thần và cùng với con người, tất cả là thành phần của một vũ trụ duy nhất, thống nhất. Tinh thần của tư tưởng Thần đạo là sự hòa hợp. Trong tự nhiên, không có gì là thấp kém và cũng không có gì là cao quý. Tất cả đều được trao cho một vai trò, trách nhiệm và một phần của vũ trụ sẽ mang hết bản thân mình phụng sự cho tất cả những phần khác.
Có lẽ thiên nhiên phong phú và tươi đẹp của Nhật Bản có liên hệ với sự xuất hiện của một khái niệm như thế. Với vẻ đẹp, màu sắc, âm thanh và cảnh quan của bốn mùa khác nhau, người Nhật trở nên nhạy cảm với thiên nhiên quanh họ, khiến họ có thể nhìn thấy rất nhiều các vị thần trong tự nhiên và dẫn tới việc hình thành nên một nền văn hóa tập trung vào sự trù phú và thiêng liêng của những rung động.
Khi lời cầu nguyện chạm được tới nước
Những lời cầu nguyện của Thần đạo được gọi là norito hướng tới mục đích tạo nên sự rung động – điều sẽ kết nối chúng ta với thánh thần. Ở trên tôi đã viết rằng hado từ một loại giọng nhất định có thể có tác động tới lời cầu nguyện xin được chữa lành. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm với việc đưa lời cầu nguyện vào nước cùng người dân địa phương ở những nơi như hồ Biwa (hồ lớn nhất ở Nhật); Lucerne, Thụy Sĩ; trên bờ hồ Zurich; ở Bahamas và trên những vùng khác của thế giới. Trong mỗi trường hợp đều có sự khác biệt rõ rệt giữa các tinh thể được hình thành từ nước lấy trước và sau khi cầu nguyện, và các tinh thể sau luôn luôn đẹp và tuyệt vời.
Những lời xuất phát từ trái tim tràn đầy những lời cầu nguyện ở dạng hado và điều này dẫn tới một thế giới mới còn được kiến tạo. Thế giới của bạn dần khác đi khi mọi thứ được tạo ra theo một cách hoàn toàn mới. Lời cầu nguyện của đạo Shinto không phải là lời cầu nguyện tới Đấng chỉ có Một và Duy nhất mà là lời cầu nguyện tới vô số những tạo vật thiêng liêng. Những tạo vật thiêng liêng ở đây có ý nghĩa gì? Từ khía cạnh hado, điều này có thể hình thành nên một ý tưởng.
Cân nhắc đến thực tế là có nhiều âm thanh có thể được tai của con người tiếp nhận và những âm thanh khác thì không. Âm thanh cao nhất mà con người có thể nghe được là khoảng 20 kHz1, nhưng chắc chắn là có những âm thanh ở dải tần số cao hơn như thế và chúng ta gọi mức độ âm thanh này là sóng siêu âm. Khái niệm tương tự cũng có thể được áp dụng cho ánh sáng. Quang phổ ánh sáng mà mắt người nhìn thấy được có sóng điện từ trong khoảng từ 380 đến 780 nm2, và bất cứ thứ gì nằm ngoài phạm vi này đều không nhìn thấy được. Nhưng các sóng điện từ trên 780 mn thì có tồn tại.
1 Đơn vị đo tần số, 1kHz = 1000Hz.
2 Nanomet, 1nm = 10-9m.
Nguyên lý này áp dụng được cho tất cả các giác quan của chúng ta – hoặc có lẽ chúng ta nên nói rằng những điều ta có thể cảm nhận bằng các giác quan chỉ là một phần nhỏ bé của thế giới này. Con dơi sử dụng sóng siêu âm mà tai người không thể nghe được để tránh đâm vào vách hang. Một con chó có thể phân biệt được các mùi mà chúng ta không thể. Nhiều loài động vật có những khả năng gần như siêu nhiên.
Xem xét những thực tế này, sẽ chẳng quá khó khăn để trí óc nhận thức được rằng có nhiều kiểu ý thức và dạng sống vượt quá khả năng nhận biết giới hạn của chúng ta. Có lẽ cũng không quá lạ lùng để tin vào sự tồn tại của ý thức ở tần số cao và dạng ý thức này không có cơ thể giống như chúng ta. Nếu quả thật có một thực thể như vậy, tôi ngờ rằng nó có thể tồn tại trong một vũ trụ song song với thế giới của chúng ta.
Khi một rung động được nhân đôi, nó có thể tạo ra một bộ âm thanh cao hơn một quãng tám. Và với mỗi lần nhân đôi, quãng tám lại lên cao hơn và cao hơn cho tới khi chúng ta chạm tới bộ âm thanh cao đến nỗi tai người không nghe được.
Theo cùng cách đó, gạch đá, cỏ cây, động vật và con người đều rung động ở tốc độ riêng và ở các quãng tám, chúng ta cùng đồng điệu, vì thế cũng không quá khó để giả định về sự tồn tại của một tần số tương đương ở những quãng tám nằm ngoài phạm vi cảm nhận của chúng ta. Trong giới hạn của giả thuyết này, có lẽ khi đó chúng ta có thể đi đến kết luận về sự miêu tả những vị thần của tất cả các tạo vật. Có lẽ ta có thể hình thành một mối liên hệ giữa bản thân mình và một dạng tồn tại cao hơn. Phương pháp mà tôi nói tới, tất nhiên, là cầu nguyện.
Ý thức thông thường của chúng ta
Những người mà cá nhân tôi quen biết thì chưa có ai từng được thấy gương mặt của một vị thần, dù tôi biết rằng có những người nói họ đã từng trải qua kinh nghiệm này. Tất cả những gì ta có thể làm là thu thập bằng chứng và xem xét nó. Bằng cách xem xét bằng chứng dựa trên các nguyên lý hado, tôi tin rằng hoàn toàn có thể có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này.
Nếu bạn tìm hiểu kỹ bất cứ nền văn hóa nào – cổ đại hay hiện đại, bạn cũng sẽ thấy rằng bằng cách nào đó mà mọi người đều đi tới một khái niệm về thần linh. Các kỹ sư về gien di truyền, các nhà vật lý học và các nhà khoa học khác – những người đã chạm tới ngưỡng giới hạn trong lĩnh vực của mình – đều trở nên mê mẩn trước vẻ tráng lệ và trật tự của tự nhiên và do đó, dần dần tin vào một bàn tay vô hình thực hiện công cuộc sáng tạo. Chính các tinh thể nước đã chỉ cho tôi con đường đến với nhận thức này. Một cách rất thực tế, nước chỉ cho tôi lời cầu nguyện có thể thay đổi thế giới như thế nào.
Không có một tôn giáo cụ thể nào từng độc chiếm được những đặc quyền đối với sức mạnh của lời cầu nguyện. Bất kể bạn là ai, chúng ta đều có khả năng tận dụng được sức mạnh đáng kinh ngạc và tuyệt vời này. Một khi nhận thức được điều này, trong bạn sẽ ngập tràn mong muốn giúp những người khác cũng nhận ra nó. Ngày càng có nhiều người hòa mình vào với nhận thức này, và điều đó có thể tạo nên một tương lai tuyệt vời hơn cho nhân loại.
Trong các bài thuyết trình của mình, tôi có nói rằng tôi có một cách lý giải khác cho thuyết tương đối của Einstein, thuyết này được thể hiện qua công thức E=mc2; với c thể hiện ý thức (consciousness); m thể hiện khối lượng (số lượng người); và khi số người tìm thấy được sự tỉnh thức với mong muốn biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn tăng lên, kết quả sẽ là một sự bùng nổ của E, hay năng lượng.
Trong phần trước của cuốn sách này, tôi đã nói về giáo sư Hideo Higa – người đã phát triển vi sinh vật EM độc đáo. Ông giải thích với tôi rằng trong thế giới vi sinh vật, 10% vi sinh vật là có hại. Nhưng cũng có 10% vi sinh vật có lợi. Ông gọi 80% còn lại là vi sinh vật chờ-rồi-xem. Chúng chờ cho đến khi các vi sinh vật xấu hoặc tốt ghé thăm, rồi tham gia cùng bên nào mạnh hơn.
Tôi phát hiện ra rằng điều tương tự cũng diễn ra trong xã hội loài người. Trong xã hội của chúng ta, có những khoảng 10% có khả năng và cảm thấy tiếng gọi thôi thúc biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Nhưng nhiều trong số những người này chưa nhận ra định mệnh của mình. Tôi khá chắc là càng có nhiều những người như vậy được thức tỉnh và bắt đầu sử dụng ý thức của mình để cầu nguyện và hành động, phần đông dân số - khoảng 80% - khi đó cũng sẽ đứng vào hàng ngũ này.
Nước bên trong chúng ta
Chúng ta bước vào thế kỷ XXI đã lâu và máu vẫn tiếp tục đổ. Thật đau lòng khi chứng kiến mâu thuẫn giữa Palestine và Israel. Còn bao nhiêu sự sống sẽ bị hủy hoại bởi cuộc chiến sắc tộc và chiến tranh tôn giáo nữa? Mâu thuẫn khủng khiếp này sẽ không đi đến hồi kết, thật khó mà hình dung ra được một tương lai hòa bình cho bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng có vẻ như sự căm hận và thù ghét qua bao nhiêu thế kỷ đã từ từ ngấm vào AND của cả hai phe.
Có lần tôi đã nghĩ về điều này khi đột nhiên nhận ra mối quan hệ giữa AND và nước, AND được cấu tạo từ hai chuỗi dạng xoắn ốc hình thành từ liên kết hydro. Ý thức của tổ tiên chúng ta được truyền lại từ đời này sang đời khác qua máu – thứ nước vẫn tuần hoàn trong cơ thể chúng ta. Và nước chảy trong cơ thể của người Do Thái vào người Palestine đều chủ yếu đến từ sông Jordan. Sông Jordan chảy về phía Nam từ phía Bắc Palestine và nối biển hồ Galilee với biển Chết, hình thành nên biên giới phía Đông của Palestine. Dọc theo dòng chảy, nó mang đến phần lớn nước cần thiết để duy trì sự sống trong vùng.
Sức mạnh của lời cầu nguyện có khả năng vươn tới những khoảng cách rất xa về không gian và thời gian. Qua các bức ảnh về tinh thể nước, tôi đã cố gắng giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu được sức mạnh và sự kỳ diệu của lời cầu nguyện và tôi đã khuyến khích mọi người ở khắp nơi cầu nguyện vì hòa bình thế giới. Tôi quyết định rằng vào một ngày cụ thể nào đó, tôi sẽ đề nghị mọi người cùng nhau gửi hado của hòa bình và tình yêu tới Biển Hồ Galilee – Biển Hồ chảy vào sông Jordan. Những người uống nước từ đây sẽ nhận được hado này và cơ thể họ sẽ tràn đầy năng lượng tốt đẹp. Bạn có thể tưởng tượng được khả năng có hòa bình ở khu vực không?
Trước khi ấn định ngày, tôi khám phá ra một điều khá kinh ngạc. Một cái tên khác của biển hồ Galilee là Hồ Kinneret, và kinneret, trong tiếng Hebrew, có nghĩa là đàn hạc – hình dạng của biển hồ Galilee. Và hóa ra là Hồ Biwa được đặt tên theo từ biwa – một dụng cụ âm nhạc truyền thống giống như đàn hạc ở Nhật. Liệu điểm tương đồng này có phải chỉ là một sự trùng hợp không?
Tôi quyết định ấn định ngày cho buổi cầu nguyện đặc biệt vào ngày 25 tháng Sáu năm 2003. Như đã nói trong Chương hai, ngày này rất quan trọng trong lịch 13 tháng mà người Maya sử dụng. Nó được gọi là “ngày không có thời gian” – một ngày thừa trong lịch Maya.
Ngay cả ở thời hiện đại, có lẽ tinh thần của ngày này cũng ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta. Tôi định vận động để ngày này trở thành ngày cầu nguyện quốc tế để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn dành cho nước.
Một năm trước ngày tôi định ra để gửi hado tới biển hồ Galilee, tôi thành lập thứ mà tôi gọi là Dự án Tình yêu và Lòng biết ơn với Nước. Đây là một dự án nhằm thống nhất lại linh hồn của mọi người trên toàn thế giới và tăng cường ý thức vào ngày 25 tháng Sáu năm 2003.
Nỗ lực đầu tiên của tôi tập trung vào việc mở rộng phạm vi những người sẵn sàng tham gia cầu nguyện. Tôi đề nghị mọi người mà tôi biết làm như sau: Vào ngày 25 mỗi tháng, cả lúc 7 giờ 25 phút sáng và 7 giờ 25 phút tối, hãy nhìn thẳng vào một phần nước nào đó và thể hiện tình yêu cùng lòng biết ơn. Bạn có thể làm điều đó ở khắp nơi, ví dụ như trong bếp hay phòng ngủ. Một cốc nước cũng đã là đủ rồi. Nhẹ nhàng nói với nước: “Tôi yêu bạn” và “Cám ơn”. Khi thực hiện điều này, hãy hình dung năng lượng tình yêu và lòng biết ơn chảy qua bạn vào tất cả nước trên thế giới.
Tất cả nước, ngay cả một cốc nước, đều kết nối với toàn bộ nước còn lại ở phần còn lại của thế giới. Hado của tình yêu và lòng biết ơn mà bạn phát đi sẽ trở thành những dòng ánh vàng ánh bạc lấp lánh trong dòng chảy của nước và tiến ra khắp thế giới, được bao phủ hoàn toàn trong ánh sáng. Kết quả sẽ là sự chứng nhận cho sự hàn gắn và đồng điệu của hành tinh chúng ta.
Nước mang trong nó ý nghĩ của bạn và những lời cầu nguyện của bạn. Và vì chính bản thân bạn là nước, bất kể bạn có ở đâu, những lời cầu nguyện của bạn cũng sẽ được mang tới toàn thế giới.
Vậy nên, hãy cầu nguyện đi. Cầu nguyện cho nạn nhân của những cuộc chiến tranh và bom mìn phi nghĩa, cho trẻ em mồ côi, cho những người ốm và những người nằm liệt giường. Có rất nhiều điều bạn có thể làm từ bây giờ trở đi, và thậm chí ngay cả giây phút này bạn cũng có thể làm được rất nhiều điều.
Tôi nhớ lại giấc mơ khủng khiếp cứ lặp đi lặp lại ngày tôi còn nhỏ. Nó không cảnh báo tôi về định mệnh phải chứng kiến sự lụi tàn và diệt vong của nhân loại. Nó dạy cho tôi biết về điều mình cần làm trong đời. Nhưng nó không phải là bài học dành riêng cho mình tôi. Nó dành cho bạn và cho tất cả những người đọc cuốn sách này. Bạn sẽ lấp đầy tâm hồn mình với tình yêu và lòng biết ơn. Hãy cầu nguyện cho thế giới này. Hãy chia sẻ thông điệp của tình yêu. Và hãy cùng nhau tuôn chảy khi nào bạn còn sống trên cuộc đời này.