Đức vua biết rõ thần dân của mình không muốn nhúng tay vào bất kỳ công việc gì mà người khác làm. Nhưng nếu làm việc riêng lẻ như thế, họ sẽ không thể hỗ trợ lẫn nhau những khi cần thiết. Trong khi nhà vua lại mong muốn công việc phải đạt được hiệu quả tốt nhất. Vì vậy Ngài đã đem việc này hỏi ý kiến quý bà Elizabeth:
- Vậy thần dân của ta là những người như thế nào?
- Họ thuộc bốn nhóm người chính. Tất cả mọi thần dân của bất kỳ vương quốc nào cũng đều thuộc bốn nhóm người này. Mỗi nhóm cư trú ở những vùng khác nhau trong vương quốc nhưng họ vẫn thường giao du với nhau.
Giờ Ngài thử tìm hiểu những người dân sống ở miền Nam mà xem. Đó là những con người tốt bụng và rất thân thiện với mọi người. Nhưng vì khá nóng tính nên họ rất dễ cáu giận khi gặp bất kỳ rắc rối nào. Những người này luôn muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự việc. Họ cũng không phải là kiểu người thực dụng. Họ thích giúp đỡ mọi người và thích được mọi người nhìn nhận nỗ lực của mình. Đặc biệt, những người này thường xử lý mọi việc dựa theo cảm tính. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi họ là nhóm Người Tốt Bụng.
Còn ở phía Bắc vương quốc là nơi cư trú của những thần dân có cá tính lạnh lùng hơn. Họ hành động theo lý trí nhiều hơn, hiệu quả và hợp lý hơn. Đối với họ, hiệu quả công việc là trên hết và họ luôn nỗ lực hết mình. Có thể Ngài sẽ rất ấn tượng trước cá tính sẵn sàng vượt qua bất kỳ trở ngại để đến với thành công bởi vì đối với họ, thách thức là một điều hết sức hiển nhiên. Họ ít khi nhận thức được rằng những câu chất vấn của mình là khiếm nhã nên họ thường làm người khác khó chịu. Là những bậc thầy về chiến lược, họ có khuynh hướng nhìn đời qua một lăng kính duy nhất: những nguyên tắc đầy lô-gic. Họ được gọi là nhóm Người Tham Vọng.
Do thần dân của Ngài sinh sống ở các miền khác nhau của vương quốc nên thế giới quan của họ cũng rất khác nhau. Và chính điều đó quyết định sự khác nhau khi họ hành xử trong cuộc sống.
- Đúng lắm! – Đức vua nói. – Các thần dân của ta ở miền Nam thích nghỉ ngơi hơn làm việc, trừ khi họ bị buộc phải làm. Trong khi những công việc mà họ làm được chỉ là tạo ra những nguyên tắc vô thưởng vô phạt hay sửa chữa một vài sai lầm... và tất cả những điều đó chẳng thể nào làm giàu thêm cho ngân khố Hoàng gia! Quả thật, cái tên Người Tốt Bụng rất hợp với tính cách của họ.
Còn nhóm người định cư ở phía Bắc lại trái ngược hoàn toàn. Nếu họ không hưởng được chút lợi ích nào hay không có được những gì mong muốn thì họ sẽ không để tâm đến bất kỳ chuyện gì cả. Khi ta ra tuyên cáo về một cuộc vận động mới, nếu không có thưởng phạt cho họ rõ ràng, họ nhất định sẽ phản đối. Họ chỉ chấp thuận tuân theo nếu biết rằng cuộc vận động đó có lợi cho họ. Họ không phải là những kẻ nổi loạn nhưng bản tính của họ vốn là những người thích tranh luận và rất khó tính. Bà nói đúng đấy, họ là Người Tham Vọng. Họ luôn luôn đặt ra những kế hoạch, phấn đấu để đạt được thành công và luôn đòi hỏi người khác phải cùng tham gia những kế hoạch đó.
- Còn nhóm người tiếp theo thế nào nhỉ? - Quý bà Elizabeth nói tiếp. – Nhóm người miền Tây ấy, họ thích khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ và luôn thúc đẩy mọi việc tiến triển tốt đẹp. Họ thích những kiểu kiến trúc độc đáo và những buổi tiệc ngoài trời. Với họ, thức ăn có dính đôi chút bụi bẩn lại có vẻ hấp dẫn hơn. Và không có gì thú vị cho bằng việc được thưởng thức những món ăn mới lạ, những chuyến chu du đến một địa danh chưa từng biết đến, những kiểu thời trang mới nhất. Chiếc ba lô cho những cuộc hành trình dài ngày và các thú vui nhất thời luôn là mối quan tâm lớn nhất của họ. Sự bấp bênh và những xáo trộn của cuộc sống không hề làm họ e ngại. Đối với họ không có khái niệm tương lai, quá khứ hay hiện tại riêng biệt, tất cả là một, là tận hưởng cuộc sống. Họ là những người có ý tưởng phong phú và đầy mơ mộng. Và họ nhìn đời qua lăng kính duy nhất của sự sáng tạo. Do đó, họ được gọi là Người Sáng Tạo.
Người miền Đông thì trái ngược cả về địa lý lẫn tính cách. Có thể nói đó là những con người luôn tỏ ra trầm lặng. Trang phục mà họ chọn vào những ngày cuối tuần thường là màu trắng, thay vì những màu sắc sặc sỡ khác. Trong khi các nhóm người khác sống trong vương quốc thích giúp đỡ, thử thách và khám phá thì nhóm người này lại thích cuộc sống ôn hòa, ấm áp trong ngôi nhà tiện nghi của mình. Họ còn là những người đáng tin cậy. Họ luôn muốn mọi việc đều ổn thỏa. Đối với họ, “thay đổi” là một từ không nên đề cập đến nhiều và họ cũng không bao giờ muốn thay đổi quan niệm ấy. Họ cho là sự đổi mới thường gây ra tình trạng xáo trộn và mất cân bằng, bởi vậy họ luôn tránh những gì chưa được dùng thử hoặc kiểm nghiệm trước.
Họ luôn bằng lòng với những cái có sẵn có bởi trong suy nghĩ, họ luôn cho rằng: “Nếu như ông bà tôi nói điều đó tốt thì đến bây giờ tôi vẫn thấy nó tốt”. Cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp. Trong khi những người sống ở miền đất phía Đông cho rằng thần dân ở các vùng đất khác chỉ biết vui chơi và hưởng thụ thì những người ở các vùng khác lại thấy người miền Đông luôn nghiêm trọng hóa vấn đề và rất bảo thủ. Tuy vậy, chính người miền Đông lại là những người làm cho vương quốc được ổn định. Họ cho rằng cuộc sống cũng giống như một đoàn tàu đang lăn bánh trên đường ray vàcần phải có ai đó cầm lái. Những người miền Đông chủ trương sự no ấm, phồn vinh của vương quốc là trên hết. Đó là công việc của họ. Họ là những người theo chủ nghĩa hiện thực và luôn nhìn đời qua lăng kính của thực tế. Những thần dân này nên xếp vào nhóm Người Ổn Định.
- Thật đúng thế! – Đức vua nói. – Dân chúng ở miền Tây có rất nhiều ý tưởng sáng tạo đến nỗi thoạt trông có vẻ bất thường. Cứ mỗi lần ta đến viếng thăm thì tất cả mọi người ở đó đều vui mừng đón chào ta bằng những bài hát dân ca và các buổi lễ hội ngoài trời. Còn khi đến vùng đất miền Đông, ta lại được tiếp đón bằng những bữa ăn sang trọng tổ chức trong các tòa nhà nguy nga tráng lệ và các bài phát biểu dài hàng giờ.
Nhận xét của bà về những người miền Đông là rất chính xác. Khi gia nhập quân đội, bất kỳ một người miền Đông nào cũng sẽ chọn tham gia bộ phận tiếp tế. Và họ chỉ có thể hy sinh khi đoàn tàu tiếp tế đó bị lật mà thôi. Còn nếu không, họ lúc nào cũng bận rộn với công việc điều tra dân số hoặc viết những tờ chiếu thư của Hoàng gia để truyền đi khắp nơi. Thật ra, ta nghĩ những công việc đó chẳng qua là do họ không thể thoái thác được mà thôi, chứ sự thật, người miền Đông không thích đi đây đi đó chút nào cả.
Ngừng một lát, không thấy quý bà Elizabeth có ý kiến gì, nhà vua nói tiếp:
- Nhưng khi nhìn lại thì ta thấy rằng mọi thứ cũng có vẻ khá cân đối đấy chứ. Tính cách của những người miền Đông bù trừ với người miền Tây; Bắc với Nam cũng vậy. Tất cả họ đều có những mặt tích cực. Thế thì rắc rối nằm ở đâu nhỉ?
- Rắc rối nằm ở ba điểm chính sau đây. – Bà Elizabeth trầm ngâm đáp. - Thứ nhất, phần lớn tất cả Người Tốt Bụng, Người Tham Vọng, Người Sáng Tạo và Người Ổn Định đều sống tách biệt với nhau. Và thường thì “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Vương quốc của Ngài có nguồn lực về con người rất tốt, nhưng lại chưa thực sự ổn định. Nếu Ngài muốn vương quốc của mình giàu mạnh hơn nữa thì phải ổn định mọi thứ trước đã. Không có người nào quan trọng hơn người nào. Tất cả mọi người đều quan trọng như nhau, mỗi người làm một việc, nhưng vẫn phải có sự chia sẻ với nhau. Điều đó hoàn toàn khác với kiểu làm việc của những nhóm người chỉ biết suy nghĩ và hành động rập khuôn như nhau.
Tình trạng của các tổ chức, công ty ngày nay cũng tương tự như những gì đang xảy ra tại vương quốc của đức vua Harold. Họ được trang bị rất tốt cả về khả năng kinh doanh và trình độ kỹ thuật nhưng lại thiếu cái nhìn tổng thể và phương pháp tiếp cận. Họ cũng giống như những bánh xe rỉ sét đang cần được bôi trơn. Chúng ta thường cho rằng những ý kiến giống nhau sẽ tạo ra lối suy nghĩ hòa hợp và đúng đắn. Tuy nhiên trên thực tế, chính những cách nhìn nhận một chiều, rập khuôn đó lại thường dễ tạo ra lối mòn trong suy nghĩ và chưa chắc đã chính xác.
- Vấn đề thứ hai là, - quý bà Elizabeth nói tiếp, - các thần dân của Ngài thường xuyên chống đối lẫn nhau. Họ không nhận thức được rằng mỗi người có một suy nghĩ khác nhau và cách tiếp cận vấn đề của từng người cũng khác nhau. Thay vì nhìn nhận đó như là một giải pháp, họ chỉ biết phủ định ý kiến của nhau mà thôi.
Vấn đề thứ ba chính là một số thần dân của Ngài vẫn còn khá lúng túng. Họ không những không hiểu nhau mà họ còn chưa hiểu được chính bản thân họ. Những Người Tốt Bụng cho rằng họ thuộc nhóm những Người Sáng Tạo, những Người Tham Vọng thì mong muốn trở thành Người Ổn Định, còn những Người Ổn Định thì lại đòi hỏi bản thân phải là Người Tốt Bụng. Và cứ thế, tình hình lại càng rối tung cả lên.
- Nhưng tại sao họ lại muốn như vậy? – Đức vua hỏi với một vẻ khá bối rối - Chẳng lẽ họ muốn trở thành một người khác hay sao?
- Ngài nói đúng lắm! Ý nghĩ đó đã có sẵn trong đầu họ, hoặc đã bị bố mẹ hay thầy cô giáo nhồi nhét vào đầu ngay từ lúc còn bé hay chính họ bị ảnh hưởng bởi người khác nhiều đến mức họ tự cảm thấy mình phải trở thành một mẫu người nào đó. Điều này giống như khi được nghe kể một câu chuyện, họ yêu thích một nhân vật nào đó trong truyện và chỉ muốn mình giống với nhân vật đó thôi. – Dừng một lúc, quý bà Elizabeth nói tiếp. - Và cả Ngài nữa, kính thưa Bệ hạ! Ngài cũng là một nguyên nhân gây ra mọi sự rắc rối đó.
- Bà bảo sao? Ta ư? Làm gì có chuyện như thế được! – Nhà vua khẳng định mạnh mẽ.
- Nhưng sự thực thì đúng là như vậy đấy. Bản thân Ngài cũng chưa hiểu rõ về họ, nhưng lại yêu cầu họ làm điều này điều kia trong khi họ hoàn toàn không thích hợp với công việc đó. Do những nhận định không đúng về sự công bằng hay vì sự chủ quan áp đặt của mình, nên khi giao nhiệm vụ cho các thần dân, Ngài đã không chú ý đến tính cách của từng nhóm người. Và thế là mọi người không thích làm theo ý Ngài mong muốn. Hay ít nhất là họ không thể đạt được kết quả tối ưu mà Ngài đòi hỏi.
Một lần nữa chúng ta nhận thấy vấn đề mà chúng ta và vua Harold đang phải đối đầu không khác nhau là mấy. Chúng ta sẽ chẳng thể nào thành công được nếu cứ điều hành con người dựa trên những kiểu suy nghĩ nhất thời, nhỏ nhặt, không đúng người đúng việc.
Nếu không phải đang là lúc dầu sôi lửa bỏng, khi mà đức vua chỉ nôn nóng muốn biết quý bà Elizabeth sẽ tiết lộ cho Ngài biết giải pháp để cai trị đất nước, thì có lẽ bà ta đã bị tống giam vào ngục ít nhất hai tuần vì đã dám khinh suất nhận xét đức vua là “chủ quan áp đặt”, cho dù bà có là một cố vấn phù thủy đi chăng nữa. Nhưng nhà vua dường như không để ý gì đến điều đó, sốt sắng hỏi ngay:
- Như vậy ta sẽ phải làm gì? Làm thế nào để giải quyết khó khăn đó?
- Giải pháp sẽ là hình thức Kingdomality – quý bà Elizabeth đáp. – Nó sẽ kết nối được mọi nhu cầu của vương quốc với tính cách của từng thần dân. Để hiểu được cá tính thực sự của một người, Ngài cần tìm hiểu các phản ứng theo bản năng của họ trước từng tình huống, và tính cách cơ bản vốn có của con người họ. Từ đó Ngài sẽ biết được cách hành xử của họ đối với mọi người và cuộc sống chung quanh.
Đức vua trầm ngâm suy nghĩ, rồi lộ vẻ thích thú và cuối cùng nở một nụ cười rạng rỡ:
- Thật tuyệt vời! Ta đã hiểu vấn đề “Nồi tròn úp vung méo”! Những điều quý bà nói cho thấy rằng ta đã giao nhiệm vụ không thích hợp cho mọi người, không phải bởi nhiệm vụ đó khó khăn mà bởi người được giao việc không phù hợp với nó. Họ có những kỹ năng tốt, nhưng nếu công việc không phù hợp, họ sẽ không đạt được hết năng suất.
- Chính xác là vậy! Ngài sẽ không thể tuyển một người giữ ngân khố Hoàng gia không biết tính toán. Còn nếu tất cả những gì Ngài cần là kỹ năng tính toán nhanh nhẹn, Ngài có thể tuyển cho vị trí đó một Người Sáng Tạo, nhiều người trong số họ có khả năng làm việc này rất tốt. Nhưng nếu Ngài mong muốn công việc đó được hoàn thành một cách đảm bảo thì Ngài nên chọn Người Ổn Định. Bí quyết của thành công là hòa hợp được các kỹ năng, nguồn nhân lực, cộng với những chính sách khen thưởng cho những việc cần làm. Nhưng tất cả những điều đó phải được thiết kế sao cho phù hợp với tính cách của từng cá nhân. Bất kỳ ai cũng có thể làm được và làm tốt công việc, tùy thuộc vào mức độ hoàn hảo mà Ngài mong muốn ở từng thời điểm.
- Ở từng thời điểm nghĩa là sao? – Nhà vua ngạc nhiên hỏi.
- Tất nhiên là phải tùy vào từng thời điểm khác nhau. - Quý bà Elizabeth đáp. – Chúng ta thử lấy một ví dụ xoay quanh vấn đề ngân khố của Hoàng gia. Khi vương quốc đang thái bình, Ngài cần người thủ quỹ cần kiệm và cẩn trọng. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra, Ngài sẽ cần những người có khả năng nghĩ ra những nguồn thuế mới để thu. Có nhiều người chỉ vui vẻ khi được ngồi tại chỗ miệt mài với những con số và sổ sách của việc thuế má, nhưng cũng có những người thích đi ra ngoài và thu thuế. Do đó Ngài nên tìm Người Ổn Định để lo việc sổ sách và Người Tham Vọng cho công việc thu thuế. Còn nếu Ngài muốn tìm kiếm những nguồn thuế mới, Ngài nên chọn Người Sáng Tạo để giao công việc đó.
- Ta đã không làm như vậy. – Nhà vua bối rối thú nhận.
- Đúng thế. Và đây cũng chính là một vấn đề của Ngài. Có phải khi Ngài cần triển khai một dự án hay một kế hoạch nào đó, Ngài thường chọn một người đứng đầu và để cho người đó toàn quyền lựa chọn người thực hiện?
- Chính xác, ta đã giao phó công việc theo cách đó. – Nhà vua trả lời.
- Nếu thế thì hành động của Ngài hơi giống với sự thoái vị! - Quý bà Elizabeth nhận xét. - Những người điều hành của Ngài thường không hiểu rõ sự cần thiết phải xây dựng một tập thể gồm những thành viên có năng lực làm việc lẫn tính cách riêng bổ trợ cho nhau. Kết quả là người quản lý thuộc nhóm Sáng Tạo chỉ thuê các nhân viên thuộc nhóm Sáng Tạo, người quản lý thuộc nhóm Ổn Định chỉ thuê các nhân viên thuộc nhóm Ổn Định trong quá trình tuyển lựa. Hãy thử nhìn vào hệ thống trường học mà Ngài đang có. Phần lớn ban giám hiệu và các thầy cô giáo thuộc nhóm Ổn Định và vì thế, Ngài luôn tự hỏi vì sao các trường học lại hết sức buồn tẻ. Thầy cô giáo thì bị ràng buộc bởi các thành tích, chỉ tiêu. Học sinh, sinh viên thì bị quy định thời gian để làm bài tập, thời gian dành cho nghiên cứu và cả thời gian để sáng tạo. Thử tưởng tượng xem, sự sáng tạo cũng bị giới hạn thời gian! Thậm chí, các sinh viên Trường sáng tác nghệ thuật và âm nhạc cũng phải tuân thủ theo những quy định kỳ quặc ấy. Điều đáng ngạc nhiên là ban giám hiệu và các thầy cô giáo không hề thấy được những điều bất hợp lý đó. Đối với Người Sáng Tạo thì việc mình bị buộc làm theo đúng giờ giấc hay việc con mình bị bắt phải xếp hàng trước cửa trường là một việc lố bịch.
- Bà có thấy điều đó là lố bịch không? - Đức vua trầm ngâm hỏi.
- Vâng, nhưng nếu Ngài là Người Ổn Định, Ngài sẽ không thấy vậy. Với Người Ổn Định thì đó là điều đúng mực và hợp lý nhất trên đời. Họ cho rằng cần phải giữ cho những đứa trẻ hiếu động thôi chạy nhảy, nghịch phá để đứng vào hàng thật trật tự và ngay ngắn. Làm ngược lại điều đó mới thật là điên rồ. Và họ thường không hứng thú mấy để trả lời câu hỏi của Người Sáng Tạo: “Tại sao lại buộc trẻ em phải luôn giữ trật tự và nghiêm túc?”.
- Vậy ta sẽ chuyển việc quản lý ngành giáo dục cho nhóm Người Sáng Tạo! – Đức vua thốt lên.
- Đấy cũng là một ý kiến cần xem xét, – quý bà Elizabeth nói. – Họ sẽ để cho học sinh mở mang tri thức bằng cách dành phân nửa thời gian đi dạo trên các cánh đồng và nửa thời gian còn lại để nhảy múa với những người bạn tinh nghịch nhưng cũng rất mơ mộng của chúng. Không phải làm toán nhiều, không phải đọc nhiều để dành thời gian cho việc thu nhặt kinh nghiệm. Và nếu bọn trẻ không đến lớp thì các thầy cô giáo cũng sẽ chẳng lo lắng gì. Họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của chúng thay vì khuyên giải chúng phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học hỏi tri thức ở nhà trường và sự trải nghiệm trong thực tế. Thế là dần dà, dân chúng chẳng còn tha thiết với việc học nữa.
- Vâng, ta hiểu rồi. Thật đáng trách nếu ta thay đổi hệ thống giáo dục theo cách như vậy, nhưng cũng thật đáng trách nếu ta không thay đổi gì cả. – Nhà vua buồn bã nói. – Elizabeth thân mến, bà sẽ nói cho ta nghe một giải pháp trung hòa chứ?
- Được rồi, thưa bệ hạ. Ngài còn nhớ khi bổ nhiệm ông Lockletter nắm giữ quân đội cùng các hiệp sĩ hành quân trong cuộc Thánh chiến chứ?
Đức vua cau mày:
- Được nửa chừng thì thiếu tiếp tế!
- Nếu có những người thuộc nhóm Ổn Định trong đội quân tiếp tế thì có thể mọi thứ đã khác. – Quý bà Elizabeth nói. – Ông Lockletter là người xứng đáng được chọn để giao nhiệm vụ đó. Ông ấy cống hiến hết mình vì chính nghĩa. Ông ta thuộc nhóm Người Tốt Bụng và vai trò của ông ta là Hiệp Sĩ Áo Trắng. Nhưng vấn đề của Lockletter là ông ấy đã tập hợp xung quanh mình một phái đoàn Hiệp Sĩ Áo Trắng, những chiến binh vĩ đại vì sự nghiệp chính nghĩa nhưng không phải tất cả họ đều là người thực tế.
- Bà nhắc lại điều đó để làm gì? – Đức vua lắc đầu khi nhớ tới đoàn quân thất trận của mình. – Bị đánh bại ngay cả trước khi khởi chiến đã khiến ta một phen bẽ mặt cay đắng. Trong khi ba năm về trước, ta luôn ngẩng cao đầu ở Hội nghị thường niên dành cho các vị Vua và Nữ hoàng.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy những điều này cũng đang xảy ra trong các công ty, tổ chức ngày nay. Hầu hết các tổ chức kinh doanh và tổ chức phi lợi nhuận đang rất cần những nhà lãnh đạo có khả năng khơi nguồn động lực làm việc cho nhân viên với một tầm nhìn bao quát. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không dẫn đến kết quả tốt đẹp nếu các nhà lãnh đạo thì luôn tìm ra mục tiêu còn các nhà quản lý thì lúng túng không biết làm thế nào để đạt được các mục tiêu đó. Điều tồi tệ nhất là khi họ nghĩ mình đã có tất cả những điều cơ bản cần thiết của nhà quản lý, nhưng bởi tầm nhìn hạn chế, họ đã không thấy được những điều quan trọng khác nên đã bỏ qua chúng.