Có người bỏ cuộc ngay khi gặp trở ngại. Có người vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu sau nhiều năm thất bại. Sự khác biệt chính giữa hai nhóm người này là gì? Đó không phải do năng lực hay lòng kiên nhẫn, mà là do quyết tâm theo đuổi mục tiêu bắt nguồn từ niềm tin và sự tự tin.
Người không có trách nhiệm trong việc chọn lựa và theo đuổi mục tiêu thường có khuynh hướng tin rằng kết quả ra sao là tùy. Với họ, nỗ lực đến đâu hay tài năng ra sao không quan trọng, thành công giống như trúng số, tất cả đều do số phận. Với thái độ như vậy, họ khó lòng làm việc chăm chỉ hay tận tụy để đạt được mục đích và thành công thực sự.
Ngược lại, người bền chí và có niềm tin thừa nhận rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc đặt ra cũng như theo đuổi mục đích của mình. Khi làm chủ được mình, bạn rất coi trọng những gì mình đang hướng tới và không hề có ý định buông xuôi dù gặp khó khăn đến đâu.
Năm 1944, khi chàng thiếu niên gốc Do Thái George Soros được 14 tuổi thì cũng là lúc quân Đức quốc xã tràn vào Budapest (Hungary). Ý thức được nguồn gốc Do Thái của mình, Soros tìm mọi cách để sống còn. Bằng một bản lý lịch giả, ông chui vào hàng ngũ quân Đức.
Sau này, ông kể lại: "Những năm tháng đó, tôi luôn sống trong cảm giác bất ổn. Tôi theo họ để cố tìm cách thoát thân. Do phải luôn luôn sống trong tình trạng báo động nên tôi có được khả năng tiên đoán các rắc rối có thể xảy đến bất kỳ lúc nào". Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, năm 1947, ông một mình lưu lạc sang Anh theo học trường Kinh tế Luân Đôn. Năm 1956, ông xin định cư ở Mỹ nhưng bị từ chối vì "còn nhỏ tuổi và không có chuyên môn".
Không đầu hàng, ông kiên trì theo đuổi và cuối cùng, không hiểu bằng "một con đường nào đó", ông đến được Wall Street để trở thành một nhân viên đổi tiền. Đến năm 1969, ông thành lập Công ty Quantum Fund, một cơ sở đầu tư rất thành công sau đó, có khả năng đánh sập nhiều thị trường chứng khoán, làm phá sản nhiều loại tiền tệ. Uy tín tăng cao, chỉ trong vòng vài năm, Soros trở thành thủ lĩnh của thị trường chứng khoán.
Để đạt được thành công tột đỉnh như hiện nay, Soros cũng đã nếm trải những năm tháng đau khổ tột cùng mà nếu không có niềm tin và làm chủ được bản thân, ông đã không còn tồn tại đến ngày nay. Ông từng thú nhận: "Phải chăng tôi làm chủ bản thân mình hay là nô lệ cho thành công của mình? Để thành đạt, tôi phải từng làm việc cật lực như một người lao công. Để duy trì thành công, tôi phải luôn sống trong tình trạng bất an. Và tôi được cái gì? Càng có nhiều tiền thì càng có nhiều trách nhiệm. Càng phải làm việc nhiều hơn và thế là càng đau khổ hơn."
Thực vậy, có thể nói, đối với Soros, năm 1979 là năm đau khổ nhất đời. Số tiền 100 triệu đô la đầu tiên kiếm được và dành dụm đã mất trắng sau một đêm, người vợ bỏ đi để lại hai con nhỏ. Ông sống như biệt giam trong một căn hộ trống rỗng và có ý định tự sát. Thếnhưng, ông đã thức tỉnh kịp thời: "Tôi tự hỏi: Việc gì tôi phải chết."
Thế là, ông kiên trì và quyết tâm làm lại từ đầu để 2 năm sau, số vốn của Quantum Fund tăng vọt lên 400 triệu đô la. Cho đến nay, người ta coi ông như một vị vua không ngai với số tài sản chưa ai có thể định được.
- Mendoza