Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986, đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Quá trình Đổi mới ở Việt Nam được khởi xướng bởi những người có tầm nhìn “đi trước thời gian”, và một trong những người tiên phong của hành trình đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc.
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Ảnh: thethaovanhoa.vn
Thí điểm "khoán hộ" ở Vĩnh Phúc
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông mất ngày 26/5/1979, cách đây tròn 40 năm.
Với gần 40 năm tham gia cách mạng nhất là từ khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong bộn bề công việc, Kim Ngọc vẫn luôn dành 1/3 thời gian làm việc của mình để đi cơ sở. Ông luôn trăn trở về tình hình sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người nông dân và tự hỏi tại sao người nông dân lại không mặn mà với đồng ruộng, cái mà họ mất bao xương máu mới giành lại được. Tại sao vẫn đồng đất ấy, vẫn con người ấy, không có thiên tai mà sản lượng lúa sụt giảm.
Sự sâu sát đời sống thực tiễn giúp người Bí thư Tỉnh ủy sớm nhận ra sự không ổn trong quan hệ sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã. Đó là tác phong, thời gian làm việc của các xã viên theo kiểu “đánh trống ghi tên”, làm ít, tán chuyện nhiều, làm cầm chừng, cốt sao có nhiều công điểm. Các đội trưởng đội sản xuất làm ít nhưng công điểm lại nhiều… Từ đó đã gây bất bình trong các hộ xã viên, nhiều hợp tác xã sau khi ăn chia người lao động chỉ được 2 đến 3 lạng thóc/1công.
Mùa qua mùa, sự đối nghịch giữa những khoảng ruộng nhỏ bé 5% được giao cho người nông dân làm chủ luôn xanh tốt trong khi 95% ruộng đất, những thửa ruộng chung mênh mông của hợp tác xã luôn xác xơ vàng vọt vì người nông dân chỉ làm ăn công điểm, ông hiểu rằng cần phải giao ruộng đất cho người nông dân, gắn thành quả và quyền lợi của người lao động mới tạo được động lực thực sự để phát triển sản xuất, mới có thể làm chuyển biến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trên cơ sở những suy ngẫm chiêm nghiệm cá nhân và kết quả việc thí điểm cải tiến quản lý hợp tác xã với nội dung khoán đến hộ gia đình xã viên tại một số hợp tác xã trong tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1963 đến 1965 và kết quả khoán thí điểm ở 3 xã của huyện Vĩnh Tường vụ Đông Xuân 1965-1966, ngày 10/9/1966, dưới sự chủ trì của đồng chí Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU mang tên “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”.
Thời gian thực hiện Nghị quyết 68 không dài nhưng những kết quả mà “khoán hộ” tạo ra là vô cùng to lớn, đem lại hiệu suất lao động ngày càng cao. Tính đến cuối năm 1967, Vĩnh Phúc có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm trước 4.000 tấn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo của nông thôn Vĩnh Phúc giữa những năm 60 của thế kỷ XX.
Tại thời điểm Nghị quyết ra đời và triển khai, “Khoán hộ” bị coi là đốt cháy giai đoạn, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ nên không thể triển khai rộng rãi.
Và sự ra đời của "khoán 10"
Ngày 13/01/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”).
Đồng chí Kim Ngọc trong chuyến đi cùng Bác Hồ. Ảnh: thethaovanhoa.vn
Khoán 10 đã khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Như vậy, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TU.
Hơn nửa thế kỷ qua đã có hàng trăm cuốn sách, bài báo, nhiều cuộc Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc với cách mạng, nhất là tư duy đổi mới mang tính đột phá "Khoán hộ" trong nông nghiệp.
Những phẩm chất, nhân cách của ông là những bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng nhân cách, đạo đức, tác phong của một người lãnh đạo, một người cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng đổi mới, sáng tạo của ông là tài sản quý giá để kế thừa.
Hình tượng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là nguồn cảm hứng để nhà văn Vân Thảo viết thành tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy” và sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình. Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, đồng chí Kim Ngọc đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009.
Bích Hảo
Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, mục Hồ sơ, số ra ngày 26/5/2019