Việt Nam nằm ở bên rìa Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các nước xung quanh Biển Đông, mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. Việt Nam có lợi thế là vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới. Bờ biển Việt Nam lại rất gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế.
Không những được ưu ái ban tặng vị trí đẹp trong việc giao thương, buôn bán và phát triển thương mại, mà biển Việt Nam còn có được sự giàu có, đa dạng sinh học, sinh vật. Các nguồn lợi từ biển có thể nhắc tới đó là trữ lượng muối biển, dầu khí và hải sản, cả những quặng, mỏ khoáng sản dưới đáy biển có tiềm năng kinh tế vô cùng cao: thiếc, titan, nhôm, sắt, mangan, đồng, và các loại đất hiếm.
So với nhiều nước, ngành dầu khí Việt Nam chưa phải là lớn nhất, nhưng lại có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng với nước ta, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy nên ngành dầu khí của Việt Nam đã được xếp vào hàng những ngành nghề có triển vọng trong giai đoạn phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, trữ lượng hải sản như cá, tôm, rong biển, cua, mực cũng là những loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Khả năng khai thác các loài này đã lên đến mức gần 2 triệu tấn/năm. Không những thế, việc nuôi trồng thủy hải sản ở những vùng nước mặn – lợ đã có những bước tiến đáng kể, cũng hứa hẹn một tương lai phát triển ngành nuôi, trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện, hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/năm.
Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng thành cảng nước sâu với quy mô lớn, thậm chí là bến bờ trung chuyển quốc tế. Những cảng lớn có thể kể đến như Vũng Áng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu… Việc phát triển cảng biển và đóng tàu do vậy cũng là yếu tố nổi trội cơ bản của kinh tế các tỉnh ven biển.
Biển miền Trung Việt Nam có vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm với làn nước trong xanh như ngọc, sóng vỗ dịu êm và bờ cát trắng hiền hòa dưới nắng. Vì vậy tài nguyên du lịch biển cũng là ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Số lượng người du lịch biển miền Trung - Nam ngày càng tăng, làm cho các ngành dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sản cũng phát triển theo, không những thu hút được du khách trong nước, mà du khách quốc tế cũng chiếm số lượng lớn. Việc phát triển mạnh mẽ của du lịch biển đảo trong nhiều năm gần đây, đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước.
Các chuyên gia về kinh tế biển nhận định, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng vô cùng đúng đắn và phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam. Không những vậy, nó còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Tóm lại, Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc “cầu nối” quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.