Trước yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã có nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm về phát triển kinh tế độc lập - tự chủ. Quan điểm đó đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện chính thức của Đảng và Chính phủ.
Theo thời gian, ở mọi khía cạnh, ta hoàn toàn chứng minh được Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược, trọng yếu về địa lý, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi biển, đảo là phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tư tưởng của Người có giá trị to lớn và là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay.
Việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của mọi công dân đối với lịch sử dân tộc. Đây chính là yếu tố cốt lõi, quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, điều đó cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Người. Trong quá trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta đã đánh đuổi quân xâm lược trên mọi mặt trận, trong đó cũng phải kể đến những cuộc chiến đấu trên biển để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Đường lối của Đảng ta đã chỉ rõ những vấn đề cấp thiết cần phải được chú trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy rằng đây là những nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức, nhưng rõ ràng đó cũng là những vấn đề mang tính chiến lược, then chốt.
Nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đào đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các cấp, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương. Về nội dung tuyên truyền, phải đa dạng, phong phú, kết nối chặt chẽ trên các nền tảng đối ngoại, chính trị, pháp luật, quân sự, quốc phòng, thậm chí phải được mở rộng trong toàn dân, các thế hệ trẻ cũng như cộng đồng quốc tế. Qua đó phát huy sức mạnh của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, làm chuyển biến ý thức của người dân trong việc đóng góp xây dưng, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Nhiều năm nay, cuộc thi Em yêu biển, đảo quê hương do Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát động đã giành được nhiều sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như học sinh nhiều địa phương trong cả nước. Đây là cuộc thi vô cùng ý nghĩa, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về biển, đảo, cũng như giáo dục, hun đúc, xây dựng tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo quê hương cùng ý thức, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Không những thế, việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở các huyện đảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Khác với sự tiện lợi về mặt đi lại, di chuyển cũng như tiếp thu văn minh trên đất liền, thì dân trên các huyện đảo vẫn còn có cuộc sống tương đối khó khăn. Việc tiếp nhận các thông tin, tri thức của người dân trên đảo còn gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, công tác phát huy vai trò và chức năng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phải được đẩy mạnh. Các chính sách xã hội cho nhân dân các huyện đảo xa bờ cũng vì thế mà phải được cập nhật thường xuyên. Việc này sẽ tạo ra thế trận liên hoàn trên biển để có thể nhanh chóng tập hợp và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các lực lượng tại chỗ phục vụ cho quốc phòng - an ninh trên biển.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và cho mai sau. Bên cạnh việc, chú tâm phát triển kinh tế, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, ta còn nên nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ trọng yếu hiện nay. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, do vậy phải phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, để xây dựng Việt Nam hùng cường.