Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc... Câu nói của anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên “Vòng tròn bất tử” vì Tổ quốc.
Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" tại khu tưởng niệm Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)
34 năm trôi qua, chúng ta nhắc lại sự kiện này để thêm một lần tưởng nhớ, ghi ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc và tái khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc đối với quần đảo Hoàng sa, Trường Sa.
64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã gác lại bao hoài bão, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để xác lập chủ quyền biển đảo. “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Câu nói của anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước không chỉ thể hiện khí phách anh hùng của những người lính giữa biển khơi, mà còn là tư thế của những người làm chủ thực sự chủ quyền biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đó như là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa. Với họ, Tổ quốc luôn là vĩnh cửu và không có sự hy sinh nào cao cả hơn, thiêng liêng hơn bằng sự hy sinh vì Tổ quốc. Sự hy sinh của họ, dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi.
Họ là một phần của lịch sử
34 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa dấu vết nhưng không bao giờ xóa nhòa được ký ức bi tráng của người dân đất Việt về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Máu của các anh đã hòa lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã hòa tan vào đáy đại dương. Sự hy sinh của những người anh hùng được dựng thành tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.
34 năm qua, Biển Đông vẫn chưa ngơi bão tố. Thời gian có lùi xa bao nhiêu, lịch sử có biến đổi thăng trầm như thế nào thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn thức tỉnh khối óc và lay động trái tim mỗi người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Hè năm 2017, tôi là giáo viên Sử có may mắn được tham gia lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời” tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Ấn tượng nhất khi tôi đến không gian đặc biệt này là cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử”, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.
Tại khu trưng bày trong bảo tàng ngầm ở xã Cam Hải Đông, người thân bùi ngùi bên chân dung các liệt sĩ. Ảnh: Người Lao động
Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là nơi trưng bày các bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Gạc Ma nói riêng. Quảng trường Hòa bình hướng ra Biển Đông với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ là tình cảm của nhân dân trong đất liền luôn hướng ra những người lính đảo.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của thân nhân các cựu chiến binh Gạc Ma và đồng đội mỗi khi đến ngày 27/7 và ngày 14/3 suốt 5 năm qua.
Rất nhiều năm, cứ đến dịp 14/3, Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 gặp gỡ nhau để tổ chức lễ tri ân, tưởng nhớ 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những người lính già lặng lẽ, trang nghiêm, đẫm lệ thắp nến, thả đèn hoa đăng và những vòng hoa trên biển tri ân đồng đội.
Tổ quốc không quên các anh, lịch sử sẽ khắc ghi tên các anh và đồng đội luôn tưởng nhớ các anh - những người anh hùng nắm tay nhau làm nên vòng tròn bất tử giữa biển khơi.
Ảnh: Kiên Trung
Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là “địa chỉ đỏ” để góp phần nhắc nhở, giáo dục các thế hệ mai sau về một sự kiện đau thương và anh dũng với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Ký ức bi tráng không thể xoá nhoà
Trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, chúng ta có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý.
Bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế và nhiều nhà khoa học khẳng định. Đó là, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự của công pháp quốc tế.
Những người lính giữ đảo hôm nay. Ảnh: Kiên Trung
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng nêu rõ quan điểm nhất quán, trong đó có các nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên: Giữ vững môi trường hòa bình, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo...
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta luôn cần quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ quyền biển đảo là chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Cái “vạn biến” là cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Trong bối cảnh Biển Đông thường có “sóng” từ bên ngoài đe dọa chủ quyền quốc gia, chúng ta luôn phải kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng giải pháp hòa bình, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, chứng cứ lịch sử và pháp lý. Đối mặt với các hành động khiêu khích, gây hấn, chúng ta kiên trì, tránh xung đột. Nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm, chúng ta sẵn sàng đáp trả bằng quyền tự vệ chính đáng.
34 năm đã lùi xa, nhắc lại Gạc Ma để thế hệ trẻ đang thụ hưởng nền hòa bình luôn biết tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền, đã chiến đấu và hy sinh vì chủ quyền biển đảo, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc mình hơn.
Ghi nhớ nỗi đau trong quá khứ để chúng ta nâng niu, trân trọng và gìn giữ nền hòa bình đang có, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.
TRẦN TRUNG HIẾU
(Báo điện tử Vietnamnet, số ra ngày 14/3/2022)