Chúng ta thường áp quan điểm của mình vào mọi việc. Những gì chúng ta nói và làm đều mang tính tự sự. Nếu muốn thì bạn có thể đọc Binh pháp để chiến thắng và thanh thản. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đọc để gây hấn. Cả đời tôi là người luyện võ, nhà marketing, nhà quản lý kinh doanh nhỏ và người say mê về lịch sử. Tôi tôn trọng những “cuộc chiến chính nghĩa(13)” và các binh sĩ tham chiến. Cũng giống như Tôn Tử, tôi tin rằng chiến tranh chỉ nên xảy ra trong trường hợp bất đắc dĩ. Khi theo dõi sát sao chính sách công trên đấu trường quốc tế, tôi hiểu mối hiểm họa và hiện thực của chiến tranh là một hằng số lịch sử. Người yếu bị kẻ mạnh lấn át. Con người ở mọi nơi luôn trong tư thế cạnh tranh lẫn nhau.
(13) Chiến tranh chính nghĩa (Just War) là chiến tranh được tiến hành với mục đích phù hợp với luật pháp quốc tế và giá trị đạo đức nhân loại. Chiến tranh chống xâm lược và giải phóng dân tộc là chiến tranh chính nghĩa.
Xét trên nhiều phương diện, thương trường cũng như chiến trường. Những doanh nghiệp nhỏ nào cố gắng chống lại những quy luật do các doanh nghiệp lớn đặt ra thì chắc chắn sẽ bị đè bẹp, hoặc ít nhất là lãnh thương tích đầy mình. Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu và áp dụng tốt Binh pháp thì đây có thể là cẩm nang chiến thắng cho những doanh nghiệp nhỏ có hiểu biết, sáng tạo và đầy tham vọng.
Do Tôn Tử am hiểu cách dùng chiến lược để đánh bại đối thủ lớn và giàu mạnh hơn nhiều, rõ ràng là lời khuyên của ông rất thích hợp cho lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ đang phải cạnh tranh với địch thủ nặng ký hơn. Nó cũng phù hợp cho những doanh nghiệp nhỏ muốn tìm cách thống trị thị trường đầy cạnh tranh gồm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Tác giả của The Art of War: Spirituality for Conflict kiêm nhà sáng lập của trang web tài nguyên giáo dục Sonshi, Thomas Huynh, hiểu rằng đối tượng độc giả mà Tôn Tử nhắm đến khi viết Binh pháp là lực lượng yếu thế hơn. Bậc hiền nhân đang cố gắng dạy bảo cho những kẻ đang ở thế yếu cách chiếm được lợi thế. Và Marc Benioff, người viết lời tựa cho cuốn sách của Thomas Huynh, đồng thời là giám đốc điều hành của Salesforce.com cũng đồng ý điều đó. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về ông ấy trong những trang sau. Ông ấy viết: “Về cơ bản, cuốn sách giải thích cách giúp những đội quân nhỏ có thể đánh bại các đội quân lớn hơn”.
Tôn Tử là kiến trúc sư tạo ra đại chiến lược(14). Tuy nhiên, những cuốn sách dạy kinh doanh theo luận thuyết của Tôn Tử hiện nay chưa nói cho chúng ta biết các doanh nghiệp lớn đã dùng đại chiến lược để trở thành những doanh nghiệp chủ chốt trong ngành như thế nào. Các cuốn sách đó chỉ nêu cách để doanh nghiệp lớn phát triển lớn hơn, hay sai lầm nào dẫn đến sự sụp đổ của họ. Do đó, mục tiêu của cuốn sách này là thực hành bài học của Tôn Tử và bổ khuyết kiến thức qua việc trình bày cho những người đang làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ thấy cách học hỏi từ các doanh nghiệp tương tự đã phát triển sự nghiệp của họ dựa trên những ví dụ minh họa hiện đại của Tôn Tử. Trước mắt bạn là một khái niệm mới về thế giới kinh doanh, và thời đại của nó đã tới.
(14) Đại chiến lược là cấp độ cao nhất của khoa học chiến lược, trọng tâm là các định hướng phát triển ở tầm mức quốc gia, về tổng thể vạch ra những đường lối chiến lược ở tầm mức vĩ mô cho một đất nước, về từng phương diện chính trị, kinh tế, quân sự,... chỉ ra phương hướng phát triển cụ thể, đồng thời bao gồm mối liên hệ giữa các phương diện khác nhau.
BINH PHÁP TÔN TỬ DÀNH CHO THƯƠNG TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
Chi ra ngân sách lớn dành cho hoạt động chiêu thị và quảng cáo không còn ảnh hưởng quá quan trọng đến uy tín của một công ty nữa. Những doanh nghiệp nhỏ khôn ngoan thường sử dụng nhiều kỹ thuật marketing kiểu du kích(15) “vốn ít lãi nhiều” nhằm cạnh tranh với ngân sách khổng lồ của các đối thủ lớn. Chẳng hạn như, chương trình quảng cáo kinh phí thấp cho sản phẩm nước tăng lực 5-Hour Energy từng bị ngành công nghiệp quảng cáo chỉ trích thậm tệ. Sản phẩm sữa chua của Chobani thì có hộp đựng “khổng lồ” và nhãn sáng chói để sản phẩm nổi bật so với các sản phẩm sữa chua khác khi đặt trên cùng kệ hàng. Lúc công ty bia Boston bắt đầu mở rộng thị trường ra khỏi New England, nhà sáng lập của công ty này đã bay tới Washington, DC để bán sản phẩm chủ lực của công ty là bia Samuel Adams cho các quán bar. Ông ấy đã bay thường xuyên đến mức hãng hàng không Presidential Airlines bắt đầu bán bia Samuel Adams trên các chuyến bay của hãng, thậm chí tên loại bia này còn được in ở mặt sau của bìa đựng vé máy bay.
(15) Guerilla marketing (tạm dịch: tiếp thị kiểu du kích) là hình thức tiếp thị tương đối hiệu quả với chi phí khiêm tốn để đưa được thương hiệu ra thị trường. Bản chất của phương pháp này là các công ty nhỏ với nguồn vốn kinh doanh ít ỏi nghĩ ra một hình thức tiếp thị độc đáo, mà qua đó người tiêu dùng chính là người quảng cáo cho sản phẩm hay dịch vụ của họ.
Việc quảng bá như thế đòi hỏi phải có sự sáng tạo và nhiều nguồn tài nguyên lâu dài để làm sản phẩm trở nên nổi bật. Tuy nhiên, hiện nay, bạn có thể tiếp cận trực tiếp tới khách hàng với chi phí ngày càng thấp hơn so với trước đây. Khi khách hàng muốn so sánh các sản phẩm, họ tìm kiếm thông tin trên Internet và mạng xã hội. Họ so sánh xếp hạng tích cực và tiêu cực trên mạng, bao gồm số lượng người theo dõi bạn trên mạng xã hội và cách người hâm mộ tương tác trên trang Facebook của bạn. Chẳng hạn như, Humble Seed là doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên cung cấp nhiều loại hạt giống hữu cơ thượng hạng. Công ty đã kiếm được mười khách hàng mới, chuyên mua sỉ nhờ số lượng người hâm mộ trên trang Facebook, hiện lên đến gần con số ba mươi lăm nghìn người. Giờ đây, Humble Seed đã có thể cạnh tranh với những thương hiệu lớn hơn.
Doanh nghiệp nhỏ sẽ không giành được thị phần nếu đối đầu trực diện với những đối thủ lớn hơn. Hãy xem xét ví dụ từ CEO của Dennis Publishing, Felix Dennis. Doanh nghiệp của ông phải đối đầu với “ông lớn” Ziff Davis trong lĩnh vực xuất bản - công nghệ tiêu dùng và cuộc chiến cực kỳ cam go. Dennis đã chiến thắng, nhưng chi phí bỏ ra là rất lớn: lợi nhuận của cả công ty trong hai năm. Tôn Tử cho rằng cách tiếp cận này là sự lãng phí khổng lồ về tài nguyên và tiền bạc. Và khi hồi tưởng lại, chính Dennis cũng đồng ý với ý kiến đó. Trên thực tế, những doanh nghiệp nhỏ muốn giành chiến thắng thì cần xây dựng các đồng minh chiến lược, khôn khéo hơn các doanh nghiệp lớn, kiến tạo những cơ hội, hoạt động vượt trội hơn đối phương và nắm bắt được từng cơ hội xuất hiện trong tầm tay của mình. Những lời dạy của Tôn Tử chưa bao giờ phù hợp hơn thế đối với các doanh nghiệp nhỏ đang tìm cách nắm bắt từng lợi thế của mình.
LỢI THẾ CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ
Mức độ hiểu rõ và tận dụng các lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp sẽ quyết định thành công của nó. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trong thị trường mang tính cạnh tranh thường gặp bất lợi lớn, tuy nhiên họ có những điểm mạnh chung mà họ cần phải nhận ra và vận hành xoay quanh chúng. Bất kể ngành nghề nào, những lợi thế phổ biến nhất của doanh nghiệp nhỏ so với doanh nghiệp lớn sẽ được tôi liệt kê sau đây. Những lợi thế này sẽ được mô tả chi tiết và áp dụng trên nền tảng luận thuyết của Tôn Tử xuyên suốt trong những chương tiếp theo.
BẤT LỢI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ
Trong quãng thời gian làm chuyên viên tư vấn về truyền thông và tiếp thị chiến lược, cũng như khi làm việc với các công ty quảng cáo, tôi đã hỗ trợ hàng trăm lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ. Hết lần này đến lần khác, họ lại phạm phải những khuôn mẫu sai lầm tương tự mà Tôn Tử luôn cảnh báo nên tránh. Với những ai biết rõ về nghịch lý của các doanh nghiệp nhỏ, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy một số điểm bất lợi được nêu dưới đây cũng nằm trong danh sách lợi thế.
BẤT LỢI CỦA DOANH NGHIỆP LỚN
Nếu nhìn vào những điểm bất lợi của doanh nghiệp nhỏ và xem xét mọi khía cạnh, chúng ta có được bức tranh chính xác về lợi thế mà nhiều doanh nghiệp lớn hơn đang nắm. Tuy nhiên, đừng vội nản lòng, hãy xem xét những thiếu sót mà các “ông lớn” thường phạm phải nhất. Các nhược điểm này sẽ lần lượt xuất hiện và được chúng ta nghiên cứu xuyên suốt cuốn sách.
Chỉ tập trung vào những sản phẩm và khách hàng cốt lõi. Các công ty đại chúng quy mô lớn thường chịu áp lực khủng khiếp khi phải công bố thu nhập và lợi nhuận tăng trưởng từng quý. Cách hữu hiệu nhất để đạt được sự tăng trưởng nhất quán, hết quý này tới quý khác là tập trung mạnh mẽ vào những cơ hội lớn nhất trong thị trường cốt lõi và đáng tin cậy nhất của họ. Điều này dẫn đến hệ quả tự nhiên là những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong ngành có khuynh hướng chú trọng tới những sản phẩm, nền tảng, kênh và khách hàng lớn nhất. Do đó, với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, tình thế này cho thấy tiềm năng nắm bắt những cơ hội nhỏ hơn ở các khách hàng ít hấp dẫn trong mắt các “ông lớn”.
Khó thích nghi. Trong nền kinh tế quy mô và có phạm vi lớn, lợi thế của những gã khổng lồ là cho phép họ sản xuất với chi phí thấp hơn trong khi thu về hoa hồng do lợi nhuận lớn hơn. Chi phí cho hoa hồng thường đến với bộ máy đằng sau những sản phẩm và dịch vụ của họ. Chi phí này là một mê cung bao gồm (hoặc gài bẫy) nhiều bộ phận khác nhau của công ty như sản xuất, tiếp thị, kinh doanh, phân phối và tài chính. Sự phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém và rủi ro khi cần thay đổi.
Tâm lý tránh rủi ro. Các doanh nghiệp lớn khó chấp nhận rủi ro hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ, đơn giản vì họ sẽ thiệt hại lớn hơn. Các doanh nghiệp lớn thường sẽ chấp nhận những quan niệm ít rủi ro hơn là những ý tưởng mới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sir James Dyson là người đã thành công sau hơn 5.000 “thất bại” khi theo đuổi việc chế tạo máy hút bụi không túi. Ông phát biểu: “Các công ty lớn có khuynh hướng không chấp nhận rủi ro. Vì thế, đó là cơ hội lớn cho những công ty khởi nghiệp đón lấy và vượt qua đối thủ”. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ nào đang tìm cách vượt qua các đối thủ cùng ngành có quy mô lớn hơn nhiều thì phải có xu hướng chấp nhận thất bại mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, một số công ty lớn vẫn luôn chú trọng tới sự đổi mới và sáng tạo, cũng như được trang bị để chấp nhận rủi ro. Ngay từ những ngày đầu tiên, Salesforce.com đã tận dụng quy mô tương đối nhỏ của mình để tạo lợi thế, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng và khôn khéo cải tiến, sáng tạo trong khi hoạt động ngoài tầm mắt của những gã khổng lồ trên thị trường. Salesforce đã thành công khi đưa sáng kiến hoàn toàn mới mẻ vào thị trường hiện hữu, và chính nhờ đó, những doanh nghiệp khác khó lòng bắt chước cách thức của họ. Và theo chuyên gia cải tiến và đổi mới Clayton Christensen nhận định, Salesforce vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo này, ngay cả khi doanh nghiệp đã phát triển thành “ông lớn” trị giá một tỷ đô-la.
DOANH NGHIỆP NHỎ CẦN ĐẾN BINH PHÁP TÔN TỬ
Có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ dường như đang hoạt động mà không có hoặc quá ít tập trung vào chiến lược. Và khi nhìn kỹ vào những doanh nghiệp này, bạn sẽ hiểu điều đó thường là đúng. Họ hy sinh chiến lược dài hạn để thực hiện những bước đi mang tính chiến thuật ngắn hạn. Nhưng chiến lược để giành thắng lợi không thể đạt được khi áp dụng cùng phương pháp và hy vọng từ tuần này sang tuần kia, từ tháng này sang tháng nọ. Chiến thuật là yếu tố cần thiết, nhưng nếu những bước đi này không được tiến hành dựa trên chiến lược đúng đắn, thì nhiều hoạt động sẽ không tiến triển lớn. Và điều đó đôi khi đúng với công ty của bạn, phải vậy không? Hay là nhiều hơn cả... “đôi khi” nữa?
Công ty của bạn phải có kế hoạch chiến lược thực tế được cân nhắc cẩn thận dựa trên tình hình thực tại của thị trường cạnh tranh. Với kế hoạch đúng đắn đó, mỗi phòng ban trong doanh nghiệp nên có chiến lược và chiến thuật phối hợp tốt nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tối thượng của công ty. Mọi việc bạn làm cần được tính toán để triển khai và thúc đẩy chiến lược đó. Tôi nghĩ rằng trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều biết điều này, nhưng chúng ta thường không hoàn toàn điều hành công ty theo điều mà mình cho là đúng. Nếu chúng ta làm được điều đó thì dịch vụ đào tạo kinh doanh đã không thể trở thành ngành có doanh thu nhiều tỷ đô-la.
PHÉP ẨN DỤ VỀ CHIẾN TRANH NGÀY NAY
Rõ ràng là có một số điều mà Tôn Tử sẽ làm trên thương trường ngày nay khác với chiến trường theo nghĩa đen trong thời Trung Hoa Chiến quốc 2.500 năm trước. Ông liên tục nhấn mạnh vai trò của chiến lược tối thượng nhằm đánh bại “kẻ thù”, hoặc có lẽ ông sẽ cập nhật hai từ đó thành “đối thủ cạnh tranh” trong thời nay. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập tin tức, tận dụng lợi thế của sự liên minh, khôn ngoan hơn đối thủ cạnh tranh, giành vị thế tốt hơn, phân tán lực lượng đối phương và chiến thắng kẻ thù lớn hơn. Và ông cũng nhắc nhở chúng ta về các tính cách cần thiết của một nhà lãnh đạo thành công. Nhưng ông cũng nói nhiều về một nhóm đối tượng hoàn toàn mới vốn không hề quan trọng gì đối với các chiến lược gia quân sự thời xưa: khách hàng. Và nhóm đó sẽ rất hệ trọng đối với chúng ta khi vận dụng các nguyên tắc này.
CÁCH ĐỌC BINH PHÁP TÔN TỬ TRONG KINH DOANH
Cuốn sách này gồm bốn phần: 1) Nắm bắt lợi thế nhờ mưu lược của Tôn Tử; 2) Thấu hiểu: Tinh hoa của Binh pháp Tôn Tử; 3) Nguyên tắc trên chiến trường; 4) Binh pháp Tôn Tử nâng cao: Chiến lược dành cho doanh nghiệp nhỏ. Trong những phần này, chúng ta sẽ khảo sát 12 chủ đề trọng điểm trong Binh pháp được dành riêng cho nhà khởi nghiệp và nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ. Mục tiêu hướng đến là để giúp bạn xây dựng công ty mạnh mẽ, bền vững và thành công hơn.
Có nhiều bản chuyển ngữ của Binh pháp rất hay. Tôi đã dựa phần lớn nghiên cứu vào bản dịch phổ biến của Lionel Giles vì đây là tác phẩm tiếng Anh đầu tiên được hoàn thành của Binh pháp. Tôi cũng cẩn thận nghiên cứu và so sánh nhiều bản dịch đáng tin cậy và thậm chí hơi khác nhau, bao gồm bản dịch của Huynh, Griffith, Huang và phiên bản của Michaelson mà tôi đã nhận tại một hội nghị chuyên đề của Hội Nghiên cứu về Binh pháp của Tôn Tử ở Bắc Kinh. Trừ khi được ghi chú khác, không thì các trích đoạn được sử dụng ở đây là từ bản dịch của Giles. Tác phẩm này hiện tại được sử dụng trong cộng đồng mà không vi phạm tác quyền.
Rất nhiều người đã viết và bàn luận về Tôn Tử. Đa phần là những trích dẫn và trích đoạn được lan truyền lung tung trên Internet theo kiểu truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những “kiến thức quý báu” đó được cho là của Tôn Tử và từ Binh pháp. Nhưng đa số quy kết trên được diễn dịch rất kém, số còn lại là những lời tuyên bố, phát biểu không hề xuất hiện ở bất cứ đâu trong Binh pháp. Do đó, hãy cẩn thận với những lời dạy của Tôn Tử khi bạn áp dụng vào việc kinh doanh của mình. Bạn cần bám theo những bản dịch đáng tin cậy để không bị sai đường.
Và thêm một lưu ý nữa. Một số khái niệm mà tôi chia sẻ sẽ được lặp đi lặp lại. Đôi khi tôi cũng bực mình vì điều này khi đọc các cuốn sách về kinh doanh. Tôi muốn tác giả trình bày tường tận quan điểm của mình, rồi chuyển sang luận điểm khác, chứ đừng cố lấp đầy những trang sách bằng các ý giống hệt nhau. Tuy nhiên, Tôn Tử đã rút ra một số kết luận lặp đi lặp lại trong tác phẩm rất ngắn của ông. Vì vậy, khi bạn thấy cùng một đề tài được nhắc lại nhiều lần trong một hoặc nhiều chương thì điều đó đều có dụng ý của nó. Tất nhiên, dụng ý đó không phải là để lấp đầy trang sách.
NĂM YẾU TỐ BẤT BIẾN CỦA TÔN TỬ
Binh pháp được mở đầu bằng lời dạy của Tôn Tử về năm yếu tố bất biến. Tôi đã dựa trên năm yếu tố này và các nguyên tắc hợp nhất khác để sắp xếp thành mười hai chủ đề cho cuốn sách.
Cố kinh chi dĩ ngũ, hiệu chi dĩ kê nhi sách kỳ tình: nhất viết đạo, nhị viết thiên, tam viết địa, tứ viết tướng, ngũ viết pháp.
Dịch ý: Năm yếu tố bất biến chi phối phép dụng binh, cần được cân nhắc kỹ càng khi tìm cách xác định các điều kiện đạt được trên chiến trường: một là Đạo, hai là Thiên, ba là Địa, bốn là Tướng, năm là Pháp.
Chúng ta hãy khảo sát năm yếu tố này:
1. Đạo
Đạo giả, lệnh dân dữ thượng đồng ý giả dã. Cố khả dữ chi tử, khả dữ chi sinh, nhi bất ngụy dã.
Dịch ý: Đạo khiến dân chúng hoàn toàn đồng tâm, nhất trí với bậc minh quân. Nhờ đó, họ sẽ đi theo vị vua của mình, vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ hiểm nguy.
Đạo chi phối tính cách của vị lãnh tụ, định hình kỷ luật và tổ chức, cũng như tác động mạnh tới sự thành công.
Tôn Tử bàn về Đạo như sau:
Thiện dụng binh giả, tu đạo nhi bảo pháp, cố năng vi thắng chi bại chính.
Dịch ý: Người giỏi dụng binh cần tu đạo, kiện toàn pháp chế và tổ chức.
Đạo là điều không thể bàn cãi, và tôi tin rằng yếu tố tinh thần này sẽ được tuân thủ và áp dụng phù hợp với tư tưởng niềm tin của mỗi độc giả. Chúng ta cũng có thể đưa luân lý, đạo đức vào áp dụng nhằm hợp nhất vì mục tiêu chung của doanh nghiệp nhỏ trong việc phục vụ khách hàng và đãi ngộ nhân viên sao cho thật độc đáo.
2. Thiên
Thiên giả, âm dương, hàn thử, thời chế dã.
Dịch ý: Thiên nói về đêm và ngày, lạnh và nóng, thời gian và thời tiết.
Theo Griffith, chữ Thiên được dùng trong tiết(16) này có nghĩa là “thời tiết”. Khả năng ứng dụng dành cho bạn ở đây là việc quyết định thời gian hành động đúng lúc, trong khi cân nhắc các yếu tố thị trường và những điều kiện tác động tới chúng.
(16) Tiết: Phần nhỏ của chương trong tác phẩm.
3. Địa
Địa giả, cao hạ, viễn cận hiểm dị, quảng hiệp, tử sinh dã.
Dịch ý: Địa bao gồm khoảng cách gần và xa, địa thế hiểm yếu và an toàn, đất rộng và đường hẹp, cơ hội sinh và tử.
Câu nói này phản ánh tầm quan trọng của việc hành động hiệu quả và thông thạo những lợi thế, bất lợi của các loại địa hình khác nhau.
4. Tướng
Tướng giả, trí, tín, nhân, dũng, nghiêm dã.
Dịch ý: Tướng soái phải có các đức tính là mưu trí, thành tín, nhân từ, dũng cảm, nghiêm minh.
Bức tranh đầy đủ của Tôn Tử về tướng soái sẽ được thảo luận trong Chương 7, Chân dung của tướng soái.
5. Pháp
Pháp giả, khúc chế, quan đạo, chủ dụng dã.
Dịch ý: Pháp chế được hiểu như việc tổ chức quân đội thành những đơn vị nhỏ hơn và phù hợp, việc phân chia cấp bậc trong quân ngũ, sự bảo quản đường sá để tiếp tế quân nhu cho quân đội và kiểm soát mức chi tiêu trong hoạt động quân sự.
Kỷ luật, cơ cấu và tổ chức là các yếu tố tối quan trọng đối với Tôn Tử.
Đối với năm yếu tố này, Tôn Tử luận như sau:
… tri chi giả thắng, bất tri chi giả bất thắng.
Dịch ý: ... người biết sẽ đắc thắng, kẻ không biết sẽ tất bại.
Hãy đào sâu nghiên cứu Binh pháp của Tôn Tử và cách mà tác phẩm này có thể giúp bạn thống lĩnh thị trường. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xem xét và hiểu rõ lời dạy cốt yếu của vị tướng lĩnh - triết gia này, bắt đầu từ doanh nghiệp của bạn, sau đó mở rộng ra tất cả đối tượng khác có ảnh hưởng tới sự thành công của bạn.